Thời sự đó đây ngày Thứ hai 01 tháng 4 năm 2024
Võ Thái Hà tổng hợp
Pháp hối thúc Trung Quốc có « thông điệp rõ ràng với Nga » về chiến tranh tại Ukraina
Anh Vũ /RFI -01/4/2024
Trong chuyến công du ngắn tới Bắc Kinh, ngày 01/04/2024, ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné đã kêu gọi Trung Quốc gửi « thông điệp thật rõ ràng tới Nga » về cuộc chiến tranh tại Ukraina, đồng thời ông cũng khẳng định sự cần thiết duy trì quan hệ mạnh mẽ về kinh tế với cường quốc châu Á.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị, sau cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 01/04/2024. © Ken Ishii/Pool via Reuters
Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị, ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné tuyên bố : « Chúng tôi hy vọng Trung Quốc chuyển tới Nga những thông điệp rõ ràng ». Theo ông Séjourné, « hiển nhiên Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt trong trong các vấn đề độc lập, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có chủ quyền lãnh thổ của Ukraina ».
Trung Quốc luôn tỏ ra trung lập trong hồ sơ chiến tranh Ukraina, chủ trương giải quyết cuộc xung đột bằng con đường ngoại giao. Nhưng trên thực tế, lập trường của Bắc Kinh nghiêng về Matxcơva đã thấy rõ qua các tuyên bố tăng cường quan hệ nhiều mặt với Nga của các quan chức cao cấp Trung Quốc từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.
Từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraina, các nước phương Tây đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình với Nga để tác động tích cực vào việc giải quyết xung đột.
Ngoại trưởng Pháp khẳng định cuộc chiến tranh tại Ukraina « liên quan đến toàn thể cộng đồng quốc tế », vì thế Pháp « quyết tâm duy trì đối thoại chặt chẽ với Trung Quốc ».
Ông Stéphane Séjourné cũng nhấn mạnh Pháp không mong muốn quan hệ kinh tế Trung Quốc bị sụt giảm mạnh, nhưng trao đổi làm ăn giữa hai nước phải « dựa trên cơ sở lành mạnh và bền vững ».
Ngoại trưởng Trung Quốc tránh không đề cập cụ thể đến hồ sơ chiến tranh Ukraina. Ông Vương Nghị tập trung nhiều vào vẫn đề quan hệ kinh tế, đánh giá cao tuyên bố của đồng nhiệm Pháp về từ chối tách rời kinh tế Trung Quốc, điều mà ông theo lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc là không thể được và gây rủi ro lớn cho châu Âu. Ông Vương Nghị nhấn mạnh, « Trung Quốc là cơ hội chứ không phải là rủi ro cho châu Âu. Hai bên là đối tác, không phải là đối thủ ».
Ngoại trưởng Stéphane Séjourné tới Bắc Kinh vào lúc hai nước trong năm nay kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế căng thẳng với các hồ sơ chiến tranh Nga-Ukraina, Israel- Hamas tại Gaza, hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Pháp sắp gửi xe bọc thép cũ, tên lửa mới tới Ukraine
31/3/2024 – Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu hôm 31/3 cho biết rằng Pháp sẽ cung cấp hàng trăm xe bọc thép cũ và tên lửa đất đối không mới cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn với La Tribune Dimanche, ông Lecornu nói rằng Tổng thống Emmanuel Macron, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, đã yêu cầu ông chuẩn bị một gói viện trợ mới, trong đó sẽ bao gồm các thiết bị cũ nhưng vẫn còn hoạt động của Pháp.
Ông nói: “Quân đội Ukraine cần bảo vệ một chiến tuyến rất dài, đòi hỏi phải có xe bọc thép; điều này cực kỳ quan trọng đối với khả năng di chuyển của binh sĩ và là một phần trong yêu cầu của Ukraine”.
Ông cho biết Pháp đang xem xét cung cấp hàng trăm xe chở quân trên tiền tuyến, viết tắt là VAB, trong năm 2024 và đầu năm 2025.
Quân đội Pháp đang dần thay thế hàng nghìn chiếc VAB lần đầu tiên đi vào hoạt động vào cuối những năm 1970 bằng một xe chở quân đa năng mới.
Ông Lecornu nói thêm rằng Pháp cũng đang chuẩn bị cung cấp lô tên lửa đất đối không Aster 30 mới cho hệ thống SAMP/T cung cấp cho Kyiv.
Aster 30 có thể đánh chặn máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 120 km.
Ông Lecornu cho biết rằng ông đã yêu cầu cơ quan mua sắm quốc phòng của chính phủ DGA đưa ra các đề xuất nhằm đẩy nhanh việc sản xuất tên lửa Aster do tập đoàn MBDA của châu Âu sản xuất.
Mỹ tiếp tục sửa đổi luật để hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc
Trí Đạt (t/h)
(Nguồn: William Potter/ Shutterstock)
Chính phủ Mỹ đã sửa đổi các quy định vào thứ Sáu (29/3) để gây khó khăn hơn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc có được chip trí tuệ nhân tạo (AI) và công cụ sản xuất chip của Mỹ. Đây là động thái mới nhất xuất phát từ lo ngại về an ninh quốc gia và ngăn chặn ĐCSTQ sử dụng công nghệ của Mỹ để phát triển sức mạnh quân sự và khả năng giám sát.
Các quy định xuất khẩu được ban hành vào tháng Mười năm ngoái nhằm ngăn chặn xuất khẩu sang Trung Quốc các loại chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến hơn do Nvidia thiết kế, và sau đó một số ‘gã khổng lồ’ công nghệ khác cũng đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu những loại chip tương tự.
Các quốc gia bị hạn chế này còn bao gồm Iran và Nga, trong khi các nhà sản xuất chip Trung Quốc Moore Thread và Biren bị đưa vào danh sách đen.
Reuters đưa tin, quy định mới ban hành hôm thứ Sáu dài 166 trang và sẽ có hiệu lực vào thứ Năm tuần sau (ngày 4/4). Trong các quy định mới, Chính phủ Mỹ làm rõ rằng các hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc hiện cũng áp dụng cho máy tính xách tay có chứa các chip đó. Động thái này đánh dấu một biện pháp quan trọng.
Bộ Thương mại, cơ quan giám sát các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cho biết họ có kế hoạch tiếp tục cập nhật các hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc để tăng cường và điều chỉnh các biện pháp này. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo trước đó đã từng đề cập rằng các quy định sẽ được cập nhật “ít nhất hàng năm”.
Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ trước đó cho biết họ sẽ hạn chế việc Trung Quốc mua các chip bán dẫn này để sử dụng trong “sản xuất các hệ thống quân sự tiên tiến bao gồm vũ khí hủy diệt hàng loạt” và “vi phạm nhân quyền”. Điều này nhất trí với phương pháp Mỹ xem xét nghiêm ngặt việc xuất khẩu chip sang Trung Quốc.
Mặt khác, Thượng Hải gần đây tiết lộ kế hoạch thành lập quỹ 100 tỷ nhân dân tệ (tương đương 13,8 tỷ USD) để tập trung vào các công nghệ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, bao gồm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, khi những ‘gã khổng lồ’ về trí tuệ nhân tạo như Nvidia và AMD phải đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo cao cấp, việc phát triển những công nghệ như vậy của ĐCSTQ đã gặp trở ngại.
Chính phủ Mỹ đã cấm xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo trong tình huống có giấy phép phù hợp, Nvidia và đối thủ của họ là AMD nhanh chóng ngừng xuất khẩu, khiến cho ĐCSTQ gặp trở ngại. Tuy nhiên, các báo cáo chỉ ra rằng bất chấp những lệnh cấm này, quân đội ĐCSTQ vẫn mua chip Nvidia, đặc biệt là chip A100 và chip H100 mạnh hơn. Điều này làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về những thách thức mà Mỹ phải đối mặt trong việc cắt đứt hoàn toàn khả năng tiếp cận chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến của ĐCSTQ.
Đồng thời, cùng với việc NVIDIA mới ra mắt chip Blackwell, con chip trí tuệ nhân tạo mạnh nhất cho đến nay, tại hội nghị GTC (Hội nghị Công nghệ GPU), cũng làm dấy lên mối lo ngại rằng quân đội ĐCSTQ có thể có được những con chip trí tuệ nhân tạo này.
Các quan chức Mỹ đã lập danh sách các nhà máy sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc bị cấm nhận công nghệ của Mỹ để giúp các công ty dễ dàng tuân thủ các lệnh trừng phạt hơn. Theo những người quen thuộc với vấn đề này đã nói chuyện với Reuters, danh sách này có thể sẽ được công bố trong những tháng tới.
Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã đình chỉ giấy phép của hàng chục nhà cung cấp Mỹ bán vật liệu và linh kiện sản xuất chip trị giá hàng triệu đô la cho các nhà máy hiện đại của SMIC.
Mỹ cũng đã yêu cầu các công ty ở các nước đồng minh ngừng cung cấp một số công cụ sản xuất chip cho khách hàng Trung Quốc. Ông Alan Estevez, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và An ninh kiêm và là người phụ trách Phòng Kiểm soát Xuất khẩu tại Bộ Thương mại Mỹ, nói với giới truyền thông ở Washington DC. hôm thứ Tư (27/3) rằng ông đang làm việc với các đồng minh của Mỹ để “xác định xem việc sửa chữa [các quy định kiểm soát xuất khẩu] nào là quan trọng, sửa chữa nào không?”
Ông nói: “Chúng tôi đang thúc đẩy không cung cấp dịch vụ cho những thành phần quan trọng này (cho các công ty Trung Quốc), vì vậy chúng tôi đang thảo luận với các đồng minh của mình”.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được mở rộng gần đây khiến các công ty Mỹ gặp khó khăn trong việc tiếp tục bảo trì các công cụ mà các công ty Trung Quốc đã mua trước khi có lệnh trừng phạt. Nhưng những quy định này không áp dụng cho các công ty Hà Lan và Nhật Bản.
Mỹ cũng đã kêu gọi cả hai nước trên thắt chặt các hạn chế xuất khẩu.
Cùng với cuộc chiến về chip trí tuệ nhân tạo giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, Mỹ cũng đang chuyển sang đồng minh phía nam Mexico để tăng cường nỗ lực sản xuất chip của mình.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Năm (ngày 28/3) rằng họ đang làm việc với Chính phủ Mexico để xác định các cơ hội mở rộng và đa dạng hóa hoạt động phát triển chip. Sự hợp tác này sẽ được hỗ trợ bởi quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế (ITSI) của Bộ Ngoại giao Mỹ, xuất phát từ Đạo luật Khoa học và CHIPS được chính quyền Biden thông qua vào năm 2022.
Đức hợp pháp hoá cần sa
Kể từ ngày 1 tháng 4, việc người trưởng thành mang cần sa với số lượng nhỏ (tối đa 25 gram) sẽ trở thành hợp pháp ở Đức. Người Đức cũng có thể lưu trữ tới 50 gram cần sa khô và trồng tối đa ba cây tại nhà. Hiện chưa có kế hoạch mở cửa hàng bán cần sa hợp pháp, nhưng từ ngày 1 tháng 7, các câu lạc bộ có tối đa 500 thành viên sẽ được trồng cần sa để sử dụng.
Đức hy vọng những thay đổi này sẽ giúp cảnh sát tập trung vào những tội phạm quan trọng hơn. Động thái này sẽ được chào đón bởi nước láng giềng Hà Lan, nơi đang bị ảnh hưởng bởi du lịch cần sa từ Đức và các nơi khác kể từ khi hợp pháp hoá cần sa gần 50 năm trước. Nhưng hầu hết các nước châu Âu, bao gồm cả Hà Lan, gần đây ngày càng ít nhiệt tình hơn với những chính sách như vậy. Amsterdam đã cắt giảm số lượng quán cà phê cần sa; và các thành phố khác chỉ cho phép công dân Hà Lan mua.
Nepal có dấu hiệu ngả về Trung Quốc
Chính sách đối ngoại của Nepal từ lâu đã được định hình bởi mối quan hệ với Ấn Độ. Hai nước có chung đường biên giới rộng mở và nền văn hóa tương đồng. Nhưng trong thập niên qua, mối liên kết đó đã suy yếu khi Nepal bị một nước láng giềng khổng lồ khác là Trung Quốc lôi kéo.
Thứ Hai này là ngày cuối trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài một tuần của Narayan Kaji Shrestha, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Nepal. Chuyến đi bao gồm các cuộc đàm phán về việc khởi động Sáng kiến Vành đai và Con đường ở quốc gia thuộc dãy Himalaya. Nepal đã đăng ký tham gia chương trình cơ sở hạ tầng chính sách của Trung Quốc từ năm 2017, nhưng các dự án vẫn chưa bắt đầu.
Đáng chú ý ở chỗ đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Shreshta kể từ khi được bổ nhiệm trong cuộc cải tổ chính phủ vào tháng trước. Điểm đến này chắc chắn bị ảnh hưởng bởi các đảng cánh tả trong liên minh cầm quyền mới, vốn ủng hộ Trung Quốc hơn Ấn Độ. Quan hệ giữa hai ông lớn vốn đã lạnh nhạt; nhưng Nepal có thể khiến nó trở nên băng giá hơn nữa.
California tăng lương tối thiểu cho nhân viên cửa hàng thức ăn nhanh
Vào thứ Hai, lương theo giờ cho hơn 500.000 nhân viên cửa hàng thức ăn nhanh ở California sẽ tăng từ 16 USD lên 20 USD, mức lương tối thiểu cao nhất nước Mỹ. Thống đốc Gavin Newsom, một đảng viên Dân chủ, đã ca ngợi đạo luật mang tính bước ngoặt này là một bước tiến tới “hòa nhập.” Các công đoàn đang hướng tới các bang khác. Nhưng với tỷ lệ thất nghiệp ở California cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn quốc, luật này có thể trở thành một gánh nặng chính trị.
Dự đoán chi phí lao động sẽ tăng, ngành công nghiệp thức ăn nhanh của California đã sa thải bớt nhân công. Dự kiến sẽ còn nhiều đợt sa thải hơn, đặc biệt là trong ngành giao đồ ăn. Các món ăn mất nhiều thời gian chuẩn bị hơn đang bị loại bỏ khỏi một số menu. Các sáng kiến tự động hóa việc chuẩn bị và phục vụ đồ ăn đang ngày càng trở nên phổ biến. Các chuỗi cửa hàng nổi tiếng như Chipotle, Jack in the Box, và McDonald’s đang tăng giá. Và ông Newsom đã bác bỏ các cáo buộc rằng ông thúc đẩy việc miễn trừ các quy định mới cho Panera Bread, một chuỗi cửa hàng bánh mì thuộc sở hữu của một trong những nhà tài trợ của ông. Công ty cho biết họ sẽ trả ít nhất 20 USD một giờ cho nhân viên.
Một mạng xã hội khác lạ mới ra mắt
Nếu TikTok bị cấm ở Mỹ vì lý do an ninh quốc gia, một công ty mới nổi sẽ tận dụng thời cơ. Thứ Hai này là ngày ra mắt của một mạng xã hội lấy cảm hứng từ một meme trên mạng về việc con người dành quá nhiều thời gian suy nghĩ về đế chế La Mã. Người dùng trả tiền của HicHoc sẽ được gọi là thượng nghị sĩ (senator); còn những người chọn phiên bản có quảng cáo sẽ được gọi là người bình dân (pleb). Theo giám đốc điều hành Max Imus, màn hình Rome của HicHoc sẽ hiển thị nội dung do người dùng tạo.
Ông Imus hy vọng nền tảng này sẽ là nơi tranh luận nghiêm túc về cải cách ruộng đất của anh em nhà Gracchi. Nhưng ông thừa nhận rằng, trong quá trình thử nghiệm, video được xem nhiều nhất trên nền tảng này là một phụ nữ trẻ hát nhép theo giai điệu của “No Roman No Cry.” Nhưng HicHoc sẽ không giữ sân chơi cho riêng mình lâu. Vào ngày 1 tháng 4 năm sau, một dịch vụ truyền thông xã hội theo chủ đề La Mã cổ điển khác sẽ ra mắt, mang tên TenCenturion.