Những bất đồng được thể hiện thế nào ở Trung Quốc? 


Phỏng vấn David Ownby do Émilie Frenkiel[*] thực hiện

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Comment les désaccords s’expriment-ils en Cnine? Entretien avec David Ownby”, La vie des idées, 14.4.2023.

Mặc dù quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại và tự do xuất bản bị hạn chế, giới trí thức vẫn có thể thể hiện những quan điểm phê phán và bất đồng chính kiến ​​thông qua những phương thức ​​lệch chuẩn/gián tiếp/ngoài lề/quanh co.



David Ownby – David Ownby là một nhà sử học về các tôn giáo dân gian ở Trung Quốc hiện đại và đương đại. Giáo sư tại Đại học Montréal, ông nghiên cứu sự phát triển của tôn giáo trong bối cảnh những biến động về thể chế và xã hội của thế kỷ 19 và 20. Ông đã nghiên cứu các hội kín dưới triều đại nhà Thanh trước khi bắt tay vào một cuộc khảo sát dài về những người theo Pháp Luân Công ở Bắc Mỹ. Ông hiện đang tham gia vào một dự án tập thể rộng lớn về dịch thuật và phân tích các trí thức Trung Quốc của những năm 2000, giúp tiếp cận và lập bản đồ các ấn phẩm của họ.Ông là tác giả của cuốn Xem xét lại các hội kín: quan điểm về lịch sử xã hội của Nam Trung Quốc và Đông Nam Á hiện đại/ Secret societies reconsidered: perspectives on the social history of modern South China and Southeast Asia, Armonk, 1993 (với Mary Somers Heidhues); Các hội huynh đệ và hội kín ở Trung Quốc thời kỳ đầu và giữa triều đại Nhà Thanh: sự hình thành truyền thống/ Brotherhoods and secret societies in early and mid-Qing China: the formation of tradition, Nhà xuất bản Đại học Stanford 1996; Pháp Luân Công và tương lai của Trung Quốc/ Falungong and the future of China, Oxford University Press, 2008; (với Vincent Goossaert và Ji Zhe) Lập các thánh ở Trung Quốc hiện đại/ Making saints in modern China, Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2011, và các bài báo được xuất bản đáng chú ý trên China Information, Archives des sciences sociales des religions, Perspectives Chinoises, Sociologie et sociétés.

La Vie des Idées: Tình trạng học thuật và trí tuệ ở Trung Quốc ngày nay như thế nào, trong bối cảnh nhiệm kỳ thứ 3 của Tập Cận Bình, Đại hội Đảng lần thứ 20 và Covid?

Cai Xia (1952-)

Xu Zhangrun (1962-)

David Ownby: Theo tôi, rất ít trí thức hoặc học giả ở Trung Quốc cảm thấy lạc quan vào lúc này. Tôi không biết liệu điều kiện vật chất của các học giả/giáo sư đại học có xuống cấp hay không (không phải do việc đóng cửa vì đại dịch); thông thường, các giáo sư, đặc biệt là tại các trường đại học ưu tú, không gặp khó khăn về mặt kinh tế đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc, nhưng những người đã quen với việc đi nước ngoài để nghiên cứu lại cảm thấy thất vọng và rất nhiều những cuộc trao đổi quốc tế đã bị đóng băng/hủy bỏ, đó là một điều rất quan trọng đối với một nhóm trước đại dịch đã đi rất nhiều nơi và tiếp đón rất nhiều đồng nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, Tập Cận Bình đã cố gắng áp đặt lại một kỷ luật ý thức hệ đối với giới trí thức và học thuật, một sự chuyển hướng dẫn đến sự thu hẹp quyền tự do ngôn luận của họ (các giáo sư) và những khó khăn về mặt xuất bản. Họ thường phàn nàn về những khó khăn trong việc xuất bản sách và bài báo của họ, về những sự gia hạn không ngừng; nói chung, vấn đề thường ở cấp biên tập và phản ánh mối lo sợ bị chỉ trích, nhưng đồng thời chúng ta cũng chứng kiến ​​những trường hợp học giả bị mất việc làm, mất lương, lương hưu vì dám chỉ trích Đảng và lãnh tụ của Đảng (Thái Hà/Cai Xia, Hứa Chương Nhuận/Xu Zhangrun). Việc Tập Cận Bình đã thành công trong việc đi ngược lại ước muốn của Đặng Tiểu Bình và sửa đổi hiến pháp để được ban thêm một nhiệm kỳ thứ 3 chỉ làm tăng thêm sự bất mãn chung; cảm tưởng của tôi là phần đông giới trí thức Trung Quốc không có tình cảm đặc biệt với Tập, và đối với họ viễn cảnh 5 năm nữa chỉ mang lại những điều không có gì là tốt lành đối với họ.

Mặc dù vậy, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục đối với một số người không chịu bỏ cuộc, và nhiều ý kiến khác nhau vẫn tồn tại trên báo viết, đặc biệt là về các chủ đề thời sự như sự thịnh vượng chung, cuộc khủng hoảng bất động sản và sự quản lý khủng hoảng, trong bao nhiêu vấn đề – nền kinh tế Trung Quốc là mối quan tâm của mọi người. Tất nhiên, chúng ta không nói về những lập trường thách thức trực tiếp các đường lối chính sách chính của Tập Cận Bình, nhưng giới trí thức Trung Quốc biết rất rõ cách truyền đạt quan điểm của họ một cách tinh tế hoặc quanh co, và mặc dù có vẻ yên lặng bề ngoài, tình trạng giới học thuật và trí tuệ ở Trung Quốc những ngày này tương đối khá sôi động.

La Vie des Idées: Trí thức Trung Quốc nói về covid như thế nào? Ông có tiếp cận được các phản ứng của họ đối với các cuộc biểu tình ủng hộ sự kết thúc của chính sách 0 covid không?

David Ownby: Ngay cả trong đợt phong tỏa thảm hại ở Thượng Hải vào mùa xuân năm 2022, một số trí thức đã công khai ủng hộ chính sách không có covid, nhưng tôi tin đó chỉ là một thiểu số nhỏ. Có những trường hợp “có thể đoán trước được” như Trương Duy Vị/Zhang Weiwei, người cổ vũ không biết mệt mỏi cho chế độ, trong một văn bản ký ngày 28 tháng 4 năm 2022, đã mô tả những người phàn nàn về sự giam cầm ở Thượng Hải là “những người Mỹ tâm linh”, theo nghĩa là họ đã chấp nhận một trạng thái tinh thần chủ nghĩa cá nhân khiến họ không còn khả năng hy sinh bản thân vì lợi ích chung. Thú vị hơn, theo tôi, một văn bản của Trinh Qua/Zheng Ge đã được đăng vào ngày 2 tháng 4 năm 2022, trên tạp chí uy tín, Tạp chí Văn hóa Bắc Kinh/ Beijing Cultural Review, mà tôi đã dịch sang tiếng Anh. Trịnh Qua/Zheng Ge là một giáo sư luật và không phải là một chuyên gia y tế công cộng, nhưng một tạp chí toàn quốc đã cho ông 5.000 từ để bảo vệ chính sách 0 covid theo cách riêng của ông, với tư cách là một “người tự học sáng suốt” (chứ không phải một nhà tuyên truyền).

Kể từ đó, giới trí thức – cũng như phần còn lại người Trung Quốc – đã chán ngấy. Trong con mắt của nhiều trí thức, sự xuất hiện của Omicron đã báo hiệu rằng chính sách y tế của Trung Quốc sớm muộn gì cũng sẽ bị từ bỏ và Trung Quốc sẽ kết thúc giống như phần còn lại của thế giới và quyết định sống – hoặc chết – với virus. Tôn Lập Bình/Sun Liping, một nhà xã hội học đã nghỉ hưu, người viết một blog rất nổi tiếng, đã viết điều này trong nhiều tháng, trong các bài đăng đôi khi bị xóa. Một lần nữa, ở đây, những cân nhắc về kinh tế được đặt lên hàng đầu, khi sự tăng trưởng kinh tế là một trong những cơ sở cho việc chế độ được lòng dân, đang bị chùn bước. Sau khi từ bỏ chính sách không có covid, các trí thức làm việc trong lĩnh vực y tế (bác sĩ, bác sĩ tâm thần) như Nhiêu Nghị/Rao Yi và La Mẫn Mẫn/Luo Minin đã xuất bản các bài đặt vấn đề về chính sách không có covid ít hơn là về tình trạng chung của hệ thống y tế công cộng ở Trung Quốc. Thông điệp được truyền tải là nỗ lực quản lý cuộc khủng hoảng y tế bằng các biện pháp gợi nhớ đến các “chiến dịch” chính trị trong quá khứ không những đã thất bại mà còn gây tổn hại cho các hệ thống cơ sở và cho người dân phụ thuộc vào hệ thống này. Nhiêu Nghị/Rao Yi đã nói thẳng:

Có một nhiệm vụ quan trọng đối với hệ thống y tế công cộng ở Trung Quốc: đạt được sự hiểu biết mới về tầm quan trọng, bản chất dài lâu và những thách thức của sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm. Thái độ thể hiện trong các hệ thống này phải được xem xét lại một cách sâu sắc. Giống như nhiệm vụ hàng đầu của hệ thống chữa cháy là phải luôn dập tắt đám cháy, nhiệm vụ hàng đầu của hệ thống phòng chống dịch bệnh và hệ thống y tế công cộng là phải luôn ứng phó hiệu quả với sự bùng phát của bệnh truyền nhiễm. Tất cả các nhiệm vụ khác phải được coi là thứ yếu. Việc đảo ngược các ưu tiên không đáp ứng được nhu cầu của cả người dân và quốc gia.

Những sự tàn phá mà làn sóng hiện tại dường như đang gây ra ở Trung Quốc chỉ làm tăng thêm sự bất mãn và tức giận này. Ngay bây giờ, chính phủ Trung Quốc có vẻ như là không còn có tinh thần trách nhiệm nữa, khi đã quay ngoắt 180 độ chỉ trong khoảnh khắc, từ bỏ chính sách không covid để nói với người Trung Quốc rằng cuối cùng, Omicron chỉ là một bệnh cúm nhẹ, rồi chúng ta sẽ thấy, thôi nào! Sự tức giận của những người mất người thân trong sự ‘chuyển hướng’ này thể hiện rõ qua các bài đăng trực tuyến như bài này, trong đó tác giả ẩn danh nói rằng anh ta sẽ để tang chú của mình trước khi ăn mừng việc được trả tự do. Tôi chưa đọc bất cứ điều gì về phản ứng của giới trí thức đối với các cuộc biểu tình, nhưng nghĩ rằng họ cũng chia sẻ những nỗi thất vọng.

La Vie des Idées: Ông có ngạc nhiên trước phong trào phản đối và phản ứng của ĐCSTQ không? Điều gì đã gây ấn tượng mạnh nhất với ông trong các sự kiện gần đây?

David Ownby: Tôi đặc biệt ngạc nhiên về quy mô toàn quốc của các cuộc biểu tình, nhưng mặt khác, tôi thấy rõ ràng, ít nhất là kể từ khi Thượng Hải bị phong tỏa, rằng người dân không còn chịu đựng được nữa, và nhiều người Trung Quốc cũng đã biết về những gì đang xảy ra ở những nơi khác ở Trung Quốc (và trên thế giới). 20 hay 30 năm trước, một sự cố như vụ tai nạn xe buýt ở Quý Châu hay vụ cháy khách sạn ở Tân Cương chắc có lẽ đã được che đậy, nhưng giờ thì không thể, bất chấp tài năng kiểm duyệt của chế độ. Đúng là cuối cùng họ (chính quyền) sẽ xóa các bài đăng có vấn đề, nhưng không phải trước khi chúng được hàng triệu người xem. Tôi rất ấn tượng với cách sử dụng các tờ giấy trắng, thứ mà tôi chủ yếu nối liền với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Tôi đã có ấn tượng rằng hầu hết người Trung Quốc ở đại lục ủng hộ chính phủ trong cuộc xung đột này, nhưng có lẽ không phải vậy. Đối với tôi, các cuộc biểu tình là một sự nhắc nhở rằng nhân dân Trung Quốc không phải là một dân tộc phục tùng và việc chính phủ buộc phải buông tay ngay sau đó khiến tôi tin rằng họ (chính phủ) cũng nhìn thấy điều tương tự. Việc các nhà báo tập trung vào các trường hợp của những người bất đồng chính kiến ​​bị trừng phạt hoặc lưu đày, hoặc vào các cuộc biểu tình lớn vượt ra ngoài, thường là tạm thời, sự kiểm soát của chế độ là một điều bình thường, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, người Trung Quốc không dễ gì chấp nhận điều đó. Chỉ cần một điều nhỏ nhặt để họ bắt đầu chế giễu hoặc thậm chí thách thức chính quyền, thường là với sự hài hước tuyệt vời, như trong bài đăng trực tuyến này của một blogger trẻ đến từ Thượng Hải đã được hàng triệu người đọc.

La Vie des Idées: Một số khẩu hiệu đề cập đến các nguyên tắc chính như pháp quyền, tự do ngôn luận, dân chủ. Ông có cho rằng chủ nghĩa tự do là hệ tư tưởng chủ đạo trong giới tinh hoa trí thức và sinh viên ở Trung Quốc không?

David Ownby: Tôi muốn nói rằng hầu hết trí thức công mà tôi đọc, những người sắp nghỉ hưu, đều là những người cương quyết theo chủ nghĩa tự do. Tất cả họ đều đã trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa – cho dù lúc đó họ còn trẻ – và họ đã chịu nhiều ảnh hưởng trong những năm 1980, một thời kỳ rất cởi mở và tự do.

Trường hợp của Tần Cối là một ví dụ điển hình. Sinh năm 1953, ông đã tham gia với tư cách là một Hồng vệ binh còn rất trẻ vào bạo lực của Cách mạng Văn hóa, và về hình phạt ông phải chịu, ông đã bị gửi đến một ngôi làng sâu trong vùng núi Quảng Tây trong 9 năm, trong thời kỳ đó ông đã gia nhập Đảng Cộng sản. Khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, ông đã nhảy học cấp ba và đại học để tiến lên học thạc sĩ và trở thành một chuyên gia có phần chống lại các truyền thống về các cuộc “chiến tranh nông dân” đã để dấu ấn trên lịch sử Trung Quốc. Ông đã mất niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản (ít nhất là chủ nghĩa cộng sản do ĐCSTQ thực hành) trong vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, và kể từ đó, ông tỏ ra là một người theo chủ nghĩa tự do dấn thân, so sánh Trung Quốc và Nam Phi (người da đen ở Nam Phi được đối xử tốt hơn nông dân ở Trung Quốc) đồng thời tố cáo “lợi thế so sánh” của Trung Quốc trong tình trạng thiếu điều kiện về nhân quyền đã biến Trung Quốc thành công xưởng của thế giới.

Tôi không chắc lắm về các thế hệ tiếp theo, đặc biệt là những người mà sự trỗi dậy của Trung Quốc (từ khoảng năm 2000) là cái khung nền tảng cho tuổi trẻ và tuổi thanh niên của họ. Chủ nghĩa dân tộc và “chủ nghĩa Nhà nước” đã đế lại dấu ấn sâu sắc trên những nhóm này (xem thái độ và hành vi của “Những chú hồng nhỏ”, những người theo chủ nghĩa dân tộc trẻ tuổi luôn bảo vệ danh dự của Trung Quốc, đặc biệt là trong các bối cảnh quốc tế và trực tuyến). Đồng thời, tôi tự hỏi liệu kinh nghiệm của covid có đặt lại vấn đề về điều này không, theo nghĩa là họ đã thấy các quyền tự do (đi lại, trong số những quyền khác) mà họ coi là đương nhiên đã bị vi phạm một cách triệt để, kéo dài và khó chịu. Điều này cộng với những thất vọng và lo lắng về kinh tế đã và đang ảnh hưởng đặc biệt đến giới trẻ Trung Quốc từ khá lâu rồi. 

La Vie des Idées: Ông đã giải thích trong một hội nghị tại Collège de France về sự ủng hộ của một số người theo chủ nghĩa tự do Trung Quốc đối với Trump bằng sự thu hút của sự phê phán của ông ấy đối với tính đúng đắn trong chính trị. Vậy sự đúng đắn về chính trị ở Trung Quốc là gì?

Friedrich Hayek (1899-1992)

David Ownby: Sự hấp dẫn/lôi cuốn của Trump ở Trung Quốc không dễ hiểu, đặc biệt là đối chiếu với cách ông ấy nói về Trung Quốc, gần như là quỷ hóa và vu khống/phỉ báng Trung Quốc. Đồng thời, có những người theo chủ nghĩa tự do hoặc bảo thủ cổ điển ở Trung Quốc, những người chủ yếu tin vào sức mạnh thị trường và ủng hộ đường lối về một chính phủ tối thiểu. Ví dụ, những người này bao gồm những người hâm mộ nhà kinh tế học F. A. von Hayek, người vào năm 1944 đã xuất bản tác phẩm quan trọng của mình, Con đường dẫn đến thân phận nô lệ/The Road to Serfdom, trong đó ông lập luận rằng bất kỳ sự can thiệp nào của Nhà nước vào nền kinh tế đều có nguy cơ dẫn đến chế độ nô lệ. Như vậy, một “Hayek Trung Quốc” có thể là một người yêu nước thuần túy ghét ĐCSTQ và Tập Cận Bình, điều khiến anh ta nhìn Donald Trump bằng cặp mắt khác. Và ngay cả những người theo chủ nghĩa tự do ít cực đoan hơn cũng lo ngại về điều có vẻ là “sự suy tàn” của nền dân chủ Mỹ do các phong trào như Black Lives Matter và những phong trào khác dường như đòi hỏi sự bình đẳng tuyệt đối thay vì tìm kiếm sự thỏa hiệp, gây nên. Vì vậy, đối với nhiều người Trung Quốc theo chủ nghĩa tự do, Trump trở thành biểu tượng cho một thứ “ngọn hải đăng” sẽ dẫn nước Mỹ trở lại cội nguồn gần như đã mất.

Điều này quan trọng đối với những người theo chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc nhất là, nếu ngọn lửa dân chủ vụt tắt ở Hoa Kỳ, sẽ không còn hy vọng nào cho nền dân chủ ở Trung Quốc. Những người ủng hộ Trump ở Trung Quốc chuyển tầm nhìn của ông về “sự đúng đắn về chính trị” sang chính phủ Trung Quốc và đặc biệt là ngôn ngữ cứng nhắc mà chế độ này thể hiện. Vì vậy, nó không hoàn toàn giống nhau; ở phương Tây, “sự đúng đắn về chính trị” có ý nghĩa văn hóa rộng lớn hơn, và thúc đẩy nhiều cuộc tranh luận trong khuôn viên các trường đại học chẳng hạn. Nhưng các trí thức Trung Quốc thì hiếm khi chỉ trích các trí thức Trung Quốc khác là đúng đắn về mặt chính trị.

La Vie des Idées: Đã có những cuộc tranh luận thú vị về cái chết của Giang Trạch Dân không?

David Ownby: Tôi chờ đợi điều đó, bởi vì Giang Trạch Dân đã trở thành biểu tượng của nền kinh tế thị trường và các chính sách tự do khác, và cái chết của một nhà lãnh đạo ở Trung Quốc thường tạo cơ hội mở ra một không gian cho các cuộc tranh luận ít thông thường dưới chiêu bài của thời kỳ tang lễ. Về Giang Trạch Dân, người ta thường nhắc đến chính sách “Ba đại diện”, chính sách đã đưa vào hiến pháp việc tiếp nhận các nhà tư bản vào ĐCSTQ. Nhưng tôi đã không nhìn thấy bất cứ điều gì giống vậy. Hoặc tôi đã không nhận thấy được điều đó, hoặc mọi sự việc đã bị các cuộc biểu tình chống chính sách 0 covid tràn ngập, hoặc điều đó sẽ xảy ra sau, nhưng hiện tại, Tập dường như đang thực hiện một bước chuyển khác hướng tới các chính sách thân thiện tới các doanh nghiệp, điều này khiến “quân bài” Giang Trạch Dân ít thích đáng hơn. Thái Hà/Cai Xia, cựu giáo viên Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ đã trở thành người bất đồng chính kiến ​​và lưu vong, đã sử dụng con bài này rất nhiều trong các bài viết của mình.

La Vie des Idées: Sự hỗ trợ mà Trung Quốc dành cho Nga kể từ cuộc xâm lược Ukraine có phải là chủ đề tranh luận ở Trung Quốc không?

David Ownby: Đúng vậy. Nếu đúng là một số trí thức ủng hộ Nga từ lập trường “chống bá quyền Mỹ”, những người khác đặt câu hỏi về sự khôn ngoan khi đứng về phía một cường quốc đang suy tàn và chống lại phần lớn “phần còn lại của thế giới”, đặc biệt là trước những vấn đề mà Nga gặp phải để thành công trong chính sách của mình. Tôn Lập Bình/Sun Liping đã viết một số bài báo trực tuyến, trong đó ông lưu ý rằng “Nền kinh tế của Nga nhỏ hơn nền kinh tế của tỉnh Quảng Đông,” điều này nói lên nhiều điều về các ưu tiên của chế độ. Về phần mình, Tần Cối đã viết một loạt bài trên tờ Thời báo Tài chính Trung Quốc, trong đó ông so sánh Putin với Hitler. Tôi có cảm tưởng là vấn đề này đã không còn được quan tâm nhiều từ khá lâu nay. Đối với tôi, viễn cảnh Nga thua hoặc “hòa” khiến chế độ hơi bối rối, đó cũng là một sự không chắc chắn làm cho các con bài bị rối lên kể cả đối với giới trí thức.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Comment les désaccords s’expriment-ils en Cnine? Entretien avec David Ownby”, La vie des idées, 14.4.2023.

Comments are closed.