Thời sự Thứ Năm 01 tháng 02 năm 2024: *FBI cáo buộc hacker do Trung Quốc tài trợ tấn công hạ tầng kỹ thuật Mỹ. *Philippines sẽ trang bị tàu ngầm. *Liên Âu thỏa thuận viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraina. *Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới năm 2027? *


Spread the love

Võ Thái Hà tổng hợp


FBI cáo buộc hacker do Trung Quốc tài trợ tấn công hạ tầng kỹ thuật Mỹ

BBC News

01/02/2024

Hacker do Trung Quốc tài trợ một lần nữa bị cáo buộc thực hiện tấn công mạng hạ tầng tại Hoa Kỳ

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Hacker do Trung Quốc tài trợ một lần nữa bị cáo buộc thực hiện tấn công mạng hạ tầng tại Hoa Kỳ

Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) cho biết họ đã vô hiệu hóa hoạt động tấn công mạng của một nhóm hacker được chính phủ Trung Quốc tài trợ.

Nhóm này đã nhằm vào các hạ tầng kỹ thuật công cộng quan trọng như mạng lưới điện và đường ống dẫn dầu của Hoa Kỳ.

Trong một cuộc trao đổi với giới lập pháp Mỹ, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết đã khởi động một chiến dịch nhằm vô hiệu hóa hoạt động của nhóm “Volt Typhoon”.

Ông Wray cáo buộc nhóm này tấn công hàng trăm bộ định tuyến cũ được sử dụng trong các văn phòng để truy cập cơ sở dữ liệu các tài sản quan trọng của Mỹ.

Hiện chính phủ Trung Quốc chưa phản hồi về cáo buộc này.

Tuy nhiên, trước đó Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc về việc tài trợ thực hiện chiến tranh mạng chống lại các quốc gia khác.

Phát biểu trước một ủy ban quốc hội hôm thứ Tư ngày 31/1, ông Wray cho rằng Trung Quốc đang chủ động đặt nền móng cho việc làm tê liệt các hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng của Hoa Kỳ khi hai quốc gia xảy ra xung đột.

Giám đốc FBI cảnh báo về những hỗn loạn có thể xảy ra khi Trung Quốc đang nhằm vào hạ tầng kỹ thuật của Mỹ

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, 

Giám đốc FBI cảnh báo về những hỗn loạn có thể xảy ra khi Trung Quốc đang nhằm vào hạ tầng kỹ thuật của Mỹ

Tháng 5 năm ngoái, Microsoft cảnh báo việc nhóm Volt Typhoon đang nhằm vào một số tài sản công, bao gồm cả những tài khoản email của chính phủ.

Đó là lần đầu tiên hoạt động tấn công mạng của nhóm này được ghi nhận công khai.

Theo FBI, nhóm này đã nhằm vào hàng loạt hạ tầng kỹ thuật quan trọng cấp quốc gia, bao gồm hệ thống xử lý nước, hệ thống lưới điện, giao thông vận tải, mạng lưới viễn thông, cũng như đường ống dẫn dầu và khí đốt.

Ông Wray cho biết nhóm đã cài đặt những phần mềm độc hại và chiếm quyền kiểm soát hàng trăm bộ định tuyến cũ được kết nối với các hệ thống hạ tầng này.

“Phần mềm độc hại của Volt Typhoon cho phép Trung Quốc che giấu hoạt động do thám và khai thác hệ thống mạng nhằm vào các hạ tầng kỹ thuật quan trọng,” ông nói với ủy ban quốc hội phụ trách về cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ông giải thích rằng điều này cho thấy tin tặc đang chuẩn bị “gây ra hỗn loạn kèm theo thiệt hại nghiêm trọng trên thực tế cho công dân và các cộng đồng Mỹ”.

“Nếu Trung Quốc quyết định tấn công, họ sẽ không chỉ tập trung vào các mục tiêu chính trị hay quân sự,” ông nói thêm.

Các chuyên gia an ninh mạng ở Hoa Kỳ trước đó đã cảnh báo việc Trung Quốc nhằm vào các hạ tầng kỹ thuật để từ đó tiến tới cắt đứt khả năng liên lạc của Mỹ khi hai nước xảy ra xung đột.

Tại phiên điều trần hôm thứ Tư, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc cho biết hành động này có mức độ ảnh hưởng “tương đương với việc đặt bom ở các cây cầu và nhà máy điện của Mỹ”.

Bắc Kinh công khai chỉ trích ủy ban này, đồng thời phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến tội phạm công nghệ cao.

Chính phủ Trung Quốc kêu gọi ủy ban này “bỏ đi những định kiến ​​ý thức hệ và tâm lý Chiến tranh Lạnh gay gắt”.

Tuy nhiên, ông Wray đã phác thảo chi tiết về nguồn lực mà Bắc Kinh sử dụng cho chiến tranh mạng và nói rằng chiến dịch tấn công mạng của Trung Quốc có quy mô lớn hơn “tất cả các cường quốc khác cộng lại”.

Ông cũng nói rằng số nhân viên an ninh mạng của FBI bị áp đảo với tỷ lệ 1 chọi 50 so với phía Trung Quốc.


Philippines sẽ trang bị tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

Thanh Hà /RFI – 01/02/2024

Kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Philippines ở giai đoạn ba đã được tổng thống Ferdinand Marcos Jr. thông qua, bao gồm việc Manila lần đầu tiên sẽ « trang bị tàu ngầm » để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Thiếu tướng Roy Trinidad, phát ngôn viên Hải Quân Philippines đặc trách khu vực Biển Đông, thông báo tin trên vào hôm nay 01/02/2024. 

FILE - In this Oct. 15, 2017 file photo, the Royal Australian Navy HMAS Adelaide cruises alongside landing crafts with Philippine Marines and Australian troops as they conduct a joint Humanitarian Aid

Hải quân Hoàng gia Úc HMAS Adelaide thao dượt cùng hải quân Philippines trong chương trình Hỗ trợ Nhân đạo và Cứu trợ Thiên tai (HADR) ngoài khơi Vịnh Subic, tây bắc Philippines, ngày 15/10/2017. AP – Bullit Marquez 

Theo hãng tin Anh Reuters, thiếu tướng Roy Trinidad đã lưu ý : Tuy không phải là một cường quốc hải quân, nhưng Philippines chú trọng đến việc trang bị cho lực lượng hải quân của nước này những phương tiện cần thiết để « bảo vệ lợi ích và chủ quyền » của Philippines. Phát ngôn viên Hải Quân Philippines trước mắt chưa thể thông báo một cách chính xác là Manila dự trù mua bao nhiêu tàu ngầm, nhưng tướng Trinidad khẳng định con số đó « chắc chắn sẽ nhiều hơn một đơn vị ». Hiện tại Pháp, Tây Ban Nha Ý và Hàn Quốc cũng quan tâm đến kế hoạch mua tàu ngầm của Philippines.

Hải quân tại hai nước láng giềng sát cạnh của Philippines là Indonesia và Việt Nam đều đã được trang bị tàu ngầm. Jakarta và Hà Nội cũng là những bên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.

Kế hoạch trang bị tàu ngầm được thông báo trong bối cảnh Manila vừa xác nhận chủ quyền ở bãi cạn Scarborough và các vùng biển lân cận. Philippines lên án Bắc Kinh chiếm đoạt vùng biển này và luôn cáo buộc tàu thuyền của Philippines thâm nhập trái phép hải phận của Trung Quốc.

Trong giai đoạn ba trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội, Philippines dự trù một ngân sách khoảng 2.000 tỷ peso, tương đương với hơn 35 tỷ đô la. Theo dự kiến, chương trình sẽ được triển khai trong nhiều năm. Reuters nhắc lại trong giai đoạn 1 và 2 của kế hoạch hiện đại hóa quân đội, Philippines đã chú trọng nhiều vào an ninh « trên đất liền » và bước kế tiếp dành « ưu tiên cho khả năng phòng thủ trên biển ». Tháng trước, bộ trưởng Quốc Phòng Gilberto Teodoro đã ít nhiều tiết lộ một số thông tin về giai đoạn 3. Theo ông, Manila đang tập trung tăng cường khả năng phòng thủ « trên biển và trên không ».


Các lãnh đạo Liên Âu đạt thỏa thuận về khoản viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraina

Phan Minh /RFI – 01/02/2024

Họp thượng đỉnh tại Bruxelles hôm nay, 01/02/2024, các lãnh đạo Liên Hiệp châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về khoản viện trợ 50 tỷ euro dành cho Kiev, sau khi Hungary không còn phủ quyết khoản viện trợ này, theo thông báo của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel trên mạng X ( Twitter cũ ).  

Hungary's Prime Minister Viktor Orban attends a European Union leaders summit, in Brussels, Belgium December 14, 2023.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban ( T ) dự cuộc họp thượng đỉnh của Liên Hiệp châu Âu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 14/12/2023. REUTERS – YVES HERMAN 

Ông Michel khẳng định: “Thỏa thuận này bảo đảm một nguồn tài trợ ổn định, có thể dự báo được và lâu dài cho Ukraina”.

Ngay lập tức, cũng trên mạng X, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã có phản ứng, cho rằng thỏa thuận vừa đạt được “một lần nữa chứng tỏ sự đoàn kết mạnh mẽ của Liên Hiệp Châu Âu”. Thủ tướng Ukraina Denys Chmygal cũng đã hoan nghênh thỏa thuận giữa các lãnh đạo Liên Âu, xem khoản viện trợ nói trên là một “đóng góp” vào “chiến thắng chung” trước nước Nga. 

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, vốn thân thiết với Matxcơva, vào tháng 12/2023 đã khiến các đối tác châu Âu hết sức giận dữ sau khi ông chặn khoản viện trợ mới cho Ukraina. Ông Viktor Orban đã muốn sự hỗ trợ này phải được thông qua hàng năm và phải được biểu quyết nhất trí. Nhưng các nước thành viên khác sợ là làm như vậy Hungary sẽ lại có cơ hội bắt chẹt để nhận được những khoản tài trợ mới của khối.

Khoản viện trợ 50 tỷ dành cho Ukraina là nằm trong khuôn khổ ngân sách bổ sung của Liên Hiệp Châu Âu đến năm 2027. Kiev đang rất cần khoản viện trợ này để duy trì hoạt động của nền kinh tế Ukraina, vào lúc mà viện trợ của Washington vẫn bị chặn lại ở Quốc Hội Mỹ.


Báo cáo: Nợ công của Ukraine đạt mức cao kỷ lục – Phan Anh

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/gdg564.jpg

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (Ảnh: Viktor Kovalchuk/Global Images Ukraine, Getty Images) 

Theo số liệu chính thức được hãng thông tấn Interfax-Ukraine dẫn hôm 30/1 vùa qua, tổng nợ công (trong và ngoài nước) của Ukraine trong năm 2023 ở mức cao kỷ lục 145,32 tỷ USD.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính Ukraine, năm 2023, nợ công của Ukraine tăng 30,4%, tương đương 33,9 tỷ USD. Nợ nước ngoài của Ukraine tăng 42,3% lên 101,7 tỷ USD, trong khi các khoản vay trong nước tăng 13,3% lên 1.656 tỷ Hryvnia (khoảng 43,6 tỷ USD).

Được biết, năm 2022, tổng nợ công của Ukraine tăng 13,7% lên 111,45 tỷ USD. Trong năm 2023, Ukraine đã nhận được 42,6 tỷ USD tiền vay và viện trợ. Bộ Tài chính Ukraine ước tính nước này sẽ cần hơn 37 tỷ USD tài trợ từ bên ngoài trong năm nay.

Ở một diễn biến khác, ngày 2/1 kênh truyền thông tin tức chính trị Politico đã đăng bài viết của cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Dalde. Ông Dalde cho rằng năm 2024 Tổng thống Mỹ Biden sẽ phải đối mặt với những thách thức ngoại giao lớn như chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, cuộc chiến giữa Israel và Hamas, tình hình ở eo biển Đài Loan, trong đó lớn nhất là tình hình Ukraine.

Sau khi bùng nổ chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, Chính phủ Mỹ do Tổng thống Biden đứng đầu đã cung cấp hơn 200 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính và kinh tế tàn khốc đối với Nga.

Giờ đây dự luật cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine của Tổng thống Biden đang bị đình trệ tại Hạ viện. Thời gian không còn nhiều. Với việc các cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống Mỹ dự kiến ​​bắt đầu vào giữa tháng 1, cựu Tổng thống Trump có khả năng giành được đề cử của Đảng Cộng hòa sớm nhất là vào cuối tháng 1. Người Đảng Cộng hòa trên Đồi Capitol sau đó sẽ cùng ông Trump tạm dừng viện trợ cho Ukraine.

Về hỗ trợ quân sự cho Ukraine, hơn một nửa số viện trợ phương Tây mà Ukraine nhận được đến từ Mỹ, trong khi châu Âu không có kho vũ khí cũng như năng lực sản xuất để bù đắp cho lượng đạn dược thiếu hụt. Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Mỹ để trấn giữ tiền tuyến dài 1000 km và bảo vệ các thành phố của nước này khỏi tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

Tóm lại, nếu không có trợ giúp của Mỹ trong nửa đầu năm 2024, Ukraine có thể thua trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga.


Liệu EU có thể thông qua gói viện trợ cho Ukraine?

Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU sẽ gặp nhau tại Brussels vào thứ Năm trong nỗ lực gỡ rối cho gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD) cho Ukraine. Chính phủ ở Kiev cần tiền để vận hành. Một gói viện trợ do Mỹ đề xuất đang bị mắc kẹt ở Quốc hội. Tại hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 12, chỉ có duy nhất Hungary chặn gói hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine.

Trước cuộc họp tuần này, các quan chức châu Âu đã đưa ra những lời đe dọa ngầm nhằm gây áp lực lên Hungary. Chúng bao gồm việc cắt Hungary khỏi các quỹ của EU (một phần trong số đó đã bị hoãn do các lo ngại về nguyên tắc pháp quyền ở nước này). Một thỏa thuận sẽ cho phép cơ cấu lại ngân sách EU, bao gồm nhiều tiền hơn để chống lại nhập cư bất hợp pháp. Có lẽ sẽ phải đến rạng sáng thứ Sáu các nhà lãnh đạo mới tìm được thỏa hiệp.


Ai Cập: đã khó khăn kinh tế còn gặp xung đột sát biên giới

Ngân hàng trung ương Ai Cập có một quyết định lãi suất đầy khó khăn vào thứ Năm. Ngay cả trước khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7 tháng 10, nền kinh tế Ai Cập đã rất tệ, và cuộc chiến ở Gaza do đó chỉ khiến tình hình thêm khẩn cấp. Nợ nước ngoài lên tới 40% GD, trong khi du lịch giảm mạnh. Kể từ khi Houthi bắt đầu tấn công tàu bè ở Biển Đỏ, lưu thông qua kênh đào Suez đã giảm gần một nửa, làm bóp nghẹt nguồn ngoại tệ quan trọng của Ai Cập. Đồng bảng Ai Cập giờ đây chỉ có giá trị 70 đồng đổi 1 USD trên thị trường chợ đen, so với khoảng 40 vào tháng 10.

Vào thời điểm hỗn loạn ở Trung Đông, phương Tây sẽ không sẵn sàng để Ai Cập sụp đổ. Các chính phủ có lẽ sẽ không vội thu hồi nợ. Song vẫn cần có những cải cách tham vọng hơn trong dài hạn. Hầu hết những khó khăn kinh tế của Ai Cập có thể bắt nguồn từ đế chế kinh tế của quân đội, vốn lấn át khu vực tư nhân. Để nền kinh tế Ai Cập được thở, quân đội phải nới lỏng sự kìm kẹp của họ.


WHO sắp công bố báo cáo thường niên về bệnh ung thư

Khi dân số tăng lên và già đi, ngày càng có nhiều người tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như thuốc lá và rượu, gánh nặng ung thư toàn cầu sẽ tăng lên. Một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới, công bố vào thứ Năm, sẽ xem xét quy mô và tác động của căn bệnh nan y này.

Dựa trên dữ liệu từ hơn 100 nước, tính đến năm 2022, báo cáo có thể sẽ cho thấy ung thư vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, trong đó ung thư phổi và ung thư vú có lẽ là nguyên nhân phổ biến nhất. Hiện nay, ung thư gây ra gần 10 triệu ca tử vong mỗi năm. Cứ năm người thì có một người sẽ mắc bệnh ung thư trong đời.

Các báo cáo trước đó đã nhấn mạnh những căng thẳng tài chính mà bệnh ung thư gây ra cho bệnh nhân và gia đình họ, vì rất ít quốc gia trên thế giới cung cấp hỗ trợ cho bệnh ung thư, chứ chưa nói đến dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ.


Apple chính thức ra mắt Vision Pro

Apple đã không phát hành một dòng sản phẩm phần cứng mới nào kể từ Watch, gần 9 năm trước. Nhưng họ đang khởi động lại cuộc đua. Sau khi công bố thu nhập quý đầu vào thứ Năm, đến thứ Sáu, Apple sẽ bắt đầu bán sản phẩm mới nhất của họ, Vision Pro, đến người tiêu dùng Mỹ. Chiếc tai nghe giống kính bảo hộ này có khả năng thực hiện cả thực tế ảo và tăng cường, và được Apple gọi là “máy tính không gian” đầu tiên.

Lợi nhuận của Apple vẫn rất tốt, phần lớn nhờ vào iPhone, khi kiếm được 97 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30 tháng 9, và có dự trữ tiền mặt lên tới 162 tỷ USD. Tuy vậy, doanh số bán các hạng mục phần cứng khác của hãng đã sụt giảm trong quý vừa qua. Vision Pro sẽ khó có thể lấp đầy khoảng trống đó. Mức giá lên tới 3.500 USD chắc chắn sẽ giữ cho doanh số bán hàng nằm dưới 1 triệu chiếc trong năm đầu tiên. Và tiện ích của công cụ này hiện vẫn chưa rõ ràng. Apple hy vọng các nhà phát triển sẽ tìm ra cách làm cho bộ công cụ mới của họ được hữu ích – giống như cách họ đã tạo ra các ứng dụng di động làm cho iPhone trở nên phổ biến.


Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/COVID-19-an-do.jpg

(Ảnh minh họa: Sumit Saraswat/Shutterstock) 

Bộ Tài chính Ấn Độ dự đoán nước này có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027 với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 5.000 tỷ USD, theo tờ CNBC.

Dự báo này được đưa ra trước khi dự chi ngân sách đặc biệt được công bố vào cuối tuần này. Trong một báo cáo công bố hôm 29/1, Bộ Tài chính Ấn Độ nêu rõ nền kinh tế nước này đã sẵn sàng tăng trưởng ở mức bằng hoặc trên 7% trong tài khóa 2024. Tài khóa của Ấn Độ thường bắt đầu vào ngày 1/4 và kết thúc vào ngày 31/3.

Nếu đạt mục tiêu năm nay, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp Ấn Độ đạt mức tăng trưởng GDP 7%. GDP của quốc gia đông dân nhất thế giới hiện ở mức 3,7 nghìn tỷ USD. Cố vấn kinh tế trưởng của Ấn Độ – ông V Anantha Nageswaran – cho biết mục tiêu của chính phủ là trở thành nước phát triển vào năm 2047.

Ông Nageswaran cho hay: “Nhu cầu trong nước mạnh mẽ, cụ thể là tiêu dùng và đầu tư tư nhân, là nhờ những cải cách và biện pháp được chính phủ áp dụng trong 10 năm qua”. Ông bổ sung rằng đầu tư vào cả cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số đã giúp thúc đẩy phía cung và sản xuất. Do đó, ông kỳ vọng tăng trưởng GDP thực tế có thể sẽ đạt gần 7% trong tài khóa 2025.

Theo Goldman Sachs, Ấn Độ có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075, vượt qua không chỉ Nhật Bản và Đức mà cả Mỹ. Hiện nay, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Phan Anh

Nông dân phong tỏa đường phố Bruxelles dù Liên Âu đã có một số nhân nhượng

Trọng Thành /RFI

01/02/2024

Khoảng một nghìn nông dân lái xe máy kéo đến phong tỏa nhiều trục đường của thủ đô Bruxelles của Bỉ hôm nay, 01/02/2024, vào lúc lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) họp tại trụ sở Hội Đồng Châu Âu. Hôm qua, Ủy Ban Châu Âu đưa ra hai nhượng bộ cơ bản, giảm nhẹ quy định về tỉ lệ 4% đất nông nghiệp bắt buộc tạm ngưng canh tác và các biện pháp nhập khẩu nông phẩm từ Ukraina, thế nhưng phong trào phản kháng của nông dân tiếp diễn. 

People gather as Belgian farmers use their tractors to block the European Union headquarters, as they protest over price pressures, taxes and green regulation, grievances shared by farmers across Euro

Nông dân Bỉ lái xe đến phong tỏa các trụ sở của Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles để biểu tình ngày 01/02/2024. REUTERS – YVES HERMAN 

Trước trụ sở Hội Đồng Châu Âu tại quảng trường Luxembourg hôm nay, một phát ngôn viên của Liên đoàn nông nghiệp xứ Wallonie (Bỉ) (FWA) cho AFP biết ít nhất 500 xe máy kéo đổ về địa điểm này. Ngoài nông dân Bỉ chiếm đa số, trong hàng ngũ biểu tình còn có các nông dân đến từ Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan cũng như Đức.

Liên đoàn nông nghiệp hàng đầu ở Ý Coldiretti thông báo khoảng một nghìn nông dân Ý sẽ tham gia cuộc biểu tình tại Bruxelles hôm nay, để tố cáo ‘‘các chính sách điên rồ đe dọa nền nông nghiệp.’’ Liên đoàn nông nghiệp xứ Wallonie Bỉ tố cáo ‘‘Liên Âu không ngừng gia tăng áp lực, vắt kiệt sức nông dân, đè bẹp nông dân’’, và ‘‘đã đến lúc các thực trạng của ngành nông nghiệp được đặt trở lại vào trung tâm các quyết định của châu Âu’’. 

Theo AFP, các nông dân châu Âu tập hợp tại một địa điểm chỉ vài trăm mét trụ sở của Hội Đồng Châu Âu nơi lãnh đạo 27 nước châu Âu đang họp chủ yếu viện trợ cho Ukraina, nhưng các vấn đề liên quan đến nông nghiệp cũng có thể sẽ được thảo luận. Phẫn nộ của nông dân châu Âu tập trung chủ yếu vào chính sách nông nghiệp chung của khối (gọi tắt là PAC). Chính sách quá phức tạp, thủ tục chồng chất, thu nhập của người nông dân quá thấp, lạm phát, cạnh tranh của các hàng hóa nông phẩm nước ngoài (không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, xã hội như châu Âu), giá cả xăng dầu tăng vọt… là những điểm cơ bản gây khó khăn cho nông dân đa số các nước châu Âu.

Pháp kêu gọi ‘‘đơn giản hóa’’ khẩn cấp các thủ tục PAC 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến hôm nay sẽ thảo luận với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen về khủng hoảng nông nghiệp bên lề thượng đỉnh Bruxelles. Bộ trưởng Nông Nghiệp Pháp Marc Fesneau, có mặt tại Bruxelles hôm nay, kêu gọi châu Âu khẩn trương ‘‘đơn giản hóa’’ các thủ tục của chính sách nông nghiệp chung PAC, mà về nhiều điểm đang trở nên không thể hiểu nổi với chính quyền các cấp cũng như với nông dân.


Mỹ tăng cường trừng phạt Miến Điện ba năm sau đảo chính quân sự

Thanh Hà /RFI

01/02/2024

Đúng kỷ niệm 3 năm quân đội Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự, ngày 01/02/2024 tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi « chấm dứt bạo động » « khôi phục nền dân chủ » tại quốc gia Đông Nam Á này. Hoa Kỳ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt Miến Điện vào lúc tập đoàn quân sự triển hạn thêm 6 tháng tình trạng khẩn cấp. 

Military officers march during a parade to commemorate Myanmar's 78th Armed Forces Day in Naypyitaw, Myanmar, on March 27, 2023.

Quân đội Miến Điện duyệt binh Ngày Lực lượng Vũ trang lần thứ 78 tại Naypyitaw ngày 27/03/2023. AP – Aung Shine Oo 

Bộ Tài Chính Mỹ hôm 31/01/2024 siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện. Các biện pháp mới nhắm vào những « thực thể thân cận với chế độ » Naypyidaw, trong đó có tập đoàn dầu khí Shwe Byain Phyu trong tay nhà tài phiệt Thein win Zaw, một nhân vật thân cận với giới tướng lĩnh cầm quyền. Tập đoàn vận tải đường biển Myanmar Five Star cũng có tên trong danh sách trừng phạt mà Washington vừa ban hành. Chính quyền Biden giải thích mục tiêu đề ra là nhằm « cắt đứt các nguồn tài trợ của một chế độ đang đàn áp chính dân tộc của họ ».

Từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, Miến Điện liên tục sống trong tình trạng khẩn cấp. Hôm qua, chính quyền Naypyidaw thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp này thêm sáu tháng. Tập đoàn quân sự một lần nữa hoãn ngày tổ chức bầu cử như đã hứa hẹn cách đây ba năm. Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, từ sau cuộc đảo chính « hơn 4.400 người dân Miến Điện đã thiệt mạng trong các đợt đàn áp ». Dù vậy tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn không ổn định hơn, đặc biệt là sau loạt tấn công phối hợp của ba lực lượng vũ trang thiểu số mang tên Liên Minh Huynh Đệ từ ngày 27/10/2023.

Carol Isoux thông tín viên RFI từ Bangkok tường thuật về những hoạt động của lực lượng nổi dậy gần biên giới giữa Miến Điện với Thái Lan :

Những mảnh vỡ bằng kim loại, những đống gạch đổ nát,đó là tất cả những vết tích còn lại của 1 đồn cảnh sát ở Mese, một thành phố Miến Điện cách biên giới Thái Lan chừng 50 km. Những chiến binh trẻ thuộc lực lượng tự vệ Karenni đã tấn công vào đồn cảnh sát này và sát hại khoảng 20 nhân viên an ninh của Miến Điện. Aung Naing, 20 tuổi, vác trên vai một khẩu súng trường, kể lại đợt tấn công đó : « Lính và cảnh sát trốn ở tầng lầu bên trên. Họ bắn vào chúng tôi và không chịu đầu hàng. Cuộc đọ súng kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Chúng tôi thả bom xăng tự tạo vào chỗ họ, rồi chúng tôi bỏ đi. Lác đác tại khắp thành phố này giao tranh diễn ra trong cả tháng trước khi chúng tôi chiếm được Mese. Lính Miến Điện bỏ đi nhưng chúng tôi biết là phải tiếp tục chiến đấu ».

Ba năm sau cuộc đảo chính, các lực lượng nổi dậy giờ đây đã được tổ chức lại và đang mở rộng hoạt động khắp nơi, nhất là ở các vùng biên giới, nơi mà các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số đã kiểm soát được những vùng nông thôn và một số thành phố chính.Tập đoàn quân sự Miến Điện chưa bao giờ bị suy yếu như hiện nay. Tuy vậy, vẫn chưa thể dự đoán được về tương lai chính trị của Miến Điện cũng về một mô hình lãnh đạo đất nước mà 140 sắc tộc thiểu số khác nhau có thể chấp nhận được. 


Comments are closed.