Mỹ vừa quyết hậu thuẫn Đài Loan, vừa chìa tay với Trung Quốc


Trọng Thành / RFI

03/6/2023

Bộ trưởng Thương Mại Đài Loan Đặng Chấn Trung (John Deng) (T) và phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Sarah Bianchi (P) chứng kiến lễ ký kết phần một của ”Sáng kiến Hoa Kỳ-Đài Loan về Thương Mại Thế Kỷ 21”, Washington, 01/06/2023. REUTERS – TECRO 

Đài Loan và Mỹ ký kết một thỏa thuận thương mại, được chính quyền Đài Bắc đánh giá là ‘‘lịch sử’’. Bắc Kinh ‘‘lên án mạnh mẽ’’. Lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của Mỹ trở lại Trung Quốc sau hơn 3 năm đại dịch: chuyến đi của tỉ phú Elon Musk thu hút nhiều chú ý. 

Nhóm BRICS – có tham vọng đối trọng với phương Tây – họp hội nghị trù bị thượng đỉnh, tăng tốc xem xét quy chế kết nạp thành viên mới. Tổ chức Khí tượng Thế giới – được mệnh danh là ‘‘Soái Hạm’’ của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu – có tân giám đốc. Ứng cử viên Trung Quốc bị loại. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này. 

***

Mỹ siết chặt quan hệ với Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một vùng lãnh thổ ly khai. Hôm 01/06, một thỏa thuận thương mại đã được ký giữa Viện Mỹ tại Đài Bắc và Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Loan tại Washington, tức cơ quan đại diện ngoại giao trên thực tế của Đài Loan. Lễ ký diễn ra với sự chứng kiến của phó đại diện thương mại Mỹ Sarah Bianchi. Bắc Kinh ngay lập tức lên án mạnh mẽ. Trung Quốc kêu gọi Mỹ ‘‘không nhân danh thương mại, gửi tín hiệu xấu’’ đến các lực lượng chính trị muốn thúc đẩy Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập.  

Thỏa thuận thương mại Mỹ – Đài: Thông điệp cứng rắn gửi đến Bắc Kinh

Thỏa thuận thương mại Mỹ – Đài vừa ký kết có ý nghĩa thực chất thế nào? Thỏa thuận nói trên là phần đầu của “Sáng kiến ​​Hoa Kỳ – Đài Loan về Thương Mại Thế Kỷ 21” (US-Taiwan Initiative on 21st-Century Trade), được Mỹ – Đài đàm phán từ tháng 6/2022. Với thỏa thuận này, Mỹ – Đài hướng đến đồng bộ hóa các biện pháp kiểm soát hải quan, các thủ tục pháp lý, và thiết lập các biện pháp chống tham nhũng, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Theo nhiều chuyên gia, thỏa thuận vừa được ký không hẳn là một thỏa thuận thương mại tạo được bước đột phá ngay trước mắt về kinh tế. Giáo sư kinh tế Ngô Đại Nhậm (Wu Dachrahn), thuộc National Central University, trên France 24, khẳng định thỏa thuận này chủ yếu mang ‘‘tính biểu tượng’’, không tác động đáng kể đến khối lượng trao đổi mậu dịch song phương Mỹ – Đài. Theo giáo sư Ngô, “Đài Loan đã giao thương với Hoa Kỳ trong nhiều thập niên, bắt đầu với các hàng hóa sản xuất trong những năm 70 cho đến chip bán dẫn hiện nay. Và mặc dù có một vài trục trặc trong những năm 90 do các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, thương mại về cơ bản vẫn diễn ra suôn sẻ’’. 

Thỏa thuận thương mại ngày 01/06 trước hết là một thông điệp khẳng định hợp tác Mỹ – Đài sẽ tiếp tục được siết chặt, bất kể thái độ của Trung Quốc. Chính quyền Đài Loan hoan hỉ coi thỏa thuận này ‘‘không chỉ là một sự kiện lịch sử, mà còn đánh dấu một bước khởi đầu mới”. Thỏa thuận thương mại song phương, ‘‘đầy đủ nhất’’ từ năm 1979 đến nay, có thể được coi là bước tiến hướng đến một Hiệp định Tự do Mậu dịch (FTA) với Hoa Kỳ, điều mà tổng thống Thái Anh Văn ngụ ý nhắc đến trong tuyên bố hôm thứ 01/06. 

Vào lúc Mỹ – Đài chính thức thông báo về thỏa thuận song phương ‘‘lịch sử’’, bộ trưởng Ngoại Giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu), trong một phát biểu tại Quốc Hội, hôm 22/05, đã để ngỏ thông tin về trao đổi diễn ra với Hoa Kỳ, xung quanh khả năng Mỹ đặt Đài Loan dưới ‘‘ô bảo vệ hạt nhân’’. Theo báo Đài Loan Taiwan News, bộ Ngoại Giao Đài Loan ngày 26/05 chỉ trích một số phương tiện truyền thông bóp méo thông tin về vấn đề này, ‘‘coi việc Hoa Kỳ hỗ trợ tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan là hành động khiêu khích (Trung Quốc)’’. 

Bất luận vấn đề răn đe hạt nhân ra sao, trong thời gian gần đây chính quyền Mỹ đang hướng đến khẳng định rõ quyết tâm bảo vệ Đài Loan, chống lại một cuộc tấn công của Trung Quốc. Hãng tin Mỹ Bloomberg cho hay, về vấn đề ‘‘tính mơ hồ chiến lược’’ (tức lập trường không rõ ràng của Mỹ trong việc có trực tiếp bảo vệ Đài Loan khi hòn đảo bị tấn công hay không), trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ hồi tháng 3, lãnh đạo tình báo Mỹ Avril Haines (DNI) khẳng định: ‘‘rõ ràng là người Trung Quốc hiểu lập trường của chúng ta căn cứ vào những phát biểu của tổng thống’’ Joe Biden, nhiều lần khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan, cho dù các trợ lý của tổng thống cũng liên tục nhắc lại là quan điểm của Hoa Kỳ không thay đổi. 

‘‘Tính mơ hồ chiến lược’’ rõ ràng đã thu hẹp rất nhiều, hay nói cách khác, Mỹ ngày càng công khai hơn trong chính sách bảo vệ Đài Loan. Ngược lại, câu hỏi Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan cụ thể như thế nào vẫn còn để ngỏ. 

Elon Musk đi Trung Quốc: Bắc Kinh phấn chấn, Washington cảnh giác 

Trong lúc quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục căng thẳng, xung quanh hồ sơ Đài Loan và nhiều mâu thuẫn khác, giới kinh doanh đặc biệt chú ý đến chuyến đi trong tuần qua của nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn của Mỹ tới Trung Quốc, lần đầu tiên sau hơn 3 năm đại dịch. Chuyến thăm Trung Quốc 44 giờ của tỉ phú Elon Musk được hoan nghênh nhiệt liệt tại Trung Quốc. 

Trước hết, về phía dân chúng, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết : trên các mạng xã hội Trung Quốc Elon Musk được ca ngợi như một người ‘‘tiên phong’’, ‘‘một thiên tài về kinh tế’’, ‘‘một người bạn của Trung Quốc’’, ‘‘một thần tượng tầm cỡ thế giới’’. Dân mạng Trung Quốc bày tỏ công khai mong ước Trung Quốc cũng có được người tầm cỡ như Elon Musk. 

Bắc Kinh cũng hồ hởi hoan nghênh tỉ phủ Mỹ. Elon Musk đã gặp nhiều quan chức lãnh đạo Trung Quốc, từ bộ trưởng Công Nghiệp đến bộ trưởng Ngoại Giao. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc và Elon Musk là ‘‘dấu hiệu mới nhất về sự cởi mở của Trung Quốc đối với giới đầu tư toàn cầu, ngày càng lạc quan về thị trường Trung Quốc’’.

Ông chủ Tesla, Elon Musk, tại một nhà máy sản xuất xe điện ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 01/06/2023. VIA REUTERS – TESLA 

Quan hệ nồng ấm giữa Bắc Kinh và tỉ phú Mỹ dường như đang được Washington theo dõi sát, với sự cảnh giác cao độ. Hoa Kỳ lo ngại các thỏa hiệp của giới đại gia công nghệ với Trung Quốc có thể gây tổn hại cho nước Mỹ. Từ Washington, thông tín viên Guillaum Naudin cho biết cụ thể: 

‘‘Elon Musk là một doanh nhân thành công, vì vậy ông được vinh danh tại Mỹ. Tuy nhiên, tỉ phú này cũng trở thành vấn đề với Washington. Elon Musk duy trì quan hệ với Trung Quốc, trong lúc quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đặc biệt xấu. Ví dụ như trong vấn đề Đài Loan, và tình hình quan hệ song phương đã tồi tệ hơn kể từ vụ khinh khí cầu gián điệp bị bắn hạ sau khi bay qua không phận Mỹ. 

Từ nhiều tháng nay, chính quyền Mỹ khó lòng tái lập các liên lạc với Bắc Kinh. Tỉ phú Elon Musk thì ngược lại. Elon Musk đi máy bay riêng đến thủ đô Trung Quốc, chụp ảnh cười tươi với ngoại trưởng Trung Quốc. Và đặc biệt là có nhiều hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. 

Trung Quốc là thị trường xe hơi điện lớn nhất thế giới. Tập đoàn Trung Quốc Đằng Tấn (Tencent) là một cổ đông của công ty điện Tesla, và Elon Musk cho biết hân hạnh có quan hệ đối tác và tư vấn với công ty Trung Quốc. 

Nhà máy khổng lồ Tesla được xây dựng tại Thượng Hải. Sắp tới sẽ có một nhà máy chế tạo ắc quy. Các quan hệ giữa Tesla, Twitter và SpaceX là rất gần gũi. Space X cũng là công ty phụ trách việc phóng các phi thuyền Mỹ. 

Dân biểu lưỡng đảng Hoa Kỳ quan sát ảnh hưởng Trung Quốc đối với các hoạt động của Elon Musk, một cách dè chừng. Mùa thu năm ngoái, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thậm chí đã khẳng định : quan hệ giữa Elon Musk và nước ngoài cần được xem xét kỹ lưỡng. Chuyến đi này của tỉ phú Musk chắc chắn cũng là như vậy’’. 

Hội nghị Thượng Hải : Bắc Kinh bị chỉ trích ‘‘hành xử bất nhất’’

Ngoài tỉ phú Elon Musk, Bắc Kinh cũng nhiệt liệt hoan nghênh hội nghị JPMorgan Global China Summit, 2 ngày giữa tuần qua tại Thượng Hải. Hội nghị, với sự tham gia của 2.600 người từ 37 quốc gia, do ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase chủ trì. Hội nghị được coi là một cơ hội giúp Trung Quốc tái thu hút đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh chỉ số mua hàng công nghiệp PMI (Purchasing Managers’ Index) của Trung Quốc tụt giảm mạnh tháng thứ hai liên tiếp, do nhu cầu sụt. 

Việc các tỷ phú Hoa Kỳ dậm dịch trở lại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden điều chỉnh chính sách với Trung Quốc : hướng đến chiến lược ‘‘hạ thấp rủi ro’’ (de-risking strategy) thay vì ‘‘tách rời’’ (decoupling) hai nền kinh tế, chính sách được đúc kết trong dịp thượng đỉnh G7, họp tại Hiroshima, Nhật Bản, trung tuần tháng 5 vừa qua. 

Chiến lược của Mỹ và phương Tây nói chung ‘‘hạ thấp rủi ro’’ (do Trung Quốc) sẽ được triển khai thế nào là một câu hỏi để ngỏ. Đối với giới doanh nghiệp, bên cạnh các rủi ro do căng thẳng và bất định gia tăng trong quan hệ phương Tây – Trung Quốc, rủi ro lớn khác là các hành xử ‘‘bắt chẹt về kinh tế’’ của chính quyền Trung Quốc. Nhân dịp hội nghị ở Thượng Hải, hôm thứ Tư 31/05, theo Reuters, giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, đã trực tiếp chỉ trích ‘‘hành xử bất nhất’’ của chính quyền Trung Quốc, có thể gây tổn hại lớn đến niềm tin của giới đầu tư trong và ngoài nước. 

Ông Jamie Dimon, giám đốc điều hành của JP Morgan Chase, trong một cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của tổng thống Joe Biden, và bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen, Nhà Trắng, ngày 6/10/2021. AP – Evan Vucci 

BRICS bàn quy chế kết nạp thành viên, và lập đồng tiền chung

Trong tuần qua, đã diễn ra một hội nghị đáng chú ý của nhóm 5 cường quốc đang trỗi dậy, tức nhóm BRICS, họp tại Cap, Nam Phi, trong hai ngày 31/05 và 01/06. Vấn đề tổng thống Nga – hiện đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã vì tội ác chiến tranh tại Ukraina – có được mời tới thượng đỉnh tháng 8 hay không, gây nhiều chú ý. Tuy nhiên, chính quyền Nam Phi – có quan điểm trung lập về cuộc chiến tại Ukraina – đã tránh né trả lời câu hỏi vấn đề này. 

Một nội dung chủ yếu của hội nghị cấp ngoại trưởng BRICS là chuẩn bị quy chế cho việc kết nạp thành viên mới, trong bối cảnh ít nhất 19 quốc gia có ý định gia nhập BRICS. Thông tín viên Romain Chanson tường trình từ thành phố Cap: 

‘‘Năm nước BRICS biết là họ đang được nhiều quốc gia muốn gia nhập BRICS tìm cách chèo kéo. Tuy nhiên, câu lạc bộ khép kín của 5 nước này hiện tại chưa đạt được đồng thuận về các tiêu chí kết nạp thành viên. Nam Phi muốn thúc đẩy hồ sơ này, như phát biểu của ngoại trưởng Naledi Pandor : ‘‘Chúng tôi sẽ còn phải tiếp tục làm việc về chủ đề này. Ngay khi chúng ta có một văn bản sáng tỏ về vấn đề này, chúng tôi sẽ trình ra. Chúng tôi muốn hoàn tất công việc này, trước khi các nguyên thủ gặp nhau vào tháng 8 tới’’.

Đã có 19 quốc gia bày tỏ ý định tham gia BRICS, và một số đã có đơn ứng cử chính thức, như Ả Rập Xê Út, hay Iran. Nếu như Ấn Độ đặt vấn đề mở rộng nhóm một cách thận trọng, Trung Quốc với thứ trưởng Ngoại Giao Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu), mở rộng vòng tay. Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc nói : ‘‘Chúng tôi hoan hỉ trước việc ngày càng có nhiều nước khẳng định quyết tâm tham gia vào nhóm của chúng tôi, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều nước tham gia đại gia đình chúng ta”. 

Ngày họp thứ hai của hội nghị này mở cửa cho các quốc gia bạn hữu của nhóm BRICS tham gia. Khoảng một chục ngoại trưởng các nước được mời phát biểu. Có thể coi đây gần như là vòng sát hạch đối với các ứng cử viên’’. 

Hướng đến lập một đồng tiền chung của khối để chống lại ảnh hưởng của Mỹ là một nội dung chính khác tại hội nghị. Theo hãng tin Bloomberg, hôm 01/06, ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết nhóm đang tìm các biện pháp để tránh cho các thành viên trở thành nạn nhân do các biện pháp trừng phạt tài chính ‘‘đơn phương’’, ngụ ý chỉ các trừng phạt của phương Tây chống Nga, do xâm lược Ukraina. 

Chống biến đổi khí hậu: ‘‘Soái Hạm’’ của nhân loại có thuyền trưởng mới

Nhân loại đang lâm nguy. Biến đổi khí hậu do khí thải hâm nóng trái đất là nguyên do chính. Tình trạng hiểm nguy này đã được cộng đồng quốc tế chính thức thừa nhận. Tuy nhiên, điều đáng sợ là tình trạng hết sức nguy ngập hiện nay không phải đã được các tác nhân kinh tế và chính trị chủ chốt coi là quan trọng. Cơ quan Khí tượng Thế giới (thuộc Liên Hiệp Quốc) (WMO/OMM) hơn ai hết hiểu rõ tình hình này. 

Cơ quan Khí tượng Thế giới được một số nhà quan sát gọi là ‘Soái Hạm’’ của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Với mạng lưới hơn 230 vệ tinh, 10.000 trạm khí tượng bề mặt Trái đất, và cả nghìn trạm trên độ cao, 7.000 tàu thuyền, 3.000 máy bay chuyên được sử dụng để đo lường thời tiết, khí hậu, Cơ quan Khí tượng Thế giới hiểu rõ những tác động kinh hoàng của biến đổi khí hậu đến đời sống con người, đặc biệt là cư dân các quốc gia nghèo, thiếu phương tiện đối phó. 

Tổ chức quốc tế này – tiền thân là Cơ quan Khí tượng Quốc tế, ra đời năm 1873 – cùng với Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, là đồng sáng lập Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC/GIEC). Hiện tại, Cơ quan Khí tượng Quốc tế vẫn là nơi đặt trụ sở của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu, đồng giải thưởng Nobel hòa bình 2007, là nơi chủ yếu cung cấp các báo cáo khoa học, làm chỗ dựa cho các chính sách về khí hậu quốc tế. 

Kể từ năm tới 2024, lãnh đạo ‘‘Soái Hạm’’ của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ là một phụ nữ người Achentina. Bà Celeste Saulo, phó giám đốc thứ nhất của OMM, đã đắc cử với 108 phiếu thuận, và 37 phiếu chống trong phiên bỏ phiếu hôm 31/05, vượt xa đối thủ người Trung Quốc, Zhang Wenjian, nhân vật số 3 của định chế này. 

Nhà khí tượng học Achentina cho biết rất xúc động trước sự ủng hộ bất ngờ nói trên. Lãnh đạo tân cử cơ quan khí tượng Liên Hiệp Quốc đặc biệt chú ý đến việc nhiều quốc gia chịu trách nhiệm chính về tình trạng biến đối khí hậu, nhưng ‘‘không nhìn nhận’’ về trách nhiệm của mình. Bà cho biết sẽ hành động vì các quốc gia dễ tổn thương nhất vì các hiện tượng thời tiết cực đoan, mà biến đổi khí hậu đang làm cho trở nên dữ dội hơn. Các nạn nhân cũng thường là những nước ít góp phần nhất vào việc hâm nóng Trái đất. 

Bà Celeste Saulo, lãnh đạo tân cử của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tại Geneve, Thụy Sĩ, ngày 01/06/2023. AP – Martial Trezzini 

https://www.rfi.fr/vi

Comments are closed.