Thời sự Thứ Sáu 14/7/2023: *Pháp mừng quốc khánh, Ấn Độ là khách mời danh dự *EU nói phán quyết PCA có giá trị pháp lý *Ukraina thành công ở Berdyansk, phá hủy xe tăng hiếm của Nga *Ukraina nhận được bom chùm, ‘lính Nga sợ hãi’ *Hàn-Mỹ-Nhật cứng rắn với Bắc Triều Tiên *Tướng Mỹ : cần tăng tốc giao vũ khí cho Đài Loan
Võ Thái Hà tổng hợp
Pháp tổ chức diễn binh mừng quốc khánh, Ấn Độ là khách mời danh dự
Anh Vũ /RFI
14/7/2023
Hôm nay, 14/07/2023, trên đại lộ Champs-Elysées của thủ đô Paris, nước Pháp tổ chức diễu binh mừng Quốc khánh với khách mời danh dự là Ấn Độ. Sau các vụ bạo động gần đây, Quốc khánh năm nay diễn ra dưới sự giám sát an ninh nghiêm ngặt nhất.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đệ nhất phu nhân Brigitte Macron, bên cạnh thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, theo dõi cuộc diễu binh mừng Quốc khánh Pháp 14/07/2023, Paris, Pháp. AP – Gonzalo Fuentes
Khoảng 6500 người, hơn 60 máy bay, 28 trực thăng, 157 xe cơ giới và 62 xe mô tô, cùng 200 kỵ binh của đội Vệ binh Cộng hòa tham gia diễu binh dọc theo đại lộ Champs-Elysées đến quảng trường Concorde, nơi đặt khán đài danh dự của quan khách.
Vào đúng 10 giờ sáng, tổng thống Emmanel Macron, cùng tổng tham mưu trưởng quân đội duyệt đội danh dự khai mạc lễ diễu binh.
Khách mời danh dự của lễ Quốc khánh Pháp năm nay là quân đội Ấn Độ, với sự tham gia của 240 binh sĩ đại diện cho các binh chủng tham gia diễu binh và 3 chiến đấu cơ Rafale của không quân Ấn Độ.
Trên khán đài, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có mặt bên cạnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhiều quan khách theo dõi buổi lễ. Chiều nay lãnh đạo hai nước có cuộc hội đàm. Paris và New Delhi năm nay kỷ niệm 25 thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, trong bối cảnh tình hình địa chính trị thê thế giới có nhiều biến động và Pháp đang có tham vọng tăng cường vai trò ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong diễn văn gửi đến quân đội Pháp nhân ngày Quốc khánh, tối qua,13/07, tổng thống Macron đã khẳng định « Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quyết định cho tương lai của chúng ta, đây là một đối tác chiến lược và đồng thời là một nước bạn hữu ». Thủ tướng Narendra Modi hôm qua đã được trao tặng huân chương Bắc đẩu Bội tinh, phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp.
AFP cho biết chuyến thăm Pháp của thủ tướng Ấn Độ cũng là dịp để hai nước thảo luận các chi tiết về việc Ấn Độ dự định mua của Pháp 26 chiến đấu cơ, loại dành cho tàu sân bay và 3 tàu ngầm.
Các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh Pháp năm nay diễn ra trong bầu không khí an ninh căng thẳng, hậu quả của các vụ bạo động dữ dội trong hơn 5 đêm hồi cuối tháng 6 vừa qua sau vụ một thanh niên bị cảnh sát bắn chết trong một cuộc kiểm tra giao thông. Để bảo đảm an toàn tuyệt cho các lễ hội, chính phủ đã huy động một lực lượng khoảng 45 nghìn cảnh sát và hiến binh, các đơn vị tinh nhuệ chống bạo động, cùng nhiều xe bọc thép. Riêng Paris và các vùng phụ cận, khoảng 10 nghìn nhân viên của các lực lượng an ninh đã được triển khai. Các hoạt động lễ hội trên toàn nước Pháp được đặt dưới sự giám sát an ninh cao nhất.
Lễ mừng Quốc khánh Pháp được khép lại tối nay với một chương trình hòa nhạc cổ điển và bắn pháo hoa từ tháp Eiffel, như truyền thống hàng năm.
Ấn Độ cần Pháp để đa dạng hóa đối tác đầu tư và công nghệ
Thu Hằng /RFI
14/7/2023
Nhân dịp Quốc Khánh 14/07/2023, Pháp trải thảm đỏ đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để kỉ niệm 25 năm thiết lập « quan hệ đối tác chiến lược ». Ngoài các hợp đồng mới mua chiến đấu cơ Rafale và tầu ngầm Scorpène, Ấn Độ muốn Pháp hỗ trợ phát triển công nghệ dân sự nhằm đạt mục tiêu trở thành một nước phát triển vào năm 2047, tròn 100 năm lập quốc.
Lễ hạ thủy tàu ngầm lớp Scorpene INS Karanj tại xưởng đóng tàu Mazagon Dock ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 31/01/2018. REUTERS – SHAILESH ANDRADE
Theo nhật báo Pháp Le Figaro, ngoài hợp tác quốc phòng, thủ tướng Ấn Độ Modi cũng muốn thúc đẩy hợp tác công nghệ với Pháp nhằm giảm chất thải gây hiệu ứng nhà kính. Với hơn 1,4 tỉ dân, quốc gia đông dân nhất và cũng là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ 3 thế giới, quan tâm đến công nghệ « khí hydrogen xanh, quản lý rác thải, xử lý nước… », theo ông Mohan Kumar, đại sứ Ấn Độ tại Paris từ năm 2015-2017.
Ngoài ra, New Dehli cũng quan tâm đến dự án xây 6 lò phản ứng hạt nhân EPR tại Jaitapur (phía tây Ấn Độ), được kỳ vọng giúp giảm bớt lượng khí phát thải, vì nhiệt điện chiếm 77% sản lượng điện hiện nay tại Ấn Độ. Tuy nhiên, dự án này còn gặp nhiều trở ngại. Thông tín viên RFI Sébastien Farcis tại New Delhi giải thích :
« Năm 2010, New Dehli đã ký một thỏa thuận với Pháp để đàm phán việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân EPR ở bờ tây Ấn Độ trong khuôn khổ dự án nhà máy điện nguyên tử gồm 6 lò phản ứng, có công suất gần 10 GW, mạnh nhất thế giới. Nhưng từ đó, các cuộc đàm phán tiến triển chậm. Các trở ngại liên quan đến hai mặt : Trước tiên là trách nhiệm dân sự, vì New Delhi muốn chính phủ Pháp và đối tác xây dựng là Công ty Điện lực Pháp EDF chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân. Thứ hai là vấn đề giá.
Có lẽ lý do thứ hai này đã khiến giao dịch bị hủy, theo nhà nghiên cứu Amit Bhandari, chuyên gia về các vấn đề năng lượng tại trung tâm nghiên cứu Gateway House. Ông cho biết : « Ấn Độ thấy lò phản ứng quá đắt. Chi phí sản xuất một megawat sẽ cao ít nhất là gấp đôi so với một lò phản ứng do Ấn Độ thiết kế và nhất là lại được sản xuất dưới sự giám sát của nước này, và như vậy sẽ không có các vấn đề về trách nhiệm. Vì thế tôi nghĩ rằng khả năng lò phản ứng EPR được xây dựng ở Ấn Độ là rất thấp ».
Công ty Điện lực Pháp EDF đã trình đề xuất công nghệ-thương mại cách đây hai năm và từ đó, chính phủ Ấn Độ cam kết là muốn giải quyết bất đồng về những vấn đề khó khăn này ».
EU nói phán quyết PCA ở Biển Đông là cột mốc quan trọng, có giá trị pháp lý
Tạ Linh
Bức ảnh chụp từ trên không năm 2021 cho thấy các tàu Trung Quốc vẫn hiện diện ở Đá Julian Felipe ở Biển Tây Philippines, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines (ảnh: Lực lượng vũ trang Philippines).
Nhân dịp kỷ niệm 7 năm phán quyết của tòa trọng tài quốc tế tại The Hague vô hiệu hóa yêu sách của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu và đại sứ quán của họ đã ca ngợi phán quyết mang tính bước ngoặt, đồng thời tái khẳng định các quyền hàng hải của Philippines.
Ngày 11/7, tờ Philsta cho biết, các nước thành viên EU đã ra tuyên bố gọi phán quyết trọng tài là “một cột mốc quan trọng, có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các bên liên quan, và là cơ sở để giải quyết tranh chấp giữa các bên một cách hòa bình”.
Tổng thống Philippines khi đó là ông Benigno Aquino III đã đệ trình vụ kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) vào năm 2013 để phản đối cái gọi là yêu sách ‘đường chín đoạn’ của Bắc Kinh.
Cố cựu ngoại trưởng Albert del Rosario đã lãnh đạo Philippines đưa vấn đề này ra trước tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để xác định các quyền lợi kinh tế trên biển của nước này, thách thức một cách hiệu quả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc.
EU nhắc lại tầm quan trọng cơ bản của việc duy trì các quyền tự do, quyền và nghĩa vụ được thiết lập trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đặc biệt là các quyền tự do hàng hải và hàng không.
Khối này cho biết: “EU cam kết bảo đảm các tuyến đường hàng hải rộng mở, tự do và an toàn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế vì lợi ích của tất cả mọi người”.
Trong phán quyết mang tính bước ngoặt ngày 12/7/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực cũng tuyên bố rằng, Trung Quốc không có yêu sách hợp pháp đối với các khu vực được tòa xác định là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.
Tuy nhiên, Trung Quốc hoàn toàn không tuân theo phán quyết và có những hành động hung hăng và bành trướng hơn. Philippines dưới thời chính quyền Duterte như đã chắp thêm cánh cho ông Tập, khi ông Duterte đã gạt phán quyết sang một bên như một phần trong chiến lược xoay trục sang Trung Quốc.
Bầu chọn thủ tướng : Thái Lan hồi hộp chờ cuộc bỏ phiếu lần hai
Minh Anh /RFI
14/7/2023
Phó chủ tịch Quốc Hội Thái Lan hôm nay, 14/07/2023, thông báo cuộc bỏ phiếu lần hai bầu chọn thủ tướng sẽ diễn ra vào ngày 19/07/2023. Quyết định này được đưa ra sau thất bại của lãnh đạo đảng Tiến Bước (Move Forward), ông Pita Limjaroenratn trong việc thuyết phục các nghị sĩ Thượng Viện ủng hộ ông làm thủ tướng, trong cuộc bỏ phiếu vòng một ngày 13/07.
Toàn cảnh cuộc bỏ phiếu bầu chọn tân thủ tướng tại Quốc Hội Thái Lan ngày 13/07/2023, Bangkok, Thái Lan. REUTERS – ATHIT PERAWONGMETHA
Từ Bangkok, thông tín viên Carole Isoux có bài phóng sự về phản ứng của những người ủng hộ lãnh đạo đảng Tiến Bước :
Vài trăm ủng hộ viên của đảng Tiến Bước, đảng kể từ giờ chiếm đa số ở Hạ Viện Thái Lan, đã tập hợp ngày hôm qua trong suốt cuộc bỏ phiếu bầu chọn thủ tướng. Ông Pita đã có được một đa số thuận lợi ở Hạ Viện. Nhưng chỉ có 13 thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ ông, chưa đủ để trở thành thủ tướng.
Đối với những người ủng hộ ông, kết quả này là một đòn đau và hàng loạt các thủ tục pháp lý mà Pita Limjaroenrat phải đối mặt chỉ là những mưu kế của phe bảo thủ để từ chối trao quyền cho ông.
Một người nói : “Chúng tôi có cảm tưởng họ xem chính trị như là một trò chơi. Tất cả những trò tai quái này làm tôi lo lắng, bởi vì điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ phải tiếp tục đấu tranh.”
Một cuộc bỏ phiếu khác sẽ diễn ra trong vài ngày tới. Liên minh các đảng được bầu có thể sẽ phải chọn một ứng viên khác, nhưng lãnh đạo đảng Tiến Bước đã tuyên bố sẽ tái ứng cử chừng nào tư pháp vẫn chưa truất quyền ứng viên của ông.
Ukraina xác nhận thành công một phần ở Berdyansk
Liên Thành
Người phát ngôn của Trung tâm báo chí chung của Lực lượng Phòng vệ vùng Tavria, Ukraina, ông Valery Shershen, đã thông báo trên sóng truyền hình rằng, lực lượng Vũ trang Ukraina đang đánh bật quân Nga ra khỏi vị trí và tiến về phía trước. Theo hướng Berdyansk, quân đội Ukraina đang đạt một số thành công dọc theo chiến tuyến.
“Chúng tôi đã thành công một phần theo hướng Berdyansk. Tiến dọc chiến tuyến, các đơn vị xung kích và binh sĩ của chúng tôi đã cố thủ ở ranh giới đã đạt được. Họ tiến hành trinh sát khu vực trên không, bắn phá hỏa lực vào các mục tiêu đã xác định của đối phương, và thực hiện các cuộc phản công. Đồng thời việc rà phá bom mìn đang được tiến hành”, ông Shershen nói.
Người phát ngôn nhấn mạnh rằng người Nga đang kháng cự quyết liệt, nhưng các binh sĩ Ukraina đang gây áp lực một cách có hệ thống lên một số khu vực nhất định của mặt trận, tiêu diệt đối phương và tiếp tục tiến lên.
TT Putin cảnh báo chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc nếu yêu cầu không được đáp ứng
Liên Thành
Tổng thống Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik).
Tổng thống Vladimir Putin ngày 13/7 nói rằng, Nga có thể không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày 17/7.
Theo báo CNN của Mỹ, một yêu cầu quan trọng của phía Nga là họ muốn được tiếp cận các cơ chế thanh toán quốc tế. Sau khi Điện Kremlin phát động cuộc xâm lược Ukraina, phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lên Nga.
Ông Putin nói: “Không một điểm nào liên quan đến lợi ích của Liên bang Nga được đáp ứng. Mặc dù vậy, chúng tôi đã tự nguyện gia hạn thỏa thuận này nhiều lần”.
Cũng trong ngày 13/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi Tổng thống Putin kéo dài thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina sang Biển Đen. Bà nhấn mạnh rằng nếu thỏa thuận không được gia hạn, nó sẽ dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.
Ukraina phá hủy xe tăng hiếm hoi của Nga ở Bakhmut
Liên Thành
Lực lượng Vũ trang Ukraina đã hạ gục một chiếc xe tăng T-90 của Nga. (Ảnh chụp màn hình video).
Theo kênh tin Donbas của Ukraina, trích dẫn thông tin từ Lữ đoàn 24, Trong cuộc phản công, Lực lượng Vũ trang Ukraina đã hạ gục một chiếc xe tăng T-90 của Nga, sau đó phá hủy nó hoàn toàn bằng máy bay không người lái.
“Trong một cuộc phản công thành công ở vùng Bakhmut, các binh sĩ của một trong những lữ đoàn cơ giới đã ‘phá hủy’ chiếc xe tăng T-90 mới nhất của Nga. Theo thông tin tình báo của chúng tôi, toán quân Nga đã lên kế hoạch kéo chiếc xe chiến đấu bọc thép về hậu phương vào ban đêm để khôi phục khả năng chiến đấu của nó. Nhưng các binh lính điều khiển máy bay không người lái của đại đội ‘Rarog’ đã biến xe tăng của đối phương thành đống sắt vụn với hai cú đánh chính xác!”, Lữ đoàn 24 cho biết.
Trong đoạn video do lữ đoàn này đăng tải, có thể thấy máy bay không người lái của Ukraina bay về phía xe tăng Nga và phá hủy nó. Kết quả là người Nga được cho là đã mất thiết bị trị giá vài triệu USD.
Trước đó, Donbas24 đã báo cáo rằng gần thành phố pháo đài Bakhmut, các binh sĩ của lữ đoàn tấn công riêng biệt số 3 đã đánh bại lính dù Nga, chiếm được một thành trì của quân Nga và giải phóng hơn 1 km vuông lãnh thổ. Các chiến binh của Tiểu đoàn xung kích số 2 đã đạt được những thành công mới trên hướng Bakhmut. Những người lính Ukraina đã đánh bại các đơn vị của Lữ đoàn đổ bộ đường không 83 của Liên bang Nga gần Bakhmut, tiến lên và giải phóng lãnh thổ, đồng thời cải thiện vị trí chiến thuật của lực lượng Ukraina theo hướng chính trong thành phố.
Những gì lính Nga bỏ lại trong chiến hào lột tả sự khốc liệt của chiến tranh
Liên Thành
Các binh sĩ Ukraine đi qua Novodarivka, một ngôi làng trước đây bị lực lượng Nga chiếm đóng. (Ảnh: NYT).
Đối với những người lính Ukraina, trong cuộc phản công đã kéo dài hàng tháng nay ở miền nam Ukraina nhưng không nhiều tiến bộ, ít nhất họ cũng đang chiếm được các công sự kiên cố từ những binh sĩ Nga đang rút lui.
Và cũng đối với binh sĩ Ukraina, cũng thật lạ lùng khi họ phải sống và chiến đấu ở những vị trí mà binh sĩ Nga đã nắm giữ và cố thủ trong thời gian dài – với một đống đổ nát bao gồm các tàn tích của thiết bị quân sự và vật dụng cá nhân của binh lính Nga nằm rải rác khắp nơi.
Báo New York Time dẫn lời Maksim, một người lính thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraina cho hay, những gì anh trải nghiệm ở trận địa hoang tàn này là điều không hề dễ chịu đối với nhiều người. Binh nhì cho biết: “Đó là vùng đất của chúng tôi, nhưng ở đây không thoải mái lắm. Không giống như ở nhà”.
Vào đầu tháng 6, quân đội Ukraina, bao gồm hàng ngàn binh sĩ được huấn luyện và trang bị bởi Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây khác, bắt đầu phản công nhằm chia cắt miền nam Ukraina do Nga chiếm đóng. Chờ đợi họ là hàng ngàn binh lính Nga đóng quân trong hàng dặm chiến hào sẵn sàng tấn công ngay khi giáp mặt, và cùng với đó là các công sự khác giữa những bẫy xe tăng và hàng ngàn quả mìn nối tiếp hàng ngàn quả mìn.
Các lực lượng Ukraina đang tấn công vào ít nhất 3 địa điểm trên mặt trận phòng thủ của Nga. Tại điểm tiến công xa nhất, họ đã đẩy về phía nam để tạo thành một chỗ phình ra khoảng 8km vào các tuyến phòng thủ.
Các chỉ huy Ukraina muốn tiếp cận Biển Azov, cách đó khoảng 88km, băng qua vùng đồng bằng trống trải ít có chỗ ẩn nấp. Nếu thành công, họ sẽ chia vùng phía nam do Nga chiếm đóng thành hai khu vực, cắt cầu nối đất liền từ Nga đến Bán đảo Crimea bị chiếm đóng và làm tổn hại đáng kể đến khả năng tiếp tế cho lực lượng của Nga ở xa hơn về phía tây.
Theo đà tiến quân, binh sĩ Ukraina đã chiếm được các đường hào, boongke và các vị trí bắn của Nga trong các tòa nhà bỏ hoang, nhưng dưới sự bắn phá liên tục của pháo binh, họ có rất ít thời gian để thu dọn rác và quần áo bị bỏ lại cũng như áo giáp và khẩu phần quân sự còn sót lại của quân Nga.
Ở ngôi làng Novodarivka, trên khu vực đồng bằng của vùng Zaporizhzhia ở miền nam Ukraina, phía nam thành phố Orikhiv. Một tháng sau khi các binh sĩ thuộc Lữ đoàn Phòng thủ Lãnh thổ số 110 của Ukraina và các đơn vị khác giành lại ngôi làng, ngôi làng vẫn còn ngổn ngang những mảnh vụn của lực lượng chiếm đóng.
Trong cái nắng như thiêu như đốt của một ngày gần đây, ngôi làng vắng vẻ, thỉnh thoảng có tiếng xe quân sự chạy ầm ầm trên con đường đất duy nhất giữa những ngôi nhà bị phá hủy, bỏ hoang, tung bụi mù mịt.
Giữa làn sóng pháo kích dữ dội, các binh sĩ Ukraina ẩn nấp trong các chiến hào chiếm được từ quân Nga. Ngay trên con đường chính của làng là một chiếc xe tăng Nga bị đốt cháy; trên một cánh đồng gần đó, hai chiếc xe kháng mìn do Mỹ cung cấp có tên MaxxPros đã bị nổ tung.
Một nhiệm vụ nghiệt ngã của người Ukraina là thu hồi hài cốt của các binh sĩ đã hy sinh để bảo vệ ngôi làng trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến khi lực lượng Nga tiến công nhanh chóng.
Trung úy Volodymyr, một trong những người lính Ukraina cho biết, bảy thi thể đã nằm khu vực lân cận ngôi làng kể từ tháng 4 năm 2022.
Người Ukraina thỉnh thoảng thả máy bay không người lái bay qua ngôi làng khi nó bị chiếm đóng để bảo đảm phía Nga không di dời các thi thể.
Và vào thứ Tư, người Ukraina đã có cơ hội đưa về được những phần còn sót lại của người đã khuất. Volodymyr cho biết: “Họ chỉ còn là những bộ xương” và sẽ phải được xác định danh tính bằng DNA.
Người Ukraina cũng đang vùi lấp những thi thể đã phân hủy của lính Nga tử trận. Trong một ngôi nhà bỏ hoang, những người lính Nga đã cạo lên bức tường thạch cao tên quê nhà của họ: Vladikavkaz, một thành phố ở miền nam nước Nga và Primorye, một vùng trên bờ biển Thái Bình Dương, gần Nhật Bản.
New York Times đã có cuộc phỏng vấn với Maksim ngay tại chiến hào, binh sĩ này thu thập một số thứ gây tò mò do lính Nga để lại, bao gồm cả si-rô dâu được sản xuất ở Yakutia, một vùng ở phía bắc Siberia. Chỉ tay vào gói trà nhãn hiệu “Vì chiến thắng!” của Nga, Maksim nói về người chủ cũ của gói trà: “Anh ta đã không có thời gian để uống nó”.
Nói về tính chất qua lại của cuộc giao tranh, Maksim cho biết: “Chúng tôi đẩy lùi họ, họ đẩy lùi chúng tôi, cứ qua lại như thế,…” và anh cho biết thêm, quân Nga đã có rất nhiều thời gian để đào thêm chiến hào và dựng thêm công sự.
Ukraina tuyên bố đã nhận được bom chùm, ‘lính Nga rất sợ loại vũ khí này’
Tạ Linh
Binh sĩ Mỹ bốc dỡ bom chùm DPICM được bắn từ pháo 155mm. (Ảnh: AFP).
Ông Oleksandr Tarnavsky, chỉ huy Lực lượng Phòng vệ của Vùng Tavria của Ukraina, trong một bình luận với các nhà báo CNN hôm 13/7 đã cho biết, quân đội Ukraina đã nhận được bom chùm mà Washington đồng ý bàn giao cho nước này một tuần trước.
“Chúng tôi vừa nhận được chúng, nhưng chúng tôi chưa sử dụng chúng”, ông nói.
Theo ông Tarnavskyi, quân đội Nga rất sợ bom chùm, và hiểu rằng với loại vũ khí này “Lực lượng Phòng vệ Ukraina sẽ có lợi thế trên chiến trường”.
Ông nhấn mạnh rằng người Nga “không muốn đi đến những vùng lãnh thổ mà những quả đạn này theo giả thuyết có thể được sử dụng”.
Vị tướng này nói thêm rằng, chỉ có cấp lãnh đạo cao nhất mới quyết định chính xác địa điểm và khu vực nào của mặt trận có thể sử dụng bom chùm.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga: Ukraina tổn thất 26.000 binh sĩ trong cuộc phản công
Hội An
Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói Ukraina tổn thất 26.000 binh sĩ trong cuộc phản công (ảnh: Tass)
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Ukraina đã mất hơn 26.000 binh sĩ và khoảng 3.000 đơn vị vũ khí kể từ khi bắt đầu phản công hồi tháng 6.
Bộ trưởng Shoigu hôm 11/7 nói rằng, trong vòng hơn một tháng qua, quân đội Nga đã phá hủy 21 máy bay, 5 trực thăng, hơn 1.244 xe tăng và thiết giáp Ukraina, trong đó có 17 xe tăng Leopard 2 do Đức chế tạo, 12 xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ sản xuất, 5 xe tăng AMX-10 RC do Pháp chế tạo.
Hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ 176 tên lửa HIMARS, 27 tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow và 483 máy bay không người lái của lực lượng vũ trang Ukraina.
Ông Shoigu cho biết thêm, quân đội Nga tiếp tục tấn công lực lượng dự bị của đối phương và thiết bị do phương tây cung cấp bằng vũ khí có độ chính xác cao, do đó làm giảm tiềm năng tấn công của lực lượng vũ trang Ukraina.
Hàn-Mỹ-Nhật nhất trí phản ứng cứng rắn với hành động khiêu khích của Triều Tiên
Liên Thành
Tên lửa đạn đạo Triều Tiên rời bệ phóng. (Ảnh:KCNA).
Các phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày 12/7 đã có cuộc điện đàm sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa tầm xa ra biển, theo hãng tin Yonhap.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, trong cuộc điện đàm, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Kim Gunn cùng người đồng cấp Mỹ Sung Kim và người đồng cấp Nhật Bản Takehiro Funakoshi cho rằng động thái của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Ba bên cũng nhất trí phản ứng cứng rắn đối với các hành động họ cho là mang tính khiêu khích của Triều Tiên, dựa trên phòng thủ chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, cũng như hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. |
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol kêu gọi thiết lập một thế trận an ninh tập thể mạnh mẽ cùng với Nhật Bản, Australia và New Zealand, gọi là nhóm AP4, sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Tổng thống Yeol đưa ra kêu gọi trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo thuộc nhóm AP4 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang diễn ra ở Litva.
Ông cho rằng nhóm AP4 nên liên kết với NATO để thiết lập một thế trận an ninh tập thể mạnh mẽ góp phần bảo đảm an ninh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng bày tỏ hy vọng cùng 3 quốc gia khác trong AP4 phản ứng đối với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhấn mạnh Australia đứng về phía Hàn Quốc vào thời điểm này.
Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins lưu ý rằng các nhà lãnh đạo nhóm họp vào một thời điểm rất thách thức đối với thế giới, trong đó đề cập cuộc xung đột ở Ukraina.
Trước đó cùng ngày, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo phát hiện tên lửa được phóng từ một khu vực trong hoặc xung quanh Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào lúc 10h sáng.
Tên lửa đạn đạo này đã bay xa khoảng 1.000km trước khi rơi xuống biển.
Ông Biden nói Nga không thể thắng trong cuộc chiến Ukraina
Liên Thành
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP).
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/7 nói rằng, TT Nga Vladimir Putin “đã thua trong cuộc chiến” ở Ukraina, bởi chiến tranh kéo dài không mang lại lợi ích cho Matxcova.
“Nga không thể kéo dài chiến tranh nhiều năm. Tổng thống Vladimir Putin cuối cùng sẽ phải quyết định rằng kéo dài chiến tranh không mang lại lợi ích cho nước Nga”, ông Biden phát biểu trong cuộc họp báo ở Phần Lan sau cuộc hội đàm với các lãnh đạo Bắc Âu.
Theo Tổng thống Mỹ, ông Putin có thể quyết định chấm dứt chiến tranh “ngay trong ngày mai”, nhưng bất cứ thỏa thuận nào đều phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo Nga. Ông chủ Tòa Bạch Ốc nói thêm:
“Tuy nhiên, sẽ không có khả năng Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Ông Putin đã thua”
Ông Biden cũng cho rằng chiến dịch phản công của Ukraina hiện nay cuối cùng sẽ khiến Nga phải bước vào bàn đàm phán để kết thúc chiến sự. TT Biden nói thêm:
“Kỳ vọng của tôi là Ukraina đạt được tiến bộ đáng kể trong cuộc tấn công, đưa tới giải pháp đàm phán ở đâu đó dọc chiến tuyến”.
Theo ông Biden, Ukraina sẽ gia nhập NATO, vấn đề là khi nào thì họ có thể. TT Biden nhấn mạnh rằng: “Không nước nào có thể gia nhập liên minh khi một cuộc chiến đang diễn ra tại quốc gia đó, bởi sẽ dẫn tới Thế chiến III”.
Đề cập hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva vừa qua, ông nói rằng sự kiện “rất hiệu quả” và cam kết bảo vệ từng tấc lãnh thổ NATO, trong đó có Phần Lan. Người đứng đầu Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO “sẽ giúp thế giới trở nên an toàn hơn”.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 12/7 tuyên bố rằng xung đột Ukraina sẽ tiếp diễn cho đến khi phương Tây “từ bỏ kế hoạch duy trì vị thế thống trị và nỗi ám ảnh dùng con rối Ukraina để giáng đòn thất bại chiến lược với Nga”.
Tổng thư ký NATO cáo buộc ĐCSTQ là mối đe dọa đối với Đài Loan
Huyền Anh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, hôm 3/4/2023. (Ảnh: Kenzo Tribouillard/AFP/Getty Images)
Thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 11/7 đã chỉ trích ‘tham vọng rõ ràng và các chính sách cưỡng chế thách thức lợi ích, an ninh và giá trị của NATO’. Đồng thời, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng chỉ trích ĐCSTQ tại một cuộc họp báo vì đã đe dọa Đài Loan và tiến hành mở rộng quân sự đáng kể.
Năm ngoái, hội nghị thượng đỉnh NATO lần đầu tiên xác định Trung Quốc là một “thách thức mang tính hệ thống”. Năm nay, Trung Quốc cũng nhiều lần được nêu tên trong thông cáo của hội nghị thượng đỉnh.
Hôm 11/7, Hội nghị thượng đỉnh NATO đã đưa ra một thông cáo dài, trong đó đề cập đến các vấn đề Trung Quốc với những ngôn từ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Thông cáo chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đã sử dụng một loạt các biện pháp chính trị, kinh tế và quân sự để mở rộng dấu ấn trên toàn cầu và phô diễn sức mạnh, trong khi chiến lược và ý định của ĐCSTQ không rõ ràng.
Phát biểu tại một cuộc họp baso, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết: “Trung Quốc đang ngày càng thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, từ chối lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine, đe dọa Đài Loan và tiến hành mở rộng quân sự đáng kể”.
“Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO năm thứ hai liên tiếp, điều này cũng phản ánh lợi ích của NATO ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và những thách thức do khối này tập trung vào Trung Quốc”.
Ngày 13/7, Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ, trong nhiều tháng gần đây, Tổng thư ký Stoltenberg đã nhiều lần công khai phát biểu hoặc viết bài quan tâm đến tình hình tại biển Đài Loan, xem trọng vấn đề an ninh tại vùng biển này.
Vụ trưởng Vụ Châu Âu tại Bộ Ngoại giao là ông Diêu Kim Tường nói: “Trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh của NATO, ông ấy cũng đã nêu rõ rằng Trung Quốc đe dọa Đài Loan, lần nữa cho thấy sự quan tâm của Tổng thư ký NATO đối với vấn đền an ninh tại biển Đài Loan, là việc có ý nghĩa quan trọng”.
Là một thành viên dân chủ có trách nhiệm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đài Loan sẵn sàng hợp tác với các đối tác có cùng chí hướng như châu Âu và Hoa Kỳ để duy trì trật tự an ninh quốc tế dựa trên luật lệ, đồng thời cùng nhau chống lại sự ép buộc và thách thức của chế độ độc tài.
Đảng Dân Tiến: các đảng đối lập không nên hợp tác mù quáng với Bắc Kinh
Thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay đề cập đến Trung Quốc ở nhiều khía cạnh, trong đó chỉ ra rằng nước này đã sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để mở rộng dấu ấn của mình trên khắp thế giới, đồng thời chỉ trích nước này không chịu lên án Nga và liên tục đe dọa Đài Loan.
Đảng Dân Tiến của Đài Loan cho hay, sau khi NATO ban hành thông cáo, Đài Loan đã phát hiện tổng cộng 38 máy bay quân sự và 9 tàu chiến hiện diện trong không phận xung quanh Đài Loan. Điều này cho thấy ĐCSTQ hoàn toàn phớt lờ những lo ngại của các đồng minh NATO về hòa bình ở Eo biển Đài Loan.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc cũng tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra về rào cản thương mại đối với 2.600 sản phẩm tại Đài Loan, đồng thời yêu cầu các nhà nhập khẩu, hiệp hội doanh nghiệp và các bên liên quan khác của Đài Loan tham gia vào cuộc điều tra, gây ra hiệu ứng lo ngại cho các doanh nhân Đài Loan.
Đảng Dân Tiến cho biết, các hành động của Trung Quốc không có lợi cho hòa bình ở Eo biển Đài Loan và an ninh khu vực, đồng thời sẽ có tác động tiêu cực hơn nữa đến hình ảnh của nước này trên trường quốc tế. Do đó, Đài Bắc kêu gọi chính phủ ở Bắc Kinh thay đổi hướng đi và quay trở lại quỹ đạo bình thường của trật tự quốc tế.
Đảng Dân Tiến cũng nhắc nhở rằng trong bối cảnh NATO cáo buộc Trung Quốc mở rộng đe dọa quân sự đối với Đài Loan và cả thế giới phản đối mối đe dọa của Trung Quốc, thì Quốc dân Đảng và Đảng Nhân dân nên duy trì nguyên tắc cạnh tranh nội bộ giữa các đảng phái chính trị và đoàn kết bên ngoài, phối hợp với chính phủ và cộng đồng quốc tế, bảo đảm ổn định trật tự khu vực và quốc tế.
Theo đảng này, bất kỳ ai ủng hộ mặt trận thống nhất của chính quyền Bắc Kinh, nhắc lại việc khóa chặt Đài Loan vào thị trường một Trung Quốc, và gây tổn hại cho nền kinh tế Đài Loan trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và hàng hóa xuyên Eo biển thì không nên hợp tác với sáng kiến này.
Đảng Dân Tiến tuyên bố rằng Quốc Dân Đảng và Đảng Nhân dân phải hiểu sâu sắc rằng cộng đồng quốc tế đang nâng cao cảnh giác trước các tham vọng chiến lược và mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan. Nếu đảng đối lập hợp tác một cách mù quáng với các hành động của mặt trận thống nhất của ĐCSTQ, thì điều đó sẽ chỉ gửi một thông điệp sai đến cộng đồng quốc tế và gây tổn hại đến hòa bình và ổn định của Đài Loan cũng như lợi ích an ninh của các đồng minh dân chủ.
Hàn Quốc cảnh báo NATO: Triều Tiên có thể tấn công hạt nhân Paris, Berlin và London
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm thứ Tư (12/7) đã chủ trì một cuộc họp của các đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương của NATO bên lề hội nghị thượng đỉnh thường niên của liên minh quân sự này tại Vilnius, Litva. Chủ đề của cuộc họp đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương của NATO tập trung vào đấu tranh với mối đe dọa từ Triều Tiên cộng sản, khác với ưu tiên cơ bản của các thành viên NATO là bàn về vấn đề Ukraine. Thông qua cuộc họp, Tổng thống Hàn Quốc cảnh báo NATO rằng: Triều Tiên có thể tấn công hạt nhân Paris, Berlin và London.
Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand không phải là các thành viên chính thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng bốn nước này được hưởng đặc quyền là “các đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Đây là năm thứ hai liên tiếp, bốn quốc gia kể trên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO để thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác quân sự và thảo luận về việc tăng cường an ninh toàn cầu. Đặc biệt, Hàn Quốc hôm thứ Ba (11/7) đã ký một thỏa thuận riêng rẽ với NATO để mở rộng hợp tác trong 11 lĩnh vực khác nhau. Thỏa thuận được gắn nhãn Chương trình Đối tác Phù hợp Cá thể (ITPP) này cho phép thông tin liên lạc và các hoạt động quân sự chung lớn hơn để đấu tranh với khủng bố trên mạng và các mối đe dọa hiện đại khác.
Hai vấn đề chính mà các thành viên NATO thảo luận tại hội nghị năm nay tại Vilnius, Litva là Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này và con đường tiềm tàng cho Ukraine trở thành thành viên chính thức. Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển ít gây tranh cãi hơn, chỉ đối mặt với sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ và khúc mắc này cũng đã được tháo gỡ khi ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh năm nay Tổng thống Erdogan đã bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO. Trong khi, Ukraine đã tìm cách trở thành thành viên NATO nhiều năm qua nhưng không có kết quả. Tuyên bố chung NATO 2023 khẳng định tương lai của Ukraine là trong NATO, nhưng không đưa ra lịch trình thời gian để Kyiv gia nhập liên minh.
Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đã nói rõ trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay là những quan ngại an ninh chính của họ là về Triều Tiên cộng sản và đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc. Hai nước này cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 12/2022 đã kêu gọi “tăng theo cấp số nhân kho vũ khí hạt nhân”, trong khi Trung Quốc cũng đã đang gia tăng các hoạt động hiếu chiến chống lại các quốc gia láng giềng trong suốt thập kỷ qua. Sự có mặt của ông Yoon cùng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, cả hai đều là những chính trị gia cánh hữu bảo thủ, tại thượng đỉnh NATO đã thúc đẩy sự giận dữ và phẫn nộ tại Bắc Kinh.
“Một động thái thiển cận như vậy chắc chắn sẽ kích hoạt sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc và dẫn tới sự cảnh giác cao của các quốc gia trong khu vực!” Hoàn cầu Thời báo – cơ quan tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc cộng sản tuyên bố tuần trước về sự xuất hiện của ông Yoon và ông Kishida tại thượng đỉnh NATO.
Không nao núng vì Triều Tiên không phải là chủ đề chính tại NATO, ông Yoon đã hướng sự tập trung của cuộc gặp bên lề giữa ông và ông Kishida, cùng Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins vào Triều Tiên, chứ không phải Ukraine. Ông Yoon tuyên bố rằng Triều Tiên có tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và vũ khí hạt nhân là mối đe dọa với châu Âu như với Đông Á. Triều Tiên đã phóng thử tên lửa ICBM ra vùng biển ngoài khơi đảo Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản vào sáng thứ Tư (12/7), một động thái được cho là để bày tỏ phản đối cuộc thảo luận về Bình Nhưỡng tại thượng đỉnh NATO.
“Tên lửa hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa thực sự và có thể phóng tới không chỉ Vilnius mà tới cả Paris, Berlin và London”, ông Yoon nói trong cuộc họp hôm 12/7. “Chúng ta phải đoàn kết mạnh mẽ hơn và lên án, đáp trả bằng cùng một tiếng nói”.
“Trong kỷ nguyên siêu kết nối ngày nay, chúng ta không thể tách rời an ninh châu Âu khỏi an ninh châu Á”, ông Yoon khẳng định. “Chúng tôi cũng sẽ mở rộng thông tin quân sự chia sẽ với NATO”.
Ông Yoon cũng đề cập qua tới Ukraine khi nói “Hàn Quốc và tôi hứa sẽ sát cánh cùng người dân Ukraine cho đến ngày họ giành lại được tự do hoàn toàn”. Tuy nhiên, tuyên bố chung của bốn quốc gia đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương của NATO chỉ tập trung chủ yếu vào Triều Tiên.
“Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand mạnh mẽ lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên hôm nay. Đây là một ví dụ khác về cách Triều Tiên tiếp tục vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của Bán đảo Triều Tiên, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, cũng như cộng đồng quốc tế”, tuyên bố chung của bốn quốc gia đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương của NATO nêu rõ.
“Bốn quốc gia cực lực phản đối hành vi khiêu khích vô luật của Triều Tiên và kêu gọi nước này hãy tuân thủ hoàn toàn tất cả nghĩa vụ theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi sẽ cùng làm việc với Liên Hiệp Quốc và các thành viên của cộng đồng quốc tế này để đảm bảo chắc chắn rằng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong đó áp đặt các chế tài lên Triều Tiên phải được thực thi hiệu quả”, tuyên bố chung tiếp tục.
Ông Yoon lên cầm quyền tại Hàn Quốc từ năm ngoái đã đang ưu tiên củng cố lập trường chống Triều Tiên sau khi người tiền nhiệm Moon Jae-in tập trung vào đối thoại và hợp tác với Bình Nhưỡng. Ông Moon, chính trị gia cánh tả cấp tiến, đã thăm Triều Tiên nhiều lần và đã thiết lập một “văn phòng liên lạc” cho đối thoại song phương vào năm 2018. Triều Tiên đã cho nổ văn phòng này vào năm 2020.
Hành động hung hăng của Bình Nhưỡng gia tăng trong suốt nhiệm kỳ của ông Moon đã đang làm gia tăng mong muốn của công chúng Hàn Quốc về việc nước này cần có một chương trình vũ khí hạt nhân độc lập. Nhiều cuộc thăm dò dân ý được thực hiện năm nay cho thấy rằng khoảng 70% người dân Hàn Quốc ủng hộ đất nước tự phát triển vũ khí hạt nhân thay vì phụ thuộc vào ô hạt nhân của Mỹ.
“Hàn Quốc có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc tự sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Yoon nói hồi tháng Một, cảnh báo Washington. “Với khả năng công nghệ và khoa học của mình, chúng tôi sẽ không mất nhiều thời gian để có vũ khí hạt nhân”, ông Yoon khẳng định.
Thị trưởng Seoul, Oh Se-hoon viện dẫn cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine là chất xúc tác thêm vào tâm lý chung tại Hàn Quốc rằng không có vũ khí hạt nhân sẽ đặt một đất nước vào thế mở cho tấn công.
“Triều Tiên đã đang gần thành công trong việc tối thiểu hóa và làm nhẹ vũ khí hạt nhân và đảm bảo có được ít nhất hơn 10 đầu đạn hạt nhân”, ông Oh nói với Reuters hồi tháng Ba. “Chúng ta đã đang đi đến một điểm mà khó thuyết phục mọi người với logic rằng chúng ta nên kiềm chế phát triển vũ khí hạt nhân và bám cứng vào tiến trình phi hạt nhân hóa”.
“Có thể sẽ có một số phản đối ban đầu từ cộng đồng quốc tế, nhưng tôi tin rằng sau cùng [chủ trương tự phát triển vũ khí hạt nhân của chúng tôi] sẽ giành được nhiều sự ủng hộ hơn”, ông Oh nói thêm.
Tổng thống Yoon đã thăm Mỹ vào tháng Tư. Trong bối cảnh đối thoại tăng cao về khả năng hạt nhân của Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý đồn trú một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ tại Hàn Quốc, tăng thêm tính răn đe hạt nhân, đồng thời làm tức giận Triều Tiên. Tàu ngầm USS Michigan đã cập cảng Busan, miền nam Hàn Quốc vào tháng Sáu.
Hôm thứ Hai (9/7), Bộ Quốc phòng Triều Tiên đã đe dọa sẽ bắn rụng các máy bay của Không lực Mỹ để đáp trả “những hành vi khiêu khích” của Mỹ và Hàn Quốc.
Một tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Triều Tiên khẳng định: “Không có gì đảm bảo rằng một sự kiện gây sốc như bắn rơi máy bay do thám chiến lược của Không lực Mỹ sẽ không xảy ra tại vùng biển phía đông của Triều Tiên”.
Hải Đăng (Theo Breitbart News)
Tướng Mỹ : Washington và đồng minh cần tăng tốc giao vũ khí cho Đài Loan
Thu Hằng /RFI
14/7/2023
Mỹ tôn trọng « nguyên trạng » của Đài Loan nhưng vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho hòn đảo. Ngày 14/07/2023, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, cho rằng Washington và các đồng minh cần tăng tốc giao vũ khí cho Đài Bắc trong những năm tới để « giúp Đài Loan cải thiện khả năng phòng thủ ».
Tướng Mark A.Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ trong cuộc họp báo tại Bruxelles, Bỉ, ngày 15/06/2023. REUTERS – YVES HERMAN
Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Tokyo (Nhật Bản), tướng Mark Milley nhấn mạnh, Đài Loan cần các loại vũ khí như hệ thống phòng không và chống hạm. Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan nhưng từ năm 2022, chính quyền Đài Bắc phàn nàn Washington chậm giao vũ khí, như các hệ thống phòng không Stinger.
Đài Loan đã tăng ngân sách quốc phòng năm 2023 tập trung vào việc chuẩn bị vũ khí, trang thiết bị để đối phó với nguy cơ bị « phong tỏa hoàn toàn » như Trung Quốc từng làm nhằm đáp trả chuyến thăm Đài Bắc của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi.
Trong tuần này, Trung Quốc cũng thị uy sức mạnh, tổ chức các cuộc tập trận liên quân ngoài khơi hòn đảo trong bối cảnh Đài Loan chuẩn bị cuộc tập trận Hán Quang (Han Kuang) hàng năm vào cuối tháng 07 tập trung vào việc bảo vệ sân bay chính và các tuyến hàng hải trong trường hợp bị Trung Quốc bao vây.
Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, được Reuters trích dẫn, từ ngày 11/07, Trung Quốc đã triển khai vài chục chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và nhiều loại máy bay khác, cũng như drone trên khu vực phía nam Đài Loan. Nhiều máy bay đã vượt qua eo biển Ba Sĩ (Bashi) nằm giữa Đài Loan và Philippines hoặc đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, áp sát khu vực 24 hải lý của Đài Loan. Ngày 13/07, khi được hỏi về cuộc tập trận, bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định « dân tộc Trung Quốc không bao giờ giảm quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ».
Ngày 13/07, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc cam kết không gây hấn ở Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Đài Loan. Lời kêu gọi được đưa ra trước cuộc họp của Diễn đàn An ninh Khu vực tại Jakarta, Indonesia.
Tags: Biển Đông, Hoa kỳ, Nga, tin tức thế giới, Ukraine