Bình luận: Đông Nam Á cần thức tỉnh – Đại Dương
Đại-Dương
Trung Quốc chưa cần xâm lăng các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt với các nước duyên hải.
Trong giai đoạn này, Bắc Kinh chưa đặt kế hoạch thôn tính Cộng đồng Kinh tế ASEAN vì: (1) Bắc Kinh vẫn kiểm soát được tình hình trong khu vực này dù Tây Phương có vài hoạt động cảnh cáo tham vọng bành trướng của Trung Quốc. (2) Bắc Kinh đang ưu tiên độc quyền kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên của Đông Nam Á như dầu khí, hải sản, băng cháy (natural hydrate) nên không thể tiến hành chiến tranh quy mô. (3) Duy trì quyền kiểm soát kinh tế cho các Cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á.
Chính sách “lưỡng lợi” của ASEAN đã đẩy các quốc gia duyên hải Đông Nam Á (Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Indonesia, Brunei, Tân Gia Ba) vào nguy cơ mất chủ quyền, mất tài nguyên mà không có biện pháp đối phó hữu hiệu.
Tình trạng mất chủ quyền
Các quốc gia duyên hải Đông Nam Á đều là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), nhưng, chỉ diễn dịch Công ước vì lợi ích quốc gia nên không giải quyết rõ ràng và dứt khoát hải giới của mỗi quốc gia. Đặc biệt, đối với các vùng chồng lấn trên biển khiến cho các nước trong vùng đều bất lợi và nguy cơ đụng độ quân sự có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Như thế họ mất cơ hội cùng nhau khai thác tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho phát triển đất nước và đoàn kết chặt chẽ khi cần chống lại chính sách bá quyền của Trung Quốc.
Đường 9 Đoạn do Trung Hoa Dân Quốc vẽ năm 1948 đã được Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trình lên Ban Biên giới Liên Hiệp Quốc năm 2009 đã bị chất vấn về phương pháp vẽ bản đồ và lý do hình thành. Nhưng, Bắc Kinh không trả lời và đương nhiên coi vùng nước trong Đường 9 Đoạn thuộc chủ quyền bất khả tranh cãi của Trung Quốc!
Chính quyền Donald Trump cáo buộc Trung Quốc và Việt Nam nằm trong số 17 quốc gia trên thế giới đặt chủ quyền quốc gia trong vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và vùng biển quốc tế được quy định rõ ràng và chính xác trong UNCLOS. Việt Nam không đủ sức ngăn cản Trung Quốc vi phạm. Trái lại, Bắc Kinh sẵn sàng trừng phạt thích đáng nếu Việt Nam dám vi phạm Đường 9 Đoạn.
Năm 2016, Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển (PCA) đã đưa ra Phán quyết ngày 12/07/2016 “Đường 9 Đoạn không có giá trị pháp lý”.
Bắc Kinh chẳng những không tuân thủ mà còn tăng cường các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn trong Đường 9 Đoạn cũng như đưa tàu cá, Hải quân, Hải cảnh, Dân quân Biển thường xuyên đe doạ chủ quyền và quyền-chủ-quyền và quyền-tài-phán của các quốc gia duyên hải Đông Nam Á.
Bắc Kinh phủ nhận Phán quyết của PCA và ngày càng tăng cường các biện pháp bảo vệ chủ quyền trên Biển Nam Trung Hoa (SCS) mà không có quốc gia duyên hải Đông Nam Á nào có thể đương đầu hữu hiệu, ngoại trừ những lời đao to búa lớn của phát ngôn viên chính phủ!
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) không bao giờ đồng lòng lên án Trung Quốc vì Bắc Kinh chỉ “ra lệnh” cho lãnh đạo của một trong số 10 nước hội viên chống là nghị quyết của AEC bay vào sọt rác.
Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về cách Ứng xử trên Biển Nam Trung Hoa mà Bắc Kinh vẫn hành xử theo điều kiện riêng. Hai bên đang đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Nam Trung Hoa (COC) như một biện pháp xoa dịu nên chưa biết bao giờ kết thúc trong khi Bắc Kinh ngày càng siết chặt quyền kiểm soát trên SCS.
Bắc Kinh chủ trương tạo tình trạng mơ hồ để tiếp tục độc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên như hải sản, dầu hoả, băng cháy (natural hydrate) dồi dào dưới lòng Biển Nam Trung Hoa. Đồng thời, chuẩn bị bồi đắp thêm các “đảo nhân tạo” ở Spratly Islands (Trường Sa, Nam Sa).
Dù muốn thì các quốc gia duyên hải Đông Nam Á cũng không bao giờ đủ sức đương đầu về quân sự với Trung Quốc.
Tân Gia Ba có lực lượng Hải quân mạnh nhất Đông Nam Á, nhưng, không có Hiệp ước Phòng thủ chung với Hoa Kỳ mà thực sự hợp tác rất chặt chẽ trên mọi phương diện.
Năm 2008, Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ “Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện” duy nhất với Trung Quốc trong mối quan hệ quốc tế. Tại Diễn đàn Châu Á Bắc Ngao ngày 21/04/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói “Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc”.
Gần 6 năm thần phục Trung Quốc, Tổng thống Phi Luật Tân đã thất vọng vì những lời hứa 10 mà làm có 1 của Bắc Kinh mà vẫn chưa dám quá cứng rắn khi 200 tàu Dân quân Biển của Trung Quốc có hành động mờ ám tại Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) trong EEZ của Phi Luật Tân. Nhưng, Bộ trưởng Quốc phòng cũng như Bộ trưởng Ngoại giao của Manila đã công khai chống chính sách bành trướng của Bắc Kinh. Bộ Quốc Phòng đã có kế hoạch biến đảo Thị Tứ ở Trường Sa thành một Trung tâm Tiếp vận Quân sự.
Lực lượng Thuỷ quân Lục chiến Philippines đã có học thuyết mới từ cuối tháng 4/2021 theo Khái niệm Phòng thủ Bờ biển Quần đảo. Phi Luật Tân có hơn 7,600 hòn đảo với chiều dài 36,300 km. Manila mạnh miệng nhờ có Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương với Hoa Kỳ từ năm 1951 và Chính quyền Trump đã cam kết thì hành nghiêm chỉnh.
Từ năm 2020, Indonesia đã điều điều động Hải, Lục, Không quân để chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc vào lãnh hải.
Thủ tướng Mã Lai Á, Mahathir bin Mohamad (2018-2020) từng buộc Chủ tịch Tập Cận Bình phải nhượng bộ việc đầu tư vào Mã Lai Á.
Brunei đã có một phân đội Hải quân Hoàng gia Anh Quốc trú đóng để bảo vệ an ninh.
Các quốc gia duyên hải Đông Nam Á lệ thuộc kinh tế
Hầu hết các quốc gia duyên hải giao thương với Trung Quốc đều bị thâm hụt mậu dịch, ngoại trừ Tân Gia Ba. Trung Quốc nổi tiếng với danh xưng “Công xưởng Thế giới” nên chủ yếu xuất cảng hàng hoá đa dạng, giá rẻ sẽ dễ dàng giết chết nền sản xuất của các quốc gia Đông Nam Á. Dần dần, các quốc gia ASEAN sẽ trở thành thị trường tiêu thụ Bắc Kinh.
Ngược lại, các quốc gia duyên hải Đông Nam Á cần thị trường tiêu thụ khổng lồ Trung Quốc với 1.4 tỷ miệng ăn.
Kinh tế các quốc gia duyên hải Đông Nam Á trở thành nạn nhân khi giao thương với Trung Quốc.
Thứ nhất, thông qua Cộng đồng Hoa Kiều mà Bắc Kinh chuyển giao công nghệ lỗi thời, nhà máy cũ, ô nhiễm tới các quốc gia duyên hải Đông Nam Á với các hậu quả nghiêm trọng: (a) Máy móc cũ dễ hư hỏng phải cần đến kỹ sư chuyên ngành từ Trung Quốc. (b) Làm sạch môi trường Trung Quốc. (c) Làm chậm tiến trình công-nghệ-hoá của các quốc gia duyên hải Đông Nam Á.
Thứ hai, Bắc Kinh thay đổi chính sách nhập cảng khiến cho hàng hoá, cây trái của Việt Nam nằm chờ ở biên giới đến hư thối phải đổ đi. Trung Quốc cũng đã ngừng nhập cảng chuối của Phi Luật Tân khiến Manila phải lao đao.
Thứ ba, khi tàu thăm dò dầu khí của Mã Lai Á đang làm việc thì bị Tàu khảo sát Hải Dương Địa chất HD8 của Trung Quốc hoạt động song song trong EEZ của Mã Lai đã gặp cuộc tập trận gần đó giữa Thuỷ bộ hạm America và một Khinh hạm của Úc Đại Lợi. Sau đó, một Cận duyên hạm tác chiến của Mỹ đi song song với tàu thăm dò dầu khí của Mã Lai Á buộc HD8 đành bỏ cuộc.
Trong trận chiến kinh tế Mỹ-Trung, Chính quyền Trump đã kéo doanh nghiệp Mỹ và trở về thị trường Mỹ hoặc tại các quốc gia Đông Nam Á.
Chọn bạn mà chơi, chọn đúng đồng minh chí cốt sẽ giúp quốc gia phát triển nhanh chóng, an ninh, bình yên. Chọn bạn xấu thì trước sau gì cũng phá sản, mất uy tín trên trường quốc tế.
Đại-Dương
Tài liệu tham khảo:
Philippines muscling up in the South China Sea (Asia Times)
China’s Deep-Sea Motivation for Claiming Sovereignty Over the South China Sea (Diplomat)
Philippine Marines’ New Operating Concept Highlights Their Growing National Security Role (Diplomat)
Europe’s crusade to fend off Chinese interference falls short (https://bruegel.org)
America and Its Allies are Unprepared for the Next Great War (National Interest)
Non-Nuclear EMP Weapons: How to Deter China’s Growing Military Might? (National Interest)
Navy Littoral Combat Ships Are Getting Norwegian Naval Strike Missiles (National Interest)
US Army Tests New Missile with Pacific Threat in Mind (Diplomat)