Mỹ đang cân nhắc gói võ khí mới cho Ukraine
01/6/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden và đội ngũ của ông đang cân nhắc việc gửi các hệ thống rocket tầm xa hơn cho Ukraine nhưng không muốn chúng được dùng để mở các cuộc tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga, Toà Bạch Ốc cho hay ngày 31/5.
Các giới chức cho biết ông Biden và các phụ tá an ninh quốc gia đang trong giai đoạn chót của việc chuẩn bị gói võ khí mới cho Ukraine và loan báo sắp được đưa ra sớm nhất là ngày mai 1/6.
Các giới chức Ukraine yêu cầu các đồng minh cấp cho các hệ thống tầm xa hơn bao gồm Hệ thống tên lửa đa năng tầm xa (MLRS) có thể phóng ra loạt rocket cách xa hàng trăm dặm, với hy vọng tạo bước ngoặt trong cuộc chiến kéo dài 3 tháng nay.
Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết hệ thống này đang nằm trong vòng xem xét.
“Tuy nhiên như Tổng thống đã nói, chúng ta sẽ không gửi các rocket tầm xa để dùng vượt ra bên ngoài chiến địa ở Ukraine,” người phát ngôn Jean-Pierre nói.
Các giới chức khác cho hay Tổng thống Biden không muốn các rocket này được phóng vào lãnh thổ Nga để tránh mở rộng cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Ông Biden ngày 31/5 khẳng định với báo giới rằng: “Chúng ta sẽ không gửi sang Ukraine các hệ thống rocket để tấn công vào lãnh thổ Nga.”
Chính quyền Biden đang tập trung vào gói thiết bị quân sự mới, sử dụng nguồn quỹ từ gói ngân sách 40 triệu đô la mà Quốc hội đã chuẩn thuận.
Ông Biden muốn giúp Ukraine tự vệ nhưng phản đối chuyện cung cấp võ khí mà Ukraine có thể dùng để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Chiến tranh Ukraina: Mỹ cấp cho Ukraina hệ thống tên lửa tối tân hơn
Ảnh tư liệu : Hệ thống thống rocket di động của Mỹ HIMARS, trong một cuộc tập dượt ngày 23/05/2011 tại miền trung Hoa Kỳ. AP – Tony Overman
Tối ngày 31/05/2022, Hoa Kỳ thông báo cấp “các hệ thống tên lửa tối tân hơn” cho quân đội Ukraina, hiện đang gặp rất nhiều khó khăn ở vùng Donbass và sắp để lọt thành phố chiến lược Severodonetsk vào tay quân Nga.
Trên nhật báo New York Times, tổng thống Joe Biden viết rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Kiev “các hệ thống tên lửa tối tân hơn để có thể bắn chính xác hơn vào các mục tiêu chủ chốt trên chiến trường Ukraina”.
Theo một quan chức cao cấp của Nhà Trắng, hệ thống vũ khí đó chính là HIMARS ( (High Mobility Artillery Rocket System), tức là các dàn phóng rocket di động, gắn trên các xe thiết giáp hạng nhẹ, có tầm bắn khoảng 80 km.
Hãng tin AFP cho biết, các vũ khí này nằm trong gói viện trợ quân sự mới của Mỹ tổng cộng 700 triệu đôla cho Ukraina, mà chi tiết được công bố ngày 01/06.
Theo các chuyên gia, hệ thống HIMARS có thể sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng trên trận địa, vào lúc mà quân đội Ukraina dường như đang gặp rất nhiều khó khăn ở vùng Donbass, trước đà tiến công của quân Nga.
Tuy nhiên, vì vẫn không muốn Hoa Kỳ bị xem là một bên tham chiến, tổng thống Biden nhấn mạnh là ông “không khuyến khích” và “cũng không cho Ukraina các phương tiện” để bắn sang lãnh thổ Nga.
Nhưng phản ứng về việc Washington cung cấp vũ khí mới cho Ukraina, điện Kremlin hôm nay cho rằng Mỹ “đang đổ thêm dầu vào lửa”.
Trong khi đó, theo thông báo của thủ tướng Olaf Scholz hôm nay, nước Đức cũng sẽ cấp cho Ukraina một hệ thống phòng không có thể giúp bảo vệ một thành phố lớn trước các cuộc oanh kích của Nga. Berlin còn cấp cho Kiev một hệ thống radar có thể phát hiện pháo binh của đối phương.
Về tình hình chiến sự, trên mạng Telegram hôm nay, thống đốc vùng Lougansk, ông Serguiï Gaïdaï cho biết quân Nga hiện đang củng cố các vị trí của họ ở trung tâm Severodonetsk, thành phố chiến lược ở miền đông Ukraina. Tối qua, cũng ông Gaïdaï thông báo, quân Nga đã kiểm soát được phần lớn thành phố và đang tiếp tục phá hủy các cơ sở hạ tầng và cơ sở công nghiệp, sau khi oanh kích vào nhà máy hóa chất Azot, đánh trúng một bồn chứa acide nitrique.
Trả lời RFI Pháp ngữ, tướng Dominique Trinquand, chuyên gia quân sự Pháp, dự báo Severodonetsk chắc chắn sẽ thất thủ:
“ Đánh giá tình hình của tôi là Severodonetsk sắp thất thủ, thành phố đang bị bao vây hoàn toàn, chỉ còn một con đường đi vào. Tốt hơn là Ukraina rút hết những quân còn ở Severodonetsk để bố trí ở một tuyến phòng thủ khác, tranh thủ những vũ khí mới mà phương Tây cấp cho họ. Tôi nghĩ rằng Ukraina nay khó mà giữ được Luhansk, cho nên họ phải lập một tuyến phòng thủ để bảo vệ vùng Donetsk và nếu cần thì mở các cuộc phản công. Nhưng tôi cho rằng cố bám giữ những phần chưa bị chiếm đóng của thành phố chỉ là ảo tưởng.
Việc quân Nga chiếm được Severodonetsk sẽ là một bước ngoặt trước hết là về mặt tâm lý. Vùng Lugansk nay hoàn toàn là của Nga. Bây giờ diễn tiến đối với quân Ukraina sẽ như thế nào là tùy thuộc vào khả năng của họ khôi phục lực lượng, vào các tuyến phòng thủ hiệu quả.”
Tags: Hoa kỳ, Nga, tin tức thế giới, Ukraine