Biển Đông lại dậy sóng


Mai Vũ Phạm/SGN – 09/8/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1598110043-1280x853.jpg

Cảnh tàu Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vòi rồng ngăn chặn tàu tiếp tế của Philippines được chiếu trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao vào ngày 07 tháng 8 năm 2023 tại Manila, Philippines. Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images 

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines lại nóng thêm, với việc Manila cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc sử dụng vòi rồng để chặn một tàu tiếp tế quân sự của Philippines, chuyển thực phẩm, nhiên liệu, và nước uống cho các binh sĩ, đang đóng trên một tàu chiến không còn hoạt động ở Bãi Cỏ Mây (Phillipines gọi là Ayungin, tên quốc tế là Second Thomas Shoal; Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu) thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông.

Tàu chiến này có tên gọi là BPS Sierra Madre, vốn đã neo ở Bãi Cỏ Mây hơn 20 năm, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/F2z4QYibwAATsoh.jpeg

Ảnh: Ambassador of Japan in the Philippines 

Hôm thứ Ba, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc đăng tải một đoạn video cho thấy tàu nước này phun vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines. Đáp lại hành động “quá đáng” và “nguy hiểm” này từ phía Trung Quốc, Philippines đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Manila để gửi công hàm phản đối chính thức.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Canada, Đức, Pháp, Anh, và Liên minh châu Âu đã nhanh chóng đưa ra các tuyên bố lên án Trung Quốc về động thái hung hăng này.

Đại sứ Nhật Bản tại Philippines, Kazuhiko Koshikawa, viết: “Hoàn toàn không thể chấp nhận bất kỳ hành vi quấy rối & hành động nào xâm phạm các hoạt động hợp pháp trên biển và gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải. Chúng tôi rất ủng hộ quan điểm của Philippines; bảo vệ trật tự hàng hải dựa trên UNCLOS & Phán quyết tòa trọng tài 2016.

Đây không phải là lần đầu Bắc Kinh dùng vòi rồng ngăn chặn Philippines tiếp tế cho binh sĩ đóng trên BPS Sierra Madre.

Bãi Cỏ Mây thuộc chủ quyền nước nào?

Dựa trên các ghi chép lịch sử cách đây gần 4.000 năm, Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm Bãi Cỏ Mây. Bắc Kinh đã minh họa tuyên bố vô lý của mình bằng một “đường chín đoạn”, “đường lưỡi bò” mơ hồ, xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines , Đài Loan, và Việt Nam.

Sự hiện diện vũ lực của Trung Quốc ngày càng tăng ở Biển Đông, vốn bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước. Vào năm 1974, Bắc Kinh đã dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Năm 1995, Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và năm 2012 Trung Quốc cũng chiếm luôn bãi Scarborough, thuộc chủ quyền Philippines.

Năm 2013, Phillipines kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), các quốc gia có quyền sỡ hữu 12 hải lý từ bờ biển của quốc gia đó (được cho là lãnh hải của họ), và vùng đặc quyền kinh tế tiếp giáp với lãnh hải, mở rộng hướng ra biển với một khoảng cách không quá 200 hải lý (370 km) từ đường ven biển của quốc gia đó.

Ngày 7 Tháng Mười Hai, năm 2016, toà án quốc tế phán quyết những tuyên bố của Bắc Kinh tại Biển Đông là không hợp lệ và các hành động quân sự của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines. Ngay sau đó, khoảng 40 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, đã ra tuyên bố chính thức yêu cầu Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của tòa án quốc tế.

Tuy nhiên, hơn sáu năm kể từ phán quyết của tòa án quốc tế, Bắc Kinh vẫn phớt lờ và vẫn tiếp tục chính sách bắt nạt ngang ngược của nước này ở Biển Đông. Tất nhiên, dường như ai cũng hiểu vì sao Trung Quốc phải chiếm được Biển Đông bằng mọi giá: lợi ích kinh tế và an ninh khổng lồ.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1356493362-1-scaled.jpg

Góc nhìn từ trên cao của Bãi Cỏ Mây, còn gọi là Second Thomas Shoal hoặc Ayungin Shoal ở Biển Đông. (Ảnh:Gallo Images/Orbital Horizon/Copernicus Sentinel Data 2021) 

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ ước tính rằng Biển Đông có trữ lượng dầu khí vào khoảng 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên, 11 tỷ thùng dầu. Biển Đông cũng ước tính có khoảng 80 tỷ tấn ‘băng cháy’, là nguyên liệu được xem là nguồn năng lượng thay thế tiềm năng trong tương lai. Nguồn băng cháy tại Biển Đông sẽ có thể giúp Trung Quốc giải quyết nhu cầu dầu mỏ trong 200 năm.

Việc kiểm soát các huyết mạch của Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc có khả năng làm gián đoạn, hoặc đe dọa làm gián đoạn con đường vận chuyển hàng hóa quan trọng của các quốc gia Đông và Đông Nam Á. Nếu thành công kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc có thể ngăn chặn hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Đài Loan trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan. Tính tới thời điểm này, Trung Quốc đã biến ít nhất 7 khu vực tranh chấp tại Biển Đông thành các căn cứ quân sự được bảo vệ bằng tên lửa.

Vì sao Philippines cho tàu BRP Sierra Madre neo ở Bãi Cỏ Mây?

Philippines là quốc gia thách thức tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc mạnh mẽ nhất. Năm 1999, Philippines đã cố ý cho BRP Sierra Madre, một tàu chiến cũ nát có từ thời Thế chiến II, neo tại Bãi Cỏ Mây, để thể hiện quyết tâm chống lại sự hung hăng của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.

Bãi Cỏ Mây, nằm cách Đá Vành Khăn do Trung Quốc kiểm soát khoảng 38 km về phía Đông, cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200 km và cách Đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000 km. Các binh sĩ đóng quân trên tàu chiến BPS Sierra Madre sống nhờ vào lương thực được tiếp tế thường xuyên bởi các tàu quân sự của Philippines. Nhưng lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc thường xuyên theo dõi, hoặc ngăn chặn các hoạt động tiếp tế này.

Số lần đối đầu với Trung Quốc đã tăng trong năm nay, với việc Philippines cáo buộc một tàu Trung Quốc thực hiện “các thao tác nguy hiểm” chống lại một trong các tàu chiến của họ tiến lại gần Bãi Cỏ Mây vào Tháng Bảy vừa qua. Philippines cũng cáo buộc rằng Trung Quốc đã chiếu tia laser cấp độ quân sự vào một con tàu khác của nước này, gây “mù tạm thời” cho thủy thủ đoàn vào Tháng Hai.

Philippines làm gì để đối phó Trung Quốc? 

Trong bối cảnh căng thẳng, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết nhiệm vụ chính của quân đội nước này là tăng cường bảo vệ biên giới quốc gia. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines cho biết nước này “sẽ không bao giờ từ bỏ vị trí của họ ở Bãi Cỏ Mây.”

Đi ngược với chính sách thân Trung Quốc của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, Tổng thống Marcos Jr. đã tìm cách tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ. Tất nhiên, sự thân thiện này đã khiến Trung Quốc bực tức, cảnh báo nó “có thể kéo Philippines vào vực thẳm xung đột địa chính trị.”

Sau cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ vào Tháng Hai năm 2023, Tổng thống Marcos Jr. đã đồng ý cho phép Hoa Kỳ sử dụng ít nhất 9 căn cứ quân sự của Philippines dưới Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) ký kết năm 2014. Ba căn cứ trong số này thuộc hòn đảo Luzon, là phần lãnh thổ duy nhất của Philippines gần Đài Loan. Một căn cứ quân sự khác nằm ở đảo phía Tây Palawan, hướng về quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Về phía Hoa Kỳ, nước này đã viện trợ quân sự 100 triệu USD cho Philippines sử dụng theo ý muốn, cũng như 82 triệu USD để nâng cấp các căn cứ quân sự EDCA. Vào Tháng Tư, quân đội Hoa Kỳ và Philippines đã tổ chức cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên thực hiện các cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển. Tháng Năm, sau hội nghị thượng đỉnh giữa Biden và Marcos Jr., Lầu Năm Góc đã cam kết sẽ bảo vệ Philippines, nếu nước này bị tấn công ở Biển Đông.

Trong cuộc điện đàm hôm thứ Ba, ngày 8 Tháng Tám, với người đồng cấp Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Austin tái khẳng định “liên minh vững chắc Hoa Kỳ-Philippines” và cam kết nỗ lực gấp đôi để tăng cường đào tạo song phương, khả năng tương tác, và hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Philippines.

Tổng thống Marcos Jr. cho biết Philippines sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền hợp pháp của nước này ở Biển Đông, bằng cách đẩy mạnh hợp tác quân sự với Hoa Kỳ để tăng cường khả năng phòng thủ, trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Tuyên bố hiếm hoi của Bộ Ngoại giao ngày 5 Tháng Tám khẳng định một cam kết quan trọng của Hoa Kỳ:

“Hoa Kỳ tái khẳng định một cuộc tấn công vũ trang vào các tàu công vụ, máy bay, và lực lượng vũ trang của Philippines—bao gồm cả lực lượng Cảnh sát biển của nước này ở Biển Đông—sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ Chung của Hoa Kỳ tại Philippines năm 1951.

Do đó, rất có thể, thói bắt nạt láng giềng của Trung Quốc để chiếm trọn Biển Đông sẽ tạm biến mất, khi nước này nhận ra rằng Hoa Kỳ và đồng minh sẽ không còn khoanh tay đứng nhìn. Dù Trung Quốc có “coi trời bằng vung” đến đâu, thì ít nhất dưới thời Tổng thống Joe Biden, cam kết bảo vệ đồng minh sẽ khiến Trung Quốc phải thận trọng.

Tags: , , , , ,

Comments are closed.