Thời sự Thứ hai 08/05/2023: *Liên đoàn Ả Rập vừa bỏ phiếu cho Syria trở lại. *Nhật Bản – Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ. *NATO tập trận phòng không lớn ở gần Bắc Cực, *Trung Quốc xếp áp chót Tự do Báo chí Thế giới.


Võ Thái Hà tổng hợp


Liên đoàn Ả Rập vừa bỏ phiếu cho Syria, nước bị đình chỉ tư cách thành viên từ năm 2011, tái gia nhập khối tại cuộc họp khẩn ở Ai Cập. Liên đoàn cũng thảo luận về nội chiến ở Sudan. Các nước láng giềng của Syria đã bình thường hóa quan hệ với nước này trong những tháng gần đây. Ả Rập Saudi, quốc gia sẽ tổ chức cuộc họp dự kiến của Liên đoàn vào ngày 19 tháng 5, gần đây thừa nhận những nỗ lực bài xích nhà độc tài Bashar al-Assad của họ đều không thành công.


Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng Quốc hội có thể tạo ra “khủng hoảng hiến pháp” nếu không tăng trần nợ, vốn có thể bị thủng ngay ngày 1 tháng 6. Đảng Cộng hòa đang yêu cầu cắt giảm chi tiêu liên bang để đổi lấy việc nâng trần nợ chính phủ. Các quan chức của tổng thống Joe Biden đã cân nhắc viện dẫn một tu chính án để bỏ qua quốc hội trong trường hợp đàm phán, vốn bắt đầu vào thứ Ba, đi vào bế tắc.


NATO tập trận phòng không lớn ở gần Bắc Cực

Mười ba quốc gia; hơn 20 tàu chiến; 35 máy bay; và chừng 4.000 binh sĩ. Formidable Shield, cuộc tập trận phòng không do NATO tổ chức hai năm một lần, sẽ bắt đầu vào thứ Hai ở vùng High North, gần Vòng cung Bắc Cực. Dù là cuộc tập trận thường lệ, nó diễn ra đúng lúc nhu cầu hệ thống phòng không trở nên rõ ràng sau những đòn không kích của Nga vào các thành phố Ukraine.

Cuộc tập trận có ba mục đích. Thứ nhất, để cải thiện khả năng phòng thủ của các đồng minh trước máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của địch. Thứ hai, nó mang lại sự yên tâm cho các đồng minh, nhất là những nước láng giềng với Nga. Và thứ ba, đây là lời cảnh báo cho Nga nếu có ý định đe dọa các thành viên NATO.

Tập trận bắn đạn thật kéo dài đến ngày 26 tháng 5 sẽ dùng các phạm vi tên lửa ở Scotland và Na Uy và được chỉ huy từ một tàu khu trục Tây Ban Nha. Ngoài ra còn có máy bay phản lực F-35 của một số nước đồng minh. Các chỉ huy cho biết cuộc tập trận sẽ “kết hợp khả năng tác chiến từ đáy đại dương cho đến quỹ đạo thấp của trái đất.” Nga chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ, từ đáy biển lên không gian.


Nền kinh tế chia rẽ của châu Âu 

Vào ngày 4 tháng 5, Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB đã giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ với mức tăng lãi suất chỉ 0,25 điểm phần trăm, lên 3,75%, dù lạm phát vẫn còn cao. ECB cho rằng lãi suất cao đã có tác dụng hạ nhiệt nền kinh tế như mong muốn. Đúng như dự đoán, dữ liệu được công bố ngay hôm sau cho thấy các đơn đặt hàng công nghiệp của Đức đã giảm tới 10,7% trong tháng 3 so với một tháng trước. Số liệu sản xuất công nghiệp của Đức trong tháng 3 sẽ được công bố vào thứ Hai.

Tránh được suy thoái kinh tế vào năm ngoái sau cuộc xâm lược của Nga và cuộc khủng hoảng năng lượng, châu Âu giờ đang hy vọng lướt qua được lạm phát cao. Nhưng nền kinh tế đang cho thấy các chỉ dấu trái ngược nhau: ngành dịch vụ vẫn hoạt động tốt, theo dữ liệu khảo sát mới nhất, trong khi ngành sản xuất giảm tốc bởi nhu cầu thấp hơn. Chỉ số sản xuất của Đức giảm đáng kể có thể khiến các ngân hàng trung ương kết luận rằng chính sách của họ đang có phần mạnh tay.


Sắp trao giải Pulitzer

Đây là một thời điểm khó khăn cho các nhà báo Mỹ. Hãng thăm dò dư luận Pew cho biết niềm tin của công chúng vào các phương tiện truyền thông đang sụt giảm: hơn 80% người Mỹ coi tin giả là một vấn nạn lớn. Một số tránh đọc tin vì cho rằng chúng quá nặng nề. Trong một cuộc khảo sát gần đây do Associated Press công bố, gần 75% số người được hỏi đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông về vấn đề phân cực chính trị. Gần một nửa không tin vào sự công bằng của truyền thông.

Tuy nhiên, báo chí, nếu làm đúng, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Những ví dụ điển hình sẽ là các chủ nhân giải Pulitzer năm nay. Còn nhớ hồi năm ngoái 2022, quỹ Pulitzer đã vinh danh những hãng tin đưa tin về bạo loạn ở Điện Capitol, bạo lực của cảnh sát, di sản của sự kiện 11/9 và nạn nước uống nhiễm chì.

Song giải thưởng này không mang lại an toàn tài chính. Buzzfeed News, chủ nhân giải Pulitzer 2021, đóng cửa từ tháng 4. Và các tờ báo địa phương tiếp tục bốc hơi: năm ngoái, trung bình có hai tờ báo phải đóng cửa mỗi tuần.


Triển lãm cổ vật Hy Lạp và Ba Tư ở London

Herodotus, một sử gia Hy Lạp sống ở thế kỷ 5 trước Công nguyên, từng viết: “Kho báu ở đó rất nhiều — những chiếc lều chứa đầy đồ đạc bằng vàng và bạc.” Khi ấy ông muốn mô tả nơi ở của một chỉ huy người Ba Tư, chiếm được trong một trong nhiều cuộc chiến tranh giữa Hy Lạp và Ba Tư. Các ghi chép từ thời kỳ hỗn loạn này, hầu hết do người Hy Lạp viết, cho rằng nền văn minh của họ từ chối sự phô trương của cải như người Ba Tư. Nhưng triển lãm tại Bảo tàng Anh ở London sẽ cho thấy câu chuyện mang nhiều sắc thái hơn thế.

Thông qua các cổ vật được khai quật từ Afghanistan, Bulgaria và những nơi khác, “Sang trọng và quyền lực: Ba Tư đến Hy Lạp” cho thấy các xã hội thường gây chiến với nhau vẫn gắn bó với nhau hơn những gì Herodotus và những người đương thời của ông sẵn sàng thừa nhận. Tại đây trưng bày những chiếc vò hai quai mạ vàng và những bình uống rượu tinh xảo do triều đình Ba Tư đặt hàng để thể hiện sự giàu có và quyền lực của họ. Ở chiều ngược lại, người Hy Lạp tái sáng tạo các vật dụng trang trí của Ba Tư. Ví dụ, đồ trang sức được tìm thấy ở Hy Lạp mang họa tiết động vật giống như những món đồ trang sức trên các kho báu của Ba Tư. Có vẻ như sự sang trọng đã vượt lên trên sự đối đầu giữa hai bên.


Quân đội Nga tấn công Zaporizhzhia Oblast 75 lần trong ngày qua

Liên Thành 

Binh lính Nga. (Ảnh: AFP). 

The Kyiv Independent dẫn thông tin từ Thống đốc Yurii Malashko hôm 7/5 cho biết, các lực lượng Nga đã phát động 75 cuộc tấn công vào tỉnh Zaporizhzhia trong 24 giờ qua.

Theo ông Malashko, 16 khu định cư gần tiền tuyến đã bị hỏa lực từ Hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) và pháo binh của Nga tấn công.

Thống đốc cho biết không có thương vong. Tuy nhiên, các cuộc tấn công đã làm hư hại nhà cửa, xe hơi và tài sản của cư dân.

Zaporizhzhia Oblast thường xuyên phải hứng chịu các cuộc tấn công kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện. Các lực lượng Nga hiện đang chiếm giữ một phần của khu vực này, bao gồm cả thành phố Enerhodar, nơi có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.

Trước đó cùng ngày, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraina báo cáo rằng Nga đang buộc sơ tán cư dân Enerhodar đến các thành phố Prymorsk và Berdiansk do Nga chiếm đóng.

Bộ Tổng tham mưu cho biết Nga chủ yếu tái định cư những người Ukraina đã mang hộ chiếu Nga kể từ những ngày đầu tiên Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022.


Trung Quốc xếp thứ 2 từ dưới lên trong BXH Tự do Báo chí Thế giới

Alex Wu

Cảnh sát cố gắng ngăn cản các nhà báo ghi hình, bên ngoài Tòa án Nhân dân Quận Mới Phố Đông (Thượng Hải) – nơi nhà báo Trung Quốc Trương Triển bị xét xử vào ngày 28/12/2020. (Ảnh: Leo Ramirez/AFP qua Getty Images ) 

Trung Quốc giữ vị trí thứ 2 từ dưới lên trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới mới nhất do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới công bố vào ngày 03/05 (ngày Tự do Báo chí Thế giới).

Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 179 trong số 180 quốc gia và khu vực, trên Triều Tiên một bậc. Nước này đã giảm 4 bậc so với vị trí của họ trong bảng xếp hạng năm ngoái.

Hong Kong (do Trung Quốc kiểm soát) đứng thứ 140. Thực trạng tự do báo chí tại Hong Kong được xếp vào loại “khó khăn”, trong khi Trung Quốc đại lục được xếp vào loại “rất nghiêm trọng”.

Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới xếp hạng các quốc gia và khu vực theo 5 hạng mục: bối cảnh chính trị, khuôn khổ pháp lý của khu vực tài phán, bối cảnh kinh tế, bối cảnh văn hóa xã hội và mức độ an toàn.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã lựa chọn các nhà báo, học giả và nhà hoạt động nhân quyền để trả lời bảng câu hỏi của họ về quyền tự do báo chí. Tổ chức này sử dụng phương pháp thống kê định lượng các hành vi ngược đãi đối với giới truyền thông và nhà báo, đồng thời phân tích định tính các quan sát của giới chuyên gia về tự do báo chí, từ đó tính điểm cho từng quốc gia và khu vực.

Báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm nay miêu tả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “nhà tù lớn nhất thế giới đối với các nhà báo và người ủng hộ tự do báo chí, đồng thời là một trong những nước xuất khẩu nội dung tuyên truyền lớn nhất thế giới”.

Theo báo cáo của RSF, tại Trung Quốc, “các nhà báo và blogger độc lập dám đưa tin ‘nhạy cảm’ thường bị theo dõi, sách nhiễu, giam giữ và trong một số trường hợp còn bị tra tấn”

Một nhà hoạt động dân chủ cầm tấm bảng có hình nhà báo mất tích Phương Bân (Fang Bin), trong cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng liên lạc Trung Quốc ở Hong Kong vào ngày 19/02/2020. (Ảnh: Isaac Lawrence/AFP qua Getty Images) 

Đầu năm 2020, The Epoch Times từng đưa tin rằng ông Phương Bân (Fang Bin), một nhà báo công dân ở Vũ Hán, đã bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù vì đưa tin “sai sự thật” về đại dịch COVID-19 ở Vũ Hán. Ba năm sau, vào ngày 30/04, ông được trả tự do nhưng vẫn bị cảnh sát đưa tới đưa lui giữa Bắc Kinh và Vũ Hán. Gia đình ông không dám cho ông trở về nhà do họ bị chính quyền đe dọa. Kết quả là, ông Phương Bân bị buộc phải trở thành người vô gia cư và liên tục bị các đặc vụ mặc thường phục theo dõi.

Một nhà báo công dân khác, bà Trương Triển (Zhang Zhan), cũng bị kết án vì đưa tin về đại dịch ở Vũ Hán và vẫn đang ngồi tù.

Ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một chuyên gia về Trung Quốc đang sống tại Hoa Kỳ, nói với NTD News vào ngày 05/05: “Điều này [thứ hạng thấp của Trung Quốc] một lần nữa cho thấy rằng dưới chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), việc phát triển kinh tế nhanh chóng không thể mang đến tự do ngôn luận và tư tưởng dân chủ”.

Nga, đồng minh của Trung Quốc, cũng bị tụt hạng trong bảng xếp hạng tự do báo chí năm nay. Nước này đứng thứ 164, kém 9 bậc so với vị trí của họ vào năm ngoái.

Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc), được RSF mô tả là một trong những “nền dân chủ” của thế giới, xếp hạng thứ 35.

Ông Đường Tịnh Viễn nói thêm: “Quyền tự do báo chí ở Trung Quốc tiếp tục đi xuống đáy. Điều này cho thấy một cách rõ ràng rằng hoạt động đàn áp ngôn luận của ĐCSTQ trong những năm gần đây đã đạt đến tầm cao mới”.

Ông Đường chỉ ra: “Không thể mong đợi ĐCSTQ tự thay đổi bản thân họ”.

Trong chương trình “Wei Yu Sees the World” của đài truyền hình NTD tiếng Trung, bà Chen Weiyu nói: “ĐCSTQ dựa vào súng và bút để cướp chính quyền. Cái gọi là ‘bút’ là hoạt động kiểm soát tin tức và hoạt động tuyên truyền. Lý do tại sao họ coi trọng tin tức và tuyên truyền đến vậy và phải kiểm soát chặt chẽ chúng đến vậy, là vì họ muốn phát tán thông tin sai lệch”. “ĐCSTQ đã xây dựng ‘Vạn Lý Tường Lửa’ với cùng mục đích ấy, đó là ngăn chặn người dân Trung Quốc tiếp cận tin tức và thông tin thực sự”.

Ông Đường nói: “Chừng nào hệ thống của ĐCSTQ chưa tan rã, dân thường và nhà báo sẽ không có ngày nào mà họ có thể thực sự có được tự do ngôn luận”.

Theo The Epoch Times


Nhật Bản – Hàn Quốc bình thường hóa trở lại quan hệ song phương

08/5/2023

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (P) và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt tay trong cuộc họp báo tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 07/05/2023. AP – Jung Yeon-je 

Thu Hằng | Trần Công /RF

Hàn Quốc và Nhật Bản họp thượng đỉnh tại Seoul ngày 07/05/2023 nhân chuyến công du chính thức của thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiến hành các bước nhằm cải thiện quan hệ song phương, đặc biệt là về mặt an ninh, kinh tế. Riêng vấn đề lao động cưỡng bức thời Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc, một chủ đề lịch sử nhạy cảm, thủ tướng Kishida giữ nguyên lập trường chính thức từ trước đến nay của Tokyo và ông chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân.   

Theo NHK, dường như chính quyền của tổng thống Hàn Quốc coi cử chỉ này là một dạng nhượng bộ của Nhật Bản.Thông tín viên RFI Trần Công tại Seoul cho biết thêm : 

« Một trong những vấn đề tâm điểm trong mối bang giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đó chính là vấn đề lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên. Tại hội nghị thượng đỉnh, thủ tướng Kishida vẫn giữ quan điểm và lập trường của nội các Nhật Bản từ trước đến nay về vấn đề lịch sử. Mặc dù ông Kishida nói rằng « trên phương diện cá nhân, tôi rất đau lòng khi nghĩ đến những người đã phải chịu đựng nỗi đau khủng khiếp trong hoàn cảnh và môi trường khắc nghiệt trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản ». Tuy nhiên cho tới nay, phía Nhật Bản vẫn giữ nguyên quan điểm không đưa ra lời xin lỗi với những nạn nhân lao động cưỡng bức tại Hàn Quốc. 

Mối bang giao Hàn Quốc – Nhật Bản đã từng bị đóng băng từ năm 2018, khi Hàn Quốc yêu cầu hai công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian đô hộ. Đáp lại, Tokyo đã tuyên bố hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao ngành bán dẫn sang Hàn Quốc. Mọi chuyện chỉ lắng xuống khi Hàn Quốc đưa ra kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thông qua một quỹ được đóng góp tư nhân. Hàn Quốc hi vọng rằng các công ty tư nhân Nhật Bản sẽ đóng góp vào quỹ này và những nạn nhân lao động cưỡng sẽ nhận được lời xin lỗi từ Nhật Bản. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng nhiều lần nhấn mạnh về sự cần thiết hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản để đối phó với mối đe dọa quân sự từ BắcTriều Tiên. Thủ tướng Kishida cho biết ông đồng ý với tổng thống Yoon về « tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng răn đe và phản ứng thông quan liên minh Nhật – Mỹ, Hàn – Mỹ, và hợp tác an ninh ba bên Nhật – Hàn – Mỹ trong bối cảnh an ninh ngày càng nguy hiểm hiện nay ». 

Một vấn đề khác cũng được quan tâm đó là việc Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima ra biển. Trong cuộc họp lần này, hai nhà lãnh đạo đồng ý trao đổi thông tin, giám sát độc lập và tham khảo cùng với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Đây cũng là lần đầu tiên một đoàn thanh tra từ một nước khác được khảo sát vấn đề xả thải tại Nhật Bản ». 


XEM THÊM:

Tags: , , , , ,

Comments are closed.