Chiến tranh của Nga ở Ukraine hiện đứng ở đâu — Điều gì có thể xảy ra tiếp theo


Spread the love

Zelensky nói: Những người có ảnh hưởng nhất thế giới nên dùng ảnh hưởng của họ để giúp bảo vệ tự do

Hình Lính Ukraine khai hỏa pháo tự hành 155 mm / 52 ly Caesar của Pháp

BỞI ELOISE BARRY  NGÀY 15 THÁNG 7 NĂM 2022 9:22 SÁNG EDT

Tây phương đứng nhìn sự kinh hoàng ngày 24 tháng 2 khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, các cuộc giao tranh đẫm máu, các cuộc tấn công vào dân thường đã khiến ít nhất hàng chục ngàn người thiệt mạng, 12 triệu người dân Ukraine phải đi ra nước ngoài hoặc di tản trong nước và thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD về cơ sở hạ tầng. Gần năm tháng trôi qua, cuộc xung đột tàn khốc vẫn chưa có hồi kết.

Trong khi quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục theo đuổi mục tiêu chiến tranh, lực lượng vũ trang của Ukraine đã tạo một ấn tượng đối với phương Tây khi họ đối đầu với một đối thủ lớn hơn gấp nhiều lần. Sau những thành công của Ukraine vào những ngày đầu trong cuộc chiến, Nga đã hướng trọng tâm của mình sang khu vực biên giới Donbas ở cực đông của Ukraine. Giai đoạn gần đây của cuộc chiến đã có lợi hơn cho Moscow. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói với TIME rằng đây có thể là một chặng đường dài phía trước, với việc bỏ dỡ các cuộc đàm phán và giao tranh vẫn ác liệt đang diễn ra.

Dưới đây là tình hình hiện tại ở Ukraine, ý nghĩa của nó đối với phương Tây, và điều gì có thể xảy ra tiếp theo?

Chiến tranh đang đứng ở đâu?

Mark Cancian, cố vấn an ninh cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết Nga ban đầu thực hiện một “cách tiếp cận gây sốc và sợ hãi”. Mục đích áp đảo Ukraine và tìm một sự thay đổi chính phủ thân thiện với Moscow. Cancian nói: “ Điều này bao gồm các cuộc không kích trên diện rộng vào các thành phố quan trọng để “làm suy yếu các mục tiêu”, tiếp theo là tấn công bộ binh quy mô lớn dọc theo bốn trục chính – về phía thủ đô Kyiv ở phía bắc, thành phố lớn thứ hai Kharkiv ở phía đông bắc, vùng Donbas ở phía đông và các khu vực phía trên Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014, ở phía nam.

Nhưng với sự thành công của Ukraine, kể cả việc Tổng thống Vlodomyr Zelensky từ chối rời khỏi thủ đô, cách tiếp cận này của Nga đã thất bại. Quân đội Nga đã phải rút lui vào đầu tháng 4 khỏi Kyiv và chuyển trọng tâm sang các khu vực phía đông và phía nam – đặc biệt là Donbas, nơi có hai quốc gia ly khai nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai thân Nga kể từ năm 2014. Với việc Nga đã sử dụng phần lớn các hỏa tiễn tầm xa, cuộc xung đột đã trở thành “cuộc chiến tiêu hao chậm chạp” trên tiền tuyến, với việc các bên tiến hoặc lùi “từng tấc đất”, Angela Stent, một thành viên cấp cao không thường trú tại Viện Brookings có trụ sở tại Washington, DC, giải thích.

Đọc thêm: Cuộc phỏng vấn của TIME với Volodymyr Zelensky

Cancian cho biết, mặc dù các cuộc không kích từ tiền tuyến hiện đã bị “hạn chế”, nhưng Nga vẫn bắn hỏa tiễn vào các thành phố vài tuần một lần. Tháng trước, hai tòa nhà dân cư ở Kyiv đã bị tấn công khi hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Đức, mà thị trưởng Vitali Klitschko của thành phố gọi đó là một cuộc tấn công “mang tính biểu tượng” .

Ukraine đã gặp bất lợi ngay từ đầu, bao gồm cả việc không thể đối đầu với vũ khí hạng nặng của lực lượng Nga. Mặc dù các chính phủ nước ngoài ngày càng gửi cho Ukraine nhiều vũ khí tiên tiến hơn, nhưng cần có thời gian để huấn luyện quân đội Ukraine hiện chỉ dựa vào kiểu cách từ thời Liên Xô, Cancian nói. Đầu tháng này, Mỹ đã cam kết gửi thêm các hệ thống phóng hỏa tiễn tầm trung được gọi là HIMARS. Các báo cáo mới đây cho thấy HIMARS có thể đang làm xoay chuyển cuộc chiến có lợi cho Ukraine.

Lính Ukraine khai hỏa pháo tự hành 155 mm / 52 ly Caesar của Pháp về phía các vị trí của Nga tại chiến tuyến ở khu vực Donbas, miền Đông Ukraine vào ngày 15 tháng 6 năm 2022. Aris Messinis — AFP qua Getty Images

Giao tranh diễn ra tàn khốc tài vùng chiến tuyến – tháng trước, Zelensky nói rằng Ukraine mất tới 200 quân mỗi ngày. Theo Stent của viện Brookings, quân Nga sẽ mất quân số tương đương, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Mặc dù thiệt hại nặng nề như vậy, các nhà phân tích dự đoán rằng cuộc chiến có thể kéo dài trong nhiều năm. Cancian nói: “Cả hai bên đều đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài — để tuyển mộ, đào tạo, tìm người thay thế — và chuyển từ giai đoạn có thể gọi là giai đoạn nước rút sang giai đoạn marathon.

Các cuộc đàm phán hòa bình ở giai đoạn này dường như khó xảy ra thành công. “Chúng tôi vẫn chưa bắt đầu bất cứ điều gì,” Putin nói trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp ngày 7 tháng 7. “Hôm nay chúng tôi nghe nói rằng họ muốn đánh bại chúng tôi trên chiến trường. Bạn có thể nói gì, hãy để họ thử,” ông ta nói. Mặc dù Putin không loại trừ các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng ông nói việc đàm phán sẽ “khó hơn” nếu chiến tranh còn kéo dài. “Một điều mà chúng ta biết là Putin rất kiên nhẫn và ông ấy sẽ không rút lui cho đến khi nói rằng mình đã chiến thắng”, Stent nói.

Về phần Ukraine, Zelensky đã nói rõ rằng Ukraine sẽ chiến đấu để giành lại quyền kiểm soát các khu vực đã bị chiếm. “Người Ukraine không sẵn sàng nhường đất đai của họ để chấp nhận những vùng lãnh thổ này thuộc về Nga. Đây là đất của chúng tôi”, Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 7/7.

Lãnh thổ Nga đã chiếm được

Giao tranh tập trung vào các chiến tuyến ở phía đông và phía nam của Ukraine, đặc biệt là ở Donbas. Vào ngày 3 tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với ông Putin rằng lực lượng của họ đã thiết lập “toàn quyền kiểm soát” Lysychansk, thành phố cuối cùng do Ukraine kiểm soát ở khu vực phía đông Luhansk. Trên thực tế, Moscow hiện kiểm soát toàn bộ khu vực Luhansk và hơn một nửa khu vực Donetsk nằm ngay phía nam, tổng cộng bao gồm 75% Donbas . Ukraine cũng rút khỏi Severodonetsk ngay phía bắc Lysychansk vào ngày 25 tháng 6 sau nhiều tuần giao tranh đẫm máu nhất.

Serhiy Haidai, thống đốc Ukraine vùng Luhansk, cho biết: “Các lực lượng Nga đang cố thủ trong khu vực Lysychansk và thành phố đang bốc cháy. Nhiều thành phố bị Nga chiếm đóng đã bị san bằng.

Ở phía tây của Donetsk, các lực lượng Ukraine đang tiếp tục kìm hãm các cuộc tấn công của Nga về phía Sloviansk từ hướng Izyum, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh. Và ngoài Donbas, xa hơn về phía bắc, các đơn vị Nga đang giành quyền kiểm soát các vị trí ở phía bắc Kharkiv.

Ở phía nam, sau cuộc bao vây đẫm máu kéo dài hơn hai tháng, Nga đã giành được toàn quyền kiểm soát thành phố cảng Mariupol vào cuối tháng 5, giúp tạo ra một hành lang trên bộ giữa Crimea do Nga kiểm soát với Donetsk và Luhansk. Tuy nhiên, sự kháng cự mạnh mẽ từ các lực lượng Ukraine đã làm chậm bước tiến của Nga một cách đáng kể, khiến quân đội Nga “khá kiệt sức”, Cancian nói.

Giữa các cuộc giao tranh, đã có nhiều báo cáo về tội ác chiến tranh và các cuộc tấn công vào dân thường của Nga ở Ukraine. Theo Tổng công tố Ukraine Iryna Venediktova, khoảng 21.000 trường hợp bị cáo buộc tội ác chiến tranh đang được điều tra, với khoảng 200 đến 300 báo cáo mới đến mỗi ngày. Một quan chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ lo ngại vào tháng 6 trước số lượng các trường hợp bạo lực tình dục được báo cáo chống lại thường dân Ukraine ngày càng tăng.

Một binh sĩ Ukraine kiểm tra đống đổ nát của tòa nhà Lyceum, sau một vụ tấn công nghi bằng tên lửa gần Kharkiv vào ngày 5/7/2022. Sergey Bobok — AFP qua Getty Images

Các nhà lãnh đạo châu Âu và các cơ quan tư pháp đã gặp nhau tại La Hayes vào ngày 14 tháng 7 để phối hợp điều tra các hành động tàn bạo của Nga, với việc chia sẻ bằng chứng, chiến lược truy tố và giám định tội phạm chiến tranh quốc tế cho các nhà điều tra trên thực địa.

Đọc thêm: Người Ukraine đang lên tiếng về nạn cưỡng hiếp thời chiến

Phản ứng của NATO đối với cuộc chiến

Các thành viên NATO đã gửi hàng tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả các loại vũ khí quan trọng mà nếu không có, nước này sẽ bị đánh bại “trong hai hoặc ba tuần”, Cancian nói.

Stent giải thích rằng một trong những “hậu quả không mong muốn” trong cuộc xâm lược của Nga là sự thống nhất mới của NATO. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO 2022 ở Madrid vào tháng trước, các nhà lãnh đạo của 30 thành viên NATO đã nhất trí tăng cường sự hiện diện quân sự của đồng minh ở Đông Âu, và vào ngày cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút lại việc phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập liên minh phòng thủ này. Với việc mở rộng nhanh chóng ngân sách quốc phòng tăng cường khả năng quân sự tiên tiến của mình, việc Phần Lan gia nhập liên minh nói riêng sẽ củng cố năng lực quân sự của NATO, mở ra một biên giới mới dài 830 dặm giữa nước này và Nga.

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy các nước châu Âu mở rộng chi tiêu quân sự – vào ngày 3 tháng 6, Đức đã thông qua gói đầu tư trị giá 100 tỷ euro (100,5 tỷ USD) để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang vốn thường xuyên thiếu thốn của họ. Cancian nói: “NATO đã phải đối mặt với một cuộc thử nghiệm thực sự và trở nên mạnh mẽ hơn.”

Đọc thêm: Nguy cơ tái sinh của NATO

Cuộc xâm lược của Nga cũng đã khiến NATO từ bỏ chiến lược răn đe “ba chân” được khai triển sau khi Nga sáp nhập Crimea, vốn liên quan đến các lực lượng nhỏ hơn đóng tại các khu vực có nguy cơ cao có thể được tăng cường trong trường hợp bị tấn công. Thay vào đó, NATO quay trở lại chiến lược củng cố các vị trí phòng thủ. Vào cuối tháng 6, NATO cho biết sẽ tăng cường lực lượng trong tình trạng báo động cao gấp 7 lần và Mỹ tuyên bố sẽ xây dựng căn cứ thường trực đầu tiên ở sườn phía đông của liên minh là Ba Lan. Trong lúc đó, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ “bảo vệ từng tấc lãnh thổ của đồng minh”.

Binh sĩ Ba Lan đứng trên xe tăng sau cuộc trình diễn huấn luyện với nhóm chiến đấu đa quốc gia NATO eFPon tại bãi tập Orzysz ngày 3/7/2022 ở Orzysz, Ba Lan. Omar Marques — Hình ảnh Getty

Cancian nói, đây là chìa khóa để “báo cho Putin rằng ông ấy không thể tiến xa hơn về phía tây”.

Còn về nguồn cung cấp năng lượng và ngũ cốc?

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quân đội thường trực lớn thứ hai của các thành viên NATO, ngày 14/7 đã ký một thỏa thuận với Nga, Ukraine và LHQ để nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã bị Moscow chặn. Sự gián đoạn nguồn cung ngũ cốc toàn cầu do chiến tranh gây ra – Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 nguồn cung lúa mì của thế giới – đã làm trầm trọng an ninh lương thực, đặc biệt ở các nước châu Phi và Trung Đông, do cả vấn đề giá cả và nguồn cung cao hơn.

Bất chấp sự thành công của các cuộc đàm phán về ngũ cốc này, Stent của viện Brookings lo ngại việc siết chặt các chuỗi cung ứng năng lượng – do chiến tranh hoặc do các lệnh trừng phạt đối với Nga – sẽ khiến việc duy trì sự thống nhất của phương Tây ngày càng trở nên khó khăn trong dài hạn. Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu và một người đứng đầu Shell đã cảnh báo châu Âu có thể phải tiêu thụ năng lượng hạn chế trong mùa đông này.

Đọc thêm: Khủng hoảng lương thực không thể giải quyết Chiến tranh Ukraine và Biến đổi khí hậu

Khi hậu quả từ cuộc chiến chồng chất trên khắp thế giới, có thể có thêm áp lực buộc Ukraine phải nhượng bộ để chấm dứt xung đột và tác động của nó. Mặc dù “không bên nào thể hiện sự sẵn sàng làm điều đó”, Cancian nói, cuộc xung đột có vẻ như được Stent gọi là “một cuộc chiến chậm rãi”.

Theo TIME.com

HDP

Tags: , ,

Comments are closed.