Nga xâm lược làm chủ tịch HĐBA: Sự bất lực của Liên Hiệp Quốc
Ảnh minh họa : Gian họp của Hội Đồng Bảo An. Phiên họp ngày 20/03/2023. © AFP
Đăng ngày: 24/04/2023 – 16:36
Ngoại trưởng Nga phát biểu hôm nay, 24/04/2023, tại Liên Hiệp Quốc, trong cương vị chủ tịch Hội Đồng Bảo An. Việc quốc gia tấn công một đất nước có chủ quyền, và tiếp tục cuộc xâm lăng, bất chấp 4 nghị quyết lên án của Đại hội đồng LHQ (với phiếu thuận của khoảng 3/4 thành viên), tiếp tục đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An LHQ cho thấy rõ sự bất lực cao độ của định chế quốc tế, vốn được coi là cơ chế bảo đảm an ninh toàn cầu.
Trả lời RFI, ông Romuald Sciora, nhà nghiên cứu chuyên về Liên Hiệp Quốc thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), coi đây như là một dấu hiệu ‘‘báo tử’’ đối với định chế chính trị quốc tế này. Sự bế tắc tại Hội Đồng Bảo An, với thế đối đầu Nga – Mỹ, đang đạt đến đỉnh điểm trong giai đoạn hiện tại. Có thể so sánh tình hình bế tắc hiện nay với thế đối đầu cao độ Liên Xô -Mỹ trong thời kỳ đầu tiên của Liên Hiệp Quốc, khi Liên Xô 79 lần sử dụng ‘‘quyền phủ quyết’’ trong vòng 10 năm (1945 – 1955) để ngăn chặn các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An (trên tổng số 143 lần phủ quyết của Liên Xô). Tương tự, chỉ riêng từ năm 2017 đến năm ngoái 2022, chính quyền Putin đã 31 lần phủ quyết nghị quyết của HĐBA, trên tổng số 48 phủ quyết từ khi Nga tiếp quản ghế của Liên Xô (năm 1992).
Nga dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn các nghị quyết HĐBA lên án Matxcơva xâm lược, phớt lờ các nghị quyết lên án của Đại Hội Đồng (không có giá trị cưỡng chế), nhưng ảnh hưởng của Nga tại Liên Hiệp Quốc ‘‘dường như không thực sự bị thu hẹp’’ là tình trạng đầy nghịch lý tại Liên Hiệp Quốc, điều mà nhà nghiên cứu Romuald Sciora nêu bật trong bài trả lời phỏng vấn. Sự bất lực cao độ về mặt chính trị của Liên Hiệp Quốc ngày càng đặt định chế quốc tế gần 80 tuổi đời này trước áp lực phải cải tổ triệt để. Sau đây là bài trả lời phỏng vấn.
***
RFI : Thứ Hai tuần này, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và Nga đã đảm nhiệm chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An kể từ ngày 01/04 đúng vào lúc chiến tranh tiếp diễn ở Ukraina. Phải chăng đây là một biểu tượng khủng khiếp đối với Liên Hiệp Quốc ?
Romuald Sciora: Rõ ràng là về mặt biểu tượng, điều này thể hiện không khí hơi hỗn loạn. Thế nhưng đây là các quy tắc của Liên Hiệp Quốc và rõ ràng là không có gì bất hợp pháp ở đó, bởi vì không thể ngăn cản một thành viên của Hội Đồng Bảo An phát biểu, hơn nữa đây là một thành viên thường trực. Hoặc giả để bác bỏ việc này sẽ phải có sự nhất trí của tất cả các thành viên khác, nhưng điều này không thể xảy ra – chỉ mình Trung Quốc cũng đã đủ chống lại. Điều bất hạnh nhưng là chuyện bình thường : đó là Nga có thể làm chủ tịch Hội Đồng Bảo An (trong bối cảnh này). Không có gì có thể chống lại được điều đó, do đó, việc bộ trưởng Ngoại Giao Nga sử dụng nhiệm kỳ chủ tịch như một diễn đàn để phát biểu, và nói những gì muốn nói với cộng đồng quốc tế, là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng trên thực tế, điều này tạo nên tình trạng hỗn loạn, và cho thấy hệ thống đa phương quốc tế hiện nay không còn vận hành nữa. Điều này cho thấy hệ thống này cần phải được tổ chức lại hoàn toàn.
Đã ba tuần trôi qua kể từ khi Nga bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Có phải Nga đã lợi dụng điều này để thúc đẩy các quan điểm của mình, để bằng một cách nào đó thúc đẩy chương trình nghị sự của mình trong định chế này?
Điều đầu tiên là ta cần phải nhìn nhận mọi thứ đúng như thực tế. Liên Hiệp Quốc giờ đây không còn như trong những năm 1990, thậm chí những năm 2000. Về mặt chính trị, Liên Hiệp Quốc hiện nay là một chú lùn trên trường chính trị quốc tế! Tôi không nói về các cơ quan nhân đạo lớn như UNHCR, UNICEF hay Cao ủy Nhân quyền, mà nói về một Liên Hợp Quốc chính trị như chúng ta đã từng hy vọng, từng mơ ước về nó vào thập niên 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ. Liên Hợp Quốc chính trị này ngày nay gần như vô hình, như chúng ta có thể thấy với cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
Như vậy, có thể thấy Nga đã không thực sự thúc đẩy chương trình nghị sự của mình, trước hết bởi vì Liên Hợp Quốc không còn có nhiều ý nghĩa về mặt chính trị, và thứ hai là vì nhiệm kỳ chủ tịch này, về cơ bản chỉ có vai trò kỹ thuật. Không có điều kiện thực sự nào để cho phép Nga thúc đẩy bất kỳ chương trình nghị sự nào trong dịp này. Nhưng mặt khác, điều này mang lại cho Nga một diễn dàn và một cơ hội rất thuận lợi để khẳng định tính chính đáng của mình. Cho dù Liên Hiệp Quốc, như tôi đã nói với quý vị, đã trở thành một chú lùn trên chính trường quốc tế, nhưng thực tế là việc người ta thông tin rất nhiều về nhiệm kỳ chủ tịch này sẽ mang lại ảnh hưởng rất có lợi cho Nga. Bày tỏ quan điểm tại Hội Đồng Bảo An như ông Sergei Lavrov sẽ làm vào thứ Hai tuần này là dịp tốt đối với tổng thống Nga Putin, là cơ hội để tuyên truyền.
Chính xác thì hôm nay Nga sẽ nói gì tại Liên Hiệp Quốc và chiến lược của họ tại Liên Hiệp Quốc là gì, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraina, cuộc xâm lược của Nga nhắm vào một quốc gia láng giềng và có chủ quyền?
Hiện tại không có chiến lược thực sự nào về phía Nga tại Liên Hiệp Quốc. Chiến lược của họ là duy trì một nguyên trạng. Như tôi đã nói với quý vị, định chế Liên Hiệp Quốc về mặt chính trị không còn thực sự khiến các cường quốc quan tâm nữa, bởi vì chúng ta không còn thực sự ở trong kỷ nguyên của chủ nghĩa đa phương. Vì vậy, nếu như có một chiến lược của Nga tại Liên Hợp Quốc, thì đúng hơn là để duy trì một loại nguyên trạng, giữ nguyên các vị trí đắc địa, mà nước này vẫn có thể chiếm giữ và sử dụng. Đó là tình hình hiện nay.
140 quốc gia đã bỏ phiếu vào tháng 2 vừa qua để yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraina. Kết quả bỏ phiếu này của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc có ý nghĩa lớn trên trường quốc tế?
Tất nhiên là như vậy. Nhưng chúng ta cũng đừng quên một điều, đó là các nghị quyết của Đại hội đồng, như quý vị biết, không có giá trị ràng buộc. Điều này đã chưa bao giờ ngăn Israel tiếp tục chính sách sáp nhập (các vùng lãnh thổ Palestine), cũng đã không có tác động được gì đối với Hoa Kỳ, với việc Washington đã nhiều lần bị Đại hội đồng lên án. Hiện nay là nước Nga. Việc này sẽ không thay đổi bất cứ điều gì, và rất chân thành mà nói nước Nga và Putin không quan tâm chút nào đến việc này. Điều này không có bất cứ ảnh hưởng đến dân Nga, hoặc dân cư của các quốc gia bạn hữu hoặc đồng minh của Nga.
Nhưng điều gì đã thay đổi thực sự đối với Nga tại Liên Hiệp Quốc từ cuộc xâm lược Ukraina một năm nay ? Phải chăng Nga là một quốc gia bị cô lập, suy yếu tại Liên Hiệp Quốc, hay tình hình không đến mức như vậy?
Liệu Nga có thực sự thua về mặt ngoại giao hay không? Cần trả lời câu hỏi này. Nga đã đạt được mối quan hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc, với Ấn Độ, với nhiều quốc gia ở châu Á, với nhiều quốc gia ở châu Phi, Nga cũng đã đạt được mối quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia ở Nam Mỹ. Theo tôi, Nga dường như không thực sự bị cô lập trên trường quốc tế. Có những ảo tưởng ở phương Tây có xu hướng khiến chúng ta tin vào điều này, nhưng Nga không bị cô lập. Nga bị cô lập với Hoa Kỳ và châu Âu, nhưng tình hình phần lớn đã là như vậy trước chiến tranh. Vì vậy, về mặt ngoại giao, Nga không thực sự bị suy yếu, bởi cuộc khủng hoảng này, trong trường hợp khủng hoảng đóng băng lại hoặc kết thúc vào ngày mai. Đối với Liên Hợp Quốc, cũng có một tình trạng tương tự. Có năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, với một khối phương Tây không thay đổi trong hơn 80 năm (gồm Pháp, Anh, Hoa Kỳ) và một khối Trung Quốc-Nga đang đoàn kết hơn bao giờ hết. Vì vậy, không ! Đối với, tôi không có sự suy yếu của Nga tại Liên Hiệp Quốc. Mặt khác, nếu có một điều cần chú ý, thì đó là bài phát biểu của Sergei Lavrov tại Liên Hiệp Quốc và vị trí chủ tịch Hội Đồng Bảo An này của Nga – khi Nga xâm chiếm bất hợp pháp một quốc gia độc lập mà chính Nga đã công nhận – thực sự là bản án báo tử đối với các định chế đa phương, mà Liên Hiệp Quốc được coi là đại diện cho đến nay, ít nhất là về mặt biểu tượng.