Gordon Chang: Ông Tập gặp ông Kissinger cho thấy dấu hiệu tuyệt vọng
Theo Từ Giản, Epoch Times – 21/7/2023
Ông Tập Cận Bình tiếp ông Henry Kissinger tại Bắc Kinh 8/11/2018. (Nguồn: Thomas Peter – Pool/Getty Images)
Hôm thứ Năm (20/7), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đang thăm Trung Quốc. Ông Tập gọi ông Kissinger là “bạn cũ” và hy vọng ông có thể giúp “bình thường hóa” quan hệ Mỹ – Trung. Phân tích chỉ ra, đây là một động thái tuyệt vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trước tình thế bị bỏ rơi trên trường quốc tế.
Tháng 7/1971, ông Kissinger trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ đến thăm Trung Quốc cộng sản. Ông mở đường cho chuyến đi “phá băng” với cuộc gặp bí mật giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, kể từ đó ông Kissinger đã đến thăm Trung Quốc hơn 100 lần.
Hiện nay mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xấu đi rõ rệt.
Ông Tập Cận Bình nói với ông Kissinger rằng ông sẽ không “quên những người bạn cũ” và “Trung Quốc và Mỹ một lần nữa đứng trước ngã tư đường, hai bên cần phải đưa ra lựa chọn một lần nữa”. Ông thúc giục ông Kissinger và một số người Mỹ “tiếp tục phát huy tác dụng mang tính xây dựng, để đưa quan hệ Trung – Mỹ trở lại đúng hướng”.
Ông Gordon Chang, chuyên gia về Trung Quốc và là tác giả của cuốn sách “Trung Quốc sắp sụp đổ”, nói với Fox News rằng ĐCSTQ đang cố gắng làm vực dậy ý tưởng về quan hệ Trung – Mỹ bằng cuộc gặp với ông Kissinger.
Ông Gordon Chang nói: “Việc tiếp xúc với ông Kissinger thực sự là một dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của ĐCSTQ”. Ảnh hưởng của ông Kissinger đã bị “suy yếu” và khả năng ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của Mỹ của ông ấy đã “giảm đáng kể”.
Ông Gordon Chang phân tích: “Điều này không có nghĩa là ông ấy (Kissinger) không có chút ảnh hưởng nào, mà là ông ấy chắc chắn không còn ảnh hưởng lớn như trước.”
Trước khi gặp ông Tập Cận Bình, ông Kissinger đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu của ĐCSTQ Vương Nghị, và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Ông Vương Nghị hết sức nhiệt tình với ông Kissinger, ca ngợi ông đã đóng một “vai trò không thể thay thế” trong việc tiếp tục phát triển mối quan hệ giữa hai nước [Trung – Mỹ].
Ông Gordon Chang cho biết, “Tôi không thấy bất kỳ kết quả tích cực nào”, “[Nếu muốn] ông Kissinger phát huy sức ảnh hưởng, thì bản thân Trung Quốc (ĐCSTQ) cần phải có hành động tích cực, trước khi họ sẵn sàng làm như thế, tôi cho rằng ông Kissinger sẽ không khởi tác dụng quá lớn.”
Ông Vương Nghị đã dùng cuộc gặp với ông Kissinger để nhấn mạnh rằng Mỹ phải ngừng việc sử dụng các chính sách thương mại và công nghệ để cố gắng thay đổi, bao vây, kiềm chế hoặc sửa đổi ĐCSTQ. Theo phân tích của ông Gordon Chang, điều này có nghĩa là ĐCSTQ “lo lắng sâu sắc” về lệnh trừng phạt thương mại và công nghệ của Mỹ (đối với Trung Quốc).
“Nếu bạn nhìn vào các động thái trong khu vực, thì sẽ phát hiện không chỉ Mỹ, mà cả Philippines, Nhật Bản, Đài Loan, Úc – tất cả các quốc gia này đều đi đến cùng một kết luận – Trung Quốc (ĐCSTQ) rất nguy hiểm.”
“Tất cả họ đều đang đi theo cùng một hướng và Trung Quốc (ĐCSTQ) lo ngại về điều đó,” ông Gordon Chang nói.
Bloomberg dẫn lời nhà nghiên cứu George Magnus tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, nói rằng Bắc Kinh có thể coi ông Kissinger là “đặc phái viên”. Nhưng ông George Magnus cho rằng chuyến thăm của ông Kissinger khó có “tác động đáng kể nào đến quan hệ Mỹ – Trung” bởi ông Kissinger đến thăm với tư cách một công dân Mỹ bình thường.
Bỏ qua ông Kerry, gặp Kissinger; chuyên gia chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình đang muốn chia rẽ nước Mỹ
Thế giới bên ngoài cho rằng việc ông Tập Cận Bình bất ngờ gặp ông Kissinger cho thấy các nhà lãnh đạo ĐCSTQ từng đánh giá cao ông Kissinger.
Chuyến thăm không báo trước của ông Kissinger trùng với chuyến thăm cấp cao của Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry tới Trung Quốc, nhưng điều đáng chú ý là ông Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, không được hội kiến ông Tập Cận Bình.
Vài tuần trước, quan chức nội các Mỹ đã tiến hành một loạt chuyến thăm Trung Quốc, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Yellen, nhưng ông Blinken là quan chức Mỹ duy nhất được hội kiến với ông Tập Cận Bình.
Tháng trước, ông Tập đã gặp doanh nhân người Mỹ Bill Gates, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông với các doanh nhân phương Tây sau nhiều năm. Ông Tập gọi ông Gates là “người bạn cũ” và nhấn mạnh rằng ông là “người bạn Mỹ đầu tiên tôi gặp trong năm nay”.
Bloomberg News đưa tin, Phó giáo sư Alfred Wu tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng ông Tập Cận Bình đã nhân cơ hội gặp ông Kissinger để gửi tín hiệu ra thế giới bên ngoài một cách có mục đích.
Ông Alfred Wu nói: “Thông điệp rất rõ ràng: Ông Tập Cận Bình muốn gặp những người thân Cộng, những người sẵn sàng lên tiếng cho Trung Quốc. Đó là một chiến lược chia để trị.”
Ông Alfred Wu cho biết, ông Tập cũng có cuộc gặp bất ngờ với cựu Tổng thống Philippines Duterte tại Bắc Kinh hôm thứ Hai (ngày 17/7), đồng thời ca ngợi ông Duterte đã đưa ra “lựa chọn chiến lược” để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông.
Ông Alfred Wu nói thêm rằng cách sắp xếp chỗ ngồi khi ông Tập gặp ông Kissinger cũng là một dấu hiệu. Khi gặp ông Blinken vào tháng 6, ông Tập Cận Bình ngồi ở đầu phòng họp, ông Blinken và các thành viên ĐCSTQ ngồi ở hai bên quay mặt vào nhau. Nhưng trong cuộc gặp với ông Kissinger hôm Thứ Năm vừa qua, ông Tập Cận Bình và ông Kissinger “ngồi ngang hàng” bên bàn trà nhỏ, bầu không khí “hòa hợp” hơn.