David Sacks and Ivan Kanapathy * Cần Làm Gì Để Răn Đe Trung Quốc tại Eo Biển Đài Loan 


What It Will Take to Deter China in the Taiwan Strait

Washington Must Take Difficult Steps to Prevent Catastrophe

By David Sacks and Ivan Kanapathy 

https://www.foreignaffairs.com/china/what-it-will-take-deter-china-taiwan-strait

Đinh Tỵ dịch

15/6/2023

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2023/06/rtsa3vzr.jpg.webp?w=551&h=367

Để chặn đứng thảm họa, Washington cần vận dụng sách lược khác

Trong nửa thế kỷ qua, Eo Biển Đài Loan hưởng cảnh thái bình thịnh trị. Sở dĩ có cảnh biển êm sóng lặng này là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng trong sáng tạo ngoại giao, răn đe quân sự và thái độ tự kiềm chế giữa các bên liên quan gồm Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các yếu tố duy trì hòa bình trong các thập kỷ trước sẽ không bất biến. Các nguyên nhân gây bất ổn tại một trong những điểm nóng nhất thế giới ngày dần lộ rõ: bế tắc ngoại giao, chính sách răn đe đang xói mòn và thái độ liều lĩnh của Trung Quốc ngày càng tăng.

Bắc Kinh là nhân tố chính khiến an ninh bất ổn. Trung Quốc dưới triều đại Tập Cận Bình đã triển khai một chiến lược cưỡng ép nhất quán và leo thang chống Đài Loan. Mục tiêu của Tập là bình thường hóa các hành vi dọa dẫm đó đồng thời dịch chuyển dứt khoát cán cân quyền lực tại Eo Biển Đài Loan. Kịch bản lý tưởng của Tập, Đài Loan chấp thuận sự trỗi dậy của Trung Quốc và thoái trào của Mỹ như là điều tất yếu, từ đó ngộ ra: muốn an thân hưởng cảnh thịnh vượng thì phải gắn chặt vận mệnh với đại lục. Nếu thành công, một chiến lược như thế cho phép Trung Quốc thống nhất Đài Loan qua chính sách cưỡng ép mà không cần viện tới phương kế gây rủi ro qua hành động xâm lược hoặc phong tỏa bất ngờ. Nhưng thậm chí khi chiến lược cưỡng bách rốt cuộc thất bại, Bắc Kinh sẽ nhận ra mình đang ở vị thế tốt hơn để theo đuổi các mục tiêu thông qua sức mạnh quân sự.      

Nếu nhìn qua lăng kính đó, hành xử của Trung Quốc vừa mang tính phòng vệ lẫn cơ hội. Cuộc thăm dò dư luận tại Đài Loan gần đây cho thấy, cư dân trên đảo ngày càng xem mình mang bản sắc đặc thù người Đài Loan (khác hẳn người Trung Quốc) và tuyệt đại đa số không tán thành quan điểm về chung mái nhà đại lục. Người Đài Loan từng chứng kiến Trung Quốc hủy hoại nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” tại Hồng Kông ra sao nên ngày càng nghi ngờ dã tâm kẻ hung bạo và hết sức lo ngại về việc hòa nhập kinh tế sâu rộng hơn nữa mà Bắc Kinh giữ vai trò đầu tàu. Trung Quốc nhận định Đài Loan ngày càng thoát khỏi vòng kìm tỏa, có lẽ là vĩnh viễn, nên đã dùng mọi gian kế để ngăn chặn quỹ đạo đó.  

Việc Bắc Kinh hành xử hung hăng nhằm thay đổi hiện trạng khiến tình hình Eo Biển Đài Loan xáo trộn hơn. Hoa Kỳ cần hiểu rõ chính sách răn đe không còn tác dụng, và cần những toan tính khác để thuyết phục Tập sử dụng bạo lực sẽ là thảm họa. Khi làm thế sẽ khiến quan hệ với Bắc Kinh xấu thêm, qua cuộc chiến Ukraine, Mỹ cần rút ra các bài học trong việc nâng cao năng lực tác chiến Đài Loan và bán tín hiệu Washington có đầy đủ năng lực và quyết tâm can thiệp quân sự nhân danh Đài Loan. Không nghi ngờ gì nữa, những động thái đó, một số đó Hoa Kỳ cố tránh trong hàng thập kỷ qua, sẽ không dễ áp dụng. Tuy nhiên, kèn cựa càng kéo dài thì nguy hiểm càng chực chờ.

CHÍNH SÁCH BÊN MIỆNG HỐ CHIẾN TRANH CỦA BẮC KINH

Dưới thời Tập, Trung Quốc ưa phô diễn sức mạnh quân sự nhằm làm làm biến dạng các xung lực bên kia Eo Biển. Việc Bắc Kinh chú trọng vào quyền lực cứng khiến Đài Loan càng thêm cảnh giác và biến viễn cảnh thống nhất êm ả ngày càng xa vời, tăng rủi ro Trung Quốc sẽ động binh nếu nước này quyết tâm thống nhất bằng mọi giá.

Tuy nhiên, do nhận thức sự bất tương xứng về lợi ích, Bắc Kinh ngày càng trông cậy sức mạnh quân sự, chẳng kiêng dè ai vì nghĩ mình có thể thao túng đối thủ để giành lợi thế. Các lãnh đạo Trung Quốc trao cho Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (PLA) phạm vi quyền hạn rộng lớn, mục đích phô diễn các hoạt động quân sự khiêu khích bởi tính toán Đài Loan không dám manh động vì ngại rủi ro chực chờ và sợ bị quy là bên gây nên sự cố. Giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc cũng đang đặt cược, khi PLA có các hành động khiêu khích và khó đoán, khiến lực lượng vũ trang Mỹ có thể bị động hơn. Các cuộc chạm trán thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp giữa các chiến đấu cơ và các tàu chiến giữa Trung Quốc với Mỹ cộng với việc Bắc Kinh khước từ các cuộc thảo luận hành lang và nối lại các cuộc tiếp xúc quân sự cấp cao là các dấu hiệu chính của chiến lược “đứng trước miệng hố chiến tranh”, chiến lược nhằm thị uy Hoa Kỳ khiến Washington giảm đi các hoạt động quân sự tại các khu vực chiến lược gần Đài Loan mà Trung Quốc muốn thống trị. 

Bắc Kinh đã thực hiện một loạt động thái phô diễn sức mạnh cơ bắp nhằm thay đổi hiện trạng Eo Biển Đài Loan. Các cuộc xâm nhập đầu tiên nhằm bình thường hóa Vùng Nhận Dạng Phòng Không Đài Loan (ADIZ), không phận gần hòn đảo mà Đài Loan cố nhận diện và kiểm soát mọi chiến đấu cơ ra vào. Từ đó về sau số vụ vi phạm càng tăng dần: trong ba năm qua, hầu như ngày nào Trung Quốc cũng bận rộn khuấy đảo ADIZ. Những hành động đó ngày càng tinh vi và giờ đây gồm cả máy bay ném bom trang bị đầu đạn hạt nhân, chiến đấu cơ, các nền tảng chiến chiến chống tàu ngầm, máy bay không người lái và máy bay tiếp nguyên liệu trên không. Khi phát động các cuộc xâm nhập như thế, Trung Quốc nhắm đích rèn giũa năng lực phối hợp hành động, mài mòn sức mạnh quân đội Đài Loan, thu hẹp thời gian cảnh báo nếu nó chọn lựa khơi mào các hoạt động khiêu khích và che đậy một cuộc tấn công phủ đầu tiềm ẩn thông qua hành động phô diễn quân sự thường nhật.

Trung Quốc cũng đang xóa nhòa đường trung tâm thực tế ở Bán Đảo Đài Loan, vốn đóng vai trò là đường phân giới quan trọng phân định tự nhiên giữa quân đội Trung Quốc và Đài Loan. Các thập kỷ trước đó, cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc cùng tôn trọng đường trung tuyến này, chứng tỏ tính nhất quán cao bất chấp mối quan hệ bắt đầu xấu dần đi trong năm 2016. Tuy nhiên, sau chuyến viếng thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi diễn ra hồi tháng 8 năm ngoái, Bắc Kinh hung hăng phản bác đường phân tuyến đó đồng thời lần đầu tiên bác bỏ sự tồn tại của nó, khiến rủi ro xảy ra xung đột ngày mỗi lớn.

Hiện giờ, quân đội Trung Quốc có những động thái ngày càng nguy hiểm hơn. Tiến hành các cuộc thao diễn hải quân sát mép vùng tiếp giáp Đài Loan, cách đường cơ sở ven biển Đài Loan 24 hải lý. Hiện giờ, có từ 3 đến 8 tàu hải quân Trung Quốc hoạt động suốt ngày đêm tại mọi vùng biển nằm sát khu vực này. Sự hiện diện đó nhằm tăng hoạt động thu thập tình báo quân sự tối thiểu hoặc trạng thái sẵn sàng tác chiến của Trung Quốc, đã vén màn Đài Loan – và nói rộng ra, Hoa kỳ – không thể ngăn chặn tình hình an ninh Đài Loan ngày càng xói mòn.

Trung Quốc có lẽ sớm chuyển sang chiến thuật “chiến tranh pháp lý” hoặc lợi dụng kẻ hỡ luật pháp như là một công cụ vùng xám cho xung đột nhằm tăng nhiệt hơn nữa Bán Đảo Đài Loan. Chẳng hạn như, nước này có thể đơn phương tuyên bố kiểm soát các lãnh hải hoặc không phận Đài Loan, bởi lẽ, theo quan điểm Bắc Kinh, Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Mưu đồ này sẽ là một cái cớ khiến nước này có các hành động hiếu chiến hơn, chẳng hạn như, đưa tàu hoạt động sâu bên trong lãnh hải Đài Loan hoặc thậm chí cho chiến đấu cơ bay ngang qua đảo. Kế sách này buộc Đài Loan đứng trước hai lự chọn: phớt lờ các hành động xâm phạm chủ quyền trắng trợn của Bắc Kinh hoặc xả súng trước và dễ dàng bị dính bẫy. Trong kịch bản tiềm ẩn khác, Bắc Kinh có thể yêu cầu các tàu dân sự nhắm Đài Loan thẳng tiến để thu thập việc kiểm soát hải quan trên thực địa mà nước này có quyền hạn pháp lý về lãnh hải và không phận xung quanh lãnh thổ Đài Loan.

Trong khi Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược “bên miệng hố chiến tranh”, Hoa Kỳ lại ưu tiên việc thiết lập các kênh liên lạc vận động hành lang và tiếp xúc không hạn chế. Theo Bắc Kinh, việc Hoa Kỳ chú trọng giải quyết giảm thang là bằng chứng cho thấy chiến lược Trung Quốc đang phát huy tác dụng. Để tránh mắc bẫy, Washington nên thể hiện cho các đồng minh và đối tác mình đang cố quản lý cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung một cách có trách nhiệm và quở trách Bắc Kinh nếu nó không hành xử tương xứng. Nhưng thông qua việc bắn tín hiệu không muốn chọc giận Bắc Kinh, Hoa Kỳ khác nào trao cho con hổ Trung Quốc đôi cánh. Washington mong mỏi sự ổn định, Bắc Kinh lại tự tô vẽ mình là kẻ khó đoán định nhằm tạo không gian lấn át hơn nữa trên Bán Đảo Đài Loan. 

Ở chiều ngược lại, để hóa giải rủi ro xung đột, Washington cần không ngại thể hiện sẽ chơi tất tay với Trung Quốc. Tập đang xoay trục 180 độ tính chính danh chính trị, từ chính sách mang lại tăng trưởng kinh tế chuyển sang chính sách tự tôn chủ nghĩa dân tộc, khiến mối quan hệ Mỹ-Trung ngột ngạt hơn. Hoa Kỳ cần nhận thức rõ thách thức đó và phải đáp trả thái độ bất chấp rủi ro của Trung Quốc một cách tương xứng nhằm ngăn chặn cán cân quyền lực nghiêng hẳn về Trung Quốc với Đài Loan. Mỹ nên tuyên bố thẳng thừng với Tập, nếu hành động hung hăng, mục tiêu đưa Đài Loan về đất mẹ Trung Quốc sẽ phản tác dụng, hành động thống nhất bằng vũ lực sẽ trả giá đắt và rốt cuộc khiến các mục tiêu ưu tiên khác của Bắc Kinh bị phá sản.

HẬU THUẨN ĐÀI LOAN

Trong cuộc chiến Ukraine, chiến lược răn đe cho Đài Loan và Mỹ các bài học quý giá. Như người Ukraine đã thể hiện, chống trả một kẻ thù hùng mạnh hơn đòi hỏi phải huy động sức mạnh toàn dân. Về phía Đài Loan, tầm quan trọng của tinh thần kháng cự và quật cường chưa được chứng thực. Từ rất lâu trước đây, Đài Bắc chỉ chú trọng lực lượng tác chiến tại ngũ, vốn không tới 200 ngàn quân, trong khi không mấy để tâm con số 23 triệu dân chúng tiềm năng chống Trung Quốc xâm lăng. Đài Bắc đã từng bước khắc phục thiếu sót này, qua việc tăng thời gian phục vụ quân ngũ bắt buộc từ 4 tháng lên 1 năm, mở rộng lực lượng dự bị, và bắt đầu củng cố cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc. Xã hội dân sự cũng nhảy vào cuộc, các tổ chức quần chúng đảm trách việc đào tạo công tác chuẩn bị và sơ cứu một khi chiến sự nổ ra. Nhưng Đài Loan đang vướng những lỗ hổng chết người. Lãnh thổ này trông cậy nhập khẩu về năng lượng, cung ứng thực phẩm, thiết bị y tế đồng thời mạng lưới kết nối của nước này với thế giới bên ngoài được thông qua với vỏn vẹn 15 cáp quang Internet dưới biển. Thiếu hụt đạn dược phục vụ nhu cầu chiến tranh, và không như Ukraine, việc hỗ trợ đạn dược trong suốt cuộc chiến gần như là nhiệm vụ bất khả thi cho Đài Loan.

Hoa Kỳ nên thực hiện việc phối hợp nghiên cứu đạn dược với Đài Loan, tăng năng lực cung ứng vũ khí trong thời chiến, dự trữ các loại hàng hóa thiết yếu, bảo quản năng lượng và cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc. Họ nên khắc phục các lỗ hổng nhạy cảm và tạo một bản đồ hành trình để giải quyết vấn đề này. Để trụ vững trước một cuộc xâm lược hoặc phong tỏa của Trung Quốc thì nên giải quyết vấn đề gì, cố kéo dài thời gian cầm cự lâu nhất có thể đồng thời bảo đảm các kế hoạch phối hợp hành động phải phù hợp với thực tiễn.

Cuộc chiến ở Ukraine mang đến những bài học quý giá về các loại vũ khí nào sẽ phát huy hiệu quả nhất, một khi chiến sự Đài Loan nổ ra. Hiện thời Đài Loan đang chứng kiến tính hiệu quả của các nền tảng nhỏ hơn, rẻ hơn, sẽ cần phát triển và trang bị các loại máy bay không người lái mạnh mẽ, các tên lửa phòng không và các tên lửa chống tàu cơ động. Chiếu theo tốc độ chiến tranh hiện đại và trên thực tế, Trung Quốc mưu toan xóa sổ cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc một khi nổ ra xung đột, Đài Loan cần phải phi tập trung hóa hệ thống chỉ huy và kiểm soát, tăng quyền các chỉ huy quân đội cấp thấp để các mệnh lệnh được thực thi một cách linh hoạt.    

Mỹ nên đào tạo quân đội Đài Loan một cách tham vọng và toàn diện, nếu không muốn nói là nhiều hơn cả việc Mỹ hỗ trợ lực lượng vũ trang Ukraine trong suốt giai đoạn năm 2014 đến 2022. Có nghĩa là, sẽ luân phiên mời các đơn vị quân đội Đài Loan sang các cơ sở huấn luyện Hoa Kỳ, thao diễn quân sự chung Mỹ-Đài, cử các viên chức chỉ huy Mỹ cao cấp tương đương hàm bộ trưởng sang thăm đảo. Dù hai hệ thống hỗ trợ sau cùng đã bàn ở trên rất quan trọng, Mỹ hầu như tránh áp dụng với Đài Loan trong hàng thập kỷ qua.      

So sánh với Ukraine thì hơi khập khiễng. Yễm trợ gián tiếp đã đủ ngăn quân đội Nga chiếm giữ nhiều lãnh thổ Ukraine, nhưng sẽ vô ích nếu Trung Quốc quyết tâm thôn tính Đài Loan. Thay vào thế, Mỹ phải thuyết phục giới lãnh đạo Bắc Kinh, rằng nước này luôn trong thế sẵn sàng và có thể can thiệp trực tiếp bảo vệ Đài Loan. Ngũ Giác Đài nên tuyên bố huỵt toẹt với PLA, sẵn sàng dùng mọi nguồn lực cần thiết trong cuộc so găng với Trung Quốc, bao gồm hệ thống chỉ huy và kiểm soát đàn hồi, máy bay ném bom tàng hình, tàu ngầm, tên lửa tầm xa và các hệ thống tự hành. Hoa Kỳ cần phải khẩn trương điều chỉnh cơ sở công nghiệp quốc phòng tụt hậu trong nước. Cụ thể là, trao phần thưởng hợp đồng dài hạn với các nhà thầu sản xuất đạn dược sẽ là yếu tố sống còn trong cuộc xung đột ở Đài Loan.

Washington cũng phải tăng cường đối trọng hơn nữa mạng lưới đồng minh mạnh mẽ của mình tại vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương, vốn Bắc Kinh đang chiếm ưu thế. Trung Quốc tự tin sẽ sớm cạnh tranh ngang ngửa sức mạnh quân sự Mỹ trong vùng, nhưng đương đầu với Úc, Nhật Bản cũng như các quốc gia tiềm tàng khác sẽ là vấn đề nan giải hơn. Do đó, nhằm chuẩn bị cho cuộc xung đột trên Eo Biển Đài Loan, Hoa Kỳ nên dành ưu tiên cũng cố mối quan hệ giữa các đồng minh, đặc biệt là liên minh Mỹ-Nhật, tạo lực đẩy và lên kế hoạch hành động và diễn tập quân sự chung.

CHÍNH SÁCH RĂN ĐE CỨNG RẮN

Một cuộc xung đột quy mô lớn tại Eo Biển Đài Loan sẽ không xảy ra tức thì hoặc tất yếu sẽ xảy ra. Mặc dù quân đội Trung Quốc được hiện đại hóa chóng vánh và chuẩn bị kỹ lưỡng cho xung đột với Đài Loan, tuy nhiên họ chưa sẵn sàng hoặc sẽ khiêu chiến với Mỹ. PLA đạt tới năng lực thôn tính Đài Loan bằng vũ lực cần phải mất nhiều năm nữa (giả dụ có sự can thiệp của Mỹ) và cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến Bắc Kinh thận trọng hơn trong ngắn hạn. Do đó, các cuộc diễn tập quân sự ngày càng hung hăng của Trung Quốc diễn ra sát sườn các tàu chiến và chiến đấu cơ của Mỹ và Đài Loan không nên được xem là một nỗ lực tạo nên cái cớ leo thang xung đột. Thay vào đó, chúng được thiết kế nhằm thiết lập một chuẩn tắc mới để quản lý các yêu sách về lãnh hải của Trung Quốc và yêu cầu quân đội Mỹ gác qua một bên các thông lệ chung toàn cầu về bên trong chuỗi đảo thứ nhất, trải dài từ Nhật Bản xuyên qua Đài Loan rồi chảy đến Philippine. Hoa Kỳ không nên bỏ qua thái độ trịch thượng đó và nên tiếp tục các hoạt động tuần tra phù hợp với luật pháp quốc tế.  

Để tăng cường hành động răn đe và nâng cao khả năng phòng thủ cho Đài Loan, Hoa Kỳ sẽ chấp nhận nhiều rủi ro hơn, tuy nhiên Washington nên tránh các động thái mang tính biểu tượng khiến các mục tiêu này xôi hỏng bỏng không. Giới chức cao cấp Mỹ nên thăm viếng Đài Loan với các lý do hợp tình hợp lý – nhưng các chuyến thăm đó nên xem là ngoại lệ thay về quy tắc. Khoác chiếc áo mới văn phòng Đài Loan tại Hoa Kỳ, một đạo luật được đề trình và được thông qua tại Quốc Hội hồi tháng 5, sẽ chẳng giúp ích gì cho Mỹ. Hệ lụy lớn nhất, trong khi một số người kêu gọi Mỹ đoạn tuyệt chính sách “một Trung Quốc”, hành động này khiến vụ việc leo thang thay vì giảm thang. Các nhà hoạch định chính sách Washington nên tuyên bố thẳng thừng Hoa Kỳ phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, kể cả Đài Loan.

Đây là một nghị trình đòi hỏi phối hợp nhịp nhàng. Tránh cuộc chiến Mỹ-Trung thì dễ, bảo vệ lợi ích của Mỹ đang lâm nguy tại Eo Biển Đài Loan sẽ khó khăn bội phần. Để thành công, đòi hỏi Hoa Kỳ, Đài Loan và các đối tác khác tiếp cận các động lực bên kia eo biển với thái độ nghiêm túc và tương tự thuyết phục Trung Quốc sẽ hành động như thế. Nếu thất bại, Đài Loan – đối tác mật thiết với Mỹ, nền kinh tế đóng vai trò trọng yếu trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và là nền dân chủ sôi động tọa lạc tại vị trí chiến lược tại Ấn Độ-Thái Bình Dương – sẽ bị Trung Quốc bắt chẹt. Khi Đài Loan và Trung Quốc tiếp tục chơi trò mèo vờn chuột, các chọn lựa của Bắc Kinh về trù tính thống nhất sẽ thu hẹp dần. Hoa Kỳ và các đối tác phải thuyết phục Trung Quốc hễ chút đe dọa binh đao không phải là một giải pháp.


VỀ CÁC TÁC GIẢ:

* DAVID SACKS là thành viên nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Ông điều phối Hội đồng Lực lượng Tác chiến Độc lập Quan hệ Đối ngoại cho Đài Loan, trong đó Michael Mullen và Susan Gordon giữ vị trí đồng chủ tịch. Tháng trước, lực lượng tác chiến cho công bố bài báo mang tựa: U.S.-Taiwan Relations in a New Era: Responding to a More Assertive China (Quan hệ Mỹ Đài trong kỷ nguyên mới: Phản ứng trước một Trung Quốc ngày một hung hăng hơn).

IVAN KANAPATHY là giáo sư trợ giảng tại đại học Georgetown, trước đó giữ vị trí Phó giám đốc cấp cao phụ trách Đông Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. 

https://nghiencuulichsu.com/2023/06/19

Comments are closed.