Nhân kỷ niệm 45 năm con tàu Anamur ra khơi cứu người tỵ nạn Việt Nam (1979-2024): TÀU CAP ANAMOUR Mừng 35 Năm (1979-2014) Ngày Ra Khơi (9-8-1979)


TÀU CAP ANAMOUR Mừng 35 Năm Ngày Ra Khơi 
   
Vào ngày 9 tháng 8 năm 1979 lúc 15g23  con tầu mang tên CAP ANAMUR, do người khởi xướng là đôi vợ chồng Dr. Rupert Neudeck – đã xuất phát từ một cảng của Nhật để tiến ra Biển Đông với chỉ một nhiệm vụ nhân đạo duy nhất nhằm cứu vớt các thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam. Thứ Bẩy ngày 9 tháng 8 năm 2014 dịp kỷ niệm CAP ANAMUR tròn 35 tuổi, ông Dr. Neudeck đã hồi tưởng diễn tả lại: “Cuộc vượt biên của hàng trăm ngàn người dân Việt Nam trên vùng Biển Đông giống như một đại họa của cơn sóng thần.” Tiếp theo ông Dr. Neudeck, vừa mừng sinh nhật thứ 75 của ông vào tháng 5 vừa qua, đã không hề hối tiếc về việc khởi xướng CAP ANAMUR mà còn tự hào khen ngợi các thuyền nhân đến định cư tại Đức đã trở thành “đứa con cưng” của dân tộc Đức. Dịp này ông Dr. Neudeck ước muốn những người Việt Nam và thế hệ nối tiếp hãy tỏ lòng “cám ơn đến những công dân Đức cho một trong những hành động cứu người đẹp nhất trong lịch sử hậu chiến của Đức.”.

   

Ðúng 11,300 thuyền nhân Việt Nam đã được cứu vớt tại Biển Đông do con tàu nhân đạo Cap Anamur quyết định ra khơi từ năm 1979. Chi tiết được ghi lại như sau:

   Cap Anamur 1 ra khơi từ tháng 9.1979 đến tháng 5.1982: cứu vớt 9,507 thuyền nhân.
   Cap Anamur 2 ra khơi từ tháng 3.1986 đến tháng 7.1986: cứu vớt 888 thuyền nhân.
   Cap Anamur 3 ra khơi từ tháng 4.1987 đến tháng 7.1987: cứu vớt 905 thuyền nhân.

   Từ năm 1975 cả thế giới đều rất bình thản nhìn về Biển Đông với bao thảm cảnh thuyền nhân bị chết chìm trong lòng biển sâu. Tại Ðức chỉ có một mình thủ hiến của tiểu bang Niedersachsen là ông Dr. Ernst Albrecht động lòng trắc ẩn và đã quyết định đơn phương vào ngày 21.11.1978 đón nhận 800 thuyền nhân của con tàu “Hải Hồng” vào tiểu bang của ông, từ đó nước Ðức mới mở rộng cửa cho người tỵ nạn Việt Nam. Vào dịp lễ Giáng Sinh 1978 khoảng 1,200 người Việt Nam đã mừng lễ Chúa Giáng Sinh đầu tiên trên nước Ðức lúc bấy giờ. Chỉ trong khoảnh khắc này người Ðức tại tiểu bang Niedersachsen đã quyên góp hơn 1 triệu Ðức Mã để giúp đỡ người Việt Nam tỵ nạn hội nhập tốt vào xã hội Ðức. 

 
    

Thuở ấy mỗi ngày tin tức về người Việt đã nhập cư vào Ðức đều trở thành tin sốt dẻo và gây lên lòng thương cảm nơi người Ðức dành cho những thuyền nhân Việt Nam. Sự việc trên đã đánh động lương tâm nhiều người đang đấu tranh cho Nhân Quyền nổi tiếng lúc đó tại Đức và Pháp.   Ở Paris đã có bác sĩ Bernard Kouchner, triết gia Andre Gluecksmann, triết gia Jean-Paul Sartre. Tại Đức có danh hào Heinrich Boell, có Mục sư Heinrich Albert, có nữ thi sĩ Hilde Domin và trong lãnh vực chính trị có ông Dr. Ernst Albrecht – thủ hiến tiểu bang Niedersachsen, và ông Johannes Rau – thủ hiến tiểu bang Nordrhein-Westfalen (sau này là tổng thống Ðức) và còn nhiều vị khác nữa. Lúc ấy cố danh hào Heinrich Boell khuyến khích ông Neudeck rằng: “Bạn Neudeck ơi, chúng ta phải ra tay hành động!” Đó là hiệu lệnh và là viên đá đặt nền móng cho một công cuộc cứu vớt người vượt biển vĩ đại cho đến nay. Ông Dr. Neudeck đánh giá việc ra khơi của Cap Anamur sau 35 năm như sau: đó là “một trong những hành động cứu người đẹp nhất trong lịch sử hậu chiến của Đức.”

   Những người bạn cùng lý tưởng, họ đã khuyến khích và nâng đỡ ông Dr. Rupert Neudeck – người chủ xướng phong trào cứu vớt người Việt tại biển đông – tìm một chiếc tàu để ra khơi. Một con tàu đã được mua lại và được đặt tên là CAP ANAMUR. Nhóm Bác Sĩ Thiện Nguyện Không Biên Giới cũng ra khơi cộng tác chung với ông Dr. Neudeck. Cho đến chuyến ra khơi cuối cùng vào năm 1987 tàu nhân đạo Cap Anamur đã cứu vớt được tất cả 11,300 thuyền nhân và khoảng 35,000 người tỵ nạn đã được chăm sóc y tế trên con tàu này. Con tàu Cap Anamur có thể ra khơi đến Biển Đông trong một thời gian dài là nhờ vào lòng hảo tâm của 10 triệu người Đức đã ủng hộ tài chính. “Đó là một hành động (có một không hai) của một xã hội dân sự Đức thuở bấy giờ”, theo ông Dr. Neudek nhận định về sự đóng góp lớn lao này.

   Vào ngày 9 tháng 8 năm 2014 là dịp để người Việt Nam nói chung và các thuyền nhân nói riêng nhìn lại ơn cứu mạng trên cuộc hành trình vượt biển nguy hiểm và có thể nói lên lòng biết ơn đến Ủy Ban Cap Anamur và đặc biệt ông bà Dr. Rupert Neudeck, là những người ân nhân vĩ đại luôn được khắc ghi thật sâu trong lòng mỗi người Việt Nam đang sống tại Ðức quốc.

   Nhìn lại 35 năm vừa qua chúng ta cũng không quên là biết bao nhiêu gia đình đã được đoàn tụ tại Đức quốc từ những người đã được tàu Cap Anamur cứu vớt. Nhiều người Việt đang hưởng được cuộc sống tự do, dân chủ và phồn thịnh tại Ðức là nhờ vào lòng nhân đạo vô bến bờ của dân tộc Ðức trao tặng cho chúng ta lúc bấy giờ.

   Người Viêt Nam chúng ta được mời gọi qua cách này hoặc cách khác hãy nhớ đến các vị ân nhân trong dịp kỷ niệm 35 năm của Cap Anamur, đặc biệt tưởng nhớ – qua một nén hương hoặc một câu kinh – đến những vị ân nhân đã qua đời: danh hào Heinrich Boell, vị chủ tầu hảo tâm Hans Voss, ông Franz Koenig, vị bác sĩ huyền thoại trên tàu Cap Anamur, cũng như vị thuyền trưởng nổi tiếng Rolf Wangnik.

   Cách đây 10 năm, không điều gì hãnh diện cho bằng khi chúng ta lại được nghe ông Dr. Rupert Neudeck nói riêng về người Việt Nam và nhắc đến một chi tiết về người Công Giáo mà ông đã cứu vớt từ biển đông: “Những người thuyền nhân Việt Nam này là nhóm người ngoại quốc ưu tú nhất mà người Đức vẫn từng mơ ước rằng, đó là những đồng hương mới của họ. Sự hội nhập của họ thật là tốt đẹp. Chẳng hạn họ (khoảng 16 ngàn người Công Giáo Việt Nam tại Ðức mà) đã cống hiến cho Giáo Hội Công Giáo Đức được 20 linh mục và 12 nữ tu, là những tu sĩ mà Giáo Hội Công Giáo Đức đang rất cần đến.”.

   Vị đại ân nhân của con tàu Hải Hồng, ông Dr. Ernst Albrecht – cựu thủ hiến tiểu bang Niedersachsen, đã một lần phát biểu trên tờ báo nổi tiếng “Hannoversche Allgenmeine Zeitung: “Người tỵ nạn Việt Nam chính là quà tặng cho dân tộc Ðức chúng tôi.”

Mời gọi tiếp tay với lý tưởng cứu giúp nhân đạo của CAP ANAMUR

    

Chương trình cứu vớt Thuyền Nhân Việt Nam của Cap Anamur đã được chấm dứt vào năm 1987, tuy nhiên hội thiện nguyện Cap Anamur vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay nhằm giúp đỡ nhân đạo các nạn nhân chiến tranh và thiên tai tại Philippines, Kenia, Syrien, Ruanda và Kongo. Sau hoạt động của con tàu Cap Anamur ông Dr. Rupert Neudeck đã sáng lập thêm một hội thiện nguyện khác mang danh Hội Mũ Xanh (Grünhelme) để tiếp tục lý tưởng giúp đỡ tha nhân của ông. Ai vào trong trang mạng www.grünhelme.org và www.cap-anamur.org đều nhìn thấy lời mời gọi các ân nhân đóng góp qua những từ ngữ “Spenden” và “Ihre Spende hilft!”. Hiện nay hai hội Thiện Nguyện đang hoạt động cứu trợ nhân đạo tại 60 quốc gia trên thế giới.   

Thiết tưởng cách đây 35 năm có đến 10 triệu người Đức đã liên tục đóng góp cho Cap Anamur để có thể ra khơi tại Biển Đông cứu vớt hơn 10 ngàn thuyền nhân Việt Nam, thì lúc này người Việt Nam chúng ta trong tâm tình biết ơn Cap Anamur có thể liên kết thêm với Cap Anamur để lý tưởng nhân đạo cứu người tiếp tục mang đến cho các dân tộc khác.   Lm. Phạm Văn Tuấn 
 
Quí vị đang nghe BÊN BỜ ĐẠI DƯƠNG của Hoàng Trọng (Hoàng Cung hát)  
Cám ơn quí vị đã theo dõi chương trình của Diễn Đàn Giáo Dân
Xin Thiên Chúa chúc phúc lành đến quí vị.

Theo Diễn Đàn Giáo Dân

https://diendangiaodan.us/hopthu_tintuc/Tau_CapAnamour_35nam/Tau_CapAnamour_35nam.htm


Tags: , , ,

Comments are closed.