Cập nhật tình hình Nga-Ukraine – Cố vấn tổng thống Ukraine: Chiến tranh có thể sẽ kết thúc vào tháng Năm

Một quân nhân Ukraine đi ngang qua một tòa nhà bị phá hủy bởi pháo kích, khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine tiếp tục, tại thị trấn Okhtyrka, thuộc vùng Sumy, Ukraine, hôm 14/03/2022. (Ảnh: Iryna Rybakova/Dịch vụ Báo chí của Lực lượng Trên bộ Ukraine/Phát qua Reuters)TÂY DƯƠNG
- Thứ ba, 15/03/2022
Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến tình hình về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine kể từ ngày 09/03/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.
Mời quý vị theo dõi những thông tin ban đầu về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine từ ngày 24-28/02/2022 tại đây, từ 01-04/03/2022 tại đây, và từ 05-08/03 tại đây, từ 09-12/03/2022 tại đây.
Cố vấn tổng thống Ukraine: Chiến tranh có thể sẽ kết thúc vào tháng Năm
Vào cuối ngày thứ Hai (14/03), ông Oleksiy Arestovich, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ kết thúc vào đầu tháng Năm khi Nga cạn kiệt nguồn lực để tấn công nước láng giềng.
Các cuộc đàm phán giữa Kyiv và Moscow — trong đó cá nhân ông Arestovich không tham dự — cho đến nay đã tạo ra rất ít kết quả ngoài một số hành lang nhân đạo dẫn ra khỏi các thành phố Ukraine đang bị bao vây.
Trong một video được một số phương tiện truyền thông Ukraine đăng tải, ông Arestovich cho biết thời điểm chính xác sẽ phụ thuộc vào lượng nguồn lực mà Điện Kremlin sẵn sàng cam kết cho chiến dịch.
“Tôi nghĩ rằng không muộn hơn tháng Năm, đầu tháng Năm, chúng ta sẽ có một hiệp ước hòa bình, có thể là sớm hơn nhiều, chúng ta sẽ thấy, tôi đang nói về những ngày muộn nhất có thể,” ông Arestovich nói.
“Bây giờ chúng ta đang ở ngã ba đường: hoặc là sẽ có một thỏa thuận hòa bình được ký kết rất nhanh chóng, trong vòng một hoặc hai tuần, với việc rút quân và mọi thứ, hoặc là sẽ có một nỗ lực tập hợp một số người, ví dụ, người Syria cho vòng hai, và khi chúng ta cũng phá vỡ họ, một thỏa thuận vào giữa tháng Tư hoặc cuối tháng Tư.”
EU áp đặt vòng trừng phạt thứ tư đối với Nga

Liên minh Âu Châu thông báo vào cuối ngày thứ Hai (14/03) rằng khối 27 quốc gia này đã thông qua một loạt các biện pháp trừng phạt mới để trừng phạt Moscow vì cuộc xâm lược của họ vào Ukraine.
Pháp, quốc gia giữ chức chủ tịch EU, cho biết khối này “tham vấn với các đối tác quốc tế của chúng tôi, đã thông qua gói trừng phạt thứ tư nhắm vào các cá nhân và tổ chức liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine, cũng như một số lĩnh vực của nền kinh tế Nga.”
Tổng thống Pháp cho biết trong một tuyên bố rằng khối cũng đã thông qua một tuyên bố với Tổ chức Thương mại Thế giới “về việc đình chỉ áp dụng điều khoản tối huệ quốc đối với Nga và đình chỉ việc xem xét đơn xin gia nhập WTO của Belarus.”
Nếu Nga bị đình chỉ, các công ty của nước này sẽ không còn được đối xử đặc biệt trong toàn khối.

Người đứng đầu NATO cho biết Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine
Hôm 13/03, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học trong cuộc chiến với Ukraine, mà người đứng đầu liên minh cho rằng việc này sẽ trở thành tội ác chiến tranh.
“Trong những ngày gần đây, chúng tôi đã nghe thấy những tuyên bố vô lý về các phòng thí nghiệm vũ khí hóa học và sinh học,” ông Stoltenberg nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Welt am Sonntag, đồng thời cho biết thêm rằng ông tin Điện Kremlin đang cố tạo ra một cái cớ giả để biện minh cho điều không thể biện minh.
Cảnh báo của ông Stoltenberg được đưa ra khi các quan chức Nga tuyên bố hôm 07/03 rằng quân đội Hoa Kỳ đã tham gia vào việc phát triển vũ khí hóa học hoặc sinh học trong các phòng thí nghiệm trên khắp Ukraine, một dự án được hỗ trợ bởi Cơ quan Giảm thiểu Mối đe dọa Quốc phòng, một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DoD).
“Khi mà giờ đây những tuyên bố sai sự thật này đã được đưa ra, chúng ta vẫn phải cảnh giác vì có khả năng chính Nga cũng có thể đang lên kế hoạch cho các hoạt động vũ khí hóa học dưới vỏ bọc của những lời ngụy biện này. Đó sẽ là một tội ác chiến tranh,” người đứng đầu NATO nói.
Tổng thống Ukraine sẽ trình bày trực tuyến trước Quốc hội Hoa Kỳ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ trình bày trực tuyến trước các thành viên của cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 16/03 để cung cấp thông tin cập nhật về cuộc xâm lược của Nga.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer đã thông báo về cuộc họp này trong một bức thư chung đề ngày 14/03 gửi cho các đồng nghiệp trong Quốc hội của họ.
“Quốc hội, đất nước chúng ta và thế giới kính phục người dân Ukraine, những người đã thể hiện lòng dũng cảm, kiên cường và quyết tâm phi thường khi đối mặt với cuộc chiến vô cớ, tàn ác và bất hợp pháp của Nga,” bà Pelosi và ông Schumer viết.
“Khi chiến tranh diễn ra dữ dội ở Ukraine, với lòng tôn trọng và sự ngưỡng mộ lớn lao dành cho người dân Ukraine, chúng tôi mời tất cả các thành viên của Hạ viện và Thượng viện tham dự Bài diễn văn Trực tuyến trước Quốc hội Hoa Kỳ do Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine trình bày vào thứ Tư, ngày 16/03 lúc 9 giờ sáng.”
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cảnh báo chiến tranh hạt nhân là một ‘trong những khả năng có thể xảy ra’ ở Ukraine
Hôm thứ Hai (14/03), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết viễn cảnh về một cuộc chiến tranh hạt nhân hiện là một “trong những khả năng có thể xảy ra” khi Nga tiếp tục cuộc xâm lược kéo dài hàng tuần vào Ukraine.
Hai tuần trước, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cho biết vào thời điểm đó khái niệm về một cuộc xung đột hạt nhân là “không tưởng”, nhưng ông lưu ý rằng quyết định đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động cao của Điện Kremlin là một “diễn biến đáng sợ”.
Vài ngày sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine hôm 24/02, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh đặt các lực lượng răn đe hạt nhân của nước ông trong tình trạng cảnh giác cao độ. Ông Putin cho rằng đó là do các lệnh trừng phạt kinh tế của các quốc gia phương Tây đối với đất nước của ông.
Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc không giúp Nga xâm lược Ukraine khi đoàn xe đầu tiên chạy khỏi Mariupol
Hôm thứ Hai (14/03), Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc không giúp Nga xâm lược Ukraine trong bối cảnh Moscow cho phép đoàn xe đầu tiên thoát khỏi thành phố bị bao vây Mariupol, nơi diễn ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất của cuộc xung đột này.
Kể từ tuần đầu tiên của cuộc xâm lược, cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia Âu Châu kể từ Đệ Nhị Thế Chiến, cảng phía đông nam này đã bị quân Nga bao vây, khiến hàng trăm ngàn người phải trú ẩn mà không có thức ăn hoặc nước uống.
Nga vẫn chưa chiếm được bất kỳ thành phố nào trong số 10 thành phố lớn nhất ở Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công ngày 24/02, mà Điện Kremlin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa và “phi phát xít hóa” nước láng giềng.
Ông Andrei Rempel, một đại diện của hội đồng thành phố Mariupol nói với Reuters: “Trong hai giờ đầu tiên, 160 chiếc xe đã rời đi.”
“Thành phố tiếp tục bị ném bom nhưng con đường này không bị pháo kích.”
Nga cho biết họ không nhắm vào dân thường.
Nhưng ông Kyrylo Tymoshenko, một phụ tá cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó cho biết Nga đã một lần nữa chặn một đoàn xe viện trợ nhân đạo đang cố gắng tiếp cận thành phố với vật tư tiếp tế.
Có được lối đi an toàn cho hoạt động viện trợ tiếp cận Mariupol và dân thường thoát ra ngoài là nhu cầu chính của Kyiv tại một số vòng đàm phán. Tất cả các nỗ lực trước đó nhằm ngừng bắn cục bộ trong khu vực này đều đã thất bại.
Tòa án thế giới sẽ ra phán quyết cho vụ Ukraine kiện Nga vào ngày 16/03
Hôm thứ Hai (14/03), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cho biết họ sẽ ra phán quyết cho vụ Ukraine kiện Nga vào ngày 16/03.
Trong một phiên điều trần bị Nga từ chối tham gia hôm 07/03, Ukraine đã yêu cầu tòa án ra lệnh cho Nga ngừng các hoạt động quân sự vì cho rằng cuộc xâm lược dựa trên cách giải thích sai lầm về hiệp ước diệt chủng của Liên Hiệp Quốc.
Nghị viện của quốc gia thành viên NATO Estonia kêu gọi ‘lập tức’ thành lập vùng cấm bay
Quốc hội Estonia hôm thứ Hai (14/03) đã kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc “lập tức thực hiện các bước để thiết lập vùng cấm bay” trên lãnh thổ Ukraine nhằm ngăn chặn thêm thương vong dân sự khi cuộc chiến nhiều hướng của Nga nhằm vào đất nước này ngày càng dữ dội hơn.
Estonia là quốc gia thành viên NATO đầu tiên chính thức kêu gọi thực hiện vùng cấm bay trong bối cảnh Nga tiếp tục xâm lược.
“Riigikogu (Quốc hội Estonia) bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với những người bảo vệ và người dân của chính phủ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Liên bang Nga – nước đã tiến hành một cuộc chiến tranh tội ác, và kêu gọi thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối đối với Ukraine trong cuộc chiến giữ gìn tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ,” Quốc hội Estonia cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai.
Tây Ban Nha yêu cầu Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để chấm dứt chiến tranh
Hôm thứ Hai (14/03), Thứ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha José Manuel Albares cho biết ông đã yêu cầu người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sử dụng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Moscow để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
“Chúng ta đang ở một thời điểm lịch sử đòi hỏi trách nhiệm và tầm nhìn của tất cả các nhà lãnh đạo thế giới,” ông Albares nói với ông Vương trong một cuộc điện đàm hôm thứ Hai, theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha.
Bộ cho biết ông Albares đã lên án “cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine” bằng cách nói với ông Vương rằng “Nga đã hủy hoại nền tảng của hòa bình và ổn định ở Âu Châu và đe dọa cộng đồng quốc tế.”
Cố vấn thị trưởng: Di tản ở Mariupol đang được tiến hành sau nhiều lệnh ngừng bắn bị thất bại trước đó
Theo một cố vấn của thị trưởng thành phố, việc di tản thành phố Mariupol bị bao vây của Ukraine đang được tiến hành, sau nhiều nỗ lực để đạt được một lệnh ngừng bắn cho phép một hành lang nhân đạo hoạt động an toàn thất bại.
Ông Petro Andrushenko, một cố vấn của thị trưởng Mariupol, cho biết trong một bài đăng trên Facebook hôm thứ Hai (14/03) rằng, tính đến 1 giờ chiều theo giờ địa phương, một lệnh ngừng bắn đang được duy trì dọc theo hành lang dẫn ra khỏi thành phố về phía Zaporizhia.
“Hãy giúp mọi người ra khỏi đây! Hãy gọi, viết cho tất cả những người mà quý vị có thể tiếp cận!” ông viết, trong khi cảnh báo rằng chính phủ địa phương Ukraine không thể chính thức bảo đảm an toàn trên hành lang này.
Tuy nhiên, ông nói rằng tuyến đường di tản đã hoạt động và người dân có thể rời đi bằng các phương tiện giao thông của riêng họ. Ông cho biết khoảng 160 phương tiện đã tìm cách khởi hành khỏi Mariupol qua hành lang này.
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin: Cuộc xâm lược của Nga đang diễn ra theo đúng kế hoạch
Hôm thứ Hai (14/03), phát ngôn viên hàng đầu của Điện Kremlin cho biết cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch và “nằm trong khung thời gian” đã được “phê chuẩn từ trước”.
“Các lực lượng vũ trang Nga đang sử dụng vũ khí hiện đại có độ chính xác cao, chỉ đánh vào các cơ sở hạ tầng thông tin quân sự. Mọi kế hoạch của lãnh đạo Nga sẽ được thực hiện đầy đủ trong khung thời gian đã được phê chuẩn trước,” ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Putin, khẳng định với truyền thông nhà nước.
Ông Peskov từ chối bình luận về việc cuộc chiến mà chính phủ Nga mô tả là “chiến dịch quân sự đặc biệt” sẽ kéo dài bao lâu. Ông Peskov cũng có vẻ phản đối nhiều tin tức và tuyên bố từ các quan chức Ukraine, những người nói rằng Nga đang nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả bệnh viện.
Các cuộc đàm phán Nga-Ukraine đã kết thúc nhưng sẽ tiếp tục vào ngày 15/03
Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết các cuộc đàm phán với Nga đã kết thúc vào ngày thứ Hai nhưng sẽ tiếp tục vào thứ Ba (15/03).
Hai nước đã tổ chức đàm phán qua video lần đầu tiên hôm 10/03 trong khuôn khổ được coi là vòng đàm phán thứ tư sau ba cuộc gặp không kết quả được tổ chức trực tiếp tại biên giới Belarus.
“Một đợt tạm dừng mang tính kỹ thuật đã được thực hiện trong các cuộc đàm phán cho đến ngày mai,” ông Podolyak viết trên Twitter. “Các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục.”
Trước đó, ông đã nói rằng “việc liên lạc đang được thực hiện, nhưng rất khó.”
Điện Kremlin bác bỏ tin tức cáo buộc Nga yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ quân sự
Hôm thứ Hai (14/03), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ thông tin từ báo chí cáo buộc rằng Nga đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ quân sự để thúc đẩy cuộc tấn công ở Ukraine.
“Không, Nga có tiềm năng riêng để tiếp tục chiến dịch này, mà như chúng tôi đã nói, nó đang diễn ra theo đúng kế hoạch và sẽ được hoàn thành đầy đủ và đúng hạn,” ông Peskov nói với các phóng viên.
Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng chiến dịch ở Ukraine đang diễn ra theo kế hoạch và quân đội Nga đang bảo đảm “an ninh tối đa cho dân thường.”
Ông nói thêm rằng “đồng thời trong khi bảo đảm an ninh tối đa cho dân thường, Bộ Quốc phòng không loại trừ khả năng giành toàn quyền kiểm soát các khu định cư lớn mà hiện nay trên thực tế đã bị bao vây, ngoại trừ các khu vực được sử dụng để di tản nhân đạo.”
Đức sẽ không cung cấp thêm chi tiết nào về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine
Chính phủ Đức cho biết họ sẽ không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Phát ngôn viên chính phủ Wolfgang Buechner nói với các phóng viên hôm thứ Hai (14/03) rằng “để tránh các rủi ro an ninh” Đức sẽ không tiết lộ thêm bất kỳ thông tin nào về loại vũ khí được viện trợ hoặc cách thức mà vũ khí sẽ được viện trợ cho Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Arne Collatz nói thêm rằng “mục tiêu của những kẻ xâm lược Nga là cắt các tuyến đường tiếp tế của Ukraine và khiến cho việc phòng thủ (của họ) trở nên khó khăn hơn, và chúng tôi không muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc này.”
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải Đức cho biết họ đã tắt các luồng camera trực tuyến trên các tuyến đường cao tốc của đất nước vì lý do an ninh, nhưng từ chối cho biết chi tiết.
Phó Thủ tướng Ukraine: Đã đạt được thỏa thuận về 10 hành lang nhân đạo cho ngày 14/03
Phó Thủ tướng Iryna Vereschuk cho biết, Ukraine sẽ cố gắng di tản dân thường bị mắc kẹt thông qua 10 “hành lang nhân đạo” vào thứ Hai (14/03), bao gồm từ các thị trấn gần thủ đô Kyiv và ở khu vực phía đông Luhansk.
“Một lần nữa, chúng tôi sẽ cố gắng khai thông cho đoàn xe nhân đạo chở thực phẩm và thuốc men từ Berdiansk (ở đông nam Ukraine) đến (thành phố cảng Mariupol),” bà nói trong một video.
Vòng đàm phán hòa bình thứ tư giữa Nga-Ukraine bắt đầu
Ukraine cho biết họ đã bắt đầu các cuộc đàm phán “khó khăn” về một lệnh ngừng bắn, việc rút quân ngay lập tức và các bảo đảm an ninh với Nga hôm thứ Hai (14/03), bất chấp vụ pháo kích gây tử thương vào một tòa nhà dân cư ở Kyiv.
Cả hai bên đều ghi nhận những tiến triển hiếm hoi vào cuối tuần sau khi các vòng trước đó chủ yếu tập trung vào việc ngừng bắn để viện trợ cho các thị trấn và thành phố đang bị lực lượng Nga bao vây và di tản dân thường.
Đăng trực tuyến trước cuộc đàm phán, nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak viết: “Các cuộc đàm phán. Vòng 4. Về hòa bình, ngừng bắn, rút quân ngay lập tức và các bảo đảm an ninh.” Sau đó, ông cho biết các cuộc thảo luận đã bắt đầu nhưng rất khó khăn vì hệ thống chính trị của Nga và Ukraine quá khác nhau.
Đường dây điện của nhà máy Chernobyl bị quân Nga làm hỏng một lần nữa sau khi được sửa chữa
Công ty điện lực quốc gia Ukraine cho biết đường dây cung cấp điện cho địa điểm xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl 1986 đã bị quân Nga làm hư hại một lần nữa sau khi được sửa chữa.
Công ty Ukrenergo cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai (14/03) rằng các kỹ thuật viên của họ đã bắt đầu cung cấp điện vào tối ngày Chủ Nhật nhưng “trước khi nguồn điện được khôi phục hoàn toàn, lực lượng chiếm đóng đã làm hỏng đường dây điện một lần nữa.” Ukrenergo cho biết họ sẽ lại cố gắng sửa chữa một lần nữa.
Nguồn điện được sử dụng để cung cấp cho máy bơm và các thiết bị khác giúp giữ cho nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại nhà máy điện cũ này được làm mát, nhằm ngăn ngừa rò rỉ phóng xạ.
Nhà máy Chernobyl cũng được trang bị các máy phát điện chạy dầu diesel, và các nhà chức trách Belarus tuần trước cho biết họ đã thiết lập một nguồn cung cấp điện khẩn cấp từ biên giới gần đó.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã hạ thấp lo ngại về sự an toàn của chất thải hạt nhân tại Chernobyl, nói rằng các ao làm mát ở đó đủ lớn để giữ cho nhiên liệu đã qua sử dụng ở điều kiện an toàn ngay cả khi nguồn điện bị gián đoạn.
Đàm phán tiếp tục khi Nga gây sức ép lên thủ đô Kyiv của Ukraine
Các lực lượng quân sự của Nga đã tiếp tục chiến dịch trừng phạt của họ nhằm chiếm thủ đô của Ukraine bằng các cuộc giao tranh và pháo kích ở các vùng ngoại ô của Kyiv hôm thứ Hai (14/03), sau khi một cuộc không kích vào một căn cứ quân sự gần biên giới Ba Lan đưa cuộc chiến này gần kề một cách nguy hiểm tới ngưỡng cửa của NATO.
Một vòng đàm phán mới giữa các quan chức Nga và Ukraine đã làm dấy lên hy vọng rằng sẽ đạt được tiến triển trong việc di tản dân thường khỏi các thành phố bị bao vây của Ukraine và tiếp tế khẩn cấp đến những khu vực không có đủ lương thực, nước uống, và thuốc men.
Cảnh báo không kích đã vang lên ở các thành phố và thị trấn trên khắp đất nước trong đêm, từ gần biên giới Nga ở phía đông đến dãy núi Karpat ở phía tây, khi giao tranh tiếp tục ở ngoại ô Kyiv. Các quan chức Ukraine cho biết quân đội Nga đã nã pháo vào một số vùng ngoại ô của thủ đô, một mục tiêu chính trị và chiến lược chính cho cuộc xâm lược đang ở ngày thứ 19 của họ.
Giới chức Ukraine cho biết hai người đã thiệt mạng và bảy người bị thương sau khi lực lượng Nga tấn công một nhà máy sản xuất phi cơ ở Kyiv, gây ra một đám cháy lớn. Nhà máy Antonov là nhà máy sản xuất phi cơ lớn nhất của Ukraine và nổi tiếng với việc sản xuất nhiều phi cơ chở hàng lớn nhất thế giới.
Các nhà chức trách cho biết pháo binh Nga cũng bắn trúng một tòa nhà chung cư chín tầng ở một quận phía bắc thành phố, khiến hai người khác thiệt mạng. Các nhân viên cứu hỏa đã làm việc để giải cứu những người sống sót, đưa một người phụ nữ bị thương lên cáng rời khỏi tòa nhà cháy đen và vẫn còn đang bốc khói mù mịt.
Quan chức Hoa Kỳ: Nga tìm kiếm viện trợ quân sự từ Trung Quốc
Một quan chức Hoa Kỳ cho biết Nga đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự để sử dụng trong cuộc xâm lược Ukraine, một yêu cầu làm gia tăng căng thẳng về cuộc chiến đang diễn ra trước cuộc họp hôm thứ Hai (14/03) tại Rome giữa các phụ tá hàng đầu đại diện cho Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trước cuộc hội đàm, Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đã thẳng thừng cảnh báo Trung Quốc tránh giúp Nga trốn tránh hình phạt từ các lệnh trừng phạt toàn cầu đã giáng xuống nền kinh tế nước này. “Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó tiếp diễn,” ông nói. Đến lượt mình, hôm thứ Hai Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ phát tán “thông tin sai lệch”.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ đang được tiến hành vào khoảng 11 giờ 50 phút sáng theo giờ Rome (10 giờ 50 phút giờ GMT), nhưng không cho biết thêm chi tiết nào khác.
Nhiều người chạy nạn hơn do các cuộc tấn công của Nga ở miền Tây Ukraine
Hôm thứ Hai (14/03), những người chạy khỏi những nơi cho đến gần đây còn tương đối an toàn ở miền Tây Ukraine đã gia nhập hàng ngàn người vượt biên sang Đông Âu sau khi Nga tăng cường các cuộc tấn công, gây ra lo ngại về một cuộc di cư thậm chí còn lớn hơn.
Moscow đã mở rộng cuộc tấn công vào ngày Chủ Nhật với cuộc không kích vào một căn cứ gần biên giới với Ba Lan, một thành viên NATO. Ukraine cho biết 35 người đã thiệt mạng tại căn cứ này trong khi Moscow cho biết có tới 180 “lính đánh thuê ngoại quốc” đã thiệt mạng và một lượng lớn vũ khí ngoại quốc đã bị phá hủy. Ukraine cũng ghi nhận các cuộc không kích mới vào một phi trường ở miền tây đất nước.
Dữ liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy, khi cuộc chiến bước sang tuần thứ ba, số người tị nạn chạy khỏi cuộc xâm lược của Nga đã lên tới 2.7 triệu người, trong những gì đã trở thành cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất ở Âu Châu kể từ Đệ Nhị Thế Chiến.
Tuy nhiên, hàng triệu người cũng đã phải di dời bên trong Ukraine, với nhiều người chỉ di tản đến các khu vực phía tây, bao gồm cả đến các thành phố như Lviv.
Đài Loan cho biết ASUS sẽ ‘di tản’ khỏi Nga sau khi Ukraine thúc giục rút lui

Nhà sản xuất máy tính cá nhân Đài Loan ASUS sẽ cân nhắc về danh tiếng của mình và đưa ra một kế hoạch “di tản” nhân viên và doanh nghiệp của mình ở Nga, Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan cho biết hôm thứ Hai (14/03), sau khi một bộ trưởng Ukraine yêu cầu công ty này rời khỏi Nga.
Ông Mykhailo Fedorov, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine, đã tweet một bức thư hôm thứ Năm gửi Chủ tịch Jonney Shih của ASUS, kêu gọi công ty chấm dứt hoạt động kinh doanh tại Nga. Moscow đã xâm lược Ukraine trong cái mà chính phủ Nga gọi là một “chiến dịch đặc biệt”.
“ASUS, người Nga không có quyền đạo đức để sử dụng công nghệ tuyệt vời của quý công ty! Công nghệ đó là vì hòa bình, không phải chiến tranh!” ông Fedorov đã thêm vào một tweet riêng biệt.
Khi được hỏi về bức thư, Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa (Wang Mei-hua) cho biết Đài Loan đứng cùng các nền dân chủ khác và đã có hành động chống lại Nga, nhưng không thể bình luận về những gì các công ty cá nhân đang làm.
Công ty có tên chính thức là ASUSTeK Computer Inc này đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Instagram thông báo dịch vụ ở Nga sẽ ngừng hoạt động từ nửa đêm

Người dùng Instagram ở Nga đã được thông báo rằng dịch vụ này sẽ ngừng hoạt động từ nửa đêm hôm Chủ Nhật (13/03) sau khi công ty sở hữu Meta Platforms cho biết vào tuần trước rằng họ sẽ cho phép người dùng mạng xã hội ở Ukraine đăng các thông điệp như “những kẻ xâm lược Nga phải chết.”
Một tin nhắn qua thư điện tử từ cơ quan quản lý truyền thông nhà nước yêu cầu người dùng lấy ảnh và video của họ khỏi Instagram trước khi ứng dựng này ngừng hoạt động, đồng thời khuyến khích họ chuyển sang “các nền tảng internet cạnh tranh” của riêng Nga.
Meta, công ty cũng sở hữu Facebook, cho biết hôm thứ Sáu (11/03) rằng sự thay đổi tạm thời trong chính sách về phát ngôn thù hận của họ chỉ áp dụng cho Ukraine, sau cuộc xâm lược của Nga hôm 24/02.
Công ty này cho biết sẽ là sai lầm nếu ngăn cản người Ukraine “thể hiện sự phản kháng và giận dữ trước các lực lượng quân đội xâm lược.”
Quyết định này đã được hồi đáp bằng sự phẫn nộ ở Nga, nơi các nhà chức trách đã mở một cuộc điều tra hình sự chống lại Meta và các công tố viên hôm thứ Sáu đã yêu cầu một tòa án chỉ định đại công ty công nghệ Hoa Kỳ này là một “tổ chức cực đoan”.
Người đứng đầu Instagram cho biết quyết định này sẽ ảnh hưởng đến 80 triệu người dùng. Nga đã cấm Facebook tại quốc gia này để đáp lại những gì họ nói là hạn chế quyền truy cập vào các phương tiện truyền thông Nga trên nền tảng này.
Công ty thép lớn nhất Ukraine cho biết đạn pháo bắn trúng nhà máy than cốc Avdiivka
Công ty thép lớn nhất Ukraine Metinvest cho biết đạn pháo đã rơi trúng khu đất của nhà máy than cốc Avdiivka của họ vào Chủ Nhật (13/03), làm hư hại một số cơ sở.
Trước đó, văn phòng công tố viên cho biết năm hỏa tiễn đã bắn trúng nhà máy này, vốn đã đình chỉ hoạt động sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Metinvest, đa phần thuộc sở hữu của người giàu nhất Ukraine, ông trùm kinh doanh Rinat Akhmetov, cho biết không ai bị thương trong vụ pháo kích nhắm trúng hai phân xưởng luyện cốc và các khu vực khác này.
Công ty cũng cho biết, nhà máy nhiệt điện của địa điểm này, vốn cung cấp nhiệt cho thị trấn Avdiivka lân cận, đã ngừng hoạt động.
Avdiivka là một trong những nhà máy sản xuất than cốc lớn nhất ở Âu Châu và là nhà sản xuất than cốc để luyện thép chính ở Ukraine.
Ukraine đã bắt đầu sử dụng nhận dạng khuôn mặt của Clearview AI trong chiến tranh
Bộ Quốc phòng Ukraine đã bắt đầu sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Clearview AI hôm thứ Bảy (12/03), sau khi công ty khởi nghiệp Hoa Kỳ này đề nghị giúp phát hiện những kẻ tấn công Nga, chống lại thông tin sai lệch và xác định danh tính người tử vong, giám đốc điều hành của công ty nói với Reuters.
Ông Lee Wolosky, cố vấn của Clearview và là cựu quan chức ngoại giao dưới thời các Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Joe Biden, cho biết thêm Ukraine đang nhận được quyền truy cập miễn phí vào công cụ tìm kiếm khuôn mặt mạnh mẽ của Clearview AI, cho phép các nhà chức trách có thể kiểm tra những người đáng nghi tại các trạm kiểm soát, ngoài những công dụng khác.
Các kế hoạch này bắt đầu hình thành sau khi Nga xâm lược Ukraine và Giám đốc Điều hành Clearview Hoan Ton-That đã gửi một lá thư tới Kyiv đề nghị hỗ trợ, theo một bản sao mà Reuters thu thập được.
Clearview cho hay họ đã không cung cấp công nghệ này cho Nga, vốn gọi các hành động của nước này ở Ukraine là một “chiến dịch đặc biệt”.
Bộ Quốc phòng Ukraine đã không phúc đáp yêu cầu bình luận. Trước đây, một phát ngôn viên của Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine cho biết họ đang xem xét các đề nghị từ các công ty trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại Hoa Kỳ như Clearview. Nhiều doanh nghiệp phương Tây đã cam kết giúp đỡ Ukraine, cung cấp cương liệu internet, các công cụ an ninh mạng và các hỗ trợ khác.
Hàng chục ngàn người biểu tình ở Berlin phản đối chiến tranh ở Ukraine
Có tới 30,000 đàn ông, phụ nữ, và trẻ em đã tham gia một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở trung tâm Berlin vào hôm Chủ Nhật (13/03), với nhiều người vẫy cờ Ukraine hoặc cầm biểu ngữ có khẩu hiệu phản đối cuộc xâm lược của Nga.
Tập trung gần Cổng Brandenburg, biểu tượng của một nước Đức bị chia cắt trong Chiến Tranh Lạnh, những người biểu tình – bao gồm cả những người ngồi trên xe lăn và các em bé ngồi trên xe đẩy – đi qua các đường phố ở Berlin, đôi khi cầu nguyện và hát.
Các khẩu hiệu trên các tấm áp phích và biểu ngữ bao gồm “Ngăn chặn ông Putin”, “Ngừng chiến tranh”, “Lính Nga hãy về nhà” và “Đoàn kết với Ukraine!”
Người biểu tình Helene Krass nói: “Trên tất cả, điều vô cùng quan trọng đối với người Ukraine là chúng ta sẽ không quên họ, không phải trong hai tuần tới và cả sau đó nữa.”
“Nếu chúng ta xuống phố vào mỗi Chủ Nhật trong một năm thì điều đó cũng tốt thôi,” cô nói.
Một số người biểu tình thậm chí còn ủng hộ việc giao vũ khí cho Ukraine. Cuộc xâm lược của Nga đã khiến Đức phá vỡ điều cấm kỵ thời hậu Đệ Nhị Thế Chiến là không cung cấp vũ khí cho các khu vực xung đột. Đức hiện đang gửi cho Ukraine vũ khí chống tăng và hỏa tiễn đất đối không Stinger từ kho dự trữ quân sự của nước này.
“Các biện pháp trừng phạt có thể được đưa ra nhằm vào nền kinh tế và điều đó là quan trọng nhưng chúng ta cũng nên xem xét điều gì giúp ích được cho quân đội Ukraine trong thời kỳ chiến tranh và đáng buồn thay, đó là vũ khí,” một người biểu tình khác nói.
Cảnh sát cho biết có khoảng 20,000 đến 30,000 người tham gia cuộc biểu tình này, ít hơn một nửa so với 100,000 người đã xuống đường cách đây hai tuần.
Ukraine cho biết đường dây điện của Chernobyl đã được khôi phục
Ukraine cho biết họ đã khôi phục một đường dây điện bị đứt cho nhà máy điện Chernobyl, hiện trường của thảm họa hạt nhân năm 1986, hiện do quân đội Nga nắm giữ.
Bộ trưởng Năng lượng Herman Halushchenko nói rằng “những người hùng” của công ty lưới điện quốc gia đã tìm cách khôi phục kết nối. Năng lượng điện được sử dụng để chạy các máy bơm giúp làm mát nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng để ngăn chặn rò rỉ phóng xạ.
Hôm thứ Tư (09/03), Ukraine cho biết điện đã bị ngắt tại nhà máy này và có đủ nhiên liệu diesel để chạy các máy phát điện tại chỗ trong 48 giờ. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã hạ thấp những lo ngại, cho biết họ thấy có ít nguy cơ các bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng này sẽ quá nóng ngay cả khi không có điện.
Hôm thứ Năm (10/03), Belarus cho biết họ đã thiết lập một đường dây điện khẩn cấp đến Chernobyl từ biên giới gần đó.
Tòa Bạch Ốc: NATO sẽ đáp trả ‘với toàn bộ lực lượng’ nếu Nga tấn công
NATO sẽ đáp trả “với toàn bộ lực lượng” nếu Nga tấn công bất kỳ lãnh thổ nào của liên minh này, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết hôm Chủ Nhật (13/03).
Ông nói với CBS News, vụ việc này sẽ kích hoạt Điều 5 của NATO, trong đó nói rằng một cuộc tấn công vào một quốc gia NATO sẽ được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các đồng minh. Ông Sullivan không cho biết mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công phải là như thế nào để kích hoạt điều khoản trên.
“Tất cả những gì tôi sẽ nói là nếu Nga tấn công, bắn phá, bắn vào lãnh thổ NATO, thì liên minh NATO sẽ đáp trả điều đó,” ông nói và nói thêm rằng Tòa Bạch Ốc “đã nhiều lần nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ làm việc với các đồng minh của chúng tôi để bảo vệ từng tấc lãnh thổ NATO, và điều đó có nghĩa là từng tấc một.”
Đồng thời, ông Sullivan lưu ý rằng “nguy cơ leo thang với một cường quốc hạt nhân là rất nghiêm trọng, và đó là một loại xung đột khác với những xung đột mà người dân Mỹ đã chứng kiến trong nhiều năm qua,” ông Sullivan cũng nói với CNN. Ông tiếp tục nói: “Khi mọi thứ diễn ra như ngày hôm nay, Hoa Kỳ đã không điều chỉnh lập trường về hạt nhân của chúng ta, nhưng đó là điều mà chúng tôi theo dõi từng ngày.”
Ký giả Hoa Kỳ Brent Renaud bị thiệt mạng ở Ukraine
Ký giả và nhà làm phim người Mỹ Brent Renaud đã bị bắn tử vong trong một khu vực giao tranh gần Kyiv, Ukraine, cảnh sát trưởng khu vực cho biết hôm Chủ Nhật (13/03).
Ông Andrey Nebitov, người đứng đầu Cảnh sát Quốc gia ở khu vực Kyiv, cáo buộc quân đội Nga đã sát hại ông Renaud ở Irpin, một vùng ngoại ô phía tây bắc của Kyiv. Thị trấn này đã trở thành mục tiêu của các cuộc pháo kích nặng nề của lực lượng Nga trong tuần qua.
“Một phóng viên truyền thông nổi tiếng thế giới 51 tuổi đã bị bắn tại Irpin hôm nay,” ông Nebitov viết trên Facebook, nói thêm rằng “một ký giả khác đã bị thương.”
Xe buýt chở đầy người tị nạn Ukraine bị lật ở Ý; một người phụ nữ thiệt mạng
Một chiếc xe buýt chở người tị nạn Ukraine đã bị lật trên một đường cao tốc lớn ở miền bắc nước Ý vào rạng sáng ngày Chủ Nhật (13/03), khiến một người mẹ trẻ thiệt mạng, các nhân viên cứu hỏa Ý và các bản tin cho biết.
Đài truyền hình quốc gia Ý cho biết cũng có năm người bị thương, nhưng không có trường hợp nào bị thương nghiêm trọng, trong vụ tai nạn trên đường cao tốc A14 gần Forli, một thị trấn ở vùng Emilia-Romagna, đông bắc nước Ý. Họ cho biết những người còn lại trên xe đã được di tản an toàn.
Chiếc xe buýt dừng lại trên một con dốc đầy cỏ ngay bên ngoài lan can đường cao tốc và gần một cánh đồng nông trại. Các nhân viên cứu hỏa đã sử dụng hai cần cẩu trong hoạt động giải cứu để đặt chiếc xe buýt thẳng đứng trở lại và di dời nó sau khi giúp những người sống sót thoát ra khỏi chiếc xe.
Nguyên nhân của vụ tai nạn đang được điều tra. Quan chức cảnh sát đường cao tốc Andrea Biagioli cho biết ở đó không có vết trượt nào.
“Có thể là do (người lái xe) đột nhiên ngủ gật,” ông Biagioli nói với đài truyền hình quốc gia, nhấn mạnh rằng dù sao đi nữa thì vẫn chưa xác định được nguyên nhân.