Chuyện Việt Nam ngày Thứ hai 06 tháng 11 năm 2023
Quê Hương tổng hợp
Các ông lớn Google, Facebook, Netflix… nộp thuế hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2023
06/11/2023
Logo của một số hãng công nghệ lớn bao gồm Google, Facebook, Twitter, Snapchat AFP
Các công ty công nghệ lớn nước ngoài như Google, Facebook, Netfilx… đã nộp thuế cho Việt Nam hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2023, theo thông báo của Tổng cục Thuế Việt Nam. Truyền thông Nhà nước loan tin hôm 5/11.
Số liệu này được trích đăng từ cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đến hết tháng 10. Tổng số có 74 đơn vị đăng ký thuế khai và nộp thuế qua cổng này. Tổng số thuế các công ty nước ngoài nộp qua cổng này từ năm 2022 đến nay là 11.498 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài thực hiện đăng ký nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử.
Kết quả thu ngân sách do thuế của Việt Nam tính đến hết tháng 10 đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô đạt 51.366 tỷ đồng.
Amazon ngừng cung cấp dịch vụ phim trực tuyến tại Việt Nam trong tháng 11
Logo của Amazon Prime Video tại một buổi lễ ra mắt ở Ấn Độ hồi năm 2022 (minh hoạ)
Reuters
Người xem video trực tuyến của Amazon ở Việt Nam trong tháng 11 sẽ không còn tiếp tục nhận được dịch vụ này theo thông báo mà hãng gửi ra cho người dùng qua đường email gần đây.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam cho biết, người dùng Prime Video tại Việt Nam đã nhận được thông báo về việc chấm dứt dịch vụ sau ngày 31/10. Ngoài ra, Amazon cũng thông báo rằng người dùng sử dụng tài khoản này cho Prime Gaming cũng sẽ không thể tiếp tục sử dụng.
Amazon hiện chưa đưa ra ra lời giải thích cụ thể nào về quyết định này. Tuy nhiên, có những ý kiến nhận định rằng việc Amazon ngừng dịch vụ tại Việt Nam là do hãng tuân thủ các quy định của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã yêu cầu các nhà mạng rà soát hoạt động hợp tác, cho thuê dịch vụ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới, trong đó có Amazon. Amazon và Hồ Nam (Công ty Hồ Nam Happy Sunshine Interactive Entertainment Media) đã thông báo sẽ không tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Hiện có sáu nhà cung cấp dịch vụ như vậy bị rà soát gồm Netflix, Apple, Amazon, Tencent, Iqiyi và Hồ Nam. Quy định của Việt Nam là các doanh nghiệp này phải có Giấy phép cung cấp dịch vụ.
Sau yêu cầu này, Amazon và Hồ Nam cho biết sẽ không tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam, trong khi Netflix mong muốn mở văn phòng, Iqiyi, Tencent và Apple cũng điều chỉnh hoạt động tại Việt Nam.
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Disney cũng ngừng cung cấp ba kênh truyền hình tại Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam.
Nguyễn Thông – Thành Bưởi và đấu tố kiểu “cải cách ruộng đất”
06/11/2023
Công an đến khám trụ sở Công ty Thành Bưởi ngày 26.10. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Điều cần khẳng định ngay từ đầu, Thành Bưởi là công ty tư nhân, một doanh nghiệp hàng đầu về giao thông, nhất là vận chuyển hành khách ở miền Nam trong vòng hơn hai chục năm trở lại đây. Nói không quá, Thành Bưởi là đại gia vận chuyển, nhiều công ty nhà nước (quốc doanh) về quy mô, hoạt động, sự phục vụ hành khách, việc đáp ứng nhu cầu của cuộc sống v.v… phải xách dép cho nó.
Hồi những năm thập niên 10 thế kỷ 21 này, khi Phương Trang, Thuận Thảo, Cúc Tùng, Cúc Tư… còn khiêm tốn, thậm chí chưa là gì, thì cái tên Thành Bưởi đã nổi như cồn. Những người thường xuyên đi lại tuyến Sài Gòn – Đà Lạt chắc có nhiều kỷ niệm khó quên với Thành Bưởi, bởi nếu không có nó thì những nhà xe lặt vặt cả công lẫn tư sẽ hành mình không biết đến bao giờ.
Khá nhiều tờ báo in có tòa soạn tại Sài Gòn, muốn phát hành sớm, tới tay bạn đọc kịp giờ ăn sáng, uống cà phê ở các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã được Thành Bưởi hợp đồng, giúp đỡ nhiệt tình vận chuyển. Chỉ có điều, sau khi báo đã đủ lông đủ cánh, in tại chỗ không cần lụy Thành Bưởi nữa, không xin được quảng cáo nữa, lúc “bạn Bưởi” bị nạn thì quay ngoắt, bới lông tìm vết, đánh Thành Bưởi tới tấp, chẳng hạn thống kê trong một tháng có bao nhiêu vụ chạy quá tốc độ.
Sống trả ơn mới khó, chứ vô ơn thì dễ lắm. Ông bạn tôi cười bảo, muốn được báo lờ đi, hoặc lên tiếng bảo vệ, cứ phải nuôi quảng cáo, nhất là trên báo tết, báo xuân.
Hôm qua 4.11, tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ, ông Xô phát ngôn bộ công an và ông thứ trưởng Nguyễn Đức Chi bộ Tài chính, người thì nói công ty Thành Bưởi có dấu hiệu trốn thuế, nặng nhất là “trả tiền cho người lao động nhiều hơn so với khai báo nộp thuế”, người thì hé lộ đã có nhiều tố giác tội phạm liên quan tới Thành Bưởi (cứ chung chung vậy thôi, còn tội gì thì có lẽ công an chưa thể công bố được). Quyền trong tay nhà chức trách, nói gì làm gì mà chả được, chỉ cần cứ đúng pháp luật.
Thành Bưởi là một doanh nghiệp, hoạt động theo pháp luật và nhu cầu của cuộc sống, phục vụ người dân theo thỏa thuận về dịch vụ, giá cả. Nó làm không tốt thì khách (dân chúng) sẽ tẩy chay nó, chẳng hạn vé đắt hơn, dịch vụ dở hơn hãng khác, thì ai mà thèm đi. Nó vi phạm pháp luật thì cứ chiếu theo pháp luật mà trừng trị những vụ việc, con người cụ thể. Tài xế xài bằng giả hoặc không có bằng, lãnh đạo cố tình dùng người không đúng theo quy định, có lỗi rõ ràng, gây ra hậu quả nghiêm trọng (chết người, thiệt hại vật chất…) thì cứ khởi tố, truy tố, xét xử, kết án. Không thể vơ đũa cả nắm, xử theo kiểu tước giấy phép, bắt ngưng hoạt động, đóng cửa một doanh nghiệp, dù là một ngày hay một tháng, nói chi ba tháng.
Các nhà chức việc, quan quyền, phát ngôn, các cơ quan báo chí ăn theo không phải không biết đằng sau những cái gọi là “vi phạm” ấy có cả nghìn người lao động chân chính sống nhờ vào công ăn việc làm ổn định ở Thành Bưởi (thậm chí được trả công cao hơn so với hợp đồng như chính ông thứ trưởng Chi kết luận). Rất nhiều gia đình, người thân của họ (cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái) trông chờ vào nguồn thu nhập từ Thành Bưởi, và không thể tính đếm được những người dân có nhu cầu đi lại trên những tuyến đường mà Thành Bưởi đã hoạt động, chuyên chở lâu nay. Tước giấy phép hoạt động của Thành Bưởi ba tháng, đâu chỉ liên quan tới một mình cái tên Thành Bưởi.
Thành Bưởi, nếu vi phạm pháp luật, thì cũng như nhiều doanh nghiệp sai phạm khác, như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Tân Hiệp Phát… đương sự nào phạm tội, cứ chiếu theo luật mà xử lý. Bắt giam Trịnh Văn Quyết không có nghĩa đòi phải đóng cửa FLC, Bamboo, truy diệt tới cùng doanh nghiệp, đẩy hàng nghìn hàng vạn lao công ra đường. Máy bay của Bamboo vẫn được bay, tại sao lại buộc mấy trăm chiếc xe khách hiện đại của Thành Bưởi trùm mền 3 tháng, trong khi người dân đi lại còn khó khăn vất vả. Cực kỳ lãng phí.
Và cũng nên biết rằng khi những chiếc xe khách của Thành Bưởi hoạt động, số lượng nhiều thêm, thì nhà sản xuất ô tô nội địa, như Trường Hải-Thaco (mà Thành Bưởi là khách hàng sộp) càng có đà phát triển. Ngồi xe, nằm xe Thành Bưởi mobihome, mới biết Thaco tầm cỡ đỉnh thế nào. Người Việt Nam dùng hàng xịn Việt Nam chính là đây chứ đâu. Rồi bao chuyên ngành, lĩnh vực, dịch vụ khác nữa cùng hoạt động và tồn tại trong mối liên kết sống còn, chứ đâu phải chỉ tác động riêng cái nhà xe “trốn thuế” và “bị tố cáo”.
Tôi chỉ là đứa dân thường, chả dám dạy khôn ai, chỉ khuyên rằng, làm điều gì, dù là thực thi pháp luật, hãy nghĩ đến dân. Trong vụ này, đó là người lao động ở Thành Bưởi, và nhất là hành khách cần đi xe. Tôi chả nợ một xu của Thành Bưởi, nhưng là người đã từng nhiều lần mua vé, đi xe của “nó”, được nó phục vụ, tôn trọng như mọi người, thấy bất bình thì nói thôi.
Chấn chỉnh Thành Bưởi là việc cần thiết, để không còn xảy ra những vụ tai nạn giao thông, những gian dối, vi phạm như vừa rồi. Và không chỉ hãng xe này, các hãng khác cũng cần bị “soi” vậy. Ai dám cam đoan các hãng xe khác không vi phạm, có khi chỉ chưa lộ ra thôi.
Đừng bắt dân mới được dễ thở một chút, lại phải quay trở về cuộc sống ngột ngạt như thời bao cấp; doanh nghiệp mới khấm khá một chút lại chịu cảnh tanh bành bởi điều này luật nọ.
Có quyền thì có luật, nói gì làm gì cũng bắt người khác phải theo. Thời cải cách ruộng đất thập niên 1950, mỗi lời của “đội”, của các ông Trường Chinh, Hồ Viết Thắng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương… không ai dám chê là sai, na ná như lời ông Xô, ông Chi hôm qua vậy. Chỉ có điều, đã hơn nửa thế kỷ rồi, các vị nay đừng dẫm vào vết đấu tố, gây bao nhiêu hệ lụy, bắt dân phải gánh chịu như thời man rợ nữa.
Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá nhôm đùn ép từ Việt Nam
06/11/2023
Sản phẩm từ nhôm (minh họa)
Báo Công Thương/Cục Phòng vệ Thương mại
Bộ Thương mại Hoa Kỳ vào ngày 24/10 chính thức khởi xướng việc điều tra chống bán phá giá với nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam. Bộ Công thương đưa tin này hôm 4/11.
Nguyên đơn là Liên minh nhôm, thép, giấy và lâm nghiệp, cao su, công nghiệp, năng lượng, liên đoàn lao động công nghiệp và dịch vụ Hoa Kỳ.
Phía nguyên đơn nêu tên khoảng 14 công ty Việt Nam, theo báo Công Thương.
Báo Công thương cho biết, theo nguyên đơn, căn cứ số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, trong năm 2022, Việt Nam chiếm khoảng 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia vào Hoa Kỳ, đứng thứ tư trong số các quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào Hoa Kỳ, sau Mexico, Colombia, Trung Quốc (chiếm tỷ lệ lần lượt là 12,9%, 10,2% và 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia vào Hoa Kỳ trong năm 2022).
Theo Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương, do Hoa Kỳ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là quốc gia thay thế do cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm (Indonesia nằm trong danh sách các nước thay thế mới nhất do DOC ban hành cho Việt Nam).
Việt Nam hiện đang cố gắng thuyết phục Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để tránh những bất lợi bao gồm các vụ kiện về chống trợ cấp, chống bán phá giá.
Tuy nhiên, một số chuyên gia được RFA phỏng vấn nhận định Việt Nam khó đạt chuẩn để được công nhận là nền kinh thế thị trường do tiền tệ chưa thể chuyển đổi tự do, người lao động không được thương lượng về mức lương với người sử dụng lao động, Chính phủ còn can quan thiệp quá sâu vào các hoạt động kinh tế.
Nguyên phó khoa Đại học Cảnh sát Nhân dân bị khởi tố vì mua dâm bé gái 15 tuổi
05/11/2023
Đại học Cảnh sát Nhân dân
Đại học Cảnh sát Nhân dân
Một nguyên Phó khoa thuộc Đại học Sảnh sát Nhân dân vừa bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc “Mua dâm người dưới 18 tuổi”. Truyền thông Nhà nước hôm 4/11 cho biết thông tin này từ nguồn tin của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an TPHCM).
Người bị bắt giam là ông P.V.H. (47 tuổi), ngụ tại TP. Thủ Đức. Ông này cũng bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân vào ngày 1/11. Trước khi bị bắt ông này mang cấp hàm thượng tá.
Theo truyền thông Nhà nước, ông P. thừa nhận đã có hành vi mua bán dâm với một bé gái 15 tuổi.
Báo Nhà nước cho biết vụ án vẫn đang được mở rộng điều tra.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, người bị kết tội mua dâm người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu án tù từ ba đến bảy năm; với các trường hợp phạm tội hai lần trở lên thì bị phạt tù từ bảy đến 15 năm. Ngoài ra còn có hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng.
Phú Thọ: Cựu phó giám đốc trung tâm xét nghiệm lĩnh án tù tám năm vì nhận hối lộ hai tỷ đồng từ Việt Á
05/11/2023
Ông Trần Gia Phú tại phiên toà
Tiền Phong
Một cựu phó giám đốc Trung tâm xét nghiệm ở tỉnh Phú Thọ vừa bị Toá án Nhân dân tỉnh này kết án tù tám năm về tội “Nhận hội lộ”. Truyền thông Nhà nước hôm 4/11 cho biết.
Người bị kết án là ông Trần Gia Phú (sinh năm 1977), là cựu Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm – Trưởng đơn vị vi sinh Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Ngoài án tù, ông Phú còn bị phạt bổ sung 40 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn hai năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.
Theo bản án sơ thẩm, trong năm 2020 – 2021, Trần Gia Phú được lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, giao nhiệm vụ lập dự trù, tìm kiếm nhà cung cấp kit test COVID-19. Ông Phú bị cáo buộc đã trao đổi, thoả thuận về “phần trăm” ngoài hợp đồng với nhân viên của Công ty Việt Á, và cung cấp thông tin của công ty này cho Sở Y tế Phú Thọ.
Sở Y tế Phú Thọ đã ký tám hợp đồng kinh tế mua các bộ xét nghiệm COVID-19 và vật tư tiêu hao của Công ty Việt Á theo hình thức chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách.
Ông Phú bị cơ quan tố tụng xác định đã hưởng lợi bất chính hơn 2,1 tỷ đồng từ Việt Á.
Vụ Công ty Việt Á chế tạo và bán các bộ xét nghiệm COVID-19 với giá cao và “lại quả” 800 tỷ đồng cho các đối tác được xác định là vụ án nghiêm trọng có liên quan đến nhiều các quan chức từ Chính phủ và ở địa phương.
Theo thông tin từ Ban Nội chính Trung ương, tính đến tháng 8 năm nay đã có 33 vụ án liên quan đến Việt Á bị khởi tố với hơn 111 bị can với sáu tội danh. Một số vụ đã được đưa ra xét xử ở địa phương.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang thúc đẩy tiến hành xét xử vụ án này trong năm nay.