Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 08 tháng 3 năm 2024
Quê Hương tổng hợp
Báo Mỹ: Việt Nam đang xạo với bạn bè quốc tế
08/3/2024
(VNTB) – Lãnh đạo Việt Nam không muốn có sự thay đổi về chính trị dưới chế độ độc tài
Khi Trung Quốc gặp khó khăn, Việt Nam trở thành đối trọng và là trung tâm sản xuất toàn cầu thay thế cho Trung Quốc, tạo nên các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế mới. Tổng thống Biden đến thăm Hà Nội tháng 9/2023, chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ.
Việt Nam hiện có 18 hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực hoặc đang được lên kế hoạch. Sự cởi mở đã dẫn đến hy vọng rằng việc tiếp xúc quốc tế nhiều hơn có thể thúc đẩy sự thay đổi nền chính trị trong nước hiện đang đặt dưới chế độ độc tài.
Nhưng lãnh đạo Việt Nam không muốn có sự thay đổi đó. Tháng 7/2023, hai tháng trước khi ông Biden đến Việt Nam, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành mật lệnh, Chỉ thị 24, tìm cách tiếp tục kiểm soát người dân nghiêm ngặt. Một bản sao của chỉ thị này đã được Project88, một nhóm đấu tranh cho tự do ngôn luận ở Việt Nam công bố vào ngày 1 tháng 3.
Việt Nam là một nhà nước công an, hạn chế quyền tự do ngôn luận và hội họp, những người bất đồng chính kiến cũng như các nhà hoạt động xã hội dân sự bị bắt giam. Kể từ năm 2021, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ hoặc bỏ tù sáu nhà lãnh đạo phong trào biến đổi khí hậu với tội danh trốn thuế.
Chỉ thị mới cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam có ý định duy trì cách tiếp cận này và lo ngại rằng những ảnh hưởng của nước ngoài có thể làm suy yếu họ. Chỉ thị này làm mất đi hy vọng rằng các hiệp định thương mại quốc tế, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương xấu số do Tổng thống Barack Obama thúc đẩy, sẽ khiến Việt Nam nới lỏng sự kìm kẹp trong nước. Project88 cho biết trong một tuyên bố rằng chỉ thị này “đã chấm dứt suy nghĩ kỳ diệu này”.
Trong Chỉ thị 24, 9 yêu cầu đã được gửi tới chính phủ và đảng. Trong đó có việc “quản lý chặt chẽ” người Việt Nam ra nước ngoài kinh doanh, giao lưu. Một yêu cầu khác tuyên bố: “Không cho phép thành lập các tổ chức chính trị độc lập trong nước”. Những hạn chế cũng được đặt ra đối với việc thành lập các công đoàn độc lập. Một yêu cầu khác là quan chức nhà nước phải cảnh giác và “ngăn chặn các mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia” có thể đến từ những điều như “mất cảnh giác khi tham gia vào các sáng kiến và chiến lược của các cường quốc” hoặc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài “tiếp quản thị trường và doanh nghiệp trong nước”. và chiếm lĩnh các lĩnh vực kinh tế quan trọng.”
Một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong chỉ thị này nhằm ngăn chặn các nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam tham gia vào lập pháp và hoạch định chính sách. Việt Nam trước đây đã xử nặng những người bất đồng chính kiến và các blogger tìm cách buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm về các vụ tràn chất độc hại. Chỉ thị mới cảnh báo nghiêm khắc việc cho phép xuất hiện các liên minh và mạng lưới “xã hội dân sự”, “các công đoàn độc lập”, … [và] tạo tiền đề cho việc hình thành các nhóm đối lập chính trị trong nước”. Văn bản này cảnh báo không nên cho phép các tổ chức chính trị huy động người dân tham gia “cách mạng màu” và “cách mạng đường phố” chống lại nhà nước.
Theo Chỉ thị 24, báo chí cần thúc đẩy đấu tranh chống “các xu hướng dân túy, bất tuân dân sự, quan điểm sai trái và sự phá hoại của các thế lực thù địch, cũng như các nỗ lực thúc đẩy một nền văn hóa ngoại lai lai tạp, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Báo chí cũng cần “chống tin giả” và “xây dựng quy tắc ứng xử văn minh trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội và không gian mạng”.
Vào tháng 12 năm 2022, Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận đầy tham vọng với Liên minh Châu Âu và Nhóm Bảy quốc gia, cũng như Đan Mạch và Na Uy. Thỏa thuận giúp Việt Nam đáp ứng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. E.U. và các chính phủ khác đã đồng ý huy động ít nhất 15,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư công và tư nhân để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Nhưng thỏa thuận quy định rằng “để quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng và hợp lý, cần phải tham vấn thường xuyên, bao gồm cả với giới truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác để đảm bảo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội”.
Giờ đây, Chỉ thị 24 cho thấy Việt Nam ngấm ngầm không sẵn lòng đáp ứng các điều kiện của hiệp ước về biến đổi khí hậu. Những kẻ độc tài trong Bộ Chính trị Việt Nam có nghĩ rằng sẽ không có ai nhận ra rằng họ đang thực hiện đàn áp trong nước trong khi lại hứa hẹn điều ngược lại với người ngoài? Các đối tác tiềm năng của Việt Nam không nên để Hà Nội xạo như vậy được.
______________
Nguồn:
The Washington Post – Vietnam is lying to its friends. A secret document proves it.
Đắk Lắk: Ba tín đồ Hội thánh Tin Lành tư gia độc lập bị tạm giữ không rõ nguyên nhân
RFA – 08/3/2024
Y Nam Bkrông (trái) và Y Quí Bdap đang cầm biểu ngữ, và công an kiểm tra hành chính tối 05/3/2024
Người Thượng Vì Công lý
Công an tỉnh Đắk Lắk tạm giữ ba tín đồ của Hội thánh Tin Lành tư gia độc lập ở huyện Cư Kuin đã ba ngày nhưng không thông báo gì cho gia đình họ.
Cả ba là người dân tộc Ê-đê, có hộ khẩu thường trú tại buôn Ea Khit, xã Ea Bhôk, làm công nhân cho Công ty KUKA Home Việt Nam chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất tại thành phố Đồng Xòai, tỉnh Bình Phước từ nhiều năm nay, và ở trọ gần đó.
Ngày 07/3, mục sư Y Khen Bdap cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết ba người bị bắt giữ là người trong gia đình của ông, bao gồm em trai ruột Y Quí Bdap (sinh năm 1982), con trai Y Nam Bkrông (sinh năm 1998), và cháu trai Y Kič Bkrông (sinh năm 1998). Ông nói qua điện thoại:
“Lúc 10 giờ đêm ngày 05/03/2024, công an tỉnh Đắk Lắk và công an Bình Phước đến phòng trọ điều tra căn cước và lục soát chỗ ở của họ.
Đến sáng ngày 06/03, vào lúc 10 giờ sáng, công an đến công ty nơi làm việc và áp giải ba người khi họ đang làm việc. Công an bắt giữ họ mà không đưa ra lý do hay giấy triệu tập.”
Phóng viên không thể liên lạc được với giám đốc và công nhân của Công ty KUKA Home Vietnam theo số điện thoại mục sư Y Khen Bdap cung cấp.
Phóng viên cũng gọi điện cho Công an huyện Cư Kuin và Công an tỉnh Đắk Lắk để kiểm chứng thông tin về vụ bắt giữ nhưng người trực điện thoại yêu cầu đến trụ sở cơ quan để được lãnh đạo cung cấp thông tin.
Mục sư Y Khen Bdap cho biết ngày 07/3, gia đình lên UBND và Công an xã Ea Bhôk để hỏi thông tin về người thân nhưng họ trả lời không biết. Cho đến trưa ngày 08/3, tung tích của ba người này vẫn chưa được làm rõ khiến gia đình rất lo lắng. Ông Y Khen nói:
“Hiện nay công an bắt giam thẩm vấn ở đâu gia đình chúng tôi chưa biết. Gia đình chúng tôi đang sốt ruột lo lắng vì công an bắt mà không báo với vợ con gia đình chúng tôi biết.
Cho đến giờ chưa biết họ bị tạm giữ ở đâu. Người nhà và bạn bè hỏi công ty thì được báo rằng công an áp giải đi rồi chưa về.”
Ông cho rằng lý do bắt giữ chỉ có thể liên quan đến việc thực hành tôn giáo của gia đình ông. Họ cùng các tín đồ khác của Hội Thánh Tin Lành tư gia độc lập buôn Ea Khít tham gia sự kiện Tưởng niệm nạn nhân bị bách hại vì lý do tôn giáo hay niềm tin (22/8) của Liên Hiệp Quốc và ngày Quốc tế Nhân quyền (10/12) tổ chức hàng năm.
Y Quí Bdap là thầy truyền đạo, đã từng gặp nhân viên ngoại giao của Đại Sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam năm 2020 để báo cáo về việc hội thánh của mình nhiều lần bị chính quyền địa phương sách nhiễu.
Cùng với Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, Hội Thánh Tin Lành tư gia độc lập là hai nhóm tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận thường xuyên bị gây khó khăn ở tỉnh Đắk Lắk.
Mục sư Y Khen Bdap, người bị kết án 4 năm tù giam năm 2004 về tội danh “gây rối trật tự công cộng” vì hoạt động tôn giáo, cho biết chính quyền địa phương thường xuyên sách nhiễu ông và các chức sắc của hội thánh từ năm 2017 sau khi họ thành lập hội thánh.
Chính quyền địa phương không ít lần mời họ lên trụ sở làm việc liên quan đến các hoạt động tôn giáo, và ngăn cấm các tín đồ tổ chức mừng lễ Giáng sinh.
Cuối tháng 10/2023, Công an huyện Cư Mgar tạm giữ trong năm ngày đối với các ông Y Phuc Niê và Y Nuer Buon Dap ở buôn Ea Măp, thị trấn Ea Pốk; ông Y Thinh Niê ở buôn Drai Si, xã Ea Tar; và ông Y Cung Niê ở buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê.
Công an huyện thẩm vấn và yêu cầu những người này từ bỏ thực hành tôn giáo tại gia và gia nhập Hội thánh Tin Lành Việt Nam hoặc các nhóm tôn giáo khác mà nhà nước đã công nhận.
Công an cũng yêu cầu họ không theo học khóa học xã hội dân sự trực tuyến, cũng như không được tham gia các ngày lễ như Tưởng niệm nạn nhân bị bách hại vì lý do tôn giáo hay niềm tin hay ngày Nhân quyền Quốc tế.
18 công dân Việt Nam bị bắt tại Thái Lan, Đại sứ quán nói ‘chưa thấy gì’
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Lực lượng cảnh sát Thái Lan
5 giờ trước
Thứ Năm ngày 7/3, 18 công dân Việt Nam bị Cảnh sát Xuất nhập cảnh Thái Lan bắt giữ vì tổ chức đánh bạc trực tuyến, theo tờ Bangkok Post. Đến thứ Sáu ngày 8/3, Đại sứ quán Việt Nam vẫn chưa có thông tin về vụ việc.
Trong số 18 công dân Việt Nam bị bắt có 10 nam và tám nữ.
Một phụ nữ trong số đó được xác định tên là Le Thi Kim Oanh (có thể là Lê Thị Kim Oanh), 20 tuổi, được cho là người đứng đầu nhóm này, theo trang Khaosod.
Đại sứ quán Việt Nam ‘chưa thấy gì’
Tin tức về vụ bắt giữ được đăng tải trên nhiều trang báo khác nhau như Bangkok Post, KhaosodEnglish, Thai.news, Chiangraitimes,…
Trong đó, trang KhaosodEnglish đưa tin sớm nhất với bài viết “18 người Việt Nam bị bắt do điều hành đường dây cá cược trực tuyến tại Bangkok”, được đăng tải vào lúc 15 giờ 38 phút ngày 7/3/2024.
Khoảng 11 giờ sáng ngày 8/3/2024, phóng viên BBC News Tiếng Việt đã gọi điện tới Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết chưa nắm thông tin vụ việc.
Tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam của Bộ Ngoại giao được đăng tải trên website của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan có đầu số là Việt Nam (+84).
Người trực tổng đài ở Việt Nam cho BBC biết cách thức hoạt động chung của tổng đài này là mỗi khi tiếp nhận thông tin vụ việc, họ mới bắt đầu liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại để báo tin.
Thời điểm BBC thực hiện cuộc gọi, người trực tổng đài cho biết họ chưa nhận được thông tin gì về vụ việc.
Tiếp đó, BBC đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan qua đường dây nóng +66 808 302 668. Người trực đường dây này cũng cho biết họ chưa có thông tin hay công hàm từ phía lực lượng thi hành pháp luật Thái Lan.
Khi được hỏi về vụ 18 người bị bắt giữ, người này cho biết phía Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan sẽ phải kiểm chứng xem những người nói trên có thực sự là công dân Việt Nam hay không.
Cục xuất nhập cảnh Thái Lan đã xác định 18 người bị bắt mang quốc tịch Việt Nam, theo bài viết được đăng tải trên Bangkok Post lúc 18 giờ 16 phút ngày 7/3/2024.
Do không nắm được thông tin sự việc, người trực đường dây tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok đã cho BBC một số điện thoại khác, nói rằng đây là bên phụ trách việc bảo hộ công dân Việt Nam và có thể nắm thông tin vụ việc.
Sau khi liên hệ tới số điện thoại này, BBC một lần nữa nhận được câu trả lời tương tự – “chưa thấy thông tin gì về vụ việc”.
Cảnh sát thái nói gì?
Cuộc bố ráp diễn ra sau khi Cục xuất nhập cảnh Thái Lan nhận được những phản ánh về hoạt động bất thường của một nhóm người ngoại quốc – rất ít khi ra khỏi nhà và luôn luôn sáng đèn.
Trong cuộc họp báo vào ngày 7/3, Trung tướng Ittiphol Itthisarnronchai, Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh Thái Lan, cho biết cảnh cát nhập cư Thái Lan đã kiểm tra ngôi nhà nói trên ở khu vực quận Rama IX do nghi ngờ nơi này là ổ hoạt động cờ bạc trực tuyến của một nhóm người ngoại quốc.
Ông Ittiphol Itthisarnronchai cho hay những nghi phạm này hiện đang làm việc cho một ông chủ người Việt Nam, với mức lương tháng là 20.000 baht (khoảng 14 triệu đồng VN) và nhận hoa hồng theo số khách hàng họ kiếm được.
Theo tờ Khaosod của Thái Lan, những người này liên quan tới hàng loạt trang web đánh bạc.
Hơn 30 máy tính cùng nhiều thiết bị khác được sử dụng cho mục đích tổ chức đánh bạc đã bị tịch thu.
Thiếu tướng Archayon Kraithong, người phát ngôn của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, không lập tức trả lời yêu cầu bình luận của BBC News Tiếng Việt.
Đây không phải lần đầu người Việt Nam bị bắt ở Thái Lan do điều hành đánh bạc trực tuyến.
Vào tháng 8/2023, cảnh sát Thái Lan cũng đã bắt 13 người Việt Nam tại thành phố Pattaya do mở đường dây đánh bạc trực tuyến.
Mã độc tống tiền LockBit Black nhắm vào máy chủ Windows Domain tại Việt Nam
07/3/2024 – Reuters
LockBit Black được cho biết được thiết kế đặc biệt để nhắm đến những máy chủ quản lý Windows Domain trong hệ thống nội bộ.
Từ đầu năm nay, LockBit Black (phiên bản 3.0), một biến thể mới của vi-rút mã hóa dữ liệu, bắt đầu các cuộc tấn công tại Việt Nam.
Truyền thông Nhà nước vào ngày 7/3 dẫn nguồn Bkav- công ty chuyên về lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam, cho biết trong khoảng hai tháng trở lại đây, các chuyên gia của công ty này nhận được nhiều yêu cầu trợ giúp của các doanh nghiệp trong nước. Tình trạng phải kêu cứu được mô tả là máy tính trong mạng nội bộ đều bị mã hóa cùng một thời điểm và không thể cứu dữ liệu được.
Chuyên gia Bkav tiến hành điều tra và đi đến kết luận rằng thủ phạm mã hóa dữ liệu là LockBit Black (phiên bản 3.0). Đây là một mã độc tống tiền gần đây bị phá bởi Liên minh Cảnh sát Quốc tế gồm Cơ quan Phòng chống Tội phạm của Anh- NCA, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ- FBI và Cơ quan cảnh sát Liên minh Châu Âu-Europol.
Tuy nhiên LockBit Black là phiên bản cải tiến tinh vi hơn so với những biến thể trước đó, cả về kịch bản mã hóa và cách thức lây lan với khả năng qua mặt những giải pháp bảo mật thông thường.
LockBit Black được cho biết được thiết kế đặc biệt để nhắm đến những máy chủ quản lý Windows Domain trong hệ thống nội bộ.
Bkav khuyến cáo người dùng và quản trị hệ thống cần thường xuyên lưu trữ dự phòng dữ liệu quan trọng; không mở cổng dịch vụ nội bộ ra Internet khi không cần thiết; đánh giá an ninh các dịch vụ trước khi mở ra Internet; cài đặt phần mềm diệt vi-rút đủ mạnh để phòng vệ thường trực…
Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ, nhập siêu từ Trung Quốc
08/3/2024
Báo cáo của Bộ Công Thương Việt Nam đưa ra số liệu vừa nêu và truyền thông Nhà nước loan tin ngày 7/3.
VnEconomy
Việt Nam trong hai tháng đầu năm nay xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt hơn 15 tỷ USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó lại nhập siêu từ Trung Quốc gần 13 tỷ USD, tăng hơn 98% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo của Bộ Công Thương Việt Nam đưa ra số liệu vừa nêu và truyền thông Nhà nước loan tin ngày 7/3.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD, cao hơn với mức xuất siêu của cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,53 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,25 tỷ USD.
Trong hai tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ dẫn đầu các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Nhật Bản ước tăng gần 20%, EU, ước tăng hơn 14%…
Trong hai tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 98,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Hàn Quốc ước đạt 3,7 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ ASEAN ước đạt 1 tỷ USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm trước.
CSW phản đối việc Việt Nam liệt hai nhóm người Thượng là tổ chức khủng bố
08/03/2024 – VOA Tiếng Việt
Cộng đồng người Thượng tại Mỹ biểu tình tại thủ đô Washington DC ngày 10/7/2023.
Hôm 7/3, tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) lên tiếng phản đối việc chính quyền Việt Nam liệt hai nhóm nhân quyền của người Thượng là nhóm khủng bố, cho rằng đây là động thái “thiếu sự kiềm chế” của Hà Nội khi tham gia đàn áp xuyên quốc gia đối với các nhà hoạt động.
Bộ Công an hôm 6/3 đưa nhóm Hỗ trợ người Thượng (Montagnard Support Group, Inc – MSGI) và Người Thượng vì Công lý (Montagnard Stand for Justice – MSFJ) vào danh sách các “tổ chức khủng bố”, cáo buộc hai nhóm này dàn dựng các cuộc tấn công cũng như thúc đẩy việc ly khai khỏi nhà nước Việt Nam.
Nhóm MSGI có trụ sở tại bang North Carolina, Mỹ, và nhóm MSFJ được thành lập tại Thái Lan và có các hoạt động tại Mỹ. Cả hai tổ chức này đều chuyên bảo vệ quyền lợi của nhóm dân tộc thiểu số người Thượng ở Tây Nguyên Việt Nam, theo thông cáo của CSW.
Phần lớn người Thượng theo đạo Tin lành và sống ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam. CSW, tổ chức có trụ sở ở London, Anh, cho biết rằng cộng đồng người Thượng có lịch sử xung đột lâu dài với chính phủ Việt Nam và đã phải đối mặt với sự quấy rối và đe dọa dữ dội kể từ vụ tấn công vào trụ sở chính quyền xã ở tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023 khiến 9 người thiệt mạng, bao gồm các quan chức chính quyền và công an địa phương.
Chính quyền Việt Nam báo buộc MSGI và MSFJ đã giúp lên kế hoạch cho vụ tấn công này, nhưng lãnh đạo của cả hai nhóm này đều bác bỏ cáo buộc đó, vẫn theo CSW.
Thông cáo báo chí của chính phủ Việt Nam cũng gọi một số nhà hoạt động nhân quyền là những kẻ khủng bố và đe dọa rằng bất kỳ ai tiếp tay với họ sẽ phải đối mặt với cáo buộc tương tự. Thông cáo của phía Việt Nam cũng nêu địa chỉ nhà riêng của một số nhà hoạt động nhân quyền ở Thái Lan và Mỹ.
Ông Mervyn Thomas, Chủ tịch sáng lập CSW, cho biết trong thông cáo: ‘Chính phủ Việt Nam đang gây nguy hiểm đến tính mạng của những người bảo vệ nhân quyền bằng cách nêu tên và chia sẻ địa chỉ của họ trên các phương tiện truyền thông nhà nước, điều này gây ra mối quan ngại an ninh ngay lập tức và rõ ràng là nhằm mục đích bịt miệng, quấy rối và đe dọa”.
“Chính phủ Việt Nam là một nhà nước độc tài, họ hoang tưởng rằng thế giới sẽ biết rõ bản chất thực sự của việc họ kiểm soát và đàn áp các tôn giáo và dân tộc thiểu số, và đây là một bằng chứng nữa cho thấy họ thiếu sự kiềm chế khi tham gia đàn áp xuyên quốc gia đối với các nhà hoạt động chỉ đơn giản là thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình”, vẫn ông Thomas.
CSW bác bỏ việc coi nhóm MSGI và MSFJ là các tổ chức khủng bố và kêu gọi chính phủ Việt Nam công nhận các nhóm nhân quyền là tiếng nói hợp pháp trong bất kỳ xã hội dân sự lành mạnh nào.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về thông cáo của CSW, nhưng chưa được phản hồi.
Đại diện nhóm MSFJ cho VOA biết hôm 6/3 rằng đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam cáo buộc họ là tổ chức khủng bố và khẳng định rằng các thành viên MSFJ không liên quan gì đến vụ xả súng ở hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu của huyện Cư Kuin ở Đắk Lắk.
Đại diện của MSGI chưa phản hồi yêu cầu bình luận trước cáo buộc của Bộ Công an.
The trang UCA News dẫn tuyên bố của tổ chức Dega Central Highlands có trụ sở tại North Carolina nói rằng người Thượng có rất ít lựa chọn ngoài việc đòi hỏi quyền và lợi ích của mình, “vì họ không thể chịu đựng thêm đau khổ”.
Nhóm này cho biết thêm: “Họ bị đàn áp, đánh đập, bắt giữ và dồn vào chân tường hàng ngày”.
Doanh nghiệp nước ngoài cảnh báo dừng đầu tư tại Việt Nam nếu không được bù khoản thuế mới
07/03/2024
Việt Nam được là một trong những điểm đến hưởng lợi từ làn xóng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc do căng thẳng Mỹ – Trung, nhưng mức thuế tối thiểu toàn cầu mới đang được xem là rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Các công ty đa quốc gia lớn của nước ngoài cho biết họ có thể dừng các kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam trong trường hợp không có trợ cấp để giúp bù đắp chi phí của khoản thuế bổ sung mới, một người tham gia đàm phán về vấn đề này giữa các nhà đầu tư và chính phủ nói với Reuters.
Việt Nam, trung tâm sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư, được xem là một trong những nơi được hưởng lợi nhiều nhất từ tình trạng các công ty chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc nhằm giảm thiểu tác động của căng thẳng Trung-Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc tăng thuế cùng với các vấn đề về cung cấp điện, các rào cản pháp lý và tăng lương có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của quốc gia Đông Nam Á.
Năm nay, Việt Nam đã áp dụng Mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia lớn, một sáng kiến do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chủ trì. Theo đó, các biện pháp khuyến khích giảm thuế suất xuống chỉ còn 5% sẽ không còn nữa, có nghĩa là một số công ty đa quốc gia sẽ phải nộp thuế bổ sung để đáp ứng mức thuế suất 15%.
Nguồn tin của Reuters cho biết một số công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ đã kêu gọi chính phủ tôn trọng các cam kết về mức thuế thấp mà họ đã đưa ra để thu hút đầu tư hiện có, đồng thời nói thêm rằng đầu tư mới sẽ khó khăn nếu không có biện pháp bù đắp khoản thuế bổ sung.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết trợ cấp mới trong nửa đầu năm ngoái nhưng lại chậm đưa ra bất kỳ khoản trợ cấp nào.
Vào tháng 12, Việt Nam ban hành dự thảo nghị định nêu rõ các khoản trợ cấp và các điều kiện mới để đủ điều kiện được trợ cấp, chẳng hạn như được phân loại là công ty công nghệ cao. Nhưng nhiều khía cạnh quan trọng vẫn chưa được xác định, chẳng hạn như quy mô của quỹ trợ cấp mới và không có thời gian biểu rõ ràng để phê duyệt các phương thức này.
Đại diện của các công ty đa quốc gia hôm thứ Ba đã nêu lên mối lo ngại với các quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quy mô, phạm vi và khả năng tiếp cận các ưu đãi theo kế hoạch, một người tham dự cuộc họp nói với Reuters với điều kiện giấu tên vì cuộc họp không công khai.
Một đại diện của Tập đoàn Lego, công ty đang đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam, đã đặt câu hỏi liệu các công ty không được xếp vào loại công nghệ cao như Lego có đủ điều kiện nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào được nêu trong dự thảo nghị định hay không. Các quan chức trả lời là không, vẫn theo nguồn tin của Reuters.
Nhà sản xuất đồ chơi Đan Mạch xác nhận với hãng thông tấn Anh rằng một trong những đại diện của họ đã đặt câu hỏi về vấn đề này trong cuộc họp.
Người đại diện của công ty Amkor Technology của Hoa Kỳ, công ty đang xây dựng một nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD tại Việt Nam để lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn, cho biết họ đã phải vật lộn để được phân loại là một công ty công nghệ cao.
Người này cho biết đại diện của Samsung Electronics, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, đã không can dự vào cuộc họp. Công ty Hàn Quốc là một trong những công ty có tiếng nói nhất về các biện pháp nhằm bù đắp gánh nặng thuế gia tăng.
Amkor Technology và Bộ Kế hoạch và Đầu tư không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Samsung từ chối bình luận với hãng tin Anh.
Thông qua thuế bổ sung, chính phủ Việt Nam ước tính doanh thu thuế bổ sung hàng năm là 14,6 nghìn tỷ đồng (591 triệu USD) từ 122 công ty nước ngoài, và cho biết họ có ý định sử dụng số tiền thu được này để cung cấp tiền mặt cho các công ty đầu tư.
Tuy nhiên, các khoản trợ cấp mới sẽ không được bù trực tiếp cho gánh nặng thuế gia tăng, theo quy định của sáng kiến Thuế tối thiểu toàn cầu, các quan chức chính phủ nói với các đại diện công ty hôm thứ Ba, theo nguồn tin của Reuters.
Theo các quan chức OECD, mối liên hệ trực tiếp sẽ vi phạm thỏa thuận quốc tế đằng sau sáng kiến này và có thể dẫn đến việc chuyển doanh thu bổ sung sang nước sở tại của các công ty đa quốc gia, mặc dù các biện pháp thực thi hiện vẫn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, đối với một số công ty, các khoản trợ cấp mới có thể chi trả một phần lớn, nếu không phải là tất cả, chi phí thuế bổ sung, các chuyên gia am tường các cuộc thảo luận về vấn đề trợ cấp cho biết.
Việt Nam sẽ nghiên cứu sửa đổi thuế ưu đãi hiện hành để thu hút và bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài
08/3/2024
Bộ Tài chính Việt Nam nói sẽ nghiên cứu trình Chính phủ Hà Nội cho thành lập “Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để hỗ trợ cho các nhà đầu tư tại Việt Nam”.
Báo Chính phủ
Bộ Tài chính Việt Nam nói sẽ nghiên cứu trình Chính phủ Hà Nội cho thành lập “Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để hỗ trợ cho các nhà đầu tư tại Việt Nam”.
Thông tin vừa nêu được đưa ra vào ngày 7/3 tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư có tên “Việt Nam- Điểm đến đầu tư” diễn ra ở Seoul, Hàn Quốc.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin dẫn phát biểu của Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết theo chỉ đạo của Bộ Tài Chính, Tổng Cục Thuế đã tham mưu và phối hợp với các bộ, ngành tiến hành tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về thuế tối thiểu toàn cầu trong khuôn khổ Diễn đàn Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.
Chính phủ Hà Nội đã giao cho Bộ Tài Chính rà soát các chính sách thuế ưu đãi hiện hành để sửa đổi theo hướng tăng tính hấp dẫn nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các nhà đầu tư hiện hữu cũng như các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
“Kẻ phản bội” trong vụ án Vạn Thịnh Phát
Hiếu Bá Linh (tổng hợp)
08/3/2024
(VNTB) – Võ Tấn Hoàng Văn được Trương Mỹ Lan đưa lên làm Tổng Giám đốc SCB và được xem là “cánh tay phải” của Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB.
Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB – ông Võ Tấn Hoàng Văn (51 tuổi) – trong phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát hôm 7/3 đã tiết lộ về quá trình đưa 5,2 triệu USD tiền mặt để hối lộ bà Đỗ Thị Nhàn – cựu Cục trưởng Cục Thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đây là số tiền hối lộ cao nhất từ trước đến nay cho một cá nhân.
Cựu CEO SCB khai trước tòa rằng, buổi gặp đầu tiên giữa bà Lan với bà Nhàn, bị cáo không biết hai người nói gì. Nhưng sau đó, trong lần đi công tác Hà Nội, Văn được Nguyễn Phương Hồng (trợ lý của bà Lan và là người bị bắt cùng đợt với bà Lan nhưng sau đó đã đột tử trong tù) gọi điện nói “có thùng trái cây, anh mang qua cho chị Nhàn”.
“Bị cáo đã (cùng tài xế Nguyễn Nam Tuấn) 3 lần (ngày 2 và 9/10/2018 và ngày 12/12/2018) mang thùng trái cây đưa cho bà Nhàn (tại nhà riêng của bà Nhàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Bị cáo biết bên trong là tiền nhưng vì thùng xốp đóng gói rất kỹ nên không biết bao nhiêu. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết là 5 triệu USD”, Văn khai. Sau mỗi lần đưa tiền cho Nhàn, Văn đều thông báo Trương Mỹ Lan biết.
Ngoài ra, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai, trước đó ngày 23/3/2018 bị cáo đã cùng với Đinh Văn Thành cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB (người đã trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã) đưa 200.000 USD cho bà Nhàn tại Hà Nội. Ông Văn trực tiếp đưa cho Nhàn tại phòng làm việc của bà Nhàn ở trụ sở Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng.
Cáo trạng xác định, Võ Tấn Hoàng Văn là người trực tiếp đưa tiền cho Nhàn theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên ông Văn đã chủ động khai báo chi tiết việc đưa tiền cho Nhàn và các cá nhân khác trong quá trình thanh tra, tố giác hành vi của Nhàn (từ TRƯỚC KHI khởi tố vụ án), hợp tác tích cực với Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, làm rõ vụ án, nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Võ Tấn Hoàng Văn về tội đưa hối lộ. “Văn đã có đơn tố giác tội phạm về hành vi nhận tiền của Đỗ Thị Nhàn”, kết luận điều tra nêu.
Nhưng ông Võ Tấn Hoàng Văn vẫn bị truy tố về 2 tội: tham ô tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai vào làm việc tại ngân hàng SCB từ tháng 7/2013, trước đó làm ở công ty kiểm toán quốc tế. Do điều kiện gia đình, làm ở Hà Nội 18 năm nên bị cáo muốn trở về quê hương.
Lúc đó, bà Nguyễn Thị Thu Sương (chủ tịch hội đồng quản trị SCB, hiện đang trốn truy nã) mời bị cáo làm việc tại SCB nên bị cáo nhận lời. Ông Văn về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Chiến lược của ngân hàng.
Sau đó được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách vận hành ngân hàng, lúc này tổng giám đốc là Lê Khánh Hiền.
Tháng 11/2013 ông Lê Khánh Hiền từ chức nên Hội đồng Quản trị bổ nhiệm bị cáo làm quyền Tổng Giám đốc, tháng 12/2013 bổ nhiệm bị cáo làm Tổng Giám đốc.
Theo cáo trạng, Võ Tấn Hoàng Văn được Trương Mỹ Lan đưa lên làm Tổng Giám đốc SCB và được xem là “cánh tay phải” của Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB.
Đến tháng 7/2020 thì Võ Tấn Hoàng Văn nghỉ việc, rời khỏi ngân hàng SCB.
____________
Tham khảo:
Vụ án SCB
Hoài Nguyễn
(VNTB) – Vụ án mà báo chí gọi tắt là “vụ án Vạn Thịnh Phát” đang xét xử phiên hình sự sơ thẩm đúng ra phải là “vụ án ngân hàng TMCP Sài Gòn, SCB”.
Tất cả vi phạm của Vạn Thịnh Phát đều từ hoạt động ngân hàng. Vi phạm đến mức nghiêm trọng như thế, nhưng lại không thấy quan chức nào có trách nhiệm quản lý ngân hàng phải ra tòa cả.
Bị cáo đầu vụ Trương Mỹ Lan bị xét xử về 3 tội danh: tham ô tài sản hơn 304.000 tỷ đồng của ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho SCB hơn 64.000 tỷ đồng; và tội đưa hối lộ 5,2 triệu USD cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước tại SCB).
Theo cáo trạng, trong 10 năm, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm lập lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống, tham ô hơn 304.000 tỷ đồng nợ gốc và hơn 129.000 tỷ đồng lãi suất phát sinh từ nợ gốc; vi phạm quy định cho vay gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 64.000 tỷ đồng. Tất cả đều xảy ra tại SCB.
Cáo trạng cho biết, từ năm 2012 – 2022, với việc nắm gần như tuyệt đối cổ phần tại SCB (chủ tịch Vạn Thịnh Phát sở hữu 91,5% cổ phần ở SCB dưới danh nghĩa của 27 pháp nhân trong và ngoài nước cùng các cá nhân đứng tên giúp), bị cáo Trương Mỹ Lan thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, để rút 1 triệu tỷ đồng tại ngân hàng. Thiệt hại này đã được cơ quan tố tụng tính theo hướng có lợi cho các bị cáo, sau khi trừ đi giá trị đảm bảo tài sản cho các khoản vay.
Về dòng tiền đã giải ngân, SCB ghi nhận số tiền giải ngân cho các cá nhân, pháp nhân theo các phương án vay vốn đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân (F1 nhận tiền). Dòng tiền của 1.284 khoản vay/483.917 tỷ đồng dư nợ gốc – chưa trừ giá trị tài sản đảm bảo (khi giải ngân là 525.480 tỷ đồng) của bị cáo Trương Mỹ Lan xác định được như sau: trả nợ khoản vay cũ tại SCB 57.029 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB 381.303 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân chuyển khoản nội bộ trong SCB 5.275 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân rút tiền mặt 81.873 tỷ đồng.
“Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các lãnh đạo chủ chốt, Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính huy động tiền gửi và vốn từ các hoạt động khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách lập khống nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân”, Viện kiểm sát cáo buộc.
Cũng theo cáo trạng, hầu hết hồ sơ vay được đưa cho những người do Vạn Thịnh Phát thuê đến đều là giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký. Sau đó nhóm lãnh đạo SCB sẽ “phù phép” các giấy tờ ký khống này thành hồ sơ vay vốn rồi giải ngân tiền cho Vạn Thịnh Phát. Những người này đều không được sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn. Đa phần các khoản vay của Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát tại SCB đều được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau.
Trong gần 1.300 khoản vay thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan, có gần 700 khoản vay dư nợ hơn 382 ngàn tỷ chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân, số còn lại thì tài sản đảm bảo chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản.
Vụ việc đã có thể được “ra ánh sáng” sớm hơn nếu như không xảy ra chuyện bà Đỗ Thị Nhàn – khi ấy là cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước – đã không nhận khoản hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD từ tay bà chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Khi đó bà Nhàn nói SCB phải đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt” và muốn gặp bà Trương Mỹ Lan để yêu cầu làm rõ.
Kết quả của quá trình SCB bị thanh tra này, ngoài hối lộ 5,2 triệu USD cho nữ cục trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước, chủ tịch Vạn Thịnh Phát còn chỉ đạo chi tiền “lót tay” cho các thành viên trong đoàn thanh tra để được che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và sai phạm của nhà băng này. Những người có thẩm quyền trong đoàn thanh tra sau khi nhận “quà” đã không báo cáo trung thực, không kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt. Thậm chí còn kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho ngân hàng này được tiếp tục tái cơ cấu…
“Trong quá trình giám sát từ năm 2016 đến tháng 9-2022, các thành viên Tổ giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra, thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được cấp trên chấp thuận! Chỉ triển khai 2 cuộc thanh tra đột xuất vào năm 2020 và 2022, nhưng phạm vi thanh tra bị thu hẹp, không đúng đề xuất của Tổ Giám sát và ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước” – trích cáo trạng.
Như vậy nội bộ Ngân hàng Nhà nước thấy rõ bất ổn và nguy cơ ở SCB nhưng bị “lờ” đi! Lãnh đạo các cấp là ai và cấp trên không chấp thuận gọi tên vị nào? Nếu họ đồng ý liệu mất mát có khủng khiếp và thiệt hại kinh hoàng như vậy?
Lẽ đó nên đúng nhất ở đây cần phải gọi tên vụ án này là “vụ án SCB”, với vai trò chủ chốt liên quan đến toàn bộ quá trình quản trị của SCB, và trách nhiệm liên đới của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giai đoạn tương ứng lúc thanh tra ngân hàng này.
Ngoài ra nếu mang so với các vụ án tương tự, cơ chế kiểm soát còn phải chịu trách nhiệm chính là lãnh đạo địa phương, cấp tỉnh thành phố. Như vụ Minh 3-2 ở Bình Dương bắt Trần Văn Nam, bí thư Bình Dương và Trần Thanh Liêm, chủ tịch Bình Dương; vụ Sài Gòn Đại Ninh bắt bí thư chủ tịch Lâm Đồng; vụ mỏ cát An Giang bắt Nguyễn Thanh Bình chủ tịch An Giang… Còn vụ Trương Mỹ Lan kéo dài nhiều năm, có dư luận về việc thâu tóm bất động sản rồi để đó không làm gì, có lời khai hối lộ triệu đô… một mình Trương Mỹ Lan và sự tiếp tay của một số cán bộ ngân hàng cũng không thể vô hiệu hóa định chế kiểm soát mang tính Nhà nước, mà thực thể đại diện là chính quyền TP.HCM.
Sự nhạy bén “quốc gia”
Châu Nam Việt/VNTB 08/3/2024
(VNTB) – Show diễn The Eras Tour của Taylor Swift sẽ giúp Singapore thu về 500 triệu đô la
Trong thế kỷ 21, giới kinh doanh đã chứng kiến sự gia tăng của một xu hướng đáng chú ý: tích hợp giải trí, văn hóa và biểu diễn vào chiến lược phát triển kinh tế. Điều này không chỉ mở ra những cơ hội mới mà còn thể hiện sự thay đổi trong cách con người tiêu dùng, tận hưởng, và tương tác với thế giới xung quanh.
Show diễn mang tầm quốc tế và sự nhạy bén “quốc gia”
Những ngôi sao giải trí đã tận dụng sự bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội để dễ dàng vươn tới những đỉnh cao mới về không gian, giá trị, và tầm cỡ của những show diễn và cả những dịch vụ đi kèm theo.
Show diễn The Eras Tour của Taylor Swift tại Singapore đã là một minh chứng cho sự thay đổi mới đó. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore đã thương lượng với Taylor Swift để nữ ca sĩ chọn đảo quốc sư tử làm điểm đến duy nhất tại Đông Nam Á. Singapore đã trích tiền từ quỹ phát triển phục hồi du lịch hậu Covid-19 để mời Taylor Swift. Thỏa thuận này sẽ góp phần giúp Singapore phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch quốc tế sau khi thu về 500 triệu đô la từ các dịch vụ như lưu trú, ăn uống…
Singapore chiến thắng trong cuộc chiến độc quyền show diễn của Taylor Swift không chỉ là một thành tựu trong lĩnh vực giải trí, mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Không chỉ đơn thuần là một sự kiện giải trí đây còn là một cơ hội để quảng bá văn hóa và kinh tế của Singapore cùng với những khoản lợi nhuận từ các dịch vụ đi kèm. Nhờ có sự nhạy bén, lòng quyết tâm cũng như tầm nhìn dài hạn đã giúp Singapore nắm bắt được cơ hội để tạo ra một sự kiện có tầm quốc tế, phát huy quyền lực mềm của quốc gia.
Khả năng tổ chức và tiềm năng của Việt Nam không hề thua kém so với Singapore cả về lượng fan hâm mộ, năng lực tổ chức cũng như rất nhiều yếu tố khác. Nhiều show diễn lớn của những ban nhạc từng tới Việt Nam biểu diễn như Michael Learns To Rock, Blackpink… đã thu hút được một lượng lớn khán giả trong và ngoài nước. Hai đêm diễn của Blackpink trong năm 2023 đã giúp Hà Nội thu về 630 tỷ đồng.
Há miệng chờ sung, bóp nghẹt tự do và “đi ăn xin”
Việt Nam gần đây đã không thể nắm bắt cơ hội kinh doanh và phát triển du lịch dựa trên văn hóa một cách hiệu quả và linh hoạt. Thay vì đẩy mạnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các sự kiện giải trí trong nước, nhà cầm quyền Việt Nam lại đẩy mạnh kiểm duyệt, gia tăng giấy phép đã khiến cho ngành giải trí trở nên khó khăn và thiếu sức hấp dẫn, thiếu tự do bứt phá rủi ro.
Vì tranh cãi về “bản quyền âm nhạc” trước show diễn của Black Pink khiến show diễn có lúc dường như đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ. Người Việt trong nước phải sang tận Thái lan để xem chương trình “Paris By Night”, một chương trình tạp kỹ “thuần Việt” nhưng không thể được phép tổ chức tại Việt Nam vì lý do chính trị.
Dấu ấn duy nhất của lãnh đạo cấp cao trong những sự kiện văn hóa này là lá thư cảm ơn của ông Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – Trần Sỹ Thanh gửi ban nhạc BlackPink, khán giả hâm mộ và các lực lượng chức năng của Hà Nội sau 2 đêm diễn.
Thật tiếc, sự nhạy bén với những chiến lược mang tầm quốc gia để tự do phát triển kinh tế dựa trên dịch vụ, du lịch và quảng bá văn hóa đã bị xem nhẹ và bỏ lỡ. Hà Nội dường như chỉ nhạy bén trong việc thay phiên nhau ngửa tay đi xin viện trợ, “yêu cầu” giúp đào tạo nhân lực, và… năn nỉ phương tây công nhận nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Dường như lãnh đạo Việt Nam cho đến giờ chỉ vẫn loay hoay đề cao cảnh giác, phòng ngừa các mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia như: “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sợ phai nhạt bản sắc văn hóa dẫn đến suy giảm sức mạnh quốc gia, đồng thời quyết liệt chống lại các hành vi cổ xúy cho văn hóa ngoại lai.
Những câu hỏi nhức nhối từ vụ Vạn Thịnh Phát
Võ Xuân Sơn – 07/3/2024
Khi vụ Vạn Thịnh Phát vỡ lở, những thông tin mà báo chí đăng về qui mô vụ án làm cho hầu hết chúng ta kinh ngạc. Một câu hỏi mà nhiều người trong chúng ta đều đặt ra: Tại sao bà Trương Mỹ Lan đã có nhiều tiền, nhiều tài sản như vậy, mà vẫn tìm cách lừa đảo để cướp thêm tiền?
Đây thật sự là một câu hỏi mà không có mấy người có thể trả lời được. Cả nước Việt Nam này, có lẽ chỉ có vài người có số tài sản, tiền bạc, đủ để hiểu, tại sao bà Trương Mỹ Lan lại làm như vậy. Có lẽ hầu hết chúng ta, ngay cả khi mơ ước, cũng không dám mơ ước đến số tài sản, số tiền lớn như vậy. Ngay cả những câu chuyện thần thoại phương Đông như Alibaba và 40 tên cướp, thậm chí là cả ông Thần đèn, cũng không có số tài sản lớn như vậy.
Giống như mọi người, tôi không thể trả lời được câu hỏi đó. Nhưng tôi nhớ đến câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Bà vợ của ông lão muốn có một tòa lâu đài. Khi có tòa lâu đài, bà lại muốn làm Nhất phẩm Phu nhân. Rồi khi là Nhất phẩm Phu nhân, bà lại muốn làm Nữ Hoàng. Khi đã là Nữ Hoàng, bà lại muốn làm Long Vương, để trực tiếp sai khiến cá vàng… Lòng tham của con người ta không có điểm dừng. Có lẽ vậy.
Không lẽ chỉ một mình bà Trương Mỹ Lan có lòng tham không có điểm dừng. Tôi nghĩ số này thì nhiều, nhiều lắm. Nhưng tại sao chỉ có bà Trương Mỹ Lan (và có thể một số kẻ khác mà chúng ta chưa biết, nhưng chắc chắn là không nhiều), là đạt được đến mức độ khủng như chúng ta đã biết. Có lẽ là hầu hết mọi người đều bị nỗi sợ hãi không chế. Họ sợ pháp luật trừng trị, họ sợ quả báo…
Nhưng nếu chỉ có nỗi sợ không thôi thì có đủ khống chế những người có lòng tham không có điểm dừng không? Có lẽ chỗ này, bà Trương Mỹ Lan có điều kiện hơn nhiều kẻ khác. Đó là bà dễ dàng thực hiện các hành vi trái pháp luật, trái lương tâm, độc ác… để thâu tóm tiền bạc. Có thể cơ quan điều tra không biết, hầu hết chúng ta không biết, nhưng hàng chục ngàn nhân viên trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát biết, tại sao không có ai tố cáo?
Thực ra chúng ta không biết có ai tố cáo không. Nhưng chỉ thấy ngay sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, có mấy cái chết đột tử xảy ra ở những người nắm được các điểm mấu chốt của vụ án. Biết đâu trước đây cũng đã có người tố cáo, nhưng đã bị bịt đầu mối. Cái này chỉ là phỏng đoán thôi, nhưng nếu nó là thật, thì đây là một băng nhóm tội phạm hung ác và tàn nhẫn.
Nhưng nếu chỉ hung ác và tàn nhẫn, thì bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm có thể dễ dàng thu tóm tiền bạc được như vậy không? Câu trả lời chắc chắn là không. Dù có hung ác đến đâu thì bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm cũng chưa thể là đối thủ của hệ thống chuyên chính này. Vậy thì tại sao bà Trương Mỹ Lan lại có thể thâu tóm tiền bạc trái pháp luật suốt bao nhiêu năm trời, công khai trước bàn dân thiên hạ?
Đó là do cái định chế kiểm soát bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thoái hóa, thối nát. Nguyên một đoàn thanh tra gồm các thành viên Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, các thành viên của Kiểm toán Nhà nước, các thành viên của Thanh tra Chính phủ, các thành viên của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, và hàng loạt cán bộ cao cấp của Ngân hàng Nhà nước đều nhận hối lộ, và đều đồng ý ký vô một biên bản thanh tra, bao che cho sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và ngân hàng SCB.
Từ khi công cuộc “đốt lò” được triển khai, chúng ta đã đi từ ngạc nhiên này đến kinh ngạc khác. Không biết tới đây còn chuyện gì kinh thiên động địa hơn nữa không? Thực ra, nếu chiếu theo TTX vỉa hè, thì bà Trương Mỹ Lan chưa phải là người giàu nhất. Thậm chí người ta còn đồn từ trước khi bà mua cái tài sản XYZ nào đó, rằng bà sẽ mua nó dưới tên bà, nhưng là mua cho ai đó khác, giàu hơn bả.
Mà người ta còn đồn, rằng cái kẻ giàu hơn bà Trương Mỹ Lan, được bả đứng tên mua cho các tài sản XYZ nào đó, cũng vẫn chưa có phải người giàu nhất. Thôi, đó là những chuyện người ta đồn đại. Chúng ta còn chưa đủ sức hiểu những gì đã được công bố, thì làm sao mà hiểu những thứ người ta đồn đại.