Chuyện Việt Nam Thứ tư 21 tháng 02 năm 2024
Quê Hương tổng hợp
Vụ Việt Á: Ông Nguyễn Thanh Long và Phan Quốc Việt xin giảm hình phạt
BBC News – 21/02/2024
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ra tòa hồi tháng 1/2024
Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, người bị tuyên 18 năm tù tội “nhận hối lộ” 51 tỷ đồng trong vụ Việt Á, vừa kháng cáo xin giảm án tù, theo truyền thông Việt Nam.
Cùng với ông Long, cựu Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt, bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và bị tuyên 29 năm tù, cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Truyền thông Việt Nam không đưa chi tiết cụ thể hai ông này xin giảm xuống mức phạt nào.
Hồi đầu tháng Giêng, ông Long và ông Việt ra tòa sơ thẩm cùng hơn 30 người khác trong vụ đại án Việt Á. Trong phiên xử, ông Long và ông Chu Ngọc Anh (Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) được làm mờ mặt trên truyền thông Việt Nam, trong khi những người khác, bao gồm ông Việt, vẫn rõ mặt. Sự việc gây phản ứng trong dư luận.
Một luật sư nói với BBC News Tiếng Việt vào thời điểm đó rằng đã có “phân biệt đối xử” trong vụ quan chức được che mặt.
Tổng cộng 12 người liên quan đến vụ Việt Á xin kháng cáo xin giảm án sau phiên sơ thẩm diễn ra tháng 1/2024, theo TAND Hà Nội. Không có ai kêu oan trong số này.
Hai mươi sáu bị cáo còn lại không kháng cáo.
Ngoài các cá nhân nói trên, bốn tổ chức tham gia kháng cáo, trong đó có Công ty Việt Á.
Trong đơn kháng cáo, công ty này đề nghị không tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền mà toà tuyên là thu nhập bất chính từ việc bán kit xét nghiệm.
Cáo trạng viết gì?
Chụp lại video,
Vụ bộ xét nghiệm Việt Á: ‘Một lỗi quá nặng trong khoa học’
Theo cáo trạng, vào đợt cao điểm dịch Covid-19, ông Phan Quốc Việt đã móc nối để Công ty Việt Á được thực hiện đề tài tài nghiên cứu về sinh phẩm phục vụ chống dịch với Học viện Quân y.
Ông Việt bị cáo buộc hối lộ quan chức các bộ ngành, địa phương 82 tỷ đồng để Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành kit test của mình với giá 470.000 đồng (gấp ba lần quy định).
Cho tới khi vụ việc bị xử lý, Công ty Việt Á đã ‘bán’ cho nhà nước gần sáu triệu kit test, thu hơn 2.250 tỷ đồng, ‘hưởng lợi bất chính’ hơn 1.235 tỷ đồng từ việc nâng khống giá, theo cơ quan điều tra.
Về trường hợp ông Nguyễn Thanh Long, cáo trạng mô tả ông có vai trò “trực tiếp can thiệp và chỉ đạo cấp dưới tác động để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá, phân bổ và thanh toán tiền kit test”.
Ông Long bị cho là người nhận hối lộ nhiều nhất, với số tiền 2,25 triệu USD, tương đương hơn 51 tỉ đồng.
Cựu Bộ trưởng Y tế còn bị cáo buộc đã đứng ra giới thiệu Việt Á với lãnh đạo một số địa phương để giúp công ty này tiêu thụ kit test.
Hội đồng xét xử đánh giá sai phạm của các cá nhân liên quan là “xâm phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, làm mất niềm tin trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước”, và hành vi của họ là “suy thoái tư tưởng, băng hoại đạo đức”.
Trước đó, ngày 3/1, TAND Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng 35 bị can khác trong vụ án Việt Á.
Đây là vụ án đầu tiên xét xử cùng lúc ba cựu ủy viên trung ương và gần 19 cựu cán bộ của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) các tỉnh Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang và Bình Dương.
Lò của ông Trọng ‘đỏ lửa’ đầu năm
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ test kit Việt Á tại TAND thành phố Hà Nội với tổng cộng 38 bị cáo, bị truy tố sáu tội danh
Những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ‘nóng’ khi liên tiếp nhiều quan chức, các chủ tịch tập đoàn bị bắt giữ và kỷ luật.
5/3 – 29/4, TAND TP HCM sẽ xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác vì những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB.
2/1/2024: Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến Dự án Khu đô thị Thương mại nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.
Cuối tháng 12/2023:
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, cựu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bị đề nghị “xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật” liên quan đến những sai phạm trong các dự án điện gió, cung ứng xăng dầu.tại Bộ Công thương.
Hai cục phó của Bộ Tài chính và Bộ Công thương cũng bị bắt giữ liên quan đến vụ án Xuyên Việt Oil.
Cựu Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến bị khởi tố liên quan đến cáo buộc sai phạm thời điểm ông còn giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, gây thất thoát hơn 55,8 tỷ đồng.
10/2023, ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã bị khởi tố liên quan tới dự án Hạc Thành Tower.
7/2023, khi Việt Nam tiến hành xét xử đại án ‘Chuyến bay giải cứu’, nhà quan sát chính trị David Hutt nói với BBC về chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng:
“Điều này cho thấy bất kỳ chiến dịch chống tham nhũng nào do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng sẽ thất bại nếu không giải quyết một vấn đề thật sự – đó là tình trạng ở một quốc gia độc đảng, các quan chức chỉ bị quan chức cấp cao hơn sờ gáy. Chỉ có thay đổi về hệ thống chính trị mới giải quyết hiệu quả được nạn tham nhũng.”
Philippines xem xét khả năng kiện Trung Quốc, Việt Nam đánh cá bằng xyanua
Minh Anh /RFI
21/02/2024
Ngày 19/02/2024, phát ngôn viên Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Biển Tây Philippines (Biển Đông) cho biết Manila có thể khởi kiện Bắc Kinh và Hà Nội trong bối cảnh có cáo buộc đánh bắt cá bằng chất xyanua tại bãi cạn Scarborough, Biển Đông.
(Ảnh minh họa) – Hải quân Philippines kiểm tra tàu cá Trung Quốc, ở khu vực bãi cạn Scarborough, 10/04/2012. REUTERS/Philippine Army Handout
Trang mạng thông tin GMA Network, dẫn lời ông Jonathan Malaya, cho biết thêm, chính phủ Manila sẽ điều tra các cáo buộc do Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản (BFAR) đưa ra hồi cuối tuần qua, phát hiện đầm phá tại bãi cạn Scarborough đã bị hư hại nặng nề. Cơ quan này nghi ngờ có thể là do ngư dân Trung Quốc và Việt Nam đã dùng xyanure để đánh bắt cá.
Dù vậy, theo ông Jonathan Malaya, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), tỏ ra thận trọng về những cáo buộc trên, đề nghị BFAR thu thập tài liệu, bằng chứng và lời khai. Nếu sự việc được xác nhận, hồ sơ sẽ được chuyển đến bộ Tư Pháp (DOJ) và Văn phòng Chưởng lý (OSG) để có thể nộp đơn kiện lên tòa án.
Bắc Kinh hôm qua đã có phản ứng, cho rằng những lời cáo buộc trên của Philippines là hoàn toàn bịa đặt. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh trong cuộc họp báo còn nhắc rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham Đảo.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines cảnh báo các cơ quan liên quan của Philippines xử lý vấn đề hàng hải « một cách nghiêm túc » và « hợp tác » với phía Trung Quốc trong việc « bảo vệ quan hệ song phương cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông. »
Bộ Thương mại Mỹ nhận rà soát hành chính thuế chống bán phá giá sản phẩm từ Việt Nam
20/02/2024 – VOA Tiếng Việt
Công nhân làm việc tại một xưởng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Tôm đông lạnh là một trong những sản phẩm mà Bộ Thương mại Mỹ đang tiếp nhận hồ sơ rà soát thuế chống bán phá giá.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ra thông báo về thời gian tiếp nhận hồ sơ đề nghị rà soát hành chính thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với một số sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam, cho biết hôm 20/2.
Theo thông báo mà DOC đưa ra ngày 2/2, các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam sẽ được xem xét bao gồm tôm nước ấm đông lạnh, móc treo quần áo bằng thép và tháp gió. Thời kỳ rà soát thuế chống bán phá giá là từ ngày 1/2/2023 đến ngày 31/1/2024.
Theo quy định của Mỹ, thời hạn để các các bên liên quan nộp hồ sơ đề nghị rà soát là trước ngày 29/2/2024.
Thông báo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ được đưa ra vào thời điểm quan trọng trong quan hệ thương mại Mỹ-Việt, để qua đó xem xét tác động rộng hơn của các chính sách và thuế thương mại đối với thương mại quốc tế. Động thái mới nhất của Bộ Thương mại Hoa Kỳ được cho là cơ hội chiến lược để các doanh nghiệp Việt Nam bảo vệ lợi ích của mình và đảm bảo khả năng tiếp cận cạnh tranh vào thị trường Hoa Kỳ.
Trong thời gian qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính và lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới và chiếm hơn 30% kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN. Tuy nhiên, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng gặp nhiều rủi ro về phòng vệ thương mại.
Theo báo cáo của Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 234 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 23% vụ.
Xoài của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
RFA – 21/02/2024
Xoài của Việt Nam được bán tại thị trường Hàn Quốc có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng (HMH)
ANTĐ
Xoài xuất xứ từ Việt Nam và Philippines nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định.
Truyền thông Việt Nam loan tin trên trong ngày 21/2 dựa theo thông báo kết luận từ Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS), sau khi Bộ này tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm xoài nhập khẩu đang được bày bán tại thị trường Hàn Quốc.
MFDS cho biết qua kiểm tra đã phát hiện sản phẩm xoài của Việt Nam được đóng gói trong bao 5kg có tồn dư chất Permethrin – hoạt chất chuyên dùng để trừ bọ xít, sâu ăn lá, sâu đục bông, đục trái…
Do đó, MFDS đã tiến hành thu hồi sản phẩm trên, do Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản C.T xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Theo thống kê của Hải quan Hàn Quốc, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam vào Hàn Quốc là 9,9 triệu USD, tăng hai triệu USD so với năm 2022. Dù vậy, các sản phẩm xoài của Việt Nam vẫn chưa đảm bảo việc an toàn chất lượng nhất là vẫn còn bị phát hiện có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Trước đó, trong năm 2023, 24 tấn ớt đỏ đông lạnh của Việt Nam đang được bán tại thị trường Hàn Quốc cũng đã bị MFDS thu hồi do phát hiện dư lượng PLS vượt ngưỡng cho phép.
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết để sản phẩm Việt Nam xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc thì ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.
Do đó, đại diện Thương vụ VN tại Hàn Quốc khuyến cáo các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường Hàn Quốc.
Việt Nam có kế hoạch xuất khẩu 125.000 người lao động trong năm 2024
21/02/2024
Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Photo Cổng thông tin Chính phủ.
Việt Nam dự kiến đưa 125.000 người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng vào năm 2024, tập trung vào các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc giữa lúc nước này siết chặt công tác quản lý, ngăn việc lao động ở lại bất hợp pháp.
Thông tấn xã Việt Nam hôm 20/2 dẫn lời một quan chức Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) nói rằng trong năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 48.000 lao động đến Đài Loan, 63.000 lao động đến Nhật Bản và 8.500 người đến Hàn Quốc.
Việt Nam ưu tiên đưa người lao động ở các vùng miền khó khăn và các đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài, ông Nguyễn Như Tuấn, Phó Trưởng phòng Thông tin-Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH được TTXVN dẫn lời cho biết.
Ông Tuấn cho rằng việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không đơn giản là tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo mà còn là cách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước trong tương lai.
Năm 2023, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt đỉnh điểm với 155.000 người, trong đó, Nhật Bản tiếp nhận hơn 80.000 lao động; Đài Loan đón hơn 58.000 lao động, Hàn Quốc đón hơn 11.000 lao động.
Hiện có khoảng 650.000 lao động Việt Nam làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH. Trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 140.000 lao động.
Tại Nhật Bản, hiện có khoảng 380.000 lao động Việt Nam, chiếm 18% tổng số lao động người nước ngoài tại nước này, vẫn thống kê trên.
Tại Đài Loan, hiện có 260.000 lao động Việt Nam, chiếm 35% tổng số lao động nước ngoài, trong khi Hàn Quốc đang sử dụng hơn 50.000 lao động Việt Nam, chiếm hơn 11% lao động nước ngoài tại nước này.
Tạp chí Điện tử Lao động và Công đoàn cho biết tính chung hiện có 46.600 người bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại các nước, chiếm 6% tổng số lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.
Trong đó, số người bỏ trốn ở thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ cao nhất, với hơn 12.200 người, chiếm tới 26% tổng số lao động sang làm việc ở nước này. Con số này ở Đài Loan là hơn 24.000 người, chiếm 9%; trong khi ở Nhật Bản là gần 4.700 người, vẫn tạp chí trên.
Như VOA đưa tin, vào tháng 8/2022, Việt Nam phải dừng tuyển chọn xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc đối với cư dân ở bốn tỉnh gồm Hải Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa theo chương trình Hệ thống Cấp phép Việc làm (EPS) do chính quyền Hàn Quốc siết chặt quy chế cấp thị thực sau khi xảy ra tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp, bỏ ra ngoài khi chưa hết hạn hợp đồng hoặc hết hạn không về nước.
Tuy nhiên, vào tháng 1 năm nay, chính phủ Hàn Quốc đã gỡ bỏ lệnh cấm này, nhưng những lao động có thân nhân gồm bố mẹ, vợ chồng, con, anh, chị, em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ không được tham gia chương trình EPS trên.
Truyền thông trong nước cho biết hiện các cấp chính quyền Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, “nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm” đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, với việc rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan.
Việt Nam dẫn đầu ASEAN về số lượng du học sinh
20/02/2024
Sinh viên đến Trường Cao đẳng Khoa học và Nghệ thuật, Đại học Boston, ở Boston, Hoa Kỳ. Số lượng du học sinh Việt Nam đến Mỹ và các nước du học đứng đầu Đông Nam Á.
Thống kê mới đây của UNESCO cho biết số lượng du học sinh mà Việt Nam gửi ra nước ngoài đang dẫn đầu các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vượt qua Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Trong giai đoạn 2021 – 2022, Việt Nam đã gửi hơn 132.000 du học sinh đi các nước, kế đó là Malaysia và Indonesia, mỗi nước có hơn 56.000 du học sinh, và Thái Lan với 32.000 du học sinh, tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế Acumen dẫn thống kê của UNESCO cho biết.
Hai điểm đến hàng đầu của sinh viên Việt Nam là Nhật Bản với 44.100 sinh viên và Hàn Quốc với gần 25.000 sinh viên. Trong khi đó, học sinh Indonesia, Malaysia và Thái Lan đi du học nhiều nhất ở Vương quốc Anh và Úc.
Riêng tại thị trường Hoa Kỳ, số lượng du học sinh Việt Nam cũng đứng đầu Đông Nam Á với hơn 23.100 du học sinh.
Theo Nikkei Asia, Việt Nam nằm trong top 10 nguồn sinh viên quốc tế hàng đầu tại Mỹ trong hơn một thập niên qua. Chỉ riêng năm 2022, sinh viên Việt Nam là nhóm sinh viên nước ngoài lớn thứ năm tại thị trường này.
Trong khi đó, tổ chức giáo dục quốc tế hàng đầu ICEF Monitor cho biết Việt Nam là một trong 10 thị trường hàng đầu thế giới về lượng sinh viên ra nước ngoài. Số lượng du học sinh Việt Nam xếp vào top 5 ở Mỹ, nhiều thứ 2 ở Nhật Bản, đứng thứ 6 ở Úc và dẫn đầu tại Đài Loan.
Lưu Trọng Văn – Đổi mới
20/02/2024
Gã từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Gia Lai. Đi 2.000 kilomet đường quốc lộ, đường xuyên tỉnh: không cổng chào, không khẩu hiệu, không trạm thu phí, không ổ gà, không xóc tưng tưng.
Gã ngạc nhiên những biển báo mà không con đường Việt Nam nào có được: Đi chậm, cấm còi-nai qua đường. Chú ý thú rừng. Bò qua đường.
Về Việt Nam, từ cửa khẩu Lệ Thanh đến Pleiku 75 kilomet hết 2 giờ. Còn từ Siêm Riệp đến Lệ Thanh 570 kilomet hết 7 giờ. Tự nó nói lên điều gì?
Campuchia không khẩu hiệu kiểu “Chào xuân mới, chào đất nước đổi mới” mà chỉ thực hiện chuyển giao thế hệ: Thủ tướng mới, hàng chục bộ trưởng mới mà hầu hết 40 tuổi, hầu hết được đào tạo tại Mỹ và châu Âu.
Anh bạn đồng hành với gã du xuân nói: Bao giờ Việt Nam mình có khẩu hiệu “Mừng xuân mới, mừng đảng đổi mới” thì hy vọng đất nước mới đổi mới.
LƯU TRỌNG VĂN 20.02.2024
Sống ở Việt Nam là phải chấp nhận
Bs Võ Xuân Sơn – 20/02/2024
Mấy ngày nay mạng xã hội ồn ào về cái cao tốc thắt eo. Mọi người bàn tán về cao tốc 2 làn xe, mỗi bên 1 làn, không có dải phân cách cứng, ý kiến này nọ… làm tôi nhớ câu chuyện cao tốc Nội Bài – Lào Cai khoảng 10 năm trước.
Hồi ấy, bao nhiêu bạn khen cao tốc này. Tôi ở trong Nam cũng ngứa ngáy, chạy ra, chạy xe từ Nội Bài lên Lào Cai, xem cái cao tốc này ra sao mà người ta khen quá trời, sẵn tiện thăm lại Sapa. Khi về, tôi viết bài, chê cái đoạn 2 làn, mỗi bên 1 làn, không có dải phân cách cứng. Thế là bị đập tơi bời. Thậm chí còn bị coi là phản động. Nhiều kẻ còn bảo muốn sướng thì cút sang Mỹ mà sướng, Việt Nam chỉ có thế thôi.
Và từ đó, chúng ta bắt đầu có cao tốc 2 làn đường, mỗi bên 1 làn, không có dải phân cách cứng. Chẳng thấy ai nói gì. Bây giờ, cái vụ tai nạn ở cái đoạn thắt eo trên cao tốc La Sơn gì đó, mọi người ra sức đổ riệt cho Bộ GTVT thiết kế ra cái cao tốc thắt eo như vậy. Bộ GTVT đã chẳng bảo là cao tốc này xây đúng thiết kế, vẽ đường đầy đủ đó sao. Các bạn đừng có mà lớn tiếng kết tội họ. Khó như “thu giá” họ còn nghĩ ra được, sá gì chuyện này.
Việt Nam là như vậy, cao tốc Việt Nam là như vậy. Trong mọi so sánh với cao tốc các nước, cao tốc của chúng ta chỉ hơn về chi phí xây dựng, còn lại, mọi cái nó khác lắm. Đi được thì đi, thấy nguy hiểm thì đừng đi. Lái xe trên đó thì phải tập trung vô đường, đừng có mà suy luận. Đường thực tế nó thế nào thì đi thế ấy, đừng có tưởng này tưởng nọ.
Khi đi trên đường thấp tốc, chúng ta đã quá quen với việc chuyển đổi tốc độ đột ngột, với cây cối hay dù che lấp biển báo, hoặc biển báo đặt lung tung… Chúng ta đã quá giỏi trong việc phá bẫy của mấy anh chuyên bố trí ở những đoạn như vậy để kiếm cái không phải là thiết yếu, để không bị mất tiền. Thì chúng ta cũng phải làm quen với các vấn đề của cao tốc Việt Nam, để không bị mất mạng.
Sống ở Việt Nam thì phải quen với việc đó. Nếu không quen được, thì ráng chun vô mấy cái ban dự án đường cao tốc, sáng tạo thêm các cao tốc cả hai bên chỉ có 1 làn đường, thậm chí nửa làn đường cho cả hai chiều cũng được. Kiếm một mớ rồi ra nước ngoài xài cao tốc bên bển.
Việt Nam được dự báo sẽ tăng mức độ thịnh vượng 125% trong thập niên tới
21/02/2024 – VOA Tiếng Việt
Một góc nhìn về sự phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh.
Một báo cáo của công ty phân tích sự thịnh vượng trên toàn cầu New World Wealth và nhóm tư vấn về đầu tư di cư Henley & Partners cho rằng Việt Nam sẽ có mức tăng mạnh nhất về sự thịnh vượng trong thập niên tới khi đất nước củng cố vị thế là trung tâm sản xuất toàn cầu, hãng tin kinh tế hàng đầu thế giới CNBC đưa tin hôm 20/2.
Andrew Amoils, nhà phân tích của New World Wealth, nói với CNBC rằng Việt Nam được dự báo sẽ tăng mức độ thịnh vượng 125% trong 10 năm tới. Theo phân tích của hãng này, đây sẽ là mức tăng lớn nhất về sự thịnh vượng so với bất kỳ quốc gia nào khác xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú.
Một bản tin trong cùng ngày trên trang BnnBreaking.com có trụ sở ở Hong Kong cũng đưa ra thông tin là Việt Nam sẽ gia tăng sự thịnh vượng 125% trong vòng 1 thập niên.
Ông Amoils được CNBC có trụ sở ở New York, Mỹ, dẫn lời nói rằng: “Việt Nam là cơ sở sản xuất ngày càng được ưu chuộng đối với các hãng công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may đa quốc gia”.
Ông nói thêm rằng Ấn Độ đứng ở vị trí thứ nhì sau Việt Nam về mức tăng sự thịnh vượng, dự kiến là 110%. Ở một khía cạnh khác, Ấn Độ được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027.
Theo CNBC, ông Amoils nhận xét rằng Việt Nam, nơi có 19.400 triệu phú và 58 người có hàng trăm triệu đô la, được coi là một quốc gia tương đối an toàn so với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều này tạo thêm động lực cho các công ty mở các cơ sở sản xuất ở Việt Nam.
Hãng tư vấn quản trị kinh doanh McKinsey ở Mỹ đánh giá trong một báo cáo rằng Việt Nam với “vị trí chiến lược” — có chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc và gần các tuyến đường biển thương mại lớn — bên cạnh đó là có chi phí lao động thấp, cũng như cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho xuất khẩu đã biến Việt Nam thành một “điểm đến hàng đầu” cho đầu tư quốc tế, vẫn theo tin của CNBC.
Cách đây 10 năm, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ là khoảng 2.190 đô la, song con số này tăng gần gấp đôi lên 4.100 đô la, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới.
Ông Andy Ho, giám đốc đầu tư của tập đoàn VinaCapital, viết trong email gửi đến CNBC: “Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hầu hết người dân đều được hưởng lợi”.
Ông Ho đưa ra quan sát rằng Việt Nam cũng đang được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, với nhiều công ty đa quốc gia đa dạng hóa sản xuất bằng cách chuyển sang Việt Nam, trong khuôn khổ chiến lược “Trung Quốc + 1”, và Việt Nam đã chứng kiến dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ đổ vào không ngừng từ các hãng đa quốc gia.
Theo tìm hiểu của VOA, hồi tháng 12/2023, Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam ghi nhận rằng tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 36,6 tỷ đô la, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Andy Ho bình luận với CNBC rằng: “Các khoản đầu tư nước ngoài là “tiền đọng lại”, tạo ra việc làm tốt với mức lương hậu hĩ và giúp hàng triệu người Việt Nam cải thiện chất lượng sống”.
Tăng trưởng của Việt Nam có động lực là quá trình công nghiệp hóa lấy xuất khẩu làm chủ đạo, được thúc đẩy bởi ba làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ba thập kỷ qua và đất nước đang đứng trước làn sóng thứ tư, ông Brian Lee, Chuyên gia kinh tế và Trợ lý Phó Chủ tịch Maybank, nói trong bản tin của CNBC.
Mặc dù vậy, có một số trở ngại có thể cản trở tốc độ tăng trưởng nhanh của Việt Nam.
Ông Lee lưu ý rằng lực lượng lao động của đất nước này sẽ cần được đào tạo nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của các hoạt động sản xuất phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng.
Ông nói thêm: “Có thể làm nhiều hơn nữa để tối đa hóa sự lan tỏa về năng suất từ FDI, thông qua sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các công ty nước ngoài và các đối tác trong nước”.
Ông Ho của VinaCapital cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài cũng có thể tác động đến nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường phát triển, từ đó có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Bất kỳ sự “giảm giá mạnh” nào của đồng tiền cũng có thể gây trở ngại.
Tuy nhiên, ông Ho nhận định trên CNBC rằng Việt Nam sẽ có thể vượt qua những thách thức có thể nảy sinh trong tương lai: “Phải có nhiều chuyện xảy ra mới làm cho đất nước này chệch khỏi con đường tăng trưởng hiện tại”.