Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 28/2/2022


Spread the love

Các quan chức Nga và Ukraine tham gia cuộc đàm phán tại khu vực Gomel, Belarus, hôm 28/02/2022. (Ảnh: Sergei Kholodilin/BelTA/Phân phát qua Reuters)TÂY DƯƠNG

Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến tình hình, với tin mới nhất ở phần trên cùng:

———
Tổng thống Ukraine ký đơn chính thức yêu cầu gia nhập EU

Một cố vấn hàng đầu của tổng thống Ukraine cho biết, vòng đàm phán đầu tiên với Nga về việc chấm dứt giao tranh ở Ukraine đã kết thúc và nhiều cuộc đàm phán hơn có thể sẽ sớm diễn ra.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine đã ký đơn xin gia nhập Liên minh u Châu của Ukraine, nhằm củng cố mối quan hệ của nước này với phương Tây.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đăng những bức ảnh ghi lại cảnh ông ký đơn và văn phòng của ông cho biết thủ tục giấy tờ đang được chuyển đến Brussels, nơi đặt trụ sở chính của 27 quốc gia EU.

———
Ukraine ‘không sẵn sàng đầu hàng’ Nga

Ukraine tuyên bố sẽ không đầu hàng Nga trong bối cảnh các đại biểu của cả hai nước đang có các cuộc đàm phán dọc biên giới.

“Ukraine sẵn sàng tiếp tục tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, nhưng Ukraine không sẵn sàng đầu hàng có điều kiện hoặc vô điều kiện,” Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói với CNBC hôm thứ Hai (28/02), vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố xâm lược Ukraine.

Ông Kuleba nói với hãng thông tấn này rằng ông không chắc liệu các cuộc đàm phán sẽ thành công hay không. Hôm Chủ Nhật (27/02), các quan chức Ukraine xác nhận sẽ có các cuộc đàm phán dọc theo biên giới Ukraine-Belarus.

“Tôi là một nhà ngoại giao, tôi phải tin vào sự thành công của các cuộc đàm phán, nhưng đồng thời mục tiêu chính của tôi với tư cách là một nhà ngoại giao bây giờ là áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với Nga, đưa nhiều vũ khí hơn đến Ukraine, và cô lập Nga nhiều nhất có thể trong khả năng của chúng tôi trên trường quốc tế, vì vậy tôi tập trung vào phần này của ngoại giao,” ông nói và cho biết thêm rằng “chúng tôi không chỉ đại diện cho bản thân mà còn cho trật tự thế giới như tất cả chúng ta đều biết.”

———
Nga-Ukraine bắt đầu đàm phán ngừng bắn

Các cuộc đàm phán giữa các quan chức Nga và Ukraine đã bắt đầu ở biên giới Belarus hôm thứ Hai (28/02), khi Nga đối mặt với sự cô lập kinh tế ngày càng nghiêm trọng, bốn ngày sau khi xâm lược Ukraine trong cuộc tấn công lớn nhất nhắm vào một quốc gia Âu Châu kể từ Đệ nhị Thế Chiến.

Hôm thứ Hai (28/02), hãng thông tấn Interfax cho biết các lực lượng Nga đã chiếm giữ hai thành phố nhỏ ở phía đông nam Ukraine và khu vực xung quanh một nhà máy điện hạt nhân, nhưng đã vấp phải sự kháng cự gay gắt ở những nơi khác.

Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết các cuộc đàm phán bắt đầu với mục đích ngừng bắn ngay lập tức và rút các lực lượng của Nga, sau khi bước tiến của Nga diễn ra chậm hơn so với một số người dự đoán.

Nga tỏ ra dè dặt về các cuộc đàm phán, trong khi Điện Kremlin từ chối bình luận về mục tiêu của Moscow.

Không rõ liệu có thể đạt được tiến triển nào hay không sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công hôm thứ Năm (24/02) và đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động cao hôm Chủ Nhật (27/02).

Các cuộc đàm phán đang được tổ chức ở biên giới với đồng minh mạnh mẽ của Nga là Belarus, nơi một cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật (27/02) đã thông qua một hiến pháp mới từ bỏ quy chế phi hạt nhân của Belarus vào thời điểm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này trở thành một bệ phóng cho quân đội Nga xâm lược Ukraine.

———
Hoa Kỳ đóng cửa đại sứ quán tại Belarus

Các quan chức Hoa Kỳ thông báo hôm 28/02 rằng Hoa Kỳ đã đóng cửa đại sứ quán ở thủ đô Belarus, một quốc gia láng giềng của Ukraine và tất cả nhân viên Mỹ đã rời khỏi nước này.

Các quan chức Hoa Kỳ cũng cho biết Belarus có chung đường biên giới với Ukraine và Nga nhưng nước này đã cho phép quân đội Nga đưa binh sĩ qua vùng trời của mình để thực hiện các cuộc tấn công từ các mặt trận bổ sung chống lại các lực lượng của Ukraine.

———
Liên Hiệp Quốc cho biết khu xử lý chất thải phóng xạ của Ukraine bị trúng hỏa tiễn

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết hỏa tiễn đã bắn trúng một khu xử lý chất thải phóng xạ ở thủ đô Kyiv của Ukraine, nhưng không có báo cáo về thiệt hại đối với các tòa nhà hoặc dấu hiệu cho thấy chất phóng xạ bị phóng thích.

Trong một tuyên bố vào cuối hôm Chủ Nhật (27/02), Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết các nhà chức trách Ukraine đã thông báo cho văn phòng của ông về vụ tấn công qua đêm. Ông cho biết cơ quan của ông hy vọng sẽ sớm nhận được kết quả giám sát phóng xạ tại hiện trường.

Thông tin trên xuất hiện một ngày sau khi một máy biến áp điện tại một cơ sở xử lý tương tự ở thành phố Kharkiv của Ukraine bị hư hỏng.

Những cơ sở như vậy thường chứa các vật liệu phóng xạ ở mức độ thấp như chất thải từ bệnh viện và chất thải công nghiệp, nhưng ông Grossi nói rằng hai sự cố trên nêu bật một “rủi ro rất thực tế”. Ông nói nếu các địa điểm bị hư hại, có thể có “hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng đối với sức khỏe con người và môi trường.”

———
New York ra sắc lệnh trừng phạt Nga, chào đón người tị nạn Ukraine

Hôm Chủ Nhật (27/02), Thống đốc New York Kathy Hochul đã ký một sắc lệnh cấm tiểu bang của bà kinh doanh với Nga, trong đó quy định cả việc hủy bỏ các khoản đầu tư của tiểu bang này ở đó.

Thống đốc cũng cho biết New York sẽ chào đón người tị nạn Ukraine để ứng phó với cuộc xâm lược của Nga, lưu ý tại một cuộc họp báo ở Albany rằng tiểu bang của bà là nơi có dân số người Mỹ gốc Ukraine lớn nhất tại Hoa Kỳ.

“Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ mở rộng trái tim của chúng tôi, ngôi nhà của chúng tôi, các nguồn lực của chúng tôi cho người dân Ukraine, để nói rằng, ‘Chúng tôi sát cánh cùng quý vị,’” bà Hochul nói. Các ước tính của liên bang cho thấy khoảng 140,000 trong số hơn 1 triệu người gốc Ukraine ở Hoa Kỳ sống tại New York.

Bà nói, “Nếu quý vị cần một nơi để ở, quý vị muốn đến đây, chúng tôi sẽ giúp quý vị hòa nhập vào cộng đồng của chúng tôi, vì chúng tôi đã mở cửa cho rất nhiều người tị nạn khác trong quá khứ, bao gồm cả gần đây nhất là những người đến từ Afghanistan.”

Bà Hochul không ngay lập tức đi sâu vào chi tiết về các lệnh trừng phạt kinh tế của tiểu bang đối với Moscow — bao gồm cả chi tiết về số tiền tiểu bang đã đầu tư vào các tổ chức của Nga — nhưng chỉ ra rằng nền kinh tế của New York lớn hơn nền kinh tế của Nga.

———
Nam Hàn cấm xuất cảng các mặt hàng chiến lược sang Nga, gia nhập biện pháp trừng phạt SWIFT

Bộ Ngoại giao Nam Hàn cho biết hôm thứ Hai (28/02), Nam Hàn sẽ thắt chặt kiểm soát xuất cảng đối với Nga, bằng cách cấm xuất cảng các mặt hàng chiến lược và tham gia các chiến dịch của các quốc gia phương Tây nhằm chặn một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Bộ cho biết trong tuyên bố, chính phủ Nam Hàn cũng đã quyết định thúc đẩy việc xuất thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược để ổn định thị trường năng lượng quốc tế và xem xét thêm các biện pháp khác như bán lại khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho Âu Châu.

“Chính phủ Nam Hàn lên án cuộc xâm lược vũ trang của Nga vào Ukraine và với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã quyết định tham gia tích cực vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế, để giải quyết tình hình một cách hòa bình.”

Trong số các mặt hàng chiến lược sẽ bị kiểm soát có nguồn cung cấp thiết bị điện tử, chất bán dẫn, máy điện toán, thiết bị thông tin và liên lạc, cảm biến và laser, điều hướng và điện tử hàng không, thiết bị hàng hải và hàng không vũ trụ.

Bộ này cho biết thêm, Nam Hàn sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine và cho biết các quyết định của họ đã được thông báo chính thức cho chính phủ Hoa Kỳ thông qua các kênh ngoại giao.

———
Công ty sở hữu Facebook Meta cho biết các quan chức chính phủ và quân đội của Ukraine là mục tiêu của chiến dịch tấn công mạng

Meta Platforms cho biết một nhóm chuyên tấn công mạng đã sử dụng Facebook để nhắm mục tiêu vào một số nhân vật công chúng ở Ukraine, trong đó có các quan chức quân đội nổi tiếng, các chính trị gia, và một ký giả, trong bối cảnh Nga đang xâm lược quốc gia này.

Ngoài ra, Meta cho biết trong 48 giờ qua, họ cũng đã xóa một mạng lưới gồm khoảng 40 tài khoản, nhóm và trang giả mạo trên Facebook và Instagram hoạt động từ Nga và Ukraine nhắm đến người ở Ukraine, vì đã vi phạm các quy tắc của công ty đối với hành vi lừa đảo có tính phối hợp.

Một phát ngôn viên của Twitter cho biết họ cũng đã đình chỉ hơn một chục tài khoản và chặn việc chia sẻ một số liên kết do vi phạm các quy tắc chống thao túng nền tảng và gửi nội dung spam. Phát ngôn viên này cho biết cuộc điều tra đang diễn ra của họ cho thấy các tài khoản này có nguồn gốc từ Nga và đang cố gắng làm gián đoạn sự bàn tán của dư luận xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine.

———
Úc sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine

Úc sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine để giúp người dân Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Thông báo của chính phủ Úc hôm thứ Hai (28/02) không nêu chi tiết về thiết bị mà họ có thể sẽ gửi. Hành động này diễn ra sau một lời đề nghị hôm thứ Sáu (25/02) về thiết bị quân sự không sát thương, vật tư y tế, và khoản đóng góp 3 triệu USD vào một quỹ ủy thác của NATO để hỗ trợ quốc gia đang bị bao vây này.

Úc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 350 cá nhân người Nga, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ hôm thứ Năm (24/02).

Úc cũng đã nhắm mục tiêu trừng phạt 13 cá nhân và tổ chức ở Belarus, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Viktor Khrenin. Belarus đang hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine.

———
Belarus từ ​​bỏ trạng thái phi hạt nhân

Các hãng thông tấn Nga cho biết, một cuộc trưng cầu dân ý ở Belarus hôm Chủ Nhật (27/02) đã thông qua hiến pháp mới từ bỏ quy chế phi hạt nhân của đất nước, trong bối cảnh nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này trở thành bệ phóng cho quân đội Nga xâm lược Ukraine.

Các hãng thông tấn trích dẫn ủy ban bầu cử trung ương Belarus cho biết 65.2% những người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ. Kết quả này không mấy ngạc nhiên, trước sự cai trị được kiểm soát chặt chẽ của Tổng thống Alexander Lukashenko.

Hiến pháp mới có thể chứng kiến vũ khí hạt nhân trên đất Belarus lần đầu tiên kể từ khi nước này từ bỏ loại vũ khí sát thương hàng loạt này kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Hành động này làm gia tăng nguy cơ khi mà ông Lukashenko đã về phe cuộc tấn công quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine sau khi trước đó đóng vai trò trung gian giữa hai nước láng giềng.

Phương Tây cho biết họ sẽ không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này, vốn diễn ra trong bối cảnh một cuộc đàn áp sâu rộng nhằm vào các đối thủ trong nước của chính quyền. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, tính đến Chủ Nhật, đã có hơn một nghìn tù nhân chính trị ở Belarus.

———
Ukraine cho biết cho đến nay đã có 352 thường dân thiệt mạng trong chiến tranh

Bộ Nội vụ Ukraine cho biết 352 thường dân Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xâm lược của Nga, trong đó có 14 trẻ em. Bộ cho biết thêm rằng 1,684 người, trong đó có 116 trẻ em, đã bị thương.

Tuyên bố của bộ hôm Chủ Nhật (27/02) không đưa ra bất kỳ thông tin nào về thương vong trong các lực lượng vũ trang của Ukraine.

Nga tuyên bố rằng quân đội của họ chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự của Ukraine và nói rằng dân thường của Ukraine sẽ không gặp nguy hiểm.

Nga chưa công bố bất kỳ thông tin nào về thương vong của quân đội nước này. Hôm Chủ Nhật (27/02), Bộ Quốc phòng Nga chỉ thừa nhận rằng các binh sĩ Nga đã thiệt mạng và bị thương mà không đưa ra bất kỳ con số nào.

———
Hình ảnh vệ tinh của Maxar: Đoàn xe gồm các lực lượng trên bộ, xe nhiên liệu, xe tăng của Nga đang di chuyển về phía Kyiv

Một công ty tư nhân của Hoa Kỳ cho biết, các bức ảnh vệ tinh chụp hôm Chủ Nhật (27/02) cho thấy Nga đang khai triển hàng loạt các lực lượng trên bộ, bao gồm cả xe tăng, di chuyển về phía thủ đô Kyiv của Ukraine từ khoảng cách khoảng 40 dặm (64 km).

Một hình ảnh vệ tinh cho thấy các lực lượng trên bộ của Nga ở phía đông bắc Ivankiv đang tiến về phía Kyiv, Ukraine, hôm 27/02/2022. (Hình ảnh vệ tinh ©2022 Maxar Technologies/Reuters)

Maxar Technologies Inc. cho biết, các bức ảnh do công ty công bố cho thấy một cuộc khai triển gồm hàng trăm phương tiện quân sự kéo dài hơn 3.25 dặm (khoảng 5 km).

Theo Maxar, đoàn xe nằm ở phía đông bắc thành phố Ivankiv của Ukraine và có nhiên liệu, hậu cần, và các phương tiện bọc thép gồm xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, và pháo tự hành.

Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy thiệt hại do các cuộc không kích gần đây vào phi trường Antonov ở Hostomel và giao tranh ác liệt ở bên trong và xung quanh phi trường, Maxar cho biết.

———
Hoa Kỳ kêu gọi người Mỹ cân nhắc rời Nga ngay lập tức

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm Chủ Nhật (27/02) rằng công dân Mỹ nên cân nhắc rời Nga ngay lập tức trên các chuyến bay thương mại, vì ngày càng có nhiều hãng hàng không hủy chuyến và các quốc gia đóng cửa không phận của họ với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.

“Công dân Hoa Kỳ nên cân nhắc rời Nga ngay lập tức thông qua các lựa chọn thương mại vẫn có sẵn,” một cảnh báo an ninh đăng ngày 27/02 trên trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moscow cho biết.

Đại sứ quán đã yêu cầu công dân Hoa Kỳ có “một kế hoạch dự phòng không dựa vào sự trợ giúp của chính phủ Hoa Kỳ.”

———
BP rút khỏi Nga sau cuộc xâm lược Ukraine

BP đang từ bỏ cổ phần của mình trong tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga trong một hành động kết thúc đột ngột và tốn kém cho ba thập niên hoạt động tại quốc gia giàu năng lượng này, đánh dấu bước đi quan trọng nhất của một công ty phương Tây nhằm đáp trả cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine.

Rosneft chiếm khoảng một nửa trữ lượng dầu khí và một phần ba sản lượng của BP và việc rút lui 19.75% cổ phần sẽ dẫn đến khoản phí lên tới 25 tỷ USD, công ty Anh này cho biết, nhưng không cho biết họ dự định rút lui bằng cách nào.

“Tôi vô cùng chấn động và đau buồn trước tình hình diễn ra ở Ukraine và trái tim của tôi hướng đến tất cả những ai bị ảnh hưởng. Điều này đã khiến chúng tôi phải suy nghĩ lại lập trường của BP đối với Rosneft về mặt căn bản,” Giám đốc Điều hành Bernard Looney của BP cho biết.

———
Ukraine kiện Nga tại Tòa án Công lý Quốc tế

Hôm Chủ Nhật (27/02), tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc xác nhận rằng Ukraine đã đệ đơn kiện Nga, cho biết tuyên bố của Nga rằng cuộc xâm lược Ukraine là để ngăn chặn một cuộc diệt chủng là sai sự thật và yêu cầu các thẩm phán ra lệnh “các biện pháp tạm thời” để bảo vệ Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cho biết trước đó vào cùng ngày rằng ông đã đệ đơn kiện tại Tòa án Công lý Quốc tế, còn được gọi là Tòa án Thế giới. Trong một tuyên bố, tòa án xác nhận đã nhận được đơn kiện của Ukraine. Tòa không cho biết khi nào vụ án sẽ được xét xử.

———
EU cấm các cơ quan truyền thông nhà nước Nga, tất cả các chuyến bay của Nga

Liên minh Âu Châu sẽ đóng cửa không phận của khối đối với tất cả các phi cơ Nga và sẽ cấm các hãng thông tấn nhà nước Nga Russia Today và Sputnik, theo người đứng đầu Ủy ban Âu Châu.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ đóng cửa đối với các phi cơ do Nga kiểm soát, sở hữu, hoặc đăng ký, bao gồm cả “các phản lực cơ riêng của các nhà tài phiệt.”

Đồng thời, EU sẽ đình chỉ “bộ máy truyền thông của Điện Kremlin ở EU” bằng cách cấm các hãng thông tấn thuộc sở hữu nhà nước Russia Today, Sputnik, và các công ty con của họ. Bà nói trên Twitter rằng những công ty này sẽ “không còn có thể truyền bá những lời dối trá của họ để biện minh” cho cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.

———
Ukraine đồng ý đàm phán với Nga

Trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Đông và phương Tây về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine leo thang mạnh mẽ, hôm Chủ Nhật (27/02), Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân Nga đặt trong tình trạng báo động cao để đáp lại điều mà ông gọi là “các tuyên bố gây hấn” của những cường quốc NATO.

Các diễn biến nhanh chóng này xảy đến khi giao tranh trên đường phố nổ ra ở thành phố lớn thứ hai của Ukraine, Kharkiv, và các cảng chiến lược ở phía nam của Ukraine. Kharkiv phải chịu áp lực từ các lực lượng xâm lược. Các quân lính phòng thủ của Ukraine đã kháng cự mạnh mẽ để làm chậm tiến độ của cuộc xâm lược.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, Ukraine thông báo rằng một phái đoàn sẽ gặp các quan chức Nga để đàm phán.

———
Người Ukraine từ ngoại quốc trở về trợ chiến

Trong khi hàng trăm ngàn người tị nạn đang rời khỏi Ukraine trong bối cảnh Nga tấn công nước này, một số người đàn ông và phụ nữ Ukraine đang trở về nhà từ khắp Âu Châu để giúp bảo vệ quê hương của họ.

Hôm Chủ Nhật (27/02), Lực lượng Biên phòng Ba Lan cho biết khoảng 22,000 người đã sang Ukraine kể từ hôm thứ Năm (24/02), khi Nga xâm lược nước này.

Các thành viên của nhóm này từ chối cho biết tên họ, hoặc chỉ cho biết họ, để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình họ.

———
Nga tấn công các cảng của Ukraine, gặp kháng cự tại thành phố

Hôm Chủ Nhật (27/02), giao tranh đã nổ ra ở thành phố lớn thứ hai của Ukraine và quân đội Nga đang dần siết chặt vòng vây các cảng chiến lược ở phía nam nước này, những bước tiến dường như đánh dấu giai đoạn mới của cuộc xâm lược của Nga sau một loạt các đợt tấn công tại các phi trường và các cơ sở nhiên liệu ở những nơi khác trong nước.

Thủ đô Kyiv yên ắng lạ thường sau những vụ nổ lớn thắp sáng bầu trời bình minh và sau khi các nhà chức trách thông báo về các vụ nổ tại một trong các phi trường. Chỉ thỉnh thoảng có một chiếc xe hơi xuất hiện trên một đại lộ chính vắng vẻ vì lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt kéo dài 39 giờ khiến người dân không được ra đường. Thay vì đi ra ngoài, các cư dân sợ hãi đã trú ẩn trong nhà, trong hầm để xe dưới lòng đất và ga tàu điện ngầm để đề phòng một cuộc tấn công quy mô lớn của Nga.

“Đêm qua thật khó khăn — có nhiều đợt pháo kích, nhiều trận đánh bom oanh tạc vào các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dân sự,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết. “Không một cơ sở nào trong cả nước mà những kẻ chiếm đóng không coi là các mục tiêu có thể tấn công.”

Theo Điện Kremlin, sau khi đẩy lùi được quân bản địa ở phía đông thành phố Kharkiv và nhiều cảng, Nga đã cử một phái đoàn tới Belarus để đàm phán hòa bình với Ukraine. Tổng thống Zelensky đã gợi ý các địa điểm khác, nói rằng đất nước của ông không muốn gặp ở Belarus vì nước này đóng vai trò như bàn đạp cho cuộc xâm lược.

Cho đến hôm Chủ Nhật (27/02), quân đội Nga vẫn ở ngoại ô Kharkiv, thành phố có 1.4 triệu dân, cách biên giới với Nga khoảng 20 km (12.4 dặm) về phía nam, trong khi các lực lượng khác tiến vào để đẩy cuộc tấn công sâu hơn vào Ukraine.

———
Thêm nhiều quốc gia EU đóng cửa không phận với Nga

Áo và Ý đang gia nhập một danh sách ngày càng tăng các quốc gia Âu Châu đóng cửa không phận của họ đối với tất cả các phi cơ Nga khi phương Tây gia tăng sức ép lên Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã ra lệnh xâm lược Ukraine.

Một số quốc gia Âu Châu khác, bao gồm Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Slovenia, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, và Luxembourg cũng đã tuyên bố đóng cửa không phận đối với phi cơ Nga.

Comments are closed.