Thời sự Thứ Năm 25/5/2023: *Mỹ: ngoại giao về TQ hàng đầu từ chức *Tin tặc TQ tấn công hạ tầng Mỹ *Năm năm EU ban hành luật dữ liệu *Nhật bảo vệ tuyên bố của G7 *‘G7 đoàn kết hơn bao giờ hết’ *Nam Hàn Quốc phóng thành công hỏa tiễn *Vladivostok là cảng trung chuyển của Trung Quốc
Võ Thái Hà tổng hợp
Hoa Kỳ: Quan chức ngoại giao hàng đầu về chính sách Trung Quốc sẽ từ chức
Nguồn hình ảnh, Reuters
Quan chức cấp cao về chính sách ngoại giao của Mỹ về vấn đề Trung Quốc, Rick Waters sẽ từ chức trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh đang ở mức thấp nhất trong hàng thập kỷ qua.
Ông Rick Waters, Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Trung Quốc và Đài Loan, cũng là người đứng đầu Văn phòng Điều phối Trung Quốc (hay China House) một cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ được thành lập gần đây.
Ông Waters sẽ rời khỏi chức vụ vào ngày 23/6 và vẫn giữ vai trò là một quan chức ngoại giao cấp cao, theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông Waters đã công bố ý định từ chức của mình trong một cuộc họp với nhân viên vào đầu ngày thứ Tư 24/5, một nguồn tin nắm vấn đề nói với Reuters.
“Chúng tôi biết ơn ông ấy vì hai năm phụng sự với chuyên môn trong vấn đề Trung Quốc và Đài Loan, bao gồm việc thành lập Văn phòng Điều phối Trung Quốc (Office of China Coordination) và vai trò lãnh đạo Văn phòng Điều phối Đài Loan (Office of Taiwan Coordination),” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu trong một tuyên bố với Reuters.
Ông Waters không phản hồi ngay lập tức với Reuters về yêu cầu bình luận.
Trước đó hai tuần, Reuters thông tin việc Bộ Ngoại giao Mỹ hoãn các lệnh trừng phạt liên quan đến vấn đề nhân quyền, kiểm soát xuất khẩu và hành động nhạy cảm khác là để hạn chế gây tổn hại đến mối quan hệ song phương Mỹ-Trung sau căng thẳng liên quan đến vụ bắn hạ khinh khí cầu tình nghi là do thám bay vào lãnh thổ Mỹ hồi tháng Hai.
Thông tin này có liên quan đến một email mà ông Waters gửi đến các nhân viên, hướng dẫn hoãn một số hành động để cơ quan này có thể tập trung vào “các phản ứng tương xứng và có hiệu chỉnh” liên quan đến vụ việc khinh khí cầu.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở mức thấp nhất trong hàng thập kỷ qua, theo nhiều nhà phân tích, và các đối thủ chiến lược đã tranh luận liên quan đến các vấn đề từ Đài Loan đến thương mại.
“China House đang tăng cường thực hiện các việc làm của chính quyền tổng thống nhằm thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và vượt qua Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh,” Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương, ông Daniel J. Kritenbrin nói với Reuters.
“Có một vài người trong chính phủ Mỹ hiểu về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa tốt hơn ông Rick Waters, và sự ủng hộ thành lập China House dưới sự lãnh đạo của ông ấy sẽ luôn là một di sản lâu dài. Rick Waters là một nhà tư tưởng chiến lược đã khéo léo thúc đẩy chính sách của Mỹ về Trung Quốc,” ông Kritenbrink nói, và cho biết thêm Bộ Ngoại giao Mỹ đang trong quá trình chọn người kế nhiệm ông Waters, theo Reuters.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến đi đến Trung Quốc hồi tháng Hai do vụ khinh khí cầu tình nghi là do thám
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tìm cách có các cuộc họp cấp cao với phía Trung Quốc nhằm nỗ lực không để mối quan hệ ngoại giao chuyển sang xung đột, đặc biệt từ sau cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan đến vụ khinh khí cầu cáo buộc là do thám bay qua các địa điểm quân sự nhạy cảm của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến đi đến Trung Quốc hồi tháng Hai do vụ khinh khí cầu tình nghi là do thám, nhưng Nhà Trắng nói đang nỗ lực để chuyến đi của ông Blinken, cũng như Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo có thể diễn ra.
Ông Waters đã lãnh đạo China House, với tên gọi chính thức là Văn phòng Điều phối Trung Quốc (Office of China Coordination), kể từ khi được mở cửa hồi tháng 12 năm ngoái đã được xem là sự sắp xếp lại nhằm khiến chính sách về Trung Quốc sắc bén hơn. Ông Waters cũng từng là phó trợ lý ngoại trưởng trong khoảng hai năm.
Một số người chỉ trích chính quyền của ông Biden đã chất vấn về những liên lạc của Mỹ đến Trung Quốc, lập luận về những thập kỷ cùng tham gia đã không thể thay đổi lập trường của Bắc Kinh liên quan đến một loạt vấn đề như thương mại, an ninh và nhân quyền.
Gần đây đã có những thay đổi nhân sự trong giới chức cấp cao phụ trách vấn đề Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden.
Thứ trưởng chuyên trách Các vấn đề Chính trị của Mỹ Wendy Sherman, người đã thúc đẩy nhiều trong cách tiếp cận của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với Trung Quốc, đã tuyên bố từ chức hôm 12/5.
Và một cựu quan chức cấp cao khác về vấn đề Trung Quốc trong Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, Laura Rosenberger đã từ chức hồi năm nay sau khi giữ chức vụ lãnh đạo một tổ chức phi lợi nhuận quản lý mối quan hệ không chính thức giữa Mỹ với đảo Đài Loan.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz51dyy7g4jo
Tình báo phương Tây: Tin tặc Trung Quốc tấn công cơ sở hạ tầng thiết yếu của Mỹ
Báo cáo của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Mỹ NSA công bố hôm qua 24/05/2023 khẳng định, Bắc Kinh yểm trợ nhóm tin tặc Volt Typhoon được cho là có các hoạt động nhắm vào “nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu của Hoa Kỳ”. Các chiến dịch tấn công mạng tương tự do Trung Quốc tiến hành có khuynh hướng “mở rộng ra toàn thế giới”. Tập đoàn phần mềm Microsoft báo động đảo Guam nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự là nơi “tập trung các hoạt động” của tin tặc Trung Quốc.
Camera giám sát ở gần văn phòng của Microsoft ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/07/2021. © AP – Andy Wong
Thanh Hà /RFI
Trong thông cáo chung, các giới chức đặc trách về an ninh của Mỹ và các đối tác trong nhóm Ngũ Nhãn Five Eyes (gồm Canada, Anh, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ) cảnh báo « một nhóm có liên kết với Volt Typhoon, một tổ chức tin tặc được nhà nước Trung Quốc bảo trợ » đã tiến hành hàng loạt chiến dịch nhắm vào « nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của Mỹ ». Nhóm này có thể « áp dụng những kỹ thuật tương tự đối với toàn thế giới ».
Trong một thông cáo khác, tập đoàn phần mềm của Mỹ, Microsoft đi sâu hơn vào chi tiết khi cho rằng, từ giữa 2021, Volt Typhoon đã rất năng động. Đảo Guam, nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự trong vùng Thái Bình Dương là một trong những mục tiêu chính của nhóm tin tặc này. Mục tiêu của tin tặc Trung Quốc nhằm « gây nhiễu các hệ thông viễn thông chủ chốt giữa Hoa Kỳ với các đối tác châu Á trong trường hợp xảy ra khủng hoảng » trong vùng Thái Bình Dương.
Vẫn theo thông cáo hôm 24/05/2023 của Microsoft, Volt Typhoon đột nhập vào khá nhiều lĩnh vực, như « viễn thông, công nghiệp, dịch vụ công cộng, ngành xây dựng, các hoạt động hàng hải, các cơ quan hành chính của phủ, công nghệ thông tin và cả giáo dục ». Tin tặc Trung Quốc dường như vừa do thám vừa duy trì khả năng để có thể thâm nhập vào các cơ sở thiết yếu của Mỹ mà không bị phát hiện » đồng thời giữ những cổng vào đó « lâu chừng nào tốt chừng nấy ». Volt Typhoon sử dụng một phần mềm cho phép tấn công mà « không để lại vết tích ».
Jen Eastrly, giám đốc Cơ Quan An Ninh Cơ Sở Hạ Tầng và An Ninh Mạng của Mỹ, được AFP trích dẫn, trực tiếp nhắm vào chính quyền Bắc Kinh. Bà khẳng định « từ nhiều năm nay, Trung Quốc tiến hành các hoạt động do thám nhằm đánh cắp bản quyền và giữ liệu nhạy cảm của các tổ chức then chốt trên toàn thế giới ». Trung Quốc « càng lúc càng sử dụng những công cụ tinh vi » để thực hiện mục tiêu này. Giới trong ngành đồng loạt cho rằng qua việc « lột mặt nạ » của Volt Typhoon, Mỹ và phương Tây nâng cao khả năng tự vệ trước các hoạt động tin tặc ».
Trung Quốc tố cáo Five Eyes « tung tin thất thiệt »
Bắc Kinh lập tức phản công. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc bà Mao Ninh họp báo sáng nay lên án Mỹ và bốn nước đồng minh lao vào một chiến dịch « bóp méo thông tin làm phương hại đến quyền lợi của Trung Quốc ». Báo cáo của an ninh Hoa Kỳ căn cứ trên những « thông tin không đầy đủ », nhân viên tình báo của nhóm Ngũ Nhãn hoạt động một cách « thiếu chuyên nghiệp ». Đây không hơn không kém, là một « chiến dịch tập thể do Mỹ khởi động, bóp méo thông tin để phục vụ những mục đích địa chính trị ».
Tròn ba năm vụ George Floyd
George Floyd bị sát hại đúng ba năm trước vào thứ Năm, gây ra biểu tình dữ dội trên toàn thế giới. Đối với phần lớn những người Mỹ cánh tả, có quá ít thay đổi kể từ đó: cảnh sát vẫn khiến nhiều người thiệt mạng hơn trong năm 2022 so với năm 2020; Quốc hội đã không thông qua các cải cách cảnh sát liên bang quan trọng; trong khi các thay đổi ở cấp địa phương chỉ mang tính hình thức, theo lời họ. Ngược lại, những người cánh hữu nói sự thù địch của phe cấp tiến với cảnh sát đã trực tiếp dẫn đến gia tăng tội phạm bạo lực và gây mất trật tự công cộng.
Điều không thể tranh cãi là các sở cảnh sát trên cả nước đang đối mặt với tình trạng thiếu sĩ quan, khi tỉ lệ nghỉ hưu tăng lên gần đây. Những người còn lại phải làm việc nhiều giờ với ít giám sát hơn, khiến họ có ít thời gian cho công việc điều tra tốn nhiều công sức nhưng cần thiết để giải quyết các tội phạm nghiêm trọng. Tỷ lệ phá án (giải quyết) giết người đang ở mức thấp lịch sử; ở nhiều thành phố, hầu hết các vụ giết người đều chưa được giải quyết. Điều này đưa vấn đề tội phạm trở lại sân khấu chính trị. Các đảng viên Cộng hòa chắc chắn sẽ dùng mọi cơ hội để chỉ trích phe Dân chủ vì đã nhẹ tay với tội phạm trong mùa bầu cử năm sau.
Tròn năm năm ngày EU ban hành luật đột phá về dữ liệu
Quy định Chung về Bảo vệ Dữ liệu (GDPR), luật về quyền riêng tư mang tính bước ngoặt của châu Âu, sẽ tròn 5 tuổi vào thứ Năm. Dù gây tranh cãi từ khi thành lập, nó đã trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu. Khoảng 160 quốc gia đã đưa các nguyên tắc chính của GDPR vào luật về quyền riêng tư của họ (chẳng hạn như quy tắc đồng thuận và quyền truy cập thông tin cá nhân). Các công ty lớn như Microsoft áp dụng các quy tắc đó trên toàn thế giới. Đã có hơn 1.700 động thái thực thi được thực hiện và tới 2,7 tỷ euro (2,9 tỷ USD) tiền phạt được ban hành.
Nhưng những người ủng hộ quyền riêng tư vẫn phàn nàn về hạn chế trong khả năng thực thi luật, đặc biệt là ở Ireland, nơi nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ đặt trụ sở châu Âu (dù giới chức nước này đã phạt Meta, công ty sở hữu Facebook và Instagram, mức kỷ lục 1,2 tỷ euro hôm thứ Hai). Những người khác lập luận rằng EU đang làm suy yếu GDPR bằng cách thông qua hết luật kỹ thuật số này đến luật kỹ thuật số khác: chẳng hạn như Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số và Dịch vụ Kỹ thuật số. Cả hai đều nhắm vào các nền tảng trực tuyến lớn. Trong nỗ lực trở thành siêu cơ quan quản lý kỹ thuật số của thế giới, EU có thể đang tự dàn trải quá mỏng – khiến việc thực thi trở nên chắp vá hơn.
Nhập cư tiếp tục là chủ đề nóng ở Anh
Nước Anh dự kiến sẽ công bố mức nhập cư hợp pháp kỷ lục (có lẽ lên tới 700.000 người) vào thứ Năm. Các quy tắc thoải mái hơn cho sinh viên và nhân công chất lượng cao, cùng với các yếu tố một lần như dòng người tị nạn từ Ukraine, có lẽ là nguyên nhân khiến London tăng mức trần. Nhập cư là một vấn đề độc hại ở Anh trong hơn một thập niên qua, với cả hai đảng Bảo thủ và Công đảng đều muốn tỏ ra cứng rắn. Nhưng kể từ khi Anh rời EU, nhập cư đã tăng vọt khi các doanh nghiệp khắc phục thiếu hụt trên thị trường lao động và sinh viên tận dụng các quy tắc lỏng lẻo hơn.
Rishi Sunak, thủ tướng đảng Bảo thủ, cam kết giảm nhập cư; và những số liệu mới này sẽ chỉ khiến cánh hữu trong đảng của ông tức giận với chính phủ. Ông Sunak đã hứa sẽ thắt chặt các quy định về thị thực sinh viên, sau khi số lượng sinh viên sau đại học đưa gia đình đến Anh tăng mạnh.
Nhật Bản bảo vệ tuyên bố của G7 sau phản đối của Trung Quốc
Aldgra Fredly
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt tay trước cuộc gặp song phương trước thềm hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, hôm 18/5/2023. (Ảnh: Kiyoshi Ota/Getty Images)
Hôm 21/5, Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản để phản đối điều mà họ coi là “bôi nhọ” và “tấn công” nước này tại hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm G7 ở Hiroshima (Nhật Bản), nhưng vị đặc phái viên này đã lên tiếng bảo vệ các hành động của G7.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) nói rằng Nhật Bản đã phối hợp với các nước khác “trong các hoạt động và tuyên bố chung… nhằm bôi nhọ và tấn công Trung Quốc, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và tinh thần của 4 văn kiện chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản (Tuyên bố chung Trung – Nhật năm 1972)”.
Ông Tôn cảnh báo Nhật Bản không nên can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Ông còn cho biết rằng các vấn đề ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc và không nên để các thế lực bên ngoài can thiệp.
Theo ông Tôn, những hành động của Nhật Bản gây tổn hại cho chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của Nhật, vì thế Trung Quốc “rất không hài lòng và kiên quyết phản đối”.
“Nhật Bản nên điều chỉnh cách hiểu về Trung Quốc, giữ quyền tự chủ chiến lược, tuân thủ các nguyên tắc trong 4 văn kiện chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và thực sự thúc đẩy sự phát triển ổn định của quan hệ song phương với thái độ xây dựng”, ông Tôn nói.
Đáp lại, Đại sứ Nhật Bản Hideo Tarumi đã bảo vệ thông cáo chung của G7, nói rằng G7 sẽ tiếp tục bày tỏ mối quan ngại chung của họ về Trung Quốc trừ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thay đổi hành vi của mình.
Ông Tarumi nhấn mạnh rằng G7 đưa ra quan điểm của mình dựa trên những cân nhắc kỹ lưỡng.
“Nếu Trung Quốc yêu cầu không đề cập đến những lo ngại này, thì trước tiên họ nên có các biện pháp đối phó tích cực”, ông nói trong một tuyên bố, thúc giục Trung Quốc xử lý mối quan hệ với Nhật Bản một cách “đúng đắn”.
Bất chấp thực tế rằng Đài Loan là một nền dân chủ tự trị, Bắc Kinh vẫn đặt mục tiêu giành quyền kiểm soát hòn đảo này bằng mọi giá.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Vương quốc Anh cũng cáo buộc London vu khống Trung Quốc sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu.
Thông cáo chính của các nhà lãnh đạo G7 đã đề cập đến Trung Quốc 20 lần. Đây là số lần cao nhất trong những năm gần đây và tăng từ 14 lần vào năm 2022
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là “điều không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế”, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng chỉ trích Trung Quốc vì “các hoạt động quân sự hóa” ở Biển Đông đang tranh chấp cũng như vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương, nơi lao động cưỡng bức là mối quan ngại to lớn đối với cộng đồng quốc tế.
“Chúng tôi sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc, thừa nhận tầm quan trọng của việc tham gia thẳng thắn và trực tiếp bày tỏ mối quan ngại của chúng tôi với Trung Quốc”, theo tuyên bố.
Thông cáo chung của G7 được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản với sự góp mặt của đại diện các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý và Canada. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tham dự sự kiện này.
‘G7 đoàn kết hơn bao giờ hết’
Tại hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Biden nói với một phóng viên rằng hầu hết các đồng minh của Hoa Kỳ đều “rõ ràng” rằng nếu Trung Quốc cố gắng xâm chiếm Đài Loan thì Hoa Kỳ “sẽ có phản ứng đáp trả”.
Ông Biden cũng khẳng định rằng, trước các hành động gây bất ổn của Trung Quốc, “chúng ta ở khu vực Thái Bình Dương đoàn kết hơn bao giờ hết để duy trì ổn định và duy trì cảm giác an toàn”.
Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng mối quan hệ của Hoa Kỳ với Nhật Bản “chưa bao giờ mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong lịch sử Hoa Kỳ” và rằng Nhật Bản đang chứng kiến “sự khởi đầu của việc nối lại mối quan hệ hợp tác với Hàn Quốc”.
Năm ngoái, Nhật Bản đã thông qua 3 văn kiện quân sự quan trọng, trong đó có Chiến lược An ninh Quốc gia. Chiến lược này đề cập đến Trung Quốc là “thách thức lớn nhất” của Nhật Bản. Nước này đã tìm cách trả đũa những thách thức trên, một động thái được coi là đi ngược lại hiến pháp thời hậu chiến của “đất nước mặt trời mọc”.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi trước đó đã bày tỏ quan ngại với Bắc Kinh về “việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Nhật Bản” – đặc biệt là gần quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát cũng như sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga. Chính quyền Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.
Huyền Anh biên dịch
Tập trận bắn đạn thật Mỹ-Hàn lớn nhất gần biên giới với Bắc Triều Tiên
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc và Hoa Kỳ hôm nay 25/05/2023 tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật lớn gần biên giới với Bắc Triều Tiên, bất chấp việc Bình Nhưỡng cảnh báo là sẽ không dung thứ cho điều mà họ gọi là một cuộc thao dợt xâm lược ngay trước cửa nhà.
Xe tăng K- 2 của quân đội Hàn Quốc trong cuộc thao dượt Hàn-Mỹ tại Trường huấn luyện hỏa lực Seungjin ở Pocheon, Hàn Quốc, ngày 25/05/2023. AP – Ahn Young-joon
Thùy Dương /RFI
Theo AP, đây là cuộc tập trận đầu tiên trong 5 đợt tập trận bắn đạn thật kéo dài đến giữa tháng 6/2023, đánh dấu 70 năm kể từ khi thành lập liên minh quân sự giữa Seoul và Washington. Cuộc tập trận mô phỏng các cuộc tấn công bằng pháo binh và không kích vào các cơ sở quân sự ở tiền tuyến của Bắc Triều Tiên để đáp trả một cuộc tấn công. Theo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, nước này sẽ tìm cách thiết lập « hòa bình thông qua tăng cường áp đảo » để đối phó với các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Cuộc tập trận bắn đạn thật Mỹ – Hàn Quốc lần này, được gọi là « Cuộc tập trận hỏa lực hủy diệt phối hợp » là cuộc tập trận lớn nhất thuộc loại hình này. Theo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, cuộc tập trận có sự tham gia của 2.500 binh sĩ và 610 hệ thống vũ khí như máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, drone, xe tăng và pháo của Hàn Quốc và Mỹ. Cuộc tập trận gần đây nhất vào năm 2017 đã huy động khoảng 2.000 binh sĩ và 250 phương tiện vũ khí của cả hai nước. Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết các cuộc tập trận đã được tổ chức 11 lần kể từ khi bắt đầu hồi năm 1977.
Bắc Triều Tiên thường có những phản ứng bằng các vụ thử nghiệm tên lửa và các loại vũ khí khác mỗi khi Hàn Quốc và Mỹ tiến hành đợt tập trận lớn kiểu như vậy. Tuy nhiên, theo giới quan sát, đó là cách Bình Nhưỡng thúc đẩy phát triển vũ khí và nhằm giành được sự nhượng bộ lớn hơn từ các đối thủ của mình về ngoại giao.
Kể từ đầu năm 2022, Bắc Triều Tiên đã phóng thử hơn 100 tên lửa. Nhưng từ giữa tháng Tư đến nay, sau vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn, Bình Nhưỡng chưa có thêm vụ thử tên lửa nào khác.
Hàn Quốc phóng thành công tên lửa nội địa, thể hiện tham vọng vũ trụ
Hôm nay, 25/05/2023, Hàn Quốc đã phóng thành công tên lửa Nuri được sản xuất nội địa. Đây là lần phóng thứ ba của tên lửa này, sau hai lần phóng và đặt thành công các vệ tinh thử nghiệm lên quỹ đạo, thể hiện tham vọng của Seoul về công nghiệp hóa không gian.
Dân chúng Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa vũ trụ Nuri do Hàn Quốc sản xuất tại Goheung (Hàn Quốc) vào ngày 25/05/2023. via REUTERS – YONHAP NEWS AGENCY
Trần Công /RFI
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :
Theo hãng tin Yonhap, tên lửa Nuri (KSLV-II), được phát triển hoàn toàn bằng công nghệ nội địa, đã được phóng thành công vào chiều nay lúc 6 giờ 24 phút, giờ Hàn Quốc. Nhiệm vụ lần này của tên lửa Nuri là đưa 8 vệ tinh lên quỹ đạo ở độ cao 550 km. Toàn bộ 8 vệ tinh đã được tách thành công vào lúc 6 giờ 37 phút.
Trong 8 vệ tinh này, có một vệ tinh nhỏ NEXTSat 2, do Viện Khoa Học Công Nghệ Hàn Quốc (KAIST) phát triển với mục tiêu thương mại hóa công nghệ vũ trụ. Vệ tinh nội địa này có khả năng quan sát Trái Đất mà không bị thời tiết ảnh hưởng, và có thể quan sát được Trái Đất cả ngày lẫn đêm. Việc đưa vệ tinh thương mại này lên quỹ đạo được xem là bước đầu để Hàn Quốc tiến tới giai đoạn công nghiệp hóa vũ trụ.
Kế hoạch ban đầu là phóng tên lửa vào hôm qua 24/05/2023, nhưng do sự cố trong hệ thống phóng tự động, Viện Nghiên Cứu Hàng Không và bộ Khoa Học Công Nghệ Thông Tin đã quyết định dời việc phóng sang sáng hôm nay, và sau đó được dời đến chiều nay, sau khi xác nhận đã kiểm tra và khắc phục hoàn toàn sự cố liên quan.
Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên đang tiến hành những bước cuối cùng để phóng vệ tinh giám sát quân sự đầu tiên của nước này lên vũ trụ, qua việc phóng tên lửa Nuri, có thể khẳng định rằng Hàn Quốc đã làm chủ công nghệ tên lửa và luôn đi trước Bắc Triều Tiên một bước.
Trở lại Hải Sâm Uy sau 163 năm: Vladivostok thành cảng trung chuyển của Trung Quốc
24/5/2023
Nga đồng ý để Trung Quốc dùng cảng Vladivostok như một phần của tuyến vận tải nội địa Đông Bắc trong thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 6/2023, tin từ Nga cho hay.
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Người TQ và Nga đi phà tại Vladivostok – hình từ năm 2017
Trong động thái bị nhiều bình luận cho là “phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc”, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký văn bản cho Bắc Kinh dùng cảng Vladivostok như một đầu mối ra biển của của tuyến vận tải nội địa TQ ở các tỉnh Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm.
Từ ngày 1/06, cảng Vladivostok, thuộc vùng đất bị Nga bắt nhà Thanh nhượng lại năm 1860, sẽ chính thức trở thành một cảng trung chuyển của Trung Quốc (Chinese Transit Port), Phủ thủ tướng Nga thông báo trong một tin không phổ biến rộng rãi.
Hiện nay cảng Vladivostok đã nhận gần 1 triệu container hàng hóa một năm, nhưng việc gắn nó với các tuyến vận tải trên bộ của Trung Quốc chắc chắn sẽ đẩy lưu lượng xuất nhập khẩu tăng lên nhiều nữa.
Phía Nga cũng đồng ý đưa dầu khí sang châu Á qua cảng này.
Hải cảng chiến lược
Đây là sự việc “chưa từng có”, giúp Trung Quốc rút ngắn gần 1000 km khoảng cách vận chuyển hàng hóa trên bộ từ tỉnh Cát Lâm ra biển Thái Bình Dương, các bình luận quốc tế nói.
Theo trang EuAsian Times hôm 21/05/2023, ngoài ý nghĩa kinh tế, Trung Quốc nay “tiếp cận các vị trí địa lý quan trọng”.
Trong hơn 160 năm qua, Vladivostok là cảng nhà của Hạm đội Thái Bình Dương, Liên bang Nga nhưng Trung Quốc vẫn luôn gọi đó là Hải Sâm Uy.
Nhưng với vị thế của Bắc Kinh lên cao trong khi Nga ngày càng khó khăn về kinh tế và bị cô lập, trừng phạt bởi Phương Tây vì cuộc xâm lăng Ukraine, Trung Quốc có vẻ đang giành lại trên thực tế quyền lợi ở vùng biên giới bốn nước: Nga-Trung và hai nước Triều Tiên.
Năm 2017, Bắc Triều Tiên khai trương đường thủy sang đất liền Nga bằng con phà tới Vladivostok.
Theo một báo Singapore, từ các đô thị như Tuy Phân Hà (Suifenhe- thuộc Hắc Long Giang), và Hồn Xuân (Hunchun- tỉnh Cát Lâm) hàng hóa Trung Quốc cho tới nay phải chở bằng đường bộ ra cảng Đại Liên, cách xa 1000km.
Nguồn hình ảnh, Zhou Libo trên mạng xã hội TQ
Chụp lại hình ảnh,
Các vấn đề lịch sử Nga-Trung như hiệp ước bất bình đẳng thời Thanh vẫn được các blogger TQ nêu lại. Các vùng màu đỏ là đất Thanh triều nhượng lại cho Nga, theo cách nhìn của một số người TQ
Việc tiếp cận cảng Hải Sâm Uy chỉ cách 200km sẽ cắt giảm chi phí rất nhiều.
Chưa kể từ cảng của Nga, hàng Trung Quốc có thể đi thẳng sang các châu lục khác, thay vì dùng tuyến Đại Liên-Quảng Châu rồi mới ra thế giới.
Wong Siew Fong viết trên trang ThinkChina.Sg ở Singapore rằng dư luận Trung Quốc một thời gian qua đã đòi “quyền dùng Hải Sâm Uy” như “món quà” Nga phải trao cho Trung Quốc để nhận sự hỗ trợ trong cuộc chiến Ukraine.
Nhiều báo vùng Âu-Á gọi đây là dấu hiệu Nga trở thành “chư hầu” của Trung Quốc.
Các vấn đề lịch sử
Quan hệ Nga-Trung từ các triều đại phong kiến phức tạp hơn quan hệ Anh-Trung, vì vùng Đông Bắc và Mãn Châu từng là quê hương của các vua nhà Thanh và có nhiều sắc tộc: Mãn, Triều, Mông Cổ sinh sống cùng người Hán.
Diện tích lãnh thổ Thanh triều phải nhượng cho Nga tính ra tới cả triệu km vuông, lớn hơn hàng nghìn lần so với Hong Kong-thuộc địa Anh mà Trung Hoa bị ép phải bán cho London.
Năm 1689, sau nhiều trận giao tranh, nhà Thanh thời Khang Hy ký Hiệp ước Nerchinsk với Nga, phân định vùng gần Hồ Baikal và sông Ái Hồn. Hiệp ước này tạm được cho là “bình đẳng” tuy Nga có phàn nàn là bị thiệt. Nhà Thanh phải mở cửa vùng Đông Bắc cho hàng hóa Nga.
Nhưng khi TQ yếu đi vì khởi nghĩa nông dân, Nga tấn công, buộc triều đình Thanh ký hiệp ước Ái Hồn (Treaty of Aigun-1858), nộp cho Nga 600 nghìn km2 vùng Ngoại Mãn Châu, quê các vua Thanh.
Trên danh nghĩa đây là hiệp ước phân định chủ quyền dọc sông Amur và Ussuri, nhưng Nga đã giành được cả bán đảo Kamchatka, thỏa mãn tham vọng xây hạm đội ở Thái Bình Dương.
Văn bản Hiệp ước Ái Hồn có bản tiếng Mãn và tiếng Mông Cổ vì đề cập tới vùng có các dân tộc khác người Hán sinh sống.
Hai năm sau, Hiệp ước Bắc Kinh (1860) còn gây thiệt hại hơn cho Trung Hoa.
Ký với Nga, Anh và Pháp, Thanh triều chấp nhận mất hết lối ra biển Nhật Bản ở vùng Đông Bắc.
Nga giành trọn tỉnh Đông Tartary (Mãn Châu), các vùng nay thuộc Primorye gồm cảng Hải Sâm Uy. Bán đảo Triều Tiên thôi không còn thần phục nhà Thanh.
Dù vậy, thần dân nhà Thanh vẫn bị quân Nga áp bức ở các vùng nhượng địa.
Trong cuộc thảm sát năm 1900 (Blagoveshchensk Massacre), chính quyền Nga đã giết 5 nghìn người dân Trung Hoa, với con số không nhỏ khác bị chết đuối khi vượt sông băng chạy về TQ.
Thời cộng sản, thân phận người dân tộc Mãn, Hán ở Liên Xô không khá hơn bao nhiêu và hàng nghìn người bị công an Liên Xô bắt đi đày ở các trại lao cải vùng Bắc Cực.
Tuy theo chủ nghĩa cộng sản và từng cần viện trợ của Liên Xô, chính quyền Mao năm 1969 đã phát động chiến tranh biên giới Trung-Xô.
Lý do trực tiếp là cuộc tranh giành doi đất chưa đến 1km2 trên sông Ussuri, tức đảo Trân Bảo mà Nga gọi là Damansky.
Nguyên do sâu xa là Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận các hiệp ước bất bình đẳng về vùng dọc các con sông Amur và Ussuri, bị Nga cưỡng chiếm trong quá khứ. Chừng 800 nghìn quân TQ đối mặt với trên 680 nghìn Hồng quân Liên Xô dọc đường biên giới 4.300km.
Căng thẳng chỉ tạm ngưng nhờ chặng dừng chân của Thủ tướng Aleksey Kosygin ở Bắc Kinh và cuộc trao đổi với Tổng lý Chu Ân Lai (11/09/1969) trên đường vị khách Liên Xô từ Hà Nội dự đám tang Chủ tịch Hồ Chí Minh của VNDCCH trở về nước.
Nhưng phải đến năm 2004-05, nước Nga hậu Xô-Viết và chính quyền TQ mới ký kết xong các thỏa thuận hoạch định biên giới và trao đổi mấy hòn đảo trên các con sông lịch sử nói trên.
Sự kiện nhà Thanh phải nhượng đất và vùng bờ biển cho Nga hồi thế kỷ 19 là một phần trong chuỗi sự kiện Bách niên Quốc sỉ mà người TQ phải học trong sách giáo khoa.
Đúng 163 năm sau, việc tiếp cận Hải Sâm Uy không chỉ giúp Trung Quốc giành lại lối ra biển quan trọng về thương mại, mà còn đánh dấu sự hoán đổi vị thế Trung-Nga.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-65695869