Thế giới hôm nay: 11/09/2023 (Economist)


TBT CSVN đón tiếp long trọng TT Hoa Kỳ tại Hà Nội

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Vua Morocco Mohammed VI tuyên bố ba ngày quốc tang sau trận động đất hôm thứ Sáu khiến ít nhất 2.000 người thiệt mạng. Các đội cứu hộ đang nỗ lực tiếp cận những ngôi làng xa xôi. Đây là trận động đất có thương vong cao nhất ở nước này kể từ năm 1960; và với cường độ 6,8, nó cũng là lớn nhất khu vực trong ít nhất 120 năm qua. Dù đã cắt đứt quan hệ với Morocco hai năm trước, Algeria cho biết họ sẽ mở không phận để cho phép viện trợ đến với nước láng giềng.

Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất – vốn chỉ dành cho Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc – trong chuyến thăm cấp nhà nước của tổng thống Joe Biden. Hai nước sẽ hợp tác về chất bán dẫn và khoáng sản. Trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ đang xích lại gần hơn với một nước có thành tích nhân quyền gây tranh cãi.

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cho biết người đồng cấp Nga Vladimir Putin có thể tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào năm tới tại Rio de Janeiro mà không bị bắt. Ông Putin có lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế, trong đó Brazil là thành viên, vì tội ác chiến tranh. Hôm thứ Bảy, các nhà lãnh đạo G20 bất ngờ đồng ý đưa ra một thông cáo chung không lên án việc Nga xâm lược Ukraine.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cho biết nước ông đã tích đầy nước cho các hồ chứa tại con đập đang xây dựng trên nhánh chính của sông Nile. Đập Phục hưng Ethiopia Lớn dự kiến sản xuất ra 6.000 MW điện, giúp tăng hơn gấp đôi công suất điện hiện tại của Ethiopia. Nhưng Sudan và Ai Cập, cả hai nước đều dựa vào nguồn nước từ sông Nile, coi dự án này là một mối đe dọa.

Phe ly khai Armenia kiểm soát Nagorno-Karabakh đã cho phép các chuyến hàng viện trợ từ Azerbaijan, lần đầu tiên sau nhiều thập niên. Chính phủ Azerbaijan đồng ý mở lại một số tuyến đường bộ trong khu vực nối với Armenia. Azerbaijan, vốn bao quanh vùng này về mặt địa lý, đã chặn đường trong 9 tháng qua, đẩy một số người trong số 120.000 cư dân có sắc tộc Armenia của Nagorno-Karabakh đến bờ vực chết đói. Thỏa thuận sẽ giúp ích phần nào cho hoàn cảnh của họ.

Giám đốc cơ quan tình báo Ukraine, Kyrylo Budanov, nói cuộc phản công của đất nước ông sẽ tiếp tục “trong giá lạnh, ẩm ướt và bùn lầy”. Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân Mỹ Mark Milley cho biết cuộc phản công sẽ chậm lại do điều kiện thời tiết xấu đi trong tháng tới. Quân đội Ukraine đã đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi hàng chục ngôi làng kể từ tháng 6, nhưng bị cản trở đáng kể bởi các bãi mìn.

Số liệu trong ngày: 7%, là tỷ lệ nghèo của Chile vào năm 2022, giảm từ 68% của năm 1990.

TIÊU ĐIỂM

Mỹ kỷ niệm 22 năm vụ 11/9

“Liệu cuộc sống có còn như trước hay không?” báo The Economist từng hỏi một câu như vậy sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Thứ Hai này là dịp để người Mỹ tưởng nhớ về vụ việc 22 năm trước đã khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng (trong đó có 19 tên không tặc) và suy ngẫm về những thay đổi kể từ đó.

“Tribute in Light,” một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được trình diễn vào dịp kỷ niệm 11/9 hàng năm, sẽ chiếu đèn pha lên bầu trời Manhattan để tượng trưng cho tòa tháp đôi đã sụp đổ. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ tham dự một buổi lễ tại Bảo tàng và Đài tưởng niệm 11/9, nơi vào ngày kỷ niệm chỉ mở cửa cho gia đình nạn nhân và các quan chức như bà Harris. Joe Biden, người đang từ Việt Nam về, sẽ kỷ niệm ngày 11/9 bằng một buổi lễ tại căn cứ quân sự ở Alaska. George Pataki, thống đốc Cộng hòa của New York vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, đã chỉ trích gay gắt việc tổng thống vắng mặt bất thường trong lễ tưởng niệm ở thành phố. Vụ tấn công từng đoàn kết người Mỹ, nhưng giờ đây đôi khi nó lại gây chia rẽ.

Tình hình kinh tế Nga

Tháng vừa qua thật khó khăn đối với nền kinh tế Nga — có lẽ là khó khăn nhất kể từ tháng 3 năm 2022, thời điểm nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt tháo chạy và đồng rúp sụp đổ. Đồng tiền của Nga một lần nữa mất giá khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đè nặng lên xuất khẩu. Và lãi suất cao đã không hề giúp ích trong bối cảnh đó. Số liệu công bố vào sáng thứ Hai có thể cho thấy thặng dư thương mại của nước này đang tiếp tục giảm, một phần vì xuất khẩu yếu.

Nhưng bên cạnh đó cũng có một số điểm khả quan. Theo loạt dữ liệu kinh tế “thời gian thực” của The Economist, nhịp độ kinh tế vẫn duy trì ổn định dù đồng tiền mất giá. Thặng dư thương mại suy giảm một phần là do nhập khẩu tăng cao – một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã chuyển hướng khỏi các nhà cung cấp phương Tây. Nền kinh tế Nga có nhịp đập yếu, nhưng dù gì thì trái tim vẫn đập.

Morocco nỗ lực cứu hộ sau thảm hoạ động đất

Trận động đất chỉ kéo dài vài giây; nhưng nỗ lực cứu hộ và dọn dẹp sau đó có thể mất vài tháng. Số người chết trong trận động đất 6,8 độ hôm thứ Sáu ở Morocco đã tăng lên trên 2.000, đưa nó trở thành trận động đất có thương vong cao nhất ở nước này kể từ năm 1960. Các nhân viên cứu hộ có khoảng một ngày nữa để tìm kiếm những người sống sót. Sau đó, cứu hộ chuyển sang phục hồi. Một số người Morocco cho rằng phản ứng là quá chậm chạp. Nhà vua, người dành phần lớn thời gian ở Paris, mất gần một ngày mới đưa ra tuyên bố về thảm họa.

Sự chú ý đã được dồn vào Marrakech, một thành phố lịch sử có nhiều du khách nước ngoài (nơi sẽ tổ chức các cuộc họp thường niên của IMF vào tháng tới). Nhưng thách thức lớn đối với lực lượng cứu hộ là tiếp cận các ngôi làng gần tâm chấn trận động đất trên dãy núi Atlas. Đường sá bị tắc hoặc hư hỏng, khiến việc vận chuyển thiết bị nặng trở nên khó khăn. Dân làng do đó sẽ thiếu lương thực và thuốc men.

Lính Mỹ tập trận ở Armenia

Lính Mỹ đang ở Armenia cho các cuộc tập trận quân sự bắt đầu từ thứ Hai và kéo dài mười ngày. Tập trận được cho là nhằm chuẩn bị cho quân đội Armenia tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Nó có quy mô nhỏ khi chỉ 85 lính Mỹ tham gia. Nhưng sự hiện diện của họ đã khiến Nga khó chịu, vì Moscow luôn coi mình là đồng minh chính trong khu vực của Armenia. Nó cũng gây ra sóng ngầm ở Azerbaijan, nước đã trải qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu với Armenia chỉ trong ba năm.

Các quan chức Nga nói cuộc tập trận này thúc đẩy nỗ lực của Mỹ nhằm lôi kéo Armenia vào phạm vi ảnh hưởng của phương Tây. Armenia ngày càng không hài lòng với Nga. Đầu năm nay, Armenia đã hủy tập trận với Nga và các thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga đứng đầu. Chính phủ nước này nói Nga đã không thể bảo vệ Armenia trước Azerbaijan, nước đang bắt đầu đưa quân đội đến khu vực biên giới hai nước. Nếu Armenia thực sự nghiêng về phía phương Tây thì Nga chỉ có thể tự đổ lỗi cho chính mình.

Comments are closed.