Thời sự Thứ Hai 02/10/2023: *Biden khẳng định Mỹ « không bỏ rơi » Ukraina *Báo chí Nga hài lòng *Cuộc họp « lịch sử » cấp ngoại trưởng Liên Âu tại Kiev *4,8 tỷ USD tàu ngầm nguyên tử cho Aukus *Giải Nobel Y học: Hai khoa học gia tìm ra vaccine COVID-19 *Đối lập Ba Lan biểu tình *Trung Cộng: Nói một đằng, làm một nẻo *Thổ Nhĩ Kỳ không mong đợi gì từ EU để gia nhập


Võ Thái Hà tổng hợp


Tổng thống Biden khẳng định Mỹ « không bỏ rơi » Ukraine

Thanh Hà /RFI02/10/2023

Chính quyền Mỹ đang ra sức trấn an Ukraina. Sau khi Hạ Viện từ chối thông qua gói viện trợ mới 24 tỷ đô la cho chính quyền Kiev, tổng thống Joe Biden hôm Chủ Nhật 01/10/2023 nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ « không bỏ rơi » Ukraina. Nhà Trắng cho biết thêm đã đạt được với chủ tịch Hạ Viện Mỹ về một « dự luật riêng » liên quan đến các khoản viện trợ cho Ukraina. Kiev xác nhận bộ Quốc Phòng Mỹ cam kết tiếp tục các chương trình đào tạo cho quân nhân Ukraina. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, ngày 01/10/2023.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, ngày 01/10/2023. AP – Manuel Balce Ceneta 

Trong cuộc họp báo hôm 01/09/2023, tổng thống Mỹ Biden giải thích là đảng Cộng Hòa cam kết tiếp tục yểm trợ Ukraina bằng cách sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu riêng, liên quan đến viện trợ quân sự cho Kiev, và trong « mọi trường hợp » viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraina « không bị gián đoạn ».

Tại Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định « không gì làm suy yếu công cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Nga ». Bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Rustem Umerov, được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, cho biết đồng nhiệm Mỹ, tướng Lloyd Austin đã trấn an là các chương trình đạo tạo cho binh sĩ Ukraina sẽ tiếp diễn và Ukraina vẫn được Hoa Kỳ « yểm trợ mạnh mẽ trên các mặt trận ».

Báo chí chính thức của Nga hài lòng trước những dấu hiệu rạn nứt về quyết tâm hỗ trợ Ukraina của phương Tây mà đứng đầu là Mỹ, cũng như kết quả bầu cử lập pháp ở Slovakia hôm 01/10/2023 với thắng lợi của phe thân Nga.Thông tín viên Anissa El Jabri từ Matxcơva tường thuật :

« Ngay từ sáng Chủ Nhật, truyền thông Nga đã bày tỏ sự hài lòng với kết quả bầu cử Slovakia, và nhất là trước ‘chiến thắng của đảng chống lại việc gửi vũ khí sang Ukraina’. Trên đây là những hàng tựa lớn của báo chí Matxcơva sáng nay, 02/10.

Một số báo nhấn mạnh nhiều vào sự chia rẽ trong khối châu Âu. Báo Kommersant khẳng định ‘Slovakia có thể trở thành một vấn đề lớn thách thức sự đoàn kết của Liên Âu’. Những tờ báo chính thức khác cũng tập trung nhiều vào thời sự Hoa Kỳ. Tờ Konsomolskaya Pravda đắc thắng chạy tựa : Mỹ ‘không bỏ một xu cho Ukraina’. Còn báo Vesti đi xa hơn khi cho rằng ‘dân Mỹ vất bỏ những gì không quan trọng đối với họ : đó là Ukraina’. 

Thời sự trong hai ngày cuối tuần cho phép xác nhận những định kiến đã bắt rễ sâu trong hàng ngũ tinh hoa ở Nga và trong suy nghĩ của Vladimir Putin. Đó là cùng với thời gian, các nền dân chủ phương Tây dễ bị tổn thương trước những mối chia rẽ. Điều đó minh chứng cho kế hoạch B của một cuộc chiến tiêu hao đang diễn ra tại Ukraina. Matxcơva câu giờ và khai thác tất cả những dấu hiệu để lộ điểm yếu của phương Tây ». 

Cuộc họp « lịch sử » cấp ngoại trưởng Liên Âu tại Kiev Để khẳng định tình đoàn kết và quyết tâm của toàn khối sát cánh với Ukraina trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, hôm nay ngoại trưởng 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp tại thủ đô Kiev. Đây cũng là một cử chỉ mang tính biểu tượng mạnh mẽ vào lúc Ukraina đang nỗ lực vận động để được gia nhập khối này.Đến Kiev sáng nay, ngoại trưởng Pháp, Catherine Colonna tuyên bố Nga chớ ảo tưởng rằng Liên Hiệp Châu Âu sẽ « mệt mỏi » vì chiến tranh Ukraina. Triệu tập một cuộc họp tại một quốc gia ngoài khối là một « động thái ngoại giao mạnh mẽ » thể hiện quyết tâm của khối này đứng về phía Ukraina một cách « lâu dài » và Ukraina là một « thành viên của đại gia đình châu Âu ». Tuy nhiên, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell lưu ý là cuộc họp tại Kiev sẽ không đưa ra bất kỳ một quyết định cụ thể nào », bởi đây chỉ là một cuộc « thảo luận không chính thức »


BAE của Anh nhận hợp đồng 4,8 tỷ USD đóng tàu SSN-Aukus

BBC News02/10/2023

Aukus

Nguồn hình ảnh, BAE Systems – Chụp lại hình ảnh, Hình vẽ mô phỏng tàu SSN-Aukus trong tương lai

Tập đoàn quốc phòng Anh BAE Systems vừa nhận được hợp đồng trị giá 3,95 tỷ bảng (4,82 tỷ USD) để đóng tàu ngầm nguyên tử cho Úc trong dự án Aukus.Tháng 3 vừa qua, Hoa Kỳ, Anh và Úc công bố thêm chi tiết của hiệp ước Aukus, ký năm 2021, nhằm cung cấp tàu ngầm tấn công, chạy bằng động cơ hạt nhân cho Úc vào cuối thập niên 2030.Theo thông báo của BAE Systems hôm Chủ Nhật vừa qua, họ sẽ thiết kết tàu ngầm thế hệ mới từ nay tới 2028, dùng động cơ nguyên tử của công ty Anh Rolls-Royce.Chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc thế hệ SSN-Aukus sẽ được đóng vào cuối thập niên này, và đưa vào sử dụng ở Úc vào khoảng cuối thập niên sau.

Tàu SSN-Aukus do Anh thiết kế và đóng tại xưởng ở Barrow-in-Furness, Cumbria, sẽ được dùng trong cả Hải quân Úc và Anh. Mẫu thiết kế mới của Anh sẽ được Hải quân Hoa Kỳ sử dụng để đóng tàu ngầm hạt nhân trong tương lai.Lợi cho cả Úc và AnhNhờ hợp đồng này, Rolls-Royce cũng nói sẽ tăng thêm đầu tư vào cơ sở của họ ở Raynesway, Derby để làm động cơ hạt nhân cho tàu Aukus.Hợp đồng mới nhất này còn giúp Anh cải thiện, nâng cấp xưởng đóng tàu ở Cumbria, và tạo việc làm cho hơn 10 nghìn người tại chỗ, cùng khoảng 5 nghìn nữa trong các chuỗi cung ứng phụ trợ.Hiện BAE hiện đang thuê 39.600 nhân viên ở Anh và 93 nghìn trên thế giới.Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối hiệp ước Aukus, thỏa thuận lần đầu tiên cung cấp cho Úc tàu ngầm nguyên tử thuộc loại săn ngầm, ‘tìm và diệt’ tàu mặt nước trong các trận chiến ngoài khơi.Dù liên tục phê phán Hoa Kỳ cùng các đồng minh Phương Tây can thiệp vào các vùng biển gần Trung Quốc, về phía mình Bắc Kinh vẫn tăng cường sức mạnh hải quân.Các báo quốc phòng cho hay năm nay, Hải quân Quân Giải phóng đã hạ thủy và đang chạy thử hàng không mẫu hạm Phúc Kiến, thuộc thế hệ 002, có bệ phóng chiến đấu cơ dùng cơ chế điện từ (electromagnetic catapult).Đây là một bước tiến quan trọng trong công nghệ quân sự của Trung Quốc, so với hai sân bay/bệ phóng phi cơ dùng dây kéo hơi nước trên các tàu Liêu Ninh và Sơn Đông. 


Hai nhà khoa học giúp tạo ra vaccine COVID-19 đoạt giải Nobel Y học 

02/10/2023 – AP 

GS. Katalin Kariko và GS. Drew Weissman.

GS. Katalin Kariko và GS. Drew Weissman. 

Hai nhà khoa học giành được giải Nobel Y học hôm 2/10 vì những khám phá cho phép phát triển vaccine mRNA ngừa COVID-19, theo AP.

Giải thưởng được trao cho bà Katalin Karikó, giáo sư tại Đại học Sagan ở Hungary và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Pennsylvania, và ông Drew Weissman, người đã thực hiện nghiên cứu đoạt giải của mình cùng với giáo sư Karikó tại Đại học Pennsylvania.

“Thông qua những phát hiện đột phá của họ, về cơ bản đã thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về cách mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch, những người đoạt giải đã góp phần vào tốc độ phát triển vaccine chưa từng có trong thời kỳ một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người trong thời hiện đại,” hội đồng trao giải giải thưởng nói.

Ông Thomas Perlmann, thư ký của Hội đồng Nobel, công bố giải thưởng này và cho biết cả hai nhà khoa học đều “choáng ngợp” trước tin tức về giải thưởng khi ông liên lạc với họ ngay trước khi công bố.

Bà Gunilla Karlsson Hedestam, thành viên hội đồng bầu chọn người chiến thắng, nói về công việc của họ rằng “về việc cứu mạng sống, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của đại dịch, điều đó rất quan trọng”.

Giải Nobel về sinh lý học hoặc y học đã thuộc về nhà khoa học Thụy Điển Svante Paabo vào năm ngoái vì những khám phá về quá trình tiến hóa của loài người đã giải mã những bí mật về DNA của người Neanderthal, cung cấp những hiểu biết sâu sắc quan trọng về hệ thống miễn dịch của chúng ta, bao gồm cả khả năng dễ bị tổn thương của chúng ta trước dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng.

Việc công bố giải Nobel sẽ tiếp tục với giải vật lý vào ngày 3/10, hóa học vào ngày 4/10 và văn học vào ngày 5/10. Giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố vào 6/10 và giải thưởng kinh tế vào ngày 9/10.

Giải thưởng có phần thưởng tiền mặt trị giá 11 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1 triệu đôla).

Những người đoạt giải được mời đến nhận giải thưởng tại buổi lễ vào ngày 10/12.


Phe đối lập ở Ba Lan tổ chức cuộc biểu tình hàng trăm ngàn người ở Vácsava

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/Ba-Lan-768x432-1.jpg

Reuters đưa tin, hàng trăm ngàn người đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối ở Vácsava, Ba Lan vào Chủ Nhật, hai tuần trước cuộc bầu cử mà Đảng Cương lĩnh Dân sự (PO) theo chủ nghĩa tự do cho rằng có thể quyết định tương lai của Ba Lan trong Liên minh Châu Âu (EU) và vị thế dân chủ của nước này.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Chính phủ của Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) theo chủ nghĩa dân tộc có thể giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu, nhưng có thể gặp khó khăn để chiếm đa số trong bối cảnh một số người bất mãn vì chi phí sinh hoạt tăng cao và lo ngại về sự xói mòn của các cơ chế kiểm tra và cân bằng dân chủ.

Chính quyền thành phố Vácsava cho biết, khoảng một triệu người đã tham dự cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử thủ đô.

Đài truyền hình công cộng TVP, mà các nhà quan sát truyền thông độc lập cho rằng đã trở thành cơ quan ngôn luận của chính phủ dưới sự cai trị của PiS, dẫn lời cảnh sát cho biết khoảng 100.000 người đã tham gia.

Theo con số mà kênh tin tức trực tuyến onet.pl đưa ra, có khoảng 600.000-800.000 người đã tham dự cuộc biểu tình.

Một số mang biểu ngữ có nội dung “PiSexit” hoặc “Con mèo có thể ở lại”, ám chỉ con vật cưng của thủ lĩnh PiS Jaroslaw Kaczynski.

Phe đối lập hy vọng cuộc tuần hành này sẽ khuyến khích cử tri tham gia bầu cử.

“Sự thay đổi lớn đang đến. Đây là dấu hiệu cho sự tái sinh của Ba Lan”, lãnh đạo PO Donald Tusk nói với đám đông tụ tập tại quảng trường trung tâm Vácsava, nhiều người vẫy cờ Ba Lan và EU.

Ông Tusk, cựu Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, cho rằng PiS có thể đặt mục tiêu đưa Ba Lan ra khỏi EU, điều mà đảng này phủ nhận, đồng thời coi cuộc bầu cử là quan trọng đối với quyền của người thiểu số và phụ nữ.

PiS, nắm quyền từ năm 2015, đã vận động với cam kết ngăn và không để người di cư vào Ba Lan, nói rằng đó là chìa khóa cho an ninh quốc gia và tiếp tục chuyển tiền cho gia đình và người già.

Hanna Chaciewicz, một nha sĩ 59 tuổi đến từ Otwock, một thị trấn bên ngoài Vácsava, cho biết: “Tôi muốn được tự do, được ở trong EU, tôi muốn có tiếng nói, tôi muốn có các tòa án tự do.”

PiS phủ nhận những lời chỉ trích của phương Tây rằng họ đã phá vỡ các chuẩn mực dân chủ, và nói rằng những cải cách của ngành tư pháp là nhằm mục đích làm cho đất nước trở nên công bằng hơn và không còn dấu tích của chủ nghĩa cộng sản, trong khi những thay đổi đối với phương tiện truyền thông đại chúng giúp loại bỏ ảnh hưởng của nước ngoài.

Nhưng nó vẫn chưa có được quyền tiếp cận hàng tỷ euro trong quỹ phục hồi COVID của EU mà Brussels đã từ chối vì cải cách tòa án của Ba Lan.

Thị trưởng Vácsava Rafal Trzaskowski, một thành viên cấp cao của PO, nói với những người tại cuộc biểu tình: “Mọi người đang đầu tư vào việc làm, để chống lại thảm họa khí hậu. Và chúng tôi đã bị từ chối số tiền này vì ai đó đã quyết định phá hủy nền dân chủ ở Ba Lan”.

Nhật Tân


Trịnh Khải Nguyên-Chương: Đảng Cộng sản Trung Quốc: Nói một đằng, làm một nẻo

Hôm thứ Ba, 26/9/2023, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố một văn kiện nhan đề “Một cộng đồng toàn cầu trong một tương lai chung” với nội dung có thể xem như là tầm nhìn mới của Trung Quốc về một trật tự thế giới do Trung Quốc lãnh đạo, thay thế trật tự hiện thời do Hoa Kỳ đứng đầu. Giới quan sát quốc tế không bỏ lỡ cơ hội này để tìm xem Trung Quốc có đưa ra ý niệm gì mới mẻ không, nhưng họ đã thất vọng hoàn toàn vì toàn bộ văn kiện chỉ thể hiện rõ ràng tính đạo đức giả của Bắc Kinh, và nó chẳng có gì mới lạ ngoài những ngụy luận cố hữu nhằm lôi kéo các quốc gia đang phát triển vào một cơ cấu chính trị toàn cầu chuyên quyền do Bắc Kinh chủ xướng.

Văn kiện huênh hoang tuyên bố về một “cấu trúc lý thuyết” mới dùng để “đối đầu một cách hiệu quả với tư duy bá quyền của một số quốc gia đang tìm kiếm quyền lực tối cao” (ám chỉ Hoa Kỳ). Bài viết nhận định rằng “các hành động bá quyền, lạm dụng và hung hăng của một số quốc gia chống lại các quốc gia khác, dưới hình thức lừa đảo, cướp bóc, áp bức và sử dụng trò zero-sum, đang gây ra tác hại lớn”. Không nêu đích danh Hoa Kỳ, nhưng ai đọc cũng biết, một lần nữa, Trung Quốc lên án Hoa Kỳ là kẻ trục lợi, với kế sách zero-sum, tìm kiếm lợi ích cho mình dựa trên thiệt hại của kẻ khác.

Thực tế cho thấy Trung Quốc là kẻ sử dụng kế sách zero-sum nhiều và hung bạo hơn ai hết. Đó là lý do vì sao các chính phủ Liên minh Châu Âu đang lo ngại về bao cấp sản xuất của Trung Quốc và ngư dân châu Phi lo ngại về việc đội tàu đánh cá Trung Quốc cướp đi sinh kế của họ.

Tìm cách đối lập tầm nhìn của mình với tầm nhìn của Washington, Bắc Kinh khẳng định: “Chúng tôi theo đuổi sự phát triển và hồi sinh thông qua nỗ lực của chính mình, thay vì xâm lược hay bành trướng. Và mọi thứ chúng tôi làm đều nhằm mục đích mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, đồng thời tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội phát triển cho toàn thế giới chứ không phải để thay thế hay khuất phục”.

Đài Loan, nơi đang phải ráo riết đối phó với cuộc xâm lược theo đúng nghĩa đen từ Trung Quốc, chắc hẳn phải bật lên cười khi nghe câu tuyên bố này. Rồi đến các quốc gia trong khu vực Biển Đông, như Việt Nam và Philippines, đang phải đối mặt với sự “bành trướng” hung hãn của Trung Quốc. Miệng nói chống xâm lược và bành trướng trong lúc cho tàu chiến đi cưỡng chiếm biển đảo của các nước khác.

Chưa hết, thật là mỉa mai khi văn kiện này nói “mọi thứ chúng tôi làm đều nhằm mục đích mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Hãy hỏi bất cứ một người Duy Ngô Nhĩ nào thử xem “cuộc sống tốt đẹp hơn” của dân tộc họ bây giờ ra sao. 

Trung Quốc quả đã lộ bộ mặt trơ trẽn chưa từng thấy khi tuyên bố tiếp rằng quá trình hiện đại hóa xã hội của Trung Quốc liên quan đến “sự tiến bộ về văn hóa-đạo đức”. Đọc kỹ, ta sẽ thấy đó chẳng qua chỉ là tấm màn che giấu việc “tiêu diệt bản sắc Duy Ngô Nhĩ” trong tiến trình Hán hóa. Tiến bộ về văn hóa-đạo đức theo tiêu chuẩn của ĐCSTQ chỉ có nghĩa là phải dẹp bỏ mọi văn hóa truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa của các dân tộc, mà họ gọi là “man di mọi rợ” như Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng để tất cả quy về Bắc Kinh làm chuẩn mực cho đời sống vật chất cũng như tinh thần.

Sự ngu xuẩn của văn kiện tiếp tục phơi bày với những lời lẽ như “Chúng ta nên tôn trọng thiên nhiên, phải dựa vào thiên nhiên và bảo vệ nó. Chúng ta nên kiên quyết theo đuổi sự phát triển xanh, giảm thiểu khí carbon, những phát triển kinh tế phải dựa trên nguyên tắc tái tạo tuần hoàn và bền vững”.

Nói một đằng, làm một nẻo. Làm sao Trung Quốc bịt mắt, lừa gạt được thế giới với những hành động xem thường thiên nhiên như cho các đội tàu đánh cá khổng lồ đi vét sạch cá khắp các đại dương, và tăng vọt các công trình xây dựng nhà máy than bẩn?

Chưa hết, chúng ta còn được khuyên nhủ rằng “các quốc gia nên tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Thật chẳng có gì lố bịch, trơ trẽn hơn! Nói như thế nhưng chính mình đi lấn chiếm biển đảo của các nước khác. Và, trong khi cả thế giới lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine thì Trung Quốc công khai đứng về phe Nga và ngấm ngầm hỗ trợ nước này duy trì cuộc chiến tranh tàn bạo nhằm tiêu diệt đất nước và dân tộc Ukraine. Mới đây Trung Quốc còn cho công bố một bản đồ trong đó những vùng trong vòng tranh chấp được gộp chung vào lãnh thổ của Trung Quốc. Sự kiện này đã gây công phẫn không ít từ các quốc gia liên hệ, nhưng Trung Quốc vẫn tỏ ra không biết điều.

Trong bản văn kiện, Trung Quốc cũng tuyên bố là “không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”. Nhưng sự thật rành rành là Trung Quốc cài đặt gián điệp khắp nơi trên thế giới, nhất là Hoa Kỳ, Canada, Úc, và Liên minh Châu Âu. Mục đích của các ổ gián điệp này có hai mặt. Một mặt, truy tầm các thành phần chống đối chế độ bỏ ra nước ngoài. Mặt khác, lũng đoạn, làm suy yếu tiềm năng, phá hoại nền dân chủ của các quốc gia thuộc khối Tây phương. Gần đây nhận thức được tầm nguy hại của các ổ gián điệp ấy, chính quyền Biden của Hoa Kỳ đã phát động nhiều kế hoạch nhằm chống lại hoạt động gián điệp và chủ nghĩa quân phiệt của Trung Quốc.

Trong văn kiện có hàng chữ “… dân chủ và tự do là mục tiêu chung của nhân loại. Không có một mô hình dân chủ nào có thể áp dụng một cách phổ quát được, chứ đừng nói đến một mô hình ưu việt hơn”. Thực chất, mô hình quản trị của Trung Quốc là phản đề của “tự do” hay bất kỳ khái niệm cơ bản nào về dân chủ

Nói tóm lại văn kiện này của ĐCSTQ là một văn bản tuyên truyền không hơn không kém. Nó chẳng có một ý nghĩa trọng đại nào cả, và chỉ để lộ thêm dã tâm của một nhà nước chuyên chế độc tài, ngày càng hung hăng, đối nội đàn áp tàn bạo tất cả mọi phản biện dân chủ của người dân, đối ngoại vừa ăn cướp vừa la làng. Nó chẳng thuyết phục được ai về một trật tự thế giới mới dưới bàn tay toàn quyền sinh sát đẫm máu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trịnh Khải Nguyên-Chương

https://www.diendantheky.net/2023/09/trinh-khai-nguyen-chuong-ang-cong-san_29.html


Indonesia khánh thành tuyến đường sắt cao tốc ‘Whoosh’ do Trung Quốc hậu thuẫn 

02/10/2023 

Reuters 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 2/10 khánh thành tuyến đường sắt cao tốc trị giá 7,3 tỷ đôla.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 2/10 khánh thành tuyến đường sắt cao tốc trị giá 7,3 tỷ đôla. 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 2/10 khánh thành tuyến đường sắt cao tốc trị giá 7,3 tỷ đôla nối thủ đô nước này với thành phố Bandung, một dự án do Trung Quốc hậu thuẫn đang gặp nhiều vấn đề, theo Reuters.

Tuyến đường sắt dài 142 km, một trong những dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu của Tổng thống Widodo và là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, phải đối mặt với nhiều vấn đề từ vấn đề mua đất, sự chậm trễ liên quan đến đại dịch và chi phí tăng cao.

Lễ ra mắt tàu cao tốc mang tên “Whoosh” hôm 2/10 muộn hơn nhiều so với mục tiêu đi vào hoạt động ban đầu đặt ra là năm 2019.

Ông Jokowi, tên thường gọi của Tổng thống Widodo, cho biết trong lễ khánh thành: “Cái tên này được lấy cảm hứng từ âm thanh của một đoàn tàu cao tốc đang lao tới”.

Ông Jokowi cho biết tốc độ vận hành tối đa của tàu có thể đạt tới 350 km/h và gọi đây là “sự hiện đại hóa phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường”.

Ông Luhut Pandjaitan, một bộ trưởng cấp cao giám sát dự án, cho biết tại buổi ra mắt rằng các chuyến tàu chạy thử miễn phí, vốn đã được tiến hành kể từ tuần thứ hai của tháng 9, sẽ được gia hạn và giá vé sẽ được áp dụng vào giữa tháng 10.

Tuyến đường sắt này do một tập đoàn gồm các công ty Indonesia và Trung Quốc xây dựng.


Trump Organization bị toà tước giấy phép kinh doanh

Vào thứ Hai Donald Trump sẽ ra hầu tòa tại tòa dân sự tiểu bang ở New York. Cáo buộc đối với ông là khai gian giá trị tài sản để có điều khoản cho vay ưu đãi. Tuần trước, chủ tọa phiên tòa đã đồng ý với cáo buộc chính của các công tố viên: ông Trump, theo phán quyết, thực sự đã phạm tội gian lận. Giờ đây thẩm phán sẽ xem xét phần còn lại của các tội theo cáo buộc — bao gồm giả tạo hồ sơ kinh doanh cùng nhiều tội khác — và quyết định hình phạt. Tổng chưởng lý bang New York Letitia James muốn phạt ông Trump 250 triệu USD và cấm ông giữ chức giám đốc công ty ở bang này.

Nhưng dù sao bà James cũng đã thắng lớn. Tuần trước, thẩm phán đã hủy giấy phép kinh doanh của ông Trump, vốn cho phép Trump Organization hoạt động ở New York, và ra lệnh cho một người nhận tạm thời giám sát số tài sản này. Cuối cùng tài sản của ông ở New York có thể sẽ phải bán đi. Ông Trump phủ nhận các cáo buộc và cam kết sẽ kháng cáo. Đây là một quyết định hợp lý của ông, vì phán quyết như trên của thẩm phán đôi khi còn được gọi là án tử hình dành cho doanh nghiệp.


Thổ Nhĩ Kỳ lại làm khó Thuỵ Điển

Các quan chức NATO và các nhà ngoại giao Thụy Điển sẽ hồi hộp theo dõi khi quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ họp lại trong tuần này, sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 và kỳ nghỉ hè. Việc Thụy Điển gia nhập liên minh dường như đã được chốt từ tháng 7, khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đổi ý ngay trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius.

Nhưng nhà lãnh đạo chuyên chế của Thổ Nhĩ Kỳ, người đã nhiều lần cáo buộc Thụy Điển chứa chấp những người ủng hộ nhóm ly khai vũ trang người Kurd PKK, lại một lần nữa đổi ý. Ông Erdogan nói quốc hội, nơi liên minh của ông chiếm đa số, chưa sẵn sàng phê chuẩn các nghị định thư gia nhập của Thụy Điển. (Tổng thống Hungary Viktor Orban, người cũng từ chối ủng hộ, cho biết ông sẽ không vội phê chuẩn.) Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phê chuẩn, Erdogan nói hôm 26 tháng 9, nhưng chỉ khi Quốc hội Mỹ chấp thuận việc bán máy bay chiến đấu F-16 cho nước ông.


Toà Tối cao Mỹ trở lại nghị án sau kỳ nghỉ

Vào thứ Hai, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ bắt đầu một mùa phán quyết bận rộn. Trong danh sách có một vụ về tính hợp hiến của lệnh cấm sử dụng súng đối với những kẻ bạo hành gia đình đang chịu lệnh hạn chế. Nhưng một loạt vụ việc ít gây chú ý hơn liên quan đến các cơ quan hành chính có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của chính phủ liên bang – và làm nghiêng cán cân quyền lực từ nhánh hành pháp sang nhánh tư pháp.

Số phận của Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng — được thành lập để bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị lừa đảo sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-09 — sẽ nằm trong tay các thẩm phán vào thứ Ba. Cuối mùa thu, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, vốn có nhiệm vụ bảo vệ các nhà đầu tư và điều tiết thị trường, cũng sẽ nghe phán quyết. Còn vụ kiện thứ ba có thể sẽ chôn vùi một tiền lệ gần 40 năm tuổi quy định lấy cách giải thích của các cơ quan làm chuẩn khi có luật không rõ ràng.

Một vụ khác là liệu việc nhân viên bị chuyển công tác không tự nguyện do thành kiến giới tính có vi phạm lệnh cấm phân biệt đối xử tại nơi làm việc của Đạo luật Dân quyền hay không. Và cuối cùng là một thách thức pháp lý đối với thuốc phá thai.


Kinh tế Brazil có tiến triển

Tổng thống cánh tả của Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã hứa hẹn một “cuộc cách mạng công nghiệp” mới. Chỉ số quản lý mua hàng PMI được công bố vào thứ Hai có thể cho thấy tâm lý của các nhà sản xuất đang được cải thiện. PMI cao hơn 50 một chút trong tháng 8, đánh dấu lần đầu tiên có tăng trưởng sau 10 tháng. Nhưng bất chấp sự nhiệt tình của Lula, ngành chế tạo nói chung đang trở nên kém quan trọng hơn. Ngày nay nó chỉ chiếm 10% GDP, giảm từ mức 1/3 của những năm 1980, khi tổng thống còn là lãnh đạo công đoàn.

Vào thứ Hai, Brazil cũng sẽ công bố dữ liệu cán cân thương mại cho tháng 9. Nước này ghi nhận thặng dư 9,7 tỷ USD trong tháng 8 nhờ nhu cầu vững chắc đối với hàng hóa cơ bản từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng mua phần lớn sản lượng ngũ cốc đang thu hoạch kỷ lục của Brazil, giúp thúc đẩy GDP trong quý đầu (hoạt động kinh doanh nông nghiệp cũng phát triển mạnh trong quý hai). Lula từng gọi nông dân là “phát xít.” Nhưng giờ đây ông đang gặt hái thành quả lao động của họ. Còn nhớ hồi tháng 6 có tới 24% người Brazil bi quan về nền kinh tế. Đến tháng 9 này con số đó chỉ còn 18%.


Tổng thống Erdogan: Thổ Nhĩ Kỳ không mong đợi gì từ EU

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/TTtho.jpg

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thụy Sĩ (Ảnh: Andy Mettler/ Wikimedia) 

“Chúng tôi đã làm tròn tất cả những lời hứa mà chúng tôi cam kết với EU, nhưng họ gần như không thực hiện lời hứa nào cả,” Tổng thổng Erdogan tuyên bố hôm Chủ Nhật. Theo RT, thời gian gần đây ngày càng nhiều công dân Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bị từ chối thị thực (visa) Schengen. Ông Erdogan nói vụ thị thực là “biện pháp trừng phạt bí mật chống chúng tôi” bởi EU. Trước đó, ông Erdogan từng ‘dọa’ sẽ ‘chia tay’ EU.

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nộp đơn gia nhập EU vào năm 1997, và được coi là ứng viên vào năm 1999, mặc dù về phương diện địa lý, phần lớn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở Châu Á. Các cuộc đàm phán gia nhập bắt đầu vào năm 2005 nhưng diễn ra chậm chạp và dừng lại vào năm 2016. Brussels ngày càng chỉ trích Ankara trong những năm gần đây, cáo buộc ông Erdogan cố gắng củng cố quyền lực theo cách đi ngược lại luật pháp EU.

Trong bài phát biểu ở Quốc hội tại Ankara hôm 1/10, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói Thổ Nhĩ Kỳ giờ không còn mong đợi bất cứ điều gì từ Brussels sau hàng thập kỷ chờ đợi để trở thành thành viên EU.

“Chúng tôi đã làm tròn tất cả những lời hứa mà chúng tôi cam kết với EU, nhưng họ gần như không thực hiện lời hứa nào cả,” ông nói, và nhấn mạnh rằng Ankara “không còn mong đợi bất cứ điều gì từ Liên minh Châu Âu EU, tổ chức đã khiến chúng tôi phải chờ đợi trước cửa suốt 60 năm.”

Tổng thống nói những người ở Brussels sẽ cần phải “sửa chữa sai lầm” bằng cách từ bỏ lối tiếp cận “bất công” đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong việc cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cảnh báo: “Nếu không, thì họ sẽ hoàn toàn mất quyền mong đợi bất cứ điều gì từ chúng tôi.”

Thổ Nhĩ Kỳ đã phàn nàn trong những tháng gần đây rằng ngày càng nhiều công dân của họ bị từ chối cấp thị thực Schengen, mặc dù EU phủ nhận việc tạo thêm bất kỳ trở ngại nào cho người Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bài phát biểu của mình, ông Erdogan cho rằng cách từ chối cấp thị thực là “biện pháp trừng phạt bí mật chống chúng tôi” của Brussels.

Đầu tháng này, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một báo cáo chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì đã cắt giảm “các quyền tự do cơ bản, nhân quyền và tự do dân sự, cũng như những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế và quan hệ láng giềng tốt đẹp.”

Ông Erdogan phản ứng với báo cáo bằng cách cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể quyết định “chia tay EU” do bị đối xử như vậy.

Nhật Tân


Đài Loan điều tra cáo buộc rò rỉ chi tiết chương trình tàu ngầm 

02/10/2023 – Reuters 

Tàu ngầm tự chế của Đài Loan.

Tàu ngầm tự chế của Đài Loan. 

Hôm 2/10, các công tố viên Đài Loan cho biết họ đang điều tra các cáo buộc rằng có người đã cố gắng can thiệp vào chương trình tàu ngầm của hòn đảo và các chi tiết về chương trình đó đã bị rò rỉ, có thể coi là vi phạm an ninh nghiêm trọng, theo Reuters.

Đài Loan hôm 28/9 công bố tàu ngầm được phát triển trong nước đầu tiên, một bước quan trọng trong dự án nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của hòn đảo trước hải quân Trung Quốc, mặc dù còn hai năm nữa con tàu này mới được đưa vào sử dụng.

Ông Huang Shu-kuang, người đứng đầu chương trình, nói với truyền thông địa phương vào tuần trước rằng các nhà lập pháp, người mà ông không nêu tên, đã gây khó khăn cho chương trình trong việc mua các thiết bị quan trọng và một nhà thầu không trúng thầu đã chuyển tiếp thông tin tới Trung Quốc.

Trong một tuyên bố ngắn, Văn phòng Công tố viên Tối cao Đài Loan cho biết những cáo buộc của ông Huang đã thu hút “sự chú ý lớn” vì những tác động đến an ninh và quốc phòng quốc gia.

Văn phòng này cho biết họ đã chỉ thị cho các công tố viên “điều tra vụ việc càng sớm càng tốt để bảo vệ an ninh quốc gia”.

Tuyên bố không cung cấp chi tiết hoặc danh tính.

Đài Loan, nơi Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình, đã biến chương trình tàu ngầm bản địa trở thành một phần quan trọng trong dự án đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình giữa lúc Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần như hàng ngày để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình.

Chương trình tàu ngầm này đã thu hút giới chuyên môn và công nghệ từ một số quốc gia – một bước đột phá đối với Đài Loan vốn bị cô lập về mặt ngoại giao.


Comments are closed.