Chuyện Việt Nam Thứ Ba 12/3/2024: Mỹ cung cấp thiết bị an ninh cho công an CSVN *Xâm nhập mặn tăng cao ở Bến Tre *Nên nói thật *Phó CT nước Võ Thị Ánh Xuân thăm Hoa Kỳ *Linh mục Pháp nạn nhân của Việt Minh ở Sapa *Cam Lộ-La Sơn nhiều người thương vong…
Quê Hương tổng hợp
Reuters: Nhiều tập đoàn Mỹ tìm kiếm thỏa thuận thiết bị an ninh với công an Việt Nam
11/03/2024 – VOA Tiếng Việt
Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm tiếp Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Marc Knapper tại trụ sở của Bộ ở Hà Nội hồi tháng 9/2022. Theo Reuters, hàng chục công ty Mỹ sẽ họp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng ở Hà Nội vào tuần tới.
Hàng chục công ty Hoa Kỳ sẽ tổ chức các cuộc họp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam vào tuần tới, khi một nhóm doanh nghiệp Mỹ muốn ký một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp thiết bị cho công an Việt Nam, theo Reuters trích dẫn thông tin từ nhà tổ chức.
Các cuộc gặp, dự kiến diễn ra vào ngày 18/3, là một phần của cuộc đối thoại dẫn tới việc nâng cấp quan hệ trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden hồi tháng 9, trong lúc Washington tìm cách giành được ảnh hưởng ở quốc gia chiến lược của Đông Nam Á, vốn cũng có quan hệ với Trung Quốc, theo Reuters.
Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US ABC), nhóm vận động tổ chức sự kiện, cho hãng tin Anh biết, thỏa thuận không mang tính ràng buộc có thể được ký kết bên lề các cuộc họp và sẽ giúp các giao dịch trong tương lai trở nên dễ dàng hơn. Ông Thành lưu ý rằng nhóm này trong những năm qua đã ký các hiệp định tương tự với các bộ khác của Việt Nam.
US ABC đã thảo luận trong nhiều tháng về biên bản ghi nhớ với Bộ Công an Việt Nam, ông Thành cho Reuters biết như vậy, và lưu ý rằng thỏa thuận sẽ là giữa Bộ và US ABC, mà không có sự tham gia trực tiếp của các công ty Mỹ.
Ông Thành nói rằng, gã khổng lồ hàng không và quốc phòng Mỹ, Boeing, sẽ tham gia các cuộc họp, nhưng không tiết lộ danh sách đầy đủ những người tham gia và từ chối cho biết liệu các công ty Hoa Kỳ, từng tham gia các cuộc đàm phán quốc phòng trước đây, có tham dự các cuộc họp vào tuần tới hay không.
“Boeing sẽ nêu bật mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng của công ty với Việt Nam và các cơ hội tăng cường năng lực hàng không vũ trụ của nước này,” Boeing nói với Reuters trong một tuyên bố gửi qua email.
ATMO, nhà cung cấp dịch vụ khí tượng sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) cho các chính phủ và quân đội có trụ sở tại Hoa Kỳ, cũng sẽ tham gia các cuộc họp, theo tiết lộ của ông Thành và xác nhận của công ty với Reuters.
US ABC, với các thành viên bao gồm một số tập đoàn lớn của Mỹ, đã gửi bản dự thảo thỏa thuận tới Bộ Công an Việt Nam, trong đó có các lĩnh vực mà “các công ty của chúng tôi có thể trợ giúp”, bao gồm cung cấp công nghệ phát hiện và ngăn chặn tội phạm, phân tích dữ liệu lớn, máy bay trực thăng, dịch vụ hàng không và an ninh mạng, ông Thành cho Reuters biết.
Chi tiết về cuộc đàm phán với lực lượng an ninh của Việt Nam, do Đảng Cộng sản cai trị, trước đây chưa được tiết lộ.
Ông Thành nói với hãng tin Anh rằng vẫn chưa rõ liệu Bộ Công an sẽ ký thỏa thuận này hay không. Bộ này không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. VOA cũng đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Công an.
Theo Chính phủ và văn bản luật năm 2022, Quốc hội Việt Nam vào tháng 6/2022 đã phê chuẩn việc thành lập một đơn vị cảnh sát cơ động để giải quyết tội phạm, khủng bố và bạo loạn. Đơn vị này cần bổ sung trang bị, bao gồm cả máy bay trực thăng.
Các quan chức Mỹ đã công khai nói rằng Washington sẽ sẵn sàng tăng cường phòng thủ cho Việt Nam, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi Hà Nội thường xuyên có tranh chấp với Trung Quốc về ranh giới chủ quyền.
Hỗ trợ cho công an Việt Nam có thể gây tranh cãi hơn ở Mỹ, theo Reuters. Báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền ở Việt Nam, công bố năm ngoái, đã cảnh báo về những vi phạm đáng kể và trích dẫn “những báo cáo đáng tin cậy cho thấy các thành viên của lực lượng an ninh đã có nhiều hành vi vi phạm”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó phản bác báo cáo này là “thiên vị” và dựa trên thông tin không chính xác.
SpaceX, công ty đã tham gia một phái đoàn doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tới Việt Nam vào năm ngoái, sẽ không tham gia các cuộc họp vào tuần tới, vì công ty không xin được giấy phép cho dịch vụ quốc phòng và liên lạc vệ tinh Starlink tại Việt Nam, ông Thành cho Reuters biết.
Tháng trước, Reuters đưa tin độc quyền rằng các cuộc đàm phán của SpaceX với Việt Nam về Starlink đã bị tạm dừng.
Theo ông Thành, các cuộc hội thảo về an ninh sẽ mở ra một tuần gặp gỡ giữa các quan chức chính phủ Việt Nam và đại diện của khoảng 50 công ty Mỹ, một phần trong sứ mệnh kinh doanh của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Bến Tre: xâm nhập mặn tăng cao và đạt đỉnh trên các sông chính trong tháng 3/2024
RFA – 12/3/2024
Nhiều người dân tự trang bị dụng cụ đo độ mặn trước khi lấy nước vào mương, ruộng phụ vụ cho sản xuất
TN-MT
Hiện xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre tăng cao và đạt đỉnh trên các sông chính. Độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 55-69km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 70-79km.
Ông Bùi Văn Thắm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bến Tre báo cáo thông tin trên với Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp, trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn mùa khô năm 2023 – 2024 trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Truyền thông loan trong cùng ngày.
Theo ông Thắm, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre mùa khô năm 2023-2024 đến sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Tình hình xâm nhập mặn tăng cao và đạt đỉnh trên các sông chính trong tháng 3/2024.
Qua đó, lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu xây dựng cống ngăn mặn tại cửa sông Hàm Luông kết hợp với cầu Hàm Luông trên tuyến đường bộ ven biển ngăn nước mặn xâm nhập vào cửa sông này vào nội đồng.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 67 nhà máy cấp nước, trong đó có 40 nhà máy nước bị ảnh hưởng hạn mặn với 12 ngàn hộ dân. Do đó, Thứ trưởng Hiệp yêu cầu tỉnh cần nhanh chóng thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt trên địa bàn để nhanh chóng cung cấp nước ngọt cho khoảng 13 ngàn hộ.
Ngoài ra, ông Hiệp cho biết Bộ sẽ cố gắng hoàn tất các thủ tục để cơ bản đến năm 2026 sẽ xây dựng hoàn thành các công trình thuộc dự án JICA -3, cùng với các công trình khác cơ bản khép kín hệ thống thủy lợi tiểu vùng Bắc Bến Tre.
Đối với tiểu vùng Nam Bến Tre, Bộ sẽ dùng vốn đầu tư Trung hạn và xin ý kiến Chính phủ bổ sung hơn 2.000 tỷ để đầu tư các dự án thủy lợi cho tiểu vùng này. Như vậy dự kiến đến năm 2027 cơ bản toàn tỉnh Bến Tre sẽ ổn định được nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trước diễn biến của xâm nhập mặn.
Nguyễn Thông – Nói thật
Các ông các bà nắm quyền cai trị đất nước này cứ thay phiên nhau “công du”, đi Mỹ, Nhật, Hàn, Úc, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy…
Tới nơi thì hãy chịu khó nghe nhìn, tiếp thụ, tìm hiểu ngọn ngành. Thấy cái gì hay của người ta thì học, kể cả đường lối chính sách, rồi về áp dụng làm lợi cho dân cho nước. Hiểu cái gì của mình lạc hậu, lỗi thời, cản trở sự phát triển thì dũng cảm rũ bỏ, chứ đừng đợi trăm năm.
Không làm được thế, thì ở nhà.
Lý luận cho lắm vào thì được trò gì. Sách in cho lắm vào, chất đống trong kho, đút trong hộc bàn, phủ bụi trên giá, chỉ có ma nó đọc.
Thực tế khách quan là thước đo, là thuốc thử pH chính xác nhất của mọi thứ lý luận. Nhớ lấy.
Chỉ có như vậy thôi, ngay cả đứa trẻ con cũng tỏ tường mà các vị cứ loay hoa loay hoay mãi. Đừng để sau này đám con cháu viết sử, chúng gọi các vị là tội đồ dân tộc, tham quyền cố vị, chặn con đường đi tới hạnh phúc của muôn dân, tiêu tốn biết bao nhiêu thì giờ quý báu của đất nước cho những thứ mơ mộng hão huyền.
NGUYỄN THÔNG 11.03.2024
Phó Chủ tịch Việt Nam CS Võ Thị Ánh Xuân công du Hoa Kỳ
12/03/2024 – VOA Tiếng Việt
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner tại New York hôm 11/3/2024. (Ảnh: TTXVN)
Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân bắt đầu chuyến công du tại Hoa Kỳ với các hoạt động song phương và tham dự một kỳ họp về quyền của phụ nữ do Liên Hiệp Quốc tổ chức từ ngày 10-14/3.
Truyền thông Việt Nam cho biết bà Xuân sẽ tham dự Kỳ họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị Phụ nữ (CSW) thuộc Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC). CSW, được thành lập năm 1946 và có 45 quốc gia thành viên, chuyên trách về hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Hôm 11/3, bà Xuân đã gặp Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) Achim Steiner. Truyền thông trong nước dẫn lời bà Xuân tại cuộc gặp với ông Steiner kêu gọi UNDP tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam về tài chính, tư vấn chính sách và tăng cường năng lực thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cũng như hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đồng bằng sông Cửu Long.
Hôm 10/3, tại New York, phái đoàn của bà Xuân tới thăm hỏi và chia buồn với gia đình nhà hoạt động cánh tả Mỹ, bà Merle Ratner, vừa qua đời sau vụ tai nạn giao thông hồi đầu tháng 2. Bà Xuân nói rằng Việt Nam “luôn ghi nhớ và trân trọng tình cảm, những đóng góp mà Merle Ratner đã dành cho Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, từ hoạt động phản chiến, xây dựng đất nước, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam”.
Cũng hôm 10/3, phái đoàn cũng đến thăm và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Quốc gia 11/9 của Mỹ để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố năm 2001.
Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper hôm 10/3 cho biết trên Facebook rằng ông có cuộc gặp với bà Xuân trước khi bà bắt đầu chuyến thăm Hoa Kỳ để tham dự các cuộc họp của LHQ và các hoạt động song phương ở thủ đô Washington.
Chưa có tin về kế hoạch của bà Xuân dành cho việc gặp gỡ các quan chức của Nhà Trắng và giới chức lập pháp Hoa Kỳ.
Dương Quốc Chính –Vị linh mục Pháp là nạn nhân của Việt Minh ở Sapa
12/3/2024
Mình đi Sapa bốn lần rồi, hầu như đều lượn qua nhà thờ ngó nghiêng, nhưng lần này mới để ý tới hai ngôi mộ phía sau nhà thờ.
Nhìn một cái bia mộ, thấy ông cha chết trẻ quá, mà chết đúng năm 1948, nên đầu nảy số ngay, chắc bị Việt Minh ám sát.
Google 5 phút thì thấy đoán chuẩn luôn, Việt Minh chém đầu ông ấy vứt ra sau rừng. Một tuần sau mới tìm được để chôn. Ông cha này còn là một kiến trúc sư.
Linh mục Jean Pierre Jean-Pierre Idiart Alhor (1904 – 1948). Nguồn: CGVN
Năm 48 thì đây là thuộc chiến khu, nên có lẽ Việt Minh không muốn sự tồn tại của một linh mục ở chiến khu. Có thể họ lo ngại rằng những người này sẽ do thám tin tức cho quân Pháp. Hồi đó thì không cần biết có tội gì không. Việc ám sát khá là phổ biến, cả ở miền Nam cũng vậy thôi, giai đoạn tướng Nguyễn Bình làm tư lệnh thì những ai cộng tác với Pháp là rất dễ bị ám sát.
Có chi tiết này người ngoại đạo có lẽ dễ nhầm. Đó là khi Cách mạng tháng Tám diễn ra, các linh mục không bỏ chạy khỏi vùng Việt Minh chiếm được. Hay năm 54, khi Hiệp định Geneva được ký, các linh mục cũng không bị buộc phải di cư vào Nam. Hình như tầm năm 56 gì đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới chính thức trục xuất Khâm sứ Vatican, không còn quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh nữa. Gần đây mới có rục rịch tái quan hệ với Vatican nhưng chưa xong.
Năm 1995, nhà thờ này mới được trả về cho bên Công giáo. Giống như nhà thờ đá Tam Đảo, nhà thờ đá Sapa không bị tiêu thổ kháng chiến, nên mới còn nguyên vẹn tới giờ.
Sáng nay mình mới đến cái tu viện cổ bị bỏ hoang, đang nghiên cứu xem lịch sử nó thế nào. Mình bị cái tật rất mất thời gian là đi đâu cũng tìm hiểu lịch sử những nơi mình đến.
P/S: Bổ sung thông tin về tòa tu viện cổ bị bỏ hoang gần lối vào bản Tà Phìn. Trích dẫn:
Năm 1942, trong thời chiến tranh vùng Đông Dương, ngài (vị linh mục bị ám sát nói trên) cũng đã tiếp đón những nữ tu người Pháp rời Nhật đến Sapa. Khi chính quyền Pháp tạo điều kiện cho việc định cư cách Sapa tám cây số, cha Idiart-Alhor bắt tay vào việc xây dựng một tu viện mới cho các nữ tu này. Là một kiến trúc sư, ngài đã thực hiện công việc này cách nhanh chóng và một tu viện đẹp đẽ mọc lên phục vụ cho cộng đồng. Với việc ra đời của tu viện, cùng với sự phục vụ của các nữ tu, cha Idiart-Alhor hy vọng rằng đời sống đạo tại khu vực xinh đẹp này sẽ nhanh chóng phát triển. Nhưng chiến tranh đã làm tiêu tan tất cả những dự án của cha.
Tháng Ba năm 1945, ngài bị Việt Minh bắt cùng với những người Châu Âu khác đang sống tại Sapa. Cộng đoàn Công giáo tại đây bị lục soát và bị theo dõi nghiêm ngặt. Sau ba tháng bị bắt giam, họ trục xuất ngài về Hà Nội. Khi tình hình trở nên khá hơn, cha Idiart-Alhor lên lại với Sapa.
Hết trích.
Mười hai nữ tu rời tu viện do Việt Minh trục xuất về Hà Nội (báo chí cách mạng không dám nhắc tới lý do này), vì thế nên tòa tu viện bị bỏ hoang và đổ nát tới giờ. Họ đã không quay lại nữa, chứ nếu quay lại chắc cũng cùng chung số phận với vị linh mục xấu số kia.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 11.03.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Nguyễn Đình Bổn – Cam Lộ-La Sơn : Sẽ còn bao nhiêu người chết oan ?
12/3/2024
Thêm một tai nạn thảm khốc trên “cao tốc” này!
Nhiều con bò cho rằng tai nạn là do người điều khiển xe và ở Mỹ, Pháp, Nhật, Canada… cũng có những “cao tốc” hai làn xe.
Thì đúng là ở những nước đó có đường hai làn xe. Nhưng không phải vì họ không có tiền xây nhiều làn hơn, mà đó là các con đường hẻo lánh, xa xa mới có một chiếc xe chạy.
Chớ đâu phải như Việt Nam, con đường này gần như độc đạo (nếu không tính quốc lộ 1) nên lượng xe lưu thông dày đặc, tai nạn xảy ra không chỉ do người lái xe!
Nếu không có giải pháp nào thì con đường này nên đóng lại, để khỏi mất thêm nhiều mạng người.
NGUYỄN ĐÌNH BỔN 11.03.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
New Zealand viện trợ Việt Nam gần 4 triệu USD, hai bên nhắm tới thương mại 3 tỷ USD
12/03/2024
Thủ tưởng New Zealand Christopher Luxon gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ở Wellington, 11/3/2024.
Hai thủ tướng của Việt Nam và New Zealand gặp nhau hôm 11/3, bàn việc tăng hơn gấp đôi kim ngạch thương mại song phương từ mức của năm 2023, tuyên bố báo chí chung của hai nước cho hay. Bên cạnh đó, New Zealand cấp thêm viện trợ gần 4 triệu đô la Mỹ cho Việt Nam, vẫn theo bản tuyên bố.
Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính với người đồng cấp của nước chủ nhà, ông Christopher Luxon, ở thủ đô Wellington được bản tuyên bố chung mô tả là “sâu rộng, trên tinh thần xây dựng”, nội dung tuyên bố được đăng trên Báo Điện tử Chính phủ của Việt Nam cho biết.
Hai nhà lãnh đạo “đã thảo luận các cơ hội để gia tăng nhanh chóng kim ngạch thương mại hai chiều, hướng tới mục tiêu 3 tỷ đô la Mỹ vào năm 2026”, theo bản tuyên bố.
Để đi đến mục tiêu đó, hai bên sẽ “tăng cường hợp tác du lịch và giáo dục cũng như dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện đầy đủ các hiệp định thương mại tự do hiện có, đồng thời nghiên cứu các biện pháp để tạo thuận lợi cho đầu tư hai chiều”, tuyên bố đăng trên Báo Điện tử Chính phủ nêu rõ.
Con số 3 tỷ đô la Mỹ mà hai nước nhắm sẽ đạt được trong vòng hơn 2 năm tới cao gấp 2,3 lần so với mức 1,3 tỷ đô la Mỹ của năm 2023.
Cũng liên quan đến thương mại song phương, theo tin hôm 11/3 của Thông tấn xã Việt Nam, hai vị bộ trưởng phụ trách thương mại của hai nước đã ký thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao-Thương mại New Zealand.
Một nội dung quan trọng trong bản thỏa thuận là hai nước hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 2 tỷ đô la Mỹ ngay trong năm 2024 này, thể hiện kỳ vọng sẽ có mức tăng tới 55% từ con số của năm ngoái.
Các số liệu trong bản tin của TTXVN cho thấy hai nước không phải là các đối tác hàng đầu của nhau vì Việt Nam đứng ở vị trí thứ 14 trong số các đối tác thương mại của New Zealand và chiếm 1,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của New Zealand; ở chiều ngược lại, New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 38 của Việt Nam.
Bên cạnh việc bàn thảo với vị khách là nhà lãnh đạo Việt Nam về các cách thức để tăng mạnh kim ngạch thương mại, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon công bố khoản viện trợ mới trị giá 6,24 triệu đô la New Zealand (3,85 triệu đô la Mỹ) cho lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, tuyên bố báo chí chung của hai nước cho hay.
Số tiền đó được cấp cho “Dự án phát triển giống cây ăn quả chất lượng cao (VietFruit)” giai đoạn 3, một hợp tác của Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand với Việt Nam nhằm thúc đẩy ngành trồng trọt cây chanh leo ở Việt Nam. Trước đây, New Zealand đã trợ giúp một dự án tương tự với cây thanh long và chương trình đó được bản tuyên bố chung mô tả là “đã rất thành công”.
Tuyên bố cho biết thêm rằng hai vị thủ tướng nhất trí sẽ tiến hành Đối thoại Biển song phương lần đầu tiên trong năm 2024 về luật pháp quốc tế, quản trị và bảo tồn biển.
Hai ông Phạm Minh Chính và Christopher Luxon nhắc lại quyết tâm của Việt Nam và New Zealand về “tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”, theo bản tuyên bố.
Hai nước “cam kết hợp tác với nhau và với các đối tác quốc tế khác để đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới, trong đó có Biển Đông”, tuyên bố nêu rõ.