Biden bỏ qua Jakarta nhưng đi Hà Nội: vì đối phó Trung Quốc?
10/9/2023 – VOA Tiếng Việt
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris được Tổng thống Joko Widodo tiếp khi bà đến Jakarta dự Thượng đỉnh ASEAN
Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden không ghé Jakarta nhưng lại đến Hà Nội vì ông xem Việt Nam là đối tác quan trọng hơn Indonesia trong việc đối phó Trung Quốc, các nhà quan sát cho biết, nhưng đây ‘có thể là quyết định sai lầm’.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội vào ngày 10/9 sau khi bỏ qua hai cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng trong khu vực liền trước đó mà Jakarta tổ chức: Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á. Phó Tổng thống Kamala Harris đã dự các cuộc gặp thượng đỉnh đó thay cho ông Biden.
‘Việt Nam quan trọng’
“Khi Mỹ tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ với khu vực thì Việt Nam là một đối tác quan trọng,” thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với VOA trong cuộc họp báo hôm 5/9.
Indonesia hiện là nước chủ tịch ASEAN trong năm nay và là nước điều phối quan hệ Mỹ với ASEAN. Các nguồn tin ngoại giao nói với VOA với điều kiện giấu tên rằng Jakarta đã điều chỉnh lịch thượng đỉnh của ASEAN cho phù hợp với chuyến đi của ông Biden tới Ấn Độ để mong ông có thể tham dự. Thường thì các hội nghị thượng đỉnh của ASEAN diễn ra vào cuối năm.
Các quan chức Mỹ khẳng định quyết định không đi Jakarta ‘không phải là dấu hiệu thiếu tôn trọng Indonesia’.
“Tổng thống Biden thực sự đã ở Indonesia cách nay chưa đầy một năm để tham dự Thượng đỉnh G20 và đã có chương trình hoạt động song phương thực chất với Tổng thống Joko Widodo,” cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với VOA trong một cuộc họp báo mới đây.
Tuy nhiên, chuyến thăm của tổng thống Mỹ đến nước nào đó cho thấy giá trị chiến lược của nước đó trong mắt Washington và mức độ mà họ muốn nâng tầm quan hệ song phương.
Cả Việt Nam và Indonesia đều là những đối tác chính trong nỗ lực do Mỹ lãnh đạo để đẩy lùi Trung Quốc trong khu vực, vậy tại sao Biden lại chọn nước này mà không phải nước kia?
Trong khi Indonesia là đối tác chiến lược của Mỹ từ năm 2015, Hà Nội mới đây mới chịu nâng cấp quan hệ sau 10 năm quan hệ đối tác toàn diện.
Các nguồn tin ngoại giao giấu tên nói với VOA rằng để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp Biển Đông, Việt Nam sẵn sàng tiến thẳng tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để đưa Washington lên ngang hàng với Trung Quốc và Nga. Chuyến đi của ông Biden đến Hà Nội là để ký thỏa thuận nâng cấp này.
Bà Harris đã đề nghị nâng cấp quan hệ khi bà đến Hà Nội hồi tháng 8 năm 2021, nhưng lúc đó Việt Nam đã trù trừ, chủ yếu là do lo Trung Quốc có thể phản ứng.
Nhưng khi Bắc Kinh ngày càng quả quyết hơn trên Biển Đông, Hà Nội phải đa dạng hóa quan hệ ngoại giao và củng cố năng lực của mình.
“Họ [Hà Nội] muốn nâng cấp quan hệ vì họ muốn Trung Quốc biết rằng họ không đơn độc,” Tổng thống Biden tiết lộ trong một buổi vận động tranh cử hồi đầu tháng này.
Indonesisa chọn Trung Quốc?
Về mặt hiến pháp, Indonesia bị ràng buộc với chính sách đối ngoại ‘độc lập và chủ động’ mà theo đó Jakarta tìm cách có vai trò trong các vấn đề khu vực nhưng tránh sự cạnh tranh giữa các siêu cường. Nhưng theo công thức ‘4 ưu tiên + 1’ của Jakarta cho giai đoạn 2019-2024, nước này xem ‘ngoại giao kinh tế’ là quan trọng hơn tất cả các mục tiêu khác trong chính sách đối ngoại.
Do đó, ông Widodo thực dụng trong việc tìm đến Bắc Kinh và đang mời gọi Trung Quốc đầu tư nhiều hơn, Yeremia Lalisang, giảng viên chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Indonesia, cho biết.
“Điều này khiến Jakarta trả giá bằng mối quan hệ gần gũi lâu nay với Mỹ,” ông nói với VOA.
Khu vực đông nam Á nhìn chung ngày càng muốn gắn kết với Washington hơn là Bắc Kinh, theo cuộc khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện ISEAS-Yusof Ishak. Tuy nhiên, Indonesia là một trong những ngoại lệ, cùng với Malaysia và Brunei.
Khi buộc phải chọn, nhiều người Indonesia tin rằng ASEAN nên chọn Bắc Kinh thay vì Washington. Tỷ lệ người Indonesia chọn Mỹ đã giảm từ 64,3% vào năm 2021 xuống còn 46,3% vào năm 2023, trong khi những người chọn Trung Quốc tăng từ 35,7% lên 53,7%.
‘Bài tập lớn nhất’ đối với chính phủ Widodo là tìm kiếm sự cân bằng giữa các siêu cường, Rangga Aditya Elias, lãnh đạo phòng quan hệ quốc tế tại Đại học Binus của Indonesia, cho biết.
“Nếu không, Jakarta ở mức độ nào đó sẽ trở thành đối tác hạng hai so với Việt Nam,” ông nói với VOA.
Một lý do nữa để ông Biden quyết định không dự các cuộc họp với ASEAN là dưới nhiệm kỳ chủ tịch của Jakarta, khối này không có nhiều bước tiến trong hai hồ sơ an ninh quan trọng – sự đàn áp nhân quyền ở Myanmar của chính quyền quân sự và tranh chấp Biển Đông, ông Idil Syawfi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Parahyangan tại Đại học Công giáo Parahyangan, Indonesia, nói với VOA.
Trên cương vị chủ tịch, Indonesia tập trung vào tăng trưởng kinh tế và không quan tâm nhiều các vấn đề địa chính trị và an ninh, ông Syawfi nói. Vì vậy, đối với ông Biden, ông không có gì để thảo luận khi đến Indonesia.
Sai lầm?
Trao đổi với VOA qua email, bà Bích Trần, Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, và hiện là học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, viết rằng mặc dù có những thất vọng khi ông Biden không có mặt ở Jakarta, nhưng sự hiện diện của bà Kamala Harris cho thấy sự can dự liên tục của Mỹ với khu vực
“Bà Harris đã đến thăm một số nước ASEAN, do đó chuyến đi này sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ cá nhân của bà với các nhà lãnh đạo ASEAN,” bà Bích Trần cho biết.
Trong khi đó, đối với ông Biden, nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược toàn diện sẽ là thành tích lớn nhất trong chuyến công du của ông, cũng theo bà Bích Trần.
Trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu đông nam Á ISEAS – Yusof Ishak của Singapore, ông Willia Choong bà Sharon Sea, chuyên gia cao cấp của ISEAS cho rằng có một logic trong việc ông Biden đi Ấn Độ rồi đến Việt Nam.
Trong mắt người Mỹ, Ấn Độ có vai trò then chốt trong việc đối phó những thách thức từ Trung Quốc. Chính vì vậy mà những hành vi của Ấn Độ như không lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, giúp Nga bán lại khí đốt và liên kết với Trung Quốc và Nga trong khối BRICS – đã được Mỹ nhắm mắt làm ngơ.
Và cũng như Ấn Độ, Việt Nam nằm trên tuyến đầu trong nỗ lực của Mỹ đẩy lùi Trung Quốc.
Nhưng nếu xem xét những quan ngại ở Đông Nam Á về sự tham gia của Mỹ trong khu vực thì những lập luận về tại sao ông Biden bỏ qua Jakarta sẽ không còn đứng vững. Nó sẽ đánh tín hiệu đến Tổng thống Jokowi rằng Indonesia chỉ là không được Mỹ quan tâm, hai học giả Willia Choong và Sharon Sea nhận định.
Trên Washington Post, nhà báo Karishma Vaswani của Bloomberg đã có bài bình luận rằng việc ông Biden không đi Jakarta ‘là một sai lầm’.
“Đó là quyết định lạnh lùng, có tính toán để củng cố sự tập trung vào việc tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác riêng lẻ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và giờ là Việt Nam,” ông Michael Vatikiotis, tác giả của một số cuốn sách về châu Á, được nhà báo Vaswani dẫn lời nói. “Tất cả chỉ là làm cho Trung Quốc lo sợ – chọn từng nước một sẽ dễ dàng hơn, thay vì tham dự diễn đàn đa phương nơi Bắc Kinh cũng có mặt.”
Cách tiếp cận này là tâm huyết của ông Kurt Campbell, người quyết định các chính sách châu Á của ông Biden, Vaswani cho biết. Mục đích là tạo ra một mạng lưới xung quanh Trung Quốc – một chuỗi địa lý các nước được gắn kết cẩn thận mà tất cả đều coi Bắc Kinh là mối đe dọa chung.
Tuy nhiên, cho phép Trung Quốc tiếp tục ảnh hưởng ở Indonesia là sai lầm của chính quyền Biden, Vaswani lập luận. Thái độ nhập nhằng của Jakarta là điều dễ hiểu vì đây là nước lớn nhất đông nam Á với triển vọng cao.
“Rõ ràng các diễn đàn đa phương như ASEAN đã trở nên ít quan trọng hơn đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Mỹ coi chiến lược theo đuổi từng quốc gia trong khu vực là thành công và hiệu quả. Và nếu nỗ lực này là nhằm đẩy lùi vai trò của Trung Quốc ở châu Á thì việc tranh thủ được Việt Nam nâng cấp quan hệ sẽ hữu ích hơn nhiều so với việc dành thời gian một ngày ở Jakarta,” Vaswani viết.
Tuy nhiên, cách tính toán này có thể thiển cận. Mỹ sẽ bầu cử vào năm tới, vì vậy ông Biden cũng không thể có mặt tại các cuộc gặp Thượng đỉnh ASEAN ở Lào, nhà báo này giải thích. Khu vực này vẫn chưa quên việc ông Trump rút Mỹ khỏi các thỏa thuận thương mại và đặt Nước Mỹ trên hết’.
Mặc dù sau khi lên thay ông Trump, ông Biden đã thành công trong việc thuyết phục một số nước châu Á rằng nước Mỹ đã trở lại can dự vào khu vực, nhưng những người khác không thấy như vậy.