Ông Putin tuyệt vọng và sự tan rã của nước Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin ở Moscow hôm 21/03/2023. (Ảnh: Mikhail Tereshchenko/Sputnik/AFP qua Getty Images)
Anders Corr
Thứ sáu, 23/06/2023
Ông Vladimir Putin tuyệt vọng, vừa tốt vừa xấu. Điều xấu — thực sự xấu — là những con thú bị dồn vào chân tường thường sẽ quay lại tấn công.
Trong trường hợp của ông Putin, việc đó có thể là việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc một quả đạn pháo “đi lạc” đánh vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu ở Zaporizhzhia, Ukraine. Một trong hai hành động sẽ leo thang chiến tranh và có thể trực tiếp kéo liên minh NATO vào.
Dường như sẵn sàng mạo hiểm, ông Putin đã thực hiện hai bước quan trọng trong những tuần qua. Ông ấy khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật cho đồng minh thân cận nhất của mình là Belarus. Và ông ấy rút khỏi Hiệp ước về Các lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu, vốn hạn chế các lực lượng của Nga và NATO. Ông Putin đã tuyên bố sẽ bảo vệ đất đai chiếm được ở Ukraine bằng vũ khí hạt nhân.
Hôm 26/05, Moscow tấn công đập Karlivka bằng hỏa tiễn S-300.
Hôm 06/06, các lực lượng Nga rõ ràng đã cho nổ tung đập Kakhovka. Việc làm cho sông Dnipro bị ngập lụt đã khiến cho các lực lượng Ukraine gặp khó khăn hơn trong việc chiếm lại lãnh thổ đã mất ở phía đông.
Đây là những dấu hiệu, có thể đã được ông Putin trù tính như vậy trong “trận chiến” bên bờ vực chiến tranh, để chứng minh rằng ông ấy có thể phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Nhưng giống như việc làm vỡ con đập và đe dọa Zaporizhzhia, những việc đó chỉ đẩy ông Putin rơi sâu hơn vào cái hố do chính ông ấy tạo ra. Ông ấy ngày càng tỏ ra là một kẻ gây hấn bị dồn vào chân tường và ít tỏ ra là một người bảo vệ chiến thắng nữa.
“Về căn bản, ông Putin dừng kế hoạch vũ khí hạt nhân của mình ở Ukraine. Và thậm chí ông ấy có khả năng biết rằng đó không phải là một lựa chọn khả thi hoặc giành phần thắng,” một cựu lãnh đạo Bộ phận Can dự Tình báo của Bộ Chỉ huy Âu Châu của Hoa Kỳ viết.
Dù những đám mây bão trên bầu trời Ukraine có chuyển biến xấu như thế nào, thì vẫn có một tia hy vọng. Một đế chế Nga chuyên quyền lần nữa đang đổ vỡ dưới áp lực của chính mình. Đó sẽ là một sự thay đổi địa chính trị đáng hoan nghênh, đặc biệt là nếu như điều đó làm nhụt chí các kế hoạch xâm lược Đài Loan của Trung Quốc.
Theo một bài báo hôm 06/06, ông Mikhail Khodorkovsky, tỷ phú dầu mỏ người Nga sống lưu vong, cảnh báo rằng sự cai trị của ông Putin sẽ dẫn đến “sự tan rã” của nước Nga.
Các lực lượng ủng hộ Ukraine, bao gồm cả hai nhóm phiến quân Nga, đang tấn công các lãnh thổ ở Nga và nhắm mục tiêu vào Moscow bằng phi cơ không người lái và IED.
Câu trả lời của nước Nga dành cho NATO, Tổ chức Hiệp ước An ninh Chung (CSTO), gần như là không ủng hộ cuộc chiến của ông Putin. Theo một bài báo hôm 05/06, một quốc gia thành viên, Armenia, công khai từ chối ủng hộ cuộc chiến tranh này.
Đây là điểm yếu lớn nhất của các cường quốc độc tài nói chung. Họ không có bằng hữu hay đồng minh thực thụ, mà chỉ là những đối tác vì lợi ích mà có thể phản bội nhau.
Trung Quốc được cho là đang gây áp lực buộc Nga không được sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ngôn từ thì chung chung đến mức vô nghĩa hoặc, tệ hơn, được điều chỉnh để mang lại cho các quốc gia như Nga và Trung Quốc, với quân đội thông thường lớn và hùng mạnh, lợi thế lớn hơn các cường quốc hạt nhân nhỏ hơn.
Áp lực vì vậy là sự mơ tưởng hão huyền của các nhà bình luận phương Tây hơn là hành động thực tế của Bắc Kinh nhằm kiềm chế ông Putin. Ông Tập Cận Bình rõ ràng phản đối “sự bẽ mặt” của ông Putin, để tránh điều đó đòi hỏi nhà độc tài Nga phải giành được ít nhất một phần lãnh thổ — rất có thể là một cây cầu trên đất liền đi tới Crimea.
Đây là phiên bản của chiến thuật cắt xúc xích Salami từ hai phía, hai nhà độc tài đồng minh theo chủ nghĩa gia tăng này chiếm các lãnh thổ láng giềng, mỗi lúc từng miếng nhỏ một, cho đến khi chiếc xúc xích dân chủ không còn nữa.
Ông Putin đi theo phương pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở châu Á, mà bắt đầu bằng việc chiếm một tỉnh của Trung Quốc vào những năm 1930, sau đó mở rộng sang Tây Tạng, Tân Cương, và các đảo ở Biển Đông trong bốn thập niên tiếp theo.
Tham vọng gây ảnh hưởng của Bắc Kinh, mũi nhọn của những cuộc chinh phục lâu dài hơn, giờ đây bao gồm cả những phần của những gì từng là nước Nga — các nước cộng hòa Trung Á. Nga cuối cùng cũng có thể mất đi những phần Viễn Đông của mình, nơi đã bị các doanh nghiệp và người nhập cư từ Trung Quốc xâm nhập.
Cho đến nay, các mối đe dọa trực tiếp hơn là phi cơ không người lái do Ukraine sản xuất bay xa tới tận Moscow và các kế hoạch của Hoa Kỳ chấp thuận bổ sung chiến đấu cơ F-16 và F/A-18 để chuyển giao cho Ukraine. Những phản lực cơ này có thể hạ gục phi cơ không người lái và hỏa tiễn của Nga, nhưng cũng có thể được dùng để tấn công.
Ngoại trưởng Nga lo ngại về việc trang bị vũ khí hạt nhân cho chiến đấu cơ Ukraine. Tuy nhiên, thế giới sẽ không thể hiện nhiều sự đồng cảm với mối lo ngại của Nga khi một phát ngôn viên Ngũ Giác Đài gửi một thông điệp tới ông: “Nếu các vị lo lắng về năng lực quân sự của Ukraine, thì các vị nên rút quân và rời khỏi Ukraine.”
Ngoài ra còn có các loại vũ khí thông thường mạnh mẽ có thể được khai triển trên các chiến đấu cơ mới của Ukraine, chẳng hạn như bom chùm tầm nhiệt mở ra để rải quân nhu cho tối đa 40 thiết giáp xa. Hoa Kỳ không còn khai triển loại này nữa, nhưng công nghệ này có thể được sản xuất tại các nhà máy vũ khí của Ukraine.
Hiện tại, một số thường dân lo lắng rằng Moscow là một nơi không an toàn để sinh sống do khả năng Ukraine trả đũa. Có vẻ như cuộc đấu đá nội bộ giữa quân đội Nga và Tập đoàn Wagner được quân sự hóa nằm ngoài tầm kiểm soát của ông Putin. Có cả tin đồn về một cuộc đảo chính.
Đến giờ, ông Putin hẳn lo lắng về việc tự cứu lấy mình. Ông Saddam Hussein và ông Muammar Gaddafi, hai nhà độc tài của Iraq và Libya, những người vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đã kết thúc cuộc đời dưới bàn tay của những người đồng hương của họ.
Nguy cơ đó khiến ông Putin trở nên tuyệt vọng và khó lường. Sự hợp tình hợp lý có thể khó đối với những người lo sợ cho sinh mạng của họ. Họ có thể tấn công người dân của họ và người dân của các quốc gia khác.
Đây là lý do tại sao Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta tương đối thận trọng trong việc “khiêu khích” ông Putin.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể để ông ấy sa ngã. Làm như vậy có thể giảm bớt sự hung hăng, mà vốn sẽ chỉ gây ra nhiều sự gây hấn hơn từ phía ông Putin, ông Tập, và những kẻ sẽ trở thành bạo chúa khác.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Theo Epoch Times Tiếng Việt