Thời sự Thứ Hai 22/05/2023: *Ngày cuối đàm phán trần nợ ở Washington *TQ phản đối Nhật về hành động của G7 *Thái Bình Dương: điểm nóng địa chính trị *TNS. CH da màu ứng cử TT Mỹ *Mỹ viện trợ qs trị giá 375 triệu đô, Zelensky gặp Biden tại Nhật *Ukraine sẽ nhận từ 12-18 tiêm kích *Wagner sẽ chuyển giao Bakhmut cho quân Nga *Facebook bị phạt 1,3 tỷ đôla *Mỹ mời lãnh đạo Hàn và Nhật tới Washington 


Võ Thái Hà tổng hợp


Đàm phán trần nợ ở Washington bước vào những ngày cuối

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy nói đàm phán nâng trần nợ giữa ông và tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục vào thứ Hai. Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện qua điện thoại sau khi ông Biden gọi các yêu cầu của đảng Cộng hòa — bao gồm mạnh tay cắt giảm chi tiêu — là “không thể chấp nhận được” tại một cuộc họp báo sau hội nghị G7 ở Nhật Bản. Đàm phán đang ngày càng nóng lên trong những ngày gần đây.

Khi rời hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào Chủ nhật, tổng thống Joe Biden kỳ vọng đạt được một thỏa thuận trần nợ khi về tới Washington. Nhưng ông có vẻ sẽ hạ cánh ngay giữa các cuộc đàm phán căng thẳng.

Phe Cộng hòa đang thúc ép mạnh tay cắt giảm chi tiêu, và chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đứng dưới áp lực phải làm vậy để duy trì đoàn kết trong nội bộ đảng. Trong khi đó, phe Dân chủ phản đối và những người cấp tiến trong đảng đã cảnh báo là sẽ từ chối bất kỳ thỏa thuận nào từ chính quyền Biden mà họ coi là sự đầu hàng áp lực của phe Cộng hoà.

Trong khi đó, bộ tài chính Mỹ sẽ xài hết số tiền dự phòng ngay sau ngày 1 tháng 6, đặt ra một khung thời gian ngắn ngủi cho các chính trị gia. Một kịch bản không có thỏa thuận — có thể gây ra tình trạng vỡ nợ ở Mỹ và thảm hoạ cho thị trường toàn cầu — là điều không tưởng, nhưng bất kỳ ai theo dõi sát sao các cuộc đàm phán gần đây đều thấy khó có thể bỏ qua nó.


Trung Quốc triệu tập đại sứ Nhật Bản để phản đối hành động của G7

Reutersdẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm Chủ Nhật (21/5) cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) đã triệu tập đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh để gửi phản đối chính thức về “những vấn đề liên quan đến Trung Quốc có chiều hướng bị thổi phồng” tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tuần qua ở Hiroshima, Nhật Bản.

Ông Tôn nói Nhật Bản đã phối hợp với các quốc gia khác tại hội nghị G7 “trong các hành động và tuyên bố chung…nhằm bôi nhọ và tấn công Trung Quốc, can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và vi phạm tinh thần của bốn văn kiện chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản”. Bốn văn kiện chính trị mà ông Tôn đề cập là nằm trong Tuyên bố chung Trung Quốc – Nhật Bản năm 1972.

Ông Tôn nói những hành động của Nhật Bản đã gây tổn hại cho chủ quyền, an ninh và những lợi ích phát triển của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh Trung Quốc “cực kỳ bất bình và cực lực phản đối” những hành động đó của Nhật Bản.

“Nhật Bản nên sửa lại nhận thức về Trung Quốc, nắm lấy chiến lược tự chủ chiến lược, tuân thủ các nguyên tắc của bốn văn kiện chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản và thực sự thúc đẩy phát triển ổn định mối quan hệ song phương với thái độ mang tính xây dựng”, ông Tôn nói.

Cũng theo Reuters, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh Quốc trước đó đã yêu cầu London hãy chấm dứt vu khống và bôi nhọ Trung Quốc để tránh gây tổn hại thêm nữa cho mối quan hệ Trung Quốc – Anh Quốc.

Hải Đăng


Thái Bình Dương trở thành điểm nóng địa chính trị

Lãnh đạo của ít nhất 14 quốc gia Thái Bình Dương sẽ tề tựu về Papua New Guinea vào thứ Hai để tham dự hai cuộc họp riêng biệt: một với Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, và một với Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ. Hai cuộc tiếp xúc này là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng chiến lược gia tăng của khu vực.

Thái Bình Dương ngày càng trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung. Trung Quốc đã sử dụng viện trợ và đầu tư để gia tăng ảnh hưởng trong thập niên qua; còn Mỹ chủ yếu ngó lơ. Nhưng rồi Mỹ bị dội gáo nước lạnh hồi năm 2022 khi Trung Quốc đạt được thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, và kể từ đó đã cố gắng bắt kịp.

Giờ đây, Mỹ dự kiến ký một hiệp ước quốc phòng với Papua New Guinea, được đồn đại là sẽ cho Washington quyền tiếp cận các vùng biển, không phận và căn cứ quân sự của nước này. Nhiều người dân đảo Thái Bình Dương phản đối: họ sợ quân sự hóa và không thích nhìn quê hương bị kẹt trong cuộc đấu của các siêu cường.


Anh và Thuỵ Sĩ đàm phán hiệp định thương mại

Đàm phán bắt đầu tại London vào thứ Hai về một hiệp định thương mại tự do hậu Brexit giữa Anh và Thụy Sĩ. Cơ chế hiện tại được ký từ năm 2019 và sao chép các thỏa thuận từng phần của Thuỵ Sĩ với EU. Các thỏa thuận sau đó đã bổ sung thêm sự linh hoạt cho thương mại giữa hai nước và cung cấp các tiêu chuẩn chung cho một số hàng hóa.

Thụy Sĩ là thị trường lớn thứ tư của Anh, sau EU, Mỹ và Trung Quốc. Ở mức 33 tỷ bảng (41 tỷ đô la) vào năm ngoái, nhập khẩu của Thuỵ Sĩ chiếm tới 4,1% hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Anh. Con số này cao gấp ba lần so với Úc, nước đã ký với Anh một thỏa thuận thương mại tự do được nhiều người ủng hộ hồi năm 2021. Sau khi thỏa thuận Anh-Úc có hiệu lực trong tháng này, nó được dự báo chỉ giúp GDP Anh tăng 0,08% cho tới năm 2035.

Hầu hết hàng hóa trao đổi giữa Anh và Thụy Sĩ hiện nay đã không phải chịu thuế. Do đó, những lợi ích tiềm năng của hiệp định mới sẽ chủ yếu là trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là tài chính, thế mạnh của cả hai nước. Trong các phiên đàm phán, người Anh cũng có thể tìm kiếm lời khuyên về các vấn đề với EU, điều người Thụy Sĩ có nhiều kinh nghiệm.


Thượng nghị sĩ da màu của đảng Cộng hoà ra tranh cử tổng thống Mỹ

Vào thứ Hai, Tim Scott, một thượng nghị sĩ Cộng hòa từ Nam Carolina, sẽ chính thức khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Hầu như không ai trong đảng có vấn đề gì với ông Scott, người lớn lên trong nghèo khó bên người mẹ đơn thân và trở thành thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi đầu tiên đại diện cho một bang miền Nam kể từ năm 1881.

Ông Scott không phải là nhân vật ý thức hệ hiếu chiến. Các thành tích nổi bật của ông tại quốc hội bao gồm việc ông ủng hộ “các vùng cơ hội” — một chương trình khuyến khích thuế để hồi sinh các khu dân cư nghèo — và nỗ lực lưỡng đảng để cải cách lực lượng cảnh sát mà cuối cùng đã thành công.

Tuy nhiên, việc ông sẵn sàng làm việc với đảng Dân chủ có thể sẽ chống lại ông. Các cử tri Cộng hòa muốn một chiến binh văn hóa, và thăm dò ý kiến cho thấy chỉ có 2% ủng hộ ông Scott. Nhưng ông rõ ràng cũng muốn tham gia cuộc đua để thuyết phục cử tri. Trong một video gần đây, ông cảnh báo rằng việc trao quyền cho “cánh tả cực đoan” sẽ làm “các trường học sa sút” và “các khu dân cư đầy rẫy tội phạm.” Một số người nghĩ ông có thể chuyển sang vai trò phó tổng thống.


Hoa Kỳ công bố viện trợ quân sự trị giá 375 triệu đô la cho Ukraina, khi Zelensky gặp Biden tại Nhật Bản

Liên Thành

Thông báo về gói viện trợ quân sự mới được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp người đồng cấp Ukraina Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản. (Ảnh: Văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky/kyivindependent). 

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 21/5 công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraina trị giá 375 triệu USD, nhằm giúp các lực lượng Ukraina “đẩy lùi cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ của Nga”.

Gói mới nhất bao gồm đạn bổ sung cho bệ phóng tên lửa HIMARS và đạn pháo, cũng như tên lửa chống tăng Javelin và hệ thống chống thiết giáp AT-4.

Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác để giúp Ukraina đáp ứng “nhu cầu chiến trường trước mắt và các yêu cầu hỗ trợ an ninh dài hạn”.

Thông báo về gói viện trợ quân sự mới được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp người đồng cấp Ukraina Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản.

TT Zelensky cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng hai người đã thảo luận về hợp tác hơn nữa để củng cố quốc phòng của Ukraina, cũng như Công thức Hòa bình Ukraina và các dự án tái thiết. 

TT Zelensky cảm ơn TT Biden về thông báo này, theo ông, thông báo này bổ sung vào tổng số 37 tỷ đô la viện trợ quân sự kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraina.  

Ông Zelensky nói: “Một lòng biết ơn to lớn từ người dân của chúng tôi. Tôi rất vui vì chúng ta có mối quan hệ bền chặt như vậy”. “Chúng tôi đã thảo luận về sự hợp tác hơn nữa để tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước chúng ta”.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết ông Biden nhấn mạnh đất nước ông sẵn sàng giúp Ukraina đáp ứng nhu cầu chiến trường trước mắt cũng như khả năng lâu dài để bảo vệ đất nước trước sự xâm lược của Nga. 

Tuyên bố nói thêm rằng họ cũng thảo luận về sự hỗ trợ của Mỹ cho nỗ lực chung với các đồng minh để đào tạo phi công Ukraina trên các máy bay phản lực của phương Tây, bao gồm cả F-16.

Vài ngày trước đó, Biden đã báo hiệu rằng ông sẽ ủy quyền cho bên thứ ba chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 của phương Tây cho Ukraina – điều cần sự chấp thuận của Hoa Kỳ do công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ được tích hợp trong máy bay. Ông ủng hộ liên minh máy bay chiến đấu quốc tế và được cho là đã nói với các nhà lãnh đạo G7 rằng ông ủng hộ một sáng kiến ​​chung nhằm đào tạo phi công Ukraina sử dụng máy bay chiến đấu hiện đại, bao gồm cả F-16.

Sự thay đổi quan điểm của Mỹ liên quan đến F-16 diễn ra sau khi Ukraina đã dành nhiều tháng kêu gọi các máy bay chiến đấu phương Tây bảo vệ tốt hơn người dân của họ khỏi các cuộc không kích của Nga và tăng cường các cuộc tấn công trên chiến trường.


Quân đội Ukraina sẽ nhận từ 12 đến 18 tiêm kích 

Liên Thành 

Quân đội Ukraina sẽ nhận từ 12 đến 18 tiêm kích F-16. (Ảnh chụp màn hình UNN). 

RBC-Ukraina hôm 21 tháng 5, dẫn phát biểu của ông Yuriy Ignat, người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraina cho biết:

“Là một phần trong lựa chọn của chúng tôi, chúng tôi đang xem xét nhận ít nhất 12 máy bay chiến đấu, tuy nhiên, các đối tác phương Tây của chúng tôi có kế hoạch cung cấp nhiều hơn – lên tới 18 máy bay”.

Trang tin quân sự Avia Pro của Nga nhận xét lời của ông Ignat, phản ánh rằng đồng minh phương Tây rất có thể sẽ không chuyển từng máy bay chiến đấu mà sẽ gửi cho Kyiv cả phi đội cùng một lúc.

Hôm thứ Bảy, trên đài Espreso TV, ông Yury Ignat đánh giá máy bay chiến đấu F-16 có thể là nhân tố thay đổi cục diện trên chiến trường. “Khi chúng tôi có F-16, chúng tôi sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này”


Chiến tranh Ukraina : Wagner sẽ chuyển giao quyền kiểm soát Bakhmut cho quân chính quy Nga

22/5/2023

Ảnh do bộ phận báo chí của Wagner công bố ngày 20/05/2023, cho thấy Evgueni Prigojine cầm cờ Nga, tuyên bố chiếm “toàn bộ” thành phố Bakhmut. AP 

Thùy Dương /RFI

Hôm nay 22/05/2023, quân đội Ukraina khẳng định tiếp tục phản công tại Bakhmut, thành phố biểu tượng ở miền đông Ukraina, cho dù Evguéni Prigojine, chủ nhân công ty lính đánh thuê Nga Wagner hôm thứ Bảy 20/05 thông báo đã chiếm “toàn bộ” thành phố.  

Hôm qua, tư lệnh lục quân Ukraina, Oleksandre Syrsky, tuyên bố các đơn vị Ukraina dù mất kiểm soát một phần nhỏ, không đáng kể trong thành phố Bakhmut nhưng vẫn tiếp tục tiến quân ở các vùng quanh thành phố. 

Về phía Nga, hôm nay 22/05/2023, Evguéni Prigojine khẳng định sẽ rút lực lượng Wagner khỏi Bakhmut trong khoảng từ ngày 25/05 đến 01/06, chuyển giao quyền kiểm soát cho quân đội chính quy Nga. Việc Wagner chiếm được Bakhmut đã được các phương tiện truyền thông Nga hoan nghênh, nhưng vẫn chưa được các nguồn tin độc lập kiểm chứng.

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri gửi tường trình 

« Có thể là như vậy, nếu nhìn vào cách thức mà thông báo về việc chiếm được thành phố được loan tải trên các phương tiện truyền thông chính thức của Nga. Wagner thông báo chiếm được thành phố, nhưng không có thông tin gì trên các kênh truyền hình liên bang. Bộ Quốc Phòng Nga vài giờ sau đó ra thông cáo chính thức. Các hình ảnh xuất hiện. Các ” nhạc công”, biệt danh của lính đánh thuê Wagner, xuất hiện trên màn hình của các kênh truyền hình Nhà nước liên bang với phù hiệu hình đầu lâu. Nhưng phần lớn thời gian, theo chỉ thị, đội quân của Prigojine vẫn được gọi tránh đi là « đội xung kích ».

Kênh Pierre-Louis Canal đã nêu đúng tên Wagner. Đây là lần đầu tiên họ làm vậy, nhưng lần nào cũng nói thêm là các binh sĩ quân đội chính quy của Nga có đóng góp. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy là dù gì đi chăng nữa thì việc chiếm Bakhmut đã được dàn xếp từ trước về mặt chính trị. 

Khi không báo về việc phát huy chương tại Điện Kremlin cho những người lính chiến thắng, rõ ràng họ đã chuẩn bị đầy đủ từ trước kịch bản để ngăn ngừa việc chiến thắng duy nhất của các lực lượng Nga kể từ mùa hè năm ngoái bị những tranh cãi gay gắt che khuất. 

Đội quân của Prigojine sẽ chỉ rút khỏi Bakhmut, mà Nga gọi là Artëmovsk theo tên từ thời Liên Xô, hay rút khỏi toàn bộ vùng Donbass, để rồi được triển khai ở các vùng khác ? Và cuối cùng, liệu Evguéni Prigojine có tiếp tục cứ trung bình sau 48 tiếng đồng hồ lại chửi bới, xúc phạm giới tinh hoa và đặc biệt là các quan chức bộ Quốc Phòng ? Dẫu sao đi chăng nữa, với việc rút quân được công bố, người sáng lập « Dàn nhạc » – một tên gọi khác của đội quân Wagner – sẽ mất « diễn đàn ».  

Prigojine vẫn là người duy nhất dám chỉ trích như vậy Nga. Tại Matxcơva, một người lái xe vào cuối tuần qua với dòng chữ dán trên kính sau xe hơi « Shoigu, lão khốn, đạn pháo đâu ? » đã bị truy tố vì tội làm mất uy tín của quân đội với khoản tiền phạt 50.000 rup (hơn 600 euro) ». 

Cũng về chiến sự tại Ukraina, nhà máy điện hạt nhân Zaporijia lại bị ngắt kết nối với lưới điện quốc gia trong đêm qua, trước khi được kết nối trở lại. Trong thông cáo, công ty điện lực Ukraina, Energoatom, khẳng định việc ngắt điện là do tác động từ một vụ tấn công của lực lượng Nga. 

Sau 10 tháng giao tranh khốc liệt, trận chiến Bakhmut đã có hồi kết?

22/5/2023

Ảnh chụp từ trên cao ngày 26/04/2023: Thành phố Bakhmut trong lúc giao tranh ác liệt giữa quân đội Ukraina với quân Nga và lực lượng Wagner. AP – Libkos 

Anh Vũ /RFI

Evgueni Prigojine, chủ công ty lính đánh thuê Wagner tuyên bố hôm thứ Bảy (20/05) đã chiếm “toàn bộ” thành phố Bakhmout, nơi diễn ra giao tranh đẫm máu và kéo dài nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga. Về phần mình, Kiev quả quyết rằng các binh sĩ của họ đang tiến từ các bên sườn và đã bao vây một phần thành phố. 

Sau mười tháng giao tranh đẫm máu giữa quân đội Ukraina với lực lượng vũ trang tư nhân Wagner, Bakhmout một lần nữa trở thành tâm điểm của trận chiến truyền thông  giữa Matxcơva và Kiev. Hôm Chủ nhật 21/5, Ukraina thừa nhận họ chỉ kiểm soát “một phần không đáng kể” của thành phố, nhưng vẫn tiếp tục tiến công ở bên các sườn thành phố .

“Mặc dù hiện tại chúng tôi chỉ kiểm soát một phần không đáng kể của Bakhmut, nhưng tầm quan trọng của việc phòng thủ phần còn lại vẫn được thực hiện (…) Chúng tôi tiếp tục tiến công ở hai bên sườn ở vùng ngoại ô Bakhmout“, tư lệnh lực lượng bộ binh Ukraina, Oleksandre Syrsky, cho biết trên mạng Telegram.

Một ngày trước, trùm nhóm lính đánh thuê Nga đã tuyên bố chiếm được “toàn bộ” thành phố Bakhmut trong một video được phát trên mạng xã hội. Trong video này, Evgueni Prigojine xuất hiện giữa những chiến binh đội mũ trùm đầu bịt mặt, giương cờ Liên bang Nga và cờ hiệu của lực lượng Wagner.

Công khai xung đột với các cấp chỉ huy của quân đội Nga, Evgueni Prigojine đã nhân cơ hội này một lần nữa chỉ trích Bộ Quốc Phòng Nga. Ông ta tuyên bố :  “Chiến dịch chiếm Bakhmout kéo dài 224 ngày. (…) ở đây chỉ có Wagner.”

Hôm Chủ nhật, Prigojine còn khẳng định lại đã chiếm được « những xăng-ti- mét cuối cùng » của thành phố và ở Bakhmut không còn bóng một lính Ukraina nào nữa.

Đây không phải lần đầu tiên lực lượng dân quân tư nhân khẳng định đã chiếm được thành phố Bakhmut, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy có thể lần này sẽ là một bước ngoặt quan trọng. Cho nên, lần đầu tiên tổng thống Putin trong một thông cáo của Kremlin đã gửi lời chúc mừng nhóm lính đánh thuê và quân đội Nga.

Bộ Quốc Phòng Nga, cho tới nay vẫn tỏ thái độ chừng mực với những tuyên bố đắc thắng của lãnh đạo Wagner, lần này cũng đã xác nhận: « Nhờ có các đợt tấn công của những đơn vị xung kích Wagner, với sự yểm trợ cỉa pháo binh và không quân của cánh quân phía nam, nhiệm vụ giải phóng Artiomovsk ( tên cũ của Bakhmut dưới thời Liên Xô) đã hoàn thành ».

Tuy nhiên, tướng Dominique Trinquand, cựu trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, vẫn nhận thấy những thông tin mâu thuẫn nhau. Theo ông, « quân Nga cần có một chiến thắng để thông báo nhân kỷ niệm ngày chiếm thành phố Mariupol » cách đây một năm. 

« Không còn gì ” ở Bakhmut

Tuy Ukraina không chính thức thừa nhận thành phố vùng Donbass này thất thủ, chính quyền xác nhận tình hình tại chỗ rất « gay go » và quân đội đã rút lui chiến thuật ra ngoại vi thành phố. 

Hôm Chủ nhật, được hỏi về số phận của Bakhmut, tổng thống Volodymyr Zelensky đang có mặt tại Nhật Bản dự hội nghị G7 đã tỏ ra lúng túng. Dường như ông đã ngầm thừa nhận thành phố pháo đài đã thất thủ, đồng thời cố giảm thiểu tầm mức quan trọng của vấn đề nếu chẳng may quân Nga chiếm được thành phố. Ông Zelensky giải thích « Các vị nên biết là không còn gì ở đóGiờ đây Bakhmut chỉ còn ở trong tim chúng tôi ».

Những phát biểu không rõ ràng như vậy ngay lập tức đã được phủ tổng thống Ukraina diễn giải lại. Phát ngôn viên tổng thống, ông Serguiï Nykyforov khẳng định « tổng thống đã phủ nhận Bakhmut thất thủ ».

Tiếp đó, như để chấm dứt hẳn sự lộn xộn trong thông tin của Kiev, bộ Quốc Phòng Ukraina bảo đảm quân đội đã « bao vây một phần » thành phố nhờ giành được đất ở bên sườn trận địa. 

Trong một cuộc họp báo tại Hiroshima, tổng thống Zelensky đã khẳng định « Bakhmut hiện tại không bị quân Nga chiếm » và ông không thể chia sẻ « các ý kiến chiến thuật » của bộ tổng tham mưu Ukraina. Thế nhưng, sau đó ông lại có những phát biểu khá khó hiểu : « Không có sự hiểu nhầm. Tôi hiểu rõ hoàn toàn những gì đang diễn ra tại Bakhmut. Tất cả chúng tôi hiểu rõ tại sao toàn bộ điều đó xảy ra »

Trước chiến tranh là một thành phố bình yên có 70 nghìn dân, giờ đây Bakhmut là một vùng đất hoang tàn. Theo nhiều chuyên gia quân sự, thành phố không có nhiều giá trị chiến lược, nhưng từ tháng 8 năm ngoái, Bakhmut đã trở thành tâm điểm giao tranh khốc liệt nhất tại Ukraina.

Sau khi chiếm thị trấn lân cận Soledar vào đầu năm, Nga đã coi Bakhmut là mục tiêu quân sự số một với tham vọng mở đường tới các thành phố khác ở Donbass.

Sau Bakhmout, quân Nga “có thể tiến xa hơn. Họ có thể đến Kramatorsk, đến Sloviansk, con đường sẽ rộng mở” cho họ “đến các thành phố khác ở Ukraina“, tổng thống Volodymyr Zelensky đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Mỹ CNN, phát sóng hồi tháng Ba.

Ukraina chờ thời cơ 

Nhưng đối với Matxcơva, thách thức trên hết mang tính chính trị. Đó là cuối cùng họ có thể tuyên bố chiến thắng sau một loạt thất bại nhục nhã. Để đạt được điều này, họ làm tất cả bất kể cái giá phải trả là mạng sống con người.

Trên tuyến đầu của cuộc giao tranh, những lính đánh thuê của Wagner thường được trang bị và huấn luyện kém. Hàng nghìn lính đã được đưa đến chỗ chắc chết để đẩy lùi hàng phòng thủ Ukraina. Cùng lúc đó, trước các làn sóng tấn công không ngừng của Nga, sức phòng thủ của quân đội Ukraina cuối cùng cũng bị suy kiệt nhiều.

Hồi tháng Hai năm nay, Evgueni Prigojine đã ám chỉ đến những tổn thất nặng nề trên chiến trường với bình luận : « Bakhmut sẽ không bị chiếm ngay ngày mai được, vì ở đó có sự kháng cự mạnh, bắn phá, chiếc máy xay thịt đang hoạt động ».

Đầu tháng 5, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby ước tính rằng 100.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ tháng 12/2022, chủ yếu ở Bakhmut.

Mặc dù phần lớn thành phố đã nằm trong tay Nga từ nhiều tháng, những ngày gần đây Ukraina đã giành lại thế chủ động, tạo đột phá, đánh chiếm được khoảng 2 km trên mặt trận. Đây có thể là chiến lược nhằm giữ chân quân Nga, để chuẩn bị triển khai quân  ở các khu vực khác có lợi cho các cuộc phản công.

Bằng cách tiến công từ hai bên sườn, theo như khẳng định của Kiev,  quân đội Ukraina có khả năng bao vây lực lượng của Wagner. Tướng Dominique Trinquand phân tích: “Ở trung tâm, Wagner chiếm Bakhmut, trong khi quân đội Nga rút lui ở bên sườn. Quân Ukraina đã nắm bắt cơ hội ở đây. Chiến tranh cũng là để thích ứng với hoàn cảnh của thời điểm”.

Nếu như những ngày vừa qua chắc chắn đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong màn giao tranh giằng dai ở vùng Donbass, thì hồi kết của trận  Bakhmut vẫn chưa thể có được.

(Theo france24.com)


Facebook bị phạt kỷ lục 1,3 tỷ đôla, có 5 tháng để ngưng luồng dữ liệu EU-Mỹ 

22/5/2023 

Reuters 

Logo Facebook và Meta. 

Meta, công ty mẹ của Facebook, vừa bị cơ quan quản lý quyền riêng tư hàng đầu tại Liên minh Châu Âu phạt với mức tiền kỷ lục 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ đôla) vì xử lý thông tin người dùng và đưa ra thời hạn 5 tháng buộc công ty này ngừng chuyển dữ liệu của người dùng sang Mỹ, theo Reuters.

Khoản tiền phạt này do Ủy viên bảo vệ dữ liệu (DPC) của Ireland áp đặt liên quan đến việc Meta tiếp tục chuyển dữ liệu cá nhân, theo một tuyên bố của DPC hôm 5/22. Mức phạt này đã phá kỷ lục 746 triệu euro trước đó của EU về quyền riêng tư của Luxembourg đối với công ty Amazon vào năm 2021.

Công ty Meta cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ kháng cáo lệnh phạt này, bao gồm cả “khoản tiền phạt vô lý và không cần thiết”, đồng thời tìm cách hoãn lại các lệnh nói trên thông qua tòa án.

Hồi tháng trước, Meta cho biết rằng họ mong đợi một thỏa thuận mới tạo điều kiện chuyển an toàn dữ liệu cá nhân của công dân EU sang Hoa Kỳ sẽ được thực hiện đầy đủ trước khi phải tạm dừng việc chuyển dữ liệu.

Điều đó có nghĩa là cảnh báo trước đó của họ rằng một việc ngừng hoạt động có thể buộc họ phải tạm dừng các dịch vụ của Facebook ở châu Âu sẽ không thành hiện thực.

Các quan chức cho biết khuôn khổ bảo vệ dữ liệu mới – đã được Liên minh Châu Âu và chính phủ Hoa Kỳ đồng ý vào tháng 3/2022 – có thể sẵn sàng vào tháng 7, nhưng Meta cũng cảnh báo rằng có khả năng khuôn khổ này sẽ không sẵn sàng kịp thời.


Tổng thống Biden mời lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản tới Washington 

21/5/2023 

Reuters 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trao đổi với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, (phải) hôm 21/5. 

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời các lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc tới tham dự một cuộc gặp khác ở Washington, sau cuộc gặp ba bên bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7.

“Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về cách thức đưa sự hợp tác ba bên lên tầm cao mới”, bao gồm cả sự phối hợp mới khi đối mặt với “các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân bất hợp pháp” của Triều Tiên, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp ba bên ở Hiroshima, Nhật Bản, hôm Chủ nhật.

Họ cũng thảo luận về việc hợp tác chia sẻ dữ liệu tên lửa của Triều Tiên theo thời gian thực, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Các cuộc thảo luận của họ cũng đề cập đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, an ninh kinh tế và cam kết với các đảo ở Thái Bình Dương, theo tuyên bố.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã gặp song phương vào đầu ngày, cuộc gặp thứ ba của họ trong năm nay, khi hai nước láng giềng Đông Á này cải thiện quan hệ để chống lại các mối đe dọa an ninh khu vực.

Ông Biden khen ngợi ông Kishida và ông Yoon về “việc làm can đảm của họ để cải thiện quan hệ song phương”, nói rằng mối quan hệ đối tác ba bên mạnh mẽ hơn nhờ những nỗ lực của họ, Nhà Trắng cho biết.

Sau nhiều năm tranh chấp liên quan đến sự chiếm đóng của Nhật Bản trong giai đoạn 1910-1945, quan hệ giữa hai nước đã tan băng vào đầu năm nay sau khi ông Yoon công bố kế hoạch bồi thường cho những người lao động bị buộc phải làm việc trong chiến tranh.

Ông Kishida và ông Yoon đã cam kết quan hệ chặt chẽ hơn, khi họ tìm cách chống lại các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng từ Triều Tiên và một Trung Quốc mạnh lên.


XEM THÊM:

Tags: , , , , , , ,

Comments are closed.