Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 22 tháng 02 năm 2024
Quê Hương tổng hợp
Bộ Nông nghiệp đề nghị xác minh hơn bốn ngàn tàu cá không bật giám sát hành trình
RFA – 22/02/2024
Ảnh minh họa: Một sĩ quan Cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan bắt giữ các ngư dân Việt Nam trên thuyền của họ ở tỉnh Narathiwat, miền nam Thái Lan. Cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan đã bắt quả tang hai tàu cá Việt Nam và thủy thủ đoàn đánh bắt trái phép trên vùng biển Thái Lan vào ngày 18 tháng 4 năm 2020
AFP
Có khoảng 4.375 tàu cá trên 15m không bật thiết bị giám sát hành trình trên sáu tháng qua; 15.200 tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép.
Đó là thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được truyền thông nhà nước loan trong ngày 22/2.
Qua đó, Bộ vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố ven biển đề nghị rà soát, kiểm tra các tàu cá vi phạm vừa nêu. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm, chuẩn bị cho chuyến làm việc sắp đến với đoàn thanh tra của Uỷ ban châu Âu (EC) lần thứ năm vào tháng 4/2024.
Vào năm 2017, Việt Nam bị EC cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ quy định về chống khai thác trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Điều này đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100%, thay vì kiểm tra theo xác suất, tức doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhất là tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên vi phạm quy định mất kết nối VMS và tàu cá vượt ranh giới trên biển, tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Đồng thời hướng dẫn ngư dân thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định đối với các tàu cá chưa đăng ký tại địa phương, không để phát sinh tình trạng tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản hoạt động tại địa phương.
Trong lần thanh tra thứ Tư diễn ra hôm tháng 11/2023, EC vẫn duy trì cảnh báo “thẻ vàng” và tiếp tục đưa ra bốn nhóm khuyến nghị đối với Việt Nam.
Trong đó có nhóm vấn đề về tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, chưa kiểm soát tốt nguồn gốc thủy sản xuất khẩu và tàu cá, và việc thực thi pháp luật, trong đó có xử phạt tình trạng tàu cá mất kết nối, còn hạn chế.
Lần kiểm tra thứ Năm của EC vào tháng 4/2024 được xem là cơ hội “cuối cùng” để Việt Nam gỡ thẻ vàng trước khi EU bầu cử.
Nếu không gỡ được thẻ vàng trong thời gian sắp tới thì có thể Việt Nam phải mất vài năm nữa mới có cơ hội gỡ, thậm chí có nguy cơ bị phạt “thẻ đỏ”, bị hạn chế xuất khẩu thủy sản vào các thị trường quan trọng khác.
Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc tế May mặc, Dệt may đầu tiên từ 28/2-1/3/2024
21/02/2024
Triển lãm Thương mại Quốc tế may mặc, dệt may đầu tiên tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 28/2 đến 1/3 tới đây ở TP HCM.
Hà Nội Mới
Triển lãm Thương mại Quốc tế may mặc, dệt may đầu tiên tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 28/2 đến 1/3 tới đây ở Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM). Tên viết tắt của sự kiện này là VIATT 2024.
VIATT 2024 do Bộ Công thương Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Mess Franfurt của Đức tổ chức. Đối tác Mess Franfurt cho biết họ có liên kết với hơn nửa triệu chuyên gia dệt may trên toàn thế giới và đã tổ chức hơn 50 hội chợ thương mại dệt may quốc tế ở 11 quốc gia.
Việt Nam trong thời gian qua trở thành một trong ba nước xuất khẩu hàng dệt may đứng đầu thế giới. Mức tăng trưởng bình quân trong một thập niên qua là gần 20%.
Tuy nhiên vào năm ngoái, ngành dệt may toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt khó khăn, nên kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam chỉ đạt 40,3 tỷ USD.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm 2023.
Honeywell của Mỹ và TGS xây nhà máy hydro xanh đầu tiên tại Việt Nam
22/02/2024 – VOA Tiếng Việt
Hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) của Honeywell. Photo prnasia.com
Tập đoàn Honeywell của Hoa Kỳ sắp hợp tác với công ty The Green Solutions trong việc xây dựng nhà máy hydro thân thiện với môi trường đầu tiên tại Việt Nam.
Honeywell International Inc chuẩn bị tham gia vào nhà máy sản xuất hydro xanh đầu tiên của Việt Nam bằng cách cung cấp các giải pháp lưu trữ năng lượng thông minh để cho phép tích hợp năng lượng tái tạo vào cơ sở, trang PR News Wire loan tin hôm 21/2.
Hôm 20/2, Honeywell cho biết trong một thông cáo rằng họ đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với công ty The Green Solutions – TGS (Giải pháp Xanh), một trong những công ty tiên phong phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, để cung cấp công nghệ hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS), cùng với các giải pháp và kiến thức chuyên môn khác.
Trải rộng trên một diện tích hơn 20 hectare, dự án Hydro xanh Trà Vinh đang được xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long với ý tưởng trở thành trung tâm năng lượng xanh của địa phương. Nhà máy sẽ sản xuất hydro xanh thông qua quá trình điện phân nước biển, ban đầu nhắm mục tiêu sản lượng 24.000 tấn hydro và 195.000 tấn oxy y tế mỗi năm.
Ngoài BESS, Honeywell sẽ cung cấp các giải pháp chuyên sâu trong toàn bộ chuỗi giá trị hydro, giúp TGS hoạt động an toàn, cải thiện độ ổn định của lưới điện, giảm chi phí, có lợi nhuận và đáp ứng các mục tiêu sản xuất năng lượng tái tạo, theo trang Manufacturing Today India.
Với mức đầu tư gần 8 nghìn tỷ đồng (327 triệu USD) sáng kiến này không chỉ là khoản đầu tư kinh tế đáng kể mà còn là bước nhảy vọt hướng tới một tương lai bền vững, trang The People’s Network viết.
Ông Ramanathan Valliyappan, Tổng giám đốc khu vực của Honeywell Process Solutions, nhấn mạnh vai trò quan trọng của BESS trong việc hỗ trợ sản xuất hydro xanh và củng cố sự cống hiến của Việt Nam cho các giải pháp năng lượng carbon thấp và bền vững, theo trang PR News Wire.
Bà Huỳnh Thị Kim Quyên, giám đốc điều hành của TGS, nói: “Sự hợp tác của chúng tôi đánh dấu một bước đi quan trọng, hướng tới việc sản xuất ra hydro xanh tại nhà máy Trà Vinh. Dự án sản xuất Hydro xanh Trà Vinh là một bước ngoặt lớn đối với công ty chúng tôi và cũng là cột mốc quan trọng trong việc hướng tới hiện thực hóa mục tiêu quốc gia là loại bỏ carbon trong ngành năng lượng bằng các giải pháp năng lượng tái tạo, góp phần tạo nên một tương lai sạch và bền vững hơn”, vẫn trang PR News Wire.
Trang tin của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay nhà máy này sản xuất hydro xanh bằng phương pháp điện phân nước biển, công nghệ của dự án là dùng điện để tách nước thành hydro và oxy. Dự án sử dụng chủ yếu nguồn điện năng lượng tái tạo và sẽ sản xuất khí hydro xuất khẩu cho thị trường quốc tế trong giai đoạn đầu khi thị trường hydro ở Việt Nam chưa phát triển.
Việt Nam cam kết đạt được lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo một số dự báo quốc tế, Việt Nam là một trong năm quốc gia hàng đầu có khả năng phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, với những rủi ro kinh tế và xã hội nghiêm trọng có thể xảy ra. Nhưng thay vào đó, quốc gia này có tiềm năng lớn trong sản xuất năng lượng mặt trời và gió, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi đặt nhà máy BESS ở Trà Vinh.
Hồi tháng 5/2023, Tập đoàn Honeywell cùng hợp tác công ty Cổ phần AMI AC Renewables, thông qua công ty thành viên AMI Khánh Hòa, đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với thực hiện dự án thí điểm hệ thống lưu trữ năng lượng tại tỉnh Khánh Hòa.
Với khoản đồng tài trợ 3 triệu USD từ Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ, dự án này cho thấy hệ thống lưu trữ năng lượng có thể góp phần hỗ trợ Việt Nam tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn vào hệ thống năng lượng quốc gia nhằm đạt những mục tiêu tham vọng về khí hậu, theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Được công bố lần đầu tiên tại Đối thoại Thường niên An ninh Năng lượng Hoa Kỳ – Việt Nam, dự án tại Khánh Hòa dự kiến sẽ sử dụng và lắp đặt hệ thống BESS của Honeywell.
Honeywell là một tập đoàn tài chính đa quốc gia có trụ sở tại thành phố Charlotte, bang North Carolina, Mỹ, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: hàng không vũ trụ, công nghệ xây dựng, vật liệu và công nghệ hiệu suất (PMT) và giải pháp bảo hộ (SPS). Tập đoàn này phục vụ nhiều ngành công nghiệp và khu vực địa lý trên khắp thế giới, với các hoạt động kinh doanh chú trọng vào ba xu hướng lớn – tự động hóa, tương lai ngành hàng không và chuyển đổi năng lượng.
Bài học “bẫy nợ” từ dự án Cát Linh – Hà Đông
Trần Dzạ Dzũng/VNTB – 22/02/2024
(VNTB) – Sử dụng vốn ngân sách nhà nước để trả nợ gốc hiệp định vay 250 triệu USD của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Những năm gần đây người ta chứng kiến sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc “càn quét” mạnh mẽ qua từng ngõ ngách của các quốc gia Á – Phi – Âu với một loạt dự án hạ tầng được khởi động.
Nhưng đi cùng với nó là cảnh điêu đứng của một loạt đối tác, từ việc Sri Lanka bàn giao cảng nước sâu, 3 dự án đường ở Pakistan bị dừng đột ngột, cho đến cả núi nợ của Maldives… Đó là một phần trong bức tranh “bẫy nợ” mà Bắc Kinh giăng ra.
Việt Nam ký kết vay hơn 9,198 tỷ USD giai đoạn 2016 – 2017
Trong “Báo cáo Ðịnh hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Theo thống kê, tổng vốn nước ngoài Việt Nam ký kết vay giai đoạn 2016 – 2017 là hơn 9,198 tỷ USD, trong đó vốn vay ODA 6,78 tỷ USD, vay ưu đãi 2,2 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại 216,8 triệu USD.
Trong đó, vốn vay ODA có lãi suất thấp, thời hạn vay dài thường từ 25 đến 40 năm và thời gian ân hạn hợp lý (5-10 năm). Với các ưu điểm này, vốn ODA giúp Việt Nam tiếp cận nguồn kỹ thuật, tri thức, đổi mới, sáng tạo và là đòn bẩy, chất xúc tác huy động nguồn vốn khác, đặc biệt nguồn vốn trong nước.
“Tuy nhiên, vốn vay ODA bắt đầu bộc lộ hạn chế như lãi suất tăng dần. Nếu Việt Nam không cân nhắc kỹ có thể rơi vào bẫy “ODA và vay ưu đãi” khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra các điểm bất cập của nguồn vốn ODA từ các đối tác song phương, tiêu biểu là vốn vay từ Trung Quốc. Vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho Việt Nam tương tự các khoản vay tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác. Vốn vay Trung Quốc đi kèm điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm và được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ. Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư… ảnh hưởng hiệu quả đầu tư. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc việc vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Trung Quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.
Bài học từ “bẫy nợ” dự án hạ tầng đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông
Nhìn lại dự án hạ tầng này, người ta có thể thấy rằng trải qua thời gian dài với việc nhà cửa bắt đầu bị giải tỏa, cây cối bị chặt hạ, giao thông ùn tắc suốt gần một thập niên thi công dự án. Thế nhưng những lời hứa cùng các mốc thời gian cứ thế trôi đi, tháng 12-2015 sang tháng 9-2016; tháng 9-2016 sang tháng 10-2017, rồi tháng 12-2017, tháng 9-2018, năm 2019, rồi 2020…
Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân chính do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên thực hiện ở Việt Nam nên cơ quan thẩm quyền mất nhiều thời gian nghiên cứu để ban hành chính sách áp dụng, như xác định chủ đầu tư như thế nào, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế tài chính,… Hơn nữa, quá trình lập dự án đầu tư có nhiều phát sinh, như thỏa thuận phương án kiến trúc, phê duyệt điều chỉnh dự án,… Ngoài ra, dự án chủ yếu sử dụng vốn ODA của Trung Quốc, trong khi các quy định về hồ sơ thiết kế giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có khác biệt, dẫn tới thời gian thiết kế, thẩm tra, thẩm định phê duyệt,… bị điều chỉnh nhiều lần.
Và điểm được nhiều chuyên gia giao thông cho là mấu chốt, Việt Nam cần phải coi là bài học sâu sắc đó là tổng thầu thực hiện dự án được chỉ định trực tiếp từ Hiệp định khung giữa chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, chính vì thế tiến độ thực hiện phụ thuộc rất lớn vào vốn, vào tổng thầu,…
Được biết, theo cơ chế tài chính của dự án, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của dự án và các khoản phí liên quan trong giai đoạn xây dựng cho tới khi hoàn thành. Bộ Giao thông vận tải đã bố trí 400 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư dự án để trả nợ gốc phần vốn vay lại trong giai đoạn xây dựng dự án.
Và ngày 21-1-2020, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-BGTVT giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để trả nợ gốc hiệp định vay 250 triệu USD của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Có một tâm lý là không ít bộ, ngành, địa phương đến nay vẫn xem ODA là “của trời cho”, “của chung”, mà không nhìn nhận rằng bản chất đây là khoản vay phải trả trong khoảng 20-30 năm sau. Có lãnh đạo địa phương ngồi 1-2 nhiệm kỳ vẫn chưa hình dung được áp lực, trách nhiệm phải trả nợ khoản vay ODA.
Overlay7
Tags: tin tức thế giới