Thời sự Thứ Ba 07/02/2023: Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Ít nhất 4.890 người chết – Nam Hàn phát hiện khinh khí cầu của Bắc Hàn – Đức kêu gọi thành lập ‘tòa án quốc tế’ truy tố Putin – LHQ nói ‘chiến tranh mở rộng’ khi chiến sự Ukr gia tăng –
Võ Thái Hà tổng hợp
Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Ít nhất 4.890 người chết, cứu hộ chạy đua với thời gian
Thùy Dương /RFI
07/02/2023
Lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian tìm người sống sót sau trận động đất ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 07/02/2023. REUTERS – UMIT BEKTAS
Số người thiệt mạng và bị thương do vụ động đất 7,8 độ Richter vào sáng sớm hôm qua 06/02/2023 tại miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria vẫn không ngừng gia tăng. Theo số liệu tổng hợp mới nhất được công bố hôm nay 07/02, đã có ít nhất 4.890 người chết. Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian, trong giá rét, mưa và tuyết, để giải cứu những người còn mắc kẹt trong các đống đổ nát.
Số người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ tính đến sáng hôm nay ít nhất là 3.381 người, và hơn 1.509 nạn nhân ở Syria. Số người bị thương lên tới hàng chục ngàn người. Tuy nhiên, theo AFP, Tổ chức Y tế Thế giới dự báo là số nạn nhân có thể sẽ tăng mạnh so với ước tính ban đầu.
Tình hình càng đáng lo ngại khi các dư chấn vẫn tiếp tục xảy ra trong suốt ngày hôm qua và đến tận rạng sáng hôm nay, thậm chí mạnh tới 5,5 độ Richter, như ở khu vực cách Golbasi, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, 9 km, lúc 4h13 giờ địa phương (3h13 GMT). Nhiều người dân phải sơ tán, nhưng do sợ động đất mạnh tiếp diễn, họ không dám ngủ trong các khu nhà được bố trí tạm, mà qua đêm ngoài trời lạnh giá.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Erdogan đã ban hành 7 ngày quốc tang, treo cờ rủ đến tối chủ Nhật 12/02. Các trường học đóng cửa cả tuần này. Các trận thi đấu thể thao cũng tạm ngưng đến khi có lệnh mới.
Trong khi đó, tại Syria, cho dù theo các số liệu thống kê thiệt hại nhân mạng ở mức thấp hơn so với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng từ Beyrouth, Paul Khalifeh, thông tín viên RFI trong khu vực cho biết các nỗ lực cứu hộ tại Syria gặp nhiều khó khăn do bão đang càn quét, Syria lại thiếu phương tiện do đang có chiến tranh và bị phương Tây trừng phạt. Damas hôm qua đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ.
Thế giới đang chung tay giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Ngay sau khi trận động đất xảy ra, nhiều quốc gia nhanh chóng gửi viện trợ, nhân sự và thiết bị để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ tại các khu vực bị động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày ngày 6 Tháng Hai.
Vương quốc Anh đang gửi 76 chuyên gia tìm kiếm và cứu hộ, đội y tế khẩn cấp cùng với thiết bị và chó, tới Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đang tìm cách hỗ trợ các nạn nhân ở Syria.
Hoa Kỳ đang gửi hai đội tìm kiếm và cứu nạn gồm 79 người để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.
EU đã huy động các đội tìm kiếm và cứu nạn để giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ. Ít nhất 13 quốc gia thành viên đã đề nghị hỗ trợ. EU cho biết họ cũng sẵn sàng giúp đỡ Syria thông qua các chương trình hỗ trợ nhân đạo
Các đội cứu hộ Nga từ Bộ tình trạng khẩn cấp đang chuẩn bị bay tới Syria, nơi quân đội Nga được triển khai tại quốc gia đó đã gửi 10 đơn vị gồm 300 người để giúp dọn dẹp các mảnh vỡ và tìm kiếm những người sống sót.
Israel đang phái các đội đến Thổ Nhĩ Kỳ. Israel và Syria không có quan hệ ngoại giao và hai nước đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh
Đức đang chuẩn bị cung cấp máy phát điện khẩn cấp, lều, chăn, và chuẩn bị dựng lều trại tỵ nạn với thiết bị xử lý nước.
Hy Lạp đang gửi cho Thổ Nhĩ Kỳ một đội gồm 21 nhân viên cứu hộ, hai chú chó cứu hộ và một phương tiện cứu hộ đặc biệt, cùng với một kỹ sư kết cấu, năm bác sĩ và chuyên gia lập kế hoạch địa chấn trong một máy bay vận tải quân sự.
Nhật Bản đang gửi một nhóm khoảng 75 nhân viên cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Tây Ban Nha đang chuẩn bị gửi hai đội Tìm kiếm và Cứu nạn Đô thị tới Thổ Nhĩ Kỳ với 85 nhân viên và một đội lính cứu hỏa tình nguyện.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự của Ý đã đề nghị hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Một đội chữa cháy đang chuẩn bị rời khỏi Pisa.
Pháp đang cử đội cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Hàn Quốc phát hiện khinh khí cầu nghi ngờ của Triều Tiên
Nhật Minh (Theo Reuters)
Ngày 6/2, Quân đội Hàn Quốc cho biết họ đã theo dõi một khinh khí cầu của Triều Tiên trên lãnh thổ của mình, nhưng xác định rằng nó không gây ra mối đe dọa nào.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ, khinh khí cầu đã đi vào không phận Hàn Quốc trong một thời gian ngắn hôm 5/2. Để đáp trả, Hàn Quốc đã triển khai “các biện pháp” ngăn chặn nhưng không nêu cụ thể chi tiết.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức giấu tên cho hay, chiếc máy bay đã rời không phận Hàn Quốc vài giờ sau đó. Giới chức nhìn nhận đó là một khí cầu phục vụ cho mục đích dự báo thời tiết chứ không dùng cho hoạt động gián điệp. Quả khí cầu dài khoảng 2m.
Quả khinh khí cầu này lần đầu được phát hiện bởi binh lính phụ trách thiết bị giám sát nhiệt (TOD) của quân đội Hàn Quốc. Khinh khí cầu bay ở độ cao thấp đến mức quân đội có thể quan sát bằng thiết bị giám sát nhiệt, rồi tiến vào không phận của Hàn Quốc. Vụ việc này sau đó đã được báo cáo ngay lên Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc.
Báo cáo được đưa ra sau khi Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc – sự việc làm căng thẳng thêm quan hệ với Bắc Kinh. Phía Trung Quốc khẳng định, khí cầu này là thiết bị nghiên cứu khí tượng và bị đi lạc vào không phận Mỹ do điều kiện thời tiết. Tuy vậy, giới chức Mỹ nhìn nhận rằng khí cầu này là thiết bị do thám.
Căng thẳng đã gia tăng giữa hai miền Triều Tiên, với việc Bình Nhưỡng tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa kỷ lục vào năm ngoái, trong khi Seoul tham gia nhiều cuộc tập trận quân sự chung cùng các đồng minh của Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, 5 máy bay không người lái của Triều Tiên đã bay vào lãnh thổ Hàn Quốc vào ngày 26/12 năm ngoái, trong đó có một chiếc đã đi vào vùng cấm bay xung quanh văn phòng Tổng thống Hàn Quốc trong thời gian ngắn, khiến quân đội Hàn Quốc phải điều động máy bay chiến đấu và trực thăng.
Thời điểm đó, Quân đội Hàn Quốc bị chỉ trích gay gắt vì không hạ được máy bay không người lái bay qua miền Nam trong nhiều giờ đồng hồ.
Triều Tiên kêu gọi củng cố tư thế sẵn sàng chiến tranh, mở rộng tập trận
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cam kết mở rộng các cuộc tập trận quân sự và tăng cường tư thế sẵn sàng chiến tranh của đất nước, truyền thông nhà nước đưa tin hôm 7/2, khi Bình Nhưỡng chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thành lập quân đội.
Ông Kim đã chủ trì cuộc họp của ủy ban quân sự trung ương của Đảng Lao động cầm quyền hôm 6/2. Tại đây, các quan chức thảo luận về “nhiệm vụ chính trị và quân sự lớn” trong năm nay và “các vấn đề dài hạn liên quan đến định hướng xây dựng quân đội”, hãng thông tấn KCNA cho hay.
Theo KCNA, cuộc họp “đã nghiên cứu và thảo luận về vấn đề liên tục mở rộng và tăng cường hoạt động cũng như diễn tập chiến đấu của quân đội nhân dân Triều Tiên để đối phó với tình hình hiện tại, đồng thời hoàn thiện nghiêm ngặt hơn khả năng chuẩn bị cho chiến tranh.”
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang của nước này vào ngày 8/2.
Từ các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy, quân đội Triều Tiên đang luyện tập theo đội hình ở Bình Nhưỡng. Phía Hàn Quốc cũng cho biết, họ đang giám sát các hoạt động liên quan.
Đáng lưu ý, cuộc họp quân sự cũng diễn ra sau khi Triều Tiên lên án các cuộc tập trận của Hoa Kỳ và các đồng minh, cho rằng họ đã đạt đến một “lằn ranh đỏ cực đoan” và đe dọa biến bán đảo Triều Tiên thành một “kho vũ khí chiến tranh khổng lồ và trở thành một khu vực chiến sự quan trọng hơn”.
Trong tuyên bố hôm 2/2, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã chỉ trích chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, đồng thời nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng không quan tâm đến đối thoại chừng nào Washington còn theo đuổi các chính sách thù địch.
Ngày 31/1, ông Austin và người đồng cấp Hàn Quốc khẳng định sẽ mở rộng các cuộc tập trận quân sự và triển khai thêm “tài sản chiến lược”, chẳng hạn như tàu sân bay và máy bay ném bom tầm xa, để chống lại sự phát triển vũ khí của Triều Tiên và ngăn chặn chiến tranh.
Khi được hỏi về những căng thẳng với Triều Tiên trong thời gian dừng chân ở Philippines, ông Austin cho hay, mục tiêu của Mỹ là thúc đẩy an ninh và ổn định cao hơn, đồng thời cam kết bảo vệ Hàn Quốc.
Minh Ngọc (Theo Reuters)
Ngoại trưởng Đức kêu gọi thành lập ‘tòa án quốc tế đặc biệt’ truy tố nhà lãnh đạo Nga
Ngoại trưởng Đức bà Annalena Baerbock. (ảnh: BBC).
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock vừa thăm Hà Lan và có bài phát biểu tại Học viện Luật Quốc tế ở La Hay, kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để truy tố nhà lãnh đạo Nga.
Theo báo cáo tổng hợp của các phương tiện truyền thông, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Baerbock cho biết trong một bài phát biểu tại Học viện Luật Quốc tế La Hay vào ngày 5/2: “Chúng tôi đang ở đây và phải gửi một thông điệp rõ ràng tới nhà lãnh đạo Nga rằng, chiến tranh xâm lược sẽ phải chịu sự trừng phạt”. Bà kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để truy tố các nhà lãnh đạo Nga về việc Nga xâm lược Ukraina.
Mặc dù Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại La Hay, Hà Lan, đã cử người đến Ukraina vào năm ngoái để điều tra các tội ác chiến tranh liên quan đến việc Nga xâm lược Ukraina, nhưng Tòa án Hình sự Quốc tế chỉ có thể giải quyết các vụ án mà cả hai nguyên đơn và bị đơn là thành viên của tòa án, hoặc các vụ án do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) đưa ra.
Bà Baerbock nói rằng chính phủ Ukraina lo ngại rằng vì Nga và UkrainA không phải là thành viên nên Tòa án Hình sự Quốc tế không có thẩm quyền đối với các tội ác chiến tranh xảy ra ở Ukraina, do đó không thể truy tố Nga về bất kỳ tội ác chiến tranh nào có thể xảy ra.
Bà nói rằng Đức ủng hộ Ukraina và hy vọng thành lập một tòa án đặc biệt đối với hành vi xâm lược của Nga, đồng thời ủng hộ việc cập nhật “Quy ước Rome”, chỉ cần quốc gia bị xâm lược là bên ký kết, thì Tòa án Hình sự Quốc tế có thể xét xử các vụ án liên quan.
Văn phòng Tổng chưởng lý đã bắt đầu cuộc điều tra về cuộc chiến Nga-Ukraina vào tháng 3 năm 2022 và thu thập thông tin cũng như bằng chứng. “Chúng tôi hiện đang tập trung vào vụ giết người hàng loạt ở thị trấn Bucha và các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraina”, ông Frank nói.
Ông Frank chỉ ra rằng hầu hết các bằng chứng đến từ các cuộc phỏng vấn với những người tị nạn Ukraina và mục tiêu bây giờ là “chuẩn bị cho các phiên tòa có thể xảy ra trong tương lai – cho dù ở Đức, hay với các đối tác nước ngoài của chúng tôi, hoặc tại các tòa án quốc tế”.
Ông Frank cho rằng, theo quan điểm của ông, việc sử dụng Tòa án Hình sự Quốc tế hay các tòa án đặc biệt, cuối cùng vẫn phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế.
Vào tháng 3 năm 2022, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thành lập một Ủy ban Điều tra độc lập về Ukraina để điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền và vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở Ukraina, đồng thời lưu giữ bằng chứng cho “các thủ tục pháp lý trong tương lai.”
Ukraina, Liên minh châu Âu (EU) và Hà Lan đã công khai ủng hộ việc thành lập tòa án đặc biệt.
Phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào ngày 30 tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Ukraina – Volodymyr Zelenskyy cũng đã kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để trừng phạt Nga vì xâm lược Ukraina.
Liên Thành
LHQ cảnh báo về ‘chiến tranh rộng lớn hơn’ khi xung đột Ukraine gia tăng
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (AP)
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo, thế giới có thể đang hướng tới một “cuộc chiến rộng lớn hơn” khi nguy cơ leo thang của cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày càng gia tăng.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên hôm 6/2, trình bày về các ưu tiên của mình cho năm 2023, ông Guterres đã chỉ trích cuộc xâm lược Ukraine của Nga, nhấn mạnh rằng cuộc chiến đã “gây ra những nỗi đau khổ khôn xiết cho người dân Ukraine, kèm theo những hệ lụy toàn cầu sâu sắc”.
Ông nêu quan ngại: “Triển vọng về hòa bình ngày càng giảm sút, nguy cơ leo thang và đổ máu ngày càng lớn. Tôi lo sợ thế giới không phải mộng du, mà là mở to đôi mắt mà tiến vào một cuộc chiến rộng lớn hơn.”
Cuộc chiến kéo dài gần một năm qua đã gia tăng trong những tuần gần đây, khi mà nhiều trận giao tranh ác liệt giữa các lực lượng Kyiv và Moscow diễn ra nhằm giành quyền kiểm soát các thị trấn ở miền Đông Ukraine.
Ngày 6/1, Thống đốc Donetsk Pavlo Kyrylenko nhận định, trận chiến ở khu vực miền Đông Ukraine đang “nóng lên”, với việc lực lượng Nga “điều động các đơn vị mới vào trận chiến, xóa sổ các thị trấn và làng mạc của chúng tôi”.
Ông Serhiy Haidai, Thống đốc tỉnh Lugansk, cũng phát biểu trên truyền hình rằng Nga đang đưa thêm quân dự bị và vũ khí vào miền Đông Ukraine. Đáng lưu ý, pháo kích không còn diễn ra suốt ngày đêm vì quân Nga chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công toàn diện.
“Sau ngày 15/2, chúng tôi cho rằng chiến dịch tấn công có thể diễn ra bất kỳ lúc nào,” ông Haidai lưu ý.
Ngoài cuộc chiến ở Ukraine, ông Guterres còn đề cập đến các mối đe dọa khác đối với hòa bình, từ cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đến Afghanistan, Myanmar, Sahel và Haiti.
Ông nói: “Nếu mọi quốc gia đều thực hiện nghĩa vụ của mình theo hiến chương [LHQ], thì quyền được hòa bình sẽ được đảm bảo.”
Ông nhận xét thêm, đã đến lúc “thay đổi cách tiếp cận hòa bình của chúng ta bằng cách tái cam kết với hiến chương – đặt nhân quyền và nhân phẩm lên hàng đầu, lấy ngăn ngừa làm trọng tâm”.
Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 6/2, trang web chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đăng thông cáo về việc cơ quan này đã tiến hành phiên họp liên quan tình hình nhân đạo ở Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield bày tỏ, cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục gây ra những hậu quả nặng nề đối với cả người dân quốc gia Đông Âu cũng như cộng đồng quốc tế.
Theo bà, trên 17 triệu người Ukraine đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp, đặc biệt là lương thực, thuốc men, nước uống và thiết bị sưởi ấm do nền nhiệt độ xuống thấp; xấp xỉ 6 triệu người mất nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị phá hủy nặng nề.
Minh Ngọc (Theo Al Jazeera, AP)
Chất lượng xây dựng kém làm tăng thiệt hại động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
Các trận động đất lớn ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria vào hôm thứ Hai đã giết chết hơn 2.300 người. Chúng là những trận động đất mạnh nhất trong khu vực kể từ động đất Istanbul năm 1999 khiến hơn 17.000 người thiệt mạng. Thảm họa đó, cùng với các nỗ lực tìm kiếm cứu hộ đầy lỗ hổng, đã phơi bày một mô hình phát triển đô thị nhiều khiếm khuyết, cũng như tham nhũng trong xây dựng và sự thiếu chuẩn bị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cho tới nay một số vấn đề vẫn tồn tại.
Dưới thời tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, người nắm quyền từ năm 2003, công tác ứng phó thảm họa đã được cải thiện. Các đơn vị nhà ở trên 3m được cải tạo và củng cố. Song các khu chung cư giá rẻ hoặc được xây bất chấp quy tắc vẫn tiếp tục tràn ngập các thành phố và thị trấn của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tình cảnh đó, lệnh ân xá đối với công trình xây dựng chưa đăng ký, vốn được chính phủ Erdogan thông qua vào năm 2018 và đã thu hút tới 9 triệu đơn đăng ký, càng không giúp ích. Nó có nguy cơ biến các thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ thành “nghĩa địa” trong động đất, chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Cemal Gokce cho biết một năm sau đó. Lời cảnh báo của ông đã trở thành hiện thực.
Ngành dầu mỏ sẽ tiêu số tiền lời khổng lồ ra sao?
Các công ty dầu mỏ lớn đang ngồi trên núi tiền. Shell đã công bố lợi nhuận ròng năm 2022 gần 40 tỷ đô la, ExxonMobil kiếm được khoản lãi ròng kỷ lục 55,7 tỷ đô la, trong khi lãi của Chevron tăng gấp đôi. Thứ Ba này đến lượt BP còn TotalEnergies là thứ Tư. Tổng cộng, năm “ông lớn” dầu mỏ có thể đã thu về khoảng 200 tỷ đô la lợi nhuận.
Một phần của số tiền này sẽ quay về với các cổ đông, trong khi phần còn lại được tái đầu tư. Cách tiêu số tiền này đang thay đổi. Họ cần các loại năng lượng có thể được nhanh chóng tung ra thị trường, có ít rủi ro hơn khi phát triển, sản xuất sạch hơn và gần thị trường mẹ hơn. Sau khi bị buộc phải từ bỏ tài sản ở Nga sau cuộc xâm lược Ukraine, một số đang chuyển hướng đầu tư sang châu Mỹ, vốn có các mỏ tương đối ít rủi ro cùng chi phí thấp. Các công ty dầu mỏ cũng đang đáp ứng yêu cầu của các nhà hoạt động và giới hoạch định chính sách để giảm carbon trong danh mục đầu tư. Chẳng hạn, BP cam kết dành 40% ngân sách đầu tư cho các dự án carbon thấp cho tới năm 2025.
Úc cân nhắc đà tăng lãi suất
Trước áp lực lạm phát cao, ngân hàng trung ương Úc đã tăng lãi suất 8 lần kể từ tháng 5. Nhưng cuộc chiến của họ vẫn chưa kết thúc. Lạm phát giảm chậm hơn so với ở châu Âu hay châu Mỹ, đạt tỷ lệ năm lên tới 7,8% trong tháng 12, cao nhất kể từ năm 1990. Ngân hàng Dự trữ Úc dự kiến sẽ phản ứng bằng cách tăng thêm 0,25 điểm phần trăm lãi suất vào thứ Ba, lên 3,35%.
Nhưng sau đó họ có thể phải thay đổi chiến thuật. Các hộ gia đình Úc có tỉ lệ nợ thuộc hàng cao nhất thế giới, đặc biệt nghiêm trọng khi lãi suất tăng. Theo ngân hàng AMP, nếu ngân hàng trung ương tăng lãi suất như dự kiến, người Úc sẽ phải trả thêm gần 1.000 đô la Úc (692 đô la) mỗi tháng để trả khoản thế chấp trị giá 500.000 đô la Úc, so với thời điểm tháng 4 năm ngoái. Kể từ đó giá nhà đã giảm gần 9%, và hứa hẹn giảm tiếp khi các khoản vay lãi suất cố định kết thúc. Để tránh suy thoái, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Úc có thể sẽ phải nhẹ tay.
Google ra mắt Bard cạnh tranh với ChatGPT – Zoe Kleinman
Biên tập viên Công nghệ BBC
07/02/2023
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Google đang tung ra một chatbot dùng Trí tuệ nhân tạo (AI) có tên là Bard để cạnh tranh với ChatGPT.
Công ty cho biết Bard sẽ được sử dụng bởi một nhóm người thử nghiệm trước khi tung ra công chúng trong vài tuần tới.
Bard được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn Lamda hiện có của Google, mà một kỹ sư đã mô tả là giống con người trong các phản hồi của Bard đến mức anh ta tin rằng nó có tri giác.
Google cũng đã công bố các công cụ AI mới cho công cụ tìm kiếm hiện tại của mình.
Chatbot AI được thiết kế để trả lời các câu hỏi và tìm kiếm thông tin. ChatGPT là ví dụ nổi tiếng nhất. Họ sử dụng những gì trên internet như một cơ sở dữ liệu kiến thức khổng lồ mặc dù có những lo ngại rằng điều này cũng có thể bao gồm tài liệu xúc phạm và thông tin sai lệch.
“Bard tìm cách kết hợp bề rộng kiến thức của thế giới với sức mạnh, trí thông minh và sự sáng tạo của các mô hình ngôn ngữ qui mô của chúng tôi,” CEO Google Sundar Pichai viết trong một blog.
Ông Pichai nhấn mạnh rằng ông muốn các dịch vụ AI của Google phải “táo bạo và có trách nhiệm” nhưng không nói chi tiết về cách Bard sẽ được ngăn chia sẻ nội dung có hại hoặc lạm dụng ra sao.
Ông cho biết nền tảng này ban đầu sẽ hoạt động trên một phiên bản “nhẹ” của Lamda, yêu cầu ít năng lượng hơn để nhiều người có thể sử dụng nó ngay.
Thông báo của Google được đưa ra sau nhiều đồn đoán rằng Microsoft sắp đưa chatbot AI ChatGPT lên công cụ tìm kiếm Bing, sau khoản đầu tư trị giá hàng tỷ đô la vào công ty đứng sau nó là OpenAI.
ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi và thực hiện các yêu cầu ở dạng văn bản, dựa trên thông tin từ internet tính tới năm 2021.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
ChatGPT có thể tạo các bài phát biểu, bài hát, nội dung tiếp thị, tin bài và bài luận của sinh viên.
ChatGPT hiện miễn phí cho mọi người sử dụng, mặc dù công ty phải trả một vài xu mỗi khi ai đó dùng. OpenAI gần đây đã công bố một sự lựa chọn để bổ sung quyền truy cập miễn phí.
Nhưng các chuyên gia tin rằng mục đích cuối cùng của chatbot là để tìm kiếm trên internet – thay thế các trang liên kết web bằng một câu trả lời dứt khoát.
Sundar Pichai nói rằng mọi người đang sử dụng tìm kiếm của Google để hỏi nhiều câu hỏi sâu và đa dạng hơn trước đây.
Ví dụ, trước đây, một câu hỏi thường gặp về piano có thể là nó có bao nhiêu phím, thì bây giờ có nhiều khả năng là liệu nó có khó học hơn guitar hay không – vốn không có câu trả lời thực tế ngay lập tức.
“AI có thể hữu ích trong những thời điểm này, tổng hợp những hiểu biết sâu cho những câu hỏi không có một câu trả lời đúng,” ông viết.
“Sắp tới, bạn sẽ thấy các tính năng do AI cung cấp trong Tìm kiếm giúp chắt lọc thông tin phức tạp và nhiều quan điểm thành các định dạng dễ tiếp thu, vì vậy, bạn có thể nhanh chóng hiểu được bức tranh toàn cảnh và tìm hiểu thêm từ web.”
Tướng Mỹ: Các khinh khí cầu do thám của TQ trước đây không bị phát hiện – 07/02/2023
Một tướng cấp cao của Hoa Kỳ chịu trách nhiệm bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ngày 6/2 cho biết quân đội Mỹ đã không phát hiện các khinh khí cầu do thám trước quả khinh khí cầu bị phát hiện hôm 28/1 trên không phận Hoa Kỳ và gọi đó là một “sơ suất về cảnh giác”.
Ngũ Giác Đài cuối tuần qua cho biết các khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã bay qua Hoa Kỳ trong thời gian ngắn ít nhất ba lần dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump và một lần trước đây dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Tướng Không quân Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ và Bộ Tư lệnh Phương Bắc, cho biết khinh khí cầu mới nhất cao 60 mét và trọng lượng bên dưới nó nặng vài nghìn kí lô.
Ông không cung cấp thông tin chi tiết về các khinh khí cầu trước đó, kể cả nơi chúng bay qua nước Mỹ.
Tướng VanHerck nói: “Tôi sẽ nói với bạn rằng chúng tôi đã không phát hiện ra những mối đe dọa đó và đó là lỗ hổng trong nhận thức”.
Ông VanHerck nói thêm rằng tình báo Hoa Kỳ đã xác định các chuyến bay trước đó theo dữ kiện dựa trên “phương tiện thu thập bổ sung” thông tin tình báo, nhưng không cho biết chi tiết về việc liệu đó là gián điệp mạng, nghe lén điện thoại hay nguồn lực con người.
Dân biểu Cộng hòa Michael Waltz, người phục vụ trong ủy ban tình báo của Hạ viện, cho biết hôm 5/2 rằng Ngũ Giác Đài đã nói với ông rằng một số vụ khinh khí cầu của Trung Quốc đã xảy ra trong vài năm qua, bao gồm cả ở Florida.
Một máy bay chiến đấu của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã bắn hạ chiếc khinh khí cầu bị nghi ngờ là do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển South Carolina hôm 4/2, một tuần sau khi nó lần đầu tiên đi vào không phận Hoa Kỳ và gây ra một câu chuyện gián điệp kịch tính — và công khai — làm xấu đi quan hệ Mỹ-Trung.
Tướng VanHerck không loại trừ khả năng có chất nổ trên khinh khí cầu, nhưng nói rằng ông cũng không có bất kỳ bằng chứng nào về điều đó. Tuy nhiên, rủi ro đó là một yếu tố khiến ông lập kế hoạch bắn hạ nó trên mặt nước.
Nhiều máy bay chiến đấu và máy bay tiếp nhiên liệu đã tham gia vào nhiệm vụ, nhưng chỉ một chiếc – máy bay chiến đấu F-22 từ Căn cứ Không quân Langley ở Virginia – thực hiện vụ bắn lúc 2:39 chiều, sử dụng một phi đạn không đối không siêu thanh, tầm nhiệt AIM-9X.
Ông VanHerck cho biết các mảnh vỡ đã được thu thập từ một khu vực rộng khoảng 1.500 mét x 1.500 mét và một số tàu quân sự đang giúp thu thập nó.
Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ ngày 6/2 cho biết đang thiết lập một khu vực an ninh tạm thời ở ngoài khơi Bãi biển Surfside, South Carolina, tại khu vực khinh khí cầu bị bắn rơi.
Các quan chức không tiết lộ các cảm biến do thám mà khinh khí cầu mang theo còn nguyên vẹn như thế nào sau khi nó rơi xuống biển – một yếu tố có thể xác định liệu vụ bắn hạ có thành công hay không từ góc độ thu thập thông tin tình báo.
TIN GIỜ CHÓT:

- Hải quân Hoa Kỳ đã công bố những bức ảnh cho thấy việc thu hồi những gì còn sót lại của khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn hạ theo lệnh của Tổng thống Joe Biden ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.
- Những bức ảnh được chụp một ngày sau khi một máy bay chiến đấu của Mỹ bắn vào quả bóng bay cao 200 foot, khiến nó rơi xuống Đại Tây Dương.
- Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết chính quyền Biden “đang xem xét các hành động khác có thể được thực hiện” để đối phó với quả bóng bay và gọi quan hệ Mỹ-Trung là “căng thẳng”.
- Dân biều Ann Wagner, một đảng viên Cộng hòa Missouri, cho biết: “Quyết định của Biden để cho những quả bóng bay [Đảng Cộng sản Trung Quốc] đi khắp nước Mỹ” là một sự thể hiện sự yếu kém không thể tha thứ.
Khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ: Mỹ sẽ không trả lại các mảnh vỡ – Trọng Nghĩa /RFI
07/02/2023
Ông John Kirby, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, trả lời họp báo tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 25/01/2023. REUTERS – EVELYN HOCKSTEIN
Hoa Kỳ đã thu hồi những mảnh vỡ đầu tiên của chiếc khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi cuối tuần trước ngoài khơi bờ biển miền đông nam nước Mỹ. Một phát ngôn viên Nhà Trắng đã cho biết như trên hôm qua, 06/02/2023, đồng thời khẳng định sẽ không trả lại những mảnh này cho Trung Quốc.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong một cuộc tiếp xúc với báo chí, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby xác nhận các đội tìm kiếm được triển khai ngoài khơi bờ biển bang South Carolina, đã “thu hồi được một số mảnh vỡ nổi trên mặt nước” của chiếc khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, chưa thể lặn tìm để trục vớt thiết bị mà Washington coi là khinh khí cầu “do thám” này. Ông John Kirby cũng nói rõ là Hoa Kỳ “không có ý định trả lại” cho Trung Quốc các mảnh vỡ thu hồi được.
Còn trong một cuộc họp báo riêng, tướng Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Không Gian Bắc Mỹ (Norad), cho biết là một tàu hải quân Mỹ đang khoanh vùng địa điểm mà các mảnh vỡ rơi xuống. Theo quan chức này, chiếc khinh khí cầu Trung Quốc cao khoảng 60 mét và mang theo một loại giỏ nặng hơn một tấn. Các mảnh vỡ sẽ được nghiên cứu cẩn thận.
Vào lúc tổng thống Mỹ Joe Biden đang bị phe đối lập thuộc đảng Cộng Hòa chỉ trích vì đã quá chần chờ trước khi cho bắn hạ thiết bị bay của Trung Quốc, phát ngôn viên John Kirby đã đảm bảo rằng khoảng thời gian “chậm trễ” đó đã mang lại một “cơ hội to lớn để nghiên cứu và hiểu rõ hơn “công cụ do thám” của Trung Quốc trong khi chờ đợi các mảnh vỡ cung cấp thêm thông tin.
Ông Kirby cũng khẳng định Hoa Kỳ đã “áp dụng những biện pháp để hạn chế khả năng thu thập (dữ liệu) của chiếc khinh khí cầu (Trung Quốc) khi bay qua các cơ sở quân sự nhạy cảm”.
Trung Quốc và Ukraina trong Diễn Văn về Tình Trạng Liên Bang
Cùng với hồ sơ Ukraina, vụ khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc bị bắn hạ nói riêng và quan hệ Washington-Bắc Kinh nói chung được cho là sẽ bao trùm phần nói về đối ngoại trong bài “Diễn Văn về Tình Trạng Liên Bang” mà tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đọc hôm nay trước Quốc Hội Lưỡng Viện Hoa Kỳ.
Theo AFP, về Ukraina, dĩ nhiên là ông Biden sẽ nêu bật vai trò đầu tàu của Mỹ trong cuộc phản công của phương Tây chống lại cuộc xâm lược Ukraina mà Nga khởi động.
Còn đối với Bắc Kinh, tổng thống Biden sẽ phải nêu bật thái độ kiên quyết của Hoa Kỳ trong cuộc canh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Bị chỉ trích là thiếu quyết đoán trong vụ khinh khí cầu Trung Quốc, ông Joe Biden đã nhiều lần nhắc lại ông đã đưa ra quyết định bắn hạ ngày thứ Tư 01/02 nhưng quân đội Mỹ đã khuyên ông nên đợi đến thứ Bảy 04/02, lúc khinh khí cầu bay đến Đại Tây Dương, nhưng còn trong lãnh hải của Mỹ, để tránh gây hại cho người dân ở dưới đất.
XEM THÊM:
- Cập nhật tin Ukraine ngày 6/2/2023 (348):
- Chiến tranh Nga-Ukraine: Lãnh đạo Wagner thách thức TT Zelensky – Bảo thủ Mỹ đứng sau Ukraine với chiến lược tốt hơn – TQ gửi viện trợ kỹ thuật cho Nga – Thêm nhiều viện trợ đến Ukraine – Bộ QP UA vẫn giữ nguyên
Tags: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, tin tức thế giới, Trung cộng, Ukraine, Động dất