Cựu Giáo sư Harvard bị kết án quản thúc vì khai gian mối quan hệ với Trung Quốc (ET)


Cựu Giáo sư Harvard bị kết án quản thúc vì khai gian mối quan hệ với Trung Quốc

Giáo sư Charles Lieber thuộc Đại học Harvard bị quản thúc vì khai man về mối quan hệ với Trung Quốc. (Ảnh: Wikipedia)

 Bình luậnXia Yu • 14:54, 27/04/23

Các công tố viên liên bang Hoa Kỳ cho biết một cựu Giáo sư Đại học Harvard (Mỹ) đã bị kết án 6 tháng quản thúc tại gia vì che đậy mối quan hệ của ông với Chương trình Ngàn nhân tài của Trung Quốc.

Đây là một trong những vụ án nghiêm trọng nhất trong nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đánh cắp thành quả nghiên cứu khoa học của Mỹ.

Ông Charles Lieber, 64 tuổi, một nhà khoa học chuyên ngành vật liệu nano nổi tiếng và là cựu trưởng khoa Hóa học của Đại học Harvard, đã bị kết án vào tháng 12/2021. Hôm thứ Tư (26/4), Thẩm phán Rya Zobel ở Boston đã tuyên bố ông Lieber không bị án tù giam trong bản án vào tháng 12/2021.

Trong khi đó, Luật sư của ông Lieber, ông Marc Mukasey, cho biết, thân chủ của ông bị “mất uy tín” bởi công việc của ông ở Trung Quốc và hiện ông Lieber đang mắc bệnh ung thư, điều này sẽ khiến ông “phát bệnh nếu bị tống vào nhà giam”.

Thẩm phán đã ra lệnh cho ông Lieber nộp phạt 50.000 USD (khoảng 1,17 tỷ VNĐ) và hoàn trả 33.600 USD (789 triệu VNĐ) cho Sở Thuế vụ (IRS).

Bên cạnh đó, ông Lieber cũng bị kết án 2 năm phóng thích có giám sát, trong đó 6 tháng đầu tiên bị quản thúc tại gia.

Trong khi đó các công tố viên đã yêu cầu thẩm phán kết án ông Lieber 90 ngày tù giam, một năm quản chế (bị giám sát), phạt 150.000 USD (3,48 tỷ VNĐ) và hoàn trả 33.600 USD cho IRS. Các công tố viên cho biết khuyến nghị đã tính đến chẩn đoán của ông Lieber vào khoảng năm 2014 về bệnh ung thư hạch. Ông Lieber đã và đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư này.

Vào ngày 21/12 năm ngoái, một bồi thẩm đoàn liên bang Hoa Kỳ đã kết luận ông Lieber phạm tất cả 6 trọng tội, bao gồm 2 tội danh khai man và 4 tội danh liên quan đến thuế.

Các công tố viên liên bang cho biết ông Lieber đã che giấu mối quan hệ của mình với Chương trình “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc bằng cách cung cấp cho các nhà điều tra những tuyên bố gây hiểu lầm và khai man hồ sơ thuế.

Phán quyết đánh dấu một chiến thắng to lớn đối với các công tố viên theo đuổi vụ án thuộc “Sáng kiến ​​Trung Quốc” của Bộ Tư pháp. Vụ án này được đưa ra vào năm 2018 để chống lại cáo buộc gián điệp kinh tế và trộm cắp nghiên cứu của Trung Quốc.

Ông Lieber giữ vai trò điều tra viên chính của Nhóm nghiên cứu Lieber tại Đại học Harvard, đã nhận được hơn 15 triệu USD tài trợ nghiên cứu liên bang từ năm 2008 đến 2019, theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.

Theo các công tố viên, ông Lieber đã đồng ý hợp tác với Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) ở Trung Quốc với tư cách một “khoa học gia chiến lược” vào năm 2011. Sau đó, ít nhất là từ năm 2012 đến năm 2015, ông đã tham gia vào chương trình tuyển mộ có tên gọi “Ngàn nhân Tài” của ĐCSTQ, theo các tài liệu do Bộ Tư pháp công bố trước đó.

Theo hợp đồng 3 năm của ông trong chương trình này (từ 2012 đến 2015), WUT đã trả cho giáo sư Lieber mức lương là 50.000 USD mỗi tháng với mức sinh hoạt phí lên tới 150.000 USD, theo các công tố viên. Ông cũng nhận được 1,5 triệu USD (khoảng 34,8 tỷ VNĐ) để thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu tại WUT.

Ông Lieber bị bắt trong khuôn viên Đại học Harvard vào tháng 1/2020.

Giáo sư Lieber bị buộc tội không tiết lộ thu nhập của mình từ WUT và Chương trình Ngàn nhân tài trên tờ khai thuế thu nhập liên bang năm 2013 và 2014. Thêm vào đó, ông cũng không tiết lộ tài khoản ngân hàng của mình tại một ngân hàng Trung Quốc. Đây là tài khoản mà WUT gửi tiền lương cho ông hàng tháng. Theo các công tố viên, Giáo sư Lieber đã mở tài khoản ngân hàng với các quan chức của WUT trong chuyến đi của ông tới Vũ Hán hồi năm 2012.

Các công tố viên cho biết Trung Quốc sử dụng Chương trình Ngàn nhân tài để tuyển mộ các nhà nghiên cứu nước ngoài đến chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của họ với nước này. Đổi lại, Bắc Kinh sẽ thưởng cho các cá nhân nào đánh cắp được các thông tin độc quyền.

Các công tố viên thừa nhận việc tham gia chương trình này không phải là một tội ác, nhưng họ cáo buộc ông Lieber đã nói dối về mối quan hệ của ông với Chương trình Ngàn nhân tài trong các cuộc phỏng vấn với Bộ Quốc phòng Mỹ và Viện Y tế Quốc gia (NIH).

Các công tố viên cho hay, ông Lieber đã không báo cáo thu nhập trên tờ khai thuế thu nhập của mình vào năm 2013 và 2014, đồng thời không báo cáo tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc trong hai năm.

Đại học Công nghệ Vũ Hán cũng bổ nhiệm ông Lieber làm Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm nano liên kết WUT – Harvard (WUT-Harvard Joint Nano Key Laboratory).

Các quan chức của Đại học Harvard cho biết họ không biết về sự tồn tại của phòng thí nghiệm trên và không bao giờ chấp thuận hợp tác. Sau đó Đại học Harvard đã yêu cầu Đại học Công nghệ Vũ Hán xóa tên Đại học Harvard khỏi dự án hợp tác của ông Lieber.

Hơn nữa, các nhân viên của Đại học Harvard đã làm chứng tại phiên tòa rằng ông Lieber đã không tuân theo các thủ tục cần thiết để thiết lập quan hệ hợp tác.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Huyền Anh biên dịch

(NTDVN.NET)

Comments are closed.