Khi trung quốc tấn công- Lời cảnh báo với nước Mỹ Bài 1


Đại tá Grant Newsham

Trần Quang Nghĩa dịch – 31/7/2023

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2023/07/1-9.png?w=261&h=300

PHẦN I : CÂU CHUYỆN CẢNH GIÁC

Chuỗi Đảo Thứ Nhất và Hai là nền tảng cho kiến trúc phòng thủ của Hoa Kỳ và đồng minh. Vì vậy các chiến lược gia Trung Quốc xem việc qua lại tự do giữa các đảo này là thiết yếu đối với  khả năng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phóng chiếu sức mạnh vượt khỏi bờ biển Trung Quốc. Nếu QGPNDTQ phá vỡ phòng tuyến Chuỗi Đảo hoặc nhảy vọt qua nó, thì sự phòng thủ của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương sẽ sụp đổ (xem bản đồ)

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2023/07/2-8.png?w=551&h=594

CHƯƠNG 1 


TRUNG QUỐC XIẾT CÒ

Thời điểm là khoảng một hai năm sau kể từ bây giờ. Một bảng báo tại cổng khu đỗ xe cho khách viếng tại Đài Tưởng niệm U.S.S Arizona ở Trân Châu Cảng viết “Đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.”

Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã châm ngòi chiến tranh – một cuộc chiến vũ trang, và kết quả không tốt đẹp. Đối với người Mỹ.

Một phần vấn đề là do cách thức Trung Quốc tiến hành chiến tranh.

Cuộc chiến không diễn ra như mọi người nghĩ, như đáng ra nó được giả định là như vậy.

Một tàu ngầm của Hải Quân Hoa Kỳ tại căn cứ cách cổng này một dặm chìm tại ụ cách đây hai tuần, vỏ tàu bị xé toạc bởi chất nổ ngầm do những nhóm chưa rõ- hoặc ít nhất, chưa tuyên bố, phá hoại. Trung Quốc đang chơi trò lấp lửng: Truyền thông nhà nước của họ tuyên bố hành động có thể do chính Mỹ dàn dựng để đổ lỗi cho người khác.

Không lâu sau đó tại Căn cứ Không quân Hickam gần đó hai máy bay tiếp nhiên liệu trên không của Không Lực  Hoa Kỳ đã nổ tung—cũng như những chiếc F-22 đậu gần đó.  Một loạt các bài đăng trên mạng xã hội khó theo dõi quy kết nó cho các nhà hoạt động BLM (tổ chức Black Lives Matter: Mạng Sống Người Da Đen Cũng Quan Trọng) hành động tại căn cứ.  Sau đó, một tàu chở dầu bổ sung của Hải quân đã nạp đầy nhiên liệu và lên đường đến Tây Thái Bình Dương bị một tàu đánh cá đâm phải cách lối vào Trân Châu Cảng một vài dặm và không thể tiếp tục nhiệm vụ.  Lực lượng hộ tống bắn chìm chiếc tàu đánh cá, nhưng đã quá muộn. Các ngư dân trên tàu đánh cá nói tiếng Quan thoại cho biết mình bị mất lái và rồi thóa mạ người Mỹ là lũ sát nhân đã tàn sát “những người dân nghèo khổ không một tấc sắt trong tay.” Lời tố cáo này được các báo chí thân Hoa trên khắp thế giới phụ họa.

Mới hôm nay thôi, một đàn máy bay không người lái bí mật phá hủy mạng liên lạc và rađa một số tàu xuất phát từ căn cứ hải quân San Diego. Các nhân vật nổi cộm của Tik Tok nói các drone này thực sự là vật thể ngoài hành tinh.

Các tin tức từ phía Tây xa xôi cũng không tốt đẹp gì hơn.

Ngoại trưởng Trung Quốc đã tuyên bố, “Việc thống nhất Đài Loan với đất mẹ đã sẵn sàng.” Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đổ bộ ồ ạt lên bờ biển Đài Loan với số lượng khổng lồ. Chi tiết tình hình không cập nhật được  – hệ thống liên lạc bị cắt đứt – và mạng lưới Skylink của Elon Musk không thể hoạt động. 

Người Mỹ cho rằng việc tấn công tổng lực lên Đài Loan là điều không thể. Nhưng Tập Cận Bình nghĩ khác – và đó mới là điều quan trọng. Các nhà lên kế hoạch trong QGPNDTQ trình cho Tập các phương án. Trong trường hợp này có hai:

  • Hù dọa Đài Loan khiến họ phải đầu hàng bằng cách phong tỏa và đánh chiếm vài đảo nhỏ ngoài khơi . . .
  • Chơi hết láng và phát động cuộc tấn công đại quy mô vào Đài Loan.

Chủ tịch Tập thích phương án 2.

Thời gian ấn định không phải là tinh cờ. Vào tháng giêng 2024, khi ứng cử viên được Trung Quốc hậu thuẩn thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, rõ ràng người dân Đài Loan không chịu ngoan ngoãn bước vào rọ. Tập đánh cược tiếng tăm của mình vào mục tiêu từ lâu ấp ủ là “tái thống nhất Đài Loan.” Đó sẽ là lộ trình đánh dấu ông ta là một  trong những “nhân vật vĩ đại” huyền thoại của lịch sử Trung Quốc. Ông tha thiết đến việc chiếm Đài Loan cũng như Joseph Biden tha thiết muốn ra khỏi Afghanistan vào năm 2021.

Nhưng thời khắc quyết định của Tập phản ánh việc Trung Quốc hiểu rõ tình hình của Hoa Kỳ.

Bắc Kinh xem nước Mỹ, kẻ cạnh tranh chính của mình, là tương đối yếu ớt và sao nhãng. Nền kinh tế Mỹ là một mớ hỗn tạp, lạm phát khiến đời sống khó khăn (và ăn dần vào chi tiêu quốc phòng,) và phân nửa dân Mỹ xem phân nửa còn lại là quỷ dữ – hoặc bán phát xít. Các vụ nổi loạn rất dễ bùng phát và giới truyền thông đổ thêm dầu vào lửa.

Tổng thống Mỹ và cơ quan hành pháp bận bịu – và không ai liên can làm người Hoa sợ hãi. Thật ra, một số họ là những bạn bè lâu năm của cộng sản Trung Quốc. Điều cuối cùng mà cơ quan hành pháp muốn là một cuộc chiến  – hay nói đúng hơn một cuộc chiến khác.

Người Trung Quốc mô tả một cách cộc lốc: người Mỹ thiếu ý chí.

Vì thế, Trung Quốc suy tính, tại sao phải đợi và gặp rủi ro  khi mọi việc ổn định trở lại? Lỡ một cơ quan hành pháp khác có thể xuất hiện mà không tiêu xài như một tên thủy thủ say xỉn và bắt đầu thách thức với Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc?

Chẳng hạn, chính quyền Trump đã cho thấy hùng khí. Điều kiện có thể thay đổi. Dưới thời Trump, đại biểu Quốc hội từ cả hai đảng đều bắt đầu tỉnh thức trước mối đe dọa của Trung Quốc và tầm quan trọng của Đài Loan.

Theo Bắc Kinh, Trung Quốc chưa bao giờ mạnh hơn và Mỹ chưa bao giờ yếu hơn như lúc này. Tập tin rằng Trung Quốc có thực lực quân sự,  chính trị, và kinh tế để đánh thắng, và Hoa Kỳ – với sự xáo trộn quân sự, chính trị và kinh tế – hoặc không thể hoặc không đánh thắng. Và nếu Mỹ không đánh thắng thì không ai sẽ đánh thắng.

Vì thế,  với thời điểm chín muồi, câu hỏi là liệu tấn công như thế nào. Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraina cho thấy những biện pháp nửa vời sẽ không hiệu quả. Tốt nhất là giáng đòn thật mạnh mẽ, và cô lập Đài Loan về vật chất và điện tử, rồi sau đó làm mọi sự cần thiết để ngăn Mỹ và bạn bè đến giải cứu.

Dâng tặng địch một việc đã rồi, họ lý luận tiếp, thế là kẻ địch sẽ sớm nhún vai, quay mắt đi và trở về với công việc của mình.

Vì thế Trung Quốc đánh. Thật mạnh.

Trước hết người Trung Quốc sẽ cắt nguồn Internet để thế giới không biết được những gì sắp xảy ra. Việc này sẽ cho QGPNDTQ thời gian để tấn công quân đội Đài Loan và cho Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều thời gian hơn để gieo mầm cho câu chuyện về điều không thể tránh khỏi và sự thành ttựu vẻ vang của nó trên khắp hoàn cầu.

Hoa Kỳ bị bất ngờ.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhận ra sự tiến bộ ấn tượng  – nếu không muốn nói là đáng báo động – của sức mạnh quân sự Trung Quốc. Thật ra, một số nhân viên tình báo thấy việc đó đang đến. Họ lên tiếng báo động, nhưng không ai thèm chú ý.

Những ai đủ nhận thức nhận ra tình hình hiểm nghèo chắc chắn là bị đuổi việc. Năm 2015, Trưởng tình báo Hạm đội Thái Bình Dương, Đại úy James Fanell bị tước quân hàm – được cho là theo lệnh của Nhà Trắng thời Obama – vì tội phát biểu công khai là Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh.

Nếu có hiểm nghèo, học thuyết cho biết, sẽ là ít năm nữa.

Đáp ứng tiêu cực phổ biến nhất cho khả năng xâm lược của Trung Quốc, và là một thành tố cốt lõi nhất của học thuyết về mặt quân sự, là ý kiến cho rằng CHNDTQ không đủ tàu để chuyên chở lực lượng đổ bộ băng qua Eo biển Đài Loan. Một giọng điệu kẻ cả cho rằng QGPNDTQ đơn giản là không đủ sức để làm chủ các hoạt động đổ bộ  – được coi là hoạt động quân sự khó khăn nhất.

Người Mỹ tưởng rằng họ sẽ nhận được nhiều báo cáo cho biết khi nào người Trung Quốc tập trung tàu và xuồng đổ bộ và tập kết lực lượng lại với nhau. Nhưng trong kế hoạch tấn công đổ bộ của Trung Quốc,  lực lượng đổ bộ quy ước chỉ là lực lượng dự bị sẽ nhanh chóng chở quân tiếp viện đến những nơi cần đến.

Thời điểm đó đã đến.

Khi QGPNDTQ mở cuộc tấn công Đài Loan, Trung Quốc chứng tỏ mình có đủ phương tiện đổ bộ.

Lực lượng đổ bộ chủ lực của Trung Quốc là đội tàu đánh cá đồ sộ, cái gọi là dân quân miền biển: những tàu công-ten-nơ chở hàng hóa, và tàu dân sự mục đích kép được điều chỉnh để chở các xe đổ bộ khi vào cuộc.

Đó là lý do tại sao người Trung Quốc chế tạo các phà dân sự đáy cong như các tàu đổ bộ hồi Thế Chiến II của Mỹ. Chắc chắn không phải để làm hành khách dễ chịu. Các tàu đáy tròn là các tàu tốc hành dễ gây say sóng. Nhưng thiết kế sẽ trở nên thuận tiện trong cuộc hành quân đổ bộ.

QGPNDTQ từ một khởi đầu bất động cho đến khi tiếp cận được bãi biển Đài Loan hầu như trước khi địch có phản ứng. Trung Quốc phái các lực lượng từ bờ biển chạy dài trên đại lục, họ hội tụ để tấn công đồng thời với ít dấu hiệu cảnh báo tiến lên, khoác lớp vỏ tàu dân sự rồi quay về hướng đông từ các làn đường hải vận thương mại qua lại tấp nập.

Chúng tiếp nhận các lực lượng tiếp theo từ các căn cứ đóng quân tại các đảo nhân tạo, các tàu chở hàng, các tàu du lịch viễn dương. Trong một tình huống, các làn sóng binh sĩ dùng dây đu tuột xuống xà lan rồi bước vào các xuồng máy cao su đang đợi cặp theo sườn tàu, trước khi tăng tốc về phía bãi biển Đài Loan.

Yếu tố bất ngờ làm lực lượng dường như tăng gấp đôi – cho dù trong suốt những năm qua vô số bức ảnh chụp các xuồng đổ bộ chạy xuống các khung dốc từ các tàu vận tải roro hoặc các phà dân sự ngang qua eo biển. Quá nhiều chuyên gia không muốn nhìn nhận những gì mình đã chứng kiến.

Và cuộc tấn công đổ bộ – với phiên bản phòng không Vòm Sắt riêng của họ – chỉ là một phần của bản hợp xướng hủy diệt mà Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đang trình diễn trước Đài Loan.

Rốc két và tên lửa đánh sập Dinh Tổng thống Đài Bắc, đánh trúng mọi tòa nhà chính quyền, cơ sở quân sự và các mục tiêu quan trọng khác, trong khi bắn tới tấp vào các khu dân cư nhằm gieo rắc hoảng loạn và khiếp đảm.

Làn sóng đông kịch (kịt) các máy bay không người lái tấn công tiêu diệt các mục tiêu củng cố, máy bay trực thăng và lực lượng nhảy dù được triển khai đông đảo một khi các trạm rađa phòng không và vị trí dàn tên lửa đã bị làm cỏ.

Lực lượng của Đạo Quân Thứ 5 và lực lượng đặc biệt (đã xâm nhập từ trước bằng các xuồng tốc hành của bọn buôn lậu) cũng bắt đầu ra tay, tấn công các đồn cảnh sát, các trạm xe buýt, gieo rắc hỗn loạn, hốt hoảng khắp nơi. Viên ngọc trên vương miện của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (BANQGTQ), cảng chính của Cao Hùng, mở toang cửa cho quân Trung Quốc vào ngày thứ nhất, không cần bắn một phát súng nào. Nhà cầm quyền cảng thậm chí cho treo cờ chào mừng.

Cao Hùng từ lâu đã được băng nhóm tội phạm có tổ chức điều hành. Điều đó có nghĩa BANQGTQ, bố già của tội phạm có tổ chức, thực tế điều khiển nó. Vì thế, bây giờ, lực lượng xâm lăng của QGPNDTQ đã có được cảng lớn nhất của Đài Loan để sử dụng. Với các nhà kho đã sẵn sàng, đầy ắp đồ tiếp liệu.

Dân Đài Loan không như dân Ukraina. Binh sĩ Ukraina chiến đấu và hầu hết đơn vị bám giữ trận địa đến phút cuối cùng. Còn lực lượng dự bị 1 triệu quân của Đài Loan cho thấy là con cọp giấy và đội phòng vệ dân sự từng ra mắt đơn giản là không tồn tại. Nguy cơ của việc đánh trả là khủng khiếp. Tỷ số mật độ quân chiếm đóng so với dân chúng có thể giảm xuống thấp hơn nhiều, nếu một người Hoa Lục gây hấn muốn giết hạ 100 dân thường Đài Loan cho mỗi thành viên QGPNDTQ bị họ giết. Hitler đã chứng tỏ điều đó ở Pháp.

Thậm chí mỗi công dân muốn bảo vệ xứ sở của mình cũng không biết phải làm thế nào. Người Mỹ và người Đài Loan chưa từng sát cánh nhau trong huấn luyện – hoặc thậm chí trù hoạch cách nào để phòng ngự một cuộc tấn công của Trung Quốc.

Thủy quân Lục chiến chưa hề đặt chân đến Đài Loan. Họ đã bàn về việc này nhiều lần nhưng Bộ Ngoại giao luôn từ chối. Và họ còn bàn về việc đó ngay khi Trung Quốc đã tấn công. Làm như vậy là khiêu khích và muốn leo thang. Hơn 40 năm Hoa Kỳ cô lập giới quân sự Đài Loan  – hy vọng điều này sẽ làm Trung Quốc vui sướng – giờ mới thấy thấm thía. Người Trung Quốc thực là vui sướng.

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2023/07/5-1.png?w=551&h=454

Nước Mỹ đâu rồi?

Người Trung Quốc không phóng tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở Nhật,  Guam hoặc Hawaii. Việc đó có thể kích động đến quyết tâm của Mỹ hay Nhật. Trung Quốc còn lưỡng lự dốc hết vào cuộc chiến toàn diện với Hoa Kỳ, cũng như Hoa Kỳ với Trung Quốc.

Cơ quan hành pháp Mỹ lải nhải và rên rỉ như một đứa bé bị bỏ rơi.

Ngay khi Tổng thống bật đèn xanh (hoặc chắc chắn hơn đèn vàng thận trọng) ra lệnh tiếp cứu thì Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã có đầy đủ biện pháp xử lý quyết tâm (hay sự thiếu quyết tâm) của Mỹ và tiến hành các đòn chống trả các lực lượng Hoa Kỳ, gọt đẻo chúng và làm rõ rằng Trung Quốc không cho phép bất cứ ai, nhất là Hoa Kỳ, can thiệp vào việc nội bộ của mình.

Tại Philippin, Thủy quân Lục chiến vội vã tung một số đơn vị duyên hải mới của mình vào vị trí trên Bắc Luzon và các hòn đảo trên eo biển Pashi giữa Philippin và Đài Loan.

Quân du kích của tổ chức Dân tộc Mới và các cố vấn Trung Quốc đang đợi binh sĩ Mỹ và họ không có cơ hội để thiết lập dàn tên lửa chống hạm bắn phá các tàu chiến Trung Quốc. Cũng có những ổ kháng cự dũng cảm,  nhưng tất cả chỉ có thế.

Hai tàu chiến Mỹ – một tàu khu trục  và một tàu chiến duyên hải – vội vàng rời căn cứ hải quân Sembawan ở Singapore, hướng về phía bắc qua biển Đông. Các tàu nhỏ của Hải quân Trung Quốc có tên lửa dẫn đường di chuyến thành đàn, bắn chìm chúng từ khoảng cách 100 dặm. Các tên lửa chống hạm trên tàu Mỹ chỉ có tầm bắn 75 dặm. Lính Trung Quốc chẳng buồn tìm kiếm người sống sót. Cũng không ai cả. Khu vực đang quá nóng.

Toàn bộ khu vực giao tranh tập trung các hệ thống vũ khí chống hạm,  chống phi cơ tạo thành lá chắn khủng khiếp  khi Trung Quốc lặng lẽ chuẩn bị chiến trường. Các tàu đánh cá không chính quy của Trung Quốc vừa là lực lượng canh gác vừa là lực lượng trá ngụy.

Tàu U.S.S America danh nghĩa là tàu tấn công đổ bộ nhưng thực tế là tàu chở máy bay, chứa khoảng 20 máy bay tiêm kích tàng hình F-35, đi từ đảo Guam và hướng về Đài Loan cùng với ba đoàn hộ tống.

Họ đang cảnh giác. Họ nhìn thấy các tàu nhỏ trên màn hình rađa, nhưng chúng được nhận diện là tàu đánh cá. Người Mỹ không thấy có tàu chiến nào của Trung Quốc. Đến lúc mà họ phát hiện hàng tá tên lửa chống hạm đang lao về phía mình với tốc độ 1.200 dặm một giờ thì mọi sự đã muộn màng. Tàu U.S.S America phát nổ, và cuối cùng chìm. Một tàu hộ tống cũng bị trúng tên lửa và bị đánh chìm.

Một số máy bay Mỹ xuất phát từ Kadena trên Okinawa bị xé nát bởi hàm răng vô hình của hạm đội tàu đánh cá, trước khi các phân tích viên hiểu được cái quái gì đang diễn ra. QGPNDTQ không cần tấn công Kadena,  chỉ cần bắn hạ các máy bay xuất phát từ đó hướng về nam.

Các tướng lĩnh và đô đốc nhanh chóng nhận ra có quá nhiều hoả lực lén lút che giấu trên hạm đội tàu đánh cá, trên các phương tiện chính thức giữa biển, trên không, trên đất liền của QGPNDTQ mà người Mỹ phải vượt qua để đến tiếp cứu lực lượng Đài Loan.

Các tàu xuất phát từ các cảng Nhật đụng các mìn thông minh,  mìn neo, mìn trôi nổi xuất hiện thần kỳ ngay sau các tàu đánh cá, mặc dù không ai chứng minh được ai đã gài đặt chúng.

Tất cả như đang gặp nguy hiểm – và mới chỉ là lực lượng Mỹ ở Tây Thái Bình Dương xa xôi.

Các tàu đi ra khởi các cảng ở Bờ biển Tây đón nhận hoả lực từ các tên lửa chống hạm chứa trong các công-ten-nơ phóng từ các tàu vận tải hàng hóa và tàu đánh cá. Trung Quốc đã chuẩn bị các tàu gọi là thương mại này và sẵn sàng sử dụng để theo dõi hành trình Hải quân Mỹ nhiều năm trời. Các đàn drone bay phía trên các tàu khác, phá hủy rađa và khiến chúng tê liệt.

Và rồi tình hình càng tồi tệ hơn. Khi người Mỹ không tháo lui, các lực lượng biệt kích Trung Quốc ra tay ở Hawaii, đảo Guam và nội địa Nhật Bản.

Trên tuyến xuất phát chính từ Bộ Chỉ huy Quân đoàn TQLC Iwakuni gần Hiroshima, các tên lửa đất đối không (SAM) phóng từ một trại năng lượng mặt trời được xây dựng bằng tiền của Trung Quốc và tổ chức tội phạm Yakura, bắn hạ các phản lực cơ TQLC và Hải quân Mỹ. Sự kiện tương tự xảy ra ở Yokota gần Tokyo, Misawa và các nơi khác. Chính quyền Nhật đã đúng khi lo lắng việc các công dân Trung Quốc mua lại các bất động sản gần các căn cứ Mỹ và Nhật.

Thậm chí tình hình càng tệ hơn cho người Mỹ, hai tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đã biến mất. Đây là hai con ách chủ bài dành khi nguy cấp, nhưng người Trung Quốc đã dò được chúng – thêm lần nữa bằng hạm đội thuyền đánh cá đồ sộ của họ – sử dụng phao xô-na (thiết bị phát hiện tàu ngầm) để điều hành hiệu quả việc phòng thủ khu vực Thái Bình Dương.

Còn Bạn Bè của Mỹ thì sao?

Người Nhật hả? Trung Quốc đã gửi một thông điệp qua cửa sau đến Tokyo bảo người Nhật đứng sang một bên. Họ ắt hẳn không, nhưng cũng không biết làm gì khác hơn là ra lệnh lực lượng Phòng Vệ Hải Phận Nhật Bản hỗ trợ Mỹ.

Lữ đoàn Phản ứng Nhanh thuộc lực lượng Phòng Vệ Mặt đất Nhật Bản  chuyển quân đến các đảo phía nam nhưng không bắn một phát đạn. Lệnh khai hỏa không hề đến vì lực lượng Trung Quốc không đến đủ gần để kích hoạt sự đáp trả.

Hải quân Nhật xông ra theo ý mình và làm điều tốt nhất có thể. Lực lượng Phòng Vệ Không phận bực tức bay vòng vòng trên không phận Nhật nhưng chính quyền trung ương chưa làm điều gì cần thiết.

Và khi người Trung Quốc tấn công Đài Loan Nhật Bản không đáp ứng hiệu quả. Chính quyền bàn luận suốt nhiều tuần liệu tham gia tấn công có hợp pháp không. Nó chưa bao giờ hình dung ra điểm pháp lý này.

Bắc Kinh đã gửi thông điệp cửa sau đến Tokyo bảo họ đừng vây vào. Họ ắt hẳn không nghe, nhưng không biết làm gì ngoài việc ra lệnh cho Lực lượng Phòng Vệ Hải Phận hỗ trợ người Mỹ.

Trong khi đó, phong trào đòi độc lập cho Okinawa, từ lâu đã được Trung Quốc lén lút tài trợ, xuống đường ở Naha cùng với phong trào hòa bình được Trung Quốc tài trợ hậu hĩ bỗng nhiên xuất hiện ở Tokyo như từ trên trời rớt xuống.

Các trực thăng QGPNDTQ quần thảo trong vùng phía bắc Philippin sử dụng tên lửa chống hạm gây khó dễ cho các tàu Hải quân Đài Loan và Hoa Kỳ đang hoạt động quanh nam Đài Loan. Thống đốc Tỉnh Ilocos Norte là người được Trung Quốc ủy nhiệm, cũng như quân du kích Dân tộc Mới đã hoạt động trong khu vực đó hàng thập kỷ qua.

Người Úc cũng muốn tiếp tay nhưng đụng phải hạm đội tàu đánh cá Trung Quốc – không khác người Mỹ – nên cũng mất tàu, mất máy bay, mất mạng khi họ hướng ra bắc từ Tây Nam Thái Bình Dương.

Còn Bạn Bè của Trung Quốc thì sao?

Vâng, có một số. Bắc Kinh đang triển khai hoả lực từ vài hướng trong trận tấn công Đài Loan

Bắc Triều Tiên trả ơn Bắc Kinh đã cứu trợ họ trong nhiều thập kỷ. Một ít loạt tên lửa rót vào Seoul, thủ đô Hàn Quốc, cũng đủ gây bấn loạn. Đưa ra thế tấn công quá mạnh- chẳng hạn, xâm lược đại quy mô có thể kích hoạt việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ – không phải là điều Trung Quốc mong muốn.

Một ít tên lửa Bắc Triều Tiên- những tên lửa quy ước- bắn vào Seoul là tất cả điều cần thiết. Tiếp theo có thể tặng Tokyo một vài phát.

Người Nga cũng trả ơn Bắc Kinh vì đã hậu thuẫn mình trong cuộc chiến Ukraina. Hai siêu cường đã ký kết đối tác không giới hạn trước khi Putin phát động cuộc tấn công. Sau khi Nga tấn công Bắc Kinh ra lệnh giới truyền thông không được phê phán Nga, bởi vì Trung Quốc  kỳ vọng Nga cũng làm như vậy khi thời cơ chiếm Đài Loan sẽ đến. Giờ đây Nga điều binh chống lại Nhật để đe dọa họ, cầm chân họ, và gây thêm căng thẳng với Mỹ. Nga cũng đang cân nhắc động thái chớp thời cơ ở vùng Baltic.

Người bạn mới của Trung Quốc,  Iran, đóng cửa eo biển Hormuz, giảm bớt lượng dầu bán ra toàn cầu và tiến hành pháo kích chống Ả Rập Saudi và Israel. Đúng là điều Mỹ không muốn.

Sát bên nhà, binh sĩ Nga và Trung Quốc ở  Cuba và Venezuela, dựng lên các dàn tên lửa tầm xa nhắm vào Hoa Kỳ  – thêm một cú đánh nghi binh khác.

Đừng trông mong Ấn Độ giúp sức. Giờ này họ đang bận bịu khi quân đội Trung Quốc có những động thái tiến sát đường biên giới phía bắc.

Trong khi đó Argentina đang ngước mắt nhìn lên Quần đảo Falkland (quần đảo ở gần Argentina nhất nhưng lại thuộc Anh, đã từng bị Argentina xâm chiếm năm 1982 nhưng Anh đã đánh bật và tái chiếm.)

Trung Quốc cũng có bạn bè trong lòng nước Mỹ. Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung phát đi một thông cáo lên án bạo lực và tổn thất sinh mạng  – và cảnh báo điều nầy sẽ gây tổn hại mối gắn kết thương mại giữa hai nước. Chủ tịch của tất cả 6 công ty hàng đầu của Phố Wall ký tên vào một thư thỉnh nguyện chung, thúc giục các bên kiềm chế.

Một nhóm có máu mặt ở Phố Wall đến thăm Nhà Trắng và yêu cầu phải làm gì đó để phục hồi mối quan hệ Mỹ-Trung – nếu không nền kinh tế (hoặc tiền lót tay) sẽ khô héo tàn tạ. Hơi quá đáng chăng? Nhận tiền lót tay của Bắc Kinh, họ tổ chức các buổi nói chuyện để tránh gây thêm rắc rối về “vấn đề nội bộ” của Trung Quốc. Đó là, bỏ rơi Đài Loan,  xếp só như một tổn thất và hướng đến tương lai.

Bộ máy hành pháp của Hoa Kỳ bỗng quá tải.

Trong Cuộc Chiến Toàn Cầu Chống Khủng Bố, đội Lực lượng Đặc biệt bốn người của Mỹ bị săn đuổi và bị giết chết bởi bọn khủng bố ở Niger, Tây Phi. Đó là một thảm họa quốc gia và Quốc hội họp để nghe điều trần.

Còn bây giờ hơn 1.000 thủy thủ và TQLC Mỹ chết trong cuộc tấn công nhóm tàu tác chiến viễn chinh  U.S.S America và đang cộng thêm với số thương vong ở nơi khác.

Thế hệ vĩ đại nhất thời Thế Chiến II đã hiểu biết tất cả những chuyện như thế – họ nhớ Thế Chiến I nhưng họ vẫn cống hiến hết mình hơn 20 năm sau.

Còn phiên bản người Mỹ thập niên 2020 thì sao? Không khá lắm. Dân Mỹ hiện đại khó chịu trước những bình luận thấp kém trên Twitter. Họ bị liên tục nhồi nhét cả đống các video trên Tiktok cho rằng việc Mỹ can thiệp chỉ là hành động mang tính thực dân phân biệt chủng tộc. Biết nhượng bộ không có gì là xấu. Đó là dấu hiệu của phẩm hạnh.

Trong khi đó hết bài báo này đến bài báo khác xuất hiện nhắc nhở độc giả về tất cả game chiến tranh trong đó Mỹ hoặc thảm bại nặng nề hoặc,  trong một game nhập vai phiêu lưu thực tế ảo, trận chiến kéo dài và đẫm máu, và người Mỹ chỉ chiến thắng với giá cao ngất ngưởng.

Ống xả của Đảng Cộng sản Trung Quốc Báo China Daily tuôn tràn các bài báo cho rằng Bắc Kinh có quyền tự vệ bằng vũ khí hạt nhân nếu Washington tiếp tục chúi mũi vào vấn đề nội bộ của họ.

Đó là giọt nước làm tràn ly cho bộ máy hành pháp Hoa Kỳ – nói theo nghĩa bóng nó đành nằm co quắp dưới Bàn viết Resolute trong Phòng Bầu dục. 

Đài Loan nhận ra là không có tiếp viện nào đang đến.

Họ van nài các điều khoản và đầu hàng.

Ngay lập tức toàn bộ phần còn lại của châu Á nhận được thông điệp rằng Hoa Kỳ không thể bảo vệ được tự do cho 23 triệu người tự do. Quân đội Mỹ không thể làm được điều đó. Sức mạnh tài chính và kinh tế Mỹ không thể làm được điều đó. Và vũ khí hạt nhân của Mỹ cũng chả nhằm nhò gì.

Nhưng nước Mỹ sẽ sớm nhận ra rằng Đài Loan không phải là đích đến cuối cùng. Đài Loan chỉ là điểm xuất phát.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo? Trung Quốc sẽ không dừng lại ở Đài Loan 

Kiểm soát Đài Loan không chỉ là để thỏa mãn cái gọi là lòng tự trọng quốc gia. Màn trình diễn của Đảng Cộng sản Trung Quốc về niềm kiêu hãnh bị tổn thương trong vấn đề Đài Loan đã luôn là một phần trong màn trình diễn bên lề có tính tuyên truyền. Điều này sẽ sớm trở thành hiển nhiên.

Nhìn sang hướng đông từ đại lục Trung Quốc sẽ nói cho bạn nhiều chuyện về mưu đồ chiến lược của Trung Quốc  – và mệnh lệnh phải phá vỡ “Chuỗi đảo” gồm Nhật, Đài Loan,  Philippin và Malaysia (xem hình trên).

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2023/07/4-2.png?w=551&h=362

Để biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, hãy bắt đầu bằng địa lý  – và tại sao Đài Loan là bước khởi đầu cần thiết để hoàn thành tham vọng thực sự của Trung Quốc.

Để Trung Quốc đạt được mục đích đuổi người Mỹ ra khỏi Thái Bình Dương (bước đầu tiên), cần phải đưa quân lực vượt quá Chuỗi Đảo Thứ Nhất. – chuỗi đảo chạy từ Nhật theo hướng nam qua Đài Loan và Philippin và tiếp tục đến Indonesia và Malaysia. Theo quan điểm Trung Quốc,  Chuỗi Đảo Thứ Nhất và một số eo biển chật hẹp dễ phòng ngự của nó phong tỏa lối vào Tây Thái Bình Dương.

Nếu Hoa Kỳ và đồng minh muốn, lực lượng của họ – trang bị tên lửa chống hạm và hệ thống phòng không, với sự yểm trợ của lực lượng không hải quân và tàu ngầm- có thể khiến quân đội Trung Quốc bị bao vây trong Chuỗi Đảo Thứ Nhất không.mất nhiều công sức.

Mặc dù Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc có thể đã thực hiện được công trình xây dựng lực lượng phòng vệ nhanh nhất và hùng hậu nhất trong lịch sử- và có thể là kỳ phùng địch thủ với Mỹ trong vài tình huống – nhưng điều đó không thành vấn đề nếu lực lượng Trung Quốc không thể vượt qua Chuỗi Đảo Thứ Nhất.

Trung Quốc đã không ngừng tìm cách phá vỡ chuỗi đảo này hàng thập kỷ nay. Đâu là mắc xích yếu? Đảo Ryukyu của Nhật? Không chắc, với những gì người Trung Quốc và người Nhật nghĩ về nhau. Người Nhật cuối cùng có thể đánh trả.

Philippin chăng? Địa lý và chính trị Philippin quá phức tạp. Nhiều người Philippin còn căm giận Trung Quốc đã chiếm các lãnh thổ ngoài biển của họ – và thường xâm nhập ở nơi khác, làm nhục họ.

Chỉ còn lại Đài Loan.  Đó là sự lựa chọn ngon lành đối với QGPNDTQ và các lãnh đạo đảng.

Đài Loan tọa lạc ngay giữa Chuỗi Đảo Thứ Nhất. Lấy Đài Loan, Trung Quốc sẽ có một công sự ngay giữa tuyến phòng thủ thứ nhất của Hoa Kỳ và đồng minh, có tác dụng ngăn chặn QGPNDTQ. Tưởng tượng một tường thành bị sụp đổ.

Với Đài Loan thất thủ, sau đây sẽ là những gì diễn ra.

Các sân bay và cảng Đài Loan cho phép QGPNDTQ tự do di chuyển và mở rộng tầm hoạt động vào Tây Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

Với Đài Loan dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh, tuyến phòng thủ phía nam của Nhật bị hở sườn trước QGPNDTQ. Trong kịch bản này, tàu ngầm, tàu chiến và phi cơ Trung Quốc có thể thường xuyên hoạt động trong vùng biển phía đông của các đảo chính và bao vây Nhật Bản.

Sau đó QGPNDTQ có thể thống trị biển Hoa Đông và đánh chiếm lãnh thổ trên đảo và biển của Nhật. Thật ra,  Trung Quốc đã tuyên bố toàn bộ chuỗi Ryukyu thuộc về họ – giống như Đài Loan.

Khi Trung Quốc hướng sự bành trướng của mình về Thái Bình Dương, Đài Loan án ngữ giữa đường. Ngược lại,  nếu chiếm được, Đài Loan là một bàn nhúng tuyệt vời cho các hoạt động tương lai (xem hình)

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2023/07/3-5.png?w=551&h=552

Điều này sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng hoạt động của Mỹ từ Okinawa và các căn cứ khác ở Nhật.

Nhưng các nhà hoạch định Trung Quốc còn tính xa hơn nữa. Họ luôn nhìn vào toàn bộ bản đồ.

Từ Đài Loan Trung Quốc sẽ chọc mũi vào trái tim của lớp phòng vệ thứ hai của Mỹ ở Trung tâm Thái Bình Dương, rồi thọc vào vùng Tây Nam và Nam Thái Bình Dương.

Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đặt căn cứ trên khắp vùng này mà không gọi tên chúng, kể cả Quần đảo Solomon. Từ các đảo này, Trung Quốc có thể kiềm chế Úc một cách nghiêm trọng. Người Nhật biết điều này vào  năm 1941 nhưng không làm gì được. Bắc Kinh đã đặt nền móng trong 30 năm đấu tranh chính trị, xâm nhập kinh tế và thương mại và sự hiện diện bằng xương bằng thịt – trong tiến trình ấy họ đã bôi trơn nhiều bàn tay.

Nhưng lợi ích của CHNDTQ không dừng lại ở giữa Thái Bình Dương. QGPNDTQ đang dịch chuyển hoạt động về phía đông Hawaii và ngoài khơi Bờ Tây của lục địa Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã kiên trì phát triển các mối ràng buộc và cái gọi là tuyến vận chuyển đường thủy đến bờ biển phía tây của Nam và Trung Mỹ – nơi các chính quyền cánh tả thân Trung Cộng đã nắm được quyền hành.

Đài Loan là vùng địa lý chiến lược nếu có một vùng như thế tồn tại. Chiếm Đài Loan là điều kiện tiên quyết cho các mưu đồ hoành tráng khác của QGPNDTQ và CHNDTQ.

Một khi Đài Loan lọt vào tay Trung Quốc, mọi quốc gia ở châu Á ngoại trừ Nhật – thậm chí nước Úc – cũng đều mất quyền thương thảo tốt nhất với Bắc Kinh.

Châu Á Thái Bình Dương bị nhuộm Đỏ.

Phần còn lại của thế giới sẽ nối gót theo sau. Đây chỉ là khởi điểm.

Hủy Diệt Linh Hồn Nước Mỹ

Sự hủy diệt và khuất phục theo sau việc chiếm đóng Đài Loan nghe có vẻ khủng khiếp nhưng hãy còn xa. Tuy nhiên,  Trung Quốc đang chiến đấu trên một mặt trận khác cũng quan trọng không kém, nếu không muốn nói còn quan trọng hơn, và đang trên đà thắng lợi.

Nếu chúng ta thua trên mặt trận đó, nó sẽ hủy diệt gia đình,  cộng đồng, và ngay chính linh hồn nước Mỹ.

Cùng lúc với việc ĐCSTQ tiêu tốn số lượng không hạn chế và đầu tư những nỗ lực lớn lao để gầy dựng sức mạnh quân sự, nó cũng tài trợ công cuộc hủy diệt ý chí chiến đấu – và thậm chí sức tự vệ của chúng ta.

Mục tiêu cốt lõi là gì ư? Tâm trí người Mỹ.

Tâm trí của bạn. Và, thậm chí đáng sợ hơn, tâm trí của những người bạn yêu thương.

https://nghiencuulichsu.com/2023/07/31

Comments are closed.