Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 17 tháng 12 năm 2020 – Võ Thái Hà tóm lược


Ngũ Giác Đài đột ngột ngắt hệ thống mạng cơ mật

Ngũ Giác Đài, Arlington, Virginia, Hoa Kỳ (ảnh: Reuters).

Hôm thứ Ba (15/12), nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác nhận rằng, Ngũ Giác Đài đã khẩn cấp ngắt hệ thống mạng cơ mật nội bộ trong thời gian dài mấy tiếng đồng hồ, Just the News đưa tin.

Just the News dẫn các nguồn tin cho biết, hệ thống mạng bị ngắt khẩn cấp là SIPRNET (Secret Internet Protocol Router Network – Mạng định tuyến Internet bí mật, một hệ thống máy tính kết nối với nhau được sử dụng bởi Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ để truyền tải thông tin mật). Hệ thống này được thành lập lần đầu tiên vào những năm 1990 với vai trò là xử lý thông tin mật của Bộ Quốc phòng cho đến khi đạt mức độ bí mật cao nhất.

Theo nguồn tin, hệ thống SIPRNET đã bị ngắt kết nối trong vài giờ vào sáng thứ Ba (15/12) để cập nhật phần mềm. Trước đó, một quan chức Ngũ Giác Đài cho biết, “hệ thống mạng cơ mật của Bộ Quốc phòng chưa bao giờ ngừng hoạt động vào ban ngày trong các ngày trong tuần. Các cập nhật thường được thực hiện vào cuối tuần hoặc đêm muộn…”

Hiện Ngũ Giác Đài chưa đưa ra tuyên bố nào.

Dân biểu Brooks tin sẽ có phản đối kết quả bầu cử tại Quốc hội vào ngày 6/1

Dân biểu Mo Brooks (ảnh: Từ video của WVTM 13 News)

Hôm Thứ Tư (16/2), Dân biểu Mo Brooks cho biết, sau khi  nói chuyện với một số thượng nghị sĩ, ông rất lạc quan về việc sẽ có những tiếng nói phản đối kết quả bầu cử khi Quốc hội kiểm phiếu đại cử tri vào ngày 6/1, theo Sound of Hope.

“Tôi rất lạc quan sẽ có ít nhất một hoặc nhiều Thượng nghị sĩ sẵn sàng phản đối kết quả bầu cử”, Ông Brooks nói với Newsmax, nhưng từ chối tiết lộ thông tin ông đã nói chuyện với những Thượng nghị sĩ nào.

Ông Brooks cho biết thêm: “Bất kỳ thành viên nào của Hạ viện và một Thượng nghị sĩ đều có thể đặt câu hỏi và kích hoạt một cuộc bỏ phiếu lại ở Hạ viện hoặc Thượng viện”.

Brooks tiết lộ thêm rằng bản thân ông đã chuẩn bị thách thức kết quả của cuộc bầu cử ở 3 bang chiến địa, gồm Pennsylvania, Georgia và Nevada.

“Việc này đem lại số phiếu có thể đảo ngược kết quả của cuộc bầu cử”, ông Brooks nói.

Dân biểu Bill Johnson của bang Ohio nói với Newsmax rằng cuộc bầu cử hôm 3/11 là cuộc bầu cử gian lận, bất thường và ​​truyền thông dòng chính đã bóp méo sự thật.

Ông Ron Johnson, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện cho biết, tại phiên điều trần tới đây sẽ giúp điều tra sâu hơn về cuộc bầu cử. Ông cho rằng gian lận phiếu bầu có liên quan đến chính quyền bang, những vi phạm và gian lận bầu cử cùng nhiều hành vi khác phải được điều tra, giải quyết triệt để.

CBS News: Giám đốc Tình báo Mỹ xác nhận có can thiệp nước ngoài vào cuộc bầu cử tổng thống

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ John Ratcliffe (ảnh chụp màn hình Youtube/Reuters).

Thứ Tư (16/12), phóng viên Catherine Herridge của CBS News tiết lộ Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ John Ratcliffe đã chia sẻ rằng cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm nay có sự can thiệp của Trung Quốc, Nga và Iran.

Trong một chương trình tin tức độc quyền của CBS News, khi người dẫn chương trình hỏi: “Ông Ratcliffe đã nói gì về gian lận bầu cử và can thiệp [nước ngoài]?

Bà Catherine trả lời: “Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Ratcliffe lãnh đạo 17 cơ quan tình báo và ông có quyền truy cập vào những thông tin tuyệt mật nhất do chính phủ Hoa Kỳ nắm giữ. Ông nói với CBS News rằng đã có sự can thiệp của nước ngoài vào [cuộc bầu cử] tháng 11 năm nay bởi Trung Quốc, Iran và Nga. Và ông dự kiến ​​sẽ có một báo cáo công khai về những phát hiện đó vào tháng 1”.

Vào tháng 9 năm nay, tổng thống Trump đã gia hạn cho lệnh hành pháp liên quan đến can thiệp nước ngoài vào cuộc bầu cử sau khi lệnh này lần đầu tiên được ban hành vào tháng 9/2018. Sắc lệnh này cho phép ông John Ratcliffe, Giám đốc tình báo quốc gia Hoa Kỳ, đưa ra báo cáo về sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử 2020 trong vòng 45 ngày kể từ ngày bầu cử.

Ngày 18/12 là hạn chót để ông John Ratcliffe đưa ra báo cáo an ninh tổng tuyển cử, khẳng định cuộc bầu cử có bị can thiệp bởi các lực lượng nước ngoài hay không.

Gateway Pundit: Mark Zuckerberg bị kiện vì dùng ‘tiền bẩn’ tài trợ gian lận bầu cử

Mark Zuckerberg (ảnh: Reuters)

Ông Mark Serrano, Chủ tịch của ProActive Communications, đã công bố một vụ kiện của dự án Amistad chống lại người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, người đã dùng những “đồng tiền bẩn” để tạo điều kiện cho gian lận ở các tiểu bang chiến địa, theo Gateway Pundit.

Trả lời phỏng vấn người dẫn chương trình Steve Bannon của The War Room vào sáng thứ Tư (16/12) về một báo cáo được sử dụng làm bằng chứng cho vụ kiện, ông Serrano nói: “Báo cáo này nêu chi tiết về sự tham gia của họ [Facebook] trong mạng lưới làm tiền bẩn này […] Nó [báo cáo] sẽ là trung tâm của một vụ kiện mà chúng tôi sẽ đệ trình trong 24 giờ tới tại Tòa án Quận Columbia [thuộc hệ thống tòa án liên bang], nơi thụ lý đơn kiện của các bang Wisconsin, Pennsylvania, Michigan, Arizona và Georgia”.

Khi được Steve Bannon hỏi, rằng trọng tâm của vụ kiện về gian lận bầu cử xảy ra tại những tiểu bang chiến địa (Wisconsin, Pennsylvania, Michigan, Arizona và Georgia) mà Dự án Amistad sẽ đệ trình dựa trên báo cáo này là gì, ông Mark trả lời:

“Về cơ bản, đó là một hệ thống khiến hành vi gian lận này diễn ra ở mức độ lớn. Trước hết là [việc Facebook] tài trợ tiền bẩn. Sau đó là sự thay đổi và bóp méo luật bầu cử của các thống đốc và thư ký bang cho tới ngày bầu cử và sau đó là gian lận như chúng ta đã thấy, diễn ra vào và sau ngày bầu cử [thể hiện] trong việc quản lý cuộc bầu cử và thậm chí là trong việc kiểm phiếu, nơi tỷ phú Mark Zuckerberg được phép vào phòng kiểm phiếu vì anh là nhà tài trợ”.

Tổng thống Pháp Macron xét nghiệm dương tính với Covid-19

Qua xét nghiệm, tổng thống Pháp Emmanuel Macron dương tính với Covid-19. REUTERS – Gonzalo Fuentes

Điện Elysée ( Phủ tổng thống Pháp ) vừa thông báo, hôm nay 17/12/2020, qua xét nghiệm, tổng thống Emmanuel Macron dương tính với Covid-19 và sẽ tự cách ly trong 7 ngày. Nguyên thủ Pháp cho biết « sẽ tiếp tục làm việc và duy trì các hoạt động từ xa ».

Chính phủ Pháp cũng vừa thông báo là thủ tướng Jean Castex, có tiếp xúc gần với tổng thống Macron, và do vậy sẽ tự cách ly trong 7 ngày, cho dù ông không có triệu chứng nào của Covid-19 và vừa được xét nghiệm cho kết quả âm tính. Chủ tịch Hạ Viện Richard Ferrand cũng phải cách ly với lý do có tiếp xúc gần với tổng thống Macron.

Hôm qua, 16/12/2020, trước Quốc Hội, thủ tướng Jean Castex thông báo là chiến dịch chích ngừa Covid-19 tại Pháp sẽ bắt đầu ngay từ tuần cuối của tháng 12, « nếu hội đủ mọi điều kiện ». Riêng những người không thuộc diện ưu tiên sẽ chờ đến cuối mùa xuân năm tới.

Theo thủ tướng Castex, việc khởi động chiến dịch tiêm chủng tại Pháp tùy thuộc vào việc cấp phép vac-xin từ Cơ quan dược phẩm châu Âu, sẽ họp lại ngày 21/12 tới và Cơ quan Y tế Cao cấp Pháp sẽ có ý kiến đưa ra ngay sau đó. 

Than ngày càng bị ngành điện bỏ rơi

Nhiên liệu bẩn nhất thế giới sẽ là chủ đề của một báo cáo lớn được Cơ quan Năng lượng Quốc tế công bố vào ngày mai. Than đã có một năm tồi tệ. Khi covid-19 suy giảm nhu cầu điện, nhiệt điện than sụt giảm, bị lấn át hoàn toàn bởi điện gió và điện mặt trời hoạt động với chi phí biên bằng không. Ngay cả khi nhu cầu điện tăng lên, than vẫn sẽ tiếp tục lép vế. Năng lượng tái tạo và khí đốt là những đối thủ cạnh tranh khó nhằn, trong khi nhà đầu tư cảnh giác với các tài sản “chết” và các chính phủ thắt chặt quy định.

Châu Á là thành trì của than, chiếm gần 80% nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên, ngay cả tại đây, than đá cũng vấp phải sự phản đối mới. Vào ngày 12 tháng 12, thủ tướng Pakistan Imran Khan đã cho biết ông sẽ không phê duyệt các nhà máy nhiệt điện than mới. Các nước khác tiếp tục phụ thuộc vào than để có nguồn điện tương đối rẻ và đáng tin cậy, tương tự như phương Tây vào buổi đầu quá trình phát triển của họ. Nhưng thông báo của Pakistan có ảnh hưởng tích cực. Than thải ra nhiều carbon dioxide trên mỗi jun năng lượng hơn bất kỳ loại nhiên liệu hóa thạch nào khác.

Vắc-xin Moderna sắp được cấp phép

Một ủy ban độc lập gồm các chuyên gia ở Mỹ hôm nay sẽ họp để xem xét dữ liệu từ vắc xin covid-19 của Moderna. Sau đó, họ sẽ bỏ phiếu xem nó có nên được cấp giấy phép khẩn cấp cho sử dụng hay không. Đây là lần đầu tiên vắc-xin mRNA-1273 được đưa ra xem xét cấp phép ở một nước. Nhân viên của FDA, cơ quan quản lý dược phẩm của Hoa Kỳ, đã ủng hộ việc sử dụng khẩn cấp loại thuốc này.

Cuộc họp hôm nay được truyền hình trực tiếp và các nhà khoa học sẽ tranh luận về vắc-xin, cũng như lắng nghe ý kiến từ công chúng và chính Moderna. Nếu nó được cấp phép như dự kiến, mũi tiêm có thể bắt đầu được dùng sớm nhất là từ tuần sau. Thứ Năm tuần trước, hội đồng đã tán thành vắc-xin Pfizer; và FDA cấp phép nó ngay hôm sau. Cũng như thuốc của Pfizer, sản phẩm của Moderna thuộc về một loại được gọi là vắc xin mRNA. Nhưng trong khi vắc-xin Pfizer phải được giữ ở -75°C, thuốc của Moderna có thể được vận chuyển chỉ ở khoảng -20°C, giúp cho công tác hậu cần dễ dàng hơn.

Nhìn lại 10 năm Mùa xuân Ả Rập

Đã 10 năm trôi qua kể từ khi Muhammad Bouazizi, một người bán hàng rong Tunisia, tự thiêu để phản đối các cảnh sát tham nhũng tịch thu gian hàng của anh. Vụ tự thiêu diễn ra vào ngày 17 tháng 12 năm 2010, được nhiều người coi là tia lửa châm ngòi cho Mùa Xuân Ả Rập, một làn sóng cách mạng tràn qua Trung Đông. Những nhân vật độc tài trông có vẻ bất khả xâm phạm lần lượt sụp đổ: đầu tiên là Tunisia và Ai Cập; sau đó đến Libya và Yemen.

Nhưng cách mạng sớm trôi vào dĩ vãng. Cuộc thử nghiệm dân chủ của Ai Cập thất bại chóng vánh. Libya, Syria và Yemen rơi vào nội chiến và trở thành sàn đấu cho các cường quốc nước ngoài. Các quốc gia vùng Vịnh giàu có đã chi mạnh tay để xoa dịu người dân của họ và tiếp sức cho các lực lượng phản dân chủ ở những nơi khác. Giờ đây khu vực ít tự do hơn so với năm 2010 — và cũng trở nên tồi tệ hơn trên nhiều mặt khác. Chỉ duy nhất Tunisia nổi lên từ cuộc nổi dậy với một nền dân chủ tuy mong manh nhưng chân chính, mà người dân của họ hoàn toàn có quyền tự hào.

Ủy ban chính sách tiền tệ của Anh họp

Hôm nay, ủy ban chính sách tiền tệ có nhiệm vụ thiết lập tỷ giá của Ngân hàng Trung ương Anh họp. Họ sẽ không thay đổi chính sách ngay bây giờ, nhưng sẽ có nhiều điều để suy ngẫm. Năm tới chắc chắn là không bình thường, khi kinh tế phục hồi từ suy thoái covid-19 nhưng chậm lại vì giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc. Cú bật lên nhờ sức tiêu dùng hồi mùa hè đã không thể kéo dài sang mùa thu. Nền kinh tế gần như chắc chắn đã suy thoái trong đợt phong tỏa thứ hai trên toàn nước Anh vào tháng 11.

Nhìn chung, GDP có vẻ sẽ giảm 10% hoặc hơn trong năm 2020, kết quả tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Mặc dù mọi người đều cho rằng tăng trưởng sẽ tương đối nhanh vào năm 2021, nhưng nó vẫn sẽ chậm hơn vì Brexit. Câu hỏi lớn đặt ra cho ngân hàng trung ương: nếu chính sách cần được nới lỏng một lần nữa, thì điều đó sẽ được thực hiện như thế nào? Trong những tháng gần đây, ủy ban chính sách tiền tệ đã công khai tranh luận về khả năng lãi suất âm. Nhưng mở rộng nới lỏng định lượng có vẻ là nước đi an toàn hơn.

Cổ phiếu tăng chóng mặt trong năm 2020 bất chấp đại dịch

Giá cổ phiếu đã tăng cao trong năm nay. Vào tháng 3, các nhà quản lý tài sản đã khiếp đảm trước mức giảm mạnh 30% vì các nước phong tỏa. Sau đó là một cú bật lên nhẹ, dẫn dắt bởi cổ phiếu công nghệ. Ngay cả các công ty không được yêu thích, đặc biệt là ngân hàng và các công ty năng lượng, cũng phục hồi gần đây, nhờ tin tốt về vắc-xin covid-19. Nhưng liệu thị trường có xuống trong tương lai? Ngay cả khi lợi nhuận sụt giảm, chỉ số chuẩn S&P 500 vẫn tăng 14,3% (chưa bao gồm cổ tức) trong năm 2020, gần gấp đôi mức tăng thông thường của 20 năm qua.

Không khí cuồng nhiệt xoay quanh các đợt IPO của những công ty như Airbnb, có cổ phiếu tăng giá 115% trong ngày giao dịch đầu tiên, cũng có vẻ bất ổn. Một số nhà bình luận cho rằng có bong bóng và dự đoán bong bóng sẽ vỡ. Song các nhà chiến lược đầu tư khác thì tỏ ra lạc quan hơn, lưu ý rằng vì lợi suất trái phiếu chính phủ và lãi tiền gửi thấp hơn – xuất phát từ động thái mua trái phiếu không ngừng của các ngân hàng trung ương – nên nhà đầu tư chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài cổ phiếu.

Texas cùng 9 tiểu bang kiện Google vì vi phạm luật chống độc quyền

Hình minh họa từ Reuters.

Với sự ủng hộ của 9 tiểu bang, Texas đã dẫn đầu một đơn kiện Google vào thứ Tư (16/12), cáo buộc công ty công nghệ này vi phạm luật chống độc quyền khi điều hành một doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến, theo The Texas Tribune.

“Thật không công bằng khi Google loại bỏ đối thủ cạnh tranh của mình và tự phong cho mình ngôi vị đứng đầu mảng quảng cáo trực tuyến […] Hãy để tôi nói theo cách này: Nếu thị trường tự do là một trận đấu bóng chày, thì Google đã tự định vị mình là người ném bóng, người đánh bóng và trọng tài chính […]. Google là một công ty độc quyền trị giá hàng nghìn tỷ đô la [đã] lạm dụng quyền lực của mình một cách trắng trợn”, Tổng chưởng lý tiểu bang Texas Ken Paxton cho biết trong 1 video đăng tải trên Twitter hôm Thứ Tư (16/12).

Đơn kiện được đệ trình lên tòa án liên bang ở Texas cáo buộc Google đã sử dụng vị trí của mình trên thị trường quảng cáo trực tuyến để trích “thuế” đối với các trang web và chèn ép các đối thủ cạnh tranh một cách bất hợp pháp; thực hiện các hành vi sai trái, gây hiểu lầm và lừa đảo trong khi bán, mua và đấu giá các quảng cáo hiển thị hình ảnh trực tuyến. Những hành vi lừa đảo và phản cạnh tranh này đã làm giảm đáng kể khả năng kiếm tiền từ nội dung của nhà xuất bản, tăng chi phí quảng cáo và gây bất lợi trực tiếp cho người tiêu dùng. 

“Sự độc quyền của Google đối với ngành quảng cáo hiển thị hình ảnh và các hoạt động kinh doanh sai lầm của nó đã kìm hãm sự đổi mới, hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng và giảm sự cạnh tranh”, đơn kiện viết.

Ông Paxton cũng tuyên bố rằng, Google đã giả mạo một thỏa thuận bất hợp pháp với Facebook để “thao túng các cuộc đấu giá quảng cáo”.

9 tiểu bang ủng hộ Texas trong vụ kiện này là: Arkansas, Idaho, Indiana, Kentucky, Mississippi, Missouri, North Dakota, South Dakota và Utah.

EU công bố dự luật siết chặt 10 gã khổng lồ công nghệ

Theo DW, sau khi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và 48 tiểu bang kiện Facebook vi phạm luật chống độc quyền vào tuần trước, Liên minh châu Âu hôm thứ Ba (15/12) đã công bố dự thảo luật mới nhất về dịch vụ kỹ thuật số, nhằm tăng cường giám sát nội dung nền tảng của các công ty công nghệ, bảo đảm rằng các công ty có một sân chơi bình đẳng.

Mục đích là cung cấp một thế giới trực tuyến mở, an toàn trong đó dữ liệu người dùng và quyền riêng tư được bảo vệ.

Theo dự thảo, công ty nào phạm luật sẽ bị phạt từ 6% đến 10% doanh thu hàng năm. Đây là đề xuất sửa đổi lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

AFP dẫn nguồn tin thân cận từ Ủy ban Châu Âu cho biết, 10 công ty công nghệ hàng đầu bao gồm Amazon, Apple, Google, Facebook, Microsoft, SnapChat, Alibaba và Bytedance, Samsung và Booking.com đều sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ.

Dự luật không chỉ hạn chế những gã khổng lồ công nghệ này mà còn ngăn chặn sự xuất hiện của các công ty độc quyền và chống cạnh tranh.

Comments are closed.