Chuyện Việt Nam Thứ Hai 08 tháng 01 năm 2024
Quê Hương tổng hợp
Mỹ tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo
05/01/2024 – VOA Tiếng Việt
” Trong thông cáo hôm 4/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã chỉ định Myanmar, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Eritrea, Iran, Nicaragua, Pakistan, Nga, Ả Rập Saudi, Tajikistan và Turkmenistan vào danh sách CPC vì “đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng”.
Trong khi đó danh sách SWL của bộ này gồm Algeria, Azerbaijan, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vì “đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”.
Embed share
Ngoại trưởng Mỹ hôm 4/1 tuyên bố tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) do các vi phạm “nghiêm trọng” về tự do tôn giáo, dù chính quyền Việt Nam trong hai năm qua cố gắng vận động để thoát khỏi danh sách này.
Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Anthony Blinken có thể khiến Việt Nam tiến gần hơn đến một danh sách đen khác nghiêm trọng hơn là Quốc gia Quan tâm Đặc biệt (CPC), dù hai nước vừa thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9. Ngoài ra, tuyên bố này cũng đánh dấu sự thất bại của Hà Nội trong việc vận động ngoại giao tại Washington.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ, đề nghị họ cho ý kiến về tuyên bố trên của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nhưng chưa được phản hồi.
Hồi tháng 10/2023, đích thân Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, người phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ, đã dẫn đầu phái đoàn sang Hoa Kỳ làm việc 9 ngày, trong đó có gặp gỡ quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm vận động để bộ này đưa Việt Nam ra khỏi “danh sách theo dõi đặc biệt – SWL”, theo Cổng thông tin Bộ Nội vụ.
Khi trao đổi với Đại sứ Hòa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper hồi đầu tháng 12/2023, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết ông đã “đề nghị” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sớm đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách theo dõi đặc biệt” về tự do tôn giáo và nói rằng ông có chuyến đi “thành công” đến Mỹ.
Chuyến đi vận động của ông Thắng diễn ra sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023, khi ấy hai bên ra tuyên bố chung, “khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế”.
Khi bị Washington đưa vào danh sách SWL vào tháng 12/2022, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách này là “thiếu khách quan”, nói thêm rằng “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”.
Ngay hôm 4/1, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), cơ quan do Quốc Hội Hoa Kỳ thành lập năm 1998 có nhiệm vụ tham vấn độc lập cho cả Hành pháp lẫn Lập pháp, bày tỏ thất vọng vì Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ vẫn đưa Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt – SWL, mà không đưa Việt Nam vào Danh sách Quốc gia Quan tâm Đặc biệt – CPC.
Chủ tịch USCIRF Abraham Cooper và Phó Chủ tịch Frederick Davie cho biết trong một thông cáo: “Mặc dù Việt Nam bị đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt, nhưng USCIRF tin chắc rằng Việt Nam nên bị chỉ định là CPC dựa trên báo cáo của chính Bộ Ngoại giao về các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo của chính phủ”.
“USCIRF chính thức yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra lời giải trình chi tiết về lý do tại sao các khuyến nghị chính sách của chúng tôi không được thực hiện đầy đủ”.
Danh sách SWL dành cho các quốc gia mà chính phủ tham gia hoặc dung túng cho các hành vi vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhưng chưa đến ngưỡng CPC, theo Đạo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế Frank Wolf, được Quốc Hội thông qua và Tổng Thống ký ban hành ngày 16/12/2016. Còn danh sách CPC dành cho các quốc gia có vi phạm “có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng”.
Trong Báo cáo thường niên năm 2023, USCIRF đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC) theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA). Trong suốt hơn 15 năm qua, USCIRF liên tục đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Hoa Kỳ đưa Việt Nam khỏi danh sách CPC vào năm 2007.
Phản ứng của giới tranh đấu
Các nhà hoạt động cho tự do tôn giáo Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với việc Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục chỉ định Việt Nam vào danh sách SWL.
Từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thượng tọa Thích Vĩnh Phước, nêu ý kiến cá nhân:
“Điều này tôi rất hoan nghênh khi chính phủ Hoa Kỳ vẫn giữ Việt Nam trong hạng Cần Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo, vì những tổ chức tôn giáo độc lập luôn bị gây khó khăn”.
“Với Việt Nam khi tham gia sân chơi quốc tế với bộ mặt bị Hoa Kỳ chỉ định như vậy thì không sáng sủa, không có chi đẹp, vì sĩ diện nên cũng phải lo, nên họ phải vận động để sửa soạn bộ mặt của mình cho sáng sủa tí. Xưa nay, bản chất của họ là như vậy, bên ngoài thì tỏ ra lo lắng nhưng bên trong vẫn luôn tìm cách này cách khác để trấn áp”.
Từ Thái Lan, ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công lý (MSFJ), nêu ý kiến:
“Nhà nước Việt Nam vẫn bị liệt vào danh sách SWL của Hoa Kỳ do nhà nước Việt Nam đã sách nhiễu, đàn áp các hội thánh độc lập, đã xóa sổ “thành công” những Hội thánh Tin lành Đấng Christ cũng như các hội thánh tư gia độc lập tại Việt Nam. Nhà nước Việt Nam bị liệt vào danh sách đó là rất chính xác và rất đúng”.
Trong thông cáo hôm 4/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã chỉ định Myanmar, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Eritrea, Iran, Nicaragua, Pakistan, Nga, Ả Rập Saudi, Tajikistan và Turkmenistan vào danh sách CPC vì “đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng”.
Trong khi đó danh sách SWL của bộ này gồm Algeria, Azerbaijan, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vì “đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”.
Gạo xuất khẩu Việt Nam hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới tăng
Thanh Phương /RFI
08/01/2024
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, giá gạo Việt Nam đang có mức cao nhất. Cụ thể, giá gạo tấm 5% của Việt Nam đã lên tới 653 đôla/tấn, cao hơn nhiều so với giá gạo Thái Lan ( 560 đôla/tấn ).
Một kho gạo xuất khẩu ở đồng bằng sông Mê Kông, miền nam Việt Nam. Ảnh chụp ngày 06/07/2017 REUTERS – Nguyen Huy Kham
Theo Báo Điện tử Chính phủ, Bộ Công Thương uớc 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ đôla, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch 4 tỷ đôla chỉ trong 10 tháng năm 2023 được coi là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong cả năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 8,2 triệu tấn gạo.
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá gạo Việt Nam tăng cao, theo các chuyên gia, thứ nhất là do nhu cầu của thị trường thế giới hiện rất lớn mà nguồn cung lại đang giảm đi và thứ hai là chất lượng gạo Việt Nam ngày càng cao.
Biến đổi khí hậu khiến nguồn cung gạo trên toàn cầu suy giảm, nhiều quốc gia phải tìm mua lượng gạo lớn để tăng nguồn dự trữ lương thực. Những nước như Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ hay Chilê đều tăng nhập khẩu gạo.
Trong khi đó, một số nước vì lo ngại cho an ninh lương thực quốc gia nên đã cấm xuất khẩu gạo. Chẳng hạn như Ấn Độ vào tháng 7 năm nay đã ra lệnh cấm xuất khẩu gạo không phải là gạo basmati. Gạo không phải là basmati là gạo rẻ tiền, vốn chiếm đến một phần ba tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ, hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Ấn Độ đã dự kiến gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trong tháng 10, nhưng đến nay vẫn chưa bỏ lệnh này, cho nên thế giới vẫn thiếu hụt nguồn cung từ nước này.
Trong khi đó, với sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, ngoài việc dành cho tiêu thụ nội địa, chế biến, dự trữ, Việt Nam có thể đảm bảo xuất khẩu 7,5 – 8 triệu tấn gạo.
Như vậy gạo của Việt Nam hiện đang có những lợi thế gì, trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng danh dự Đại học Nam Cần Thơ, cho biết
“ Việt Nam có kỹ thuật trồng lúa của đồng bằng sông Cửu Long, chọn giống lúa ngắn ngày, tức là ngắn hơn 100 ngày. Trong quá trình gần 40 năm nay, chất lượng của gạo Việt Nam đã được cải tiến rất nhiều, đặc biệt là vào năm 2019, hai loại gạo ngắn ngày của Việt Nam được quốc tế vinh danh tại hội nghị về gạo ở Philippines là hai loại gạo ngon nhất thế giới, vừa dẻo, ngon cơm, đồng thời có mùi thơm gần giống như gạo thơm của Thái Lan. Giống lúa Việt Nam chọn ra là giống lúa ngắn ngày, đó là lợi thế thứ nhất.
Thứ hai, vùng được chọn là vùng an ninh lương thực là vùng dọc theo biên giới Cam Bốt, khi sông Cửu Long vừa vào tới Việt Nam. Chúng ta sử dụng nước sông ở khu vực này đưa sang sông Tiền, nối với một con kênh gọi là “kênh trung ương” đưa nước sang tới tận Long An. Dọc theo con kênh này có rất nhiều kênh sườn để đưa nước xuống phía dưới vùng cao sản này.
Phía bên tay trái là sông Hậu thì chúng ta lấy nước từ Tân Châu qua kênh Vĩnh Tế ra gần tới Hà Tiên. Dọc theo con kênh này người ta cũng đã đào rất nhiều con kênh sườn. Vùng là khoảng 1 triệu 500 hectare đất rất là tốt, với nước ngọt luôn có sẵn. Nước mặn ở biển lên thì chưa tới chỗ đó.”
Cũng theo giáo sư Võ Tòng Xuân, một thế mạnh nữa đó là dọc theo vùng ven biển, mặc dù có nước mặn, nhưng trong mùa mưa, chúng ta có thể sản xuất một vụ lúa cao sản cũng với chất lượng rất cao. Đồng thời nước mặn không ảnh hưởng trong mùa mưa. Sau khi nông dân thu hoạch lúa thì hết mưa và nước mặn tràn vào, thì họ thả tôm giống để nuôi tôm, làm tăng thêm lợi tức. Còn vùng ở giữa từ Đồng Tháp qua đến Tiền Giang, Vĩnh Long là vùng trước đây trồng 3 vụ lúa nhưng không có chất lượng cao, nên bây giờ nông dân chuyển sang trồng cây ăn quả ( xoài, sầu riêng, mít, sa pô chê… ).
Theo đánh giá của giáo sư Võ Tòng Xuân, có thể nói là toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thích nghi được biến đổi khí hậu, nhất là trong những năm vừa qua. Trong những năm tới, với cách quy hoạch, bố trí như thế này, các vụ lúa vẫn có thể hưởng được thiên nhiên của sông Cửu Long, cũng như thời tiết mùa mưa của vùng đồng bằng này, và như vậy Việt Nam luôn có dư lượng gạo để xuất khẩu.
Theo cách phân loại của Thái Lan thì có hai loại: gạo thơm thì chỉ trồng được một vụ/năm, còn gạo trắng, tức là gạo từ lúa cao sản, thì có thể trồng 2 vụ/năm. Gạo thơm, ngon cơm của Việt Nam được xếp vào loại gạo trắng Thái Lan, được bán với giá gần 900 đôla/tấn, trong khi đó gạo trắng của Thái Lan chỉ được bán với giá trên 500 đôla. Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, đây là cơ hội để gạo Việt Nam vượt qua gạo Thái Lan, và luôn có đủ để cung cấp cho các nước xung quanh, cho một phần Trung Đông và một phần châu Phi.
Với lợi thế như hiện nay, làm sao để đẩy mạnh quảng bá trên thị trường quốc tế để gạo Việt Nam duy trì uy tín một cách lâu dài? Giáo sư Võ Tòng Xuân đề xuất:
“Theo thông tin tôi nắm được, các siêu thị Á Châu, nhất là siêu thị của người Việt Nam mình ở châu Âu, đã nhập gạo thơm của Việt Nam. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta phải làm kỹ hơn nữa để giữ vững uy tín của gạo Việt Nam.
Thứ nhất là phải đặc biệt làm việc với tất cả bà con nông dân để thực hiện quy trình sản xuất “sạch”. Tôi không dám nói là sản xuất gạo hữu cơ, bởi vì gạo hữu cơ thì năng suất không cao. Nhưng khi ta làm theo quy trình “sạch” thì cũng gần như là hữu cơ, nhưng có châm thêm một ít phân hóa học để giúp cây lúa phát triển nhanh hơn và có năng suất cao hơn.
Với cách làm này, chúng ta sẽ thay đổi phương pháp bón phân hóa học, trước hết là giảm phân hóa học ít nhất là 50%, rồi phải bón phân lót để giảm thiếu khí nhà kính, vì nếu chúng ta bón phân lót thì khí đạm không bị ôxy hóa, làm cho chất đạm hoàn toàn còn ở trong đất để cung cấp cho cây lúa. Trong khi đó bà con nông dân chúng ta bón thêm phân hữu cơ và vi sinh, để thêm các chất vi lượng và các chất khác cho cây lúa, đồng thời cung cấp các loại vi sinh cho cây lúa hấp thụ lên trên thân cây. Từ đó cây lúa không bị bệnh và nông dân giảm bớt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng của mình.
Theo hướng này thì các doanh nghiệp chế biến gạo để xuất khẩu luôn có một nguyên liệu rất tốt, vừa sạch, vừa có chất lượng ngon cơm.
Tôi hy vọng là với cách làm này, chúng ta có thể giữ được uy tín của gạo Việt Nam. Đồng thời tôi rất mong là tới đây, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ rất năng nổ, đi các nơi để giới thiệu gạo ngon của mình với giá tương đối thấp hơn, nhưng đồng thời luôn có đủ để cung cấp cho các khách hàng. Như thế này thì gạo Việt Nam có thể vươn xa và đạt kết quả tốt, trong khi đó bà con nông dân hưởng được một lợi thế là luôn luôn có đầu ra để tiêu thụ sản phẩm của họ.”
Thật ra thì về lâu dài, Việt Nam sẽ không tiếp tục xuất khẩu gạo với khối lượng như hiện nay. Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, được chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, dự trù giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn/năm và như vậy là kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ giảm xuống còn khoảng 2,60 tỷ đôla so với 3,45 tỷ đôla năm 2022. Mục tiêu chính là nhằm “thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao, bảo đảm an ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Người Việt bị lừa đảo qua mạng gần 16 tỷ USD trong năm 2023
RFA – 07/01/2024
Facebook và Gmail nổi lên như những kênh lừa đảo chính, (HMH)
Reuters
Có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu.
Đó là con số rất lớn được ông Philip Hùng Cao – Chiến lược gia và Nhà truyền bá về Zero Trust cho biết tại lễ kỷ niệm ba năm thành lập dự án chống lừa đảo của người sáng lập Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), được tờ Người lao động loan trong ngày 7/1.
Với con số trên, được thống kê từ Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội chống lừa đảo đã phối hợp công bố báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023, theo ông Philip Hùng Cao, cho thấy rằng Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng.
Ông Hùng Cao cũng cho biết ngành công nghiệp, lừa đảo qua mạng có tỉ suất lợi nhuận 2.500% trong năm qua, dự đoán năm 2024 tỉ suất lợi nhuận càng tăng.
Tại buổi lễ, ông Hiếu PC cho rằng Việt Nam có nhiều giải pháp, những ứng dụng lừa đảo, các trang web, áp dụng trí tuệ nhân tạo AI, truy vết và truy quét, sản phẩm an toàn thông tin cũng không thiếu nhưng thông tin khách hàng từ các doanh nghiệp vẫn bị mua bán trên mạng.
Qua đó, ông Hiếu xác nhận chính nhân viên bán dữ liệu ra ngoài chứ không có hacker nào cả. Doanh nghiệp cần bảo toàn thông tin để không mất uy tín khách hàng, uy tín của chính doanh nghiệp, kể cả tránh những kiện tụng về sau.
Ông Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội phía Nam của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa) lưu ý tội phạm mạng tại Việt Nam đang ngày càng phình to. Hiện nay, lừa đảo được xem là một ngành công nghiệp bởi vì không còn đơn giản xuất phát từ một cá nhân hay nhóm nhỏ.
Phó Chủ tịch Vnsia đánh giá tỉ lệ người dùng Việt Nam sử dụng công nghệ luôn luôn đứng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết về internet chỉ ở mức trung bình trên thế giới. Đó là điều kiện để các đối tượng xấu khai thác.
Theo báo cáo Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) về thực trạng lừa đảo tại Việt Nam, cuộc khảo sát rộng rãi với sự tham gia của 1.063 người Việt Nam cho thấy có 55% bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng nhận biết lừa đảo của họ, trong khi chỉ có 14% khiêm tốn thừa nhận hoàn toàn thiếu tự tin.
Báo cáo GASA cho hay người dân Việt Nam đang phải vật lộn với các vụ lừa đảo với tần suất đáng báo động, với con số đáng kinh ngạc là 70% cho biết họ gặp phải các vụ lừa đảo ít nhất mỗi tháng một lần.
Mức độ nghiêm trọng của tình hình càng được nhấn mạnh bởi số liệu thống kê đáng lo ngại: 49% đã trải qua sự gia tăng các vụ lừa đảo trong 12 tháng qua, nhấn mạnh tính chất lan rộng và ngày càng phát triển của vấn đề này.
Facebook và Gmail nổi lên như những kênh lừa đảo chính, với 71% số người được hỏi gặp phải các vụ lừa đảo thông qua các nền tảng được sử dụng rộng rãi này.
Tiếp theo là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%) chiếm vị trí thứ ba đến thứ năm là các kênh được khai thác nhiều nhất.
Lừa đảo đầu tư được cho là phổ biến nhất, khi 13% người tham gia báo cáo về hình thức này. Giữa sự phổ biến của các vụ lừa đảo, có tới 56% cho rằng không xảy ra trong 12 tháng qua, báo cáo trung bình 0,8 vụ lừa đảo cho mỗi người tham gia.
Việt Nam: Gần 1.07 triệu người thất nghiệp trong năm 2023
Ngoài gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Con số này được xác định đã giảm 14,6 nghìn người so với năm trước, theo công bố của Tổng cục Thống kê.
Công nhân đang lau chùi thân tàu tại xưởng sửa chữa tàu vào chiều 5/6/2023 tại cảng cá Lạch Vân (huyện Diễn Châu, Nghệ An). (Ảnh minh họa: Truong Dinh Anh/Shutterstsock)
Tại báo cáo Tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023, Tổng cục Thống kê cho hay sau cao điểm “thất nghiệp” vào năm 2021, số người lao động thất nghiệp đang giảm dần.
Năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Con số này được cho là đã giảm 363,2 nghìn người so với năm cao điểm 2021 và giảm 14,6 nghìn người so với năm liền trước 2022.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động trong năm 2023 là 918,5 nghìn người, giảm 79,8 nghìn người so với năm 2022.
Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động năm 2023 là 2,01%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,61% và 2,26%).
Con số thất nghiệp tăng vọt trong năm 2021 được cho là do đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) đã gây nên nhiều xáo trộn cho thị trường lao động, tập trung tại khu vực thành thị, với dẫn chứng là tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn nông thôn (năm 2021, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%, ở khu vực nông thôn là 2,96%, đảo chiều so với năm 2020 với tỷ lệ tương ứng lần lượt là 1,65% và 2,8%, năm 2019 lần lượt là 0,72% và 1,62%).
Theo Tổng cục Thống kê, kể từ năm 2022, thị trường lao động trở lại xu hướng được quan sát thường thấy như trước.
Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động, giai đoạn 2019-2023. (Nguồn: gso.gov.vn)
Tổng cộng có 906,6 nghìn người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở quý 4/2023. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có tỷ trọng thiếu việc làm cao nhất với 43,6% (tương đương với 394,9 nghìn người thiếu việc làm); tiếp theo là khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 29,7% (tương đương 269,6 nghìn người); khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp nhất với 26,7% (tương đương 242,1 nghìn người).
So với cùng kỳ năm trước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực dịch vụ có số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm (giảm tương ứng là 23,7 và 30,1 nghìn người), trong khi đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng (tăng 62,2 nghìn người).
Theo đó, so với cùng kỳ năm trước, lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn bị thiếu việc nhiều nhất.
Số thanh niên (từ 15-24 tuổi) thất nghiệp năm 2023 là khoảng 437,3 nghìn người, chiếm 41,3% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2023 là 7,63%, giảm 0,15 điểm phần trăm so với năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,91%, tăng 0,09 điểm phần trăm so với năm trước.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng theo quý, giai đoạn 2020-2023 (%). (Nguồn: gso.gov.vn)
Số lao động không sử dụng hết tiềm năng trong cả năm 2023 là 2,3 triệu người, tỷ lệ này được xác định là 4,3%.
Theo Thổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại và thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế – xã hội.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Giai đoạn quý 1/2020 đến quý 2/2022, tỷ lệ này đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý 3/2021, sau đó giảm dần và duy trì tại mức 4,2%. Tại thời điểm quý 4/2023, tỷ lệ này là 4,2% (tương ứng hơn 2,2 triệu người).
Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thuộc nhóm lao động trẻ, từ 15-34 tuổi (49,3%), cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động (33,0%).
Nguyễn Quân
Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau
Câu được đặt thành tít nói trên không phải của tôi mà là một câu thơ trong bài thơ dòng chính thống nổi tiếng của thi sĩ Vũ Cao, bài “Núi đôi”. Tiện đây nói luôn, tên gọi của cuốn sách, tác phẩm văn nghệ, bài báo… phải dùng từ “tít” (titre, title) mới chuẩn, chứ không như bây giờ người ta dùng tùm lum tà la là “tựa”, “tựa đề”, đọc rất khó chịu. Nói không ngoa, cứ 100 phóng viên chuyên viết về văn hóa văn nghệ thì có tới 99 vị rưỡi sai trong vụ này, hoặc cẩu thả, hoặc dốt.
Đạo Phật, chùa, cửa thiền, nhà sư, người tu hành, tiếng chuông chùa, cổng “tam quan”, tượng phật, kinh phật, chùa làng… từ xa xưa đã in vào tiềm thức, ký ức dân chúng kể cả người tu lẫn không tu, như niềm kính trọng, ngưỡng mộ, yêu thương. “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/Sư cụ nằm chung với khói mây”, cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã vẽ nên thật đẹp, dễ thương. Làng tôi cũng có ngôi chùa nhỏ, chùa bà Đanh – Thiên Phúc Tự, có từ thời nhà Lý, được triều Mạc xây lại hoàn chỉnh, tới cuối triều Nguyễn lại được đại trùng tu, là niềm tự hào của bất kỳ người dân nào nơi đây. Chùa, Phật, sư… có một thời thật gần gũi, dễ thương, được tôn kính.
Giờ thì không còn nữa, không chỉ ở quê tôi mà cả nước này. Những Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng…, thậm chí cả Quán Sứ nữa, sặc mùi tiền, tính thô tục, đã làm đạo Phật xuống dốc không phanh. Chủ trương “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” với những sư quốc doanh đã biến một tôn giáo cao đẹp thành món hổ lốn tầm thường. Chẳng cần đợi đến cuối mùa chiêm, cũng chả cần quân giặc tới, những thân cau cứ cháy đỏ rừng rực hết cả chùa chứ đâu chỉ dừng ở cổng.
Tôi vốn không định viết gì về đạo Phật bởi tôi vô thần, vả lại, như đã kể, chùa và sư đối với tôi đã nhiều năm đọng hình ảnh đẹp. Nhưng sau vụ nhơ nhuốc “xá lị tóc” thì kẻ vô thần đành phải “xé rào”, bày tỏ đôi lời.
Vụ chùa Ba Vàng (ngôi chùa đầy tai tiếng) trưng bày “tóc phật” đã thể hiện sự xuống đáy của hệ thống Phật giáo xứ này. Không chỉ những kẻ giả danh sư như Thích Trúc Thái Minh hư hỏng mà còn phơi bày cả hệ thống đã bất lực trước cái xấu cái ác, trước sự giả dối, lừa mị, u mê. Trong hệ thống ấy, phải kể ra Giáo hội Phật giáo VN quốc doanh với đủ ban này bệ nọ, ông này ông kia; cả chính quyền với hệ thống chính trị đủ tầng lớp, mà cụ thể là Ban Tôn giáo chính phủ; là rất đông dân chúng mê muội u mê…
Xứ này luôn có cái kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Không một ai trong bộ máy quản chùa quản sư ngay từ đầu nhìn ra sự lố lăng của sư Minh và chùa Ba Vàng, để tới khi thiên hạ vạch vòi thì nhảy cẫng lên. Ban Tôn giáo chính phủ, Giáo hội Phật giáo, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã gần như không làm gì suốt thời gian dài, cứ để một kẻ ma tăng thầy chùa giả danh dẫn dắt.
Nói đâu xa. Hãy hỏi xem đứa nào chế ra cụm từ, món “xá lị tóc”, “xá lợi tóc” rồi cả đám đua nhau nói theo nó. Ngay cả giáo hội, cụ thể là Trung ương hội với đầy đủ ông nọ bà kia phẩm trật, chức tước hoành tráng, như pháp chủ, đại lão hòa thượng, hòa thượng, thượng tọa chứ có phải sư chú sư bác tầm thường đâu, mà vẫn ủng hộ, chấp nhận cái khái niệm “xá lị tóc” bố láo ấy, không hé răng lên tiếng một nhời phản đối, đủ biết trình độ thế nào.
Thiên hạ xưa nay, ai cũng biết cũng hiểu “xá lị” để chỉ những thứ còn lại sau cuộc hỏa thiêu thân xác. Làm quái gì có xá lị tóc. Tóc có bằng inox cũng tan chảy trong cuộc thiêu đốt, thế mà nó nói vẫn có người tin. Còn nếu bảo rằng đó là tóc do phật để lại lúc còn sống (cứ cho là thế đi) thì xin thưa, phải gọi nó là di vật (vật được để lại). Đứa núp bóng cửa phật chế ra từ “xá lị tóc”, vậy mà cả đám u mê, kể cả chính quyền, giáo hội, báo chí, cứ nhao nhao theo nó, để nó dẫn dắt, thật chả ra làm sao.
Giáo hội Phật quốc doanh hãy lên tiếng trả lời rõ ràng đi: Có “xá lị tóc” hay không?
Trước kia, tôi rất yêu mến cảnh chùa, kính trọng các nhà sư, luôn nhìn bằng tấm lòng ngưỡng mộ, thậm chí thần phục. Nay thì đám sư kim tiền, mượn phật để làm điều dị đoan khiến tôi rất nghi ngờ trình độ và tâm tu của họ.
Đã đến lúc cần trùng tu đạo Phật ở xứ này, chứ không chỉ xây chùa, tu bổ chùa. Hạng chùa to tượng lớn như Bái Đính, Ba Vàng, Tam Chúc cần bị tước chữ “chùa” bởi nó chỉ là trung tâm thương mại. Giáo hội cần đi về chính đạo, rũ bỏ cái áo quốc doanh đã mặc lâu nay. Còn không thì nên giải tán.
Phật tại tâm. Ai muốn đi trên nẻo phật, cứ đi, không cần phải được giáo hội quốc doanh chấp nhận. Tu hành mà cũng chia bè kéo phái sao gọi là tu. Dẫn lôi dân vào cõi u mê, đó là tội ác.
Nguyễn Thông
https://thongcao55.blogspot.com/2024/01/ngo-chua-chay-o-nhung-than-cau.html
Vụ Việt Á: Cựu Bộ trưởng y tế bị đề nghị 19-20 năm tù
Ông Nguyễn Thanh Long (ảnh trái: baochinhphu.vn) và ông Chu Ngọc Anh (ảnh phải: quochoi.vn), là hai ủy viên Trung ương mới đây bị kỷ luật, khởi tố và bắt giam vì những sai phạm liên quan vụ Việt Á.
Ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 19-20 năm tù về tội Nhận hối lộ. Ông Long nhận của Việt Á hơn 2,2 triệu USD.
Sáng 8/1, phiên xét xử đại án Việt Á chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với 2 cựu Bộ trưởng cùng 36 bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á) mức án 15-16 năm tù về tội Đưa hối lộ; 15-16 năm tù về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hình phạt 30 năm tù.
Bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á) bị đề nghị mức án 8-9 năm tù về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; 8-9 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hình phạt 16-18 năm tù.
Đối với nhóm bị cáo bị truy tố tội Nhận hối lộ, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) mức án 19-20; Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) mức án 13-14 năm tù;
Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) mức án 14 -15 năm tù; Nguyễn Huỳnh (cựu Phó phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) mức án 9-10 năm tù;
Đối với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 5-6 năm tù; Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương) bị đề nghị mức án 5-6 năm tù.
Các bị cáo còn lại ở nhóm tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; bị Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 30 tháng tù đến 15 năm tù.
VKS ghi nhận tổng tiền các bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục, tổng cộng hơn 77 tỷ đồng và 2,65 triệu USD (tương đương tổng 142 tỷ đồng). Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt nộp 200 triệu đồng, có đơn xin dùng toàn bộ tài sản đang bị kê biên, tạm giữ để khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.
Trong những người khắc phục nhiều nhất, cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nộp 2,25 triệu USD (gần 55 tỷ đồng); Phạm Duy Tuyến nộp hơn 13 tỷ đồng; Nguyễn Minh Tuấn nộp 300.000 USD (7,3 tỷ đồng); Phan Huy Văn, giám đốc Công ty Dược Phan Anh, nộp 16,8 tỷ đồng; ông Trịnh Thanh Hùng nộp 8 tỷ đồng và 8 số tiết kiệm 4 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ và Bộ KH-CN giao các đơn vị khoa học nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch.
Để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit test xét nghiệm, sau đó chiếm đoạt, biến test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, bị can Việt đã thông đồng với bị can Trịnh Thanh Hùng để công ty này được Bộ KH-CN phê duyệt tham gia, phối hợp Học viện Quân y thực hiện đề tài.
Sau đó, bị can Việt đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ), ông Nguyễn Thanh Long… can thiệp, tác động, chỉ đạo bị can Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) để Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test xét nghiệm COVID-19.
Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 test xét nghiệm cho Bộ Y tế, bị can Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit test không có căn cứ.
Sau đó, Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng mức giá trên, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.
Kết quả điều tra xác định trong 2 năm 2020, 2021 tổng doanh thu của Công ty Việt Á là hơn 4.247 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Việt Á đã sản xuất tổng hơn 8,7 triệu kit test, đã tiêu thụ cho các đơn vị, cơ sở y tế là hơn 8,3 triệu kit test với tổng giá trị hơn 3.929 tỷ đồng (giá 470.000 đồng/kit). Trong đó, đã được thanh toán hơn 5.918.266 kit test xét nghiệm với tổng giá trị 2.257 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cáo buộc trong quá trình phạm tội Phan Quốc Việt đã gây thiệt hại hơn 432 tỷ đồng, đưa hối lộ với tổng số tiền là 3 triệu USD (tương đương hơn 68 tỷ đồng) và 4 tỷ đồng.
Trong đó, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ bị can Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh (thư ký của ông Long) 4 tỷ đồng; Nguyễn Minh Tuấn 300.000 USD; Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD; Nguyễn Nam Liên 100.000 USD.
Bên cạnh đó, Việt còn chi tiền “cảm ơn” cho ông Nguyễn Văn Trịnh 200.000 USD; Chu Ngọc Anh 200.000 USD; Phạm Công Trạc 50.000 USD.
Phạm Toàn
Tiền tỷ!
Lâm Bình Duy Niên
08/01/2024
Công nhận các quan chức, cán bộ cộng sản/đày tớ nhân dân, giờ nhiều tiền tỷ thật!
Nên mới có chuyện nộp tiền tỷ để “khắc phục hậu quả” nhằm thoát khỏi hoặc chịu những bản án nhẹ nhàng hay không bị cảnh tù tội.
Lương bổng thì có bao nhiêu nhưng cứ tiền tỷ đồng đút túi. Từ quan chức, cán bộ, đại biểu hay công an các cấp, ai cũng tích luỹ hàng tỷ, hàng chục tỷ thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Chưa kể mua bán bất động sản hay đất đai, những người này mau chóng trở thành những kẻ giàu có, đại gia và có cả quyền lực trong xã hội, trong mọi cấp độ của xã hội,…
Hầu như ai cũng có con cái đi du học, dĩ nhiên phải là ở các nước tư bản, đứng đầu là Mỹ. Hàng ngày thì miệt thị, chê bai hay lên án bọn tư bản bóc lột nhưng vẫn không ngần ngại gởi con sang các xứ “giẫy chết” ấy để học tập. Thậm chí, không ít kẻ mua luôn nhà cửa tại các quốc gia từng một thời là kẻ thù để kinh doanh bất động sản. Những anh cảnh sát khu vực, phường nhưng vẫn có tiền tỷ để đưa con đi du học.
Và cũng chính các anh ấy, hàng ngày theo dõi, uy hiếp và khủng bố gia đình của các “thành phần phản động”. Thử hỏi lương của các anh là bao nhiêu để có thể gởi con cái sang Mỹ, Úc, Canada hay Âu châu?
Chắc chắn cái thể chế của các anh đã ưu ái và tạo điều kiện cho các anh “kiếm thêm”. Kiếm thêm và làm giàu trên nỗi đau của người dân!
Chống tham nhũng là chủ trương chính đáng nhưng trong một thể chế mà những thành phần được chế độ ưu ái lại chính là những kẻ ăn hối lộ, tham nhũng nhiều nhất thì coi như chống một cách vô tội vạ.
Chẳng lẽ bỏ tù tất cả mọi quan chức các cấp? Nếu thế thì còn mấy ai để lãnh đạo đất nước nữa? Đâu thể nào để “bọn phản động” ra tham gia chính trường.
Cho nên, chống cho có, nhất là đánh phá và khởi tố các thế lực trong nội bộ đảng! Tranh giành quyền lực và ảnh hưởng chính trị mới chính là những cuộc đấu đá mang tên chống tham nhũng.
Cứ xem vụ đại án Việt Á chấn động dư luận với việc xét xử hai cựu Bộ trưởng và 36 bị can mới thấy nếu không có đấu đá nội bộ thì chưa hẳn vụ án được phơi bày ra ánh sáng.
Sự khốn nạn tột cùng của cuộc đấu đá chính là nét mặt cười hớn hở, ngông nghênh của Phan Quốc Việt trong phiên toà. Hay sự thách thức, không hề hối hận của những kẻ khác. Tất cả họ đều là những quan chức hay những kẻ được chế độ hay các thế lực chính trị nâng đỡ và ưu ái.
Họ thừa biết, có bị kết án thì chuyện đi tù của họ cũng hoàn toàn khác hẳn cuộc đời tù tội của người dân.
Hay để giảm tội, gia đình trả tiền tỷ lại cho… nhà nước. Và tiền bẩn lại tiếp tục rơi vào tay… bẩn của những quan chức, cán bộ khác! Đó là cái khốn nạn của chuyện chống tham nhũng, của bọn tham nhũng tại Việt Nam.
Chống thì cứ chống, mạnh ai nấy sống, cứ tiếp tục vơ vét, làm giàu và làm giàu… mặc kệ xã hội đầy bất công và nhiễu nhương!
Sò điệp Nhật Bản bắt đầu được chế biến từ Việt Nam sau khi bị Trung Quốc cấm
08/01/2024
Minh họa: Ngư dân đánh bắt sò điệp tại cảng Nemuro trên đảo Hokkaido, Nhật Bản, ngày 12/4/2022
Reuters
Bắt đầu từ ngày 8/1, sò điệp từ Hokkaido của Nhật Bản được chế biến tại Việt Nam. Hoạt động này diễn ra sau khi Trung Quốc cấm hải sản của Xứ Phù Tang khiến nước này phải tìm nơi thay thế.
Mạng báo Nikkei loan tin ngày 6/1. Tin nêu cụ thể nhà bán lẻ hải sản Foodison của Nhật tham gia đối tác với những công ty khác gồm nhà bán buôn Ebisu Shokai và các nhà kinh doanh Ocean Road và Nosui tiến hành một container thử nghiệm hơn 20 tấn sò điệp còn nguyên vỏ.
Số hàng này được xuất sang Việt Nam để chế biến và chuyển lại về Nhật Bản để bán tại các nhà hàng và nhà bán hải sản gồm Foodison, Ebisu và Nosui.
Theo Nikkei, Ocean Road từng có kinh nghiệm làm việc với các nhà máy tại Việt Nam chế biến tôm và cua rồi chuyển về Nhật Bản để bán ra thị trường.
Tin không nói rõ nhà máy nào ở Việt Nam tham gia hoạt động chế biến vừa nêu; tuy nhiên những nhà máy được tham gia đều đạt chứng nhận HACCP- tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nikkei cho biết chi phí lao động trong ngành chế biến của Việt Nam chỉ chừng 20-30% chi phí này tại Nhật Bản. iều này giúp mặt hàng sò điệp chế biến rồi bán ra thị trường để làm món ăn sống sushi quen thuộc của người Nhật sẽ có giá bán rẻ hơn.
Cụ thể số liệu cho thấy vào năm ngoái, Nhật xuất sang Trung Quốc 143 ngàn tấn sò điệp; trong số này có 96.000 tấn sò điệp còn nguyên vỏ được đông lạnh. Số này được các cơ sở chế biến Hoa Lục bỏ vỏ và từ 1/3 đến gần phân nửa được xuất đi Mỹ.
Nay Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật muốn thay các nhà chế biến Trung Quốc bằng các cơ sở ở Việt Nam và nơi khác.
EVN mua điện từ 26 nhà máy thuỷ điện của Lào
RFA 07/01/2024
Công nhân điện tại một nhà máy thuỷ điện ở Gia Lai hồi năm 2006 (minh hoạ)
AFP
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký 19 hợp đồng để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện Lào với tổng công suất 2.689 MW.
Đó là thông tin được truyền thông nhà nước loan vào ngày 7/1 trong phiên họp tại trụ sở Chính phủ Việt Nam giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone về hợp tác song phương giữa hai nước.
Tại cuộc họp, ngoài thông tin trên, hai bên thống nhất việc hợp tác mua bán điện tiếp tục được đẩy mạnh. Cụ thể Việt Nam tiếp tục nhập khẩu điện từ Lào để đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025. Phía Việt Nam không nêu cụ thể sẽ tiếp tục nhập khẩu bao nhiêu điện từ Lào trong năm 2024 và 2025.
Tuy vậy, tại cuộc họp hai bên cho biết đã hoàn thành đàm phán và thỏa thuận về giá mua bán điện từ Nhà máy thủy điện Xekaman 3.
Trước đó, vào tháng 9/2023, EVN đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, trình cấp có thẩm quyền chủ trương nhập khẩu thêm điện từ Lào để tăng nguồn cung cho miền Bắc vào năm 2025.
Theo Quy hoạch điện VIII và Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Lào năm 2019, Việt Nam sẽ mua 3.000 MW điện từ Lào đến năm 2025 và khoảng 5.000 MW vào năm 2030 và có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện cho phép.
EVN liên tục kiến nghị Bộ Công Thương xem xét đẩy nhanh việc nhập khẩu điện từ Lào, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các nhà máy điện gió, thủy điện như Nậm Mô, Houay Koauan với tổng công suất trên 225 MW và phương án đấu nối với dự án điện gió Savan 1 và 2.
EVN cho rằng phải triển khai sớm các đề xuất trên vì từ nay tới năm 2025 chưa có dự án nguồn điện lớn nào vận hành, dẫn tới nguy cơ có khả năng miền Bắc sẽ thiếu điện vào cao điểm mùa khô hai năm tới.
Cụ thể theo EVN, miền Bắc có thể thiếu trên 3.630 MW và sản lượng khoảng 6,8 tỷ kWh trong cao điểm mùa khô (tháng 5-7) năm 2025 do các nguồn điện mới vào vận hành rất ít, chủ yếu rơi vào thời điểm cuối năm.
Tại cuộc họp trong ngày 7/1, thông tin cho biết hai bên đã khánh thành và bàn giao, đưa vào khai thác sân bay Nong Khang từ tháng 5/2023 và tìm ra hướng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với dự án muối mỏ kali của Vinachem.
Việt Nam -Lào cũng đã xử lý xong vấn đề chồng lấn diện tích tô nhượng tại dự án nông nghiệp của Tập đoàn Thaco và tại dự án khai thác bauxite và chế biến alumine của Tập đoàn Việt Phương.
Thủ tướng hai bên cũng thống nhất tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập và tự chủ, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư – thương mại Việt Nam – Lào.
Về thương mại, hai nước đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch thương mại, phấn đấu tiếp tục tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2024 từ 10 – 15% so với năm 2023.
Việt Nam và Lào cũng đồng ý sẽ huy động nguồn lực, tăng cường tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đường sắt Vũng Áng – Vientiane, đường bộ cao tốc Hà Nội – Vientiane. Coi nông nghiệp và phát triển nông thôn là một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Hai bên thống nhất triển khai các giải pháp đẩy mạnh kết nối du lịch giữa hai nước và ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia “Một hành trình, Ba điểm đến”.
Hai Chính phủ, các bộ, cơ quan chức năng hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và khu vực. Việt Nam sẽ hỗ trợ tích cực, hiệu quả để Lào đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2024, AIPA 45 và các hội nghị cấp cao khác.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào.
Tại hội nghị, hai Thủ tướng đã cùng chứng kiến lễ trao các chứng nhận đầu tư, ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa các cơ quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Lào trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, khai thác khoáng sản.
Overlay7
Tags: tin tức thế giới, Việt Nam