Chuyện Việt Nam Thứ Tư 25 tháng 10 năm 2023


Quê Hương tổng hợp


Uan Tieu -Chuyện người đàn bà treo cổ.

Sài-gòn, ngày 25/10/2023.

Chuyện ả kia treo cổ

Để lại bốn trăm ngàn

Cho bốn đứa con nhỏ

Rúng động đất Thần-kinh

Dân tình xúm lại giúp

San sẻ nỗi bi ai

Vì lãnh đạo đang mắc

Phiếu tín nhiệm trên tay

Đem ấm no nhân ái

Cho toàn dân chúng mình

Bức tranh kinh tế sáng

Chói lòa sẽ tới ngay

Con dân cứ đợi đấy

Ngày kia sẽ lấp đầy

Cứ tin và cứ đợi

Hạnh phúc sẽ liền tay.

Sài-gòn, ngày 25/10/2023.

Túng quẫn vì nghèo khó, người phụ nữ để lại 400 ngàn đồng cho các con rồi tự tử

Quang Thành 

Nghèo khó bủa vây khiến người phụ nữ ở TT-Huế lâm vào bế tắc. Chị bỏ lại 400 ngàn đồng trong túi áo rồi quẫn trí treo cổ tự tử. 4 đứa con thơ vốn không có cha, nay lại lâm cảnh mồ côi mẹ.

Trời tối dần, trong lúc những đứa trẻ khác đang quây quần cùng gia đình bên mâm cơm nóng hổi thì 4 chị em Oanh – Linh – Như – Na lại không nhà cửa, không bố mẹ, thất thần ở nhờ căn nhà nhỏ của một người bà con. 

Nguyễn Nữ Kiều Oanh (18 tuổi), Nguyễn Nữ Kiều Linh (16 tuổi), Nguyễn Nữ Kiều Như (5 tuổi), Nguyễn Nữ Kiều Na (2 tuổi) là các con của chị Nguyễn Thị Bích (trú thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế. Từ nhỏ các em đã không có cha, không có chỗ ở ổn định. Thương xót mấy mẹ con, vợ chồng chị họ đã cho mượn căn nhà tạm bên vệ đường làm nơi tá túc, cũng là để chị Bích có chỗ buôn bán lặt vặt, kiếm tiền nuôi các con.

https://vietnamnet.vn/tung-quan-vi-ngheo-kho-nguoi-phu-nu-de-lai-400-ngan-dong-cho-cac-con-roi-tu-tu-2171315.html


Thêm nhóm tình nguyện Peace Corps đến Việt Nam, dạy tiếng Anh ở Tp.HCM 

24/10/2023 – VOA Tiếng Việt 

Nhóm tình nguyện viên thứ hai của Peace Corps vừa đến Việt Nam. Photo Facebook Peace Corps Vietnam.

Nhóm tình nguyện viên thứ hai của Peace Corps vừa đến Việt Nam. Photo Facebook Peace Corps Vietnam. 

Nhóm tình nguyện viên thứ hai của Peace Corps (Đoàn Hòa Bình Hoa Kỳ) vừa đến Việt Nam hôm 22/10 và sẽ trở thành nhóm đầu tiên phục vụ tại thành phố lớn nhất nước trong nỗ lực giảng dạy tiếng Anh cho người dân địa phương.

“Họ là nhóm Tình nguyện viên của đầu tiên của Peace Corps phục vụ, sống và làm việc cùng với các giáo viên địa phương tại thành phố Hồ Chí Minh”, Đại sứ quán Mỹ cho biết trên Facebook hôm 23/10.

Các tình nguyện viên trong nhóm này sẽ bắt đầu 10 tuần đào tạo toàn diện từ tuần này, và sẽ sớm cùng 9 tình nguyện viên hiện tại tham gia chương trình giáo dục tiếng Anh đã được khởi động từ năm trước.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết khóa đào tạo toàn diện sẽ tập trung về giao thoa văn hóa, ngôn ngữ và kỹ năng giảng dạy.

“Vào năm 2024, nhóm tình nguyện viên thứ hai của chúng tôi sẽ bắt đầu phục vụ tại thành phố Hồ Chí Minh. Việc mở rộng chương trình này về mặt địa lý phù hợp với thỏa thuận quốc tế do hai nước ban hành và báo trước về thiện chí không ngừng khi Peace Corps xây dựng mối quan hệ và niềm tin với các đối tác của chúng tôi”, ông Mikel Herrington, Giám đốc Quốc gia Peace Corps, viết trên trang web chính thức.

Peace Corps với sứ mệnh thúc đẩy hòa bình và hữu nghị thế giới đã hoạt động tại 143 quốc gia trong gần 62 năm qua. Chương trình tại Việt Nam, triển khai từ năm 2020, được cả Hà Nội và Washington đánh giá là một mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, “xây dựng trên nền tảng ngoại giao nhân dân và quan hệ đối tác chặt chẽ trong nhiều thập niên”.


VN muốn học mô hình TQ để nâng cấp chỉ số chứng khoán, thúc đẩy đầu tư 

BBC News

Một nhà đầu tư ngồi trước màn hình hiển thị thông tin bảng chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội, Việt Nam ngày 6/7/2018

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Một nhà đầu tư ngồi trước màn hình hiển thị thông tin chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội, Việt Nam ngày 6/7/2018

Các nguồn tin cho biết, Việt Nam đang có kế hoạch nới lỏng các thủ tục thanh toán trên thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài, một biện pháp quan trọng để thuyết phục các nhà quản lý chỉ số chứng khoán đưa nước này lên vị trí thị trường mới nổi và thu hút hàng trăm triệu USD đầu tư mới, theo Reuters.

Theo một mô hình của Trung Quốc, Việt Nam sẽ cho phép các nhà môi giới bảo lãnh cho các nhà đầu tư nước ngoài khi họ mua cổ phiếu, một động thái được nhà cung cấp chỉ số FTSE coi là một bước tiến và có thể giúp loại bỏ rào cản pháp lý đã cản trở việc nâng cấp chỉ số của Sàn Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (.VNI) trong nhiều năm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam, thị trường nhỏ nhất trong số các nền kinh tế chính ở Đông Nam Á, hiện được cả MSCI và FTSE xếp hạng là thị trường cận biên. Điều đó ngăn cản nhiều quỹ, nhà đầu tư và công ty gia đình đầu tư vào các công ty niêm yết tại đây.

Những người quen thuộc với cuộc đàm phán cho biết, các chuyên gia của FTSE đã đến thăm Việt Nam vào tuần trước và được trình bày chi tiết về kế hoạch mới nhằm phá vỡ bế tắc kéo dài nhiều năm.

Bà Lê Thị Lệ Hằng, giám đốc chiến lược của công ty môi giới hàng đầu Việt Nam SSI, người trực tiếp tham gia vào kế hoạch, cho biết: “Các cuộc họp tuần trước với FTSE rất tích cực và có thể đưa đến việc nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam lên vị trí thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9/2025”.

Để đáp ứng mốc thời gian đó, FTSE sẽ cần thông báo việc nâng cấp sớm nhất là vào tháng 9 năm sau, sáu hoặc mười hai tháng trước khi thực sự nâng cấp, theo quy trình của họ.

Nếu được nâng cấp, Việt Nam sẽ tham gia cùng với Indonesia, Philippines, Qatar và Trung Quốc, tiến lên từ vị trí thị trường cận biên mà Việt Nam hiện chia sẻ với các thị trường kém phát triển hơn như Sri Lanka và Kenya, nơi Việt Nam chiếm tới 38% tổng vốn hóa lợi nhuận.

Miếng bánh hàng triệu đô

Theo kế hoạch mới, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế giải quyết các khoản thanh toán cho các giao dịch cổ phiếu có thể đáp ứng yêu cầu chính từ FTSE về việc nâng cấp.

Ở các thị trường tiên tiến, nhà đầu tư thanh toán giao dịch hai ngày sau khi mua cổ phiếu, nhưng ở Việt Nam, họ phải chuyển tiền ngay trong ngày, gây ra chi phí và rủi ro cao hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Để vượt qua rào cản này, chính quyền và các nhà môi giới Việt Nam đang tạo ra một cơ chế tương tự như cơ chế được sử dụng ở Trung Quốc, theo đó các công ty chứng khoán sẽ bảo lãnh thanh toán cho các quỹ nước ngoài, cấp tín dụng cho họ trong hai ngày cho đến khi giao dịch hoàn tất.

Họ sẽ chấp nhận một số rủi ro, nhưng sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn mới mà SSI ước tính có thể vào khoảng 800 triệu USD chỉ từ các quỹ thụ động, giả định tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số thị trường mới nổi là 1%.

Các quỹ đang hoạt động được ước tính sẽ đầu tư gấp 5 lần vào thị trường mới nổi FTSE này ,điều này có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn nhiều cho thị trường TP.HCM, nơi hiện có vốn hóa 179 tỷ USD.

FTSE và cơ quan quản lý thị trường Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Trong bản cập nhật mới nhất về Việt Nam phát hành vào tháng trước, FTSE cho biết mặc dù tiến độ cải cách thị trường theo kế hoạch vẫn còn chậm nhưng chính phủ đã đưa ra cam kết về những công việc cần thiết.

FTSE cho biết: “Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã chứng tỏ năng lực đổi mới trong việc tìm kiếm một giải pháp khả thi nhằm loại bỏ nhu cầu cấp vốn trước”.

Theo quy định của Việt Nam, các ngân hàng không được phép cấp tín dụng cho người nước ngoài, điều này đã cản trở sự tham gia của họ và gây ra các cuộc đàm phán phức tạp về việc nâng cấp.

Các nguồn tin cho biết cơ chế này vẫn cần được hoàn thiện và trải qua thời gian thử nghiệm kéo dài nhiều tháng trong khi các quy định hiện hành được điều chỉnh.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần được tư vấn. Họ kêu gọi Trung Quốc loại bỏ yêu cầu cấp vốn trước, hoặc ít nhất cho phép các ngân hàng tham gia để giúp giao dịch dễ dàng hơn và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.


Thanh Hoá: Dân vẫn biểu tình phản đối Dự án Cảng container Long Sơn sau quyết định khởi tố hình sự

RFA
25/10/2023

Thanh Hoá: Dân vẫn biểu tình phản đối Dự án Cảng container Long Sơn sau quyết định khởi tố hình sự

Bờ biển khu vực Dự án container Long Sơn 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFb Mai Dung 

Hàng chục người dân xã Hải Hà nơi chịu tác động của Dự án Cảng container Long Sơn tiếp tục tập trung phản đối bất chấp quyết định khởi tố vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng” của Công an thị xã Nghi Sơn đưa ra hai ngày trước đó.

Chiều ngày 23/10, Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định khởi tố vụ án, coi việc biểu tình của khoảng 300 người dân xã Hải Hà vào sáng cùng ngày là hành vi cản trở, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài 1 km dọc tuyến đường tỉnh lộ 513.

Quyết định này có thể dẫn đến việc khởi tố bị can đối với những người phản đối dự án. Theo một số người trực tiếp tham gia vào cuộc biểu tình, lực lượng an ninh địa phương đã quay phim, chụp hình và thu thập thông tin về những người tham gia biểu tình.

Công an xã Hải Hà ra thông báo từ ngày 23/10 yêu cầu công dân ở địa phương chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không được tụ tập gây rối, lôi kéo, kích động, hoặc nghe theo các đối tượng xúi giục, cản trợ việc thi công bến số 3 Dự án Cảng container Long Sơn.

Tuy nhiên, trong hai ngày 24 và 25/10, người dân xã Hải Hà vẫn tiếp tục tập trung tại khu vực thi công bến số 3 của Dự án Cảng container Long Sơn nhằm ngăn cản việc triển khai các công việc của dự án.

Theo chị T. một người tham gia biểu tình không muốn công khai danh tính cho hay, hàng chục người và nhiều lúc hàng trăm người dân túc trực ngày đêm vài ngày gần đây để bảo vệ bờ biển của mình.

Người dân nói gì?

Xã Hải Hà có gần 3.000 hộ dân với gần 11.000 nhân khẩu, đa số họ làm nghề đi biển, đánh bắt moi (tép) để bán.

Đối với ngư dân, khu vực ven biển rất quan trọng cho cuộc sống mưu sinh, là nơi người dân đánh bắt hải sản và neo đậu tàu thuyền.

Chị V. – một người phụ nữ có gia đình làm nghề đánh bắt thuỷ sản, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh trong ngày 24/10:

Chúng tôi không đồng tình với Dự án cảng container Long Sơn tại vì cái biển này là biển sinh sống của chúng tôi. Gần ven bờ chúng tôi đánh bắt, đi vào đi ra… mà bây giờ thuyền đậu gần bờ biển có khi đánh bắt trong bờ cũng có. 

Khi làm cảng người ta không cho chúng tôi đánh bắt nữaCó nguy cơ là không còn những con moi, con cá để mà đánh bắt nữa, với lại đường đi lại, phương tiện của chúng tôi đi vào đi ra khó khăn, trắc trở. Làm cảng lên thì chúng tôi cũng bị ô nhiễm bụi bặm, tại vì chúng tôi sống ở vùng biển, làm cảng lên thì chúng tôi hứng chịu tất cả.”

Nói về cuộc biểu tình ngày 23/10, người này nói: 

Chúng tôi đi diễu hành, không xúc phạm ai không làm chi cả. Không ai xúc phạm chi đến công an. Chúng tôi đi đúng theo quy luật giao thông, đi vào ven bờ, đi diễu hành theo hàng. Tất cả toàn dân chúng tôi đều đồng lòng.

Chúng tôi có 500 hộ thuyền, tất cả 500 hộ thuyền đều đồng lòng đi (biểu tình) hết cả.”

Người này cho biết trong thời gian gần đây, chính quyền địa phương đe dọa người dân sẽ khởi tố bị can và bắt giữ những người biểu tình phản đối dự án này.

Chị T. có chồng làm nghề đánh bắt moi ven bờ, trong khi chị ở nhà chế biến và bán sản phẩm gia đình làm ra.

Mọi chi phí của gia đình, bao gồm việc học hành của con cái, đều phụ thuộc hết vào biển. Do vậy, việc xây dựng Dự án Cảng container Long Sơn làm người đàn bà trung niên này rất lo lắng cho mưu sinh sau này.

Chị viết trong tin nhắn gửi RFA ngày 25/10:

Nguyện vọng của chúng tôi là không muốn xây dựng cảng containner Long Sơn vì chỗ đó là bãi (biển) của ông cha để lại từ nhiều đời qua. Nếu cảng container Long Sơn làm lên thì người dân chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng ô nhiểm, không có chỗ neo đậu tàu thuyền, không còn bãi để làm ăn.”

Nói về việc có nguy cơ bị khởi tố về cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” với mức án tù có thể lên đến bảy năm, chị T. khẳng định:

Chúng tôi không sợ đi tù, vì chúng tôi không muốn mất bãi biển quê hương chúng tôi.  

Nếu bị buộc phải di dời, thì phải bồi thường thoả đáng cho chúng tôi đồng thời phải bảo đảm đến chỗ có nơi cho dân chúng tôi chỗ neo đậu tàu thuyền an toàn.”

Truyền thông nhà nước đưa tin nhà chức trách tỉnh Thanh Hoá đã khảo sát kỹ lưỡng, đánh giá tác động môi trường của dự án, và đã tham khảo ý kiến người dân. Tuy nhiên, chị T. cho hay chính quyền chỉ đến nhà dân thuyết phục họ không phản đối dự án khi dự án đã được phê duyệt và chủ đầu tư bắt đầu tiến hành công việc.

Khói bụi từ các dự án công nghiệp bủa vây Hải Hà

Xã Hải Hà có diện tích tự nhiên hơn 1.200 ha. Xung quanh xã là năm dự án công nghiệp: Phía Bắc là Nhà máy xi măng và Cảng than, phía tây là nhà máy nhiệt điện, phía nam là nhà máy gang thép, và phía đông là Dự án Cảng container Long Sơn.

Trong nhiều năm qua, các dự án này có mang lại việc làm cho một số người dân địa phương. Tuy nhiên, hệ luỵ mà tất cả người dân ở đây phải gánh chịu là ô nhiễm môi trường trầm trọng từ bốn dự án hiện hành.

Chị V. cho biết:

Khu làng của chúng tôi nhỏ lắm, nằm ở ven biển có tí xíu bờ biển thôi. Hứng chịu tất cả những bụi bặm, bụi than bụi thép đã quá nhiều, bao trùm ngôi làng của chúng tôi.

Từ khi các nhà máy xí nghiệp thép, cảng than mọc lên thì chúng tôi hít bụi than rất là nhiều, nhà cửa lúc nào cũng đen xì xì. Ngày nào con cái hít bụi, đi chơi về hai lỗ mũi đen ngòm. Trẻ em đi khám bệnh có giấy của viện là bị viêm họng nặng do môi trường không khí không trong lành.

Sáng 25/10, chính quyền tỉnh Thanh Hoá điều động hàng chục cảnh sát cơ động đến xã Hải Hà để buộc bà con ngư dân rời khỏi khu vực thi công. Tuy nhiên, người dân địa phương, phần lớn là phụ nữ, vẫn bám trụ và phía công an chưa có hành vi trấn áp.

Chị V. cho biết buổi trưa lực lượng công an rút về nghỉ ngơi, chưa rõ diễn biến thế nào trong thời gian tới. 

Dự án Cảng container Long Sơn

Dự án Cảng container Long Sơn, nằm ở phần ven biển của xã Hải Hà, do Công ty TNHH Long Sơn đầu tư, dự kiến đầu tư bến cảng trị giá hơn 750 tỷ đồng, trên diện tích mặt nước khoảng 15 ha, chiều dài bến cảng 250 m, dự kiến khai thác vào năm 2025.

Theo TTXVN, việc triển khai xây dựng dự án vào thời điểm này là rất cần thiết nhằm hình thành, phát triển khu vực cảng container chuyên dụng đầu tiên tại Cảng Nghi Sơn.

Tờ báo này cũng cho biết, khi hình thành Bến số 3 sẽ tạo thành đê chắn sóng, chắn gió, đồng thời tạo thành vùng nước, diện tích khoảng 10 ha phục vụ ngư dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn.

Dự án cũng được cho là góp phần tăng nguồn thu cho Thanh Hóa, tạo nhiều việc làm cho người lao động ở xã Hải Hà, cùng nhân lực trong, ngoài tỉnh, tuy vậy một số người dân khẳng định họ không hề được hỏi ý kiến về dự án mặc dù là đối tượng chịu tác động.


‘Chị Dậu’ ngày nay: Quá túng quẫn, mẹ tự tử để lại cho các con… 400 ngàn đồng

Lê Thiệt /SGN
24 tháng 10, 2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/05-mo-coi-1.jpg

Chị Bích ra đi, để lại 4 đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Đại diện chị Trang Võ (ở Mỹ) trao chút tiền giúp đỡ các cháu – Ảnh: VietnamNet 

Trong bộ môn văn học cấp trung học từ nhiều năm nay, học sinh được dạy tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Tác phẩm này được xem như đại diện cho nền văn học hiện thực phê phán với nội dung nói về cuộc sống khốn khổ của tầng lớp nông dân Việt Nam đầu thế kỷ XX dưới thời thực dân Pháp.

Đương nhiên, lồng vào đó, giáo viên sẽ ca ngợi cuộc sống hiện nay, “ấm no, hạnh phúc nhờ tài lãnh đạo của Đảng CSVN”.

“Tắt đèn” là một tác phẩm hư cấu, nói lên thân phận của người phụ nữ bị dồn đến đường cùng. Tuy vậy, cái “tiền đồ” của chị Dậu vẫn còn sáng hơn câu chuyện về chị Nguyễn Thị Bích và bốn đứa con của chị ngày nay, một người mẹ cùng quẫn đến nỗi phải tìm đến cái chết trong một chế độ tồi tệ hơn chế độ phong kiến gấp trăm lần.

Câu chuyện về gia đình chị Nguyễn Thị Bích (trú thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) không chỉ làm cho người ta rơi nước mắt, mà còn khơi dậy lòng căm phẫn…

Người ta kể, chồng chị Bích mất hồi năm trước, một mình chị, không nhà cửa mà còn tay xách, nách mang bốn đứa con gái. Đứa lớn nhất năm nay 18 tuổi, nhỏ nhất chưa đầy 2 tuổi. Thương xót mấy mẹ con, vợ chồng chị họ đã cho mượn căn nhà tạm bên vệ đường làm nơi tá túc, cũng là để chị Bích có chỗ buôn bán lặt vặt, kiếm tiền nuôi các con.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/05-mo-coi-3.jpg

Mẹ mất, Oanh phải nghỉ học để ở nhà chăm cho ba đứa em thơ – Ảnh: VietnamNet 

Cách đây gần 3 tháng, người dân thôn Diên Đại bàng hoàng hay tin chị Bích trong phút giây quẫn trí, đã dại dột quyết định tự tử. Gia tài duy nhất chị để lại cho bốn đứa con là 400 ngàn đồng trong túi chiếc áo bạc màu, chẳng đủ mua cái quan tài cho chị nằm. Hàng xóm xúm vào người góp công, người góp tiền lo ma chay cho chị.

Từ những đứa trẻ không cha, nay bốn đứa con mất luôn người mẹ, vốn là chỗ dựa duy nhất của cuộc đời. Trong tang lễ mẹ, Kiều Oanh, đứa con gái lớn của chị Bích, đã khóc đến lả người, thất thần nhìn các em, ngậm ngùi cho số phận bất hạnh của gia đình.

Chị Nguyễn Thị Hiền (em gái chị Bích) chia sẻ:

“Thương nhất vẫn là các cháu, đêm nào tôi cũng nghe tiếng khóc rấm rứt. Bọn nhỏ chưa hiểu chuyện thì hỏi ‘mẹ con mô rồi’, nghe mà buốt lòng”.

Dù thay chị gái gánh vác nuôi các cháu song với hoàn cảnh khó khăn hiện tại, chị Hiền chỉ có thể lo được bữa rau bữa cháo, khó mà cho bọn trẻ được đi học đầy đủ. Cháu Kiều Oanh đã lớn, có thể đi làm nhưng còn Linh, Như, Na vẫn cần đến trường, không biết tương lai các con sẽ ra sao.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/05-mo-coi-2.jpg

Căn nhà nhỏ của bốn chị em Kiều Oanh được người thân cho mượn ở tạm – Ảnh: VietnamNet 

Hỏi chính quyền xem có cách nào lo cho bốn đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ này không, thì một ông lãnh đạo UBND xã Phú Xuân (không dám nêu tên) nói, hoàn cảnh các cháu thật đặc biệt éo le, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, chứ còn chính quyền thì cũng chỉ dành sự quan tâm, chia sẻ với các cháu về… tinh thần thôi.

Mà chưa thấy hội phụ nữ, hội bảo vệ trẻ em nào lên tiếng giúp đỡ.

Viết đến đây, chợt nhớ câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay” mà thấy đau lòng.

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/chi-dau-ngay-nay-qua-tung-quan-me-tu-tu-de-lai-cho-cac-con-400-ngan-dong/embed/#?secret=DsPKQ9YlEG#?secret=1LBx40tCWE

VN bắt các lãnh đạo ngành đất hiếm giữa kế hoạch thách thức sự thống trị của TQ 

BBC News – 25/10/2023

Ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE)

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE)

Công ty Blackstone Minerals hôm đầu tuần cho hay sẽ tiếp tục tham gia đấu giá nhượng quyền đất hiếm ở mỏ Đông Pao của Việt Nam dù lãnh đạo Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE) bị bắt tuần trước vì vi phạm quy định khai thác mỏ, theo Reuters.

Chính phủ Việt Nam có kế hoạch tăng sản lượng đất hiếm thô lên 2,02 triệu tấn mỗi năm vào 2030 để thách thức sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, mới đây, công an Việt Nam đã bắt giữ sáu người bị cáo buộc vi phạm các quy định khai thác mỏ, trong đó có ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE) – công ty được cho là đi đầu trong nỗ lực tạo ra ngành công nghiệp đất hiếm có thể giúp Việt Nam đáp ứng tham vọng nói trên. 

Ông Lưu Anh Tuấn bị buộc tội giả mạo biên lai thuế giá trị gia tăng khi mua bán đất hiếm với Tập đoàn Thái Dương, công ty điều hành một mỏ ở tỉnh Yên Bái, miền bắc Việt Nam, theo Bộ Công an Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch bán đấu giá các nhượng quyền khai thác đất hiếm mới vào cuối năm nay, VTRE nằm trong số cấc công ty tham gia đấu thầu.

Văn phòng của VTRE tại Hà Nội đã đóng cửa nhiều ngày, theo Reuters.

VTRE đã hợp tác với các công ty khai thác mỏ Australia Australian Strategic Materials (ASM) (ASM.AX) và Blackstone Minerals LTD (BSX.AX), những công ty không có tên trong cuộc điều tra của cơ quan chức năng Việt Nam.

Blackstone cho biết vào tháng Chín rằng họ đã đồng ý hợp tác với VTRE để giành được quyền nhượng quyền tại mỏ lớn nhất nước, Đông Pao, ở tỉnh Lai Châu. Một giám đốc điều hành của Blackstone đã nói với Reuters rằng khoản đầu tư của họ vào dự án sẽ lên tới khoảng 100 triệu USD nếu giành được nhượng quyền.

ASM đã ký thỏa thuận ràng buộc vào tháng Tư với VTRE về việc mua 100 tấn đất hiếm đã qua chế biến trong năm nay và cam kết đàm phán một thỏa thuận cung cấp dài hạn hơn.

Theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ lượng khoáng sản quan trọng lớn thứ hai – được sử dụng để sản xuất ô tô điện và tua-bin gió – sau Trung Quốc.

Người đứng đầu Tập đoàn Thái Dương, Đoàn Văn Huấn, người cũng bị bắt, bị buộc tội thu lợi 25,80 triệu USD từ việc buôn bán trái phép quặng khai thác từ mỏ của công ty ông ở tỉnh Yên Bái.

Cảnh sát đã tạm giữ 13.715 tấn quặng đất hiếm trong một cuộc đột kích vào cơ sở của tập đoàn Thái Dương.

Reuters gọi điện đến số của tập đoàn Thái Dương hôm 20/10 nhưng không ai bắt máy.

Thông cáo của chính phủ Việt Nam không nói rõ điều gì khiến việc bán số khoáng sản này bất hợp pháp, nhưng một nguồn tin của Reuters nói rằng quặng thô ở các mỏ của Yên Bái đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, do giá tinh chế loại quặng này trong nước không có lãi.

Theo luật Việt Nam, xuất khẩu quặng thô nói chung bị hạn chế, vì nước này muốn tăng cường năng lực tinh chế.

Giới chức cũng tăng cường trấn áp việc khai thác bất hợp pháp đất hiếm từ các mỏ bị bỏ hoang trong các tháng gần đây.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với cả sáu người này.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cyx149lqxrvo

Dương Quốc Chính – Luật ngầm 

Việc bắt những người nổi tiếng có hành vi “lệch chuẩn” như Khá bảnh, Hằng Đại Nam hay Ngọc Trinh, Tịnh thất Bồng Lai và có thể còn nữa ; cho thấy rằng công an đang áp dụng một luật ngầm cho những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.

Tất nhiên ảnh hưởng có thể là tích cực hay tiêu cực, hoặc lẫn lộn cả hai.

Những người/nhóm nói trên có đặc điểm chung là có những hành động, phát ngôn, bị coi là “lệch chuẩn” với chính quyền hoặc với tổ chức, cá nhân, xã hội. Cái ngầm ở đây chính là việc tạo nên sự bất bình đẳng trước pháp luật, giữa người nổi tiếng và không nổi tiếng. 

Chẳng hạn, bạn chửi chế độ, lãnh tụ, ở quán bia, hay trong một nhóm kín Facebook  hoặc status có quá ít friend và follower, thì chả sao cả. Nhưng nếu Facebook, kênh YouTube có trên vạn người theo dõi, thì có thể sẽ bị xử lý. 

Như mấy người trên thì lượng theo dõi có thể tới hàng triệu, nên họ bị xử lý hình sự cho một tội danh khá mơ hồ ; đại khái là gây ảnh hưởng xấu tới nhận thức của đám đông hay xúc phạm tổ chức, cá nhân. Như vậy rõ ràng là có sự bất bình đẳng trước pháp luật giữa người nổi tiếng và không nổi tiếng. 

Hay nói cách khác là pháp luật đã không rõ ràng, nên mới phải dùng luật ngầm. Tuy nhiên, việc bổ sung hay làm rõ luật trong trường hợp này là không dễ. Vì mạng xã hội phụ thuộc yếu tố công nghệ, nên rất khó có thể định lượng được mức độ ảnh hưởng của một hành vi, lời nói. Nhất là khi những thứ đó đều có thể làm giả.

Ví dụ, một Facebook có 100 ngàn người theo dõi, nhưng hoàn toàn có thể mua được theo dõi ảo. Hay một status có hàng vạn tương tác, nhưng cũng có thể mua dễ dàng. Mức độ ảnh hưởng có khi lại thấp hơn nhiều so với status của người khác có lượng tương tác thật. Như mình bây giờ đang bị bóp tương tác. Nhỡ bị sao thì mình có thể cãi là : Tuy em có lượng theo dõi cao, nhưng mà em bị Facebook nó bóp tương tác, nên anh hạ cho em mức độ ảnh hưởng xuống một nửa thôi. Tức là mặc cả được!

Vậy làm thế nào để định lượng mức độ ảnh hưởng? Vô phương, sự định lượng theo lượng tương tác, comment chỉ tương đối và hoàn toàn có thể bị cãi là ảo!

Ngoài ra, sức ảnh hưởng cũng còn tùy từng thành phần xã hội. Ví dụ một KOL mà có ảnh hưởng với giới cần lao manh động, thì rõ ràng là sẽ nguy hiểm trong việc kích động bạo động. KOL khác có ảnh hưởng tới giới trí thức thì không lo manh động, nhưng lại lo ngại về việc thay đổi nhận thức của xã hội. Vậy ai nguy hiểm hơn ai? Cần bắt ai trước? Chắc chắn là dựa trên cảm tính của phía công an hay cơ quan chức năng. 

Mình chưa tìm hiểu xem ở các nước phát triển họ xử lý vấn đề này ra sao. Nhưng cách xử lý của Việt Nam cho thấy rằng vai trò của giáo dục nhà trường và gia đình là quá thấp so với sức ảnh hưởng của mạng xã hội. Các trường hợp bắt bớ kể trên cho thấy chính quyền quá tự ti, mặc cảm, trước khả năng giáo dục chính thống. 

Chứ như mình hay con cái mình, thì sẽ thừa khả năng nhận thức là đừng có ngu dốt ; và chắc chắn không thể làm được việc hai thằng chở nhau trên xe máy bằng cách chồng đầu! Hoặc cũng phải giáo dục để giới trẻ biết là không nên lái xe máy bằng cách thả hai tay hay nằm ra yên, vì sẽ nguy hiểm và có thể bị phạt.

Việc bắt bớ này vô hình trung đã đề cao chị Hằng hơn cả VTV, Thiền Am hơn giáo hội Phật giáo, Ngọc Trinh, Khá bảnh còn hơn thày cô giáo về khả năng giáo dục. Lẽ ra, không cần phải lo sợ về sức ảnh hưởng kiểu này, ai phạm luật đâu thì xử lý đó. Như Ngọc Trinh chỉ cần xử phạt hành chính, chỉ bắt bớ khi tái phạm nhiều lần…Tóm lại là vẫn phải điều chỉnh luật để không phải sử dụng luật ngầm với sự bất bình đẳng. Phải chăng cần có thêm luật điều chỉnh hành vi của người nổi tiếng, bao gồm cả quan chức?

Các con vật đều bình đẳng, nhưng những con KOL sẽ được ít bình đẳng hơn.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 24.10.2023

Comments are closed.