Chuyện Việt Nam Thứ hai 12 tháng 02 năm 2024
Quê Hương tổng hợp
Bộ Công an CSVN đề xuất mẫu thẻ căn cước mới
11/02/2024
Mẫu thẻ căn cước mới được Bộ Công an đề xuất
Bộ Công An
Bộ Công an vừa công bố mẫu thẻ căn cước mới thay thế mẫu căn cước công dân (CCCD) để phù hợp với Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Đây là lần thứ hai, người dân Việt Nam sẽ lại thay thẻ căn cước mới trong vòng hai năm qua kể từ lần cuối cùng là năm 2021.
Mẫu căn cước mới được dành cho người từ 0 đến sáu tuổi và từ sáu tuổi trở lên.
Một số thông tin thay đổi trên căn cước mới được truyền thông Nhà nước cho biết bao gồm: dòng chữ căn cước công dân đổi thành căn cước, mục “quê quán” đổi thành “nơi đăng ký khai sinh”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”; chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ “cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, xã hội” thành “Bộ Công an”.
Ngoài ra, các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải không còn thể hiện trên căn cước.
Hiện người Việt Nam có nhiều lại giấy tờ tuỳ thân cùng tồn tại bao gồm: chứng minh nhân dân (CMND) chín số, CMND 12 số, thẻ căn cước công dân mã vạch, thẻ căn cước công dân gắn chip. Đây là kết quả của nhiều lần đổi mẫu CMND và thẻ căn cước của Việt Nam trong vòng chín năm qua.
Thời kỳ dịch bệnh COVID-19 năm 2020 – 2021, Bộ Công an đã tiến hành đổi hàng triệu thẻ CCCD gắn chip của người. Một số người dân đã phản ánh tình trạng nhiêu khê khi phải đi đổi thẻ CCCD vào thời điểm đó.
Theo báo Nhà nước, Bộ Công an vào năm 2021 đã đặt mục tiêu cấp thẻ CCCD gắn chip cho 50 triệu người trước tháng 7/2021 và vì vậy lực lượng công an trên toàn quốc đã làm việc ngày đêm, bao gồm cả cuối tuần. Người dân liên tục được khuyến khích đi làm thủ tục, nhiều đợt cấp CCCD lưu động được triển khai trên tận cấp xã, phường.
Tính đến nay, Bộ Công an đã cấp được 83 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân toàn quốc.
HRW: Chính quyền Sóc Trăng bỏ tù Danh Minh Quang để trả thù vì bày tỏ quan điểm chính trị
HRW nói Sóc Trăng kết tội và bỏ tù nhà hoạt động Danh Minh Quang vì muốn trả thù việc ông bày tỏ chính kiến.
RFA
12/02/2024
Ông Danh Minh Quang khi bị bắt ngày 31/7/2023
Báo Tuổi Trẻ
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói chính quyền tỉnh Sóc Trăng kết tội và bỏ tù nhà hoạt động người Khmer Danh Minh Quang vì muốn trả thù việc ông bày tỏ chính kiến.
Ông Danh Minh Quang, 37 tuổi, ở huyện Mỹ Xuyên, bị công an địa phương bắt giữ ngày 31/7/2023 với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Sau hơn sáu tháng, ngày 07/2, Toà án Nhân dân huyện Mỹ Xuyên đã kết tội và tuyên mức án ba năm sáu tháng tù giam.
Dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát, truyền thông nhà nước nói ông Danh Minh Quang có đăng tải và chia sẻ 51 bài viết, hình ảnh trên mạng xã hội “mang nội dung có tính chất tiêu cực, tuyên truyền, xuyên tạc không đúng sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cán bộ, công chức Nhà nước.”
Ngày 11/2, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW ra thông cáo báo chí phản đối việc kết tội ông Danh Minh Quang.
“Chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã chà đạp một cách trắng trợn quyền tự do ngôn luận và trả thù một công dân chỉ vì người này nêu quan điểm độc lập về chính trị của mình trên mạng xã hội.”
Vị chuyên gia về nhân quyền Việt Nam kêu gọi chính quyền tỉnh Sóc Trăng xoá bỏ mọi cáo buộc đối với ông Danh Minh Quang và trả tự do cho ông. Bên cạnh đó, đại diện HRW kêu gọi Hà Nội xoá bỏ những điều luật ảnh hưởng đến việc thực thi các quyền cơ bản của người dân.
“Quốc hội Việt Nam cần khẩn trương sửa đổi Bộ luật Hình sự và bãi bỏ các điều khoản xâm phạm nhân quyền, trong đó có Điều 331 đang được chính quyền Việt Nam sử dụng một cách có hệ thống để xâm phạm quyền của người dân thường trên khắp cả nước,” ông nói.
Thông cáo báo chí cũng nhắc đến việc ông Danh Minh Quang và một số nhà hoạt động về quyền của người Khmer bị đánh đập vào tháng 3/2023 khi họ tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ và mặc áo phông có logo của tổ chức Liên minh Người Khmers Kampuchea Krom (KKF), một tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ đấu tranh cho quyền của người Khmer.
HRW cũng cho biết, giữa chính quyền tỉnh Sóc Trăng và các nhóm Khmer tranh đấu cho quyền của người bản địa và quyền tự do tôn giáo đã xảy ra nhiều xung đột.
Ngày 12/2, từ Hoa Kỳ, ông Trần Mannring, thành viên của KKF, phát biểu với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về bản án của nhà hoạt động Danh Minh Quang.
“Đó là một điều hoàn toàn bất công, Danh Minh Quang thực ra chỉ phát biểu thôi, phát biểu là quyền có trong Hiến pháp Việt Nam và cũng có trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Bằng việc kết án Danh Minh Quang, Nhà nước hoàn toàn vi phạm các công ước quốc tế mà Nhà nước đã cam kết.”
Ông Trần Mannring cho rằng việc bỏ tù ông Danh Minh Quang, bên cạnh việc bắt giữ hai ông Tô Hoàng Chương và Thạch Cương ở tỉnh Trà Vinh trong cùng ngày và cùng cáo buộc, là nhằm vào các nhà hoạt động về quyền của người Khmer, một sắc dân với khoảng 1,3 triệu người ở Nam Bộ.
Ông cũng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Danh Minh Quang, Tô Hoàng Chương, và Thạch Cương, đồng thời dừng việc đàn áp đối với người Khmer.
“Chúng tôi kêu gọi Nhà nước cộng sản nên nghĩ lại vì Nhà nước quá mạnh tay, quá áp bức đối với đồng bào Khmer Krom. Tình trạng đó nếu càng kéo dài thì sự bất mãn càng nhiều càng sâu sắc.”
Tuy Việt Nam ủng hộ Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về quyền của các dân tộc bản địa (UNDRIP) nhưng Hà Nội không công nhận quyền của người bản địa.
Việt Nam có 54 dân tộc, người Kinh chiếm đa số, các dân tộc còn lại được coi là dân tộc thiểu số.
Kể từ đầu năm đến nay, ông Danh Minh Quang là người dân tộc thiểu số thứ hai bị kết tội vì đăng tải và chia sẻ bài viết trên Facebook.
Trước đó, ngày 25/1, một toà án ở tỉnh Phú Yên đã kết án ông Nay Y Blang, một thầy truyền đạo của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, với mức án bốn năm sáu tháng tù giam cũng về tội danh theo Điều 331.
Báo Trung Quốc cảnh báo Việt Nam nên thận trọng trước “củ cà rốt” chip bán dẫn của Mỹ
12/02/2024
Chủ tịch Võ Văn Thưởng bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Hà Nội hôm 11/9/2023
AFP
Trong khi Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn bằng các biện pháp giảm thuế và hỗ trợ quỹ nghiên cứu, báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây cảnh báo Việt Nam nên cẩn trọng với chính sách “củ cà rốt” về chip bán dẫn của Mỹ.
Báo Nhà nước Việt Nam hôm 12/2 đăng bài phỏng vấn với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ – ông Huỳnh Thành Đạt – cho biết Chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn, phối hợp với các bộ ngành, doanh nghiệp lớn để nghiên cứu, đánh giá các khâu trong chuỗi sản xuất chip mà Việt Nam có lợi thế và khả năng thành công, thúc đẩy phát triển các cơ sở nghiên cứu, thiết kế chip, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việt Nam trong thời gian qua đã thú hút hàng chục công ty vào lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn, nhiều công ty Mỹ cũng bày tỏ mong muốn tham gia với điều kiện Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về năng lượng tái tạo. Nikkei Asia hôm 12/2 dẫn lời thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Jose Fernandez cho biết như vậy.
Theo người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam sẽ nỗ lực để đạt được những thoả thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia nhân chuyến thăm Việt Nam hồi tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez cho biết Việt Nam là một mục tiêu hàng đầu cho các trợ giúp trong Đạo luật US CHIPS của Mỹ và số tiền sẽ phụ thuộc vào các đánh giá được đưa ra trong tháng này.
Theo Đạo luật CHIPS của Mỹ, Hoa Kỳ sẽ cung cấp 500 triệu đô la để cải thiện việc đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn, an ninh mạng toàn cầu, Thứ trưởng Jose Fernandez cho biết thêm.
Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngành công nghiệp chất bán dẫn cũng đang khiến các công ty tìm kiếm nơi để có thể tránh khỏi những ảnh hưởng xấu của cuộc chiến này.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc trong bài xã luận mới viết rằng “trong khi củ cà rốt Mỹ về trợ giúp cho ngành sản xuất chip bán dẫn đang treo lủng lẳng trước mặt Việt Nam thật là hấp dẫn, quốc gia Đông Nam Á này nếu muốn phát triển lĩnh vực này thì trước hết cần phải làm giảm nhẹ ảnh hưởng địa chính trị trong lĩnh vực công nghiệp này đến mức tối đa.”
Tờ báo viết tiếp “hợp tác với dây chuyền công nghiệp của Trung Quốc sẽ là điều tiên quyết trong hướng đi này của Việt Nam vào các ngành công nghiệp chiến lược”.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, “Hoa Kỳ đang dụ dỗ Việt Nam để kiểm chế Trung Quốc bằng việc hứa hẹn các trợ giúp trong công nghiệp bán dẫn nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội vào tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, theo bài báo “thay vì thực sự giúp Việt Nam phát triển, Hoa Kỳ chỉ muốn dùng Việt Nam để gây sức ép lên Trung Quốc bằng cách giành lấy một miếng bánh”.
Ngược chiều Nasdaq, cổ phiếu VinFast giảm gần 6% trong tuần, mất 37% từ đầu năm
10/02/2024
Mã VFS của VinFast giảm giá trong tuần lẫn từ đầu năm đến nay, 9/2/2024.
Giá cổ phiếu của hãng xe hơi điện Việt Nam VinFast giảm khoảng 6% trong tuần này, tính đến khi thị trường chứng khoán Nasdaq ở New York, Mỹ, đóng cửa vào chiều 9/2, giờ địa phương (sáng sớm mùng 1 Tết, giờ Việt Nam). Từ đầu năm đến nay, mã VFS của VinFast mất gần 38% giá trị.
Chốt phiên giao dịch hôm thứ Sáu, VFS giảm hơn 1,1% trong ngày, xuống mức 5,25 đô la/cổ phiếu. So với mức đóng cửa hôm thứ Hai là 5,54 đô la, cổ phiếu này bị xuống giá 5,6%, theo số liệu trên các trang Nasdaq.com và Finance.yahoo.com.
Trong tuần, dường như hãng xe hơi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã bị ảnh hưởng bởi những thông tin bất lợi, gồm việc VinFast thông báo triệu hồi hơn 5.900 xe VF 5 để thay thế cụm cần gạt bật tắt đèn bị lỗi và tuyên bố của hãng ô tô điện lớn nhất thế giới BYD sắp bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.
BYD có trụ sở chính ở Trung Quốc loan báo họ sẽ mở đại lý đầu tiên tại Hà Nội và dự kiến sẽ bán xe nhập khẩu vào ngày 1/5 tới.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, theo quan sát của VOA, nhiều người nêu quan ngại về khả năng cạnh tranh của VinFast còn non trẻ và vẫn lỗ nặng mấy năm nay khi phải tranh giành thị trường với BYD có nguồn lực rất dồi dào.
Cách đây hơn 3 tuần, VinFast đưa ra số liệu với báo chí Việt Nam, thể hiện rằng hãng đã giao gần 35.000 xe hơi điện cho các khách hàng trong năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 50.000 xe.
Tiếp đến, hôm 31/1, tập đoàn mẹ của VinFast là Vingroup công bố báo cáo tài chính trong đó cho thấy mảng sản xuất kinh doanh xe điện của VinFast vẫn lỗ lũy kế khoảng 33.000 tỷ đồng, tức hơn 1,35 tỷ đô la, trong năm 2023.
Năm 2022, hãng lỗ 2,1 tỷ đô la. Trước đó, hãng lỗ hơn 1,3 tỷ đô la vào năm 2021 và gần 800 triệu đô la vào năm 2020.
Tình trạng cổ phiếu VinFast giảm giá trong tuần qua và xa hơn nữa là sự lao dốc từ đầu năm đến nay diễn ra trái ngược với xu thế đi lên của toàn thị trường Nasdaq, thường được xem là một chỉ dấu về sức mạnh của các hãng trong lĩnh vực công nghệ niêm yết ở Mỹ.
Các trang Nasdaq.com và Finance.yahoo.com cho hay trong tuần, chỉ số Nasdaq tăng gần 2,4%, còn từ đầu năm đến nay đã tăng gần 7%.
Giá cổ phiếu của VinFast hiện chỉ cao hơn một chút so với mức đáy là 4,59 đô la mà VFS đã rơi xuống hôm 25/10/2023, cách đây hơn 3 tháng.
Việt Nam: GDP và câu chuyện về những con số
10/02/2024
Hình minh họa.
“Một nửa sự thực” ở đây là chỉ số GDP và bình quân “GDP/đầu người” luôn tăng, lung linh bảy sắc cầu vồng. Trong khi đó, “một nửa cái bánh mì” là phần thu nhập khả dụng của người dân, đang teo tóp nhanh chóng.
Tốc độ tăng trưởng “chỉ có thể mơ ước”?
Con số về tăng trưởng tổng sản phầm quốc nội (GDP) của Việt Nam, trong năm 2023, đang nhảy múa từ 4,7% – 5,05% trên các tờ báo “lề phải”.
So với mục tiêu 6,5%, kết quả đạt được, dù tính theo phương pháp nào, cũng khá khiêm tốn.
Như thường lệ, sẽ có nhiều “lý do khách quan” khiến cho việc không đạt được mức tăng trưởng theo nghị quyết cũng là chuyện bình thường. Giới chức Việt Nam vẫn vui vẻ với lời động viên đầy màu sắc ngoại giao của ngài Andrea Coppola – cố vấn của World Bank:
“Với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam, suy thoái kinh tế toàn cầu là một cú sốc tiêu cực lớn đối với đất nước nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều nước trên thế giới chỉ có thể mơ ước” (1).
Đối với nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” như Việt Nam hay Trung Quốc – nơi mà vai trò quản lý nhà nước mang tính quyết định và khối doanh nghiệp quốc doanh vẫn đóng vai trò chủ đạo – chỉ số tăng trưởng GDP và bình quân GDP/đầu người còn gánh vác cả trách nhiệm chính trị, là sự khẳng định về “vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt” của đảng, cũng như tính chính danh chế độ.
Mục tiêu “nâng cao đời sống nhân dân, không bỏ lại ai phía sau” được coi là cứu cánh cho mọi cuộc đàn áp về nhân quyền, tự do ngôn luận hay tín ngưỡng. Tuy vậy, những con số này có phản ánh đúng về tình trạng thu nhập và mức sống của người dân hay không?
GDP Việt Nam năm 2023 được công bố là 430 tỷ USD. Nếu tính theo GDP bình quân đầu người, ước đạt 101,9 triệu đồng hay khoảng 4284 usd/người/năm, tăng hơn 160 usd so với năm 2022.
Con số này rất trái ngược với thực tế đời sống của đa số người lao động hiện nay. Năm 2023 là năm ghi nhận số doanh nghiệp đóng cửa cao kỷ lục với hơn 14.400 doanh nghiệp rời khỏi thị trường mỗi tháng. Mới chỉ bước qua tháng 1/2024, cả nước ghi nhận tới hơn 53.900 doanh nghiệp đóng cửa (2). Thành phố Hồ Chí Minh – đầu tàu kinh tế phía Nam – ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp sụt giảm tới 21,4% so với tháng trước đó và 15% so với cùng kỳ năm 2023 (3). Đây là chỉ dấu rõ ràng của một cuộc đổ vỡ, cả về kinh tế lẫn niềm tin xã hội.
Nhiều câu hỏi và nghi vấn về tính xác thực của các con số tăng trưởng GDP và GDP/đầu người. Chúng thực sự có ý nghĩa gì? Khi mà thất nghiệp tăng cao, kinh tế ì ạch, những chỉ số này vẫn đẹp lung linh và được giới quan chức thường xuyên viện dẫn như những thành tựu trong nhiệm kỳ của họ.
Hãy dành chút thời gian đọc hết bài viết này để tìm hiểu về “một nửa sự thực” và “một nửa chiếc bánh mì” mà chính phủ không muốn bạn biết.
Những khiếm khuyết của con số thống kê GDP
GDP có nhiều phương pháp tính, trong đó có 3 phương pháp phổ biến: 1- Phương pháp sản xuất, xét theo góc độ sản xuất; 2- Phương pháp sử dụng (tiêu dùng) cuối cùng, xét theo góc độ sử dụng và chi tiêu; 3- Phương pháp thu nhập, xét theo góc độ thu nhập.
Trước năm 2019, phương pháp tính GDP của Việt Nam là phương pháp thứ 2. Từ năm 2019, chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc đã thay đổi phương pháp tính GDP (5). Theo đó, GDP hiện nay, đã được cộng thêm 25,4% so với phương pháp tính cũ.
Tổng cục thống kê (GSO) không cho biết GDP đang được tính theo phương pháp nào trong ba phương pháp tính phổ biến trên. Nếu theo cách tính cũ, GDP 2023 chỉ đạt khoảng 4% thay vì 5,05%. Trừ đi mức lạm phát thực, thì nền kinh tế Việt Nam hiện đang tăng trưởng bao nhiêu?
Vì không chắc chắn về phương pháp tính của GSO, nên người viết vẫn sử dụng “Phương pháp tiêu dùng cuối cùng” – vốn được GSO sử dụng trong một thời gian dài và được chấp nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là tổng số của Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình; Đầu tư trong nước của tư nhân; Chi tiêu của chính phủ và Xuất siêu.
Phương pháp tính GDP và bản thân chỉ số GDP có rất nhiều lỗ hổng. Nếu chỉ nhìn vào qui mô GDP không thể đánh giá hết nguồn lực và thực lực của nền kinh tế. Theo nguyên tắc thường trú trong tính toán, GDP gồm cả phần thặng dư của các doanh nghiệp FDI. Trong trường hợp Việt Nam, doanh nghiệp FDI chiếm đến 74% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu, trong khi xuất khẩu tương đương 98% GDP. Khoản thặng dư của các doanh nghiệp FDI có thể chuyển về nước mẹ hoặc giữ lại doanh nghiệp. Điều đó, khiến cho con số GDP không thể phản ánh chính xác được bức tranh nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp ngoại FDI.
Trong thống kê và kinh tế học vĩ mô, GDP không phải là chỉ tiêu quan trọng nhất. Ngoài GDP, các chỉ tiêu như thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI), thu nhập từ sở hữu, chi trả sở hữu, chuyển nhượng (cơ bản là kiều hối) và tiết kiệm là những chỉ số quan trọng. Trong đó, đặc biệt chỉ số tiết kiệm quyết định nguồn lực cơ bản để tái đầu tư. Nền kinh tế Việt Nam gần như không có tiết kiệm và do đó không có nguồn lực để tái đầu tư. Đầu tư hiện nay chủ yếu từ nguồn đi vay nước ngoài bởi Tiêu dùng cuối cùng (của hộ gia đình và chính phủ) luôn lớn hơn thu nhập quốc gia khả dụng (NDI). Điều kỳ lạ là trong các báo cáo kinh tế vĩ mô của chính phủ Việt Nam trong gần 20 năm nay hầu như không bao giờ tham khảo và xét tới các chỉ số này dù GSO có tính toán và công bố trong niên giám hàng năm.
Giới chức Việt Nam ưa thích sử dụng GDP, bình quân GDP/đầu người và coi đó là phong biểu kế vạn năng duy nhất. Thế nhưng, con số này không thể cho biết nền kinh tế có được vận hành tốt, chính phủ có quản lý và chi tiêu hợp lý, phát triển bền vững hay không. Đó là câu chuyện về Brazil, Argentina, Venezuela… những quốc gia Nam Mỹ nhờ nguồn tài nguyên giàu có, đã có những thập kỷ tăng trưởng GDP hai con số và rồi chìm nghỉm trong nợ nần, tham nhũng, tệ nạn xã hội tràn lan.
Chỉ số ‘thu nhập bình quân đầu người’
Trong các báo cáo kinh tế xã hội, giới chức Việt Nam luôn lấy con số bình quân “GDP/đầu người” để chứng minh rằng đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập người dân năm sau cao hơn năm trước. Tuy vậy, điều nghịch lý là phần đông người dân Việt Nam không thấy rằng mình đang “giàu có” hơn và không hiểu mức thu nhập hơn 100 triệu đồng cho mỗi thành viên gia đình đến từ đâu, mỗi khi nghe lãnh đạo đọc báo cáo thành tích.
Chỉ số “GDP/đầu người” khó lòng phản ánh xác thực về mức sống của người dân. Và do đó, các nhà kinh tế và thống kê dùng một chỉ số khác: Chỉ số “thu nhập bình quân đầu người”.
Để tính “thu nhập bình quân đầu người”, trước tiên phải tính được thu nhập của hộ dân cư. Thu nhập của hộ bao gồm các khoản:
– Thu nhập từ tiền lương, tiền công;
– Thu từ nông, lâm nghiệp, thủy sản;
– Thu từ phi nông, lâm nghiệp, thủy sản;
– Các khoản thu khác (biếu, mừng, lãi tiết kiệm…).
Nghĩa là, “thu nhập bình quân đầu người” là tổng tất cả các nguồn thu nhập từ lương, các nguồn sinh kế và các khoản thu nhập khác được cho, tặng, thừa kế, đền bù, tiền mừng, tiết kiệm… chia đều cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình, trong thời hạn là một năm, một tháng. Ví dụ, năm 2023, Việt Nam nhận tới $16 tỷ “kiều hối”. Đây cũng là một khoản cấu thành “thu nhập bình quân đầu người”.
Theo niên giám của GSO, “thu nhập bình quân đầu người” cả nước năm 2021 là 4,2 triệu đồng/tháng, qui đổi theo tỷ giá (23.000vnđ/1 USD) là $183/tháng, hay $2196/năm (9). GDP Việt Nam năm 2021 là $366,1 tỷ, bình quân “GDP/đầu người” vào khoảng $3.718. Như vậy, “thu nhập bình quân đầu người” năm 2021 chỉ bằng 59,06% “GDP/đầu người”.
Năm 2022, “thu nhập bình quân đầu người” Việt Nam là 4,67 triệu đồng/tháng, qui đổi theo tỷ giá 23.500 vnđ/1 usd, tương đương $198,7/tháng, hay $2.384,4/năm (10). “GDP/đầu người” năm 2022 của Việt Nam là $4110. Như vậy, “thu nhập bình quân đầu người” năm 2022 bằng 58,01% “GDP/đầu người”.
Không biết vì lý do gì, GSO đã không công bố “thu nhập bình quân đầu người”. Thay vào đó là con số “thu nhập bình quân người lao động” (12).
Theo GSO, năm 2023, lực lượng lao động của Việt Nam là 52,4 triệu người (tính từ 15 tuổi), tương đương 52,24% tổng dân số (dân số Việt Nam là 100,3 triệu người trong năm 2023). Với mức “thu nhập bình quân người lao động” năm 2023 là 7,1 triệu đồng, qui đổi theo tỷ giá là $285/người/tháng, hay $9,5/người/ngày. Con số này, thoạt nhìn có vẻ “đẹp” hơn hẳn con số “thu nhập bình quân đầu người” năm 2022 chỉ có $6,62/người/ngày.
Tuy vậy, con số “thu nhập bình quân người lao động” chỉ là thu nhập của 52,4 triệu lao động, không bao gồm 2,2 triệu người hưu trí và 45,7 triệu người phụ thuộc. Nếu chia bình quân đầu người, 98,1 triệu người dân Việt Nam (không tính 2,2 triệu người hưu trí) chỉ có mức thu nhập khoảng $152,23/người/tháng, hay $5,07/người/ngày. Đây là thu nhập từ lương và sinh kế, chưa bao gồm các nguồn thu nhập khác. Do đó, thực tế, nó sẽ thấp hơn “thu nhập bình quân đầu người” một chút. Nhưng con số $5,07/người/ngày là một con số quá thấp.
Năm 2018, World Bank đưa ra Chuẩn nghèo xã hội (SPL), dựa trên nghiên cứu cơ bản của Dean Jolliffe- Espen Prydz, để nắm bắt các khía cạnh tương đối của đói nghèo và đáp ứng khuyến nghị của Ủy ban về Nghèo đói Toàn cầu. Có ba mức thu nhập “chuẩn nghèo quốc tế” là $1,9/ngày, $3,2/ngày và $5,5/ngày. Báo cáo Nghèo đói và Thịnh vượng chung năm 2020 cho biết ước tính mới nhất về nghèo đói xã hội toàn cầu và khu vực. Theo đó, Chuẩn nghèo xã hội (SPL) trung bình toàn cầu, được biểu thị bằng USD tăng từ $6,90/người/ngày (năm 2015) lên $7,20/người/ngày (năm 2017) (13).
Nếu so sánh, “thu nhập bình quân đầu người” Việt Nam năm 2022 do GSO công bố là $198,7/người/tháng, hay $6,62/người/ngày, thậm chí thấp hơn cả Chuẩn nghèo xã hội (SPL) năm 2015 là $6,9/người/ngày, theo WB.
“Thu nhập bình quân đầu người” là phần thu nhập khả dụng, phản ánh mức sống của người dân chính xác hơn chỉ số GDP/đầu người. Theo tính toán ở trên, năm 2021, “thu nhập bình quân đầu người” chỉ bằng 59,06% “GDP/đầu người”. Con số này năm 2022 là 58,01%. Việc GSO đưa ra con số “thu nhập bình quân người lao động” năm 2023 thay thế con số “thu nhập bình quân đầu người” có thể là một cách thức che dấu con số thống kê không được ưa thích.
‘Một nửa sự thực’ và ‘một nửa cái bánh mì’
“Một nửa sự thực” ở đây là chỉ số GDP và bình quân “GDP/đầu người” luôn tăng, lung linh bảy sắc cầu vồng. Trong khi đó, “một nửa cái bánh mì” là phần thu nhập khả dụng của người dân, đang teo tóp nhanh chóng.
Phía sau con số tăng trưởng GDP màu hồng là một bức tranh xám xịt. Trong trường hợp này, chỉ số GDP và bình quân “GDP/đầu người” được dùng để phô trường thành tích, trong khi các chỉ số kinh tế phản ánh chính xác hơn mức sống của người dân, như “bình quân thu nhập đầu người” hay thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI), tiết kiệm… đều “vắng mặt” trong báo cáo của chính phủ.
Vụ nữ quan chức Hà Tĩnh dùng xe công đón con: Lái xe bị phạt nặng
10/02/2024
Công an Hà Tĩnh phạt lái xe của bà Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh vì sai phạm về sử dụng tín hiệu ưu tiên, 9/2/2024.
Công an tỉnh Hà Tĩnh của Việt Nam cho biết hôm 9/2 (30 Tết) rằng họ phạt nặng người lái xe cho bà chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh này vì ông ấy sai phạm trong việc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên trên ô tô.
Việc xử phạt được thực thi sau khi báo chí trong nước và dư luận trên mạng xã hội tỏ ý bất bình cũng như chỉ trích việc bà Nguyễn Thị Lệ Hà, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh, dùng xe công vụ đón con gái ở sân bay Vinh vào tối 2/2.
Thanh Niên, Tuổi Trẻ và ZNews đưa tin rằng tài xế của bà Hà, có tên viết tắt là P.H.S., bị công an phạt 2,5 triệu đồng, bên cạnh đó, ông ấy bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng. Công an tịch thu bộ còi, đèn phát tín hiệu ưu tiên do xe của bà Hà không được quyền lắp đặt, sử dụng các thiết bị này.
Như VOA đã đưa tin, việc bà Hà đi xe công vụ, bật đèn và còi ưu tiên, đón con cách đây ít ngày bị người dân ghi hình, đưa lên mạng xã hội, dẫn đến nhiều lời lên án nặng nề.
Hôm 7/2, bà Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh xác nhận với báo chí Việt Nam về sự việc và “thừa nhận việc sử dụng xe công vụ vào sân bay đón con là sai”.
Cùng ngày, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, người có thực quyền quyết định cao nhất trong tỉnh, theo cơ cấu chính trị của nước Việt Nam cộng sản, nói với báo chí rằng cơ quan đảng “sẽ kiểm điểm nghiêm túc”, đồng thời “giao công an xem xét” việc xe công vụ lắp còi, đèn ưu tiên, theo đó, sở, ban, ngành, địa phương nào “sử dụng sai” sẽ bị “thu hồi, chấn chỉnh”.
Các quy định của nhà nước Việt Nam nêu rõ rằng người nào sử dụng xe công vào mục đích cá nhân, hoặc phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến sáng 10/2, chưa có thông tin liệu bà Hà, Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh, có bị kỷ luật hay bị công an phạt hay không.
Việt Nam CS tổ chức duyệt binh ở quần đảo Trường Sa vào dịp Tết Nguyên đán
11/02/2024
Duyệt binh ở đảo Trường Sa hôm 10/2/2024
Hồng Đạt/TTXVN
Việt Nam tổ chức lễ duyệt binh với sự tham gia của quân đội và người dân ở đảo Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày mùng 1 Tết (tức 10/2). Báo chí Nhà nước loan tin cho biết lễ duyệt binh là để biểu dương lực lượng và thể hiện sự đoàn kết, ý chí quyết tâm giữ gìn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Quần đảo Trường Sa là nơi đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực bao gồm Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Việt Nam hiện nắm giữ 27 thực thể ở quần đảo này. Đây cũng là nơi Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đá Gạc Ma của Việt Nam vào năm 1988.
Thông tin trên các trang báo của Việt Nam không cho biết cụ thể có bao nhiêu người tham gia cuộc duyệt binh vào dịp đầu năm mới nhưng các hình ảnh được loan tải rộng rãi cho thấy tham gia duyệt binh gồm các lực lượng quân đội đóng quân trên đảo Trường Sa, cán bộ và công chức khối dân chính Đảng và người dân trên đảo.
Đảo Trường Sa thủ phủ do Việt Nam thiết lập trên quần đảo Trường Sa, cách đất liền gần 500 km. Đảo có điều kiện vật chất tốt nhân trong số các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát ở quần đảo, có sân bay, cầu cảng có thể đón được tàu lớn.
Gần 4.000 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông trong hai ngày Tết
11/02/2024
Đường phố Hà Nội hôm 5/2/2024, dịp cận Tết Nguyên đán (minh hoạ)
AFP
Các bệnh viện ở Việt Nam tiếp nhận 3.782 trường hợp tai nạn giao thông trong hai ngày 30 và mùng 1 Tết vừa qua, 1.500 người phải nhập viện điều trị.
Báo Nhà nước dẫn thông tin từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết số người nhập viện do tai nạn giao thông dịp Tết năm nay cao hơn so với con số 3.318 ca trong năm ngoái.
Theo số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, số tai nạn giao thông trên cả nước là 161 vụ khiến 49 người chết và 196 người bị thương.
Dịp Tết cũng là dịp cảnh sát giao thông gia tăng tuần tra phát hiện người có nồng độ cồn trong hơi thở nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Theo thống kê được truyền thông Nhà nước đăng tải, trong ngày mùng 2 Tết (tức 11/2), cảnh sát giao thông trên cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 7.800 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trong đó có gần 4.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Luật của Việt Nam quy định, người lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở vượt 0 sẽ bị phạt và đây là điều gây nhiều tranh cãi và phản đối vì có người cho rằng nhiều khi trong đồ ăn cũng có một chút cồn nhưng không đủ để gây say rượu.
Cũng trong ngày 30 và mùng 1 Tết, các bệnh viện Việt Nam đã phải tiếp nhận 280 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, chất nổ, trong đó có 163 trường hợp phải nhập viện điều trị, không có trường hợp tử vong.
Từ năm 1994, Chính phủ Việt Nam đã cấm việc sản xuất, vận chuyển, mua bán và đốt pháo trong dịp Tết vì những lo ngại về an toàn tính mạng. Tuy nhiên, đây là tập tục lâu đời của người dân nên vẫn xảy ra tình trạng người dân đốt pháo và vẫn có trường hợp mua bán và vận chuyển pháo lậu.