‘Hàng trăm người chết’ sau khi Ukraine đánh chìm tàu Moskva của Nga
Sự việc có thể trở thành sự kiện thương vong quân sự tồi tệ nhất của quân đội Nga kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai
Quanatalia vasilyeva, PHÓNG VIÊN NGA, ISTANBUL – Ngày 16 tháng 4 năm 2022 • 4:01 chiều Theo The Telegraph

Đã có những lo ngại về số phận của hàng trăm thủy thủ trên tàu Moskva của Nga hôm thứ Bảy, với các báo cáo cho thấy chỉ vài chục người trong số 510 thủy thủ đoàn có thể được cứu thoát khi nó bị hỏa tiễn Ukraine đánh chìm vào đầu tuần này.
Quân đội Nga đã mất gần một ngày để thừa nhận sự mất mát đáng xấu hổ về niềm tự hào của hạm đội Biển Đen sau khi bị trúng đạn vào sáng sớm thứ Năm, lúc đầu họ nhấn mạnh rằng tàu đã bốc cháy sau một vụ nổ và đang được kéo trở lại đất liền.
Nhưng Hoa Kỳ khẳng định tàu chiến đã bị trúng hai đòn tấn công của Ukraine, được cho là tên lửa chống hạm Neptune.
Điện Kremlin sau đó đã thừa nhận tàu Moskva, một trong ba tàu sân bay tên lửa chính của hải quân Nga, đã chìm, nhưng nói là do “vùng nước xoáy” và trong lúc được kéo đến nơi an toàn.
Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Năm cho biết toàn bộ 510 thủy thủ đoàn đã được sơ tán khỏi tàu và đưa về căn cứ Sevastopol quê hương của con tàu ở Crimea nơi Nga đã sáp nhập.

Một bài báo trên thông tấn Tass tuyên bố “toàn bộ thủy thủ đoàn” đã được sơ tán. Sau đó, đã được chỉnh sửa để loại bỏ từ “toàn bộ”.
Nhưng gần hai ngày đã trôi qua, không có dấu hiệu của người sống sót.
Nếu phần lớn thủy thủ đoàn thiệt mạng, sự việc có thể trở thành sự thương vong quân sự tồi tệ nhất của quân đội Nga kể từ Thế Chiến thứ hai – đừng nói đến xung đột Ukraine.
Điều đặc biệt là, truyền hình nhà nước Nga không chiếu bất kỳ cảnh quay hay hình ảnh nào về việc thủy thủy đoàn về nhà.
Vài chục người đã tổ chức buổi cầu nguyện trên quảng trường trung tâm ở Sevastopol vào chiều thứ Sáu. Một vòng hoa tang lễ được để lại tại một tượng đài hải quân Nga có khắc dòng chữ “Gửi tới Moskva và thủy thủ đoàn của nó”.
Ít nhất vài chục người đã được cứu trước khi tàu chìm.
Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas cho biết ít nhất 54 người đã được cứu tới một tàu của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi tàu chiến phát đi một cuộc gọi cứu nạn vào đầu giờ ngày thứ Năm. Không rõ điều gì đã xảy ra với họ.
Vào lúc 1,14 giờ sáng theo giờ địa phương thứ Năm, tàu Moskva đã nghiêng và khoảng nửa giờ sau “toàn bộ điện đã tắt”, ông Anusauskas cho biết trên Facebook.

Một giới chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói vào cuối ngày thứ Sáu rằng Washington tin có một số thương vong trên con tàu nhưng không nêu chi tiết. Các quan chức cũng xác nhận rằng Kyiv…
Các giới chức Ukraine tuyên bố không ai có thể được cứu và trong số những người thiệt mạng có thuyền trưởng, chỉ huy Hạm đội Biển Đen là Anton Kuprin.
“Chúng tôi thấy các tàu khác đã cố gắng hỗ trợ nó, nhưng ngay cả thiên nhiên cũng đứng về phía Ukraine vì cơn bão khiến cả hoạt động cứu hộ và sơ tán thủy thủ đoàn không thể thực hiện được”, Natalia Gumeniuk, phát ngôn viên của lực lượng quân đội miền Nam Ukraine cho biết trong cuộc họp báo về Thứ sáu.
Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ Nội vụ Kyiv, hôm thứ Sáu tuyên bố rằng “vụ nổ mạnh đến mức soái hạm của Hạm đội Biển Đen bị chìm chỉ trong vài phút”.
Ông nói: “Ban chỉ huy Hạm đội Biển Đen Liên bang Nga đã cố tình che giấu sự thật với người thân và bạn bè của các thành viên thủy thủ đoàn. “Tất cả thủy thủ đoàn của tàu tuần dương Moskva đã chết.”
Ông Gerashchenko là một chính trị gia Ukraine có mối quan hệ tốt nhưng một số tuyên bố của ông đã được chứng minh là không có cơ sở trong quá khứ.
Điện Kremlin chưa bình luận về bất kỳ thiệt hại nào về nhân mạng. Cả hạm đội Biển Đen và các quan chức địa phương ở Sevastopol đều không đề cập đến thương vong.
Tương tự với Kursk
Sự im lặng chính thức xung quanh vụ chìm tàu Moskva đã được đưa ra so sánh với sự im lặng của Điện Kremlin sau thảm họa tàu ngầm Kursk vào tháng 8 năm 2000, một vụ bê bối lớn đối với tổng thống mới được bổ nhiệm Putin.
Tàu ngầm hạt nhân bị chìm trong cuộc tập trận ở Biển Barents phía trên Vòng Bắc Cực của Nga sau khi một quả ngư lôi trên tàu phát nổ trong hầm.
Hầu hết thủy thủ đoàn gồm 118 người đã thiệt mạng ngay lập tức, nhưng 23 thủy thủ vẫn ở lại khu vực ngập nửa nước chờ đợi một cuộc giải cứu không bao giờ xảy đến.
Ông Putin, vẫn còn trong năm đầu tiên nắm quyền, phải mất vài ngày trước khi kết thúc kỳ nghỉ bên bờ biển và đến hiện trường.
Sau đó, có thông tin cho rằng Nga đã từ chối lời đề nghị giúp đỡ của quốc tế và chỉ 9 năm sau, một đội thợ lặn của Anh và Na Uy mới có thể tiếp cận Kursk để tìm thi thể.
Nhưng vào năm 2000, ông Putin đã phải đối mặt với sự đau buồn và tức giận từ các góa phụ của các thủy thủ. Truyền thông Nga, không bị cản trở bởi sự kiểm duyệt, đã tỏ ra gay gắt về việc xử lý thảm họa của ông.
Ông ta đổ lỗi cho sự suy yếu của quân đội thời hậu Xô Viết và đả kích giới truyền thông đã chỉ trích ông ta.
Xếp hạng mức độ tín nhiệm của ông ta giảm rõ rệt sau thảm họa Kursk, khiến ông ta phải đóng cửa các kênh truyền hình độc lập mạnh lúc bấy giờ.
Lần này, với các phương tiện truyền thông độc lập hầu như không tồn tại và những người phản đối ông Putin đang ngồi tù, một phản ứng như vậy có vẻ khó xảy ra.

Một mất mát đáng kể
Việc mất tàu Moskva khiến Tổng thống Vladimir Putin đặc biệt xấu hổ vì từ lâu đã tự hào về hải quân Nga. Ông coi việc sáp nhập căn cứ hải quân Sevastopol trên Biển Đen là một hành động chỉnh sửa lịch sử sai lầm.
Đô đốc Lord West, cựu Hải quân Đệ nhất và Tham mưu trưởng Hải quân, nói với BBC Radio 4 PM rằng vụ đắm tàu Moskva có thể có “tác động rất lớn” đối với nhà lãnh đạo Nga.
Ông nói: “Putin yêu thích hải quân. Khi lên nắm quyền, lực lượng đầu tiên của Liên Xô cũ mà ông ấy hỗ trợ là hải quân.
Hôm thứ Sáu, một giới chức Ngũ Giác Đài cho biết vụ chìm tàu Moskva là một “cú đấm lớn” đối với Điện Kremlin. “Đó là niềm tự hào của họ,” quan chức nói.
Mất tàu Moskva cũng tạo ra “khoảng cách năng lực” cho hải quân Nga ở miền nam Ukraine.
Tàu chiến được khánh thành vào năm 1983 với tên gọi Slava trước khi được đổi tên thành Moskva vào năm 1996 và từ đó đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự của Nga.
Gần đây nhất, tàu Moskva đã tham gia vào chiến dịch chống Đảo Rắn của Ukraine ở Biển Đen trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến.
Khi kêu gọi binh sĩ Ukraine đầu hàng, nó đã nhận được câu trả lời nổi tiếng: “Tàu chiến Nga, hãy xéo đi”.
Theo The Telegraph – HDP lược dịch