Chuyện Việt Nam Thứ sáu 16/02/2024: Hàng trăm công nhân đình công đòi thưởng Tết tại Bình Dương *Giá xăng tăng gần 24.000 đồng một lít sau Tết *Kêu gọi không quên cuộc chiến chống TQ năm 1979 *Chết vì tai nạn giao thông tăng vọt dịp Tết 2024


Quê Hương tổng hợp


Bình Dương: Hàng trăm công nhân đình công đòi thưởng Tết

16/02/2024

Bình Dương: Hàng trăm công nhân đình công đòi thưởng Tết

Công nhân của Công ty TNHH Kiss Việt Nam Apparel tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đình công đòi tiền thưởng Tết 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngCông Thương 

Khoảng 350 công nhân của Công ty TNHH Kiss Việt Nam Apparel tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã tiến hành đình công trong hai ngày 15 và 16/2 để đòi công ty thanh toán tiền thưởng Tết như đã hứa.

Mạng xã hội và truyền thông Nhà nước vào ngày 16/2 đưa tin và hình ảnh về cuộc đình công của những công nhân này và cho biết họ từ chối vào làm việc để phản đối chủ doanh nghiệp không thực hiện lời hứa thưởng Tết.

Cụ thể, trước Tết, công nhân nhận được 1/2 lương thứ 13 và được hứa họ sẽ nhận 1/2 số tiền còn lại vào sau Tết.

Tuy nhiên, vào ngày đầu tiên đi làm là 15/2, công ty thông báo tiền lương tháng thứ 13 lần hai sẽ được chi trả cùng với lương tháng 2/2024 vào ngày 10/3/2024 và công ty sẽ không trả phần tiền này cho những người không đi làm đầy đủ, đi trễ, về sớm, nghỉ việc, vi phạm từ ngày 15/2/2024 đến hết 10/3/2024. Vì tiền thưởng là do công ty khuyến khích người lao động quay lại làm việc.

Theo báo Công Thương, sau thông báo này, vào chiều cùng ngày, khoảng 350/500 công nhân đã đình công, yêu cầu công ty thực hiện lời hứa.

Báo Người Lao Động cho biết công an đã được huy động để bảo đảm an ninh trật tự.

Đến chiều tối ngày 15/2, công nhân vẫn không chịu quay lại làm việc và công ty ra thông báo giải thích lý do doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng hóa không xuất đi được, tiến độ sản xuất của công ty chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiền hàng chưa thu về được…. Rất mong người lao động thông cảm và chia sẻ.

Tuy nhiên, công nhân không chấp nhận lý do được công ty đưa ra nên họ vẫn tiếp tục đình công vào ngày 16/2.


Giá xăng tăng lên gần 24.000 đồng một lít ngay sau Tết khi người dân quay lại làm việc

16/02/2024

Giá xăng tăng lên gần 24.000 đồng một lít ngay sau Tết khi người dân quay lại làm việc

Minh họa: Một nhân viên bơm xăng vào ô tô tại một trạm xăng ở Hà Nội, Việt Nam. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Liên bộ Công Thương – Tài Chính vừa điều chỉnh giá xăng vào chiều ngày 15/2/2024 lên mức 23.910 đồng/lít ngay vào ngày đầu tiên người dân quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Ngoài việc tăng giá xăng E5RON92 như vừa nói, liên bộ cũng điều chỉnh tăng giá một loạt các mặt hàng xăng dầu khác bao gồm: dầu diezel 0.05S tăng lên 21.360 đồng/lít, tăng thêm 660 đồng/lít; dầu hỏa tăng lên 21.220 đồng/lít, sau khi tăng 640 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S có giá 15.900 đồng/kg, sau khi tăng thêm 310 đồng/kg.

Cơ quan điều hành tiếp tục thực hiện việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng dầu mazut 180CST 3.5S, xăng E5RON92, xăng RON95-3, dầu diesel 0.05S và dầu hỏa.

Ngay trước Tết, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, theo thống kê của báo trong nước, kể từ đầu năm 2024, giá xăng dầu đã có tới năm lần tăng và hai lầm giảm.

Một số chuyên gia trong nước gần đây cho rằng việc giữ Quỹ bình ổn xăng dầu là không cần thiết và nhận định Việt Nam nên dùng thuế phí để điều tiết thị trường xăng dầu.

Việc thiết lập quỹ này được nói là để điều chỉnh giá phù hợp với túi tiền của người dân nhưng việc điều hành quỹ này thời gian qua đã phát sinh các tiêu cực, chưa đảm bảo được việc bình ổn giá xăng dầu như yêu cầu của người dân.

Bộ Công an thậm chí đã tiến hành khởi tố một số vụ án vi phạm pháp luật trong sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, gây thất thoát tài sản Nhà nước. 


Giới hoạt động kêu gọi chính phủ không lãng quên cuộc chiến chống Trung Quốc năm 1979

RFA
16/02/2024

Giới hoạt động kêu gọi chính phủ không lãng quên cuộc chiến chống Trung Quốc năm 1979

Giới hoạt động ở Hà Nội viếng Liệt sỹ chống Trung Quốc ở Nghĩa trang Vị Xuyên năm 2019 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFb Khang Pt 

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày Trung Quốc xua quân xâm lược sáu tỉnh biên giới phía Bắc (1979-2024), giới hoạt động kêu gọi Nhà nước Việt Nam hiện nay không im lặng về cuộc chiến tranh vệ quốc này.

Vào ngày 14/2, ba ngày trước ngày nổ ra cuộc chiến kéo dài hơn một thập niên, sáu tổ chức xã hội dân sự độc lập và hơn 20 nhân sỹ trí thức đã công bố “Tuyên bố 45 năm cuộc chiến tranh tự vệ chống xâm lược Trung Quốc (17/2/1979).”

Các tổ chức ký tên là Lập quyền dân, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Câu Lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, Câu Lạc bộ Phan Tây Hồ, Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, và Uỷ ban ĐT/CT CĐ Liên Châu.

Tuyên bố nhắc lại sự việc Trung Quốc đưa 60 vạn quân cùng nhiều trang thiết bị hiện đại để tấn công Việt Nam trong thời gian gần hai tháng và rút quân về nhưng vẫn bắn phá biên giới phía Bắc đến tận những năm cuối của thập niên 1980.

Tuyên bố cũng nhắc lại việc Trung Quốc xâm lược Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988 cũng như thường xuyên gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông trong nhiều năm gần đây.

Lịch sử 4.000 năm của Việt Nam đã được các thế hệ cha ông luôn luôn răn dạy con cháu. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ âm mưu thôn tính Việt Nam, biến nước ta thành nô lệ. Cuộc xâm lược ngày 17/2/1979 là cuộc xâm lược thứ 18 của Trung Quốc với Việt Nam,” tuyên bố nói.

Tuyên bố khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia cộng sản, tuy nhiên, bằng việc xâm lược và đe doạ Việt Nam một cách liên tục trong nhiều năm qua, tinh thần quốc tế vô sản chỉ là tuyên truyền xáo trá lừa bịp.

Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 16/2.

Giữa Việt Nam và Trung Quốc không hề có vấn đề cùng chung vận mệnh cũng không phải là đồng chí cũng không phải cùng ý thức hệ gì cả. Cho nên Trung Quốc khi nó cần đập Việt Nam thì nó cứ đánh thôi chứ nó không có cái chuyện đồng chí đâu.

Bây giờ nó chưa làm được thì nó vào hoà hoãn như thế, ru ngủ bằng những cái kiểu cùng chung vận mệnh để nhằm kéo Việt Nam đi xa khỏi những nước dân chủ tự do tiến bộ.

Sau khi quân Trung Quốc tràn qua biên giới, phía Việt Nam sau một thời gian bị động, đã chống trả quyết liệt. Quân đội Việt Nam khi đó tập trung ở Campuchia và phía Nam đã được điều động tới biên giới phía Bắc, bảo vệ thành công lãnh thổ và đẩy quân Trung Quốc về nước.

Sau 27 ngày, quân Trung Quốc đã tổn thất nặng nề. Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đã mất 28.000 quân và 280 xe tăng. Phía Việt Nam cũng chịu thiệt hại nặng nề, sáu tỉnh biên giới giáp Trung Quốc bị tàn phá hoàn toàn, hàng chục nghìn bộ đội và dân thường bị sát hại.

Cuộc chiến chưa dừng ở đó. Năm 1984, Trung Quốc còn chiếm cao điểm 1059 mà Bắc Kinh gọi là Lão Sơn ở Hà Giang. Hai bên thực sự chấm dứt chiến tranh trên bộ ở biên giới hai nước vào những năm cuối của thập niên 1980 sau khi phe cộng sản ở Đông Âu sụp đổ.

Sau khi Trung Quốc đánh Việt Nam, Nhà nước Việt Nam khi đó gọi Trung Quốc là “kẻ thù số 1.” Tuy nhiên, sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, truyền thông nhà nước Việt Nam rất ít khi nhắc đến cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979.

Trung ương và nhiều địa phương thường kỷ niệm rầm rộ các sự kiện xảy ra trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ cho dù Nhà nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao đối tác chiến lược với Pháp và đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ.

Trong khi đó, cuộc chiến 1979 hoàn toàn bị lãng quên ngoài việc trong một số dịp, một vài lãnh đạo quốc gia lên thắp hương ở Nghĩa trang Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của phần lớn người lính ngã xuống trong cuộc chiến vệ quốc.

Nhà nước Việt Nam có nhiều danh hiệu phong tặng cho quân nhân, cán bộ và người dân đóng góp sức người sức của trong cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, tuy nhiên, cho đến nay, những người đã ngã xuống trong cuộc chiến chống Trung Quốc dường như bị lãng quên.

Thậm chí, cuộc chiến tranh này cũng chỉ được nhắc qua loa trong sách giáo khoa lịch sử. Một trí thức làm việc trong lĩnh vực xuất bản giáo dục cho RFA biết chỉ có sách lịch sử lớp 9 có nhắc đến cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979 và chỉ vẻn vẹn có 9 dòng.

Cũng theo người này, bộ sách Lịch sử Việt Nam của Nhà Xuất bảo Giáo dục phát hành năm 2007 gồm bốn tập nhưng cũng chỉ có 9 dòng dành cho sự kiện này.

Ông Đỗ Như Ly, thành viên của hai tổ chức Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và CLB Lê Hiếu Đằng, khẳng định hễ là người Việt hy sinh bảo vệ đất nước thì đều phải tôn vinh, không thể tôn vinh người này mà không vinh danh người khác. Ông khẳng định với RFA:

Sách lịch sử và sách giáo khoa chưa được ghi chép vào (về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc- PV) thì đây rõ ràng là một chủ trương của nhà nước, điều đó là điều mà người dân thấy rất không bằng lòng. 

Không dám nói đến, muốn che lấp đi, đó là điều không được đối với lịch sử Việt Nam và về lâu về dài thì cái sự che đậy giấu diếm ấy cũng không thể tồn tại được và nếu càng cố tình lộ diện thì chỉ càng chồng chất thêm những tội lỗi đối với dân tộc mà thôi.

Truyền thông nhà nước Việt Nam trong nhiều năm trước ít nhắc đến cuộc xâm lược của Trung Quốc. Trong một số năm gần đây, báo chí đã được nói đến một cách dè dặt. Thậm chí, có bài báo không dám chỉ đích danh Trung Quốc mà chỉ nói “quân xâm lược” hay “quân địch” mà thôi.

Một nữ giảng viên đại học ở Hà Nội, người không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh, cho rằng việc Nhà nước Việt Nam đưa ít thông tin về cuộc chiến chống Trung Quốc năm 1979 vào sách giáo khoa và cũng né tránh hoặc nhắc đến rất ít trên truyền thông là một cách làm có lỗi với lịch sử. 

Chỉ những thế hệ người Việt trải qua thời kỳ chiến tranh năm 1979 mới biết nhiều và có kí ức về cuộc chiến chống Trung Quốc đó. Thế hệ 7x như chúng tôi ngày nhỏ còn thuộc bài hát ‘Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới’ nhưng sang đến thập niên 1990 khi giao lưu với Trung Quốc ngày càng nhiều thì dần dần người ta không nhắc đến cuộc chiến đó nữa.”

“Thế hệ chúng tôi trở về trước nghĩ đến Trung Quốc là nghĩ đến quân xâm lược. Nhưng thế hệ sau đó, đặc biệt từ 9x trở lại đây, nói đến Trung Quốc là nghĩ đến phim Tây du ký, đến hàng hoá qua biên giới, giờ thì là phim ảnh Hoa ngữ. Tôi cảm thấy buồn về điều này,” bà chia sẻ.

Theo nữ giảng viên này, mặc dù quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hoá, giao lưu thương mại ngày càng nhiều, nhưng sự xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam vẫn còn nguyên, thậm chí tinh vi hơn.

Khi nhà nước né tránh sự thật lịch sử, người dân không có thông tin, dễ nhầm thù thành bạn, dẫn đến việc mất cảnh giác và để vấn đề xâm lấn văn hoá trở nên trầm trọng. 

Còn việc lãnh thổ của chúng ta mất bao nhiêu trong quá trình đàm phán biên giới với Trung Quốc thì gần như thông tin mật chỉ giới lãnh đạo chóp bu biết, người dân hoàn toàn không có thông tin gì.”

Tuyên bố của giới hoạt động nói là một quốc gia láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam cần một môi trường hoà bình, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển nhưng lịch sử phải được đánh giá đúng và không lãng quên.

Các tổ chức và cá nhân ký tên vào tuyên bố yêu cầu Nhà nước Việt Nam đưa cuộc chiến tranh tự vệ 1979 vào sử sách như Bạch Đằng, Đống Đa…, giảng dạy trong các nhà trường, báo chí truyền hình thông tin rộng rãi trong ngoài nước, thể hiện trong các bảo tàng lịch sử.

Nhà nước cũng cần tổ chức công khai Lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh tự vệ chống xâm lược Trung Quốc, tuyên bố nói.


Năm mới, kế hoạch làm ăn mới

Võ Xuân Sơn

15/02/2024

Hôm nay mùng 6, bạn bè về hết. Thế là lại lao vô công việc. Đến khuya mệt quá, cắm sạc điện thoại trước khi đi ngủ, mới ngó thấy Facebook. Chợt nhớ, mấy ngày nay gần như không ngó ngàng gì Facebook.

Bạn bè vô nhà chơi, ai cũng than đường xá Đà Lạt đông đúc, và kẹt xe quá trời. Thực tình mà nói trong mấy năm qua, Đà Lạt rất tích cực mở mang đường xá. Nhưng có lẽ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại vào những dịp lễ Tết, khi có nhiều khách du lịch.

Đề tài được nói nhiều nhất bên bàn tiệc Tết không phải về mùa xuân, cũng không liên quan đến bánh chưng, bánh tét, không có màu của hoa đào, hoa mai… mà nó mang tính địa phương cục bộ. Câu chuyện được nói nhiều, liên quan đến các cán bộ cao cấp nhất của tỉnh Lâm Đồng bị bắt trước Tết. Người ta cũng đang dự đoán sau Tết, việc bắt bớ sẽ nở rộ hơn cả hoa anh đào mùa lễ hội. Thậm chí có người còn sợ tỉnh Lâm Đồng sẽ bị tê liệt vì không còn người làm việc.

Tất nhiên, tầm cỡ như tôi thì hầu như không thể nào có bạn bè đã hay sẽ bị bắt trước hay sau Tết, vì lí do tham nhũng được. Tôi thuộc loại tứ cô vô thân, đến cái thẻ đỏ lận lưng còn chẳng có, thì làm sao mà có cơ hội được bị bắt vì tội tham nhũng. Mà loại dân đen, ngày Tết mà vẫn cứ phải lo công việc như tôi, thì làm sao có bạn bè thuộc nhóm được quan tâm lúc này. Nhưng được cái các bạn tôi đều nhạy bén về thị trường, luôn có những tư duy thuộc loại biến nguy thành cơ.

Cái việc mà chúng tôi bận nhất trong những ngày Tết này, là làm sao để biểu lộ sự ủng hộ tuyệt đối công cuộc “đốt lò”, vì chúng tôi đang bàn đến một kế hoạch làm ăn vô cùng xán lạn, có liên quan đến công cuộc đốt lò của bác Tổng. Mà kế hoạch này là rất khả thi.

Xuất phát từ việc có nhiều người bị bắt, nên khả năng cao là tốc độ xây dựng nhà tù không theo kịp. Ngoài ra, cứ cán bộ là bị bắt, thì cán bộ coi tù cũng sẽ không còn nhiều. Vì vậy, chúng tôi đang lập kế hoạch để đi tắt đón đầu. Dứt khoát là nhà nước sẽ không thể xây kịp nhà tù, và sẽ phải xã hội hóa việc xây dựng và vận hành nhà tù. Với tốc độ bắt này thì sẽ không còn cán bộ để quản lí tù nhân. Trên tinh thần đó, chúng tôi đang lập kế hoạch xây hệ thống nhà tù xã hội hóa, có đủ loại, từ ngàn sao tới 5 hay 6 sao.

Chỉ cần lo được cái giấy phép xây nhà tù, là không phải lo gì cả. Cứ việc đến các cán bộ từ cấp trung ương đến địa phương. Vận động họ đóng tiền trước, giống như đóng bảo hiểm. Khi nào họ vô tù, thì sẽ có phòng 5 sao sẵn cho họ mà họ không phải mất công nhiều. Nghe nói bây giờ, có người dù chưa bị truy tố, nhưng đã xây sẵn vila trong tù cho bản thân mình. Chỉ cần có một số khách hàng đóng “bảo hiểm” trước như vậy là giàu to rồi.

Kế hoạch của chúng tôi đã gần như là hoàn chỉnh. Khả năng thành công là 99%, mức tăng doanh thu có thể đạt cả trăm phần trăm mỗi năm. Chỉ có một chút lấn cấn do anh em chưa thống nhất được với nhau một chi tiết nhỏ. Đó là có nên kết hợp kinh doanh nhà tù và kinh doanh nghĩa trang hay không. Vì theo một số anh em thì tham nhũng toàn vượt khung tử hình như thế này, thì còn mấy ai bị giam. Cho nên, khả năng thàng công không thể là 99%, chỉ là 50-50 thôi, thậm chí là thấp hơn nữa. Cần kết hợp với loại hình kinh doanh đất nghĩa trang, cái này bổ túc cho cái kia, tử hình nhiều hay giam giữ nhiều đều tốt cả.

Nhưng mấy anh em khác thì lại nói, rằng làm gì mà có tử hình. Càng tham nhũng nhiều lại càng có nhiều tiền để “khắc phục hậu quả”. Mà mấy ông bà ấy lại có những bộ sưu tập bằng khen, giấy khen, huân chương, huy chương… Kiểu như ông gì dính vụ Việt Á, có giấy khen lập thành tích trong việc tổ chức và thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Ai cũng vậy thì làm sao mà có vụ tử hình. Nên dứt khoát không đổ vốn vô cái vụ kinh doanh đất nghĩa trang. Có ai bị tử hình đâu mà bán được. Làm vậy là chắc thua.


Brazil cấm nhập cá rô phi từ Việt Nam do lo ngại virus TiLV xâm nhập 

16/02/2024 

VOA Tiếng Việt 

Cá rô phi.

Cá rô phi. 

Bộ Nông nghiệp Brazil vừa ra lệnh đình chỉ ngay lập tức việc nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam để chờ xem xét các quy định y tế hiện hành, Reuters và truyền thông nước này dẫn lại một tuyên bố hôm 15/2 cho biết.

Việc ngưng nhập loại cá này từ Việt Nam là lo ngại liên quan đến “sự xâm nhập của virus TiLV”, có thể gây phương hại cho ngành nuôi thủy sản của Brazil.

Theo các tài liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), virus TiLV gây ra dịch bệnh trên cá rô phi, với tỷ lệ chết cao đến 90% trong đàn cá nuôi.

Lệnh dừng này được đưa ra sau cuộc họp giữa Bộ Nuôi trồng và Thủy sản Brazil và đại diện của Hiệp hội nuôi cá Brazil (Peixe BR).

Ngoài ra, trang Tridge cho hay Peixe BR cũng quan ngại về sản phẩm cá rô phi nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng chất phụ gia polyphosphate để tăng trọng lượng phi lê cá một cách giả tạo.

Một lô hàng cá rô phi từ Việt Nam nhập khẩu vào Brazil vào tháng 12/2023 gây nhiều lo ngại cho BR Peixe và toàn bộ chuỗi sản xuất cá nuôi, theo thông tin đăng ngày 16/1/2024 trên trang web của hiệp hội này.

“Chúng tôi không có thông tin về lô hàng này, liệu nó đã trải qua tất cả các phân tích rủi ro y tế để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng? Tương tự, chúng tôi cũng không biết quy trình nhân giống và chế biến cá rô phi ở Việt Nam, điều mà chúng tôi cũng cho là đáng lo ngại”, ông Francisco Medeiros, chủ tịch Peixe BR, nhấn mạnh.

Chính phủ Brazil nói rằng lệnh cấm nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi quá trình xem xét y tế hoàn tất.

VOA đã liên lạc Bộ Công Thương và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đề nghị họ cho ý kiến về lệnh cấm này của Brazil, nhưng chưa được phản hồi.

Từ năm 2023, Việt Nam là quốc gia duy nhất xuất khẩu cá rô phi cho thị trường Brazil, Bộ Nông nghiệp Brazil cho Reuters biết trong một tuyên bố riêng.

Bộ này cho hay Brazil đã nhập khẩu 25 tấn cá rô phi từ quốc gia châu Á này, với kim ngạch trị giá 118.000 USD, vẫn theo Reuters.

Theo dữ liệu mới nhất của Peixe BR, Brazil sản xuất 860.355 tấn cá vào năm 2022, trong số đó cá rô phi chiếm 64%.

Brazil xuất khẩu các sản phẩm cá trị giá 24 triệu USD vào năm 2022, trong đó cá rô phi chiếm 98% kim ngạch thương mại, theo trang web của Peixe BR. Trang này cũng cho thấy Mỹ là khách hàng chính của Brazil.

Truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu cá rô phi Việt Nam năm 2023 đã thu về hơn 6 triệu USD, giảm 42% so với năm 2022.


Người chết vì tai nạn giao thông tăng vọt dịp Tết 2024 dù công an siết nồng độ cồn 

16/02/2024 

VOA Tiếng Việt 

Vietnam+ cho rằng số người chết vì TNGT giảm trong dịp Tết 2024 nhưng thực ra là tăng mạnh.

Vietnam+ cho rằng số người chết vì TNGT giảm trong dịp Tết 2024 nhưng thực ra là tăng mạnh. 

Có tới 214 người thiệt mạng trên toàn Việt Nam trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, nhiều báo trong nước dẫn thông tin do Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) thuộc Bộ Công an đưa ra hôm 14/2.

Ngoài những người tử vong còn có 504 người bị thương và hai con số vừa nêu là hậu quả của 541 vụ tai nạn giao thông, các trang tin của Lao Động, Quân Đội Nhân Dân, Vietnamplus và VTC News cho hay, dựa trên số liệu của công an.

Theo tìm hiểu của VOA, số người chết vì tai nạn giao thông trong dịp Tết mới đây cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước, là 89 người tử vong trong 7 ngày Tết Quý Mão 2023. Số vụ tai nạn và người bị thương của Tết năm nay cũng cao hơn hẳn các con số lần lượt là 152 vụ và 111 người hồi Tết năm ngoái.

Các con số của năm 2023 được Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam đưa ra hồi cuối tháng 1 năm ngoái. Xa hơn nữa, so với Tết 2022, các dữ liệu về tai nạn giao thông năm nay cũng cao hơn nhiều lần.

Cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông mới đây đều tăng cao như vậy làm dấy lên nhiều câu hỏi và thắc mắc trên mạng xã hội về hiệu quả của việc công an siết kiểm tra nồng độ cồn bấy lâu nay, theo quan sát của VOA.

Như VOA đã đưa tin, Việt Nam sửa các quy định hồi năm 2020, theo đó, tăng mạnh các mức phạt đối với những người lái ô tô, xe máy có bất cứ một chút nồng độ cồn trong người. Kể từ đó, công an đã siết việc kiểm tra các lái xe uống rượu bia, dẫn đến tình trạng hàng chục nghìn xe máy vi phạm bị thu giữ, chất đống và gây quá tải các bãi giữ xe của công an trên khắp cả nước.

Trái ngược với tính toán nêu trên của VOA, một số trang tin Việt Nam như Vietnamplus và VTC News lại đưa tin cho rằng so với Tết năm 2023, số người chết do tai nạn giao thông “giảm sâu” hoặc “giảm 24,38%”.

VOA quan sát thấy trên mạng xã hội nhiều người cũng nhận ra sự đánh giá không hợp lý trong các bản tin của Vietnamplus và VTC News. Một số người nêu chất vấn liệu bản tin được viết như vậy vì các phóng viên của hai cơ quan báo chí đó không biết tính toán hay do lỗi của phía công an. VOA cố gắng liên lạc với đại diện Cục CSGT nhưng không kết nối được.

Các báo Việt Nam cho hay trong 7 ngày Tết vừa qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 71.400 trường hợp vi phạm và phạt tiền gần 182,5 tỷ đồng. Họ cũng tạm giữ gần 1.900 xe ô tô và hơn 34.000 xe mô tô, bên cạnh đó, CSGT tước xấp xỉ 18.900 giấy phép lái xe các loại.


Vụ Vạn Thịnh Phát: bà Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm sẽ ra toà vào ngày 5/3

RFA
16/02/2024

Vụ Vạn Thịnh Phát: bà Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm sẽ ra toà vào ngày 5/3

Người dân là những nhà đầu tư trái phiếu được Ngân hàng SCB giới thiệu mua biểu tình đòi tiền, yêu cầu nhà nước cứu hôm 20/11/2022 

Facebook/SCB Bắc Trung Nam 

Vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm có hành vi sai phạm trong hoạt động tín dụng, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 400.000 tỷ đồng, sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 5/3/2024.

Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 16/2, nêu rõ, Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ấn định lịch xét xử, dự kiến sẽ kéo dài từ 5/3 đến 29/4.

Bà Trương Mỹ Lan bị xét xử các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bà Trương Mỹ Lan đồng thời là bị hại của ông Nguyễn Cao Trí.

85 bị cáo còn lại trong vụ án là những lãnh đạo cấp cao của Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước bị truy tố về các tội: tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Riêng ông Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella – bị xét xử tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vì có hành vi chiếm đoạt của bà Lan 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm cựu lãnh đạo cấp cao của SCB bỏ trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố, gồm: Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB), Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị), Chiêm Minh Dũng (nguyên Phó tổng giám đốc), Trầm Thích Tồn (nguyên thành viên Hội đồng quản trị) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (nguyên Phó giám đốc chi nhánh Bến Thành SCB), sẽ bị xét xử vắng mặt. Hiện cả năm người này đang bị Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã.

Tin cho biết, bà Trương Mỹ Lan có năm luật sư bào chữa gồm luật sư Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Huy Thiệp, Giang Hồng Thanh và Trương Thanh Đức. Ngân hàng SCB được xác định là bị hại trong vụ án liên quan đến hành vi tham ô tài sản.

Ngày 13/12/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố ra trước Toà án nhân dân TP.HCM để xét xử đối với 86 bị cáo.

Theo cơ quan tố tụng, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ từ 85% đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB, trở thành cổ đông lớn nhất chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB.

Tại thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của SCB thể hiện ngân hàng này đã huy động của người dân và các tổ chức khác hơn 673 ngàn tỷ, trong đó riêng tiền gửi của khách hàng là hơn 511 ngàn tỷ.

Thời điểm đó, tổng nguồn vốn của SCB theo sổ sách kế toán là 713 ngàn tỷ. Tuy nhiên, thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định kiểm soát đặc biệt, thuê đơn vị kiểm toán độc lập rà soát, đánh giá thực trạng tài chính của SCB. Kết quả kiểm toán độc lập xác định ngân hàng  này âm vốn chủ sở hữu 443,7 ngàn tỷ, lỗ lũy kế 464,5 ngàn tỷ.

Sau khi thông tin bà Trương Mỹ Lan và một loạt các lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố và bắt giam vào tháng 10 năm 2022, nhiều người dân gửi tiền tiết kiệm và mua các sản phẩm từ Ngân hàng SCB của Vạn Thịnh Phát đã xuống đường biểu tình, tập trung về các trụ sở của SCB ở nhiều tỉnh thành để đòi tiền.


Việt Nam thúc đẩy dự án điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh, hy vọng có dòng khí đầu tiên vào quý 4 năm 2026

16/02/2024

Việt Nam thúc đẩy dự án điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh, hy vọng có dòng khí đầu tiên vào quý 4 năm 2026

Khí đốt ở mỏ Lan Tây ngoài khơi Vũng Tàu hôm 29/4/2018 (minh hoạ) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây vừa ký ban hành chỉ thị mới thúc đẩy các dự án năng lượng trọng điểm bao gồm dự án Cá Voi Xanh ở Biển Đông liên doanh với công ty Exxon Mobil của Mỹ. Đây là dự án gặp nhiều rắc rối trong thời gian qua vào khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây rối ở gần các lô dầu khí vùng biển phía Nam Việt Nam và công ty Exxon Mobil trong nhiều năm qua đã tìm cách thoái lui khỏi dự án này, theo tin Reuters hồi tháng 10 năm ngoái.

Truyền thông Nhà nước hôm 15/2 cho biết ông Chính ký chỉ thị số 05 về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện thời gian tới. Đây là biện pháp đối phó của Chính phủ trước mùa hè năm 2024 vào khi Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng thiếu điện vào mùa hè năm ngoái khi thuỷ điện cạn nước. Nhiều khu công nghiệp và các thành phố lớn ở miền Bắc Việt Nam đã bị cắt điện luân phiên, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Theo chỉ thị mới, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi thực hiện mọi giai pháp đảm bảo tiến độ chuỗi dự án khí – điện Lô B; theo dõi, giám sát tiến độ các dự án năng lượng trọng điểm, như dự án Cá Voi Xanh, Thị Vải – Nhơn Trạch. 

Truyền thông Nhà nước trích thông tin từ chỉ thị cho biết, Tập đoàn đầu khi quốc gia – PVN -được giao báo cáo ngay các vấn đề vượt thẩm quyền, chịu trách nhiệm toàn diện nếu để chậm trễ đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong thời gian sớm nhất, bảo đảm tiến độ có dòng khí đầu tiên vào quý 4-2026.

PVN được yêu cầu phối với chủ mỏ khí, chủ đầu tư các nhà máy điện khí à chủ tịch Tập đoàn điện lực Việt Nam – EVN để triển khai các giải pháp trong quá trình thực hiện phương án cung cấp, ưu tiên huy động khí cho sản xuất điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện, bảo đảm hiệu quả tối ưu của chuỗi khí – điện và lợi ích quốc gia.

Reuters hồi tháng 10 năm ngoái đưa tin cho biết Việt Nam sẽ có thể bị trì hoãn nhiều năm nữa trước khi đón dòng khí đầu tiên từ mỏ Cá Voi Xanh.

Dự án này liên quan đến năm nhà máy điện khí với công suất gần bốn gigawwatt dự kiến được xây dựng bởi phía Việt Nam và các công ty khác. Hai trong số này theo dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024, theo kế hoạch được Chính phủ đưa ra vào năm 2011.

Tuy nhiên, theo Reuters, một bản thảo mới của Bộ Công thương Việt Nam đưa ra vào cuối tháng 8 năm ngoái cho biết cả năm dự án nhiệt điện sẽ chỉ có thể đi vào hoạt động khi lô dầu khí này có dòng khí đầu tiên vào năm 2028.

Cho đến tháng 10 năm ngoái, cả năm dự án điện khí đều chưa được xây dựng

Công ty Exxon Mobil của Mỹ và Việt Nam ký hợp đồng ở mỏ dầu khí Cá Voi Xanh vào năm 2009. Đây là mỏ lớn nhất của Việt Nam và Exxon dự đoán trữ lượng khí tại mỏ này có thể cung cấp đủ điện cho một thành phố cỡ Hà Nội trong vòng hơn 20 năm.

Tuy nhiên những trở ngại về hành chính bao gồm cả những bất đồng về giá bán điện từ các nhà máy này đã làm chậm tiến độ xây dựng các cơ sở trên bờ.

Exxon đã chi 500 triệu đô la vào việc khoan tìm khí cộng với các chi phí ban đầu khá trong tổng số 10 tỷ đô la mà hãng này dự kiến đầu tư vào mỏ khí, theo Reuters.

Tags:

Comments are closed.