Chuyển động Quốc Phòng (7/7 – 13/7/2023): *
Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Chiến tranh Nga – Ukraine:
Bộ trưởng Quốc phòng Nga thị sát quân đội
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm chủ nhật đã thị sát quân đội và giám sát việc huấn luyện các đơn vị mới thành lập bao gồm các quân nhân hợp đồng. Tuy nhiên, bộ quốc phòng Nga không công bố thời gian tướng Shoigu đi thị sát. Tướng Sergei Shoigu cho biết hôm thứ hai rằng cuộc binh biến không ảnh hưởng đến “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.
Xem thêm tại: Reuters, Russian defence minister Shoigu shown inspecting troops. Truy cập ngày 9/7/2023
Nga triển khai xe bọc thép chở quân Vystrel mới tới tiền tuyến Ukraine
Xe bọc thép trinh sát chiến đấu KamAZ-43269 Vystrel (BPM-97 Shot) của Nga được phát hiện trang bị trạm vũ khí điều khiển từ xa Epoch BM-30D (RCWS) ở Ukraine. Đây là chiếc xe thứ hai được trang bị tháp pháo BM-30D đang tiến đến tiền tuyến của Ukraine sau xe bọc thép chống mìn Typhoon-VDV K-4386, vốn đã phục vụ trong lực lượng nhảy dù Nga. BPM-97 là phương tiện 4 bánh có khả năng chống phục kích bằng mìn (MRAP) có thể tải đến 12 người, bao gồm cả lái xe và chỉ huy.
Xem thêm tại: Army Recog, Russia deploys new Vystrel APC equipped with BM-30D turret to Ukrainian frontline. Truy cập ngày 11/7/2023
Belarus công khai trại quân sự đón lính đánh thuê Wagner của Nga sau binh biến thất bại
Quân đội Belarus hôm thứ sáu đã phô bày một doanh trại dã chiến dành cho Wagner sau khi tập đoàn này chuyển đến Belarus theo một thỏa thuận hậu binh biến tại Nga. Thiếu tướng Leonid Kosinsky, trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Belarus, nói rằng quân Wagner có thể sử dụng doanh trại cũ của quân đội Belarus, nơi có sức chứa tới 5.000 quân, gần Tsel, cách Minsk khoảng 90 km về phía đông nam. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết hôm thứ năm rằng Yevgeny Prigozhin đang ở Nga và quân đội Wagner cho đến nay vẫn ở lại trại Belarus.
Xem thêm tại: AP News, Belarus shows off a military camp to host Russia’s Wagner mercenaries after a failed mutiny. Truy câp ngày 8/7/2023
Nga nã pháo giết chết 8 thường dân ở Lyman, Ukraine
Nga hôm thứ bảy đã thực hiện một cuộc pháo kích khiến ít nhất 8 thường dân thiệt mạng và làm bị thương 13 người ở Lyman thuộc vùng Donetsk của Ukraine. Bộ tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cũng cho biết lực lượng Nga đã không thành công trong nỗ lực tiến công trong khu vực Lyman. Thành phố Lyman là một đầu mối đường sắt quan trọng ở phía đông Donetsk và quân đội Ukraine cho biết rằng họ đã đẩy lùi các nỗ lực tấn công của quân đội Nga gần thành phố này.
Xem thêm tại: Reuters, Russian artillery shelling kills eight civilians in Lyman, Ukraine, military says. Truy cập ngày 9/7/2023
Drone Nga tấn công Kiev và Odesa vài giờ trước hội nghị thượng đỉnh NATO
Quân đội Ukraine cho biết hôm thứ ba Nga đã phóng 28 drone tự sát vào cảng phía nam Odesa và Kyiv vào sáng sớm chỉ vài giờ trước khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania. Lực lượng Không quân Ukraine cho biết các hệ thống phòng không đã bắn hạ 26 drone Shahed do Iran sản xuất. Ở Odesa, 22 chiếc bị bắn hạ và hai máy bay không người lái đâm vào một tòa nhà hành chính ở cảng. Tất cả drone nhắm vào Kyiv đều bị chặn, nhưng các mảnh vỡ đã làm hư hại một số ngôi nhà trong khu vực.
Xem thêm tại: Jerusalem Post, Russian drones attack Kyiv and Odesa hours before NATO summit. Truy cập ngày 12/7/2023
Các lực lượng Ukraine tiến công về phía nam, giữ ‘thế chủ động’
Quân đội Ukraine đã tiếp tục chiến dịch tái chiếm các khu vực do Nga nắm giữ ở phía đông nam khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết rằng lực lượng của nước ông đã “nắm thế chủ động” sau các bước tiến chậm chạp trước đó. Phía Nga cho biết giao tranh ác liệt đã siết chặt các khu vực phía đông bên ngoài thành phố Bakhmut, bị lực lượng lính đánh thuê Wagner chiếm giữ hồi tháng 5 sau nhiều tháng giao tranh. Ngoài ra, Ukraine đã phát động một cuộc phản công tập trung vào việc chiếm giữ một cụm làng ở phía tây nam. Các lực lượng của họ cũng đang cố gắng chiếm lại các khu vực xung quanh Bakhmut.
Xem thêm tại: Jerusalem Post, Ukrainian forces advance in south, hold ‘initiative,’ says Zelensky. Truy cập ngày 11/7/2023
Zelensky ca ngợi những người lính Ukraine từ Đảo Rắn nhân dịp đánh dấu 500 ngày chiến tranh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đánh dấu ngày thứ 500 của cuộc chiến bằng cách ca ngợi những người lính của đất nước từ Đảo Rắn, một hòn đảo ở Biển Đen đã trở thành biểu tượng cho sự kiên cường của Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga. TT Zelensky thông báo rằng năm chỉ huy bảo vệ nhà máy thép Azovstal, những chỉ huy trong một cuộc bao vây kéo dài nhiều tháng mệt mỏi vào đầu cuộc chiến, đã trở về trên máy bay từ Thổ Nhĩ Kỳ cùng với ông. Năm nhà lãnh đạo, một số là thành viên của trung đoàn vệ binh quốc gia Azov mà Nga tố cáo là tân Quốc xã, đã được trả tự do trong một cuộc trao đổi tù nhân vào tháng 9 và được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ sau đó.
Xem thêm tại: AP News, Zelenskyy hails Ukraine’s soldiers from a symbolic Black Sea island to mark 500 days of war. Truy cập ngày 8/7/2023
Ukraine sử dụng “súng phun lửa hạng nặng” của Nga để chống lại Moscow
Các binh sĩ Ukraine đang sử dụng hệ thống hỏa lực hạng nặng TOS-1A Solntsepek, một loại hệ thống phóng tên lửa đa nòng (MLRS) độc đáo dựa trên khung gầm xe tăng T-72, để chống lại quân đội Nga bên ngoài Tors’ke, vùng Donetsk. Hệ thống tên lửa nhiệt áp phóng nhiều lần này được trang bị hệ thống phóng xoay có khả năng chứa tới 24 tên lửa nhiệt áp không điều khiển, có thể phóng trong vòng 6 đến 12 giây.
Xem thêm tại: Defence Blog, Ukraine uses captured Russian “heavy flamethrower” against their former owners. Truy cập ngày 10/7/2023
EU đồng ý thỏa thuận trị giá 500 triệu euro để tăng cường sản xuất đạn dược cho Ukraine
Các nhà đàm phán của EU đã đạt được thỏa thuận trị giá 500 triệu euro nhằm đẩy nhanh việc sản xuất vũ khí và tên lửa ở châu Âu để chuyển giao khẩn cấp cho Ukraine. Theo đó, Đạo luật Hỗ trợ Sản xuất Đạn dược (ASAP) là một phần trong kế hoạch ba bước của EU nhằm cung cấp cho Ukraine một triệu viên đạn mà nước này cần trong năm tới và bổ sung cho kho dự trữ đang cạn kiệt nhanh chóng của các quốc gia thành viên.
Xem thêm tại: Euro News, EU agrees €500 million deal to ramp up production of ammunition for Ukraine. Truy cập ngày 8/7/2023
Ukraine nhận trực thăng tấn công Mi-24 của Ba Lan
Ba Lan đã tặng khoảng 10 trực thăng tấn công Mi-24 từ thời Liên Xô cho Ukraine. Trực thăng tấn công hai động cơ Mi-24 Hind được thiết kế để hỗ trợ trên không cho lực lượng mặt đất chống lại các mục tiêu bọc thép, và cho vận chuyển nhân sự. Không giống như các máy bay trực thăng tấn công Cobra và Apache nhanh nhẹn của Mỹ, các máy bay Mil lớn hơn và cồng kềnh hơn được nhà thiết kế Mikhail Mil hình thành như một phương tiện vận chuyển quân giống như xe tăng được trang bị vũ khí hạng nặng có thể bay.
Xem thêm tại: Defence Blog, Ukraine reportedly gets Polish Mi-24 attack helicopters. Truy cập ngày 10/7/2023
Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác sản xuất UAV
Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã ký một bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác trong các ngành công nghiệp và công nghệ chiến lược giữa các công ty ở Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số các lĩnh vực hợp tác có việc phát triển năng lực và khả năng sản xuất các phương tiện tự hành, đặc biệt là phương tiện bay không người lái (UAV). Bản ghi nhớ quy định về việc tăng cường sản xuất các loại UAV khác nhau, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực hệ thống tự hành, cũng như trong không gian và các lĩnh vực công nghệ khác của các ngành công nghiệp chiến lược của hai nước.
Xem thêm tại: Militarnyi, Ukraine and Turkey to cooperate in the production of UAVs. Truy cập ngày 9/7/2023
Ấn Độ sẵn sàng bán tên lửa hành trình cho Nga
Giám đốc điều hành BrahMos Aerospace cho biết họ đã ngày càng xem Nga như một thị trường cho tên lửa BrahMos. Theo đó, giám đốc điều hành của tập đoàn này nói rằng sau khi tình hình chiến tranh Ukraine ở châu Âu kết thúc, công ty có thể nhận được một số đơn đặt hàng từ Nga, đặc biệt là đối với tên lửa hành trình phóng từ trên không. Tên lửa Brahmos là vũ khí chạy bằng động cơ phản lực được Ấn Độ triển khai ở các phiên bản phóng từ trên không, trên mặt đất và trên tàu với tầm bắn 300 km và 500 km.
Xem thêm tại: Defence Blog, India is ready to sell cruise missiles to Russia. Truy cập ngày 13/6/2023
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:
Lực lượng không quân Mỹ tổ chức tập trận cơ động tại Thái Bình Dương lớn nhất từ trước đến nay
Mobility Guardian 2023, cuộc tập trận huấn luyện hàng đầu của Lực lượng Không quân dành cho các đội tiếp nhiên liệu trên không và không vận, sẽ được tiến hành ở Thái Bình Dương trong tuần này với trọng tâm là xung đột tiềm tàng với Trung Quốc. Lực lượng Bảo vệ Cơ động năm nay có sự tham gia của một lực lượng lớn nhất cho đến nay với khoảng 3.000 phi công Mỹ và đồng minh cùng 70 máy bay chở hàng và máy bay chở dầu. Cuộc tập trận nhằm mục đích chứng minh Lực lượng Không quân có thể điều động quân nhân và hàng hóa đến Thái Bình Dương một cách suôn sẻ như thế nào trong một cuộc khủng hoảng và khả năng hợp tác của quân đội Mỹ với các đối tác trong khu vực. Ngoài ra, cuộc tập trận còn có sự tham gia của các đồng minh của Mỹ trong liên minh Ngũ Nhãn — Úc, Canada, New Zealand và Anh — cùng với Pháp và Nhật Bản.
Xem thêm tại: Defense News, Air Force’s largest-ever mobility exercise to prove prowess in Pacific. Truy cập ngày 8/7/2023
Trung Quốc tăng cường các công trình căn cứ hải quân để đáp ứng hạm đội đang phát triển nhanh chóng
Hải quân Trung Quốc dự kiến sẽ hạ thủy ít nhất 10 tàu chiến mặt nước vào cuối năm nay, bao gồm 8 tàu khu trục Type 052D và 2 khinh hạm Type 054B, với tổng lượng giãn nước 72.000 tấn. Các tàu mới này sẽ cùng với hai hàng không mẫu hạm đang hoạt động của Trung Quốc, tổng trọng tải 120.000 tấn, tám tàu tuần dương Type 055 gần 100.000 tấn, ba tàu đổ bộ tấn công khổng lồ Type 075 và chín tàu vận tải đổ bộ Type 071. Tuy nhiên, việc xây dựng các cầu tàu ngày càng lớn hơn đã bị tụt hậu so với tốc độ hạ thủy các tàu mới – điều mà những chuyên gia quân sự cho là khiến kế hoạch “đổ sông, đổ bể”. Theo đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy các công trình xây dựng mới tại ba căn cứ quân sự với hai căn cứ trong nước là căn cứ Ngọc Lâm tại Hải An và Trạm Giang tại Quảng Đông, cùng với một căn cứ nước ngoài là Djibouti. Nhưng nhìn chung, các chuyên gia nhận định rằng các căn cứ này vẫn chưa ổn định và chỉ đủ để thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng.
Xem thêm tại: SCMP, China ramps up naval base works to accommodate rapidly growing fleet. Truy cập ngày 10/7/2023
Trung Quốc chiếm Đài Loan sẽ là ‘thảm họa’ đối với Mỹ
Một báo cáo chưa được phân loại của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) cho biết Mỹ và Trung Quốc đang bị cuốn vào một “cuộc đấu tranh quốc tế giữa các tầm nhìn cạnh tranh”, với việc Trung Quốc “thực hiện một chiến lược lớn” và Washington không thể buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Báo cáo dự đoán rằng nếu Trung Quốc sáp nhập thành công Đài Loan, nhiều quốc gia sẽ bắt đầu ngả theo Trung Quốc, và ảnh hưởng cũng như uy tín của Mỹ trong khu vực sẽ suy giảm đáng kể. Hơn nữa, Mỹ cũng sẽ mất đi đối tác thương mại hàng đầu ở Đài Loan, khả năng răn đe sẽ bị giảm sút hơn nữa và Washington sẽ càng khó khăn hơn trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ. Báo cáo cho biết thêm rằng Bắc Kinh dường như đang cố gắng đặt nền móng cho việc sáp nhập thành công Đài Loan trùng với thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ thứ tư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2027.
Xem thêm tại: Taiwan News, Chinese seizure of Taiwan would be ‘disastrous’ for US’: Intel brief. Truy cập ngày 10/7/2023
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khen ngợi quân đội duy trì áp lực lên Đài Loan
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông, chi nhánh trung tâm duy trì áp lực xuyên eo biển đối với Đài Loan rằng PLA phải tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đồng thời ca ngợi những nỗ lực của lực lượng này trong việc “bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”. Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông được giao nhiệm vụ kiểm soát eo biển Đài Loan và thực hiện các cuộc diễn tập sẵn sàng chiến đấu thường xuyên trong khu vực. Lực lượng này đóng vai trò trung tâm trong nhiều đợt tập trận bắn đạn thật bao vây Đài Loan kể từ tháng 8 năm 2022, được đưa ra nhằm phản ứng trước các cuộc gặp của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với các quan chức cấp cao của Mỹ.
Xem thêm tại: WSJ, Chinese President Xi Jinping praises military branch central to keeping up pressure on Taiwan. Truy cập ngày 77/2023
Đài Loan sử dụng bom chùm vào các mục tiêu quân sự hợp pháp
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm thứ ba cho biết nếu Đài Loan sử dụng bom chùm sản xuất trong nước vào các mục tiêu quân sự, họ sẽ tuân thủ luật xung đột vũ trang trong bối cảnh tranh cãi về quyết định chuyển vũ khí này cho Ukraine của Mỹ. Tên lửa hành trình không đối đất Vạn Chiến do Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Chung Shan (NCSIST) phát triển và sản xuất, có thể được lắp trên máy bay chiến đấu Phòng thủ Bản địa (IDF) của Đài Loan. Loại vũ khí này có tầm bắn hiệu quả hơn 200 km và có thể dội bom, đạn con gây nổ vào các mục tiêu trên bộ và trên biển. Nó được coi là vũ khí quan trọng trong chiến lược răn đe nhiều lớp của Lực lượng vũ trang vì nếu được bắn từ đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, vốn có thể tấn công các căn cứ không quân và cơ sở quân sự khác của Trung Quốc ở Phúc Kiến và Quảng Đông.
Xem thêm tại: Taiwan News, Taiwan’s use of cluster bombs on military targets legal: MND. Truy cập ngày 12/7/2023
NATO hoãn quyết định thành lập văn phòng liên lạc Tokyo
NATO sẵn sàng trì hoãn quyết định thành lập văn phòng liên lạc ở Tokyo cho đến mùa thu hoặc muộn hơn do Pháp phản đối ý tưởng này. Theo đó, Pháp cho biết sẽ không phù hợp nếu NATO, được thành lập để cung cấp phòng thủ tập thể ở châu Âu và Bắc Mỹ – mở văn phòng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, NATO to defer decision on Tokyo liaison office. Truy cập ngày 11/7/2023
NATO và Nhật Bản hợp tác trong 16 lĩnh vực, sắp xếp thiết bị quốc phòng
NATO và Nhật Bản đã kết thúc đàm phán về một văn kiện hợp tác mới và đang chuẩn bị công bố các trụ cột tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius. Chương trình Hợp tác được điều chỉnh riêng (ITPP) bao gồm 16 lĩnh vực hợp tác với ba mục tiêu chiến lược: tăng cường đối thoại, tăng cường khả năng tương tác và tăng cường khả năng phục hồi. Một trong những lĩnh vực hợp tác là dành cho các lực lượng NATO và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để cải thiện khả năng phát triển năng lực và khả năng tương tác. Nếu Nhật Bản có thể áp dụng nhiều tiêu chuẩn của NATO cho thiết bị quốc phòng của mình, thì có thể dẫn đến việc bảo trì và sửa chữa tại các nhà máy đóng tàu và nhà chứa máy bay của cả hai bên.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, NATO and Japan to cooperate in 16 areas, align defense equipment. Truy cập ngày 7/7/2023
Nhật phản đối Hàn Quốc tập trận trên quần đảo tranh chấp
Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối Hàn Quốc về cuộc tập trận quân sự mà nước này tiến hành trên các đảo tranh chấp, nói rằng đó là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Tokyo và Seoul từ lâu đã có bất đồng về chủ quyền của nhóm đảo nhỏ được gọi là Takeshima ở Nhật Bản và Dokdo ở Hàn Quốc, nằm ở khoảng giữa các nước láng giềng Đông Á ở Biển Nhật Bản. Quân đội Hàn Quốc cho biết cuộc diễn tập bảo vệ lãnh thổ Biển Đông nhằm thực hiện sứ mệnh bảo vệ lãnh thổ, con người và tài sản của chúng ta và đã tiến hành cuộc diễn tập quân sự thường kỳ hàng năm.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan protests to South Korea over drills on disputed islands. Truy cập ngày 8/7/2023
Triều Tiên chỉ trích động thái triển khai tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ
Triều Tiên hôm thứ hai đã lên án điều mà họ gọi là động thái triển khai tàu ngầm tên lửa hạt nhân của Mỹ đến vùng biển gần Bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên cũng tuyên bố các máy bay do thám của Mỹ gần đây đã vi phạm không phận của nước này gần bờ biển phía đông. Tuyên bố trích dẫn các sự cố trong quá khứ về việc Triều Tiên bắn hạ hoặc chặn máy bay Mỹ ở biên giới với Hàn Quốc và ngoài khơi bờ biển. Triều Tiên thường phàn nàn về các chuyến bay giám sát của Mỹ gần bán đảo.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, North Korea rebukes U.S. move to deploy ballistic missile sub. Truy cập ngày 11/7/2023
Triều Tiên phóng ICBM trước cuộc gặp giữa thủ tướng Kishida và thủ tướng Yoon
Triều Tiên đã bắn một tên lửa bị nghi ngờ là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ngoài khơi bờ biển phía đông vào thứ tư, khi các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Nhật Bản chuẩn bị gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO để thảo luận về các mối đe dọa, bao gồm cả việc Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân. Vào tháng 4, Triều Tiên đã phóng thử ICBM nhiên liệu rắn đầu tiên, một trong khoảng một chục vụ thử tên lửa trong năm nay. Các nhà phân tích tin rằng ICBM của Triều Tiên có thể bay đủ xa để tấn công các mục tiêu ở bất cứ đâu tại Mỹ và nước này có khả năng đã phát triển các đầu đạn hạt nhân có thể lắp vào tên lửa. Cùng lúc đó, vị tướng hàng đầu của Mỹ đã gặp những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản trong một cuộc họp ba bên hiếm hoi khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất vào cuối cuộc họp. Cuộc gặp ba bên diễn ra tại Trại Smith ở Hawaii và lần gần đây nhất nó diễn ra giữa ba chỉ huy quân đội vào tháng 3 năm 2022.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, North Korea fires ICBM ahead of Kishida-Yoon meeting. Truy cập ngày 13/7/2023; Reuters, US, Japan, South Korea hold rare military meeting as North Korea launches missile. Truy cập ngày 13/7/2023
Hải quân Ấn Độ nhận 26 máy bay chiến đấu Rafale-M và ba tàu ngầm tấn công từ Pháp
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ ký thỏa thuận mua 26 máy bay chiến đấu Rafale-Marine cho tàu sân bay INS Vikrant và lặp lại đơn đặt hàng đóng thêm ba tàu ngầm lớp Scorpene (Kalveri) tại Mazagon Dockyards Limited. Tất cả 26 máy bay chiến đấu sẽ là phiên bản một chỗ ngồi với các phi công của Hải quân Ấn Độ được đào tạo tại Pháp cũng như trên các hệ thống mô phỏng tiên tiến ở Goa. Ba tàu ngầm lớp Kalveri bổ sung sẽ được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP), mang lại sức chịu đựng lâu hơn cho tàu ngầm tấn công diesel thông thường và cho phép nó chìm dưới nước trong hơn một tuần mà không cần phải nổi lên để sạc pin.
Xem thêm tại: Hindustan Times, Indian Navy to get 26 Rafale-M fighters and three attack submarines from France. Truy cập ngày 11/7/2023
Các thỏa thuận quân sự của Mỹ vẫn chưa đủ để loại vũ khí của Nga tại thị trường Ấn Độ
Ấn Độ đã công bố mua một số lượng đáng kể trang thiết bị quốc phòng của Mỹ trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Narendra Modi tới Washington vào tháng trước, bao gồm đơn đặt hàng trị giá hơn một tỷ đô la mua động cơ của GE cho máy bay chiến đấu. Phù hợp với mong muốn tự chủ về quốc phòng của New Delhi và chính sách hàng đầu “Sản xuất tại Ấn Độ” của Thủ tướng Modi, thỏa thuận động cơ phản lực bao gồm việc sản xuất chung trong tương lai, trong khi việc lắp ráp và bảo trì SeaGuardian có thể sẽ được tiến hành ở Ấn Độ. Tuy nhiên, các thỏa thuận giữa New Delhi và Washington cho đến nay sẽ không đủ để chấm dứt sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Nga khi các quy tắc nghiêm ngặt của Mỹ trong việc chia sẻ công nghệ quân sự sẽ hạn chế các khả năng hợp tác trong tương lai.
Xem thêm tại: Reuters, U.S. military deals not enough to wean India off Russian arms yet. Truy cập ngày 11/7/2023
Đức gửi quân đến Úc, tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Đức sẽ gửi quân tới Úc như một phần của cuộc tập trận chung với khoảng 30.000 quân nhân từ 12 quốc gia khác, nhấn mạnh việc Berlin ngày càng để mắt đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tư lệnh quân đội Alfons Mais cho biết có tới 240 binh sĩ Đức, trong đó có 170 lính dù và 40 lính thủy đánh bộ, sẽ tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre từ ngày 22 tháng 7 đến ngày 4 tháng 8, cuộc tập trận lớn nhất giữa Úc và Mỹ, được tổ chức sáu tháng một lần. Binh lính Đức sẽ huấn luyện chiến đấu trong rừng và các hoạt động đổ bộ cùng với binh lính từ các nước như Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Anh.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, Germany to send troops to Australia with focus on Indo-Pacific. Truy cập ngày 11/7/2023
Đông Nam Á:
Tàu Trung Quốc bao vây đá Khúc Gíac, bãi Ba Bình
Vào tuần trước, các cuộc tuần tra của quân đội Philippines đã phát hiện thêm nhiều tàu Trung Quốc ở Biển Tây Philippines, bao gồm 48 tàu cá Trung Quốc vây quanh bãi Khúc Gíac và 5 tàu cảnh sát biển và hải quân Trung Quốc gần bãi Ba Bình. Trung úy Karla Andres, phi công Philippines, cho biết các tàu cá Trung Quốc neo đậu theo nhóm từ 5 đến 7 tàu và không có hoạt động đánh bắt nào mà chỉ lảng vảng trong khu vực. Các chuyến bay do thám và giám sát tình báo trước đó được thực hiện trong khu vực đã cho thấy xu hướng ngày càng tăng của các tàu Trung Quốc trong khu vực, từ chỉ 12 tàu đánh cá vào tháng 2 năm nay lên 47 vào ngày 12 tháng 6. Sau đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) và Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) sẽ tăng cường tuần tra ở Biển Tây Philippines sau các báo cáo về việc các tàu cá Trung Quốc “bủa vây” bãi Cỏ Rong, phía tây đảo Palawan. Thông báo này được đưa ra sau khi một số lượng chưa từng có các tàu cá Trung Quốc bị phát hiện tụ tập xung quanh bãi Cỏ Rong vào cuối tháng Sáu. Hôm thứ Sáu (7/7), AFP cho biết hành động của các tàu Trung Quốc là “đáng báo động”.
Xem thêm tại: ABS-CBN, Chinese vessels swarm Iroquois Reef, Sabina Shoal: military. Truy cập ngày 8/7/2023; Taiwan News, Philippines to increase naval patrols to drive Chinese forces from territorial waters. Truy cập ngày 10/7/2023
Philippines, Ý hoàn tất bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng
Philippines và Italy đang hoàn tất một bản ghi nhớ nhằm cải thiện hợp tác quân sự giữa hai nước sau khi tàu hải quân “Francesco Morisini” đến Manila trong một chuyến thăm cảng kéo dài 5 ngày. Việc tàu “Morisini” đến Manila và các cuộc tập trận chung là một “nhân tố thay đổi cuộc chơi” trong quan hệ quốc phòng của hai nước vì đây là “con tàu mới nhất của hải quân Ý được đóng hoàn toàn bởi Ý ở Ý”. Tàu Morisini có thể thực hiện cả các nhiệm vụ quân sự và các hoạt động bảo vệ dân sự như tuần tra, vận chuyển hậu cần, chiến đấu trên mặt nước, cung cấp sơ cứu, cung cấp nước ngọt và điện, vận chuyển thang máy thẳng đứng, liên lạc băng rộng và các hoạt động khác.
Xem thêm tại: ABS-CBN, PH, Italy finalizing defense cooperation memorandum: Italian envoy. Truy cập ngày 9/7/2023
Châu Âu coi Philippines là mỏ neo an ninh châu Á
Đặc phái viên của EU tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Richard Tibbels, cho biết liên minh “rất quan tâm đến việc đảm bảo rằng tự do hàng hải và hàng không vẫn tiếp tục và hệ thống thương mại toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng gia tăng trong khu vực”. Một Tiểu ban mới của EU-Philippines về hợp tác hàng hải đã được thành lập vào tuần trước “để tăng cường hợp tác về các vấn đề hàng hải”. Cũng trong tuần trước, Tư lệnh Liên quân Pháp tại Châu Á-Thái Bình Dương và Lực lượng Vũ trang Pháp, Chuẩn Đô đốc Geoffroy d’Andigne, đã đến thăm Manila để nhấn mạnh lợi ích của Pháp trong việc cải thiện quan hệ an ninh.
Xem thêm tại: DW, Europe eyes the Philippines as Asian security anchor. Truy cập ngày 7/7/2023
Mỹ và Philippines tăng cường quan hệ quân sự trong cuộc tập trận Cope Thunder
Cope Thunder 23-2, một cuộc tập trận do Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương tài trợ, sẽ diễn ra từ ngày 2 đến ngày 21 tháng 7 tại Căn cứ Không quân Clark và Căn cứ Không quân Mactan. Cuộc tập trận sẽ tập trung vào các hoạt động viễn chinh và sẽ bao gồm khoảng 225 quân nhân từ Mỹ và Philippines. Ngày 5 tháng 7, một chiếc F-22 Raptor của Không quân Mỹ từ Phi đội đội Hawaiian Raptors đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Clark ở Philippines để tham gia cuộc tập trận Cope Thunder 23-2.
Xem thêm tại: Defense News, US and Philippines strengthen military ties in Cope Thunder exercise. Truy cập ngày 7/7/2023
Blinken thúc ép ASEAN có đường lối cứng rắn hơn đối với Myanmar, Trung Quốc
Washington hy vọng sẽ quy tụ các quốc gia Đông Nam Á để có hành động cứng rắn hơn chống lại chính quyền quân sự của Myanmar và đẩy lùi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Antoney Blinken sẽ tới Indonesia để tham gia cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao từ khối khu vực ASEAN sau khi ông cùng Tổng thống Joe Biden đến Anh và tham dự thượng đỉnh NATO.
Xem thêm tại: Reuters, Blinken to press ASEAN to take tougher line on Myanmar, China. Truy cập ngày 9/7/2023
Indonesia nói không thảo luận về AUKUS trong cuộc họp ASEAN sắp tới
Chủ tịch ASEAN Indonesia cho biết sẽ không có cuộc đàm phán cụ thể nào về AUKUS hoặc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong cuộc họp sắp tới của ASEAN tại Jakarta. Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) là một trong những chương trình nghị sự chính của Hội nghị Bộ trưởng/Hậu Bộ trưởng ASEAN (AMM/PMC) sẽ được tổ chức tại Jakarta vào ngày 11-14/7. Năm 1995, các quốc gia thành viên ASEAN đã ký hiệp ước SEANWFZ nhằm bảo vệ khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Giao thức của hiệp ước này được mở để ký bởi năm quốc gia có vũ khí hạt nhân: Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ.
Xem thêm tại: Jakarta Globe, No AUKUS Talks in Upcoming ASEAN Meeting: Indonesia. Truy cập ngày 10/7/2023
Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:
Thượng đỉnh NATO: Một số điểm chính
-
- Tổng thống Zelensky không vui lòng khi NATO chưa ấn định khung thời gian gia nhập của Ukraine: Tổng thống Zelensky cho biết NATO vẫn chưa ấn định khung thời gian gia nhập NATO của Ukraine, nói rằng sự chần chừ này sẽ khiến Nga có động lực để gia tăng bạo lực. Trước đó, tổng thống Joe Biden thừa nhận rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh, nhưng phải “trong thời điểm thích hợp”. Thêm vào đó, thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng nói rằng vấn đề tư cách thành viên của Ukraine không phải là trọng tâm mà là tái khẳng định cam kết và cho thấy tiến triển trong việc đạt được điều đó.
- Tổng thư ký Stoltenberg đề xuất quy trình kết nạp thành viên nhanh chóng cho Ukraine: Khi đến thời điểm, NATO sẽ đưa Ukraine vào con đường nhanh hơn để gia nhập liên minh so với yêu cầu thông thường theo kế hoạch do Tổng thư ký Jens Stoltenberg đề xuất. Theo đó, một kế hoạch hợp lý hóa sẽ loại bỏ yêu cầu đối với cái gọi là kế hoạch hành động thành viên để chuẩn bị cho quốc gia gia nhập.
- Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayipp Erdogan đã đồng ý cho Thụy Điển gia nhập NATO sau khi có được một số nhượng bộ từ Stockholm, trong đó có việc phát động một cuộc đàn áp mới đối với “những kẻ khủng bố”.
- Điện Kremlin cảnh báo NATO về tư cách thành viên của Ukraine, Thụy Điển: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết khả năng Ukraine gia nhập NATO sẽ “rất nguy hiểm đối với an ninh châu Âu”. Ông Dmitry Peskov cũng cho biết Nga sẽ thực hiện các biện pháp không xác định để đáp trả việc Thụy Điển trở thành thành viên của NATO, điều mà ông cho rằng có “hậu quả tiêu cực” đối với an ninh Nga.
- Mỹ cho biết NATO đồng ý tăng chi tiêu quốc phòng: Các nhà lãnh đạo NATO sẽ đồng ý tăng cường mục tiêu chi tiêu quốc phòng của liên minh, khi các quốc gia ưu tiên khôi phục một ngành công nghiệp đã bị lãng quên trong nhiều năm. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết NATO đồng ý 2% nên là mức sàn chứ không phải mức trần thêm rằng Mỹ và các đồng minh sẽ đồng ý chi tiêu nhiều hơn.
- Đức công bố gói vũ khí trị giá 700 triệu euro: Đức công bố gói trang thiết bị quân sự bổ sung cho Ukraine trị giá khoảng 770 triệu USD, bao gồm 25 xe tăng chiến đấu Leopard 1, 40 xe chiến đấu bộ binh Marder, hai bệ phóng cho hệ thống phòng không Patriot và 20.000 viên đạn pháo. Berlin đã là nhà đóng góp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, với các cam kết trị giá 7,5 tỷ euro cho đến ngày 31 tháng 5
- Trung Quốc đáp trả chỉ trích của NATO, cảnh báo sẽ bảo vệ quyền lợi của mình: Bắc Kinh đả kích lại cáo buộc của NATO rằng Trung Quốc thách thức lợi ích và an ninh của khối, đồng thời phản đối bất kỳ nỗ lực nào của liên minh quân sự nhằm mở rộng dấu ấn của mình vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết mặc dù Trung Quốc không phải là “đối thủ” của NATO, nhưng Bắc Kinh đang ngày càng thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bằng “hành vi cưỡng chế” của mình.
Xem thêm tại: Bloomberg, NATO Latest: Zelenskiy Attacks NATO Resistance on Membership Bid. Truy cập ngày 12/7/2023; ABC, Here’s what we learnt from day one of the NATO summit. Truy cập ngày 13/7/2023; Reuters, China lashes back at NATO criticism, warns it will protect its rights. Truy cập ngày 13/7/2023
Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận hợp đồng bán tên lửa Hellfire cho Pháp
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ sáu đã phê chuẩn thương vụ có thể bán 203 triệu tên lửa AGM-114R2 Hellfire cho chính phủ Pháp. Trước đó, Paris đã yêu cầu mua 1.515 tên lửa AGM-114R2 Hellfire và các thiết bị liên quan. Tên lửa Hellfire được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các phương tiện bọc thép, bao gồm xe tăng, boongke, hệ thống radar và ăng-ten, thiết bị liên lạc, mục tiêu mềm hoặc trực thăng tuần kích. Đây là một trong những tên lửa dẫn đường bằng laser bán chủ động (SAL) tầm ngắn phổ biến nhất thế giới.
Xem thêm tại: Defence Blog, Hellfire missiles sale to France approved by State Department. Truy cập ngày 9/7/2023
Đức và Hà Lan ký hợp đồng trị giá 1,9 tỷ euro cho Caracal
Đức và Hà Lan đã ký hợp đồng khung trị giá 1,9 tỷ euro với Rheinmetall để mua 3.058 phương tiện tấn công đổ bộ đường không Caracal. Hợp đồng bao gồm việc phân bổ 2.054 xe cho Đức và 1.004 cho Hà Lan. Caracal là phương tiện dẫn động 4 bánh được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của các đội hình di động đường không và lực lượng hoạt động đặc biệt. Nó có thể đạt tốc độ tối đa trên đường là 140 km/h, xử lý độ dốc 60% và độ dốc ngang 30%. Nó có độ sâu lội nước 700mm, khả năng leo dốc 330mm và khả năng vượt hào 500mm.
Xem thêm tại: Army Recog, Germany and Netherlands sign €1.9 billion contract for Rheinmetall Caracal airborne vehicle. Truy cập ngày 12/7/2023
Thụy Sĩ và Áo tham gia hệ thống phòng thủ Sky Shield của châu Âu
Thụy Sĩ và Áo đã ký một tuyên bố về ý định tham gia hệ thống phòng không Sky Shield của châu Âu. Hệ thống này do Đức khởi xướng sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga và được thiết kế để cho phép các nước châu Âu mua hệ thống phòng thủ cùng nhau và huấn luyện cùng nhau. Chính phủ Thụy Sĩ cho biết làm việc với các nước láng giềng châu Âu trên một hệ thống chung có ý nghĩa cả về chiến lược và tài chính. Áo cũng là một quốc gia trung lập và chính phủ ở Vienna lập luận rằng bằng cách tập hợp các nguồn lực quân sự, họ có thể duy trì tình trạng đó.
Truy cập ngày: BBC News, Neutral Swiss and Austrians join Europe’s Sky Shield defence. Truy cập ngày 13/7/2023
LHQ cảnh báo ‘nội chiến toàn diện’ ở Sudan, Ai Cập đăng cai tổ chức thượng đỉnh
Liên Hợp Quốc đã cảnh báo Sudan đang trên bờ vực của một “cuộc nội chiến toàn diện”, khi Ai Cập cho biết sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 13/7 để thảo luận về các biện pháp chấm dứt xung đột ở Sudan. Hội nghị thượng đỉnh tại Cairo vào thứ năm sẽ nhằm mục đích “phát triển các cơ chế hiệu quả” với các quốc gia láng giềng để giải quyết xung đột một cách hòa bình, phối hợp với các nỗ lực khu vực hoặc quốc tế khác. Sáng kiến được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đụng độ vào Chủ nhật giữa quân đội và RSF ở El Obeid, phía tây nam Khartoum, cũng như ở phía nam thủ đô
Xem thêm tại: Al Jazeera, UN warns of ‘full-scale civil war’ in Sudan, Egypt to host summit. Truy cập ngày 10/7/2023
Hezbollah tìm cách ‘giành quyền kiểm soát’ Sân bay Quốc tế Beirut
Hezbollah đang nhắm đến việc kiểm soát sân bay quốc tế Beirut một cách tinh vi. Nhóm khủng bố muốn kiểm soát nhiều hơn sân bay và các điểm giao cắt khác vì nhóm này tham gia vào các hoạt động khác nhau như buôn lậu nhiên liệu và ma túy; cũng như vũ khí và thiết bị quân sự. Trung tâm Alma tung ra một số báo cáo quan trọng gần đây về các mối đe dọa an ninh ở các khu vực tiếp giáp với miền bắc Israel. Điều này bao gồm việc tập trung vào các nhóm như Hezbollah và sự tham gia của Iran trong khu vực.
Xem thêm tại: Jerusalem Post, Hezbollah seeks to subtly ‘seize control’ of Beirut International Airport – report. Truy cập ngày 10/7/2023
Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ cho biết họ đã tiêu diệt thủ lĩnh IS ở Đông Syria
Vào Chủ nhật, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết họ đã tiến hành một cuộc tấn công bằng drone khiến Usamah al-Muhajir, một thủ lĩnh của IS ở miền Đông Syria thiệt mạng. Trong năm ngoái, Washington đã tăng cường các cuộc tấn công và hoạt động chống lại các phần tử bị tình nghi là IS ở Syria, tiêu diệt và bắt giữ nhiều thủ lĩnh của nhóm này đã trú ẩn tại các khu vực do phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kiểm soát sau khi nhóm này mất lãnh thổ cuối cùng ở Syria vào năm 2019.
Xem thêm tại: Reuters, US central command says it killed ISIS leader in Eastern Syria. Truy cập ngày 10/7/2023
Chuyên mục Phân tích:
NATO trong thập niên mới (P1): Cam kết an ninh là cầu nối để Ukraine gia nhập liên minh
Một số quốc gia trong NATO vẫn còn lưỡng lự trong việc cam kết tấm vé thành viên NATO cho Ukraine trong khi cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Do đó, lựa chọn khả dĩ thứ hai sẽ là việc vạch ra một lộ trình công nhận Ukraine làm thành viên thông qua ba bước. Đầu tiên, NATO cần xác nhận rằng Ukraine đã được mời, Kiev có thể theo chân Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO bằng cách loại bỏ chương trình hành động thành viên, vốn kéo dài nhiều năm. Kế đến, các quốc gia thành viên cần cam kết mở rộng liên minh tại hội nghị thượng đỉnh thứ 75 tại Washington vào năm sau. Cuối cùng là thành lập một hội đồng NATO-Ukraine với nhiệm vụ làm việc về các điều kiện cần đáp ứng để Ukraine gia nhập liên minh. Lộ trình này sẽ gửi một thông điệp rành mạch đến ông Putin rằng sớm hay muộn thì Ukraine cũng sẽ gia nhập NATO. Nhưng để đi đến được bước cuối cùng thì Ukraine cần thêm bước thứ tư đó là cam kết an ninh từ NATO. Theo đó, các đối tác của Ukraine cần phải đảm bảo rằng Kiev có khả năng tự bảo vệ mình cho đến khi gia nhập vào liên minh. Cam kết an ninh này sẽ bao gồm cung cấp vũ khí, huấn luyện chung dưới cờ của Liên minh châu Âu và NATO bên ngoài Ukraine, chia sẻ thông tin tình báo, cũng như đầu tư bền vững vào cơ sở công nghiệp-quân sự của Ukraine. Bản thân các cam kết an ninh không phải là mục đích cuối cùng, nhưng chúng có thể tạo cầu nối để Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của cả NATO và EU. Họ có thể cung cấp sự an toàn cần thiết để nền kinh tế Ukraine phục hồi, tái thiết bắt đầu và hàng triệu người Ukraine trở về nhà của họ.
Xem thêm tại: Foreign Policy, NATO’s Next Decade: Security Guarantees Are Ukraine’s Bridge to Membership. Truy cập ngày 12/7/2023
Mỹ viện trợ bom chùm hoàn toàn hợp lý, hợp tình?
Quyết định viện trợ bom chùm cho Ukraine của Mỹ đã vấp phải sự phản đối của các nhóm hoạt động xã hội như Human Right Watch. Có hai lập luận phản đối quyết định này của chính quyền Biden. Đầu tiên là cáo buộc cho rằng đạn lưỡng dụng thông được cải tiến (DPICM) bị cấm và việc sử dụng chúng có thể dẫn đến tội ác chiến tranh. Kế đến, có báo cáo cho thấy việc sử dụng DPICM có thể khiến nhiều người dân Ukraine thiệt mạng. Tuy nhiên, cả hai lập luận này đều quá kém. Về vấn đề cấm sử dụng loại đạn này, Mỹ, Ukraine và Nga chưa bao giờ ký Hiệp ước Bom chùm, vốn được ký bởi 111 quốc gia nhằm cấm sử dụng loại vũ khí này. Thêm vào đó, ngay cả Ba Lan và Romania, hai nước thành viên NATO có nhiệm vụ trung chuyển loại đạn này từ Mỹ đến Ukraine cũng không tham gia vào hiệp ước trên. Do đó, không có bất kỳ ràng buộc về pháp lý nào đối với việc sử dụng loại vũ khí này. Mặt khác, HRW cho rằng một số DPICM sẽ không phát nổ và chúng vốn không phân biệt mục tiêu dân sự và quân sự. Trên thực tế, Có tới 1/5 kho vũ khí của Moscow được đánh giá là không an toàn do cũ và tình trạng kém, tuy nhiên chúng vẫn thường xuyên được bắn vào Ukraine. Lập luận về bom mìn chưa nổ của HRW là lập luận có thể áp dụng như nhau cho nhiều loại vũ khí nổ đã được sử dụng trong cuộc xung đột, và do đó, việc bác bỏ DPICM là một lý do không hợp lý. Ngoài ra, HRW cũng sai khi nói rằng loại đạn này không phân biệt mục tiêu dân sự và quân sự. Trái với việc phóng bom chùm vào trung tâm dân cư vào đầu cuộc chiến của Nga, Ukraine sẽ triển khai bom chùm ở các tuyến phòng thủ của quân Nga, tại vùng nông thôn vốn đã bị bao quanh bởi các bãi mìn không được đánh dấu và các thiết bị chờ nổ khác. Kyiv cũng đã thể hiện khả năng quản lý lượng lớn mìn rải khắp các vùng lãnh thổ khác, và không có bằng chứng nào cho thấy nhà nước Ukraine tự mãn về trách nhiệm bảo vệ dân thường của chính mình, hoặc có khả năng họ sẽ cẩu thả trong các nhiệm vụ trong tương lai. Ngoài hai lý do trên, việc cung cấp DPICM sẽ không chỉ tăng hiệu quả quân sự của Ukraine trước các lực lượng Nga đang cố thủ, mà còn giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt đạn dược và hạn chế về nòng của Ukraine và rộng hơn là NATO.
Xem thêm tại: RUSI, Giving Ukraine Cluster Munitions is Necessary, Legal and Morally Justified. Truy cập ngày 11/7/2023
Mỹ đang cạn kiệt đạn dược?
Quân đội Mỹ cho biết Washington đang gia tăng sản xuất khoảng 20,000 quả đạn pháo một tháng trong năm nay. Tuy nhiên, các đối thủ của Mỹ hiểu rằng Mỹ đang trầy trật trong việc hỗ trợ một cuộc chiến kéo dài tại Ukraine. Chính quyền Biden cũng đã viện dẫn số lượng dự trữ hạn chế làm lý do để giữ lại tên lửa ATACMS, hệ thống có thể giúp Kyiv tấn công sâu vào các vị trí của Nga. Ngoài ra, kết quả của một giả lập chiến tranh tại Đài Loan cho thấy Mỹ sẽ cạn kiệt đạn diệt hạm tầm xa trong vòng ba ngày khi số lượng tên lửa này cần cho cuộc xung đột khoảng 1,200 trong khi trong kho chỉ khoảng vài trăm. Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện đang từ chối tài trợ cho việc mua số lượng lớn hai loại vũ khí chính xác quan trọng—Tên lửa Tiêu chuẩn-6 và một tên lửa không đối không AMRAAM. Người chiếm đoạt GOP Ken Calvert nói với chúng tôi rằng Lầu năm góc đã không tiết kiệm đủ và các nhà thầu đang vật lộn để hoàn thành các đơn đặt hàng này. Tuy nhiên, chính nhu cầu thất thường từ Washington là lý do khiến cơ sở công nghiệp trở nên dễ vỡ khi một số nhà sản xuất chế tạo một hoặc hai bộ phận cho nhiều tên lửa, và những nhà thầu phụ này đang sống nhờ lợi nhuận mong manh. Những người chiếm đoạt Hạ viện đã đúng khi cho rằng các tài khoản sẵn sàng cần nhiều tiền hơn để bảo trì và đào tạo, điều mà dự luật của họ đưa ra, và cuộc đấu tên lửa là một ví dụ về rủi ro do không đủ chi tiêu quốc phòng. Sự thiếu hụt đạn dược sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo của tổng thống mà cho đến nay vẫn còn thiếu trong hành động.
Xem thêm tại: WSJ, America Is Running Out of Ammo. Truy cập ngày 11/7/2023
Đài Loan đang củng cố quân đội như thế nào?
Trong thời gian qua, chính phủ Đài Loan đã thực hiện nhiều bước tiến nhằm chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc. Vào tháng 12 năm ngoái, tổng thái Thái Anh Văn đã công bố kế hoạch kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự thành một năm đối với nam giới sinh sau năm 2005 và tăng gấp đôi số lượng quân dự bị được huấn luyện hàng năm lên 260,000 quân. Trong năm nay, quân đội Đài Loan cũng bắt đầu cho phép phụ nữ tình nguyện tham gia lực lượng dự bị. Tính đến nay, quân đội Đài Loan có khoảng 190,000 quân nhân tại ngũ và khoảng 2 triệu quân dự bị. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ một phần quân dự bị có khả năng sẵn sàng chiến đầu. Các chuyên gia cũng nhận định rằng quân đội đang gặp phải “vấn đề về nhận thức” khi nhiều người vẫn còn ám ảnh quá khứ và khó thích nghi với việc là một phần của quân đội Đài Loan, chiến đấu vì Đài Loan. Đối với người trẻ, vấn đề lớn hơn đó chính là bản chất của quá trình nghĩa vụ. Vào năm 2021, dù bộ quốc phòng Đài Loan đã đại tu chương trình huấn luyện để lính nghĩa vụ dành nhiều hơn cho việc thực địa nhưng có quan điểm cho rằng vẫn còn thiếu chiến trường đô thị hay chỉ dẫn về vũ khí hiện đại. Chưa hết, một vấn đề khác là sĩ khí của quân đội do “chiến tranh nhận thức” của Trung Quốc. Theo đó, các cơ quan Trung Quốc loan truyền thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về vấn đề tham nhũng của quân đội Đài Loan và sức mạnh của PLA. Do đó, chính phủ đã thiết kế các video nhằm thúc đẩy tinh thần yêu nước và củng cố quyết tâm kháng chiến đồng thời nhận ra Trung Quốc chính là kẻ thù cho các lính nghĩa vụ. Cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất là tiền. Trong thập kỷ qua, tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trong ngân sách chính phủ hầu như không thay đổi. Nhưng vào năm ngoái, cơ quan lập pháp đã thông qua mức tăng 13,9% cho ngân sách quốc phòng cho năm 2023, đạt 2,4% GDP, mức tăng này mạnh do ngân sách vốn đã tăng trưởng chậm kể từ năm 2017.
Xem thêm tại: Guardian, ‘Ukrainian strategy has become a model’: Taiwanese beef up military to face China threat. Truy cập ngày 10/7/2023
Tại sao châu Á lại quan trọng đối với NATO?
Tại cuộc họp thượng đỉnh NATO tại Lithuania, ngoài các lãnh đạo thành viên còn có sự hiện diện của tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người sẽ đọc bài diễn từ khai mạc. Ngoài vấn đề Ukraine sẽ là tâm điểm của cuộc họp, sự hiện diện của tổng thống Yoon phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của NATO trong việc đẩy mạnh đối thoại với các nước ở châu Á-Thái Bình Dương. Lý do cho sự góp mặt của các nước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc đến từ mối lo ngại về sự hung hăng của Trung Quốc khi tổng thư ký Jens Stoltenberg nói rằng cuộc chiến tại Ukraine đang xảy ra tại châu Âu hôm nay có thể xảy ra tại châu Á sau này. Trước đó, trong một chiến lược được công bố tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia từ Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, cho biết Trung Quốc là nguồn gốc của “những thách thức mang tính hệ thống” bao gồm các mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và “các công cụ quân sự để tăng dấu ấn toàn cầu và triển khai quyền lực”. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, các nhà lãnh đạo từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ cố gắng thuyết phục các thành viên NATO rằng những gì đang xảy ra tại châu Âu sẽ quan trọng đối với châu Á và ngược lại. Nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng dấu chân của Trung Quốc đang mở rộng ở cả hai hướng là đông (châu Âu) và tây (Trung Đông). Thêm vào đó, một số nhà phân tích cũng lập luận rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc vào đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, đều có thể là một cuộc tấn công vào NATO. Các thành viên NATO bị chia rẽ về cách can dự với Trung Quốc khi Hungary hồi tháng 5 cho rằng hợp tác với Bắc Kinh sẽ có lợi hơn là hại và Pháp vừa mới phản đối việc lập văn phòng liên lạc tại Tokyo.
Xem thêm tại: Guardian, Why Asia matters to Nato as it looks to respond to China’s military expansion. Truy cập ngày 11/7/2023
Nhật đã đủ khả năng bảo trì cho khí tài hải quân Mỹ?
Trong trường hợp xung đột tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ sẽ cần phải hồi sức cho tàu chiến thời gian thực tại chiến khu do đưa chúng trở về Mỹ cộng thêm việc sữa chữa sẽ tốn rất nhiều thời gian. Do đó, Nhật Bản nên đóng vai trò là nơi bảo trì cho tàu chiến của đồng minh nhưng với điều kiện là đảm bảo được chất lượng, chuỗi cung ứng và phụ tùng. Ngoài ra, cách tốt nhất để giữ gìn hòa bình tại ÂĐD – TBD là củng cố hạm đội của Mỹ tại khu vực, và phải dựa vào Nhật Bản để thực hiện kế hoạch đó. Tokyo đã có đủ khả năng và năng lực để thực hiện công việc bảo trì khí tài hải quân Mỹ. Trên thực tế, các xưởng đóng tàu của Nhật Bản đã bảo trì cho cho Bộ chỉ huy vận tải biển quân sự của quân đội Mỹ và do đó không có lý do gì mà không làm tương tự đối với các tàu chiến. Tại các bãi sửa chữa tàu Mỹ, có khoảng 12 tàu còn đang trong hàng chờ đại tu, vốn có khả năng triển khai để ngăn chặn cuộc xung đột nếu bàn giao việc sửa chúng cho Nhật Bản. Việc sử dụng tiềm năng bảo trì tàu chiến tại Nhật có nhiều lợi ích. Trước nhất, sáng kiến này sẽ cũng cố hợp tác an ninh và tạo ra cơ hội kinh tế. Kế đến, nỗ lực này cũng sẽ làm giảm các tàu cần bảo trì còn tồn đọng trong các xưởng sửa chữa tại Mỹ đồng thời giúp ngành công nghiệp của Mỹ dẻo dai và quân đội Mỹ sẵn sàng chiến đấu tốt hơn. Do đó, Mỹ cần phải thiết lập khả năng bảo trì khí tài tại Nhật Bản tương tự việc tập trận nhằm chứng minh rằng cả Washington và Tokyo đều có thể giữ các tàu chiến của mình sẵn sàng để sửa chữa, từ đó gửi thông điệp đến bất kỳ đối thủ rằng cả hai hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu.
Xem thêm tại: WSJ, Japan Is Ready and Able to Maintain U.S. Naval Vessels. Truy cập ngày 12/7/2023
Xung đột tại Sudan đã trở thành chiến tranh ủy nhiệm Ả Rập Saudi – UAE như thế nào?
Cuộc xung đột giữa tướng Abdel Fattah al-Burhan, lãnh đạo quân đội Sudan và Mohamed Hamdan Dagalo (Hemeti), người đứng đầu Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã kéo dài đến tháng thứ ba và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Nhưng phạm vị cuộc xung đột giữa Burhan và Hemeti không chỉ là trong nước mà còn xa hơn ở cấp độ khu vực. Theo đó, các đối thủ nặng ký vùng Vịnh Ả Rập Saudi, bên ủng hộ Burhan và UAE, bên ủng hộ Hemeti, đều coi cuộc chiến là cơ hội để củng cố địa vị bá quyền ở Trung Đông. Căng thẳng khu vực từ lâu đã khiến Ả Rập Saudi và UAE ưu tiên hợp tác hơn là cạnh tranh. Tuy nhiên, việc Riyadh bình thường hóa quan hệ với đối thủ là Tehran và thực hiện việc trung gian hòa giải tại Syria cũng như giữa các đảng phái chính trị thù địch Palestine đều chỉ ra rằng UAE đang ngày càng đối địch với UAE. Nguyên nhân đầu tiên là về kinh tế khi cả hai nước đều đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu và củng cố vai trò khu vực và quốc tế nổi bật hơn trong lĩnh vực hàng không, thể thao, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, sự khác biệt về sự đa dạng và chấp nhận tôn giáo giữa Riyadh, vốn đã chuyển từ Hồi giáo là chủ yếu sang chủ nghĩa dân tộc cực đoan (hypernationalism) trong khi Abu Dhabi lại có một chính sách văn hóa thúc đẩy vấn đề này. Abu Dhabi và Riyadh bắt đầu đối đầu vào năm 2009, khi họ bất đồng về nơi đặt ngân hàng trung ương được đề xuất của GCC nhằm thúc đẩy một nền kinh tế vùng Vịnh thống nhất hơn và một đơn vị tiền tệ chung. Thêm vào đó, UAE cũng được coi là đối tác của Ả rập Saudi trong cuộc chiến chống lại quân nổi loạn Houthi tại Yemen. Tuy nhiên, mục tiêu của Riyadh và Abu Dhabi trong cuộc chiến này đã dần đi ngược hướng khi Riyadh ủng hộ chính phủ của tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi trong khi Abu Dhabi chọn ủng hộ Hội Đồng Chuyển Tiếp Miền Nam, vốn giúp UAE kiểm soát nhiều cảng và đảo của Yemen từ đó có cơ hội tiếp cận eo biển Bab el-Mandeb và sừng châu Phi. Nhưng sự cạnh tranh giữa Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ở Yemen không chỉ giới hạn ở các cảng. Vào năm 2018, Riyadh đã lên kế hoạch xây dựng một đường ống vận chuyển dầu của Saudi đến cảng biển Nishtun của Yemen trên biên giới với Oman, giúp làm giảm nguy cơ từ bất kỳ mối đe dọa nào của Iran bằng cách đi qua eo biển Hormuz. Theo đó, dự án này sẽ làm suy yếu vị trí quan trọng của UAE trong vận chuyển dầu khí và trao cho vương quốc này nhiều quyền kiểm soát hơn trong OPEC. Mặt khác, Washington cũng đã trở thành tâm điểm cho sự cạnh tranh giữa Ả Rập Saudi và UAE. Sự nổi lên của Mohammed bin Salman – người mà tình báo Mỹ kết luận là đã ra lệnh sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 – đã khiến mối quan hệ giữa Riyadh và Washington trở nên lạnh nhạt trong những năm gần đây. Do đó, sự xa cách giữa Ả rập Saudi và Mỹ đã mang lại cho UAE cơ hội vàng để thay thế Riyadh trở thành đồng minh quân sự vùng Vịnh được ưu ái của Washington.
Xem thêm tại: FP, How Sudan Became a Saudi-UAE Proxy War. Truy cập ngày 13/7/2023