Chuyển động Quốc Phòng Thế Giới từ 28/04 – đến 04/05/2023
Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Chiến tranh Nga – Ukraine:
Nga dùng tên lửa do Iran sản xuất tấn công Ukraine
Lực lượng Nga được cho là đã sử dụng tên lửa dẫn đường Dehlavieh do Iran sản xuất để tấn công Ukraine. Dehlavieh là phiên bản Iran của tên lửa chống tăng có điều khiển 9M133 Kornet của Nga. Dehlavieh có tầm bắn hiệu quả từ 100 đến 5.500 mét. Thêm vào đó, tên lửa Dehlavieh có khả năng chống lại tất cả các hình thái chiến tranh điện tử bằng cách sử dụng hệ thống dẫn đường bằng laser rất tiên tiến.
Xem thêm tại: Defence Blog, Russia uses Iranian-made missiles to strike Ukrainian targets. Truy cập ngày 29/4/2023
Nga phá hủy hệ thống súng phòng không Gepard đầu tiên của Đức ở Ukraine bằng drone Lancet
Nga đã phá hủy hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard 35mm đầu tiên do Đức viện trợ cho Ukraine bằng drone Lancet. Đạn tuần kích “Lancet” là hệ thống UAV do Nga phát triển được thiết kế cho các nhiệm vụ giám sát, trinh sát và tấn công. Lancet có nhiều phiên bản khác nhau, trong đó Lancet-3 là phiên bản nổi tiếng nhất. Lancet-3 được trang bị đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao và được thiết kế để tuần kích trong khu vực mục tiêu, phát hiện mục tiêu và tấn công chúng bằng các cuộc tấn công chính xác. Hệ thống này có phạm vi hoạt động lên tới 40 km và thời gian hoạt động lên tới 40 phút.
Xem thêm tại: Army Recog, Russians destroy first German Gepard anti-aircraft gun system in Ukraine with Lancet drone. Truy cập ngày 30/4/2023
Nga thực hiện các cuộc không kích Ukraine lớn nhất trong gần hai tháng
Nga đã không kích vào các thành phố trên khắp Ukraine vào thứ Sáu, giết chết ít nhất 25 thường dân. Moscow cho biết họ đã nhắm mục tiêu vào các vị trí của quân dự bị Ukraine và đã tấn công thành công, ngăn cản quân dự bị tiếp cận mặt trận mà không có bất kỳ bằng chứng nào. Sau đó một ngày, Nga đã phóng một loạt tên lửa mới vào Ukraine trong đêm tại một thành phố ở phía đông, giết chết hai người, làm hư hại hàng chục ngôi nhà. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết một cậu bé 14 tuổi đã thiệt mạng vì một quả bom ở vùng Chernihiv, gần biên giới Nga. Một vụ tấn công khác xảy ra ở ngoại ô Pavlohrad, đông nam Ukraine. Vụ tấn công đã làm hư hại 19 khu chung cư, 25 ngôi nhà, ba trường học, ba trường mẫu giáo và một số cửa hàng.
Xem thêm tại: Reuters, Russia kills 25 in biggest Ukraine air strikes for nearly two months. Truy cập ngày 30/4/2023; Russian strikes kill two in Ukraine, damage dozens of buildings. Truy cập ngày 2/5/2023
Lực lượng Nga tăng cường tấn công xung quanh Vuhledar
Các lực lượng Nga đã tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Vuhledar, một thị trấn khai thác than nằm ở ngã tư chiến lược dọc theo chiến tuyến ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine, nơi từng là nơi diễn ra các trận chiến xe tăng hoành tráng. Vào thứ năm, những nỗ lực của Nga nhằm giành thế chủ động bằng một cuộc tấn công vào cuối mùa đông dường như đã thất bại trước sự kháng cự của Ukraine, nhưng việc không ngừng nã pháo và bắn tên lửa quanh thị trấn chứng tỏ rằng người Nga vẫn sẽ tiếp tục giao tranh khi nhiệt độ tăng lên.
Xem thêm tại: NY Times, Russian forces intensify their fight around Vuhledar, a town where they have faced notable setbacks. Truy cập ngày 28/4/2023
Nga đổ lỗi cho cuộc tấn công bằng drone gây ra vụ cháy kho nhiên liệu ở Crimea
Một cuộc tấn công bằng drone đã gây ra hỏa hoạn tại một cơ sở lưu trữ nhiên liệu ở cảng Sevastopol tại Crimea. Một quan chức tình báo quân đội Ukraine cho biết hơn 10 thùng chứa dầu với sức chứa khoảng 40.000 tấn dành cho Hạm đội Biển Đen của Nga đã bị phá hủy. Sevastopol đã nhiều lần hứng chịu các cuộc không kích kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Tuy nhiên, sau các cuộc tấn công trước đó vào Crimea, Ukraine đã ngừng công khai nhận trách nhiệm nhưng nhấn mạnh rằng họ có quyền tấn công bất kỳ mục tiêu nào để đáp trả hành động gây hấn của Nga .
Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia blames drone attack for Crimea fuel depot blaze. Truy cập ngày 30/4/2023
Nga cáo buộc Ukraine âm mưu ám sát Putin bằng drone
Nga cáo buộc Ukraine âm mưu ám sát Vladimir Putin bằng drone vào điện Kremlin ở Moscow nhưng thất bại và đe dọa sẽ trả đũa. Phía Kyiv phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong vụ việc. Ngoài ra, một phụ tá cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky gọi cáo buộc của Nga là dấu hiệu Điện Kremlin đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn mới vào Ukraine. Ngay sau thông báo của Điện Kremlin, Ukraine đã đưa ra cảnh báo về các cuộc không kích nhằm vào Kyiv và các thành phố khác.
Xem thêm tại: Jerusalem Post, Russia accuses Ukraine of attempt to kill Putin with drones. Truy cập ngày 4/5/2023
Lãnh đạo lực lượng đánh thuê Wagner của Nga đe dọa rút khỏi Bakhmut
Người đứng đầu lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga đe dọa sẽ rút quân khỏi trận chiến quan trọng ở Bakhmut ở miền đông Ukraine khi tỷ lệ thương vong gia tăng. Lãnh đạo Wagner, Prigozhin nói rằng thương vong sẽ ít hơn năm lần nếu Wagner có nhiều đạn dược hơn. Trước đây, ông Prigozhin cũng cáo buộc các lực lượng vũ trang chính quy của Nga đã không cung cấp cho người của ông các loại đạn dược cần thiết. Thêm vào đó, Prigozhin cũng đã cáo buộc các quan chức hàng đầu của Nga đã phản bội Wagner.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia’s Wagner mercenary force boss threatens Bakhmut withdrawal. Truy cập ngày 1/5/2023
Quân phòng thủ Ukraine đánh bật lực lượng Nga khỏi một số vị trí ở Bakhmut
Lực lượng Ukraine cho biết đã đánh bật lực lượng Nga khỏi một số vị trí ở Bakhmut trong bối cảnh giao tranh ác liệt, khi Nhà Trắng nói rằng hơn 20.000 chiến binh Nga đã thiệt mạng ở Ukraine kể từ tháng 12. Trận chiến kéo dài 10 tháng ở thành phố phía đông Ukraine có tầm quan trọng mang tính biểu tượng đối với cả hai bên. Thêm vào đó, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Hai rằng Nga đã cạn kiệt kho dự trữ quân sự và lực lượng vũ trang với khoảng 100.000 binh sĩ Nga thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine trong 5 tháng qua. Trong số 20.000 người thiệt mạng, một nửa là quân của Tập đoàn Wagner.
Xem thêm tại: Reuters, Ukrainian defenders oust Russian forces from some positions in Bakhmut – Ukraine general. Truy cập ngày 3/5/2023
Ukraine giành lợi thế ở Kherson
Các lực lượng Ukraine cho biết đã tiến vào một khu vực được phòng thủ kém của bờ sông Kherson, khu vực phía nam bị chia cắt bởi sông Dnipro. Theo đó, lực lượng Ukraine đã thiết lập các cứ điểm ở phía bắc Oeshky, cách thành phố Kherson 7 km về phía tây nam. Một phóng viên Nga khác cho biết ngày 20 tháng 4 rằng các lực lượng Ukraine đã củng cố vị trí của mình trên bờ biển của Nga gần cầu Antonivskyi đã bị phá hủy.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Ukraine gains an edge in Kherson as counteroffensive nears. Truy cập ngày 28/4/2023
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói Kyiv chuẩn bị phản công
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói rằng Kyiv đang hoàn tất công tác chuẩn bị cho một cuộc phản công chống lại các lực lượng Nga đang tiến hành chiến tranh ở Ukraine. Bộ trưởng Oleksii Reznikov nói rằng ngay khi có thiên thời, địa lợi và quyết định của các chỉ huy, chúng tôi sẽ thực hiện cuộc phản công, mà không cung cấp ngày bắt đầu chiến dịch.
Xem thêm tại: Jerusalem Post, Ukraine wrapping up preparations for counteroffensive – defense minister. Truy cập ngày 29/4/2023
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:
Quân đội Mỹ trao cho Lockheed Martin hợp đồng hỏa tiễn dẫn đường GMLRS, máy bay chiến đấu F-35
Lockheed Martin đã được Quân đội Mỹ trao một hợp đồng trị giá 4,79 tỷ USD để sản xuất hai lô tên lửa Hệ thống tên lửa dẫn đường phóng nhiều lần (GMLRS) đầy đủ và các thiết bị liên quan. GMLRS là một hệ thống tên lửa đất đối đất được thiết kế để tấn công, vô hiệu hóa, áp chế và tiêu diệt các mục tiêu bằng cách sử dụng hỏa lực gián tiếp chính xác ở cự ly lên tới 70 km hoặc hơn. Thêm vào đó, Lockheed cũng được trao một hợp đồng cải tiến 126 máy bay đa năng F-35 trị giá 7,8 tỷ USD. Việc thực hiện cải tiến sẽ lựa chọn sản xuất và chuyển giao 126 máy bay F-35 Lô 17, bao gồm 81 máy bay F-35A cho Không quân Mỹ và các đồng minh.
Xem thêm tại: Army Recog, US Army awards Lockheed Martin $4.79 Billion contract for production of GMLRS guided rockets. Truy cập ngày 29/4/2023; Reuters, Pentagon awards $7.8 billion F-35 contract to Lockheed Martin. Truy cập ngày 30/4/2023
Drone TB-001 của Trung Quốc bay quanh Đài Loan
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết một drone chiến đấu Trung Quốc có thể mang vũ khí hạng nặng đã bay quanh hòn đảo. Drone TB-001 là một trong 19 máy bay quân sự đã đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo này trong 24 giờ. Đài Loan cho biết PLA thường xuyên đưa máy bay vào ADIZ, nhưng các chuyến bay bay xung quanh hòn đảo trong 1 vòng tròn là cực kỳ hiếm. Trung Quốc nói rằng drone TB-001 có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tầm cao và tầm xa.
Xem thêm tại: Guardian, Chinese TB-001 drone flies around Taiwan in rare encirclement, says island’s military. Truy cập ngày 29/4/2023
Trung Quốc sửa luật nghĩa vụ quân sự, để mắt đến xung đột Đài Loan
Trung Quốc hôm thứ hai đã ban hành sửa đổi đối với luật nghĩa vụ quân sự cho phép các quân nhân đã nghỉ hưu được tái nhập ngũ. Luật nghĩa vụ mới cũng tập trung vào việc tuyển dụng các sinh viên khoa học và kỹ thuật am hiểu công nghệ để chuẩn bị cho chiến tranh trong các lĩnh vực mới như không gian và mạng, khi đất nước cố gắng xây dựng sức mạnh quân sự để chuẩn bị cho cuộc chiến tổng lực có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan. Một cuộc chiến tổng lực trên bộ, trên biển và trên không có thể khiến Trung Quốc phải huy động quân nhân đã nghỉ hưu, cũng như các binh sĩ tại ngũ. Ngoài ra, phi hành đoàn có kinh nghiệm có thể vận hành vũ khí và máy quét trên tàu chiến và phi công chiến đấu đặc biệt có giá trị cao, vì việc đào tạo những người mới, có tay nghề cao sẽ tốn nhiều thời gian.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, China revises conscription law, eyeing Taiwan conflict. Truy cập ngày 2/5/2023
Mỹ nhanh chóng vũ trang cho Đài Loan trong bối cảnh xung đột Trung Quốc gia tăng
Các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ chuẩn bị đề xuất việc tăng tốc sản xuất và chuyển giao vũ khí của Mỹ cho Đài Loan. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã đề xuất ưu tiên Đài Loan lên hàng đầu trong một số giao dịch bán vũ khí nhất định, bất chấp vấn đề hiện tại liên quan đến khoản tồn đọng xuất khẩu vũ khí trị giá 19 tỷ USD cho hòn đảo. Tên lửa tấn công hải quân, tên lửa tấn công chung, đạn tấn công trực tiếp chung và tên lửa SM-6 là những ưu tiên trong đề xuất sản xuất vũ khí.
Xem thêm tại: IBT, US Looks To Rapidly Arm Taiwan Amid Increasing China Conflict. Truy cập ngày 30/4/2023
Lực lượng đặc biệt của Quân đội Mỹ huấn luyện để bảo vệ Đài Loan trong cuộc xâm lược của Trung Quốc
Lực lượng Kiểm lâm và Mũ nồi xanh của Quân đội Mỹ đã mô phỏng một chiến dịch bảo vệ Đài Loan tại Fort Bragg, Bắc Carolina vào thứ Năm. Đây một phần của cuộc tập trận CAPEX hàng năm của Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Quân đội Mỹ (USASOC). Theo đó, một mô hình đô thị đã được xây dựng tại Fort Bragg để mô phỏng các địa điểm ở Đài Loan. USASOC nói rõ rằng cuộc tập trận là mô phỏng của một cuộc xung đột ở Đài Loan, đồng thời chỉ đích danh Trung Quốc và PLA là đối thủ của cuộc tập trận.
Xem thêm tại: Taiwan News, US Army special forces train to defend Taiwan during Chinese invasion. Truy cập ngày 2/5/2023
Đài Loan sẵn sàng phô trương lực lượng đối phó với Trung Quốc
Đài Loan đang chuẩn bị cho cuộc tập trận quân sự Hán Quảng hàng năm khi lo ngại về một cuộc xung đột sắp xảy ra với Trung Quốc. Cuộc tập trận Hán Quảng năm nay sẽ bao gồm các mô phỏng phá vỡ một cuộc phong tỏa của Trung Quốc, nhấn mạnh đến việc đánh bại một cuộc xâm lược đổ bộ của Trung Quốc. Một hệ thống do Mỹ chế tạo sẽ thực hiện các mô phỏng 24/24 trên máy tính về các hoạt động phối hợp và liên minh như một phần của cuộc tập trận sắp tới. Trong khi đó, các cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ nhấn mạnh đến việc bảo tồn lực lượng chiến đấu, đánh chặn trên biển, bảo vệ các cơ sở chính như cảng biển và sân bay, huy động phòng thủ dân sự, phòng không và chống xâm lược đổ bộ.
Xem thêm tại: Asia Times, Taiwan readying a reciprocal show of force at China. Truy cập ngày 28/4/2023
Quân đội Đài Loan nhận bệ phóng tên lửa di động Thiên Kiếm II vào tuần tới
Đài Loan hôm thứ Tư thông báo rằng 19 bệ phóng tên lửa di động Thiên Kiếm II đã được sản xuất bởi Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Chung Sơn (NCSIST). Các bệ phóng tên lửa di động này là một phần của kế hoạch tăng cường khả năng chiến đấu trên biển và trên không của Đài Loan, được thực hiện vào năm ngoái. Theo kế hoạch, 771,6 triệu USD đã được phân bổ trong 5 năm từ 2022-2026 để sản xuất và chế tạo các loại tên lửa, bệ phóng tên lửa di động và các cơ sở quân sự. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết tỷ lệ tiến độ mua sắm tên lửa là 100%, với tổng số 800 tên lửa được sản xuất vào năm 2022. Trong khi đó, tiến độ mua sắm bệ phóng tên lửa di động đạt 95%.
Xem thêm tại: Taiwan News, Taiwan military to receive Sky Sword II mobile missile launchers next week. Truy cập ngày 4/5/2023
Mỹ tố lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc quấy rối tàu Philippines
Mỹ hôm thứ bảy kêu gọi Trung Quốc ngừng quấy rối tàu Philippines ở Biển Đông, cam kết sát cánh với Philippines sau một cuộc đối đầu hàng hải khác giữa Bắc Kinh và Manila. Trước đó, Philippines đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc có “chiến thuật hung hăng” sau một sự cố trong cuộc tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines gần Bãi Cỏ Mây do Philippines kiểm soát, một điểm nóng nằm cách bờ biển của nước này 105 hải lý (195 km). Trung Quốc hôm Chủ nhật cho biết họ sẵn sàng giải quyết các xung đột hàng hải với các quốc gia có mối quan tâm ở Biển Đông thông qua tham vấn thân thiện và cảnh báo Mỹ không được can thiệp. Sau đó, Đô đốc Samuel Paparo, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Philippines khi Trung Quốc can thiệp vào nỗ lực của Manila nhằm tiếp tế cho một tàu hải quân bị mắc cạn ở Biển Đông, đồng thời cam kết sẽ kiềm chế các hành động khiêu khích trên biển của Bắc Kinh. Dù từ chối cung cấp thông tin chi tiết, Đô đốc Samuel Paparo cho biết Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo cho phía Philippines để hỗ trợ nỗ lực tiếp tế cho Sierra Madr, bao gồm việc cung cấp vị trí của các tàu Trung Quốc thu được thông qua máy bay do thám hoặc vệ tinh.
Xem thêm tại: Reuters, US says Chinese coast guard harassing Philippine vessels. Truy cập ngày 1/5/2023; Nikkei Asia, U.S. ‘ready’ to aid Philippine resupplies in South China Sea: admiral. Truy cập ngày 2/5/2023
Mỹ – Philippines lần đầu đánh chìm tàu mục tiêu trong cuộc tập trận Balikatan
Trong cuộc tập trận Bakalitan, các hệ thống vũ khí của Mỹ và Philippines đã phối hợp bắn vào một tàu mục tiêu – một tàu hộ tống của Hải quân Philippines đã ngừng hoạt động được kéo vào lãnh hải Philippines. Cuộc tập trận Balikatan 2023 có khoảng 1.400 lính thủy đánh bộ, binh lính, thủy thủ, phi công và cảnh sát biển của cả Mỹ và Philippines tham gia khóa huấn luyện, bao gồm phát hiện, xác định, nhắm mục tiêu và tấn công tàu mục tiêu bằng nhiều hệ thống vũ khí trên bộ và trên không.
Xem thêm tại: Navy Recog, US – Philippine forces sink target ship for first time in Balikatan exercise. Truy cập ngày 29/4/2023
Cuộc tập trận ‘Cope Thunder’ của Không quân Mỹ trở lại Philippines sau hơn 30 năm
Philippines và Mỹ đang chuẩn bị cho một loạt các cuộc tập trận chung khác dự kiến diễn ra từ ngày 1 đến 12 tháng 5. Tuần tới, Mỹ và Phillipines sẽ nối lại cuộc tập trận của Lực lượng Không quân Cope Thunder tại Căn cứ Không quân Clark sau hơn 30 năm. Các cuộc tập trận Cope Thunder ban đầu cung cấp các khóa huấn luyện bay thường xuyên cho các phi công Mỹ và các quốc gia đồng minh, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1976 và tiếp tục hàng năm tại Philippines cho đến năm 1990. Năm nay, Cope Thunder sẽ có quy mô nhỏ hơn, với khoảng 160 phi công Không quân Mỹ tham gia. các cuộc tập trận sẽ chuẩn bị cho Mỹ một kịch bản ‘thế giới thực’ trong không chiến.
Xem thêm tại: Taiwan News, US ‘Cope Thunder’ Air Force drills return to Philippines after over 30 years. Truy cập ngày 29/4/2023
Mỹ chuyển giao tàu tuần tra, máy bay cho quân đội Philippines
Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa tái khẳng định “các cam kết đồng minh sắt đá” với Philippines trong chuyến thăm làm việc chính thức của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. bằng các thảo luận về việc chuyển giao một số khí tài quân sự cho Lực lượng Vũ trang Philippines. Theo đó, Mỹ sẽ gửi bảy phương tiện quân sự mới cho Lực lượng Vũ trang Philippines. Bảy khí tài bổ sung bao gồm hai tàu tuần tra lớp Island và hai tàu tuần tra lớp Protector, cùng ba máy bay C-130H. Tàu tuần tra lớp Island là một loại tàu tuần tra dài 34 mét mà Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ sử dụng cho các hoạt động ngăn chặn, thực thi pháp luật hàng hải và tìm kiếm cứu nạn.
Xem thêm tại: Phil Star, US to transfer patrol boats, airplanes to Philippine military. Truy cập ngày 3/5/2023
Trung Quốc nói việc Nhật Bản xoay trục quân sự sẽ có ‘tác động nghiêm trọng’ đến ổn định khu vực
Một tạp chí quân sự có ảnh hưởng của Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ các động thái của Nhật Bản nhằm áp dụng thế bố trí quân sự mang tính tấn công hơn nhằm trở thành một cường quốc quân sự lớn trong khu vực khi quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng trở nên rạn nứt. Tạp chí Modern Ships nói rằng Nhật Bản đã “thúc đẩy” sự cạnh tranh của Mỹ với các nước lớn khác và tận dụng lợi thế này bằng cách phát triển cả lực lượng tấn công và phòng thủ. Modern Ships cũng chỉ trích Nhật Bản làm trầm trọng thêm căng thẳng địa chính trị trong khu vực, gây ra các cuộc chạy đua vũ trang tại Châu Á-Thái Bình Dương và làm tổn hại đến triển vọng chung của quan hệ Trung-Nhật.
Xem thêm tại: SCMP, China says Japan’s military pivot will have ‘serious impact’ on regional stability. Truy cập ngày 1/5/2023
Nhật Bản cảnh giác với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc, Nga trong chính sách đại dương mới
Nhật Bản đã thể hiện sự cảnh giác với các cuộc tập trận quân sự do Trung Quốc và Nga tiến hành ở vùng biển khu vực trong chính sách đại dương 5 năm mới, nói rằng lợi ích quốc gia của Tokyo đang bị đe dọa nhiều hơn bao giờ hết. Kế hoạch cơ bản của chính sách đại dương sửa đổi cũng cam kết tăng cường hợp tác giữa Lực lượng phòng vệ và Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản để chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về sự hung hăng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Xem thêm tại: Kyodo News, Japan wary of China, Russia military presence in updated ocean policy. Truy cập ngày 29/4/2023
Mỹ cân nhắc triển khai máy bay ném bom ở Hàn Quốc
Lực lượng Không quân Mỹ đang xem xét kế hoạch triển khai máy bay ném bom chiến lược ở Hàn Quốc và thường xuyên triển khai trong và xung quanh Bán đảo Triều Tiên. Kết hợp với các chuyến thăm của một tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân tới Hàn Quốc, động thái mới nhất sẽ tăng cường khả năng răn đe mở rộng bằng cách cung cấp một minh chứng rõ ràng về khả năng phản công Triều Tiên. Kim Yo-jong, phát ngôn viên Triều Tiên cho biết thỏa thuận củng cố an ninh của giữa Hàn Quốc và Mỹ sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thêm vào đó, bà Kim Yo-jong cũng nói rằng Triều Tiên tin rằng mình phải hoàn thiện hơn nữa “khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân”.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. considers landing bombers in South Korea. Truy cập ngày 29/4/2023; Reuters, North Korea says U.S.-South Korea agreement will worsen insecurity. Truy cập ngày 30/4/2023
Hàn Quốc chấn chỉnh quân đội, giải tán quân đoàn 8 trong bối cảnh đại tu quốc phòng
Hàn Quốc sẽ giải tán Quân đoàn 8, chuyển các đơn vị quân sự trực thuộc về Quân đoàn 3. Quyết định này được thực hiện như một phần của Cải cách Quốc phòng 2.0, được thực hiện bởi chính quyền Moon Jae-in nhằm đối phó với việc giảm số lượng nam giới trưởng thành sẵn sàng nhập ngũ do dân số Hàn Quốc giảm. Seoul nói rằng việc giải tán quân đoàn 8 sẽ không khiến cho sức mạnh quân sự bị suy giảm và quân nhân cũng như trang thiết bị từ các đơn vị bị giải tán sẽ được chuyển giao cho các đơn vị khác, đảm bảo không ảnh hưởng đến khả năng trực chiến của quân đội.
Xem thêm tại: KoreaPro, South Korea reorganizes army, disbands 8th army corps amid defense overhaul. Truy cập ngày 3/5/2023
Seoul tìm kiếm cơ hội sau khi đột ngột thua thầu quốc phòng Úc
Hàn Quốc đang quay cuồng sau khi công ty quốc phòng lớn nhất của mình thành bên thua cuộc lớn nhất trong cuộc đại tu chiến lược của chính phủ Albanese, làm suy yếu mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Úc và Seoul. Theo đó, nhà máy trị giá 170 triệu USD của Hanwha Defence tại khu vực bang Victoria đã trở thành một đề xuất ngoài lề sau khi chính phủ Úc cắt giảm kế hoạch thành lập một trung đoàn pháo tự hành thứ hai và cắt giảm gói thầu xe chiến đấu bộ binh của quân đội từ 450 xuống 129. Cựu đại sứ Úc tại Hàn Quốc Bill Paterson cho biết các quyết định này là một đòn giáng mạnh đối với đối tác thương mại lớn thứ ba của Canberra, củng cố quan điểm của Seoul rằng Úc là một “đối tác quốc phòng không đáng tin cậy”.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, Seoul searching after defence axe. Truy cập ngày 3/5/2023
Ấn Độ, Nga nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng lâu dài
Ấn Độ và Nga đã đồng ý tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng trong bối cảnh New Delhi lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine đang làm tổn hại đến nguồn cung cấp quân sự của chính họ từ Moscow. Ấn Độ, nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, có gần một nửa nguồn cung cấp quân sự từ Nga và đã mua máy bay chiến đấu, xe tăng, tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã làm cạn kiệt nguồn cung cấp phụ tùng thay thế quan trọng của Nga để Ấn Độ duy trì năng lực cho các loại xe tăng và máy bay chiến đấu, đồng thời làm trì hoãn việc chuyển giao các hệ thống phòng không của Nga.
Xem thêm tại: Reuters, India, Russia agree to boost longstanding defence ties. Truy cập ngày 28/4/2023
Ấn Độ nói vi phạm biên giới làm xói mòn ‘toàn bộ cơ sở’ quan hệ với Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nói với người đồng cấp Trung Quốc hôm thứ Năm rằng các hành vi vi phạm biên giới chung của Bắc Kinh làm xói mòn “toàn bộ cơ sở” của mối quan hệ giữa hai nước. New Delhi và Bắc Kinh đã có “các cuộc thảo luận thẳng thắn về những diễn biến ở khu vực biên giới Ấn Độ-Trung Quốc cũng như quan hệ song phương”. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang vào tháng 12 khi một cuộc ẩu đả giữa quân đội của cả hai bên tại Khu vực Tawang thuộc lãnh thổ Arunachal Pradesh, đông bắc Ấn Độ dẫn đến một số thương tích nhẹ.
Xem thêm tại: CNN, India says border violations erode ‘entire basis’ of ties with China. Truy cập ngày 29/4/2023
Trung Quốc ‘làm sâu sắc và mở rộng’ quan hệ quân sự với Pakistan
Trung Quốc cho biết họ sẽ hợp tác với quân đội Pakistan để “tăng cường và mở rộng hơn nữa” lợi ích chung của hai quốc gia và cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực trong chuyến thăm đầu tiên của tư lệnh quân đội Pakistan, Tướng Syed Asim Munir tại Bắc Kinh. Các chuyên gia cho rằng chuyến thăm của tư lệnh Munir rất quan trọng vì nó diễn ra trong bối cảnh Pakistan gặp khủng hoảng chính trị, kinh tế và an ninh.
Xem thêm tại: Al Jazeera, China to ‘deepen and expand’ military ties with Pakistan. Truy cập ngày 28/4/2023
Papua New Guinea ủng hộ nỗ lực của chính phủ Albanese nhằm đưa quân đội đảo quốc Thái Bình Dương vào Lực lượng Phòng vệ Úc
Papua New Guinea (PNG) đang ủng hộ nỗ lực của chính phủ Albanese nhằm đưa quân đội đảo quốc này vào Lực lượng Phòng vệ Úc (ADF), mở đường cho một kỷ nguyên hợp tác quân sự mới trong khu vực nhằm chống lại các mối đe dọa chiến lược đang gia tăng. Bộ trưởng Ngoại giao PNG Justin Tkatchenko cho biết hàng trăm nhân viên của Lực lượng Phòng vệ PNG có thể luân chuyển qua ADF trong thời gian dài “để huấn luyện và xây dựng tính chuyên nghiệp cho lực lượng của PNG”. Kế hoạch này đã được đưa ra cho các quốc gia Thái Bình Dương như một cách để tăng cường đào tạo và đưa ra phản ứng “ưu tiên cho người nhà [PNG]” đối với các nhiệm vụ cứu trợ thiên tai và an ninh khu vực.
Xem thêm tại: The Australian, Papua New Guinea backs an Albanese government push to embed Pacific island troops in Australian Defence Force. Truy cập ngày 2/5/2023
Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:
Mỹ tổ chức tập trận quy mô lớn tại Đức
Quân đội Mỹ, các đồng minh và đối tác đang tổ chức cuộc tập trận “Giải pháp kết hợp 18” từ ngày 21 tháng 4 đến ngày 23 tháng 5 gần Hohenfels, Đức. “Giải pháp kết hợp” là một cuộc tập trận định kỳ được thiết kế để chuẩn bị cho Lữ đoàn Thiết giáp Mỹ hỗ trợ các sáng kiến răn đe của NATO như tăng cường khả năng trực chiến, phản ứng nhanh và tăng cường. Cuộc tập trận cũng được thiết kế để đánh giá khả năng của các đơn vị trong việc tiến hành các hoạt động chiến đấu hiệu quả cùng với các quốc gia và đơn vị khác trong chiến trường đa miền phức tạp.
Xem thêm tại: Defence Blog, US Army holds massive military drill in Germany. Truy cập ngày 3/5/2023
Anh, Đức lên kế hoạch chế tạo đạn xe tăng xuyên giáp mới
Anh và Đức đã tiến gần hơn đến việc cùng ra mắt một loại đạn dành cho xe tăng chiến đấu chủ lực mới trong tuần này với việc ký kết một thỏa thuận đưa dự án sang giai đoạn phát triển tiếp theo. Vào ngày 27 tháng 4, London và Berlin đã đồng ý phát triển đạn động năng tăng cường (EKE) 120 mm. Các quan chức hy vọng rằng các cuộc thảo luận sẽ mở ra một chương trình chung vào cuối năm nay để chế tạo loại đạn xuyên giáp mới cho xe tăng Challenger 3 của Quân đội Anh và xe tăng Leopard 2 của Đức.
Xem thêm tại: Defense News, Britain, Germany advance plan for new armor-piercing tank ammo. Truy cập ngày 29/4/2023
Ba Lan chi 3,1 tỷ USD nâng cấp hệ thống phòng không tầm ngắn
Ba Lan đã trao hai hợp đồng trị giá khoảng 3,1 tỷ USD để tăng cường khả năng phòng không tầm ngắn. Hợp đồng đầu tiên gồm việc đặt mua Tên lửa mô-đun phòng không thông thường, hay CAMM và iLauncher từ MBDA. Các vũ khí này sẽ là một phần của 22 khẩu đội phòng không tầm cực ngắn Pilica+ của Ba Lan. Hợp đồng thứ hai là cung cấp cho quân đội Ba Lan 16 khẩu đội Pilica+ mới và 6 khẩu đội nâng cấp với giá khoảng 3 tỷ zloty.
Xem thêm tại: Defense News, Poland spends $3.1 billion on short-range air defense upgrades. Truy cập ngày 29/4/2023
Thổ Nhĩ Kỳ trang bị drone chiến đấu với tên lửa hành trình mới
Nhà sản xuất drone Thổ Nhĩ Kỳ Baykar đã phát triển một tên lửa hành trình hạng nhẹ để tăng khả năng tấn công của drone chiến đấu. Tên lửa Kemankeş có thể được phóng từ ba loại drone Bayraktar: TB2, TB3 và Akinci. Tên lửa Kemankes mới sẽ có phạm vi hoạt động hơn 200 km, trọng lượng 30 kg và có thể đạt tốc độ lên tới Mach 0,7. Drone Baykar sẽ có các hệ thống tầm xa hơn để nhắm mục tiêu các mục tiêu thiết yếu của kẻ thù, chẳng hạn như hệ thống phòng không hoặc sở chỉ huy, mà không cần đi vào khu vực nguy hiểm.
Xem thêm tại: Defence Blog, Turkey to arm its combat drones with new cruise missiles. Truy cập ngày 29/4/2023
Thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo bị cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt ở Syria
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm Chủ nhật cho biết lực lượng tình báo nước này đã tiêu diệt thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Hussein al-Qurashi ở Syria. Cuộc đột kích diễn ra ở thị trấn Jandaris phía bắc Syria, nơi được kiểm soát bởi các nhóm nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận động đất ngày 6/2 ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Xem thêm tại: Jerusalem Post, Islamic State leader killed in Syria by Turkish intelligence services, Erdogan says. Truy cập ngày 2/5/2023
Israel thực hiện các cuộc không kích vào sân bay Aleppo của Syria
Các cuộc không kích của Israel đã nhắm vào sân bay quốc tế ở thành phố Aleppo phía bắc Syria vào sáng sớm thứ Ba, giết chết một binh sĩ Syria và khiến sân bay ngừng hoạt động. Israel, quốc gia đã hứa sẽ ngăn chặn sự hiện diện của Iran ở các nước láng giềng, đã thực hiện hàng trăm cuộc tấn công vào các khu vực do chính phủ kiểm soát ở nước láng giềng Syria trong những năm gần đây nhưng hiếm khi thừa nhận chúng. Trước đó vào tháng 3, Israel đã tấn công sân bay Aleppo vào hai dịp khác nhau và khiến nó ngừng hoạt động trong vài ngày.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Israel launches deadly air raid on Aleppo airport. Truy cập ngày 2/5/2023
IDF tấn công 16 mục tiêu ở Gaza trong đêm để đáp trả 100 quả rocket
Tổng cộng có 104 quả rocket đã được bắn vào Israel từ thứ Ba đến thứ Tư, hầu hết do Lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine thực hiện với một số ít tham gia từ Hamas. Đáp lại, Israel đã phản công bằng khoảng 16 cuộc không kích, chủ yếu vào các vị trí của Hamas, để buộc nhóm này phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra ở Gaza. Hầu hết các cuộc tấn công của Israel ở Gaza tập trung vào năng lực vũ khí của Hamas, bao gồm các nhà máy vũ khí, trụ sở hoạt động của lực lượng hải quân, đường hầm dưới lòng đất và các địa điểm tương tự khác.
Xem thêm tại: Jerusalem Post, IDF struck 16 targets in Gaza overnight in response to 100 rockets. Truy cập ngày 4/5/2023
Chiến sự tại Sudan: Một số sự kiện chính
Ngày 28 tháng 4: Quân đội Sudan và lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đồng ý kéo dài lệnh ngừng bắn, nhưng giao tranh ác liệt vẫn diễn ra tại một số thành phố. Quân đội Sudan nói rằng đã kiểm soát hầu hết lãnh thổ đất nước và đang đánh bại RSF tại Khartoum.
Ngày 29 tháng 4: Giao tranh tiếp tục diễn ra tại Khartoum và thành phố sinh đôi Omdurman bất chấp lệnh ngừng bắn 72 giờ mới. Thêm vào đó, dân quân Ả rập và cộng đồng Darfuri thiểu số cũng tham gia vào cuộc chiến. Quân đội Sudan cũng cáo buộc RSF bắn một máy bay di tản của Thổ Nhĩ Kỳ bên ngoài thủ đô.
Ngày 30 tháng 4: Giao tranh tại thủ đô giữa quân đội và RSF vẫn tiếp tục bất chấp lệnh ngừng bắn. Cựu thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok cảnh báo rằng cuộc xung đột tại Sudan có thể trở thành cuộc nội chiến tồi tệ nhất nếu không bị ngăn chặn sớm. Anh cam kết duy trì hỗ trợ cho công dân của mình nhưng do tình hình leo thang nên đã ngừng việc di tản. Trung Quốc, Indonesia tiếp tục triển khai chiến dịch di tản công dân.
Ngày 1 tháng 5: Quân đội Sudan và RSF nói rằng họ sẽ kéo dài lệnh ngừng bắn nhân đạo thêm 72 giờ, nhưng lệnh ngừng bắn này cho đến nay đã thất bại trong việc chấm dứt giao tranh. Giao tranh cũng đã giảm bớt ở một số khu vực nhưng bạo lực vẫn tiếp tục khiến cho người dân tháo chạy khỏi thành phố. Cảnh sát bảo vệ trật tự trung tâm đã được triển khai trên khắp đất nước nhằm bảo vệ tài sản của công dân. Anh sẽ triển khai thêm một chuyến bay di tản vào thứ hai trong khi Canada ngừng các chuyến bay di tản vì tình trạng nguy hiểm.
Ngày 2 tháng 5: Hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương do các cuộc pháo kích từ hai phe tại Khartoum và các bang khác. UN nói rằng khoảng 800,000 người có thể tháo chạy khỏi Sudan đến các nước láng giềng. Mỹ, Nga tiếp tục triển khai chiến dịch di tản bằng đường không và đường thủy.
Ngày 3 tháng 5: Các cuộc không kích và nổ súng ở khu vực thủ đô Khartoum đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn được cho là mới nhất của họ. Ngoài Khartoum, tình trạng vô luật pháp đã nhấn chìm vùng Darfur. Đại sứ quán Ấn Độ tại Khartoum bị càn quét và cướp bóc. Một thảm họa rộng lớn hơn có thể đang hình thành khi các nước láng giềng nghèo khó của Sudan phải vật lộn với dòng người chạy trốn khỏi đất nước.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Sudan fighting in its 14th day: A list of key events; 15th day; 16th day; 17th day; 18th day; 19th day; 20th day. Truy cập ngày 4/5/2023
Chuyên mục Phân tích:
Chiến dịch phản công của Ukraine khi nào mới được gọi là thành công?
Các chuyên gia gần đây đã thảo luận nhiều về những hậu quả theo sau nếu cuộc phản công mùa xuân sắp tới của Ukraine thất bại. Theo đó, các chuyên gia lập luận rằng chiến dịch phản công của Ukraine cần có một chiến thắng quyết định, nếu không sự hỗ trợ từ phương Tây có thể bị suy yếu và Kyiv sẽ buộc phải đàm phán với Nga nhằm chấm dứt cuộc chiến hoặc đình chiến. Nhưng như thế nào là một chiến thắng quyết định? Có bốn kết quả mà thông qua đó chúng ta có thể đo lường được thắng lợi của cuộc phản công. Đầu tiên là Ukraine chiếm lại được phần lớn lãnh thổ của mình. Nếu như Ukraine chiếm được những vùng như Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia đây sẽ là kết quả xuất sắc và là bàn đạp cho các chiến dịch tái chiếm Crimea và Donetsk trong tương lai. Thước đo thành công thứ hai là Kyiv bắt giữ hoặc tiêu diệt phần lớn lực lượng Nga tại Ukraine. Một cuộc phản công thành công sẽ làm giảm số lượng quân Nga mà Ukraine phải đối mặt. Thêm vào đó, việc thành công giảm quân số Nga cũng sẽ ngăn Moscow thực hiện bất kỳ cuộc phản công nào trong những tháng còn lại của năm 2023. Thước đo thành công quan trọng thứ ba là việc Ukraine bảo toàn đủ lực lượng để tiếp tục phòng thủ một số khu vực và thực hiện các cuộc phản công theo sau tại các khu vực khác. Do Ukraine sẽ đầu tư đáng kể vào khả năng chiến đấu trên không và trên bộ, do đó mức độ tổn hại bất tương xứng mà Kyiv gây ra cho lực lượng Nga sẽ là một thước đo thành công quan trọng. Cuối cùng, để được coi là thành công thì Ukraine không những phải đạt được thành công trong tác chiến và triển khai các chiến dịch, mà còn phải khiến cho người dân trong và ngoài nước cũng như các lãnh đạo nước ngoài tin rằng cuộc phản công của Kyiv sẽ thành công. Theo đó, nhận thức về thành công là điều cần thiết đối với tinh thần của người Ukraine, và là yếu tố không thể thiếu để duy trì sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ phương Tây. Đồng thời, nó cũng sẽ hỗ trợ Ukraine từ chối những đề xuất “hòa bình” rỗng tuếch của Trung Quốc, vốn khiến cho cuộc xung đột bị đóng băng vì lợi ích to lớn của Nga (và Trung Quốc).
Xem thêm tại: SMH, Ukraine set to strike back. But what would success look like? Truy cập ngày 3/5/2023
Bốn giả thuyết cho cuộc tấn công của Ukraine vào điện Kremlin
Sáng sớm hôm thứ tư, hai drone đã đâm thẳng vào điện Kremlin, khiến cho mái vòm khu vực Nghị viện bốc cháy. Ngay sau đó, Nga đã cáo buộc Ukraine thực hiện cuộc tấn công nhằm ám sát tổng thống Putin. Phía Ukraine cũng đã bác bỏ cáo buộc trên và đặc biệt bác bỏ việc nhằm vào ông Putin. Nhưng ai có thể thực hiện một cuộc tấn công như vậy? Có 4 giả thuyết cho vụ tấn công này. Đầu tiên, rất có thể người Ukraine hoặc một số nhóm người Ukraine tại Nga đã sử dụng drone tấn công. Tuy nhiên, giả thuyết này không hợp lý vì một cuộc tấn công vào một tòa nhà trống không vào ban đêm sẽ chỉ lãng phí nguồn lực tình báo của Ukraine vốn đã căng thẳng. Thêm vào đó, sự lãng phí này còn khiến cho Mỹ và đồng minh NATO cảm thấy khó chịu trong cuộc thương lượng. Gỉả thuyết kế tiếp là các cơ quan tình báo và quân đội Nga đã biết được âm mưu của một nhóm nào đó nhằm tấn công Điện Kremlin, nhưng vẫn để nó xảy ra nhằm xúi giục ông Putin sử dụng vũ lực nhiều hơn nữa ở Ukraine. Nhưng lối giải thích này cũng quá phức tạp vì dù quân đội Nga cần thêm quân thì chiến dịch tuyển binh của Moscow cũng đã đến giới hạn. Ngoài ra, cơ quan tình báo Nga có thể sẽ muốn sử dụng việc đánh bom vào điện Kremlin để đạt được nhiều nguồn lực và quyền lực hơn. Nhưng điều này cũng sẽ đem lại rủi ro rằng cuộc đánh bom giữa lòng thủ đô sẽ là minh chứng cho sự kém cỏi của tình báo Nga. Kế đến, cũng có khả năng những người chống đối Nga thực hiện cuộc tấn công này. Tuy nhiên, giả thuyết này không có khả năng cao, nhưng không phải là bất khả thi, đặc biệt với sự phẫn nộ của xã hội với làn sóng huy động quân từ vùng ngoại ô mà không phải là St.Petersburg hay Moscow. Cuối cùng, cuộc tấn công có khả năng là do chính phủ Nga dàn dựng từ đầu đến cuối. Có một số lý do điều này. Trước nhất, một cuộc tấn công vào Điện Kremlin sẽ giúp ông Putin biện minh cho một loạt hoạt động kịch tính và giết người có thể không có nhiều ý nghĩa về mặt quân sự, nhưng điều đó sẽ gây bất ổn cho Ukraine và làm xáo trộn thế giới trước thềm một cuộc phản công lớn của Kyiv. Có lẽ ông Putin muốn kéo Belarus vào cuộc chiến, hoặc tạo ra nhiều mối đe dọa hạt nhân, hoặc thậm chí ra lệnh tăng gấp đôi nỗ lực nhằm sát hại tổng thống Zelensky. Dù là trường hợp nào thì cuộc tấn công cũng phù hợp với sự ưu ái lâu dài đối với chiến dịch “cờ giả”. Vào năm ngoái, Nga đã cảnh báo rằng người Ukraine sẽ tung ra một “quả bom bẩn”. Cuộc tấn công bằng drone này cũng tương tự như vậy, chỉ khác là không có vũ khí hạt nhân. Một cuộc tấn công khủng bố ở Moscow sẽ là cái cớ để người Nga cảnh báo thế giới rằng lần này họ sẽ thực sự dùng vũ khí hạt nhân.
Xem thêm tại: The Atlantic, Four Possibilities for the Kremlin Attack. Truy cập ngày 4/5/2023
Tại sao Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt chiến tranh Ukraine?
Vào tuần trước, Tập Cận Bình và Volodymyr Zelenskyy đã có cuộc hội đàm “rất lâu và ý nghĩa” và Bắc Kinh sau đó cũng thông báo rằng sẽ cử một đại diện để dàn xếp hòa bình tại Ukraine. Có nhiều lý do để nghi ngờ những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc khi ông Tập liên tục nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho “người bạn thân” Vladimir Putin cũng như bản kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh rất mơ hồ và không có bất kỳ lời kêu gọi Nga rút quân ra khỏi Ukraine. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu gạt đi quan điểm Trung Quốc có thể đóng vai trò to lớn trong việc kết thúc chiến tranh. Ukraine, Nga, Mỹ, châu Âu và bản thân Trung Quốc đều có lợi ích tiềm năng khi Bắc Kinh nhúng tay vào cuộc chiến. Trước nhất, người Ukraine hiểu rằng ông Tập có lợi thế độc nhất đối với ông Putin khi Nga phải phụ thuộc vào Trung Quốc do lệnh trừng phạt của phương Tây. Trái ngược với Mỹ, Ukraine kỳ vọng rằng đang có sự căng thẳng giữa ông Putin và ông Tập trong suốt chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Moscow.
Vậy tại sao ông Tập lại đang dần mất kiên nhẫn với ông Putin? Cả ông Putin và Tập rõ ràng cùng chung quan điểm đối địch với sức mạnh của Mỹ. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng rằng cuộc chiến sẽ làm suy yếu hệ thống liên minh do Mỹ dẫn đầu, cuộc chiến tại Ukraine đã kéo cả Mỹ, các nước dân chủ châu Âu và châu Á xích lại gần với nhau. Trước đó, Trung Quốc đã từng cố gắng xây dựng tầm ảnh hưởng tại châu Âu trong thời gian dài. Nhưng việc Bắc Kinh tuyên bố mối quan hệ “không giới hạn” với Nga đã khiến châu Âu tin rằng Bắc Kinh giờ đây là một mối đe dọa. Do đó, cách tốt nhất để Bắc Kinh có thể tái xây dựng danh tiếng của mình tại châu Âu USD đóng vai trò hữu hình và tích cực trong việc chấm dứt cuộc chiến. Còn về phần Mỹ, dù nhiều người cho rằng Washington sẽ không mấy quan tâm đến việc Trung Quốc nhúng tay vào cuộc chiến, nhưng chính quyền Biden không những đã quyết định sẽ không gạt bỏ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc mà còn cố gắng chỉnh sửa nó. Lý do cho điều này là vì Mỹ hiểu sự nguy hiểm của việc trở thành một kẻ “phản hòa bình”. Ngoài ra, Mỹ cũng hiểu rằng cuộc chiến kéo dài càng lâu thì việc giữ cho sự đồng thuận trong việc viện trợ quân sự và kinh tế hàng tỉ USD giữa các nước phương Tây cho Ukraine càng khó khăn hơn. Quan điểm chủ đạo ở Washington và ở nhiều nước châu Âu là Ukraine nên được hỗ trợ càng nhiều càng tốt trước khi họ phản công. Mục tiêu của Ukraine là giành được một chiến thắng quyết định để chấm dứt kỷ nguyên Putin. Nhưng kết kết quả có khả năng xảy ra hơn là việc Ukraine tăng cường sức mạnh trên chiến trường, trước các cuộc đàm phán hòa bình. Song người có thể buộc Nga phải đưa ra những nhượng bộ có ý nghĩa—bao gồm cả việc rút khỏi lãnh thổ đã chiếm và từ bỏ nỗ lực phá hoại Ukraine – là ông Tập Cận Bình.
Xem thêm tại: FT, China could play a crucial role in ending the war in Ukraine. Truy cập ngày 4/5/2023
Đài Loan chuẩn bị “chiến tranh nhân dân” chống lại Trung Quốc như thế nào?
Đài Loan đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kiểu mới nhằm ngăn chặn Tập Cận Bình sử dụng vũ lực để tái thống nhất hòn đảo với Trung Quốc. Từ những bài học đã rút ra từ cuộc chiến của Ukraine, việc Đài Loan nhận được hỗ trợ quân sự và kinh tế tương tự như Ukraine từ Mỹ và đồng minh cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc liệu người dân Đài Loan có thể hiện cùng mức độ phản kháng như người Ukraine hay không. Trước nhất, Đài Loan đã chuẩn bị cho chiến tranh bất đối xứng (asymmetric war). Theo đó, Đài Bắc sẽ chuyển chiến lược sang sử dụng vũ khí nhỏ và rẻ hơn, chẳng hạn như bệ phóng tên lửa đa năng và cầm tay, được hỗ trợ bởi radar di động và được triển khai bởi các đơn vị máy bay chiến đấu tự chủ về mặt chiến thuật, nhằm gây thiệt hại tối đa cho các lực lượng thông thường của Trung Quốc với chi phí thấp nhất. Dù có nhiều ý kiến trái chiều về chiến lược bất đối xứng này, nhưng cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy xe tăng, xe bọc thép và sự yểm trợ trên không của Nga đã đi đến bế tắc như thế nào khi đối mặt với chiến lược phi đối xứng của quân đội chính quy và lực lượng dân quân của Ukraine. Do đó, quân đội Đài Loan đã bắt đầu chuyển hướng sang chiến lược này với Ukraine là hình mẫu lý tưởng. Thêm vào đó, Mỹ cũng đã gửi các cố vấn quân sự về tác chiến bất đối xứng đến Đài Loan nhằm đào tạo lối đánh mới cho quân đội Đài Bắc. Chưa hết, phía chỉnh phủ Đài Loan cũng đang thực hiện việc đánh giá và dự trữ vũ khí bất đối xứng. Cuối cùng, Phòng thủ dân sự cũng đang được huy động bằng cách thành lập Cơ quan tự vệ trực thuộc Bộ Quốc phòng để phối hợp với các bộ khác và chính quyền địa phương trong trường hợp khẩn cấp. Các quan chức quốc phòng đang được cử đi học hỏi từ các quốc gia có lực lượng dân quân hùng hậu như Lithuania, Estonia và Phần Lan.
Xem thêm tại: Financial Review, Taiwan prepares for ‘people’s war’ against China. Truy cập ngày 28/4/2023
Tại sao Úc phải tỉnh thức trước mối nguy từ Trung Quốc và Nga ngay từ bây giờ?
Đông Bắc Á là khu vực duy nhất trên thế giới có sự hiện diện của ba cường quốc hạt nhân lớn là Mỹ, Nga và Trung Quốc, cùng với nước hạt nhân nhỏ là Triều Tiên. Nếu một cuộc xung đột nổ ra tại Đông Bắc Á, làn sóng của nó sẽ lan ra khắp nơi, bao gồm cả Úc. Vào đầu tháng 4, chuyến thăm của bộ trưởng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) đến Moscow dường như cho thấy ông Tập Cận Bình muốn củng cố chuyến thăm của mình đến Nga trước đó. Trong bốn ngày, tướng Lý Thượng Phúc và người đồng cấp Nga, tướng Sergei Shoigu đã thảo luận về việc thực hiện các thỏa thuận quốc phòng và an ninh bí mật được ký bởi Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Tuy nhiên, chuyến thăm của tướng Lý đã dẫn đến nhiều chi tiết được công khai hơn. Đầu tiên Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ việc hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc, bao gồm việc tiếp tục giúp Bắc Kinh phát triển công nghệ quân sự nòng cốt và giúp PLA đạt được năng lực cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo. Trung Quốc và Nga cũng đang liên tục xây dựng năng lực quân sự chung, trong các lĩnh vực bao gồm thiết kế tàu ngầm và đào tạo nhân viên quốc phòng. Ngoài ra, chuyến thăm của bộ trưởng Lý Thượng Phúc cũng trùng với cuộc tập trận hải quân lớn nhất của Nga trong thập kỷ qua tại tây bắc Thái Bình Dương, với tổng 167 tàu chiến, bao gồm 12 tàu ngầm, 89 máy bay chiến đấu và hơn 25,000 quân nhân tham gia cuộc tập trận. Cùng với đó, Trung Quốc cũng tổ chức tập trận xung quanh Đài Loan vào cùng thời điểm với cuộc tập trận của Nga. Các sự kiện này gợi ý rằng Nga và Trung Quốc đang đồng bộ hóa các hoạt động tác chiến của hạm đội phía Đông và Bắc của Hải quân PLA và Hạm đội Thái Bình Dương của Nga nhằm triển khai thế gọng kìm đối với Hạm đội 7 của Mỹ có trụ sở tại Nhật Bản, cũng như kiềm chế lực lượng hải quân của Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Mặc dù trọng tâm an ninh quốc gia của Úc ngày càng hướng đến việc đối phó với Trung Quốc như một thách thức chiến lược dài hạn đang nổi lên, nhưng tình trạng hỗn loạn địa chính trị và địa chiến lược hiện nay đặc trưng bởi tính linh hoạt liên tục và hoàn cảnh thay đổi nhanh chóng. Do đó, khả năng nhận biết và thích ứng với những thay đổi này của Úc là rất quan trọng để đảm bảo an ninh và phòng thủ hiệu quả thông qua tầm nhìn chiến lược cũng như sự sẵn sàng và phản ứng sau đó. Tuy nhiên, Bắc Kinh không phải là yếu tố duy nhất; Canberra cần theo dõi sát sao sức mạnh song song giữa Trung Quốc và Nga – mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Úc trong vài thập kỷ tới.
Xem thêm tại: Sky News, Canberra must wake up to the dangers of China and Russia’s power tandem before it’s too late. Truy cập ngày 30/4/2023
Tại sao Trung Quốc và Singapore triển khai tàu quét mìn trong cuộc tập trận chung?
Trong cuộc tập trận hàng hải chung gần đây nhất giữa Trung Quốc và Singapore, cả hai đều triển khai tàu quét mìn (minesweeper) cho nhiệm vụ tập trận. Phía Bắc Kinh gồm có tàu quét mìn Chibi và tàu khu trục tên lửa dẫn đường Yulin, cả hai đều đến từ Chiến khu phía Nam của PLA. Phía Singapore cử hai tàu là tàu khu trục lớp Formidable RSS Intrepid và tàu rà mìn lớp Bedok RSS Punggol. Cựu cố vấn PLA, ông Tống Trung Bình (Song Zhongping) cho biết việc tàu quét mìn tham gia tập trận cho thấy Trung Quốc và Singapore muốn hợp tác nhằm củng cố an ninh tại eo biển Malacca, vốn là một trong những tuyến đường hàng hải đông đúc nhất thế giới. Theo đó, eo biển Malacca có hơn 70% dòng xuất khẩu dầu và Bắc Kinh vốn đã lo ngại rằng Mỹ và các đối thủ khác có thể phong tỏa eo biển này trong một cuộc xung đột. Mặt khác, cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Singapore khai mạc khi cuộc tập chung lớn nhất trong thập kỷ qua giữa Mỹ và Philippines chuẩn bị bế mạc. Tuy nhiên, ông Tống Trung Bình nói rằng cuộc tập trận Singapore-Trung không phải nhằm phản ứng lại với cuộc tập trận Philippines-Mỹ. Thay vào đó, cuộc tập trận Singapore-Trung phát ra thông điệp rõ ràng rằng Singapore sẽ không chọn phe trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Chiến lược này trở nên rõ ràng vào đầu tháng này khi tư lệnh lực lượng không quân Thái Bình Dương, Kenneth Wilsbach đến thăm Singapore. Thêm vào đó, chiến lược này cũng đã được áp dụng tại thành phố Tây An hồi tháng 11 khi bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc lúc đó, Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) nói với người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen rằng quân đội hai nước có thể sẽ củng cố trao đổi cấp cao, tập trận chung và phối hợp an ninh đa phương.
Xem thêm tại: SCMP, Why are China and Singapore sending minesweepers on joint maritime drill mission? Truy cập ngày 30/4/2023
Tại sao giao tranh ở Khartoum chỉ mới là khởi đầu cơn ác mộng Sudan?
Kể từ ngày 15 tháng 4, thành phố thủ đô Khartoum đã trở thành tâm điểm giao tranh giữa hai thế lực mãnh mẽ nhất trong chính quyền quân sự Sudan – tướng Abdel Fattah al-Burhan, lãnh đạo đất nước trên luật định kể từ cuộc đảo chính năm 2019, và tướng Muhammad Hamdan Dagalo, lãnh đạo lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF). Cuộc chiến nhằm giành quyền kiểm soát Khartoum và toàn bộ đất nước đã khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng và nhiều người khác bị thương hoặc vô gia cư. Hiện tại, cuộc giao tranh đang dấy lên nỗi sợ rằng hai đội quân đối địch này sẽ san bằng thành phố. Tính đến nay, hàng ngàn người dân Sudan đã thoát khỏi thành phố đến những nước xung quanh như Ai Cập hoặc vùng ngoại ô xung quanh Khartoum. Những người chọn ở lại phải đối mặt với việc hoặc chết vì đói hoặc là chết vì đạn lạc do RSF đã chiếm nhà dân làm đồn bốt phòng thủ. Tất cả các quận trong thành phố cũng đã trở nên hoang tàn. Chưa hết, phần lớn khu vực phía tây Darfur, quê nhà của tướng Dagalo và RSF, cũng đã bị phá hủy. Giao tranh quanh thành phố el-Geneina đã giết chết gần 200 người và buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa trong những ngày gần đây. Phía nam Darfur, dân quân liên kết với RSF đã lợi dụng khoảng trống an ninh để cướp và tấn công người dân trú trong nhà của họ. Những người lính từ quân đội quốc gia cũng đang ngăn chặn và đôi khi đánh đập những người từ các bộ lạc Ả Rập có liên quan đến RSF. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại về “cuộc chiến giữa các bộ lạc sắp xảy ra”. Tại el-Fasher, thủ phủ Bắc Darfur, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà hoạt động địa phương đã làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội và các đơn vị RSF đang chiến đấu ở đó. Tuy nhiên, việc cả hai bên cùng ngồi lại và đàm phán là chuyện không tưởng vì chỉ nửa ngày sau lệnh ngừng bắn, drone của quân đội quốc gia đã quay trở lại bầu trời và ném bom thủ đô một lần nữa.
Xem thêm tại: Economist, The battle for Khartoum is just the beginning of Sudan’s nightmare. Truy cập ngày 28/4/2023
https://nghiencuuquocte.org/2023/05/05
Tags: Biển Đông, Hoa kỳ, Nga, tin tức thế giới, Trung cộng, Ukraine, Đài Loan, độc tài