” Cần phải học cách chung sống với Trung Quốc” – Trò chuyện với Josep Borrell


Nguồn: “«Il faut apprendre và vivre avec la Chine», une conversation avec Josep Borel”, Le Grand Continent, 22.5.2023.

Phạm Như Hồ dịch

Về Trung Quốc, Hoa Kỳ có Học thuyết Sullivan. Liên Minh châu Âu đang tìm kiếm học thuyết của riêng mình. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền này mà Josep Borrell[*] dành cho chúng tôi sau cuộc tranh luận tại Hội đồng các Bộ trưởng (ngoại giao) tổ chức ở Stockholm và một G7 dường như tái khẳng định quan điểm của ông, Đại diện cấp cao của Liên Minh châu Âu xác định một cấu hình mới từ góc độ địa chính trị. Để tiếp cận mối quan hệ với Trung Quốc, Liên Minh châu Âu phải bắt đầu từ các giá trị và lợi ích của chính mình để đề xuất một chân trời an ninh chiến lược chung.

Tác giả: Gilles Gressani[1], Mathéo Malik

[*] Đại diện cao cấp của EU về các vấn đề ngoại giao và chính sách an ninh.

[1] Gilles Gressani, giám đốc tạp chi Grand Continent, ông chủ trì Nhóm nghiên cứu địa chính trị và giảng dạy ở Đại học Sciences-Po.

Trong bài phát biểu của ông trước các bộ trưởng ngoại giao châu Âu ở Stockholm, ông đã chỉ ra rằng Trung Quốc không phải là Nga – ông có thể giải thích điều đó có nghĩa là gì không?

JOSEP BORRELL – Thật vậy, Nga và Trung Quốc có hệ thống chính trị độc tài và phản tự do. Nhưng trọng lượng mang tính hệ thống của họ là không thể so sánh được. Nga chiếm khoảng 2% tổng sản phẩm (GNP) của thế giới. Đối với Trung Quốc, tỷ lệ GNP là khoảng 20% ​​và nhằm mục đích ngang bằng với Hoa Kỳ. Để hiểu đầy đủ động năng này, cần biết rằng vào năm 1995, GNP của Nga bằng với GNP của Trung Quốc. Ngày nay, GNP của Trung Quốc cao hơn gần 20 lần so với GNP của Nga. Do đó, hai nước không còn chơi trong cùng một hội, ngay cả khi việc sở hữu vũ khí hạt nhân mang lại cho Nga vẻ ngoài của một cường quốc. Và rõ ràng là một thất bại của Nga ở Ukraine sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng có lợi cho Trung Quốc này.

Ông sẽ mô tả hệ thống quốc tế ngày nay như thế nào?

Tôi không sáng tạo bất cứ điều gì. Chúng ta đang ở trong một cấu hình địa chính trị đã được các nhà lý thuyết về quan hệ quốc tế nghiên cứu kỹ lưỡng: đó là một quá trình chuyển tiếp trong đó một cường quốc đang lên tìm cách tranh chấp quyền lãnh đạo với một cường quốc thống trị. Tham vọng của Trung Quốc rõ ràng là xây dựng một trật tự thế giới mới, trong đó nước này sẽ đặt mình vào trung tâm bằng cách trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, một cách tượng trưng là vào năm 2049, năm kỷ niệm một trăm năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tham vọng này được hỗ trợ không chỉ bởi các diễn ngôn, mà còn bởi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, con người, công nghệ và khoa học dồi dào của Trung Quốc. Thực tế của thách thức này đã được chính Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ nhìn nhận rất rõ ràng khi bà nói rằng “sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không nên xung khắc với sự lãnh đạo của Hoa Kỳ”.

Nhưng sự trở lại với hình thức lưỡng cực chiến lược và công nghệ cũng đi kèm với hình thức đa cực động, trong đó nhiều Quốc gia muốn tận dụng lợi thế của việc phân phối lại các quân bài để chơi quân bài của mình, bằng cách chạy theo, hoặc bằng cách len lõi giữa các cực để tránh các mỏm đá ngầm như một người hoa tiêu trong một vùng biển biến động dữ dội. Họ sẽ tìm cách củng cố khả năng thao tác của mình mà không đứng về bên nào. Đặc biệt, ở châu Á, đôi khi họ sẽ đòi hỏi sự đảm bảo an ninh của Mỹ, trong khi vẫn đồng thời phát triển các mối quan hệ kinh tế quan trọng với Bắc Kinh. Trung Quốc cũng thích nghi với thực tế này bằng cách chuyển hướng dòng chảy thương mại và đầu tư ngày càng nhiều hơn sang thế giới ngoài phương Tây. Và lĩnh vực hoạt động của nó trước hết là châu Á, nơi Trung Quốc muốn thiết lập quyền lực và vai trò lãnh đạo của mình. Trung Quốc đã bắt đầu loại bỏ nguy cơ của mình – cái mà ngày nay chúng ta gọi là giảm thiểu nguy cơ (de-risking).

Như vậy, một thất bại của Nga ở Ukraine sẽ không làm thay đổi quỹ đạo của Trung Quốc?

Tôi không nghĩ vậy. Ban đầu, Trung Quốc đã tính đến một chiến thắng quân sự nhanh chóng của Nga. Nhưng cuộc tấn công chớp nhoáng của Putin đã thất bại. Bây giờ Trung Quốc đang cố gắng điều chỉnh chính sách của mình. Tất nhiên, một thất bại nặng nề của Nga sẽ là một đòn giáng mạnh vào liên minh các nước chống tự do mà Trung Quốc và Nga hy vọng xây dựng. Nhưng Trung Quốc sẽ thích ứng với thất bại của Nga bởi vì, một lần nữa, trọng lượng chính trị, kinh tế và chiến lược của nước này là rất lớn. Và có thể còn tăng lên vì ta không thể loại trừ khả năng các nước phương Nam sẽ tìm kiếm sự bảo hộ của Bắc Kinh nếu Nga vấp ngã.

Chúng ta, với tư cách là người châu Âu, có nên chặn Trung Quốc không?

Tôi tin rằng Liên Minh châu Âu của chúng ta là một lực lượng vì hòa bình và tiến bộ chung. Nó không có ý định ngăn chặn sự trỗi dậy của các nước mới nổi khi chúng càng ngay càng phát triển. Chúng ta không muốn cản trở sự nổi lên của họ, nhưng chúng ta phải đảm bảo rằng sự trỗi dậy quyền lực của họ không làm tổn hại đến lợi ích của chúng ta, đe dọa các giá trị của chúng ta hoặc gây nguy hiểm cho trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc. Do đó, đây chính là lý do tại sao chiến lược Trung Quốc của chúng ta là đa chiều: hợp tác, cạnh tranh và tranh đua sẽ tiếp tục là trung tâm của chính sách Trung Quốc của Liên Minh châu Âu, ngay cả khi sự cân đối giữa các yếu tố khác nhau này có thể khác nhau tùy thuộc vào hành vi của Trung Quốc. Rõ ràng là trong vài năm qua, chiều kích tranh đua đã trở nên quan trọng hơn. Bởi vì sự khẳng định chính trị của Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều và đôi khi hung hăng. Điều không có lợi cho Trung Quốc trong dư luận của chúng ta.

Ông cũng nói rằng các thách thức trong mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc bao gồm ba vấn đề: giá trị, an ninh kinh tế và an ninh chiến lược. Hãy bắt đầu với các giá trị.

Tôi sẽ không mang lại điều gì mới khi nói với bạn rằng Liên Minh châu Âu và Trung Quốc không có cùng tầm nhìn về nhân quyền. Trong tất cả các diễn đàn quốc tế và đối với các quốc gia khác, Trung Quốc đã xây dựng một diễn ngôn trong đó các quyền cơ bản phụ thuộc vào quyền phát triển. Liên Minh châu Âu phải chống lại diễn ngôn này và cạnh tranh với tầm nhìn của Trung Quốc. Tuyên ngôn Nhân quyền là một tuyên ngôn phổ quát chứ không phải của phương Tây ngay cả khi một số người giả vờ quên điều này.

Tuy nhiên, chúng ta phải nói chuyện với Trung Quốc về những chủ đề này cả trên phương diện song phương và đa phương. Điều cần thiết là phát triển sự hiểu biết tốt hơn giữa các xã hội châu Âu và Trung Quốc, đặc biệt là bằng cách nối lại các mối liên hệ giữa các dân tộc chúng ta – vốn đã bị gián đoạn bởi Covid-19 và chưa phát huy hết tiềm năng của chúng.

​Xã hội châu Âu và xã hội Trung Quốc cần hiểu nhau hơn, Bắc Kinh thường hay nói với chúng ta. Cũng được thôi. Nhưng để điều đó xảy ra, những trở ngại đối với sự lưu thông tự do các ý tưởng và đối với sự hiện diện của người châu Âu ở Trung Quốc để hiểu xã hội Trung Quốc phải được tháo gỡ: nếu Trung Quốc muốn cải thiện chất lượng đối thoại với châu Âu, họ sẽ phải cởi mở hơn và chào đón người châu Âu. Trung Quốc và châu Âu không thể trở nên xa lạ với nhau hơn nữa. Nếu trường hợp này xảy ra, những hiểu lầm sẽ có nguy cơ nhân lên và lan rộng sang các lĩnh vực khác.

Ông cũng nhấn mạnh rất nhiều về vấn đề của các sự mất cân bằng kinh tế…

Cần phải như vậy. Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Liên Minh châu Âu và Trung Quốc đã trở nên mất cân bằng. Thâm hụt thương mại của chúng ta là khổng lồ. Điều này không phải do Liên minh châu Âu thiếu khả năng cạnh tranh mà là do các lựa chọn và chính sách có chủ ý của Trung Quốc nhằm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của họ. Đây là những trở ngại đối với người châu Âu, ngoại trừ những thị trường ngách mà Trung Quốc chỉ có sự quan tâm hạn chế để phát triển các nhà vô địch quốc gia. Quan hệ Liên Minh châu Âu-Trung Quốc cũng mất cân bằng vì người điều khiển máy bay ở Trung Quốc không phải là thị trường mà là Nhà nước. Ngoài ra, sự phụ thuộc chiến lược của Liên Minh vào một số sản phẩm nhất định, được tích hợp vào các thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, là rất lớn — do đó làm tăng khả năng dễ bị tổn thương của chúng ta đối với Trung Quốc. 98% đất hiếm mà châu Âu nhập khẩu đến từ Trung Quốc. Và nhìn chung, khả năng dễ bị tổn thương của chúng ta đối với Trung Quốc lớn hơn so với khả năng này của Hoa Kỳ. Nếu lấy danh sách các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, bạn sẽ thấy rằng doanh thu của chúng từ Trung Quốc ở Châu Âu cao gấp đôi so với ở Hoa Kỳ: 8% ở Châu Âu so với 4% ở Hoa Kỳ. Mức độ bị tác động bởi thương mại của chúng ta cũng cao hơn, đặc biệt đối với một số quốc gia như Đức.

Nhưng làm thế nào để giảm bớt những sự phụ thuộc và tính dễ bị tổn thương này?

Không có công thức kỳ diệu nào. Nhưng đã có một nhận thức mạnh mẽ về vấn đề phụ thuộc, bắt đầu với Covid-19. Điều này sẽ đòi hỏi đa dạng hóa chuỗi cung ứng của chúng ta, cấu hình lại chuỗi giá trị của chúng ta, kiểm soát đầu tư vào Liên Minh và có thể là đầu tư ra ngoài Liên Minh — cũng như phát triển một công cụ chống cưỡng chế. Chúng ta cũng cần xích lại gần một số nước lớn ở châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chẳng hạn. Nhưng tất cả những điều này phải được thực hiện trong khuôn khổ các quy định, đặc biệt là quy định của WTO. Hệ thống đa phương phải được hồi sinh. Bởi vì không chắc rằng châu Âu có thể cảm thấy thoải mái trong một thế giới được tổ chức xung quanh hai hệ sinh thái công nghệ không nối kết với nhau, bởi vì sự phụ thuộc của Liên Minh vào thị trường thế giới là rất quan trọng và bởi vì Liên Minh về cơ bản tin vào giá trị của các nền kinh tế mở và hội nhập.

Về phương diện chiến lược lần này ông thấy mọi việc như thế nào?

An ninh chiến lược là trụ cột thứ ba của quan hệ Liên Minh-Trung Quốc. Hai vấn đề nhạy cảm chính ảnh hưởng đến quan hệ giữa chúng ta là Đài Loan và cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga.

Đối với Đài Loan, lập trường của Liên Minh vẫn nhất quán và dựa trên chính sách một Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình ở eo biển Đài Loan rất quan trọng đối với Liên Minh, vốn đang theo sát vấn đề này, bởi vì nó mang tính chiến lược đối với thương mại, đặc biệt là đối với nền thương mại châu Âu. Bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng và bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào đều có thể gây ra những hậu quả sâu rộng về kinh tế, chính trị và an ninh. Do đó, Liên Minh phải cam kết cùng với Trung Quốc để duy trì hiện trạng trước đó và xoa dịu các sự căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Không có bất cứ sự tiền định nào đối với một cuộc xung đột vũ trang.

Gilles Gressani

Đối với Ukraine, quan hệ của chúng ta sẽ không phát triển nếu Trung Quốc không thúc đẩy nước Nga của Putin rút khỏi Ukraine. Đối mặt với một cuộc xung đột liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của một quốc gia độc lập có biên giới được đảm bảo bởi luật pháp quốc tế và bởi các cường quốc, bao gồm cả Trung Quốc, bất kỳ sự trung lập nào đều bị đồng nghĩa với việc đứng về phía kẻ xâm lược. Đây là một điểm mà tôi bày tỏ và sẽ bày tỏ với những người đối thoại Trung Quốc của tôi bất cứ khi nào có cơ hội. Tôi cũng nghĩ rằng Trung Quốc đủ thực tế để nhìn thấy sự bế tắc hoàn toàn mà nước Nga của Putin đang gặp phải. Và tôi không thấy Trung Quốc hy sinh lợi ích của mình để cứu Nga. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng hy vọng như vậy.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “«Il faut apprendre và vivre avec la Chine», une conversation avec Josep Borel”, Le Grand Continent, 22.5.2023.

http://www.phantichkinhte123.com

Comments are closed.