Thế giới hôm nay: 03/07/2025 (The Economist)

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson khẳng định “Dự luật To lớn và Tuyệt Đẹp” của Donald Trump sẽ được thông qua tại Hạ viện, bất chấp phản đối từ một nhóm nhỏ nghị sĩ cùng đảng. Những người này — đã bỏ phiếu chống lại đề xuất đưa dự luật ra tranh luận và biểu quyết — lo ngại gói chi tiêu và giảm thuế mới sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách. Ông Trump muốn dự luật được thông qua trước thứ Sáu.
(Tin giờ chót: dự luật đã được hạ viện thông qua với túc số: 218/214 với 2 dân biểu CH chống).
Tổng thống Mỹ cũng thông báo một thỏa thuận thương mại với Việt Nam, giảm thuế nhập khẩu từ nước này xuống còn 20%. Mức thuế đối ứng 46% sẽ không còn được áp dụng. Thay vào đó, thuế 40% sẽ áp dụng cho các sản phẩm được trung chuyển qua Việt Nam nhưng có xuất xứ từ các nước khác, chẳng hạn như Trung Quốc. Ông Trump nhấn mạnh rằng hàng xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam sẽ không bị đánh thuế.
Keir Starmer cho biết Rachel Reeves sẽ tiếp tục giữ chức bộ trưởng tài chính Anh “đến kỳ bầu cử tiếp theo và trong nhiều năm sau đó.” Hôm thứ Tư, bà Reeves đã xúc động rơi nước mắt tại Quốc hội khi thủ tướng từ chối xác nhận bà sẽ được giữ lại chức vụ. Chính phủ vừa có một tuần đầy sóng gió: hôm thứ Ba, họ buộc phải từ bỏ kế hoạch cắt giảm phúc lợi vì bị các nghị sĩ trong đảng phản đối.
OpenAI đã ký hợp đồng trị giá 30 tỷ USD mỗi năm để thuê khoảng 4.5GW công suất điện toán từ tập đoàn phần mềm doanh nghiệp Oracle. Thỏa thuận này là một phần trong sáng kiến Stargate của OpenAI nhằm đầu tư khoảng 500 tỷ USD để xây dựng hạ tầng trí tuệ nhân tạo trong những năm tới. Oracle có kế hoạch xây nhiều trung tâm dữ liệu trên khắp nước Mỹ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của OpenAI.
Ukraine đã triệu tập một nhà ngoại giao cấp cao của đại sứ quán Mỹ tại Kyiv sau khi Nhà Trắng hoãn việc chuyển giao một số vũ khí cho nước này. Chính phủ Ukraine cho rằng bất kỳ sự chần chừ nào trong hỗ trợ quân sự đều sẽ khuyến khích Nga tiếp tục các “hành vi khủng bố.” Lầu Năm Góc hạ thấp mức độ nghiêm trọng của quyết định, vốn xuất phát từ lo ngại về cạn kiệt kho vũ khí. Họ khẳng định ông Trump vẫn có “nhiều lựa chọn hỗ trợ quân sự mạnh mẽ.”
Tesla giao ít hơn 13,5% số xe trong quý hai so với cùng kỳ năm 2024 — mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay của hãng. Song với 384.122 xe được giao, kết quả vẫn tốt hơn kỳ vọng của một số nhà phân tích. Hãng đang đối mặt với làn sóng tẩy chay do hình ảnh gây tranh cãi của CEO Elon Musk và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ giá rẻ hơn. Tesla hiện đang chuyển hướng sang lĩnh vực taxi tự hành.
Con số trong ngày: 14.000, là số xe mà Ferrari bán ra trong năm ngoái. Để so sánh, Stellantis bán được 5,7 triệu chiếc.
TIÊU ĐIỂM
Nỗ lực của Trump trong việc đạt được lệnh ngừng bắn tại Gaza
Một tuần sau khi tuyên bố trên mạng xã hội rằng đã có thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Iran, tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang cố gắng lặp lại điều tương tự với cuộc chiến tại Gaza. Hôm thứ Ba, ông Trump đăng lên mạng là Israel đã đồng ý với các “điều kiện cần thiết” cho một lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày; trong thời gian đó các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục nhằm chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài suốt 21 tháng qua.
Chính phủ Israel vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức, và câu hỏi đặt ra là liệu Hamas — phong trào Hồi giáo đã phát động cuộc chiến bằng một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel hồi tháng 10 năm 2023 — có chấp nhận thỏa thuận hay không. Cho đến nay, Hamas vẫn kiên quyết yêu cầu Israel không tham chiến trở lại sau thời gian ngừng bắn, và tất cả con tin Israel sẽ được thả trong giai đoạn này. Trong phản hồi gửi tới ông Trump, Hamas nhấn mạnh họ vẫn yêu cầu một thỏa thuận “dẫn đến chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến.” Có lẽ ông Trump sẽ phải nỗ lực hơn nữa.
Thị trường việc làm Mỹ vẫn kiên cường
Kể từ khi tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trải qua nhiều biến động: trục xuất hàng loạt, nỗ lực cắt giảm bộ máy liên bang, và chiến tranh thương mại với toàn thế giới. Nhưng như các số liệu công bố vào thứ Năm sẽ cho thấy, có vẻ như thị trường lao động vẫn không hề nao núng.
Các chuyên gia dự đoán nền kinh tế Mỹ đã tạo ra khoảng 100.000 việc làm mới trong tháng 6: không quá bùng nổ, nhưng phù hợp với tốc độ trung bình hàng tháng từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến vẫn quanh mức 4%. Vì sao các nhà tuyển dụng lại dửng dưng với hỗn loạn ở Washington? Có thể là do tác động từ chính quyền Trump cần thời gian mới ảnh hưởng đến quyết định tuyển dụng. Hoặc cũng có thể khu vực tư nhân không quá quan tâm đến diễn biến chính trị. Hiện tại, các doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn vững mạnh. Sức sống của cỗ máy tư bản Mỹ thật sự đáng kinh ngạc.
Trung Quốc ve vãn Liên minh châu Âu
Khi Liên minh châu Âu đang căng thẳng với đối tác thương mại lớn nhất — Hoa Kỳ — thì đối tác lớn thứ hai, Trung Quốc, sẽ thấy cơ hội để chen chân. Vài ngày trước hạn chót 9 tháng 7 của Donald Trump, vốn buộc EU và các nước khác phải đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ hoặc bị áp các mức thuế khổng lồ, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến châu Âu để ca ngợi thương mại tự do.
Sau khi gặp gỡ các quan chức EU tại Brussels, ông Vương sẽ tiếp tục đến Berlin và Paris để đàm phán với hai thành viên lớn nhất của khối. Ông đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc tại Bắc Kinh vào hai ngày 24–25 tháng 7. Thông điệp chính của ông là: trong một thế giới hỗn loạn do Trump gây ra, EU và Trung Quốc nên xích lại gần nhau hơn. Nhưng EU có nhiều nỗi quan ngại: từ trợ cấp thương mại của Trung Quốc, hạn chế xuất khẩu đất hiếm, đến việc Bắc Kinh ủng hộ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine.
Giáo viên Mỹ đối đầu giáo dục kiểu MAGA
Vào thứ Năm, khoảng 7.000 giáo viên Mỹ sẽ tụ họp tại Portland, Oregon, cho hội nghị của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA), tổ chức đại diện cho 3 triệu giáo viên công lập tại Mỹ. “Hội nghị năm nay sẽ không giống như mọi năm,” tuyên bố của công đoàn viết. Chính quyền Trump đã gây ra hàng loạt vấn đề cho các trường học: tổ chức truy quét nhập cư khiến học sinh sợ đến lớp; ủng hộ các chương trình cho phép dùng ngân sách công để chi trả học phí cho trường tư; và rộng hơn, cố gắng thu hẹp vai trò của chính phủ liên bang trong giáo dục công. Hồi tháng 3, chính quyền đã công bố kế hoạch xóa bỏ bộ giáo dục (song điều này cần được Quốc hội phê chuẩn).
Mặc dù phần lớn ngân sách giáo dục bậc phổ thông đến từ thuế bang và địa phương, một số chương trình vẫn phụ thuộc vào ngân sách liên bang — bao gồm hoạt động sau giờ học, chương trình hè, và hỗ trợ học sinh học tiếng Anh. Hôm thứ Hai, chính quyền Trump đã tuyên bố rút gần 7 tỷ USD đã được Quốc hội phân bổ cho các chương trình này.