Bình luận: ĐÔNG NAM Á CẦN THOÁT KHỎI ẢO TƯỞNG – Đại-Dương


ASEAN có 600 triệu người so với 1.4 tỷ của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng có lực lượng Hải quân tương đương với Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nên vượt trội các quốc gia Đông Nam Á. Hơn nữa, Trung Quốc có một chính quyền toàn trị nên mọi chính sách đều thống nhất, chặt chẽ so với sự lỏng lẻo, chia rẽ của ASEAN, đặc biệt trên vấn đề Biển Nam Trung Hoa (SCS).

ASEAN có 600 triệu người vào năm 2023: GDP nominal: Singapore (91,000 USD), Brunei (35,103), Malaysia (13,380), Thái Lan (8,181), Indonesia (5,016), Việt Nam (4,475), Philippines (3,905), Cambodia (1,896), Lào (1,858), Myanmar (1,180). Bình quân đầu người ASEAN (4,550 USD) so với 13,721 USD của Trung Quốc.

Từ sau Đệ nhị Thế chiến, môi trường an ninh và ổn định trên South China Sea đều lệ thuộc vào sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ. Nhưng, tình hình trên Biển Nam Trung Hoa thay đổi theo chiến lược của từng vị Tổng thống Mỹ.

Nghe âm thanh do Đào Hiếu Thảo đọc

Trở thành người đứng đầu Trung Quốc năm 2012, trong chuyến thăm Mễ Tây Cơ 15/5/2014, Tập Cận Bình phát biểu “Trong máu người Trung Quốc không có gen xâm lược”.

Việt Nam từng bị Trung Quốc đô hộ ngàn năm, chưa kể các cuộc xâm lược bị thất bại. Quốc gia hiền hoà Tây Tạng và Nội Mông hung dữ đã bị Trung Cộng xoá sổ. Vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn làm cho cỏ ở Châu Âu không thể mọc được!

Kiểu xâm lược bành trướng của Trung Quốc không chỉ bằng vũ lực mà còn sử dụng các biện pháp kinh tế, đầu độc, chính trị, di dân, ngoại giao chưa bao giờ chấm dứt và quyết liệt nhất dưới các chế độ quân chủ hoặc cộng sản.

Với nhiệt huyết chống Cộng, Tổng thống Ronald Reagan (1981-1989) chủ trương cuốn chiếu Chủ nghĩa Cộng sản. Sau khi dẹp các chế độ thiên Cộng tại Nam Mỹ, Reagan thuyết phục Châu Âu. Ngày 8 tháng 6 năm 1982 trước Nghị viện Vương quốc Anh, Tổng thống Reagan nói “bước chân tiến tới của tự do và dân chủ sẽ ném Chủ nghĩa Marx-Lenin trên đống tro tàn của lịch sử”. Ngày 3 tháng 3 năm 1983, Reagan phát biểu “Chủ nghĩa cộng sản là một chương khác dị thường và đáng buồn trong lịch sử nhân loại mà những trang cuối của nó thậm chí hiện nay vẫn còn đang được viết, và Liên Xô là một Đế Quốc Ma Quỷ”.

Tại Bức tường Berlin ngày 12 tháng 6 năm 1987, Reagan thách đố “Tổng Bí thư Gorbachev, nếu ông mưu tìm hòa bình, thịnh vượng cho Liên Xô và Đông Âu thì hãy đến mở chiếc cổng này. Ông Gorbachev, hãy phá đổ bức tường này!”.

Liên Xô sụp đổ năm 1991, Đệ tam Quốc tế tan rã. Chủ nghĩa Cộng sản tàn lụi chỉ còn Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên đang duy trì mô hình xã hội nghèo đói và lạc hậu.

Sau thời gian mở cửa hạn chế và chọn lọc, Đặng Tiểu Bình được Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào nối nghiệp đã hiện-đại-hoá toàn diện một quốc gia có dân số đông nhất trên trái đất để thực hiện tham vọng thống trị toàn cầu.

Từ khi Tập Cận Bình nắm toàn bộ quyền lực của Trung Quốc đã làm sống dậy tham vọng thống trị của Chủ nghĩa Đại Hán.

Nhìn về phía Bắc giáp Nga, phía Tây đụng Ấn Độ, phía Đông chạm Nhật, Mỹ nên chỉ còn phía Nam đủ yếu tố lá chắn và điểm xuất phát cho Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (PRC).

Mao Trạch Đông dồn mọi nỗ lực biến Việt Nam thành một chư hầu trên Bán đảo Đông Dương, kế tiếp khuyến khích Singapore, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Thái Lan tiếp nhận Việt Nam, Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với 10 thành viên thân thiện hoặc có cảm tình với Bắc Kinh. Kể từ đó, bất cứ quyết định nào của ASEAN nhằm chống lại Trung Quốc liên quan tới Biển Nam Trung Hoa đều thất bại.

Trung Cộng phát triển kinh tế đến độ làm chủ xưởng sản xuất quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ vào sự cao ngạo của giới cầm quyền Hoa Kỳ và Châu Âu đã bơm vốn và chất xám vào một khối công nhân đông đúc và người tiêu thụ 1.4 tỷ người ở Hoa Lục.

Giới lãnh đạo Âu-Mỹ kỳ vọng người dân Hoa Lục sung túc và tiếp xúc với nền văn minh Âu-Mỹ sẽ tự xây dựng chế độ dân chủ tự do.

Nhưng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hiện-đại-hoá toàn diện nhằm thách đố quyền lãnh đạo siêu cường của Hoa Kỳ.

Bắc Kinh tuyên bố Biển Nam Trung Hoa là của Trung Quốc nên áp đặt quyền kiểm soát chặt chẽ hoạt động đánh cá, khai thác tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia duyên hải Đông Nam Á như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Thái Lan, Brunei, Indonesia. Bắc Kinh sử dụng Lào, Myanmar, Campuchia để ASEAN không thể thông qua các quyết định gây hại tới hoạt động của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa.

Năm 2013, Tổng thống Barack Obama đã họp kín với Chủ tịch Tập Cận Bình trong tư gia mượn ở Tiểu bang California để chia đôi Thái Bình Dương.

Năm 2014, Bắc Kinh đưa Giàn khoan nước sâu vào thăm dò gần Nhóm đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời, khởi công nạo vét bồi đắp thành 7 đảo nhân tạo tại Trường Sa mà 3 đã có đường băng dài 3,000 mét.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng gia cố và tăng cường lực lượng quân sự và hệ thống hành chính tại Nhóm đảo Hoàng Sa.

Bắc Kinh chuẩn bị điều kiện để tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên SCS khi cần.

Hàng năm, Bắc Kinh ban hành lệnh cấm đánh cá từ 1 tháng 5 trong vòng 3 tháng ở phía Bắc vĩ độ 16 bất chấp sự phản đối yếu ớt của các quốc gia duyên hải Đông Nam Á.

Luật An toàn Hàng hải sửa đổi do Bắc Kinh ban hành ngày 1 tháng 9 năm 2021 quy định cho các tàu nước ngoài “tàu lặn, tàu hạt nhân; tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu bị coi là mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải phải báo cáo thông tin chi tiết”. Nó bị các chuyên gia trên thế giới cho rằng đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Giải pháp nào có thể cải thiện tình hình Biển Nam Trung Hoa?

Thứ nhất: thi hành nghiêm chỉnh Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà hầu hết các quốc gia can dự trực tiếp tới Biển Nam Trung Hoa đều ký và phê chuẩn. Chấp hành Phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển năm 1982 (PCA) dù bị đơn không tham dự vụ tố tụng. Chính quyền Ferdinand Marcos Jr. đã đảo ngược chính sách SCS của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte để nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và Phán quyết của Toà án Trọng tài thường trực về Luật Biển (PCA) năm 2016 liên quan đến quyền-chủ-quyền trên Biển Nam Trung Hoa. Bắc Kinh bác bỏ thẩm quyền của UNCLOS và PCA để áp đặt luật pháp của riêng của Trung Quốc nên căng thẳng trên Biển Nam Trung Hoa không có giải pháp. Vấn đề tranh chấp giữa nhiều quốc gia trên SCS chỉ được giải quyết theo luật pháp quốc tế chứ không bị áp đặt bởi bất cứ quốc gia hoặc thế lực nào.

Thứ hai, các quốc gia có vùng chồng lấn phải hợp tác khai thác chung tài nguyên thiên nhiên và chống lại bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Đồng thời, không lãng phí tài nguyên thiên nhiên trực thuộc của hai quốc gia tranh chấp.

Thứ ba, không nên đặt luật pháp quốc gia đứng trên luật pháp quốc tế. Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là nền tảng duy nhất để xác định chủ quyền, quyền-chủ-quyền, quyền-tài-phán của một quốc gia duyên hải Đông Nam Á. Không quốc gia nào trên thế giới có quyền đặt thêm luật lệ để buộc các quốc gia duyên hải Đông Nam Á phải thi hành.

Thứ tư, chủ quyền và quyền-chủ-quyền trên Biển Nam Trung Hoa không liên quan trực tiếp tới Lào, Campuchia, Myanmar nên họ không có quyền biểu quyết các vấn đề thuộc Biển Nam Trung Hoa. Họ luôn luôn biểu quyết theo chiếc gậy chỉ huy của Bắc Kinh làm thiệt hại tới quyền lợi của Việt Nam, Mã Lai Á, Tân Gia Ba, Indonesia, Phi Luật Tân, Brunei, Thái Lan.

Chặn đứng tham vọng vô bờ của Bắc Kinh

Thứ nhất, các quốc gia duyên hải Đông Nam Á cần duyệt xét lại chính sách đồng minh: chọn Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn, Liên Âu, Úc Đại Lợi hay Trung Cộng mới giữ được chủ quyền dân tộc và phát triển đất nước bền vững.

Thứ hai, nhận viện trợ của Trung Cộng là tự bán linh hồn cho quỷ dữ. Kinh nghiệm Tây Tạng, Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar … vẫn còn đó.

Thứ ba, Nhật Bản, Đại Hàn không rơi vào chiến tranh kể từ sau năm 1945 ở Phù Tang và năm 1953 tại Nam Hàn. Quân đội Mỹ bảo vệ an ninh cho Nhật Bản, Đại Hàn để hai nước này thành rồng, thành hổ. Họ cũng có cơ hội được chia sẻ tiến bộ khoa học, kỹ thuật từ Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ mà nhảy vọt.

Thứ tư, ngoài Hoa Kỳ, chưa có Hải quân của nước nào trên thế giới có thể chế ngự Lực lượng Hải quân Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa. Bắc Kinh chỉ diễu võ giương oai, nhưng, hải chiến Mỹ-Trung rất khó xảy ra. Niềm tự hào về Hạm đội Bắc Dương và Hạm đội Nam Dương thời Từ Hy Thái Hậu đã bị Hạm đội của Nhật Bản tiêu diệt dễ dàng.

Thứ năm, trước áp lực quốc tế, viên chức ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc, Vương Nghị đã thoả thuận với 10 Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ hoàn tất Bộ ứng xử trên Biển Nam Trung Hoa vào trước Mùa Thu 2026. Chưa ai hình dung được Bộ Ứng xử sẽ có hình dạng và nội dung như thế nào. Tập Cận Bình không có ý định nhượng bộ mà chỉ nín thở qua sông!!!

Tuân thủ nghiêm ngặt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là công cụ hữu hiệu nhất để bảo vệ chủ quyền biển của bất cứ quốc gia duyên hải Đông Nam Á nào. ASEAN có đủ bản lĩnh không?

Đại-Dương

16/7/2023


Tài liệu tham khảo:

China cranks up punitive sea pressure on the Philippines (Asia Times)

Respect arbitral ruling, China told (Manila Times)

Dispute could turn SCS into ‘sea of war’ (Manila Times)

China and ASEAN agree to try to conclude nonaggression pact on sea feud in 3 years (AP)

Tags: , , , ,

Comments are closed.