Hoa Kỳ và các đồng minh NATO sẽ giải quyết các thách thức an ninh chưa từng có tại Hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào tuần tới
Emel Akan – 08/7/2023 – Cẩm An biên dịch
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (bên trái), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (thứ hai bên trái), và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên phải) nói chuyện bên cạnh Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (ở giữa), Chủ tịch Ủy ban u Châu Ursula von der Leyen (thứ ba bên phải), và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (thứ hai bên phải) trước khi các nhà lãnh đạo G7 này chụp hình chung trong một hội nghị thượng đỉnh NATO tại trụ sở của liên minh này ở Brussels hôm 24/03/2022. (Ảnh: Henry Nicholls/Pool/AFP qua Getty Images)
Tuần tới, Tổng thống (TT) Joe Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi liên minh quân sự này đối mặt với những thách thức cấp bách nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, bao gồm cả các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng từ Nga và Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh, dự kiến diễn ra vào ngày 11-12/07 tại thủ đô Vilnius của Lithuania, sẽ quy tụ các nguyên thủ quốc gia, quan chức quân sự, và nhà ngoại giao từ 31 quốc gia thành viên của liên minh.
Trong một cuộc họp báo hôm 07/07, Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan thông báo rằng tổng thống sẽ có một “bài diễn văn quan trọng” tại Vilnius vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh. Bài diễn văn của tổng thống sẽ nhấn mạnh cam kết của liên minh này với việc “gánh vác những thách thức quan trọng của thời đại chúng ta, từ hành động xâm lược của Nga ở Ukraine cho đến cuộc khủng hoảng khí hậu,” ông nói.
Cũng trong hôm thứ Sáu (07/07), Hoa Thịnh Đốn tuyên bố sẽ cung cấp bom chùm cho Ukraine để trợ giúp trong cuộc chiến đang diễn ra với Nga. Thông báo này đã gây chia rẽ giữa các đồng minh.
Ông Sullivan bảo vệ quyết định của Hoa Kỳ và tuyên bố rằng chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận những rủi ro đó.
“Đó là một quyết định khó khăn. Đó là một quyết định mà chúng tôi đã trì hoãn. Đó là một quyết định đòi hỏi phải có một cái nhìn thực sự kỹ lưỡng về tác hại tiềm ẩn đối với dân thường,” ông Sullivan nói. “Và khi chúng tôi tổng hợp tất cả những điều đó lại với nhau, thì đã có một khuyến nghị đồng thuận từ nhóm an ninh quốc gia, và Tổng thống Biden cuối cùng đã ra quyết định, sau khi tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác cũng như tham khảo ý kiến của các thành viên Quốc hội, để tiến tới bước này.”
Ông nói thêm: “Chúng tôi cảm thấy điều này sẽ không làm gián đoạn sự đoàn kết vững chắc rất lớn mà chúng ta đang hướng tới trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tuần tới.”
Nghị trình của hội nghị thượng đỉnh
Hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra vào một thời điểm quan trọng, với một số người gọi đây là cuộc họp quan trọng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh hoặc có lẽ là từ khi thành lập NATO vào năm 1949.
Ukraine dự kiến sẽ là một vấn đề hàng đầu trong nghị trình tại hội nghị thượng đỉnh năm nay. Các đồng minh sẽ thảo luận về tư cách thành viên trong tương lai của nước này, những bảo đảm an ninh, và giúp đỡ quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Vấn đề về thúc đẩy mục tiêu chi tiêu, một trọng tâm chính của cựu Tổng thống Donald Trump, cũng sẽ được thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius năm nay.
Gần một thập niên trước, các thành viên NATO đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quốc gia chưa đạt được mục tiêu này.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ muốn mục tiêu 2 phần trăm là mức sàn chứ không phải mức trần.
“Có rất nhiều hy vọng rằng tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới, các đồng minh NATO sẽ đồng ý đưa ra các cam kết chắc chắn và chia sẻ gánh nặng, cụ thể là bằng cách làm rõ rằng mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO là 2% GDP nên được coi là mức sàn,” Dân biểu Thomas Kean (Cộng Hòa) cho biết trong một phiên điều trần của Tiểu ban Đối ngoại về Châu Âu của Hạ viện hồi tháng Sáu.
Chỉ có bảy quốc gia—Hoa Kỳ, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Lithuania, Ba Lan, và Vương quốc Anh—đã đạt được mục tiêu chi tiêu 2% trong năm 2022.
Con đường trở thành thành viên của Ukraine
Năm ngoái, Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh này. Tuy nhiên, nước này khó có thể gia nhập cho đến khi chiến tranh ở Ukraine kết thúc. Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thiết lập nguyên tắc phòng thủ tập thể, có nghĩa là bất kỳ cuộc tấn công nào vào một thành viên NATO “sẽ được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên.”
Ông Sean Monaghan, một thành viên liên kết trong chương trình Âu Châu, Nga, và Á-Âu tại CSIS, cho biết trong một cuộc họp báo rằng, “Tư cách thành viên của Ukraine về cơ bản sẽ tương đương với một lời tuyên chiến với Nga. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra.”
Ông nói: “Nhưng ngoài tư cách thành viên NATO khi chiến tranh kết thúc, thì còn có nhiều quan điểm khác nhau giữa các đồng minh, mà sẽ cần phải tìm ra được sự đồng thuận nào đó tại Vilnius.”
Hoa Kỳ, Đức, và các đối tác NATO ở phía nam thận trọng hơn về tư cách thành viên của Ukraine, trong khi các quốc gia Baltic và các quốc gia Đông Âu như Ba Lan giữ lập trường hiếu chiến và quyết đoán nhất.
“Tôi nghĩ trung lập là điểm rất có thể chúng ta sẽ đi đến,” ông Monaghan dự đoán, ngụ ý rằng trong hội nghị thượng đỉnh, các đồng minh sẽ đưa ra một con đường để Ukraine trở thành thành viên sau chiến tranh.
Tuy nhiên, giới truyền thông sẽ theo dõi chặt chẽ lập trường của TT Biden về sự gia nhập của Ukraine, vì tháng trước ông tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ không “tạo điều kiện dễ dàng” để Kyiv gia nhập NATO.
Khi được các phóng viên hỏi về cơ hội Ukraine gia nhập liên minh xuyên Đại Tây Dương, TT Biden nói: “Không. Bởi vì họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự [như các quốc gia khác]. Vì vậy, chúng tôi sẽ không để họ dễ dàng gia nhập.”
Theo ông Sullivan, Hoa Kỳ, các đối tác NATO, và Ukraine sẽ có cơ hội tranh luận về những cải cách vẫn cần thiết để Ukraine đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO.
Ông nói thêm, “Vì vậy, trên thực tế, đây sẽ là một cột mốc lịch sử. Nhưng Ukraine vẫn còn những bước cần thực hiện trước khi trở thành thành viên”
‘Thế giới nguy hiểm hơn’
Hôm 04/07, các nước thành viên NATO xác nhận rằng đương kim Tổng thư ký Jens Stoltenberg sẽ tại vị thêm một năm nữa. Thông báo này được đưa ra sau khi liên minh không thể thống nhất về một ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo này.
Ông Stoltenberg viết trên Twitter: “Thật vinh dự khi các Đồng minh NATO quyết định gia hạn nhiệm kỳ Tổng thư ký của tôi cho đến ngày 01/10/2024.”
“Mối liên kết xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Bắc Mỹ đã bảo đảm tự do và an ninh của chúng ta trong gần 75 năm, và trong một thế giới nguy hiểm hơn, Liên minh của chúng ta là quan trọng hơn bao giờ hết.”
Trung Quốc cũng được dự đoán sẽ nổi lên trong nghị trình của NATO năm nay, vì ông Stoltenberg đã nói rõ rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của liên minh này đang bước vào một giai đoạn mới.
“Những gì đang xảy ra ở châu Âu hôm nay có thể xảy ra ở Đông Á vào ngày mai. Vì vậy, chúng ta phải giữ đoàn kết và kiên định,” ông nói với các phóng viên ở Tokyo hồi đầu năm nay.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, NATO lần đầu tiên coi Trung Quốc là một ưu tiên chiến lược, viện dẫn những tham vọng và “chính sách cưỡng ép” của Bắc Kinh là mối đe dọa đối với “lợi ích, an ninh, và giá trị” của liên minh này.
“Chúng tôi sẽ nâng cao nhận thức chung, tăng cường khả năng phục hồi và sẵn sàng của chúng tôi, và bảo vệ trước các chiến thuật và nỗ lực cưỡng ép nhằm chia rẽ Liên minh của CHND Trung Hoa,” tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh hay còn gọi là Khái niệm chiến lược (pdf) viết.
Nền chính trị nội bộ nước Nga
Một số nhà quan sát cho rằng cuộc nổi dậy của Wagner Group hồi cuối tháng Sáu đã khiến khả năng lãnh đạo của ông Putin rơi vào tình thế tương đối yếu và bị xáo trộn, đây có thể là một diễn biến tích cực cho liên minh NATO.
Trước đó, TT Biden tuyên bố Hoa Kỳ và các đồng minh NATO không liên quan đến cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Vladimir Putin của tổ chức lính đánh thuê Wagner.
Tại một sự kiện ở Tòa Bạch Ốc hôm 26/06, TT Biden cho biết ông đã liên lạc chặt chẽ với các đồng minh của Hoa Kỳ để chuẩn bị cho một loạt các tình huống có thể xảy ra ở Nga sau cuộc nổi dậy của tổ chức lính đánh thuê và họ đã quyết định sẽ không đem lại cho ông Putin bất kỳ cớ nào để đổ lỗi cho phương Tây hay NATO.
TT Biden nói, “Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi không liên quan. Chúng tôi không liên quan gì đến chuyện đó. Đây là một phần của một cuộc đấu tranh trong hệ thống của nước Nga.”
Khả năng bị tổn hại của Nga có thể sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh này để xác định liệu có cơ hội nào cho các thành viên NATO tăng cường trợ giúp cho cuộc tấn công theo dự định của Ukraine đối với Nga hay không.
Tư cách thành viên của Thụy Điển
Tư cách thành viên của Thụy Điển cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh, vì quốc gia Bắc Âu này muốn gia nhập nhưng bị hai quốc gia thành viên là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary ngăn cản.
Gần đây, quốc hội Hungary quyết định hoãn thông qua đơn xin gia nhập của Thụy Điển cho đến phiên họp lập pháp mùa thu. Và Thổ Nhĩ Kỳ đang trì hoãn việc chấp thuận yêu cầu của Thụy Điển, với lý do quốc gia Bắc Âu này không giải quyết được các mối lo ngại về an ninh của mình.
Cả Thụy Điển và Phần Lan đã không đồng ý gia nhập liên minh này trong nhiều thập niên, lựa chọn trung lập và không liên kết. Tuy nhiên, sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hồi năm ngoái, thì cả hai quốc gia này đã từ bỏ lập trường lâu dài đó và chính thức thỉnh cầu trở thành thành viên của NATO.
Hôm 30/03, sau nhiều tháng trì hoãn, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng lòng xác nhận tư cách thành viên của Phần Lan, cho phép Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này vào tháng Tư.
Sau hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, TT Biden dự kiến đến Helsinki để kỷ niệm Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này. Chuyến công du châu Âu kéo dài 5 ngày của tổng thống cũng sẽ bao gồm chặng dừng chân ở London vào ngày 10/07, tại đây ông sẽ gặp Vua Charles tại Lâu đài Windsor và Thủ tướng Rishi Sunak.
Hội nghị thượng đỉnh NATO năm tới sẽ được tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn và được dự đoán là mang tính lịch sử, vì nó sẽ đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày thành lập liên minh quân sự này hồi năm 1949.