Từ bàn họp NATO tới chiến trường Ukraine – Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 502


Spread the love
stkt.jpg

Các cuộc họp này được cho là có tính cách “khẩn cấp” để trợ giúp Ukraine đang chống đỡ một cuộc xâm lăng tàn bạo bằng quân sự xuất phát từ nước láng giềng Nga lớn mạnh hơn.
Trong ngày khi Bộ Ngọai giao Hoa Kỳ chính thức cáo buộc quân đội xâm lăng Nga đã phạm tội ác chiến tranh trên đất Ukraine, một cố vấn hàng đầu của ông Biden cho biết sự đe dọa của Điện Kremlin rằng Nga đã sẵn sàng xét tới vũ khí nguyên tử để đáp ứng  lại nỗ lực của phương Tây trợ giúp Ukraine sẽ gồm trong những đề tài chính được ông Biden thảo luận với giới lãnh đạo NATO, Liên Âu và G7.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết vấn đề vũ khí ngyên tử sẽ nằm trong nghị trình sau khi một phát ngôn viên hàng đầu của TT Putin nói rằng Nga có thể cần tới vũ khí nguyên tử nếu nhận được một đe dọa hiển nhiên. Cố vấn Sullivan nói rằng các nhà lãnh đạo NATO sẽ thảo luận về biện pháp đáp trả đe dọa ấy như thế nào.

Mặt khác, Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo ngày 23 thảng 3 rằng TT Biden và các nhà lãnh đạo khác của đồng minh quân sự phương Tây sẽ loan báo một sự phối trí rộng lớn mới quân đội cho Đông Âu, trong đó gồm bốn đơn vị tác chiến của NATO sẽ đặt căn cứ tại Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia. Các đơn vị này sẽ kết hợp với những đơn vị khác để nới rộng liên minh từ Biển Baltics tới Hắc Hải.

Cùng với việc Hoa Kỳ cảnh cáo Nga có thể đang nghĩ tới một cuộc tấn công sinh hay hóa học tại Ukraine, ông Stoltenberg cho biết các nhà lãnh đạo NATO có thể cung cấp cho Ukraine dụng cụ phòng vệ như các mặt nạ hay quần áo phòng vệ.

Ngày 24 tháng 3 Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo NATO đã loan báo một loạt những biện pháp nhằm đáp ứng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, và họ cũng đã bị Tổng thống Zelensky của Ukraine gay gắt trách cứ đã không làm đủ để giúp đất nước bị chiến tranh tàn phá của ông ta.

Cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của NATO đã diễn ra trong cả ngày lần đầu tiên khi ông Biden họp với các nhà lãnh đạo thế giới để hoạch định bước kế tiếp trong việc trợ giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lăng của quân đội Nga diễn ra đã một tháng, mà các giới chức Mỹ sợ Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sử dụng các vũ khi sát thương hàng loạt như hóa học, sinh học, hay cả nguyên tử trong khi ông ta mất kiên nhẫn với cuộc xâm lăng lúc đầu tưởng chỉ là một chiến dịch tương đối dễ dàng.

Trong khi các nhà lãnh đạo NATO gặp nhau tay bắt mặt mừng, chụp ảnh chung với nhau mỗi khi ra vào phòng họp, ông Zelensky xin họ làm thêm để giúp chấm dứt oanh tạc và tàn sát thường dân tại thủ đô Kyiv và các thành phố của Ukraine. Ông ta bày tó lòng biết ơn về sự hậu thuẫn của NATO nhưng nhu cầu khẩn cấp thêm nữa về vũ khi và nhân lực đã không được đáp ứng. Ông Zelensky nói qua trực tiếp tuyền hình:

“NATO đã không cho thấy những gì đồng minh cần làm để cứu người dân, để chứng tỏ đây thực sự là liên minh phòng vệ hùng mạnh nhất trên thế giới. Và Ukraine đang trông đợi rất nhiều. Và Ukraine đang trông đợi rất nhiều. Trông đợi những hành động thực sự. Sự bảo đảm về an ninh thực sự.”

Ông Zelensky cũng nói thêm rằng đồng minh phương Tây đã từ chối yêu cầu của Ukraine cung cấp thêm vũ khí.

Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg nhắc lại rằng NATO quyết định làm tất cả những gì có thể được để trợ giúp Ukraine, nhưng không bao gồm nhiều thứ mà ông Zelensky yêu cầu.

Ông Stoltenberg và ông Biden đã liên tiếp bác bỏ yêu cầu NATO ra lệnh vùng trời cấm bay (no-fly zone) trên không phận Ukraine hay bố trí quân đội NATO tại Ukraine, sợ rằng có thể tạo cớ cho Putin mở rộng chiến tranh tới vùng Đông Âu.

Trong bài nói với những lời lẽ thường gay gắt, ông Zelensky đã thúc ép đồng minh hãy làm nhiều hơn nữa. Ông nhắc lại rằng nước ông đã chỉ yêu cầu 1% trong số 20 ngàn xe tăng của NATO và đồng minh đã đi những bước chậm chạp đối với những yêu cầu trợ giúp của  ông ta. Ông Zelensky cũng yêu cầu cung cấp những vũ khí phòng không và chống tàu chiến.

Ông Zelensky nói, qua lời dịch sang tiếng Anh bài phát biểu của ông: “Quý vị có thể cho chúng tôi 1% trong tất cả số phi cơ của quý vị, 1% trong tất số xe tăng của quý vị. Một phần trăm! Chúng tôi đã không thể mua được. Những tiếp liệu như thế tùy thuộc vào quyết định của NATO, những quyết định có tính cách chính trị.”

Trong khi ông Stoltenberg cam kết sự hậu thuẫn của mình đối với Ukraine, ông ta cảnh cáo rằng tăng thêm viện trợ có nguy cơ đưa đến một cuộc chiến tranh đầy đủ mức độ tại Âu Châu, sẽ nguy hiểm hơn và tàn phá nhiều hơn là cuộc chiến tai Ukraine.

Tuy vậy, các nước thành viên của NATO đã loan báo các biện pháp được cung cấp cho Ukraine mà họ miêu tả như là có tính cách “phòng ngự, phù hợp và không leo thang.”Cuộc kháng chiến khôn ngoan của Ukraine và sự lãnh đạo tài giỏi được ca ngợi của Tổng thống Zelensky đã buộc NATO phải làm xiếc đi dây, tìm cách chứng tỏ sự hậu thuẫn cho Ukraine nhưng sợ trực tiếp viện trợ có thể đưa đến sự sử dụng những vũ khí tàn sát tập thể.

Trường hợp của Ukraine đã được làm cho nổi bật trong phiên họp của NATO ngày 24 tháng 3 với một đoạn video chiếu cảnh chiếc tàu đổ bộ Orsk của Nga chìm trong biển lửa tại hải cảng Berdyanks trên Biển Azov sau khi bị trúng hỏa tiễn của Ukraine, với hai chiếc tàu khác của Nga quay trở ra biển trong khi chiếc Orsk bốc cháy.

Các bộ trưởng của NATO tại cuộc họp thượng đinh tại Brussels đã đồng ý để bố trí thêm lực lượng sẵn sàng tác chiến của liên minh tại sườn phía đông, gấp đôi con số đơn vị tác chiến lên tám. Và, ông Biden đã cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ đáp trả nếu quân đội của Putin tại Ukraine được vũ trang với khí giới hóa học, nhưng lại nói thêm rằng sự đáp trả sẽ tùy theo cuộc tấn công thuộc loại nào!

Trong buổi họp ấy, NATO cũng loan báo sẽ gia tăng phòng thủ chống lại vũ khí hóa học và nguyên tử của Nga, và nói thêm rằng sẽ gửi dụng cụ tới NATO để phòng vệ chống lại một cuộc tấn công với vũ khí hóa học. Trong “gói” viện trợ sẽ gồm  dụng cụ truy tầm, phòng vệ và dụng cụ y khoa cùng tài liệu huấn luyện chống ô nhiễm và quản trị cơn khủng hoảng.

Với nỗi lo sợ về một cuộc tấn công của quân Nga với vũ khí hóa học hay nguyên tử chế ngự các buổi thảo luận tại cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp ở Brussels, các nước thành viên NATO đã làm nổi bật sự đoàn kết của họ chống lại quân Nga của Putin. Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã phổ biến một bản tuyên bố nhấn mạnh rằng tất cả các nước thành viên đều cùng một lòng, như ông Biden đã nói với các phóng viên báo chí tại Brussels sau cuộc họp thượng đỉnh: “NATO  đã chưa bao giờ đoàn kết hơn bây giờ. Putin đang có sự đối đầu đúng như ông ta muốn, như là hậu quả khi ông ta xâm lăng Ukraine.”

Nhưng nỗi lo sợ về một cuộc tấn công với vũ khí hóa học hay nguyên tử đã làm các đồng minh NATO dè dặt, cung ứng cho Ukraine phần nhỏ những gì Zelensky yêu cầu.

Từ bàn họp NATO tới chiến trường Ukraine đang phơi bày nhiều sự thật cay đắng. Thật vậy, theo tường trình của Reuters ngày 25 tháng 3,  Mariupol, một trong những thành phố mà Putin đòi Ukraine đầu hàng, đã trở thành “đống tro của một vùng đất chết”, như lời của hội đồng thành phố.

Giao chiến trên đường phố và những cuộc oanh tạc diễn ra ác liệt tại Mariupol, một ngày sau khi thành phố này bác bỏ một tối hậu thư của người Nga ra lệnh đầu hàng. Hàng trăm ngàn người được cho là đã bị mắc kẹt bên  trong những tòa nhà cao tầng, không thể mua thực phẩm, không có nước, điện hay hơi sưởi.

Dân chúng và quân đội Ukraine ở dưới hỏa lực của quân Nga. Quân đôi Nga và các đơn vị ly khai được Nga hậu thuẫn đã chiếm giữ khoảng phân nửa thành phố cảng này.Tổng thống Zelensky nói trong một video để chuyển tới Quốc Hội Ý: “Tại đó không còn gì cả.” Phó thị trưởng thành phố Mariupol Sergei Orlov nói với CNN rằng thành phố đã bị phong tỏa hoàn toàn và đã không nhận được cứu trợ nhân đạo gì cả. Ông Orlov nói: “Thành phố bị dội bom liên tục, từ 50 bom tới 100 bom do phi cơ Nga thả xuống mỗi ngày… Rất nhiều người chết, rất nhiều tiếng kêu khóc, rất nhiều tội phạm chiến tranh tệ hại.”
Reuters tường trình rằng Mariupol đã trở thành mục tiêu của cuộc chiến tranh xâm lược khi nó nằm trên Biển Azov và chiếm đóng nó sẽ cho phép Nga nối liền những vùng ở miền đông đã do các phần tử ly khai thân Nga với bán đảo Crimea chiếm giữ từ năm 2014.

Reuters nhận định rằng không chiếm được thủ đô Kyiv hay thành phố lớn nào khác với một cuộc tấn công nhanh chóng, Nga đang theo đuổi một cuộc chiến tranh tiêu hao đã biến một số vùng đô thị thành đống gạch vụn và gây cho phương Tây sự lo ngại cuộc tranh chấp có thể leo thang, kể cả tới một cuộc chiến tranh nguyên tử.

Thế thì các nhà lãnh đạo thế giới họp “thượng đỉnh và khẩn cấp” để làm gì nhỉ?Trong khi đó, Nhật báo The Washington Times ra ngày 24 tháng 3 có đăng bài “Time to reinforce NATO’s eastern flank – Confine Russia’s invasion to Ukraine” của Lindsey Neas, một người “vô danh”. Bài này chỉ chiếm một phần tư trang B3 khiêm tốn của phần “OPINION”, xin lược dịch như sau:

Việc Ukraine không phải là thành viên của NATO không thành vấn đề. Liên minh này đã được tạo ra và tồn tại cho đến ngày nay là để ngăn chặn và đánh bại sự bành trướng của Nga. Sự xâm lăng của Nga vào Ukraine là một cuộc tấn công vào NATO do việc Hoa Kỳ đã không hậu thuẫn đầy đủ cho Ukraine sẽ làm cho các nước trong Khối Vạc-xô-vi trước đây xét lại về quyết tâm của chúng ta để bảo vệ an ninh cho họ…
Vấn đề căn bản trong chính sách của Tổng thống Biden đối với Ukraine là trong khi ông ta lặp lại nhiều lần cam kết bảo vệ lãnh thổ của NATO, những sự bố trí quân đội Hoa Kỳ từ khi có cuộc xâm lăng, vào khoảng 15 ngàn quân, phần đông là bộ binh nhẹ, không hy vọng đủ khả năng thi hành sứ mạng.
Trước đây, chúng ta đã hy vọng Putin sẽ không xâm chiếm Crimea. Chúng ta đã hy vọng ông ta sẽ không xâm chiếm vùng Donbas. Chúng ta đã hy vọng ông ta sẽ không phóng ra một cuộc xâm lăng toàn lực vào Ukraine. Hỏa lực của đội quân hùng mạnh, chứ không phải hy vọng, phải là nền tảng cho chính sách của chánh quyền đối với Ukraine.

Bây giờ ông Putin đang tiến hành những cuộc tấn công bằng phi cơ và hỏa tiễn cách biên giới Ba-Lan trong vòng 12 dặm, cách biên giới Romania 60 dặm, và đe dọa mở rộng chiến tranh ra khỏi biên giới Ukraine. Phần lớn lãnh thổ Ukraine sẽ sớm trở thành một vùng chiến tranh.

Đây là thời điểm để bắt đầu bố trí thêm lực lượng trên bộ và trên không.  Nếu không làm thì hãy tưởng tượng một ngày đẹp trời các nước đồng minh của NATO tại Đông Âu (cựu thành viên của Khối Vạc-xô-vi cũ) nhìn qua biên giới và thấy xe tăng Nga dàn hàng theo đội hình, sẵn sàng khai chiến.

Kịch bản đen tối trên đây là trọng tâm chiến lược đối với Ukraine của Putin. Ông ta tin rằng Hoa Kỳ sẽ không trực tiếp đối đầu với Nga. Trong thập niên vừa qua, chúng ta đã rút khỏi Iraq, đã thất bại tại Syria, đã không làm gì cả khi Putin xâm lăng Crimea và vùng Donbas, đã không phản ứng khi ông ta đóng quân Nga tại Syria, bỏ rơi người Kurd, và gần đây nhất, rút chạy khỏi Afghanistan.

Kế hoạch bố trí không quân, bộ binh và hải quân chung quanh Ukraine của Putin sẽ có thể hoàn tất trong vài tuần lễ. Những sự bố trí này là những trái bong bóng thăm dò để biết xem phương Tây hèn yếu hay quyết tâm – cũng như Vladimir Lê-nin trước đây nói rằng đã làm điều đó với cái lưỡi lê. Putin muốn biết Hoa Kỳ có phản ứng hay không. Một thập niên với chính sách ngoại giao thất bại, và những cuộc rút chạy trong quá khứ, và ông Biden lặp đi lặp lại rằng Hoa Kỳ sẽ không đóng quân tại Ukraine đã nói với Putin rằng ông ta đã có ngọn đèn xanh để xăm lăng.

Trong khi quân Nga tiến tới, một sự đáp trả không tương xứng của Hoa Kỳ sẽ hủy diệt sự tín tưởng vào việc bảo đảm an ninh của chúng ta. Các nhà lãnh đạo dân sự của Đông Âu sẽ không có nhiều lựa chọn và sẽ theo nhau hòa giải với Putin. Đòi hỏi chính của ông ta sẽ là trục xuất tất cả quân lính NATO ra khỏi lãnh thổ của họ.

Theo cựu Bộ trưởng ngoại Giao Nga, Andrei Kozyrev, tất cả mục tiêu của Putin là dựng lại đế quốc Sô-viết.

Thật ra, giấc mơ điên rồ ấy của Putin thì bây giờ cả thế giới đều thấy rõ, không phải chỉ có ông Kozyrev biết. Điều mà nhiều người muốn biết là bây giờ ông Putin đã cảm thấy hối tiếc chưa với cái bãi lầy ở Ukraine.

Đúng ra, Ukraine bây giờ không phải là một bãi lầy. Từng là một đất nước tươi đẹp, Ukraine bây giờ là một “biển xà bần”, không có cái gì còn nguyên vẹn, sau một tháng bị đoàn quân xâm lăng của ông Putin pháo kích và oanh kích tự do. Theo Liên-Hiệp-Quốc hơn mười triệu người (1 phần 4 dân số) đã bỏ nước đi chạy giặc.

Những người ở lại thì cầm súng chống xâm lăng, kể cả Tổng thống Zelensky. Ông ta đã kỳ vọng rất nhiều với cuộc thượng đỉnh và khẩn cấp của các nhà lãnh đạo NATO nhưng đã thất vọng vì không được cung cấp vũ khí và những gì cần thiết mà ông yêu cầu.

Sau cuộc họp này, ông Zelensky đã sỉ vả Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây khác mà ông nói là đã chơi “ping-pong” với nhau về việc trợ giúp Ukraine.
Từ bàn họp tới chiến trường cũng phải có khác. Ký Thiệt

Tags: , ,

Comments are closed.