Chủ tịch Quốc Hội CS Việt Nam Vương Đình Huệ phải từ chức


Sau cuộc họp bất thường ngày 26/04/2024 Trung Ương đồng ý thôi chức vụ chủ tịch Quốc Hội Việt Nam của ông Vương Đình Huệ. Quyết định được đưa ra 4 ngày sau khi trợ lý chủ tịch Quốc Hội Việt Nam ông Phạm Thái Hà bị bắt và bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ để trục lợi.

Đăng ngày: 26/04/2024 – 14:41

Ông Vương Đình Huệ phát biểu trong khóa họp Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/10/2023.
Ông Vương Đình Huệ phát biểu trong khóa họp Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/10/2023. AFP – STR

Thanh Hà

Quyết định này được đưa ra 4 ngày sau khi trợ lý chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, ông Phạm Thái Hà, bị bắt và bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ để trục lợi.

Theo thông cáo của Văn Phòng Trung Ương Đảng Cộng Sản, được truyền thông trong nước loan tải, Ban Chấp Hành Trung Ương đánh giá ông Vương Đình Huệ, 67 tuổi, « đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước ». Những vi phạm và khuyết điểm nói trên « đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân »

Trước cuộc họp của Ban Chấp Hành Trung Ương, ông Huệ đã có đơn xin « thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác ».

Hôm 22/04/2024 ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội kiêm trợ lý chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, đã bị bắt trong khuôn khổ mở rộng điều tra vụ tham nhũng tại tập đoàn Thuận An.

Hãng tin Anh Reuters cho rằng việc chủ tịch Quốc Hội Việt Nam phải từ chức lại càng làm dấy lên nhiều nghi vấn về ổn định chính trị tại Việt Nam nhất là sau vụ chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhanh chóng bị cho thôi các chức vụ hồi tháng 3/2024. Ông Thưởng là chủ tịch nước thứ nhì bị cách chức trong vòng một năm, sau ông Nguyễn Xuân Phúc.

Theo một thăm dò do các phòng thương mại nước ngoài tại Việt Nam thực hiện, hơn 650 doanh nhân được hỏi cho biết ổn định chính trị là một lá chủ bài « hấp dẫn » thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.

RFI


Comments are closed.