Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 06 tháng 3 năm 2024: *Việt Nam vừa tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ, vừa gia tăng đàn áp *CS Việt Nam đề nghị Samsung hỗ trợ đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn *Cán bộ tòa án Quảng Bình đi Mỹ du lịch rồi bỏ trốn *Tỷ phú Bill Gates du lịch Việt Nam
Quê Hương tổng hợp
HRW: Việt Nam vừa tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ, vừa gia tăng đàn áp
Trọng Thành /RFI
06/3/2024
Tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch (HRW) hôm qua, 05/03/2024, tố cáo chính quyền Việt Nam mở đợt trấn áp mới nhắm vào giới bất đồng chính kiến đúng vào lúc chuẩn bị ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thêm một nhiệm kỳ.
Hình tư liệu minh họa: Ông Phil Robertson (bìa trái), phó Giám đốc ban Á Châu của HRW trong một cuộc họp báo tại Jakarta, Indonesia, ngày 12/01/2022. AP – Achmad Ibrahim
Ông Phil Robertson, phó Giám đốc ban Á Châu của HRW, nhận định “Chính quyền Việt Nam thích phô trương là họ tôn trọng nhân quyền khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng hành vi đàn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến lại thể hiện thông điệp ngược lại.’’. HRW nêu trường hợp hai ông Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình, vừa bị bắt vào ngày 29/02/2024 và ông Hoàng Việt Khánh bị bắt ngày 01/03, với cáo buộc ‘‘tuyên truyền chống Nhà nước’’.
Ông Nguyễn Chí Tuyến (thường được gọi là Anh Chí), 49 tuổi, cư trú tại Hà Nội, là một nhà vận động nhân quyền sử dụng mạng xã hội, trong đó có YouTube và Facebook. Kênh YouTube đầu tiên của ông, ‘‘Anh Chí Râu Đen’’, đã đăng hơn 1.600 video và có 98.000 người đăng ký. Kênh YouTube thứ hai, AC Media, đã đăng tải hơn 1.000 video và có gần 60.000 người đăng ký. Ông Nguyễn Chí Tuyến cũng là một sáng lập viên của No-U FC (Câu lạc bộ Bóng đá chống Đường Lưỡi bò), từng góp phần tổ chức và tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Vũ Bình, 55 tuổi, cư trú tại Hà Nội là một cựu tù nhân chính trị, từng là đảng viên và làm việc cho Tạp chí Cộng Sản. Năm 2000, ông đã tìm cách thành lập một chính đảng độc lập tại Việt Nam, sau đó bị bắt giam từ năm 2003 đến 2007. Sau khi ra tù, nhà hoạt động này tiếp tục vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã hai lần được trao giải thưởng Hellmann/Hammett, dành cho những người cầm bút là nạn nhân của đàn áp chính trị.
Người bị bắt thứ ba là ông Hoàng Việt Khánh, 41 tuổi, sống ở Lâm Đồng, Tây Nguyên. Từ năm 2018, nhà bất đồng chính quyền này thường xuyên sử dụng Facebook để bày tỏ ý kiến cá nhân về nhiều vấn đề chính trị-xã hội ở Việt Nam từ năm 2018, ‘‘lên án tình trạng công an bạo hành’’, ‘‘các vụ nhận tội do bị tra tấn trong khi công an giam giữ’’, đồng thời công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị.
Đợt kiểm điểm sắp tới tại Liên Hiệp Quốc: Cơ hội gây áp lực
Theo HRW, chính quyền Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 163 tù chính trị. Chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm 2024, ba nhà hoạt động Danh Minh Quang, Nay Y Blang và Phan Văn Lộc đã bị kết án từ 3 năm 6 tháng đến 7 năm tù giam. Ít nhất 24 người khác đang bị tạm giam chờ xét xử.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW hôm 03/03 nhấn mạnh đợt Đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về nhân quyền đầu năm nay tại trụ sở Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève là một cơ hội để ‘‘kiểm điểm thấu đáo’’ về các hoạt động gia tăng đàn áp của chính quyền Việt Nam trong thời gian gần đây, cũng như việc chính quyền Việt Nam ‘‘không sửa đổi các điều luật vi phạm nhân quyền’’. Đây là đợt Kiểm điểm Định kỳ thứ tư với Việt Nam. Theo HRW, đợt Kiểm điểm UPR này ‘‘mở ra cơ hội gây áp lực để thay đổi’’.
Việt Nam – Úc dự định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện
RFA
05/3/2024
Thủ tướng Việt Nam và Úc gặp nhau ngày 5/3/2024 tại Hội nghị Asean-Úc
Reuters
Việc nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất giữa Việt Nam và Úc sẽ giúp cân bằng lợi ích và tăng cường ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang chứng kiến những căng thẳng giữa các cường quốc, một nhà quan sát độc lập ở Việt Nam cho biết.
Hôm 5/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khi dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Australia tại thành phố Melbourne tiết lộ, ông mong đợi sắp tới đây hai quốc gia sẽ tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên cấp độ Đối tác chiến lược toàn diện, từ quan hệ Đối tác chiến lược đã đạt được vào năm 2018.
Theo Reuters, trong một tuyên bố của chính phủ, ông Chính cho biết động thái này sẽ “đưa mối quan hệ giữa hai nước trở nên sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn”.
Quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản này hiện đang có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với năm nước, đó là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, và Ấn Độ.
Trong tin nhắn gửi đến Đài Á Châu Tự Do trong ngày 05/3, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, người cũng là nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện ISEAS (Nghiên cứu Đông Nam Á – Singapore) và thành viên nghiên cứu của Viện IISS (Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế), khẳng định:
“Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện thể hiện sự tin cậy và chia sẻ tầm nhìn chiến lược giữa hai nước trong việc duy trì một khu vực Indo-Pacific hòa bình, ổn định, thịnh vượng và tuân thủ luật pháp quốc tế.”
Ông cũng cho rằng quan hệ mới sẽ mở ra cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác an ninh trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, an ninh mạng, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, và đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước.
Báo Chính Phủ dẫn lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn, khi quan hệ song phương được nâng cấp sẽ có “5 cái hơn” là: Tin cậy chính trị tốt hơn, hợp tác kinh tế – thương mại và đầu tư cao hơn, hợp tác khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn, hợp tác giáo dục và đào tạo, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân sâu sắc hơn, hợp tác du lịch và lao động được đẩy mạnh hơn.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, sự ràng buộc chiến lược giữa Việt Nam và Úc có thể đóng vai trò cân bằng lợi ích và tăng cường ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang chứng kiến những căng thẳng giữa các cường quốc.
Việc nâng cấp quan hệ trong khi cả hai nước vừa kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm ngoái, cũng sẽ thúc đẩy cấu trúc khu vực mở và tự do khi quan hệ mới nhấn mạnh cam kết của hai nước trong việc duy trì một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế và đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.
Điều này cũng mở ra triển vọng cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và kinh tế số.
Theo ông, việc Việt Nam và Úc thắt chặt quan hệ sẽ góp phần vào việc thúc đẩy liên kết giữa khối ASEAN và Úc, qua đó tăng cường vai trò và ảnh hưởng của khối này trong cấu trúc khu vực mới nổi tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong chuyến thăm chính thức đến Úc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ tuần này, Thủ tướng Chính được tháp tùng bởi tám bộ trưởng và ba thứ trưởng. Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến đại diện Bộ Quốc phòng còn Thứ trưởng Lương Tam Quang đại diện Bộ Công an tham gia trong đoàn.
Bên cạnh việc dự kiến ký kết nâng cấp quan hệ ngoại giao, T.S Hà Hoàng Hợp tiết lộ, hai nước cũng sẽ ký Thỏa thuận hợp tác an ninh trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện.
Theo ông, thoả thuận này cũng mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho Việt Nam, trong việc nâng cao năng lực quốc phòng và an ninh.
Hà Nội có cơ hội tiếp cận công nghệ, đào tạo và tư vấn quân sự, an ninh từ một đối tác tin cậy là Úc, giúp nâng cao năng lực quốc phòng và an ninh của mình.
Ngoài ra nó cũng sẽ giúp Việt Nam thực thi hiệu quả chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, không liên kết với bất kỳ nước lớn nào, góp phần duy trì cân bằng lực lượng, đảm bảo ổn định khu vực trước bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các cường quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông nói.
HRW kêu gọi Australia nêu vấn đề nhân quyền ở Việt Nam; người gốc Việt tuần hành ở Melbourne
05/03/2024 – VOA Tiếng Việt
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Melbourne, Australia, ngày 4/3/2024.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa bày tỏ lo ngại rằng các vấn đề nhân quyền sẽ không được xem xét đầy đủ tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới với các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có sự tham gia của thủ tướng Việt Nam, dự kiến diễn ra từ ngày 4-6 tháng 3/2024 tại Melbourne.
“Chúng tôi nhận thấy rằng chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh bao gồm bốn lĩnh vực hợp tác chính: kinh doanh, các nhà lãnh đạo mới nổi, khí hậu và năng lượng sạch, và hợp tác hàng hải”, bà Daniela Gavshon, Giám đốc Australia của HRW, viết trong bức thư gửi Thủ tướng Australia Anthony Albanese, ngày 27/2.
“Tuy nhiên, tình hình nhân quyền ở các nước ASEAN đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây và ASEAN với tư cách là một tổ chức đã nhiều lần thất bại trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quan trọng”, bà cho biết thêm.
Liên quan tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, bà Gavshon đánh giá: “Chính phủ đàn áp một cách có hệ thống các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, hoạt động ôn hòa và tự do tôn giáo”.
“Đảng Cộng sản Việt Nam đã cai trị toàn bộ đất nước trong gần năm thập kỷ qua và trừng phạt nghiêm khắc bất cứ ai mà họ cho là thách thức sự độc quyền quyền lực của Đảng”, bà Gavshon nhấn mạnh.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và đề nghị họ cho ý kiến về bức thư của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
Ngoài ra, HRW đồng thời kêu gọi chính phủ Australia nêu lên tình hình vi phạm nhân quyền ở các nước ASEAN khác như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippines, Malaysia và Myanmar.
Tổ chức này cho rằng chính quyền quân quản Myanmar đang thực hiện các hành vi lạm dụng rộng rãi và có hệ thống đối với người dân – bao gồm bắt giữ tùy tiện, tra tấn, giết người phi pháp, không kích bừa bãi và các cuộc tấn công khác nhằm vào dân thường.
HRW thúc giục chính quyền Australia nên thúc đẩy các cam kết quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh này và nêu các vấn đề cụ thể với từng chính phủ.
“Với tư cách là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh, chính phủ Australia nên chỉ đạo các cuộc đối thoại tập trung vào vấn đề nhân quyền. Điều này có thể xảy ra tại các sự kiện chính thức và trong các cuộc gặp song phương không chính thức”, HRW kiến nghị.
Ngoài ra, HRW còn kêu gọi chính phủ Australia nên liên kết các lợi ích thương mại, an ninh và ngoại giao một cách rõ ràng hơn với những cải thiện cụ thể về nhân quyền.
Hôm 2/3, các cộng đồng người gốc Việt, Campuchia, Myanmar tại Australia biểu tình chống chế độ độc tài tại quê nhà trước thềm hội nghị ASEAN-Australia, theo đài SBS Tiếng Việt.
Các nhóm này lên tiếng phản đối các chính phủ độc tài, đàn áp người dân tại các quốc gia quê nhà.
Theo một đoạn video đăng trên YouTube, phái đoàn người Việt tại Australia tuần hành từ quảng trường Federal square đến Quốc Hội tiểu bang Victoria để biểu tình phản đối phái đoàn chính phủ Việt Nam đến Melbourne, và đòi tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.
“Chúng ta không thể quên rằng đồng bào của chúng ta ở trong nước vẫn bị sự kìm kẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Duy, lãnh đạo Cộng đồng người Việt Tự do Victoria, phát biểu tại cuộc tuần hành. “Khi chúng ta tới đây, chúng ta không phải thù oán gì đối với Cộng sản, mà chúng ta tới đây để đòi họ phải trả lại tất cả quyền tự do cho người dân Việt Nam”.
Đại sứ quán Việt Nam tại Australia chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA.
Như VOA đưa tin, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa đến Melbourne vào tối ngày 4/3 (giờ địa phương) để tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia và bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia từ ngày 5/3-9/3 theo lời mời của Thủ tướng Albanese, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên trong cương vị thủ tướng của ông Phạm Minh Chính tới Australia và kể từ khi hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào năm 2018. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Australia vừa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm ngoái.
Việt Nam CS đề nghị Samsung hỗ trợ đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn
05/03/2024 – VOA Tiếng Việt
Embed share
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang hôm 4/3 đề nghị Samsung hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030.
Theo VnExpress, trong khi tiếp Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho tại trụ sở chính phủ, ông Quang “đánh giá cao các hoạt động đầu tư của Samsung đã đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế của Việt Nam” cũng như “đội ngũ kỹ sư người Việt đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung”.
Tin cho hay, ông đề nghị Samsung tiếp tục hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), đồng thời hỗ trợ Việt Nam hoàn thành mục tiêu đào tạo kỹ sư bán dẫn.
Cổng thông tin chính phủ (VGP News) đưa tin, Samsung Việt Nam và NIC đã ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác triển khai các hoạt động phát triển công nghệ cao cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Theo tin từ Samsung Việt Nam, ngày 31/1 tại Hà Nội, Samsung và Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký kết văn bản hợp tác triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ thạc sĩ trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch.
Tập đoàn này dẫn lời Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nói rằng ông “rất mong chờ các sinh viên ưu tú của Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển trở thành nhà lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực bán dẫn thông qua chương trình đào tạo này”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với các sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM nói rằng ngành công nghệ thông tin và công nghệ số trong nước “cần 150.000 kỹ sư”, nhưng số lượng “hiện mới đáp ứng khoảng 60%”.
Tin cho hay, theo ông Hùng, riêng ngành công nghiệp bán dẫn “cần 10.000 kỹ sư”, nhưng “chỉ đáp ứng được dưới 20%”.
HRW lên án làn sóng mới bắt giữ giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam
06/03/2024 – VOA Tiếng Việt
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình.
Hôm 5/3, tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên tiếng rằng nhà cầm quyền Việt Nam lại bắt giữ thêm ba người bất đồng chính kiến nổi tiếng, gọi đây là một làn sóng mới, chỉ vài ngày sau khi nước này tuyên bố sẽ ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Công an Hà Nội bắt giam ông Nguyễn Chí Tuyến và ông Nguyễn Vũ Bình hôm 29/2 và công an Lâm Đồng bắt giam ông Hoàng Việt Khánh hôm 1/3 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Trao đổi với VOA qua email về các vụ bắt bớ này, ông Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nêu nhận định: “Việt Nam đang cố gắng ngăn chặn mọi bài đăng manh tính chỉ trích về những gì đang xảy ra trong nước, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi họ bắt giam ông Nguyễn Vũ Bình, người can đảm tiếp tục nói lên sự thật trước bạo quyền trong suốt những năm qua”.
Tương tự như vậy, ông Nguyễn Chí Tuyến không làm gì sai trái đến mức phải bị bắt, và chính quyền phải thả ông ấy ngay lập tức và vô điều kiện, vẫn ông Robertson.
Theo HRW, ông Hoàng Việt Khánh lên án tình trạng công an bạo hành và nêu quan ngại về các vụ nhận tội do bị tra tấn trong khi công an giam giữ. Ông Khánh công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị và cho rằng mục đích cuối cùng của việc bắt giữ bất đồng chính kiến là “đe dọa không cho người dân thể hiện quyền tự do ngôn luận, theo thông báo của HRW.
“Ba nhà hoạt động này không có tội tình gì mà chỉ thực hành quyền tự do ngôn luận căn bản của mình,” ông Robertson nói. “Đáng tiếc là chính quyền Việt Nam coi tất cả các việc bày tỏ chính kiến ôn hòa trên mạng là mối đe dọa khủng khiếp đối với đảng cầm quyền và chính phủ, và đàn áp các hành vi bất đồng chính kiến như thế bằng việc bắt giữ, truy tố và xử tù với động cơ chính trị”.
“Chính quyền Việt Nam cần chấm dứt đàn áp các blogger, các nhà hoạt động và vận động nhân quyền, đồng thời phóng thích ngay lập tức những người đang bị giam giữ vì đã thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của họ”, ông Robertson kêu gọi.
Năm 2022, Đại hôi đồng LHQ bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền với nhiệm kỳ ba năm, sẽ kết thúc vào năm 2025. Hôm 26/2, Việt Nam công bố sẽ ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại.
“Khi tranh cử vào ghế Hội đồng Nhân quyền LHQ, chính quyền Việt Nam thích phô trương rằng họ tôn trọng nhân quyền, nhưng hành vi đàn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến lại thể hiện thông điệp ngược lại,” vẫn ông Robertson. “Bất chấp sự đối xử hà khắc của Việt Nam đối với những người ủng hộ nhân quyền, các nhà tài trợ và đối tác thương mại của nước này hầu như không làm gì để gây áp lực lên chính phủ Việt Nam về những vi phạm nhân quyền của họ”.
Liên quan chỉ thị ngầm số 24 năm 2023 của Bộ Chính trị đã được tổ chức The 88 Project vạch trần trong tuần qua, HRW nhận định rằng giới lãnh đạo Hà Nội đã ra lệnh thực hiện “một chiến dịch có hệ thống chống lại những người bảo vệ nhân quyền”. Đã đến lúc các nhà ngoại giao và quan chức LHQ phải công khai đứng lên bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, vị đại diện HRW nhấn mạnh.
HRW khuyến nghị cộng đồng quốc tế nên nhấn mạnh với chính phủ Việt Nam rằng việc Hà Nội tiếp tục đàn áp sẽ đe dọa quan hệ thương mại, quan hệ ngoại giao và làm suy yếu mục tiêu được tái đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ của Việt Nam.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về các phát biểu trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
Chính quyền và truyền thông Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn cho rằng nước này “luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”, đồng thời cho rằng các quyền này bị các “thế lực thù địch, phản động lại cố tình xuyên tạc, vu khống”.
Bình luận về vụ cán bộ tòa án tỉnh Quảng Bình đi Mỹ du lịch rồi bỏ trốn
Thái Hạo – 05/3/2024
Khi viết bài nêu lên thực trạng hay phê phán những bất cập, sai trái tồn tại trong giáo dục và xã hội, tôi thường nhận được những cái còm của các bạn dư luận viên, thậm chí không phải dư luận viên, đại ý như “vậy thì cút ra nước ngoài mà sống”. Nay xin gửi các bạn một mẩu tin, còn nóng, trong vô số những tin cùng kiểu: “Cho nghỉ việc nữ cán bộ toà án nghỉ phép qua Mỹ du lịch rồi không về“. (Xem hình):
Các bạn thấy đó, chắc chắn bà cán bộ tòa án này sẽ chưa bao giờ phê phán điều gì trong xã hội Việt Nam mà bà đã sống; ngược lại, có lẽ bà đã luôn ca ngợi trong các buổi họp cơ quan, trong các status đăng trên mạng xã hội; thậm chí nếu có ai đó nói một điều gì theo hướng, rằng còn chỗ này xấu, chỗ kia sai thì bà ấy có thể sẽ phê bình ngay, và nếu đó là cấp dưới của bà, rất có thể bà sẽ mang ra kiểm điểm, uốn nắn, ghim vào sổ là giao động, là tự chuyển biến nọ kia. Và bây giờ, nhìn xem, bà ấy đã đi rồi, rời bỏ một nơi mà bà luôn nói rằng tốt đẹp nhất, đáng sống nhất, để trốn sang nơi mà hàng ngày bà vẫn lên án. Thế đấy.
Những người đã kiên nhẫn và chịu nhiều phiền phức để nói lên những điều chưa tốt, chưa đúng, chưa hay trong xã hội mà mình sống, chỉ mong mọi thứ tốt hơn, để rồi chịu từ các bạn biết bao lời lẽ cay nghiệt cùng những soi xét hằm hè, thậm chí đe dọa, nhưng họ vẫn ở đây, cố gắng từng ngày để góp sức xây dựng quê hương. Thế mà họ bị chụp lên đầu biết bao nhiêu cái mũ như phản động, thù địch. Còn những kẻ ra rả ca ngợi và luôn ca ngợi, sẵn sàng roi vọt lên bất cứ ai nói khác mình thì đã âm thầm bỏ trốn tự khi nào.
Chị cán bộ tòa án này chỉ là một ví dụ, nhỏ thôi, cho làn sóng ngầm di cư của quan chức và gia đình họ sang các nước tư bản, từ du học, mua nhà, định cư… mà báo chí nhà nước và diễn đàn quốc hội đã nêu công khai suốt bao nhiêu năm qua.
Tôi không trách họ, vì con người có quyền đi tìm nơi tốt lành để sinh sống. Chỉ có một điều khiến tôi không đồng ý, là họ không thật lòng. Họ nói một đằng nhưng làm một nẻo.
Và thật đáng thương, trong khi họ đã đáp xuống một biệt thự sang trọng nào đó bên trời Tây, các bạn vẫn ở đây mà không hề hay biết gì, vẫn cặm cụi đọc những góp ý của những người nặng lòng với quê hương, chửi, và bảo rằng “cút ra nước ngoài mà sống”…
Canada điều tra phòng vệ thương mại đối với mặt hàng dây thép của Việt Nam
05/3/2024
Công nhân dựng các cọc thép cho bê tông tại một công trường xây dựng ở Hà Nội hôm 2/6/2016
AFP
Canada sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều tra nhằm áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng dây thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam thông báo như vừa nêu và truyền thông Nhà nước loan tin ngày 4/3.
Dây thép là một trong số ít còn lại của những mặt hàng/loại hình thép Việt Nam bị Canada khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại. Tính đến nay, Canada đã khởi xướng điều tra tám vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam; trong số này có năm vụ việc chống bán phá giá, hai vụ việc chống trợ cấp và một vụ việc tự vệ.
Dây thép là mặt hàng được ứng dụng rộng rãi trong bê tông dự ứng lực (PC Wire), khung dù, hạt bi sắt lốp xe (TBW), dây piano, lõi của các dây dẫn, dây cáp dùng cho thang máy, cần cẩu, lõi điện cực hàn, đinh…
Vào năm 2020, tổng kim ngạch dây thép Việt Nam xuất sang Canada là 10 triệu USD. Vào năm 2021, con số này tăng lên hơn gấp đôi 21 triệu USD; sang năm 2022 lên 40 triệu USD.
Tỷ phú Bill Gates du lịch Việt Nam
05/3/2024
Chủ tịch Microsoft tại Hà Nội hôm 22/4/2006
Reuters
Tỷ phú Bill Gates vừa đến Việt Nam để du lịch Đà Nẵng, Hội An. Đây là chuyến trở lại đất nước Đông Nam Á này lần đầu tiên trong gần hai thập niên của ông này.
Mạng báo BNN Breaking loan tin ngày 4/3. Chuyến du lịch Việt Nam của ông Bill Gates được thực hiện sau khi đến dự buổi tiệc tiền đám cưới của con trai người giàu nhất Châu Á, Mukesh Ambani, ở Ấn Độ.
Tin cho biết tỷ phú Bill Gates và bạn gái Paula Kalupa sẽ lưu trú tại một khu nghỉ dưỡng 5 sao ở Quận Sơn Trà trong năm ngày để du lịch Đà Nẵng và Hội An.
Hồi năm 2006, ông Bill Gates đến Việt Nam trong chuyến làm ăn liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong chuyến thăm lúc đó, vị tỷ phú người Mỹ gặp gỡ những đại diện ngành công nghệ thông tin đang bùng phát của Việt Nam.
Trong chuyến đến Việt Nam năm 2006, tỷ phú Bill Gates trải nghiệm văn hóa ăn trầu và thưởng thức các giai điệu quan họ truyền thống tại huyện Từ Sơn, Bắc Ninh ở miền bắc Việt Nam.