Chính sách kinh tế của tổng thống Trump : Người Mỹ chờ đợi những biện pháp mạnh


quehuong 22.1.25  0

Thanh Hà /RFI

21/01/2025

Trong ngày đầu nhiệm kỳ 2 tổng thống Donald Trump đã ký một loạt các sắc lệnh để « Đưa nước Mỹ trở lại với thời kỳ vàng son ». Trở lại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ thứ 47 ban bố « tình trạng khẩn cấp » ở biên giới với Mêhicô để ngăn chận nhập cư, ban bố « tình trạng khẩn cấp về năng lượng » để cho phép các tự do khai thác dầu khí và ông dự trù tăng 25% thuế nhập khẩu đánh vào hàng của Mêhicô và Canada kể từ ngày 01/02/2025. 

.com/docsz/

78 sắc lệnh trong ngày đầu nhiệm kỳ 2 của tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh ngày 20/01/2025. AP – Evan Vucci 

Mục tiêu đầu tiên của tân tổng thống Hoa Kỳ qua những phát biểu ở điện Capitol ngay sau tuyên thệ nhậm chức cũng như những sắc lệnh ông đã ký ngay trong ngày 20/01/2025 nhằm đáp ứng những mong đợi mà hơn 74 triệu cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ ứng cử viên của bên đảng Cộng Hòa tháng 11/2024.

Chính sách kinh tế của tổng thống Trump trong 4 năm sắp tới sẽ cho phép thu hẹp nhập siêu của Mỹ với nhiều nước bạn hàng trên thế giới hay không ? Liệu hiệu ứng Trump có giúp khống chế được lạm phát và tăng sức mua cho người dân Hoa Kỳ ? Làm thế nào để dung hòa phát triển kinh tế của Mỹ khi đánh mất nguồn lao động « chủ chốt » trong nhiều lĩnh vực kinh tế như ngành xây dựng và nông nghiệp ?

Mỹ không phụ thuộc vào thế giới

 « Kể từ ngày hôm nay đất nước của chúng ta sẽ giàu mạnh và sẽ lại được toàn thế giới trọng nể ». Tổng thống Donald Trump đã khẳng định như trên vào lúc truyền thông quốc tế đều hướng về Washington nhân ngày ông nhậm chức. Trong những phát biểu đầu tiên, nguyên thủ Hoa Kỳ luôn đặt Nước Mỹ lên trên hết về mọi mặt : chính trị, quân sự và nhất là kinh tế. Donald Trump cũng đã nhắc lại những mục tiêu như là « thu hồi » kênh đào Panama hay Đan Mạch « rồi sẽ chấp nhận trao lại đảo Groenland » cho Washington vì an ninh của Hoa Kỳ và thế giới.

Thông cáo đầu tiên của Nhà Trắng dưới nhiệm kỳ Trump 2 xác nhận : « Tổng thống Trump sẽ loan báo chính sách thương mại với ưu tiên (..) để nước Mỹ không còn phải phụ thuộc vào những tổ chức của nước ngoài, để chính sách thuế khóa của Hoa Kỳ không đè nặng lên các doanh nghiệp Mỹ ».

Để chứng minh với công luận trong nước rằng không một tổ chức quốc tế nào hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp Mỹ, cũng ngày 20/01/2025, tổng thống Trump ký hai sắc lệnh rút Washington ra khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới và lần thứ nhì, nước Mỹ dưới tay Donald Trump không để thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris 2015 trói buộc. Các nhà sản xuất dầu và khí đá phiến Hoa Kỳ là cử tri trung thành với Trump.

Tân tổng thống Hoa Kỳ cùng lúc đã hủy luôn mục tiêu của người tiền nhiệm từ nay đến 2030, một nửa khối lượng xe hơi lưu hành ở Mỹ phải là ô tô điện, bởi ô tô điện được cho là « không gây khí thải carbon làm hâm nóng trái đất », hủy biện pháp trợ cấp 7.500 đô la cho những người mua ô tô điện. Không biết rằng chủ nhân tập đoàn ô tô điện Tesla, tỷ phú Elon Musk nghĩ gì về sắc lệnh đó ?

Tổng cộng trong ngày đầu ở Nhà Trắng, tổng thống Trump, 78 tuổi, đã hủy đúng 78 sắc lệnh của người tiền nhiệm Joe Biden, trong đó có cả những biện pháp để giữ giá thuốc rẻ, để kể cả người nghèo cũng có điều kiện chữa trị khi đau ốm.

Nhìn từ Washington, nhà báo Phạm Trần ghi nhận, dân Mỹ đang kỳ vọng nhiều vào tổng thống Trump, mà thiết thực với đời sống hàng ngày của họ hơn hết là vấn đề lạm phát. Tổng thống Trump cam kết huy động mọi phương tiện để khắc phục vấn đề này vì biết rằng, chính quyền Biden mãn nhiệm đã bị cử tri trừng phạt qua lá phiếu một phần do đời sống đắt đỏ, với đỉnh điểm 9 % trong năm 2022 trước khi rơi xuống còn 2,9 % vào cuối năm 2024.

« Người Mỹ không quan tâm đến các vấn đề quốc tế. Họ tập trung vào cơm áo gạo tiền. Lạm phát tại Hoa Kỳ hiện nay là 2,9 %, thất nghiệp là từ 4,% đến 4,3 % và đối với công luận ở đây mức thất nghiệp và lạm phát đó vẫn còn cao ».

Trục xuất 11 triệu người nhập cư trái phép 

Một quyết định mạnh mẽ khác của tân tổng thống Hoa Kỳ là ban bố « tình trạng khẩn cấp ở biên giới phía nam » với Mêhicô để ngăn chận người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Một phần lớn cử tri bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa vì xem người nước ngoài là một mối đe dọa đối với « an ninh của đất nước và an ninh của chính họ ». Trong thời gian vận động, ứng cử viên tổng thống Donald Trump xem người nước ngoài là những « tội phạm » và là nguồn « cướp công việc làm » của người dân Mỹ. Ông dự trù trục xuất 11 triệu người không có giấy tờ hợp lệ. Nhưng « nói dễ làm khó » nhà báo Phạm Trần từ Washington giải thích :  

« Quả thật khi ra tranh cử, ông Trump có hứa với cử tri sẽ trục xuất tất cả 11 triệu di dân bất hợp pháp. Nếu tất cả bị trục xuất thì sẽ ảnh hưởng tới công việc làm trên đất Mỹ (…) nhất là ở nông thôn. Phần lớn người lao động ở các nông trại là người nước ngoài, hợp pháp hay không hợp pháp. Đa số là dân Nam Mỹ ».

Theo báo cáo công bố vào tháng 7/2024 của Pew Research Center, một trung tâm nghiên cứu chuyên cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, trụ sở tại Washington, 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp chiếm 3 % dân số Hoa Kỳ, 80 % trong số này đã định cư tại Mỹ từ hơn 15 năm qua, có công việc làm ổn định và « phần lớn đã hội nhập » vào đời sống và kinh tế của nước Mỹ.

Trên thị trường lao động, hơn 8 triệu người trong số đó là « chìa khóa » trong nhiều lĩnh vực. Theo thống kê của Sở Di Trú AIC : 13 % công nhân trong ngành xây dựng và nhân viên làm việc ở các nông trại là người nước ngoài không có giấy tờ hợp lệ. Ngoài ra, cũng nhờ có người nhập cư trái phép này mà thị trường lao động ở Hoa Kỳ bớt căng thẳng. Một nghiên cứu của viện Peterson cho thấy chỉ cần trục xuất 1,3 triệu người lao động trái phép, chỉ số giá cả ở Mỹ sẽ bị đẩy lên thêm 1,5 %. Nói cách khác, ồ ạt trục xuất người nhập cư như ông Trump cam kết sẽ làm phương hại đến mục tiêu chống lạm phát mà ông đề ra.

Chính sách đánh thuế hải quan : hiệu quả gây tranh cãi 

Thêm một biện pháp khác trong chính sách kinh tế của tổng thống Trump có nguy cơ gây ra lạm phát ở Mỹ, đó là các đòn đánh thuế nhập khẩu vào hàng của nước ngoài bán sang Hoa Kỳ. Nhà báo Phạm Trần cho biết tiếp :

« Thêm vào đó, ông Trump đã hứa tăng thuế nhập khẩu. Đương nhiên là ông nhắm vào hàng rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ. Nhưng đánh thuế hàng Trung Quốc, thì Bắc Kinh cũng sẽ phản ứng lại. Chiến tranh thương mại không có lợi cho ai hết. Hàng Trung Quốc đắt hơn thì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát ».

Phải chăng vì lý do này mà tổng thống Trump trong ngày đầu của nhiệm kỳ 2, có vẻ hơi do dự trên hồ sơ thương mại ? Ông dự trù đánh thuế vào hàng của Canada và Mêhicô 25 % kể từ ngày 01/02 và không thấy nhắc đến trường hợp của Trung Quốc, ít ra là vào lúc phó chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính đang có mặt tại Washington dự lễ đăng quang của ông Trump. Song nhiều nhà quan sát đoán rằng, rất có thể tổng thống Trump sẽ dùng lá bài thuế hải quan để mặc cả với Bắc Kinh hòng mua lại ứng dụng TikTok.

Trên đài RFI tiếng Pháp, giáo sư kinh tế Jérémy Ghez Trường Cao Đẳng Thương Mại HEC không ngạc nhiên về phương pháp đàm phán kiểu rất « cao bồi » của ông Trump và cho rằng tổng thống Mỹ thứ 47 có lẽ đang mở ra một chương mới cho mô hình kinh tế toàn cầu :

« Từ lâu nay ai cũng biết phương pháp của ông Trump, biết từ khi ông lãnh đạo nước Mỹ ở nhiệm kỳ đầu và với năm tháng ông đã mài giũa thêm công cụ đó. Có nghĩa là thay vì đàm phán để đạt đến một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên thì Donald Trump lại chủ trương dồn đối thủ vào chân tường, hạ gục đối phương (…) Đây là một chương mới mở ra trong tiến trình toàn cầu hóa. Trong quá khứ, một hiệp định tự do mậu dịch đơn thuần là một công cụ về kinh tế để mang lại phúc lợi cho các bên liên quan. Giờ đây trong tầm nhìn của Trump và của một số quốc gia, chính sách kinh tế bao gồm cả từ vế chủ quyền quốc gia, đến khả năng tự chủ. Hơn nữa, đây còn là một công cụ để thể hiện sức mạnh, để các cường quốc đọ sức với nhau. Đối với ông Trump, kinh tế là để phục vụ mục tiêu chính trị cũng như là chính trị phải được dùng để củng cố kinh tế của một quốc gia ».

https://www.rfi.fr/vi

Tags: ,

Comments are closed.