Chuyện Việt Nam ngày Thứ hai 28 tháng 10 năm 2024
Sau Trịnh Xuân Thanh, có lẽ họ muốn một nạn nhân khác
Tác giả: Marina Mai
Ngọc Lan dịch
28/10/2024
(VNTB) – Việt Nam sẽ trả tự do cho Trịnh Xuân Thanh và đưa ông sang Đức nếu đổi lại lấy việc dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn hiện đang trốn sang Đức về Việt Nam.
Việt Nam dường như đang đề xuất một thỏa thuận với chính phủ liên bang Đức: sẽ thả Trịnh Xuân Thanh, đã bị bắt cóc vào năm 2017 – với những điều kiện nghiêm ngặt.
Vào thứ Hai, một phái đoàn của Bộ Công an Việt Nam sẽ đến thăm Bộ Nội vụ Liên bang tại Berlin. Có những dấu hiệu cho thấy phái đoàn này có thể có xu hướng trả tự do cho Trịnh Xuân Thanh, người bị bắt cóc từ Đức về Việt Nam vào năm 2017 – và cho phép ông trở lại Đức.
Văn phòng Liên bang về Di cư và Tị nạn đã cấp cho ông quyền tị nạn sau khi bị mật vụ Việt Nam bắt cóc. Vợ và ba trong số năm đứa con của ông sống ở đây. Nhưng Hà Nội không muốn để Trịnh Xuân Thanh đi mà không có gì đền đáp.
Trình Xuân Thanh là một quan chức kinh tế Việt Nam phản bội, trốn sang Đức năm 2016. Một năm sau, mật vụ Việt Nam bắt cóc ông giống như phim để mang về Hà Nội. Người đàn ông 58 tuổi này vẫn bị giam giữ ở đó cho đến ngày nay. Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên phạt ông hai án chung thân về tội tham nhũng và quản lý yếu kém. Trịnh Xuân Thanh phủ nhận mọi cáo buộc. Luật sư người Đức Petra Schlagenhauf của ông tin rằng vụ án được xây dựng về mặt chính trị. Kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc, Đức đã kêu gọi trả tự do cho người đàn ông này.
Nhà báo Lê Trung Khoa, sống ở Berlin, hiện được biết từ Hà Nội rằng chính phủ liên bang đã được đưa ra một thỏa thuận từ đó: Việt Nam sẽ trả tự do cho Trịnh Xuân Thanh và đưa ông sang Đức nếu đổi lại lấy việc dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn hiện đang trốn sang Đức về Việt Nam.
Bị kết án vắng mặt
Người phụ nữ 55 tuổi, cung cấp thiết bị quân sự và công nghệ y tế cho Việt Nam từ các nước phương Tây đến năm 2022, bị kết án 30 năm tù vắng mặt vì tham nhũng và gian lận trong quá trình đấu thầu. Bà Nhàn trốn ra nước ngoài cùng bảy đồng phạm vào năm 2022. Bà Nhàn đã sống ở Đức được một năm rưỡi và đang được cơ quan an ninh bảo vệ khỏi nguy cơ bị bắt cóc.
Văn phòng Tư pháp Liên bang từ chối yêu cầu dẫn độ Việt Nam đối với bà Nhàn. Kể từ vụ bắt cóc Trình Xuân Thanh năm 2017, chúng tôi được biết từ giới chính quyền, việc dẫn độ về Việt Nam về cơ bản đã bị bác bỏ.
Người ta nghi ngờ liệu yêu cầu dẫn độ có thực sự liên quan đến cáo buộc tội phạm kinh tế đối với bà Nhàn hay không. Bà Nhàn là người tình lâu năm của Thủ tướng Việt Nam và có với nhau một cô con gái đã trưởng thành. Thủ tướng là đối thủ chính trị của Tổng Bí Thư Tô Lâm và Bộ trưởng Công An Lương Tam Quang. Vì không tìm thấy mục tiêu nào chống lại cá nhân Phạm Minh Chính nên họ được cho là đã nhắm vào người yêu (cũ?) của ông Chính. Ít nhất đó là những gì có trong một bức thư nặc danh bị rò rỉ cho taz 2023 từ Hà Nội.
Người ta đặt câu hỏi liệu Đức có chấp nhận thỏa thuận này hay không. Một mặt, không phải Bộ Nội vụ Liên bang quyết định liệu một người có bị dẫn độ sang nước khác hay không mà là tòa án và Văn phòng Tư pháp Liên bang. Mặt khác, Việt Nam chưa có nền tư pháp độc lập.
Cả Bộ Nội vụ Liên bang lẫn Bộ Ngoại giao đều không bình luận về câu hỏi này theo yêu cầu. Người phát ngôn Bộ Nội vụ chỉ xác nhận với chúng tôi rằng cuộc trò chuyện kéo dài một giờ giữa đại diện Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ trưởng Nội vụ Hans-Georg Engelke sẽ diễn ra vào thứ Hai. Trước đó, Việt Nam đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công An Lương Tam Quang sang làm việc. Hiện “chưa rõ” liệu Bộ trưởng Việt Nam có đích thân đến và ai sẽ đi cùng hay không. Bộ Ngoại giao không cung cấp bất kỳ thông tin nào về nội dung cuộc trò chuyện mà Việt Nam yêu cầu.
Hà Nội muốn cử công an
Một nguồn tin thân cận với Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin nói với taz rằng Hà Nội cũng muốn tận dụng chuyến thăm để bổ nhiệm một sĩ quan công an liên lạc vào đại sứ quán một lần nữa. Điều này vẫn có cho đến khi Trình Xuân Thanh bị bắt cóc. Ông được bổ nhiệm vào những năm 1990 để giúp cảnh sát Đức chống tội phạm thuốc lá người Việt.
Tuy nhiên, qua nhiều năm, quan chức này tỏ ra không giúp ích gì nhiều cho cảnh sát Đức mà là một phần của vấn đề. Nhiều năm trước, taz được biết từ Văn phòng Cảnh sát Hình sự Bang Berlin rằng họ muốn loại bỏ người đàn ông này và giao cho ông ta một số nhiệm vụ ngoài việc phân biệt hộ chiếu Việt Nam thật và giả.
Tuy nhiên, trong cộng đồng người Việt, ông ta có thể tạo ấn tượng rằng anh ta hợp tác tốt với cảnh sát địa phương, do đó một số khiếu nại hình sự đều đến tay ông ta thay vì với chính quyền Đức và một loại hệ thống tư pháp song song đã xuất hiện. Theo Tòa phúc thẩm Berlin, nhân viên liên lạc đóng vai trò trung tâm trong vụ bắt cóc Trình Xuân Thanh. Ví dụ, ông ta đã giúp chuyển nạn nhân bị bắt cóc từ Berlin.
Ghi chú minh bạch: Tác giả cũng làm việc cho tạp chí Việt Nam Thoibao.de, nơi Trung Khoa Lê, được nhắc đến trong văn bản, là tổng biên tập.
_______________________
Nguồn: Taz – Nun wollen sie wohl ein anderes Opfer –
QUAN ĐIỂM LẤY DÂN LÀM GỐC CÓ KHI SAI!
Nguyễn Ngọc Hiếu
26/10/2024
Ở Việt Nam, cộng sản có báo Nhân Dân, rồi nào là báo Quân đội Nhân dân, nào là Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tòa Án Nhân Dân, Viện Kiểm Sát Nhân Dân, đủ thứ “nhân dân” nhưng họ không biết quan điểm “nhân dân” này là sai, rất dễ thấy.
Trước 1939, tức trước thế chiến 2, qua tin tình báo và tin công khai, Churchill, một trong những người Anh vĩ đại nhất, trong thế chiến 2 là thủ tướng Anh, đã biết trước nước Đức sẽ gây chiến. Nước Đức làm đường tới các nước nhỏ ở Châu Âu để sau này đánh. Ông lên tiếng nhiều lần nhưng chỉ nhận lại sự cay đắng. Châu Âu theo chủ nghĩa hòa bình, không đánh Đức, lúc này Đức còn non yếu. Người Châu Âu suy nghĩ theo kiểu Benjamin Franklin, một trong những người lập quốc Hoa Kỳ:” “Không bao giờ có một cuộc chiến tranh tốt hay một nền hòa bình tồi.” Kết quả là Đức gây chiến tranh thế giới thứ hai, tổn thất, sụp đổ, chết người, tai họa nặng hơn tất cả các cuộc chiến tranh từ xưa đến lúc bấy giờ của nhân loại. Như vậy ta thấy Châu Âu đáng giận như con rận, dở như Thị Nở, ngu như ruồi bu, tệ như cẩu trệ, buồn đến phát cuồng. Châu Âu văn minh gồm nhiều quốc gia, nhiều dân tộc đáng bị ta chửi. Vì thế ta luôn luôn có quan điểm quần chúng, quan điểm lấy dân làm gốc là sai. Cái gì cũng vô thường, theo đạo Phật, đạo Lão, kinh dịch, suy ra quần chúng là vô thường, không phải luôn luôn tốt. Tục ngữ: Bạc như dân, bất nhân như lính! Vì thế, nhân dân có khi ta theo, có khi ta chống.
Hiện tại, lòng dân thích quan hệ tốt với Mỹ hơn là tốt với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ nào qua Việt Nam cũng được dân chúng tự động đổ ra đường đón vui vẻ, còn Tập Cận Bình qua thì chả thấy dân nào đón. Nhưng lãnh đạo chóp bu Việt Nam hướng Tàu, mà cũng là hướng Cộng Sản, chứ không hướng Mỹ, là hướng tư bản, điều này trái ý dân. Thế mà nhà cầm quyền Việt Nam lại luôn cho mình có quan điểm quần chúng, hướng nhân dân.
Nguyễn Ngọc Hiếu
Bão Trami đổ bộ vào Việt Nam gây ra nguy cơ lũ lụt, số người chết tăng ở Philippines
27/10/2024
Reuters
Bão Trami gây ra nhiều thiệt hại ở Laurel, tỉnh Batangas, phía nam Manila hôm 25/10/2024 (Photo: Ted ALJIBE / AFP).
Bão Trami đổ bộ vào miền Trung Việt Nam hôm Chủ Nhật 27/10, đe dọa gây ra mưa lớn và lũ lụt nguy hiểm sau khi tàn phá trên đường đi của bão ở Philippines.
Với đường bờ biển dài, Việt Nam dễ gặp phải bão lụt, chúng thường gây ra thương vong đáng kể và nhiều thiệt hại về tài sản.
Theo cơ quan dự báo thời tiết quốc gia, lượng mưa ở một số khu vực của các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam có thể lên đến 60 cm trong ngày 27 và 28/10.
“Nguy cơ lũ lụt rất cao ở các khu vực đô thị từ Hà Tĩnh đến Bình Định”, cơ quan này cho biết.
Theo cơ quan này, dự báo cũng sẽ xảy ra ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê chính của đất nước.
Trami, với tốc độ gió lên tới 88 km/giờ, đã đổ bộ vào Huế và Đà Nẵng. Tốc độ gió tối đa kể từ đó đã suy yếu xuống còn 74 km/giờ.
Theo Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, cơn bão đã làm cho 4 sân bay ở miền Trung Việt Nam phải tạm thời đóng cửa. Trong số đó, sân bay quốc tế tại thành phố Đà Nẵng sẽ đóng cửa từ 6h sáng ngày 27/10 đến 4h sáng ngày 28/10.
Truyền thông nhà nước đưa tin rằng gió mạnh của bão Trami đã làm đổ cây cối và biển quảng cáo ở Đà Nẵng.
Hồi tháng trước, bão Yagi và lũ lụt do nó gây ra đã giết chết hơn 300 người và gây thiệt hại về tài sản lên tới hơn 3,3 tỷ đô la ở miền Bắc Việt Nam.
Trước khi tới Việt Nam, bão Trami đã càn quét qua Luzon, hòn đảo chính của Philippines, khiến nhiều khu vực rộng lớn bị ngập trong nước lụt, làm cho các hoạt động cứu hộ và cứu trợ trở nên khó khăn khi Manila đang chuẩn bị ứng phó với tác động của cơn bão Kong-rey sắp đổ bộ.
Cơ quan phòng chống thảm họa cho hay cơn bão đã đổ bộ vào Philippines hôm 24/10, gây ra lũ lụt và lở đất khiến 90 người thiệt mạng tính đến ngày 27/10, tăng lên nhiều từ con số 46 người chết được báo cáo hôm 25/10.
Ariel Nepomuceno, người đứng đầu Vụ Dân Phòng, nói rằng nhiều trường hợp trong số những người chết được báo cáo này vẫn đang được xác thực để bảo đảm rằng nguyên nhân thiệt mạng có liên quan trực tiếp đến cơn bão.
Nepomuceno cho hay thực phẩm, nước, đồ vệ sinh và vật tư y tế đều có đủ, tuy nhiên, lụt trên diện rộng đang cản trở các nỗ lực cứu trợ, với nhiều khu vực chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền.
Việt Nam xem xét việc khởi động lại các dự án phát triển điện hạt nhân
Thanh Phương /RFI
28/10/2024
Để bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn thực hiện được cam kết về chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đang muốn quay trở lại với các dự án điện hạt nhân đã bị bỏ dở trước đây.
Ảnh minh họa: Một nhà máy điện hạt nhân tại bang Georgia, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 31/05/2024. AP – Mike Stewart
Vào giữa tháng 9 vừa qua, chính phủ Hà Nội đã giao cho bộ Công Thương nghiên cứu việc phát triển điện hạt nhân của các nước, “để đề xuất phát triển loại năng lượng này tại Việt Nam trong thời gian tới”. Trên cơ sở đó, chính phủ “sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định”.
Trên thế giới hiện nay, nhiều nước đang quay lại điện hạt nhân để chống biến đổi khí hậu vì hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2.
Vào năm 2009, Quốc Hội Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuân, với tổng cộng 4 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 4.000 MW. Các hợp đồng được giao cho tập đoàn Nhật Bản Japan Atomic Power Co và tập đoàn Nga Rosatom thực hiện, với tổng chi phí khoảng 8,9 tỷ đô la.
Nhưng một phần do những quan ngại từ tai nạn hạt nhân Fukushima năm 2011 và một phần do khó khăn về ngân sách vào thời gian đó, dự án này đã dừng lại vào năm 2016 theo quyết định trong Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc Hội. Đến năm 2022, khi giám sát về việc thực hiện nghị quyết này của Quốc Hội, Ủy ban Kinh tế đã đề xuất nên xem xét phát triển năng lượng hạt nhân “trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng”.
Nay nhu cầu phát triển điện hạt nhân càng trở nên cấp thiết do Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại trong chiến lược phát triển các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và khí đốt thiên nhiên, do các vấn đề về quy định và giá cả.
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 27/09/2024, giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, cũng cho rằng đã đến lúc phải xem xét trở lại khả năng phát triển điện hạt nhân:
“Trong bối cảnh chung , rõ ràng là khi kiểm tra lại các phương án, chúng ta có thể xem xét trở lại vấn đề hạt nhân, vì năng lượng này có thể đóng góp phần lớn và tạo thêm bức tranh chung, tức là tiến đến thực hiện cho được cam kết netzero cũng như các phương án điện khác.
Trước đây chúng ta gác việc ấy lại, nhưng bây giờ thấy cần thiết phải xem xét, nhưng đấy chỉ mới là xem xét thôi, chứ còn điện hạt nhân thì có nhiều loại lắm, vấn đề là xem xét loại nào.
Bây giờ tình trạng chung các nước đều như thế cả, cho nên nước nào cũng sẽ xem xét phát triển điện hạt nhân, nhưng mỗi nước có một điều kiện riêng. Khi xem xét Việt Nam cũng phải dựa trên điều kiện của Việt Nam để đề ra những phương án cụ thể, chứ thực chất là các loại năng lượng tái tạo vẫn tốt, nhưng bao giờ cũng có những khó khăn”.
Thật ra, theo hãng tin Anh Reuters, từ nhiều năm qua, Việt Nam đã vẫn tiếp tục thăm dò khả năng phát triển điện hạt nhân và đã thảo luận với những nước như Nga, Hàn Quốc và Canada về việc hỗ trợ phát triển các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ.
Việc phát triển điện hạt nhân hiện không được đề cập trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030 ( Quy hoạch điện VIII ), nhưng trong báo cáo gửi các bộ ngành đề nghị góp ý cho dự thảo sửa quy hoạch này, bộ Công Thương có nhắc đến phát triển các nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ (SMR) ở Việt Nam.
Theo Bộ này, các lò phản ứng module nhỏ có công suất khoảng 300 MW mỗi tổ máy, bằng một phần ba công suất của các lò truyền thống. Các nhà máy này sản xuất lượng điện có hàm lượng carbon thấp, thời gian xây dựng ngắn (khoảng 24-36 tháng).
Giáo sư Phạm Duy Hiển cũng đồng tình với việc phát triển các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ phù hợp với điều kiện của Việt Nam:
“Bây giờ nếu nói trở lại điện hạt nhân, ý kiến dứt khoát của tôi là không dùng điện hạt nhân như trước đây đã từng dự định làm ở Phan Rang theo mô hình các nhà máy thế hệ 3+, dùng công nghệ của Nga và của Nhật, rất là tốn kém, giải pháp về an toàn thì rất tốt, nhưng không cần thiết. Ví dụ như họ tính là nhà lò kiên cố đến mức mà máy bay có rơi thẳng xuống thì không sao cả. Để làm gì? Xác suất mà máy bay rơi xuống rơi xuống nhà lò thì cực kỳ thấp. Công nghệ đó có thể thích hợp với các nước tiên tiến. Bây giờ các nước đó xây những lò phản ứng cùng một lúc có thể cho ra hàng ngàn MW.
Còn bây giờ theo điện hạt nhân thì phải theo option mới, mà một trong những option đó là lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ. Lò phản ứng này rất thích hợp vì không đòi hỏi nhiều về cơ sở hạ tầng về pháp lý, về xây dựng…, nhưng công suất tối đa chỉ 100, 200 MW, nên tất nhiên là phải cần nhiều lò.”
Nhưng giáo sư Phạm Duy Hiển nhấn mạnh, hiện trên thế giới chưa có lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ nào sẵn sàng để được thương mại hóa:
“Nước nào cũng nói như vậy nhưng đâu đã có ai bán lò công suất thấp với giá tương đối phải chăng. Bộ Công Thương nếu có trình dự án cho Bộ Chính trị thì cũng để đấy, vì phải có thêm thời gian nghiên cứu và cũng chờ cho đến khi nào các lò công suất thấp đó được thương mại hóa, chắc chắn là phải sau năm 2030”.
Nếu quyết định trở lại với các dự án phát triển điện hạt nhân, Việt Nam sẽ có thể trông chờ vào sự trợ giúp của nước nào? Trước mắt, có vẻ như Nga đang chiếm ưu thế trong số các đối tác tương lai của Việt Nam.
Theo báo chí trong nước, trong chuyến thăm cấp nhà nước của tổng thống Nga Vladimir Putin ở Việt Nam vào tháng 6/2024, hai bên đã khẳng định “phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình là lĩnh vực hứa hẹn trong mở rộng hợp tác song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga.”
Nhân dịp đó, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) và Bộ Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về lộ trình thực hiện Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Dự án này bao gồm lò phản ứng hạt nhân với công suất 10 MW sẽ được xây dựng tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai).
Thật ra thì ba nhiệm vụ quan trọng của lò phản ứng tại Long Khánh chỉ là sản xuất đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư; chiếu xạ silic tạo vật liệu bán dẫn; triển khai các nghiên cứu về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ. Nhưng đây được coi là cơ sở để “giúp nâng cao tiềm lực năng lượng nguyên tử cho Việt Nam trong giai đoạn tới”, theo đánh giá của chính phủ Việt Nam.
Hàn Quốc, một trong những quốc gia cũng có thế mạnh về năng lượng nguyên tử, cũng đã tỏ vẻ rất quan tâm đến khả năng phát triển loại năng lượng này ở Việt Nam. Theo báo chí trong nước, khi hội kiến chủ tịch nước Tô Lâm ngày 02/08, đại sứ Hàn Quốc Choi Young Sam bày tỏ mong muốn của Seoul tăng cường hợp tác với Hà Nội trong việc phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
Trước đó, Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) thuộc Công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) ngày 22/6/2023 tại Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) về hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực điện nguyên tử và lò phản ứng module nhỏ (SMR).
Việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam như đã nói ở trên phải cần nhiều năm, cho nên trước mắt, do nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng lớn, Việt Nam phải cố gắng tiết kiệm điện, điều mà giáo sư Phạm Duy Hiển đã kêu gọi từ lâu:
“Tôi thấy rất mừng là nước đã nhận ra rằng mức tiêu thụ điện năng của mình là quá cao so với nhiều nước khác. Do đó ngay cả EVN ( Tập đoàn Điện lực Việt Nam ) cũng đã đề nghị nhà nước phải có một chính sách tiết kiệm điện một cách triệt để, thậm chí đề ra mục tiêu là hàng năm phải tiết kiệm 2% điện năng. Đấy là một chủ trương rất tích cực, góp phần vào mục tiêu chung, chứ không chỉ có việc phát triển các năng lượng tái tạo và những vấn đề khác.”
Quảng Nam: di dời dân do nứt núi, sụt lún bất thường ở Tây Giang
RFA
27/10/2024
tỉnh Quảng Nam di dời khẩn cấp dân trong đêm 26/10, đề phòng sạt lở núi
LĐO
Tỉnh Quảng Nam đã di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân sau khi một trung tâm y tế tại huyện Tây Giang và đồi cao ngay giữa khu dân cư bị sụt lún, nứt gãy bất thường.
Ông Arất Blúi – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện Tây Giang trong ngày 27/10 xác nhận tin trên với truyền thông Nhà nước, đồng thời cho biết thêm, qua rà soát, địa phương phát hiện nhiều khoa, phòng làm việc của Trung tâm Y tế huyện bị đe dọa bởi sạt lở, một số dãy tường và nền nhà có dấu hiệu sụt lún, nứt gãy rất nguy hiểm.
Hiện, theo ông Blúi, địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ, di dời các cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân, cũng như phương tiện, máy móc phục vụ chuyên môn y tế đến nơi an toàn.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Liêm – Chủ tịch UBND xã Phước Gia, qua kiểm tra tình hình sạt lở trước khi bão số 6 đổ bộ, xã Phước Gia cũng đã phát hiện trên đỉnh đồi ngay chính giữa khu dân cư Nà Nổ xuất hiện một vết nứt có độ sâu 1m, dài 30m dạng vòng cung bán kính 10m. Ước khối lượng đất đá có nguy cơ sạt lở 100m3.
Trước tình hình trên, ông Liêm xác nhận trong ngày 26 và 27/10, toàn bộ 30 hộ với 163 nhân khẩu ở khu dân cư Nà Nổ, phần lớn là đồng bào Ca Dong đã được di dời đến ở tạm tại khu vực Trường Tiểu học Kpa-Kơ Long. Xã Phước Gia cũng đã sơ tán ba hộ ở khu vực lân cận có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Đáng chú ý, đây là khu dân cư thứ ba ở Quảng Nam phải sơ tán dân khẩn cấp do lo ngại sạt lở núi, chỉ trong vòng 15 ngày.
Ít nhất ba người chết do bão Trà Mi
RFA
27/10/2024
Đà Năng và một số địa phương cây xanh đổ hàng loạt
laodongthudo.vn
Đã có ít nhất ba người chết sau khi bão Trà Mi (bão số 6) đổ bộ vào các tỉnh miền Trung Việt Nam. Cơn bão này đã khiến hàng trăm người thương vong và mất tích khi đi qua khu vực miền Bắc Philippines.
Tờ Tuổi Trẻ trong ngày 27/10 cho biết, trong số ba người tử vong, ghi nhận hai người tại Thừa Thiên Huế tử vong do bị nước cuốn khi đi qua đoạn đường ngập; một người tại Quảng Nam chết trong lúc chằng chống nhà cửa chống bão.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào chiều 27/10, tâm bão Trà Mi đã ở trên đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và sau đó là vùng áp thấp.
Dự báo từ chiều 27/10 đến hết đêm 28/10, ở khu vực Quảng Bình đến Quảng Nam tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, cục bộ có nơi trên 600mm.
Trung tâm cũng cho biết từ hôm nay đến 29/10, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Sau những đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 6 (bão Trà Mi), hàng chục hộ dân ở Thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bị ngập sâu.
Tại Thừa Thiên Huế, khu vực đập Hòa Duân (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) tan hoang do sóng biển đánh vào.
Tại Quảng Trị, bão Trà Mi khiến sáu xã mất điện toàn bộ, sáu xã khác mất điện một phần. Số khách hàng mất điện do Điện lực Vĩnh Linh cung cấp là gần 18.000 khách hàng. Tại huyện Triệu Phong cũng có một số xã bị mất điện do cột điện gãy đổ. Một tàu cá đang neo đậu ở âu tàu Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) bị chìm. Tại xã Hải An, tỉnh Quảng Trị, thuỷ triều dâng cao do bão khiến nhiều hồ ốc hương sắp thu hoạch của người dân bị cuốn ra biển toàn bộ.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trong cuộc họp với các bộ, ngành nhằm ứng phó bão số sáu đã giao Bộ Quốc phòng phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai phương án dùng flycam bay kiểm tra, rà soát, phát hiện các vết nứt lớn, kéo dài, nhất là khu vực đông dân cư.
Đối với các hồ chứa, ông Hà giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nắm chắc thông tin lưu lượng nước tại các hồ. Ông nhấn mạnh: “không được để xảy ra tình trạng tất cả các hồ đều phải xả lũ để bảo đảm an toàn hồ đập”.
EVN lo thiếu điện, muốn giữ vai trò chính trong quản lý nguồn điện
26/10/2024
Thợ điện lắp đường dây điện ở Hà Nội hôm 14/12/2023
Nhac NGUYEN / AFP
Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới đây bày tỏ lo lắng về nguy cơ thiếu điện vào mùa khô (từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm) và muốn được giữ vai trò chính trong việc triển khai thêm, kiểm soát các nguồn điện.
Truyền thông Nhà nước hôm 26/10 cho biết EVN đưa ra những nhận định này trong một báo cáo mới về các dự án điện trọng điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Các tỉnh miền Bắc Việt Nam trong các tháng hè hai năm vừa qua liên tục phải đối phó với tình trạng thiếu điện do thuỷ điện không có đủ nước và nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong dịp hè nắng nóng. Việc cắt điện luân phiên vào hè đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp ở phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang nơi có nhiều nhà máy của các hãng lớn như Foxconn, Samsung.
Báo Nhà nước trích báo cáo mới đây của EVN viết: “Nếu không tiếp tục được Chính phủ giao triển khai thêm các nguồn điện mới, EVN rất khó có thể phát huy vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện”.
Theo thông tin của Chính phủ, trực tiếp quản lý nguồn điện của các doanh nghiệp năng lượng nhà nước gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV). Các đơn vị này đang nắm giữ khoảng 47% công suất đặt. Số còn lại thuộc các nhà đầu tư tư nhân chiếm 42% và các dự án BOT chiếm khoảng 10%, nguồn điện nhập khẩu và nguồn khác chiếm khoảng 1%.
Như vậy, EVN đã không còn độc quyền nắm giữ toàn bộ nguồn điện và khâu sản xuất điện như trước năm 2006.
Theo đánh giá của Cục Điều tiết Điện lực, nguồn điện tư nhân ở Việt Nam sẽ ngày càng tăng và dự kiến có thể chiếm gần một nửa toàn hệ thống vào năm 2030.
Theo báo cáo, EVN hiện đang triển khai 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.793 MW từ nay đến năm 2030.
Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, tỷ lệ sở hữu các nguồn điện của EVN và các đơn vị thành viên là 25,4% tổng công suất nguồn của hệ thống điện, thấp hơn tỷ lệ 38% hiện nay.
Tập đoàn này rất lo lắng nếu không tiếp tục được Chính phủ giao triển khai thêm các nguồn điện mới, vì rất khó có thể phát huy vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện, báo Nhà nước trích báo cáo của EVN cho biết.
Theo Quy hoạch điện 8 được phê duyệt vào tháng 5 năm ngoái, Việt Nam đặt mục tiêu tăng công suất phát điện lên hơn 150 GW vào năm 2030 từ mức 80 GW vào cuối năm ngoái.
Reuters trích dẫn một tài liệu của Chính phủ Việt Nam cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đưa công suất phát điện tăng thêm 12% – 15% một năm để đảm bảo an ninh năng lượng và mức tăng trưởng kinh tế 7% một năm.
Việt Nam cũng có kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo từ điện gió và khí hóa lỏng. Tuy nhiên trong các tháng qua, một loạt các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam do khó khăn về quy định trong lĩnh vực này. Đó là các hãng Enel của Ý, Equinor của Na Uy và Orsted của Đan Mạch.
Mới đây, Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ thay đổi Quy hoạch điện 8 để bổ sung thêm điện hạt nhân vào các nguồn điện của quốc gia.
Công ty đồ uống Việt Nam phải nộp phạt vì bán đồ uống cho Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ
25/10/2024
Một người bán hàng ngồi cạnh các thùng bia của Sabeco ở Hà Nội hôm 18/12/2017 (minh hoạ)
HOANG DINH NAM / AFP
Một công ty đồ uống của Việt Nam vừa phải đồng ý trả một khoản tiền phạt là 860.000 đô la cho Bộ Tài chính Hoa Kỳ vì đã bán đồ uống có cồn cho Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.
Thông báo của Cơ quan Quản lý Tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ hôm 17/10 vừa qua cho biết, công ty Vietnam Beverage Company Limited (VBCL) đã đồng ý trả khoản tiền phạt trách nhiệm dân sự này thay mặt cho các công ty thành viên của mình.
Theo thông báo, từ tháng 4/2016 đến tháng 10/2018, các công ty thành viên của VBCL đã nhận khoảng 1.141.547 đô la tiền thanh toán qua các ngân hàng và cơ quan tài chính của Mỹ để bán đồ uống có cồn cho Triều Tiên.
Từ tháng 1/2016 đến tháng 9/2018, các công ty thành viên của VBCL đã thực hiện 26 hợp đồng bán và xuất khẩu bia, đồ uống sang Triều Tiên với hai công ty của Triều Tiên là Korea Samjin Trade Company và Korea Zo-Ming General Corporation, cùng hai công ty trung gian là Sunico Co. Ltd. tại Singapore và Alttek Global Corporation ở Seychelles, theo thông báo của OFAC.
Các công ty của VBCL đã nhận 43 chuyển khoản với tổng số tiền khoảng 1.141.547 đô la từ việc bán các sản phẩm từ 15 công ty thứ ba (bao gồm bảy ở Hong Kong, bốn ở Trung Quốc và bốn công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ) cùng hai công ty được nói tới ở Singapore và Seychelles. Tất cả 43 lần chuyển tiền này đều được thực hiện qua các ngân hàng của Mỹ.
Theo OFAC, cả VBCL và các công ty con đều không có các chương trình hay chính sách tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ vào thời điểm bán hàng cho Triều Tiên.
VBCL là công ty nắm 53,39% cổ phần của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và hiện thuộc sở hữu của công ty Thái Lan là ThaiBev.
Bộ Tài chính Mỹ trong thông báo không cho biết tên cụ thể những công ty con nào thuộc VBCL đã vi phạm lệnh cấm vận.
Theo quy định của Mỹ, việc vi phạm lệnh cấm vận này có thể bị phạt mức tiền cao nhất lên đến hơn 15 triệu đô la. Tuy nhiên, OFAC xác định VBCL đã không cố tình giấu giếm việc vi phạm này khi dàn lãnh đạo mới của công ty vào năm 2019 đã phát hiện ra vi phạm và chủ động cung cấp thông tin cho OFAC. Căn cứ vào các điều khoản hướng dẫn thực hiện lệnh cấm vận trong trường hợp cụ thể này, OFAC xác định mức phạt cho VBCL là 1.720.000 đô la.
Khoản tiền nộp phạt mà VBCL đồng ý trả là 860.000 đô la cho thấy sự xem xét các tình tiết giảm nhẹ theo hướng dẫn được OFAC thực hiện. Theo đó, VBCL và các công ty con không nhận được thông báo phạt nào từ OFAC trong năm năm trước ngày thực hiện giao dịch; VBCL đã hợp tác đáng kể với OFAC trong việc điều tra và cung cấp thông tin về vi phạm; VBCL và các công ty con sau đó đã có các biện pháp sửa sai để đáp ứng chính sách tuân thủ lệnh cấm vận.
Việt Nam Cộng sản và Bắc Hàn ( Triều Tiên)
Triều Tiên đã điều hơn 1.000 binh sĩ sang Bắc Việt trong giai đoạn 1966-1972, bao gồm hàng trăm phi công lái máy bay MiG-17, theo một cuốn sách xuất bản năm 2017 của Viện Lịch sử Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Theo báo Công an Nhân dân (Việt Nam), lực lượng không quân Triều Tiên đã bắn hạ ít nhất 26 máy bay Mỹ và mất 14 quân nhân của mình từ năm 1967 đến năm 1969.
Cuốn sách của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết một nhóm chuyên gia tâm lý chiến của Triều Tiên đã hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền và bắt cóc của Bắc Việt nhằm vào quân đội Hàn Quốc ở miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng chục du kích Bắc Việt đã được đào tạo ở Triều Tiên.
Nhưng mối quan hệ đã nguội lạnh từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa với phương Tây, tiến hành cải cách chính trị và kinh tế vào cuối những năm 1980 và thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào năm 1992.
CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG SẮT PHƠI NẮNG HAI THẬP NIÊN
Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên ở Việt Nam được khởi động từ năm 2005.
Đó là tuyến đường sắt Yên Viên – Cái Lân (Quảng Ninh) dài 131km, trong đó 43km xây dựng mới và 88km cải tạo, nâng cấp.
Tuyến này được thiết kế với tốc độ tàu khách 120 km/h, tàu hàng 80 km/h. Tốc độ thiết kế này được coi là cao so với tốc độ trung bình của đường sắt Việt Nam hiện là 50 km/h.
Đến năm 2011, dự án phải dừng thi công do thiếu vốn.
Trong hơn 7.600 tỷ đồng đầu tư, dự án đã giải ngân trên 4.500 tỷ đồng (theo báo Lao Động), nhưng mới hoàn thiện được đoạn ga Cái Lân – cầu vượt Bàn Cờ – ga Hạ Long…
Đến nay, những “núi thép” (từ của báo Dân Việt) thanh ray nhập từ Trung Quốc về phơi nắng phơi sương qua thời gian đã rỉ sét. Các nhà ga, cầu cạn xây dang dở, nằm chơ vơ trơ gan cùng tuế nguyệt, xuống cấp nghiêm trọng.
Tuyến này về chiều dài thì chỉ chưa tới 1/10 dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, về tốc độ thiết kế cũng chưa bằng một nửa, nghĩa là việc đầu tư, thi công đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, 19 năm đến nay vẫn chưa… về đích.
Lãng phí mới chỉ là một mặt của vấn đề. Một vấn đề không kém hệ trọng, theo báo điện tử Quảng Ninh, là dự án treo này đã “kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống của người dân”.
Theo tờ báo này, tại Quảng Ninh, thống kê cho thấy có gần 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng do dự án đi qua tại các địa phương: Hạ Long, Uông Bí và Đông Triều. Các hộ dân trong phạm vi dự án không được xây dựng, sửa chữa nhà ở, không tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, không được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…, đồng thời gây lãng phí tài nguyên đất, kìm hãm phát triển kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đời sống dân sinh.
Năm 2023, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nói sẽ khởi động lại dự án này. Theo kế hoạch mới thì bộ này sẽ nghiên cứu để triển khai trong giai đoạn 2026-2030, tất nhiên là với một kinh phí mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa tuyên bố quyết liệt chống lãng phí, thì đây có lẽ là một ví dụ điển hình về tình trạng lãng phí mà không ai chịu trách nhiệm.
#BBCTiengViet
#DuongsatVietNam
Tàn phá hệ sinh thái mạng
Nguyễn Thọ
28/10/2024
Bài viết trước của tôi về việc nhiều người Việt thích chụp ảnh các buổi ăn nhậu với những cảnh nâng cốc khiến một số bạn khó chịu. Họ coi đó là quyền được bày tỏ niềm vui khi gặp gỡ. Tôi xin lỗi đã làm các bạn mếch lòng.
Internet đã trở thành môi trường sống mới của con người. Nó ảnh hưởng đến cuộc sống đến mức có những người vài ngày không gặp cha mẹ không sao, nhưng nếu trong ngày không lên mạng thì không chịu nổi. Internet giúp con người tìm kiếm thông tin, đọc sách báo, mua bán, học tập, giải trí, gặp gỡ nhau. Có người nhờ Internet mà tự lắp đặt toàn bộ thiết bị trong nhà. Có những đảng chính trị sử dụng mạng để mua phiếu trong bầu cử.
Trong đời có chiến tranh, thì mạng cũng vậy. Đời có vi trùng, bệnh dịch, mạng cũng có. Mạng cũng có lúc bị sập y như trái đất bị thiên tai, động đất, núi lửa v.v và v.v.
Mạng đã thành một thế giới. Nó không còn là ảo nữa, mà đang rất hiện thực. Nó thay đổi lối sống của con người. Nếu như ngày xưa, cả ngày hoặc vài ngày ta mới mở thùng thư ra xem có ai gửi gì không, thì nay cứ 5-10 phút, hễ nghe choác một cái là lại phải mở thùng thư. Trước kia cả ngày sau mới viết trả lời, giờ thường là trả lời hoặc chửi lại ngay. Ngày xưa bạn bè yêu quý nhau đâu có phải mỗi tuần khen nhau quần áo đẹp, con cái xinh vài lần. Giờ đây thấy nó khoe trên mạng mà không khen sợ nó chê là mình đểu.
Tôi có nhiều ứng dụng chat trên smartphone, từ Messenger, Whatsapp, Viber, Zalo, Signal. Tất cả đều dùng cho công việc và sinh hoạt. Nhưng tôi sợ nhất là các nhóm chat trên Zalo và Messenger. Cứ vài phút một lần máy lại reo tút tít. Liếc vào thì có 90% là các đối thoại vô bổ. Tôi phải chủ động tắt tất cả các nhóm chat đó để khỏi ảnh hưởng đến thần kinh của mình và các đối tác khi đàm thoại.
Tôi sợ nhất là một ông anh hay gửi cho tôi những bức ảnh: “Hôm nay là chủ nhật”, “Chúc ngày thứ hai đầu tuần vui vẻ”… Anh không biết là đang gửi rác cho cho tôi, kèm theo đó là các loại virus tiềm ẩn. Tôi phải nhắn anh: “Anh em mình trước kia không có những bức ảnh lòe loẹt nọ mà vẫn quý nhau cơ mà“.
Con người đang tàn phá kiệt quệ trái đất, điều đó chắc không ai nghi ngờ. Rồi cái thế giới mạng mà con người mới lập ra chưa đầy 40 năm cũng đang đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm nặng với những hậu quả khôn lường.
Nếu như người này coi Net là không gian tự do thông tin thì người khác lại biến nó thành nơi truyền bá các tư tưởng của mình. Khi tư tưởng phát xít, độc tài, kỳ thị được tung lên mạng một cách có định hướng và chủ động thì rất nhiều người dùng sẽ bị nhiễm độc.
Con trai tôi, một chuyên gia về an toàn mạng (Cybersecurity) của đại học kỹ thuật Cologne hay tâm sự với tôi về đề tài “Hệ sinh thái mạng” (Cyberecology). Do vậy tôi có thể viết một bài dài về chuyện này. Nhưng có lẽ đó là điều xa xỉ, càng khiến nhiều người khó chịu.
Ít ra thì ai cũng phải hiểu rằng mỗi khi xả vòi nước vô ích, mỗi khi đốt lửa, dùng điện một các lãng phí, mỗi khi xả rác ra đường là người ta đang phá hoại môi trường. Ở thế giới mạng cũng vậy. Mỗi một hình ảnh, mỗi một câu nói gửi lên mạng đều tốn tài nguyên, năng lượng, từ đường truyền đến ổ cứng lưu giữ. Mỗi ổ cứng được làm ra đều tiêu tốn tài nguyên, đều khiến cho những người nghèo ở châu Phi, vốn cả đời không được hưởng cái cảm giác mạnh của nâng cốc, chạm ly, lại chịu thêm những hậu quả của hạn hán, bão cát, ngập lụt.
Vậy thì khi ca ngợi, tự sướng hay chửi rủa cái gì đó cho hả, cũng nên biết tiết kiệm. Ví dụ khi đến kỳ quan nào đó khiến bạn vô cùng hứng khởi thì hãy cố chụp hoặc chọn một bức ảnh đẹp để chia sẻ với bạn bè, thay vì thả lên mạng vài chục, vài trăm tấm. Điều đó không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mạng, mà còn giúp con người ta rèn luyên kỹ năng thẩm mỹ.
Đối với các cuộc vui gia đình, bè bạn cũng vậy thôi. Chúng ta ngày nay giữ được tình bạn với nhau đôi khi chỉ nhờ những tấm ảnh đen trắng hiếm hoi, chụp nghiêm túc thuở nào.
Trong thời buổi nhiễu nhương này làm gì tốt cho đời cũng khó. Vậy thì hãy cố bớt xả rác chừng nào hay chừng nấy, ở dưới đời cũng như trên mạng.
***
Thích khoe nhậu
Ông bạn Đức hỏi: Tại sao người Việt các cậu mỗi lần gặp nhau, họp lớp, họp gia đình cứ phải cùng nhau đứng bên bàn ăn nâng cốc chụp bằng được một bức ảnh nhỉ?
Tiều phu nghĩ bụng: Có phải ai cũng có bàn đâu. Ngồi bệt dưới đất, thức ăn cùng xương xẩu bày trên chiếu cũng vậy. Cả chục cặp mắt hướng về máy ảnh, cả chục cánh tay đều giơ cốc, giơ tách.
Trả lời: Bốn ngàn năm chia cho bốn chấm không đấy!
Ông bạn Đức chịu, không hiểu mình nói gì.
______
Tái bút: Vì có một số bạn cảm thấy bị xúc phạm nên phải nói rõ thêm. Cả “4.000 năm văn hiến” và “Cách mạng 4.0”, đều là những lạm dụng thái quá ở Việt Nam. Nền văn minh 4000 năm của VN thật ra vẫn còn là tranh cãi của các sử gia nghiêm túc. Đồ đồng Đông Sơn chỉ chứng minh được khoảng 3000 năm văn hiến, nếu đó là của người Việt. Nhưng đây là chuyện khoa học, tôi không dám sa vào.
Còn chuyện chụp ảnh ăn nhậu khoe lên mạng là đặc điểm của người Việt. Tây cũng có nhưng tỷ lệ thấp hơn rất nhiều. Đặc điểm này không phải là truyền thống, mà là sự lạm dụng kỹ thuật mới xuất hiện.
Trước đây, khi còn dùng máy ảnh phim nhựa thì mỗi bức ảnh đều cân nhắc, bố trí đàng hoàng. Nay thì dù luộm thuộm, nhếch nhác thế nào cũng bất chấp. Bất chấp vì bị giáo dục sai về “4.000 năm”, về “bách chiến bách thắng”… và bất chấp vì có máy trong tay. Chụp chưa xong, thậm chí đã tung lên mạng ngay. Mắt nhắm mắt mở, kệ. Ảnh đẹp ảnh xấu, bệ rạc, kệ!
Đó là thói huênh hoang 4.000 năm lại lạm dụng bốn chấm không!
Có rất nhiều bức ảnh cụng ly nhếch nhác mà tôi không dám đưa, vì sẽ xâm phạm riêng tư của chủ nhân. Nhưng chắc bà con có thể tưởng tượng ra được.
Overlay7
Tags: Hoa kỳ, tin tức thế giới, Việt Nam