Thời sự Thứ Ba 22/8/2023: *BRICS họp ở Nam Phi cân nhắc mở rộng *Trung Quốc khiếu nại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tại Trại David tuyên bố TQ “hung hăng” *Biến thể mới COVID? *Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin trở về nước *Philippines sẽ tiếp tế cho binh sĩ ở Biển Đông *


Võ Thái Hà tổng hợp


Các nhà lãnh đạo BRICS họp ở Nam Phi cùng lúc khối cân nhắc mở rộng 

22/8/2023 – Reuters 

Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo BRICS tại Nam Phi ngày 22/8/2023.

Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo BRICS tại Nam Phi ngày 22/8/2023. 

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia BRICS – bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – đã hội tụ tại Johannesburg hôm 22/8 để họp thượng đỉnh, ở đó, họ sẽ cân nhắc việc mở rộng khối khi một số thành viên thúc đẩy việc đưa khối này trở thành một đối trọng với phương Tây, theo Reuters.

Căng thẳng toàn cầu gia tăng do chiến tranh Ukraine gây ra và sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tăng thêm tính cấp bách cho nỗ lực củng cố khối, vốn đã có lúc bị chia rẽ nội bộ và thiếu tầm nhìn nhất quán.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, theo thể thức chuyến thăm cấp nhà nước vào sáng ngày 22/8 trước các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo khác của nhóm vào tối cùng ngày. Ông Tập là người đi đầu ủng hộ mở rộng BRICS.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh từ ngày 22 đến 24/8.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang bị truy nã quốc tế vì bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, sẽ không tới Nam Phi và thay vào đó tham gia trực tuyến.

“Một BRICS mở rộng sẽ đại diện cho một nhóm các quốc gia đa dạng với các hệ thống chính trị khác nhau có chung mong muốn có một trật tự toàn cầu cân bằng hơn”, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu trước các cuộc họp.

Việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên cũng nằm trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, các nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nam Phi cho biết sẽ không có cuộc thảo luận nào về đồng tiền BRICS, một ý tưởng được Brazil đưa ra vào đầu năm nay như một giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc vào đồng đôla.

BRICS vẫn là một nhóm còn có các khác biệt, từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang vật lộn với suy thoái, đến Nam Phi, nước chủ nhà năm nay và một nền kinh tế nhỏ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện dẫn đến mất điện hàng ngày.

Ấn Độ ngày càng tăng tương tác với phương Tây, cũng như Brazil dưới thời nhà lãnh đạo mới, trong khi Nga đang bị phương Tây trừng phạt nặng nề vì cuộc chiến ở Ukraine.

Mở rộng khối từ lâu đã là một mục tiêu của Trung Quốc, nước này hy vọng rằng số lượng thành viên đông đảo hơn sẽ tạo ảnh hưởng cho một nhóm vốn đã có khoảng 40% dân số thế giới và chiếm 1/4 GDP toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo sẽ tổ chức một buổi họp kín quy mô nhỏ và ăn tối vào tối ngày 22/8, trong đó, họ có thể sẽ thảo luận về khuôn khổ và tiêu chí để kết nạp các quốc gia mới.

Nhưng việc mở rộng đã trở thành một điểm gây tranh cãi.

Nga rất muốn kết nạp các thành viên mới để chống lại sự cô lập ngoại giao sau cuộc xâm lược Ukraine. Nam Phi cũng đã lên tiếng ủng hộ.

Ấn Độ, quốc gia cảnh giác với sự thống trị của Trung Quốc và đã cảnh báo chống lại việc mở rộng ồ ạt, có “ý định tích cực và tinh thần cởi mở”,

Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra cho biết. Trong khi đó, Brazil lo ngại rằng việc mở rộng BRICS sẽ làm giảm ảnh hưởng của nước này.

Các quan chức Nam Phi cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Trong số đó, gần hai chục nước chính thức đề nghị được kết nạp, với một số nước dự kiến sẽ cử đoàn đến Johannesburg.


BRICS : Thủ tướng Ấn Độ để ngỏ khả năng gặp trực tiếp chủ tịch Trung Quốc

Phan Minh /RFI – 22/8/2023

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (G), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và đồng cấp Vladimir Putin tại Brazil, ngày 14/11/2019.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (G), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và đồng cấp Vladimir Putin tại Brazil, ngày 14/11/2019. © AP – Eraldo Peres 

Có mặt tại Johannesburg, Nam Phi để tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS từ ngày 22 đến 24/08/2023, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã để ngỏ khả năng gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giới chuyên gia nhận định rằng hai lãnh đạo sẽ phải đề cập đến những thách thức mà BRICS phải đối mặt, cũng như tìm cách sưởi ấm quan hệ song phương. 

Từ Bangalore, thông tín viên RFI Côme Bastin tường trình :

Bộ Ngoại Giao Ấn Độ cho biết lịch trình của thủ tướng Narendra Modi đang được hoàn thiện, một cách để ngỏ khả năng có cuộc gặp chủ tịch Trung Quốc.

Theo Kanti Bajpai, nhà khoa học chính trị chuyên về quan hệ Ấn – Trung, hai bên có rất nhiều chủ đề thảo luận và những bất đồng, với ba câu hỏi lớn : “Đầu tiên là 20 quốc gia ứng cử viên muốn gia nhập BRICS. Trung Quốc ủng hộ một lượng lớn quốc gia chống lại phương Tây, nhưng một số nước là kẻ thù của Ấn Độ. Thứ hai là ý tưởng về một loại đồng tiền chung cho các quốc gia thuộc nhóm BRICS, một phản ứng trước sức mạnh của đồng đô la. Cuối cùng là mối quan hệ phức tạp giữa Ấn Độ và Trung Quốc.”

Trong cuộc gặp ngắn ngủi và gần đây nhất ở Bali hồi tháng 11/2022, Narendra Modi và Tập Cận Bình đã cam kết sẽ kiểm soát những tranh chấp tại biên giới ở dãy Himalaya và khôi phục thương mại song phương. Tuy nhiên, Kanti Bajpai kêu gọi lạc quan một cách thận trọng : “Không nên mong chờ những tiến bộ lớn trong những chủ đề này. Nhưng điều quan trọng là hai nhà lãnh đạo của Nam Bán cầu phải sát cánh bên nhau và có thể đưa ra tuyên bố chung.”

Đây cũng là cơ hội để Ấn Độ mời gọi các nguyên thủ quốc gia BRICS, đặc biệt là tổng thống Nga Vladimir Putin, tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào tháng 9 tại New Delhi.


Trung Quốc khiếu nại tuyên bố của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tại Trại David

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/three-leaders.jpg

Trung Quốc hôm thứ Hai (21/8) cho biết họ đã gửi khiếu nại về tuyên bố được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên thuộc loại này giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó ba nước chỉ trích “hành vi hung hăng” của Bắc Kinh.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh tại nơi nghỉ dưỡng của tổng thống ở Trại David. Hội nghị được mô tả là nhằm khởi động một chương mới của hợp tác an ninh ba bên.

Ba nhà lãnh đạo cho biết trong một tuyên bố chung hôm thứ Sáu rằng họ phản đối “hành vi nguy hiểm và hung hăng” của Trung Quốc trong các tranh chấp hàng hải ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Bắc Kinh đáp trả hôm thứ Hai, nói rằng các nhà lãnh đạo đã “bôi nhọ và tấn công Trung Quốc về các vấn đề hàng hải và liên quan đến Đài Loan, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Trung Quốc và cố tình gieo rắc sự bất hòa giữa Trung Quốc và các nước láng giềng”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ rằng Trung Quốc cũng bày tỏ “sự không hài lòng mạnh mẽ và sự phản đối kiên quyết, đồng thời gửi công hàm nghiêm túc tới các bên liên quan”.

Trại David là nơi đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh độc lập, thay vì bên lề một sự kiện lớn hơn.

Tổng thống Biden đã ca ngợi “sự dũng cảm chính trị” của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong việc bỏ qua lịch sử thù địch.

Ba nhà lãnh đạo đã đồng ý với một kế hoạch kéo dài nhiều năm về các cuộc tập trận thường xuyên và đưa ra “cam kết tham khảo ý kiến” chính thức trong các cuộc khủng hoảng, trong đó Tổng thống Biden nói rằng họ sẽ mở một đường dây nóng.

Các nhà lãnh đạo cũng đồng ý chia sẻ dữ liệu thời gian thực về Triều Tiên và tổ chức các hội nghị thượng đỉnh hàng năm.

Vào thứ Hai, ông Uông đã chỉ trích nhóm này như một ví dụ về “nỗ lực làm sống lại tâm lý Chiến tranh Lạnh bằng cách kích động sự chia rẽ và đối đầu được đại diện bởi nhiều nhóm nhỏ khép kín và độc quyền khác nhau”.

Dù Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng hội nghị thượng đỉnh Trại David không nhắm vào Trung Quốc, nhưng trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo cho biết họ “phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, đề cập đến việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhỏ và rạn san hô ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuyên bố cũng đề cập đến Đài Loan, gọi hòa bình và ổn định trong vấn đề này là “yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế”.

“Không có sự thay đổi nào trong lập trường cơ bản của chúng tôi đối với Đài Loan và chúng tôi kêu gọi giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển,” tuyên bố nói.

Hôm thứ Bảy, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận trên không và trên biển xung quanh Đài Loan trong điều mà họ gọi là “cảnh báo nghiêm khắc” sau khi phó Tổng thống của hòn đảo này đến thăm Hoa Kỳ.

Lê Vy (theo AFP)


Với biến thể mới, chúng ta có phải lo ngại về COVID lần nữa? 

22/8/2023 Reuters 

Bệnh nhân nhận được miếng dán đã chích ngừa biến thể COVID-19 Omicron tại tiệm thuốc Skippack ở Schwenksville, Pennsylvania, Mỹ, ngày 8/9/2022.

Bệnh nhân nhận được miếng dán đã chích ngừa biến thể COVID-19 Omicron tại tiệm thuốc Skippack ở Schwenksville, Pennsylvania, Mỹ, ngày 8/9/2022. 

Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC đang theo dõi một dòng mới, có tính đột biến cao của virus gây ra COVID-19.

Sáu trường hợp ở bốn quốc gia đã được phát hiện kể từ cuối tháng Bảy năm nay. Các nhà khoa học đang để mắt đến dòng mới, được đặt tên là BA.2.86, vì nó có 36 đột biến giúp phân biệt nó với biến thể XBB.1.5 đang chiếm ưu thế hiện nay.

Cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy BA.2.86 lây lan nhanh hơn hoặc gây bệnh nghiêm trọng hơn các phiên bản trước. CDC cho biết lời khuyên của họ về việc tự vệ trước COVID vẫn không thay đổi.

COVID có gì mới?

Số ca nhiễm và nhập viện do COVID đang gia tăng ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á, nhiều trường hợp hơn trong những tháng gần đây được cho là do biến thể phụ EG.5 “Eris”, hậu duệ của dòng Omicron xuất hiện từ tháng 11 năm 2021.

Trong vài ngày qua, các cơ quan y tế công cộng đã ghi nhận một trường hợp BA.2.86 tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Israel, cùng ba trường hợp ở Đan Mạch.

Các nhà khoa học nói gì về BA.2.86?

Bác sĩ S. Wesley Long, giám đốc y tế về vi sinh chẩn đoán tại Bệnh viện Methodist Houston, giải thích BA.2.86 bắt nguồn từ một “nhánh trước” của virus corona, vì vậy nó khác với biến thể mà các loại vắc-xin hiện tại nhắm đến.

Ông cho biết vẫn còn phải xem liệu BA.2.86 có thể vượt qua các chủng khác hay có bất kỳ lợi thế nào trong việc thoát khỏi các phản ứng miễn dịch có được từ nhiễm COVID hay từ tiêm chủng trước đây hay không.

Nhưng nhiều quốc gia đã giảm đáng kể việc xét nghiệm bệnh nhân và giảm nỗ lực phân tích bộ gen của virus gây ra các ca nhiễm COVID mới. Trong tình huống đó, đường đi của BA.2.86 “có vẻ không tốt bây giờ”, với tốc độ xác định các trường hợp mới, Tiến sĩ Eric Topol, một chuyên gia về bộ gen và giám đốc của Viện nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, cho biết.

Ông Topol nói nhiều đột biến làm cho BA.2.86 “hoàn toàn khác biệt về cấu trúc” so với các biến thể trước đó.

Ông nói thêm, câu hỏi chính là liệu BA.2.86 có khả năng lây truyền cao hay không.

Các biến thể mới có làm cho mọi người bị bệnh nhiều hơn?

Theo dữ liệu trên trang web của CDC, số ca khám bệnh và nhập viện vì COVID ở Hoa Kỳ vẫn ở mức thấp, nhưng đã tăng lên kể từ đầu tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, cho đến nay, các bác sĩ đã báo cáo rằng những bệnh nhân được khám trong những tuần gần đây, do biến thể Eris đang lan rộng, không bị bệnh nặng như những bệnh nhân mà họ đã điều trị trong các đợt đại dịch trước đó.

Ông Topol cho biết sự lây lan rộng hơn của BA.2.86 có thể sẽ gây ra nhiều bệnh tật và tử vong hơn ở những nhóm người dễ bị tổn thương.

Vẫn còn quá sớm để biết liệu BA.2.86 có gây ra bệnh nặng hơn hay không.

Phát ngôn viên của CDC cho biết: “Dựa trên các bằng chứng hiện có, chúng tôi chưa biết những rủi ro nào, nếu có, mà (BA.2.86) có thể gây ra cho sức khỏe cộng đồng ngoài những gì đã thấy với các dòng virus hiện đang lưu hành khác”.

Vắc-xin có chống lại các biến thể mới?

Do đại dịch đang suy yếu, có thể đã hơn một năm kể từ khi nhiều người trước đó bị nhiễm bệnh hoặc được tiêm phòng COVID.

Ông Long nói: “Vắc-xin vẫn sẽ cung cấp cho bạn khả năng bảo vệ tuyệt vời khỏi bệnh tật và tử vong.”

Các mũi chích ngừa tăng cường COVID được cập nhật hiện đang được phát triển đã được thiết kế để nhắm mục tiêu vào biến thể phụ Omicron XBB.1.5.

Moderna nói dữ liệu thử nghiệm sơ bộ cho thấy phiên bản vắc-xin mới nhất của họ hứa hẹn chống lại Eris và một biến thể liên quan có tên Fornax vốn đã bắt đầu lưu hành ở Hoa Kỳ.

Công ty Pfizer cho biết ảnh chụp COVID-19 cập nhật của họ cho thấy hoạt động trung hòa chống lại biến thể phụ Eris trong một nghiên cứu được thực hiện trên chuột.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ đang có kế hoạch thúc giục tất cả dân chúng tiêm nhắc lại vào mùa thu này để chống lại làn sóng lây nhiễm mới, một quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết hôm 20/8.

Moderna và các nhà sản xuất vắc-xin COVID khác như Novavax, Pfizer/BioNTech đã tạo ra các phiên bản vắc-xin nhắm vào biến thể phụ XBB.1.5.

Trong khi chờ phê duyệt từ các cơ quan quản lý y tế ở Hoa Kỳ và Châu Âu, các công ty này hy vọng các mũi tiêm cập nhật sẽ sẵn sàng trong vài tuần tới cho đợt tiêm chủng mùa thu.

“Chúng tôi sẽ khuyến khích tất cả người Mỹ tiêm những liều thuốc tăng cường đó ngoài việc tiêm phòng cúm và tiêm phòng RSV,” quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết, đề cập đến virus hợp bào hô hấp RSV.

https://www.voatiengviet.com


Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin trở về nước sau 17 năm sống lưu vong

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/cuu-TT-thai.jpg

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra chào người ủng hộ khi ông đến sân bay Don Mueang, Bangkok, Thái Lan vào sáng 22/8/2023. (Ảnh: Sirachai Arunrugstichai/Getty Images) 

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra hôm thứ Ba (22/8) đã trở về nước sau 17 năm sống lưu vong để trốn tránh truy nã. Có đồn đoán cho rằng sự trở về bất ngờ này của ông Thaksin là kết quả của một “siêu thỏa thuận” với các cựu thù và rằng ông sẽ được nhận ân xá hoàng gia từ Vua Maha Vajiralongkorn.

Ông Thaksin năm nay 74 tuổi là chính trị gia nổi tiếng nhất Thái Lan, là anh hùng trong mắt người nghèo nông thôn, nhưng lại là kẻ bất lương theo phán xét của những người kiến chế hoàng gia. Ông Thaksin cũng vẫn đang được coi là lãnh đạo danh dự của phong trào dân túy Pheu Thai do chính gia đình ông lập ra.

Máy bay tư nhân chở ông Thaksin cất cánh từ Singapore đã đáp xuống sân bay Don Mueang, thủ đô Bangkok, Thái Lan vào 9 giờ sáng ngày 22/8 (giờ địa phương), tờ Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn theo số liệu chuyến bay trực tuyến.

Theo Reuters, tại sân bay Don Mueang, ông Thaksin đã được một số nhà lập pháp và hàng trăm người ủng hộ cuồng nhiệt chào đón.

Bà Yingluck, em gái ông Thaksin hiện cũng đang sống lưu vong, vào sáng sớm 22/8 khi ông Thaksin đang lên máy bay riêng ở Singapore đã viết lên mạng xã hội bày tỏ rằng: “Cái ngày mà anh trai tôi chờ đợi đã đến”.

“Trong 17 năm qua, anh đã cảm thấy bị cô lập, cô đơn, bồn chồn và nhớ nhà nhưng anh đã vững vàng”, bà Yingluck viết tiếp.

Ông Thaksin trốn chạy ra nước ngoài vào năm 2008 để tránh bị bỏ tù về tội lạm dụng quyền lực. Trước đó hai năm, vào năm 2006, quân đội Thái Lan đã lật đổ ông Thaksin với cáo buộc vị thủ tướng này phạm tội tham nhũng và bất trung với vương triều. Ông Thaksin trước nay luôn cực lực bác bỏ cáo buộc này.

Theo Reuters, cảnh sát Thái Lan tuyên bố họ sẽ bắt ông Thaksin và trực tiếp dẫn giải ông tới Tòa án Tối cao để xét xử, sau đó sẽ chuyển ông vào tù.

Tuy nhiên, có đồn đoán cho rằng liên minh của đảng Pheu Thai với các đối thủ là một phần của một thỏa thuận phía sau hậu trường trong đó cho phép ông Thaksin được trở về nước và sẽ nhận được ân xá.

Chuyến quay về nước lần này của ông Thaksin đúng vào thời điểm Hạ viện và Thượng viện Thái Lan đang họp để bỏ phiếu bầu ứng viên thủ tướng Srettha Thavisin. Ông Srettha là tỷ phú bất động sản và tham gia chính trị với vai trò thành viên đảng Pheu Thai chỉ vài tháng trước.

Ông Srettha Thavisin viết trên X (tên cũ là Twitter): “Chúc mừng gia đình Shinawatra và cựu Thủ tướng Thaksin. Không có gì hạnh phúc hơn khi ông được quay trở về nơi ông sinh ra cùng với gia đình”.

Đảng Pheu Thai đã phủ nhận sự liên quan của ông Thaksin đối với nỗ lực thành lập chính phủ mới của đảng này. Ông Thaksin nhiều tháng qua cũng đã bác bỏ đồn đoán cho rằng ông đang thông đồng với các tướng lĩnh quân đội vốn đã lật đổ ông và em gái ông.

Một chính phủ lâm thời vẫn đang điều hành Thái Lan kể từ tháng Ba và quốc hội mới bầu đã đang gặp bế tắc nhiều tuần qua sau khi những người chiến thắng bầu cử của đảng Tiến Bước (Move Forward) đã bị những nhà lập pháp bảo thủ cản trở thành lập chính phủ mới, từ đó mở ra cơ hội cho đảng Pheu Thai nỗ lực thành lập chính phủ bằng cách liên kết với một số đảng cựu thù.

Đảng Pheu Thai do gia đình Shinawatra thành lập và đã từng chiến thắng 5 cuộc bầu cử trong hai thập kỷ qua. Mới đây đảng này đã đồng ý thành lập một liên minh gây tranh cãi cùng với hai đảng do quân đội hậu thuẫn. Quân đội lại chính là lực lượng đã lãnh đạo hai cuộc đảo chính năm 2006 và 2014 lật đổ chính phủ của ông Thaksin và bà Yingluck.

Ông Srettha Thavisin, 60 tuổi, hôm thứ Hai (21/8) nói rằng đảng Pheu Thai đã không thể giành được đa số rõ ràng như kế hoạch đặt ra trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Năm, do đó cơ hội duy nhất để lên cầm quyền là phải liên kết với một số đối thủ mà trước đây Pheu Thai đã thề không bao giờ làm việc cùng.

“Chúng tôi không phải đang nói dối người dân, nhưng chúng ta phải thực tế”, ông Srettha Thavisin nói.

Ứng viên thủ tướng Srettha Thavisin hiện đã có được sử ủng hộ của 317 Hạ nghị sĩ và ông cần 58 phiếu bầu từ nhà lập pháp Thượng viện do quân đội chỉ định để đảm bảo nhận được sự ủng hộ đa số trong lưỡng viện.

Hải Đăng


Philippines sẽ lại tiếp tế cho binh sĩ ở Biển Đông sau khi bị Trung Quốc ngăn chặn 

19/8/2023 Reuters 

TƯ LIỆU - Thủy quân lục chiến, thành viên của một phân đội đóng quân trên tàu BRP Sierra Madre, tham gia lễ hạ cờ trên tàu, tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Biển Đông, ngày 29 tháng 3, 2014.

TƯ LIỆU – Thủy quân lục chiến, thành viên của một phân đội đóng quân trên tàu BRP Sierra Madre, tham gia lễ hạ cờ trên tàu, tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Biển Đông, ngày 29 tháng 3, 2014. 

Lực lượng vũ trang Philippines ngày thứ Bảy cho biết họ sẽ một lần nữa tìm cách tiếp tế cho binh lính đồn trú trên một con tàu han gỉ từ thời Thế chiến thứ hai trên một bãi san hô ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc ngăn chặn một nỗ lực trước đó bằng vòi rồng.

“Việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi là minh chứng cho niềm tin vững chắc của chúng tôi vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vốn là nền tảng cho hòa bình và ổn định khu vực,” phát ngôn viên lực lượng vũ trang Medel Aguilar cho biết trong một phát biểu.

Manila đã gửi công hàm phản đối ngoại giao đối với Bắc Kinh trong tháng này sau khi lực lượng hải cảnh của Trung Quốc sử dụng vòi rồng và có những hành động “nguy hiểm” nhằm ngăn Philippines gửi đồ tiếp tế tới cho những binh sĩ ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông trong khi Malaysia, Việt Nam, Brunei, Đài Loan và Philippines có những yêu sách khác nhau đối với một số khu vực nhất định.

Ông Aguilar nói Manila kêu gọi tất cả các bên liên quan tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Philippines, đồng thời nói thêm rằng Manila ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không phản hồi ngay yêu cầu bình luận. Hải cảnh Trung Quốc hôm 7 tháng 8 cho biết họ đã yêu cầu Philippines không gửi tàu đến bãi cạn và không gửi “vật liệu xây dựng dùng để sửa chữa và gia cố quy mô lớn” cho tàu chiến.

Philippines đã cố tình cho tàu chiến này mắc cạn vào năm 1999 như một phần trong yêu sách chủ quyền của mình đối với bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.

Nhiệm vụ tiếp tế được lên kế hoạch “là một minh chứng rõ ràng cho quyết tâm của chúng tôi đứng lên chống lại các mối đe dọa và sự cưỡng ép, cũng như cam kết của chúng tôi trong việc duy trì pháp trị,” lực lượng vũ trang Philippines nói.

Năm 2016, một phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông.

Trung Quốc không công nhận phán quyết này và đã xây cất các đảo nhân tạo với đường băng và phi đạn đất đối không ở Biển Đông.


XEM THÊM

Tags: , , ,

Comments are closed.