Thời sự Thứ  Tư 27 tháng 3 năm 2024: *Nhật Bản xuất khẩu chiến đấu cơ *Cách chức thư ký Hội đồng An ninh QG Ukraine *Mỹ, Hàn ngăn chặn chuyển dầu cho Bắc Hàn *Đàm phán Israel – Hamas *TikTok yếu thế *Truth Social bắt đầu giao dịch *Ô Trump nộp bảo lãnh 175 triệu USD


Võ Thái Hà tổng hợp


Nhật Bản phê duyệt sửa đổi quy định xuất khẩu chiến đấu cơ

Minh Phương /RFI

27/3/2024

Hôm nay, 26/03/2024, nội các Nhật Bản đã thông qua việc sửa đổi các quy định chuyển giao công nghệ và thiết bị vũ khí để cho phép xuất khẩu các máy bay chiến đấu thế hệ mới mà nước này đang phát triển cùng với Anh và Ý. Đây là động thái mới nhất của Tokyo nhằm thoát khỏi các nguyên tắc chủ hòa kể từ sau Thế chiến thứ hai. 

Britain's Defense Minister Grant Shapps, right, Italy's Defense Minister Guido Crosetto, left, and Japanese Defense Minister Minoru Kihara, center, shake hands after a signing ceremony for the Global

(Ảnh minh họa) – Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Grant Shapps (P), đồng nhiệm Ý Guido Crosetto (T) và đồng nhiệm Nhật Minoru Kihara (G) tại lễ ký Chương trình Không quân Tác chiến Toàn cầu (GCAP), Tokyo, ngày 14/12/2023. AP – David Mareuil 

Quyết định này sẽ cho phép Tokyo lần đầu tiên xuất khẩu vũ khí sát thương. Nhật Bản hiện đang hợp tác với Anh và Ý để phát triển một loại máy bay chiến đấu tân tiến, nhằm thay thế các chiến đấu cơ Eurofighter Typhoons và phi đội máy bay chiến đấu F-2 do Mỹ thiết kế từ lâu.

Theo AP, chánh văn phòng nội các Yoshimasa Hayashi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những thay đổi này đối với an ninh của Nhật Bản, đồng thời khẳng định Tokyo sẽ “tiếp tục tuân thủ triết lý cơ bản là một quốc gia chủ hòa” và có các “quy định nghiêm ngặt về thủ tục phê duyệt bán máy bay phản lực”. 

Cho đến hiện tại, việc xuất khẩu chiến đấu cơ sẽ được hạn chế trong 15 quốc gia đã ký các thỏa thuận hợp tác quốc phòng và chuyển giao thiết bị với Tokyo. Ngoài ra, Nhật Bản cũng không xuất khẩu chiến đấu cơ đến những nước có xung đột.

Nhật Bản từ lâu đã duy trì chính sách nghiêm ngặt nhằm hạn chế chuyển giao thiết bị và công nghệ quân sự cũng như cấm xuất khẩu mọi loại vũ khí sát thương theo Hiến Pháp chủ hòa của nước này, nhưng đã nhanh chóng tiến hành từng bước nhằm bãi bỏ quy định, trong bối cảnh leo thang căng thẳng trong khu vực và trên toàn thế giới, đặc biệt là sau các hành động khiêu khích từ nước láng giềng Trung Quốc.


Tổng thống Ukraina Zelensky cách chức thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia

Phan Minh /RFI – 27/3/2024

Theo sắc lệnh được công bố hôm qua 26/03/2024 trên trang web của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, thư ký Hội đồng An ninh Quốc giao, Oleksiy Danilov, bị cách chức. Ông Oleksandr Lytvynenko, lãnh đạo cơ quan tình báo Ukraina ở nước ngoài, lên thay. Kiev không cho biết lý do của sự thay đổi này. 

Oleksiy Danilov, who was at the time the secretary of Ukraine's National Security and Defence Council, looks on during an interview with Reuters, in Kyiv, Ukraine June 29, 2023.

Ảnh tư liệu: Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraina, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters, tại Kiev, Ukraina, ngày 29/06/2023. REUTERS – Alina Smutko 

Ông Oleksiy Danilov đã giữ chức vụ thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraina từ tháng 10/2019, vài tháng sau khi tổng thống Volodymyr Zelensky nhậm chức. Hội đồng này có nhiệm vụ điều phối các vấn đề an ninh và quốc phòng dưới sự chỉ đạo của tổng thống. Hội đồng bao gồm các quan chức chính trị, an ninh và quốc phòng then chốt của đất nước.

Tổng thống Zelensky thường xuyên thay thế các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao kể từ khi Nga phát động chiến tranh chống Ukraina vào tháng 02/2022. Theo hãng tin Anh Reuters, việc tổng tư lệnh quân đội Ukraina Valeri Zaloujny bị cách chức vào tháng 2 vừa qua đã báo trước một cuộc thanh lọc diện rộng trong quân đội.

Cũng trên trang web của tổng thống Zelensky, phó giám đốc cơ quan tình báo quân sự Ukraina Oleh Ivashchenko sẽ được bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan tình báo ở nước ngoài thay ông Lytvynenko.

Nhìn sang nước láng giềng, thứ trưởng Ngoại Giao Ba Lan hôm qua cho biết Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xem xét khả năng bắn hạ tên lửa của Nga bay sát biên giới NATO, hai ngày sau khi Vacxava thông báo không phận bị xâm phạm. Bộ trưởng Quốc Phòng Ba Lan cho biết nước này đã kích hoạt tất cả hệ thống phòng không và mọi tên lửa sẽ bị bắn hạ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chúng bay về hướng Ba Lan.


Mỹ, Hàn Quốc lập lực lượng chuyên ngăn chặn hoạt động chuyển dầu cho Triều Tiên 

27/3/2024 – Reuters 

Một tàu dầu của Nga.

Một tàu dầu của Nga. 

Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong tuần này vừa thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới nhằm ngăn chặn việc Triều Tiên mua dầu bất hợp pháp, trong bối cảnh bế tắc tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) làm dấy lên nghi ngờ về tương lai của các lệnh trừng phạt quốc tế, Reuters đưa tin.

Cuộc họp đầu tiên của Lực lượng đặc nhiệm tăng cường ngăn chặn (EDTF) đã được tổ chức tại thủ đô Washington hôm 26/3.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay cuộc gặp có sự tham gia của hơn 30 quan chức từ các bộ, cơ quan phụ trách ngoại giao, tình báo, trừng phạt và ngăn chặn hàng hải.

Tuyên bố cho biết thêm hai bên bày tỏ quan ngại về khả năng Nga cung cấp dầu tinh lọc cho Triều Tiên và thảo luận về cách đình chỉ sự hợp tác bất hợp pháp giữa Moscow và Bình Nhưỡng.

Tuyên bố nêu rõ: “Dầu là nguồn tài nguyên thiết yếu cho hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa cũng như vị thế quân sự của Triều Tiên”.

Theo các hạn chế của HĐBA LHQ áp đặt đối với các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Bình Nhưỡng bị hạn chế, chỉ được nhập khẩu 4 triệu thùng dầu thô và 500.000 thùng sản phẩm tinh lọc mỗi năm.

Một nhà ngoại giao LHQ nói với Reuters tuần trước rằng có khả năng lớn Nga sẽ phủ quyết một nghị quyết của LHQ về việc kêu gọi tiếp tục ủy nhiệm cho hội đồng chuyên gia giám sát các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.

Một hội đồng chuyên gia của LHQ giám sát việc thực hiện các biện pháp trừng phạt nói trong tháng này rằng các tàu chở dầu treo cờ Triều Tiên có thể đã vận chuyển hơn 1,5 triệu thùng sản phẩm dầu mỏ tinh lọc từ ngày 1/1 đến ngày 15 /9 năm ngoái.

Hoa Kỳ và Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng ở Ukraine. Nga và Triều Tiên phủ nhận điều này ngay cả khi họ cam kết tăng cường hợp tác quân sự.

Hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy các tàu chở dầu của Triều Tiên, bao gồm một số tàu bị trừng phạt, đã cập cảng của Nga trong những tuần gần đây.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ-Hàn đang xem xét các hành động tiềm năng nhằm phá vỡ mạng lưới của Triều Tiên thu mua dầu đã lọc, bao gồm vạch trần các hoạt động trốn tránh lệnh trừng phạt, áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và bên thứ ba trong khu vực, là những người cố ý hoặc vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển dầu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói.

Trong tương lai, lực lượng đặc nhiệm này có thể nhắm vào các lĩnh vực trốn tránh lệnh trừng phạt khác, bao gồm cả việc bán than, Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố.


Đàm phán Israel – Hamas lại bế tắc

Lý Ngọc biên dịch – 27/3/224

Đàm phán Israel - Hamas lại bế tắc

Vào ngày 26 tháng 3 năm 2024, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng Israel sẽ không đáp ứng những yêu cầu ảo tưởng của Hamas. (Jack Guez/AFP qua Getty Images) 

Các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas lại đổ vỡ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng sẽ không có điều gì có thể thỏa mãn “những yêu cầu ảo tưởng” của Hamas.

Văn phòng Thủ tướng Netanyahu hôm thứ Ba (26/3) ra tuyên bố cho biết: “Hamas một lần nữa bác bỏ mọi đề xuất thỏa hiệp của Mỹ “.

Tuyên bố liệt kê các yêu cầu “cực đoan” của Hamas, vốn bị Mỹ và Liên minh châu Âu coi là tổ chức khủng bố: Yêu cầu chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến ở Gaza, rút ​​hoàn toàn quân Israel khỏi lãnh thổ cũng như “tiếp tục kiểm soát để tái diễn thảm sát ngày 7/10”.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ: “Lập trường của Hamas rõ ràng cho thấy họ hoàn toàn không quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán, và chứng tỏ sự phá hoại do các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (được thông qua vào thứ Hai yêu cầu ngừng bắn ở Gaza) đã gây ra”.

Ông Netanyahu một lần nữa nhấn mạnh trong tuyên bố rằng “Israel sẽ không đáp ứng những yêu cầu ảo tưởng của Hamas. Israel sẽ theo đuổi và đạt được các mục tiêu chiến tranh chính đáng của mình: Tiêu diệt năng lực quân sự và chính phủ của Hamas, thả tất cả con tin và đảm bảo rằng Gaza không còn là mối đe dọa đối với công dân Israel trong tương lai”.

Đài phát thanh Quân đội Israel cho biết, chính phủ Israel đã thông báo cho các nhà đàm phán của họ ở Qatar (Qatar đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai bên) trở về nước.

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Netanyahu không đề cập đến điều này hay nói rằng các cuộc đàm phán đã dừng lại.

Điều này diễn ra sau nhiều tuần đàm phán giữa Israel và Hamas, nhưng dường như có rất ít tiến triển.

Vào thời điểm đó, Israel đã nói rõ rằng lệnh ngừng bắn chỉ có thể là tạm thời trong khoảng sáu tuần hoặc lâu hơn, và cuộc chiến sẽ phải tiếp tục cho đến khi lực lượng Hamas còn lại bị tiêu diệt.

Israel cũng cho biết Hamas phải đồng ý thả con tin trước khi lệnh ngừng bắn có thể bắt đầu.

Theo CNN, trong cuộc hội đàm diễn ra tại Doha, Qatar, Chủ nhật tuần trước, các nhà đàm phán Israel đã ký một thỏa thuận đồng ý với đề xuất của Mỹ về việc trao đổi tù nhân và con tin, với 700 tù nhân Palestine, trong đó có 100 người bị kết án tù chung thân vì giết người Israel, đổi lấy 40 con tin bị Hamas bắt giữ, bao gồm phụ nữ, trẻ vị thành niên, người già và người ốm yếu. Nhưng Hamas cố gắng thắt chặt các điều khoản để đổi lấy con tin.

Hôm thứ Hai (25/3), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Hamas ở Gaza, sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng. Ông Netanyahu đã đưa ra tuyên bố đáp trả, nói rằng Hoa Kỳ đã đi chệch khỏi quan điểm nhất quán của mình trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kể từ cuộc chiến tranh. Trước sự thay đổi quan điểm của Mỹ, ông Netanyahu quyết định hủy chuyến thăm Mỹ của phái đoàn Israel.

Chiến tranh Israel – Hamas nổ ra vào ngày 7/10 năm ngoái, khi Hamas phát động cuộc tấn công khủng bố vào Israel, khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt khoảng 250 người làm con tin. Israel ngay lập tức tiến hành các cuộc tấn công trả đũa chống lại Hamas và kéo dài cho đến ngày nay.

https://vietluan.com.au


TikTok yếu thế trong cuộc chiến mạng xã hội

Minh Minh/ Theo Businessinsider

26/3/2024

So với TikTok, Instagram hoạt động khá “im hơi lặng tiếng” nhưng hóa ra nền tảng này lại đang dẫn đầu trong cuộc chiến truyền thông xã hội.
tiktok
Theo dữ liệu từ công ty tình báo thị trường Sensor Tower ước tính số lượt tải xuống trên Instagram đã tăng 20% vào năm 2023 so với năm trước. (Ảnh: Ascannio/ Shutterstock)

Theo dữ liệu từ công ty tình báo thị trường Sensor Tower, Instagram đã vượt xa TikTok về số lượt tải xuống toàn cầu vào năm ngoái. Sensor Tower ước tính số lượt tải xuống trên Instagram đã tăng 20% vào năm 2023 so với năm trước. TikTok chỉ đạt mức tăng trưởng 4% so với cùng kỳ, đồng thời mức tăng trưởng về số lượng người dùng hoạt động hàng ngày cũng có dấu hiệu chững lại.

Lý do rất đơn giản: Chức năng video ngắn của Instagram – Reels – đang hoạt động hiệu quả ngang với TikTok ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, Instagram còn có lợi thế lớn về giao diện đánh mạnh vào hình ảnh. Ngoài ra, họ cũng không gợi ý các video bán hàng gây khó chịu cho người dùng giống như TikTok.

Abe Yousef, nhà phân tích thông tin chuyên sâu cao cấp tại Sensor Tower, giải thích: “Instagram vừa có video ngắn, vừa có nhiều tính năng truyền thông xã hội khác cho người dùng. Những người thích xem reels hoàn toàn có thể chia sẻ hình ảnh như bình thường. Họ còn có story và cửa sổ trò chuyện, tất cả đều là những tính năng cơ bản đối với mạng xã hội”.

Ví dụ: TikTok không cho phép trò chuyện nhóm và DM, điều này gây ra hạn chế rất lớn trong việc chia sẻ video.

“TikTok cũng đang có dấu hiệu chậm lại ở mảng tương tác”, Yousef nói.

TikTok đã nhận thấy tính năng ảnh hạn chế đang gây ra ảnh hưởng lớn tới mức độ tương tác tổng thể trên ứng dụng của họ như thế nào. Theo một phân tích mã được phát hiện bởi blog công nghệ The SpAndroid, Tiktok có thể đang trong quá trình phát triển một chức năng ảnh chuyên dụng.

Dưới đây là ba điểm chính rút ra từ phân tích của Sensor Tower:

– TikTok vẫn thu hút được người dùng mới nhưng với tốc độ chậm hơn. Theo Sensor Tower, số người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu của TikTok, gọi tắt là MAU, đã tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 4 năm 2023. Trong năm 2022, con số này là 6% và năm 2021 là 47%.

– Instagram đang vượt qua TikTok về số lượt tải xuống vì ứng dụng này đã mất đi sức hấp dẫn của một “gương mặt mới”. Theo ước tính của Sensor Tower, số lượt tải xuống toàn cầu của Instagram vào năm 2023 là hơn 767 triệu – tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. TikTok đạt 733 triệu lượt tải xuống toàn cầu trong cùng thời gian.

– Tốc độ tăng trưởng của TikTok đang chững lại nhưng người dùng của nó thì vẫn dành rất nhiều thời gian để lướt các video ngắn. Theo ước tính, người dùng TikTok đã dành trung bình 95 phút mỗi ngày (tương đương với độ dài của một tập phim) cho ứng dụng này trong quý 4 năm 2023. Trong khi đó, người dùng dành khoảng một giờ cho Instagram và khoảng 53 phút mỗi ngày cho Facebook.


Truth Social của ông Trump hoàn tất việc sáp nhập, bắt đầu giao dịch

Truth Social của ông Trump hoàn tất việc sáp nhập, bắt đầu giao dịch

Vào ngày 25/3/2024, một máy tính bảng ở Chicago, Illinois, Hoa Kỳ hiển thị logo nền tảng mạng xã hội “Truth Social” của cựu Tổng thống Trump. Công ty truyền thông xã hội của Trump đã hoàn tất việc sáp nhập và chuẩn bị IPO. (Hình ảnh Scott Olson/Getty) 

Công ty truyền thông xã hội mới được sáp nhập của ông Trump sẽ bắt đầu giao dịch trên Thị trường chứng khoán Nasdaq vào thứ Ba (26/3). Nền tảng truyền thông xã hội Truth Social do cựu tổng thống Mỹ tạo ra hiện thuộc sở hữu của công ty này.

Ông Trump cho biết trong một tài liệu gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) hôm thứ Hai (25/3) rằng công ty sở hữu ứng dụng Truth Social có tên là Trump Media & Technology Group Corp. (TMTG). Mã giao dịch chứng khoán là DJT, là tên viết tắt của Donald J. Trump.

TMTG là kết quả của sự sáp nhập giữa công ty cùng tên của ông Trump và công ty vỏ bọc niêm yết công khai Digital World Acquisition Corp. (DWAC).

Thứ Sáu tuần trước, đa số cổ đông của DWAC đã bỏ phiếu tán thành việc sáp nhập với TMTG. Theo các tài liệu nộp cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, việc sáp nhập đã được hoàn thành vào thứ Hai (25/3).

Giá cổ phiếu của DWAC đã tăng hơn 20% vào thứ Hai. Đầu ngày hôm đó, một tòa phúc thẩm ở New York đã đình chỉ bản án gian lận thương mại dân sự của ông Trump trong 10 ngày và giảm đáng kể số tiền bảo lãnh kháng cáo bắt buộc đối với ông Trump. Giá cổ phiếu phục hồi vào thứ Hai đã bù đắp cho sự sụt giảm giá cổ phiếu của DWAC vào thứ Sáu tuần trước sau khi việc sáp nhập được chấp thuận.

Ông Trump là chủ tịch và cổ đông lớn của công ty mới, sau khi sáp nhập hoàn tất sẽ nhận được hàng tỷ USD.

Với mức giá hiện tại, cổ phần của ông Trump có giá trị khoảng 4 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Trump có thể không thể bán hoặc thậm chí mượn giá trị cổ phiếu trong nhiều tháng do các hạn chế về phong tỏa.

Cựu Dân biểu Đảng Cộng hòa California, Devin Nunes, giữ chức vụ Giám đốc điều hành của công ty mới này. Ông từng là Giám đốc điều hành của TMTG trước khi sáp nhập với DWAC. Cựu Giám đốc điều hành DWAC, Eric Swider, sẽ trở thành thành viên ban giám đốc của công ty mới.

Ông Nunes cho biết trong một tuyên bố rằng công ty mới sẽ “lấy lại Internet từ tay các nhà kiểm duyệt của Big Tech”.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện lời hứa của mình với người Mỹ là đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn cho tự do ngôn luận và đứng lên chống lại đội quân đàn áp ngôn luận đang ngày càng gia tăng”.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai (25/3), ông Trump đã ca ngợi hiệu suất của Truth Social bất chấp tình hình tài chính kém của nền tảng này.

Ông nói: “Truth Social đang hoạt động rất tốt. Nó nóng như một khẩu súng lục và đang hoạt động rất tốt”.

Nhiều người cho rằng ông Trump sẽ sử dụng việc mua lại cổ phiếu để trả cho một phần phán quyết gian lận dân sự trị giá 464 triệu USD của ông, hiện ông Trump chỉ phải nộp tiền bảo lãnh xuống còn 175 triệu USD.

Lý Ngọc biên dịch


Ông Trump sẽ phải nộp phí bảo lãnh 175 triệu USD để tránh bị tịch thu tài sản

Ông Trump sẽ phải nộp phí bảo lãnh 175 triệu USD để tránh bị tịch thu tài sản

Vào ngày 25 tháng 3 năm 2024, Tòa phúc thẩm Tiểu bang đã chấp nhận đơn xin bảo lãnh 175 triệu đô la của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Trump trong “vụ lừa đảo dân sự” chống lại ông ở Bang New York. (Andrew Buchanan/AFP qua Getty Images) 

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Trump hôm thứ Hai (25/3) cho biết, ông sẽ trả khoản tiền bảo lãnh trị giá 175 triệu USD theo yêu cầu của tòa phúc thẩm ở tiểu bang New York.

Một hội đồng xét xử phúc thẩm tiểu bang gồm 5 thẩm phán cho biết, trong phán quyết hôm thứ Hai (25/3) ông Trump được tạm hoãn thi hành số tiền phạt 464 triệu USD nếu trong 10 ngày tới ông nộp khoản bảo lãnh 175 triệu USD. Phán quyết này ngăn cản Tổng chưởng lý New York Letitia James tịch thu tài sản của ông Trump ngay sau ngày thứ Hai.

Theo hãng tin Reuters, đây được coi là ‘chiến thắng’ của ông Trump trong bối cảnh ông đang phải đối mặt với nhiều rắc rối pháp lý. Phán quyết của tòa phúc thẩm tiểu bang New York được cho là sẽ giúp giảm bớt tình trạng khủng hoảng tiền mặt của ông Trump.

“Chúng tôi sẽ tuân theo quyết định của Hội đồng phúc thẩm bằng cách cung cấp trái phiếu, chứng khoán tương đương hoặc tiền mặt”, ông Trump viết trên nền tảng truyền thông Truth Social.

Thẩm phán Arthur Engoron đã ra phán quyết vào tháng 2, rằng cựu Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm cá nhân về 454 triệu USD (số tiền phạt 464 triệu USD trừ đi tiền lãi), vì đã khai man giá trị tài sản ròng của mình để được vay ưu đãi. Tổng chưởng lý tiểu bang New York, Lexia James, đã đệ đơn kiện ông Trump, cho rằng ông Trump muốn kháng cáo trước tiên ông phải trả khoản tiền đặt cọc 454 triệu USD.

Các luật sư của ông Trump thừa nhận vào tuần trước rằng bất chấp “nỗ lực”, cựu tổng thống “không thể” nhận được toàn bộ tiền bảo lãnh kháng cáo do thiếu tiền mặt trong tay.

Ông Trump đã viết trên Truth Social vào thứ Sáu tuần trước (22/3), rằng ông có gần 500 triệu USD tiền mặt, nhưng ông chỉ sử dụng số tiền đáng kể này cho các hoạt động tranh cử.

Vào thứ Hai, Donald Trump đã cảm ơn quyết định của tòa phúc thẩm và cùng lúc chỉ trích mạnh mẽ Thẩm phán Engoren.

Theo The Hill, ông Trump đã nói với các phóng viên tại một tòa án ở Manhattan: “Thẩm phán Engoren là sự sỉ nhục của đất nước này, điều này không nên xảy ra”. Lúc đó, ông đang tham gia một phiên điều trần liên quan đến một vụ kiện khác chống lại ông.

Khi chuẩn bị tái tranh cử để trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã phải đối mặt với ba vụ án hình sự khác, tập trung vào cuộc chiến pháp lý cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020 và việc ông tiếp cận các tài liệu “nhạy cảm” của chính phủ sau khi rời nhiệm sở vào năm 2021. Ông Trump đã không nhận tội đối với mọi cáo buộc.

Người phát ngôn của Văn phòng Công tố viên tiểu bang New York cho biết trong tuyên bố, rằng án phạt 4,64 tỷ USD đối với ông Trump và tập đoàn của ông vẫn còn hiệu lực.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Tags: , , , , , , ,

Comments are closed.