Biển Đông: Việt Nam ngày càng gần Mỹ hơn, không mong đợi nhiều từ ASEAN? 


Khánh An-VOA  – 01/7/2023

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ đến Đà Nẵng hôm 25/6/2023 được xem là một sự kiện quan trọng, cho thấy mối quan hệ đang được thúc đẩy tăng cường mạnh mẽ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ đến Đà Nẵng hôm 25/6/2023 được xem là một sự kiện quan trọng, cho thấy mối quan hệ đang được thúc đẩy tăng cường mạnh mẽ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. 

Những bước tiến ngày càng mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Việt Nam với “những người bạn của Mỹ” như Nhật, Úc, Philippines…, đặc biệt trong hợp tác an ninh, quốc phòng và đối phó với Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp, đang ngày càng làm lu mờ vai trò của ASEAN trong việc giúp giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển giữa các thành viên với Trung Quốc, đồng thời đặt ra câu hỏi phải chăng Việt Nam đang xích lại gần Mỹ hơn thông qua những đồng minh của họ? 

ASEAN “không có vai trò quan trọng”

Hôm 23/6, Indonesia, quốc gia giữ quyền chủ tịch ASEAN năm 2023, thông báo quyết định dời địa điểm tổ chức cuộc tập trận quân sự chung lần đầu tiên của khối 10 quốc gia Đông Nam Á sang một địa điểm cách xa Biển Đông. Động thái này không gây ngạc nhiên đối với giới nghiên cứu trong bối cảnh khối này luôn bị Trung Quốc tác động chia rẽ mạnh mẽ. Thêm vào đó, nguyên tắc “không can thiệp lẫn nhau” càng làm cho vai trò trung gian của khối càng trở nên mờ nhạt.

Cuộc diễn tập phi chiến đấu lần đầu tiên của khối ban đầu được dự định diễn ra tại vùng cực nam của Biển Đông, nơi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền, từ ngày 18-25/9. Tuy nhiên, cuộc tập trận đã được chuyển hoàn toàn ra khỏi tuyến đường thủy chiến lược tới Biển Nam Natuna trong hải phận của Indonesia. Quân đội Indonesia nói quyết định di chuyển địa điểm là một quyết định độc lập và “không có sự can thiệp” từ các quốc gia khác, theo Reuters.

“Người ta và ngay cả Việt Nam cứ nói về hợp tác với ASEAN bởi vì ASEAN là một khối, nhưng thực chất nó không có nhiều vai trò, không có vai trò quan trọng trong việc giúp cho những chuyện Trung Quốc gây rắc rối ở Biển Đông được giảm đi. Và rõ ràng Trung Quốc họ chia rẽ ASEAN rất mạnh, chia rẽ rất tốt”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nói với VOA.

Đơn cử về việc đàm phán đã kéo dài 2 thập niên giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc ở Biển Đông, nhà nghiên cứu đang sống tại Hà Nội cho rằng đây sẽ là một viễn cảnh xa vời vì phía Trung Quốc chỉ “nói mà không làm” hoặc luôn đưa ra những yêu cầu “không thể chấp nhận được” khi ngồi vào bàn đàm phán. Mặc dù vậy, hai phía vẫn “giả bộ” thông báo về những “tiến triển” trong tiến trình đàm phán của họ, vẫn theo lời TS. Hà Hoàng Hợp.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, nói với VOA, rằng “Trung Quốc không quan tâm đến việc thỏa hiệp. Điều đó đã không thay đổi, vì vậy tôi thấy rất ít hy vọng về một COC mạnh mẽ sẽ sớm được ký kết”.

Tuy vậy, động thái hợp tác thúc đẩy COC giữa Việt Nam và Philippines vẫn rất ý nghĩa, theo giải thích của TS. Hà Hoàng Hợp.

Ông nói: “Đây là phép thử của lòng kiên nhẫn, mặc dù nhìn thấy là có rất ít xác suất hay khả năng tiến lên trong việc có được một COC với Trung Quốc, nhưng Việt Nam, Philippines và các nước khác vẫn phải cố gắng đóng góp cho nó, vì lập trường sẵn sàng đàm phán là một trong những điểm mạnh thể hiện trong tinh thần của Công nước về Luật biển (UNCLOS) 1982”.

Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục không muốn tiến tới để có một COC hợp lý, hợp pháp và mang tính ràng buộc, TS. Hà Hoàng Hợp nói con đường cuối cùng là ASEAN sẽ phải chờ đến khi có một sự thay đổi nào đó về mặt thể chế ở Trung Quốc. 

Trung Quốc đang đẩy Việt Nam gần Mỹ hơn?

Khi được hỏi liệu những hành vi gây hấn, cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian gần đây có đang đẩy Việt Nam đến gần với Mỹ hơn không, TS. Hà Hoàng Hợp cho rằng “không hoàn toàn như vậy” vì Việt Nam đã tính toán một chiến lược “tầm xa” và “lâu dài” trong việc đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông không phủ nhận thực tế về việc tiến tới một mối quan hệ tốt hơn giữa Việt Nam và Mỹ đang được thúc đẩy “nhanh hơn trước”.

“Nói cụ thể, nếu Trung Quốc càng gây ra nhiều chuyện với Việt Nam thì người Việt Nam sẽ gần gũi hơn với những người bạn của Mỹ, và chắc chắn sẽ gần lại với người Mỹ”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

Tháng trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida bên lề hội nghị thượng đỉnh G7. Hai bên đã nhất trí cùng chung tay giải quyết những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên biển để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực.

“Một trong những lợi thế đáng kể nhất là việc hợp tác với Nhật Bản có thể giúp thế cân bằng bên ngoài của Việt Nam hiệu quả hơn”, TS. Ching-Chang Chen, Giáo sư Chính trị Quốc tế – Giám đốc, Trung tâm nghiên cứu các vấn đề toàn cầu của Đại học Ryukoku tại Nhật, nói với VOA.

Theo GS. Chen, với tư cách là đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong khu vực, Nhật Bản có thể giúp cho Việt Nam tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ. Hơn nữa, chính phủ Nhật Bản gần đây giới thiệu chương trình Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA) cho các đối tác có cùng chí hướng đối mặt với “những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”. Chương trình này có thể tạo điều kiện cho Nhật Bản chuyển giao thiết bị và bí quyết cho Việt Nam để giám sát các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các chuyên gia cho rằng vì Việt Nam và Nhật Bản đều có tranh chấp hàng hải với Trung Quốc trên Biển Đông và quần đảo Senkaku, nên cả hai được xem như “những đồng minh tự nhiên”. 

“Nhật Bản, với tư cách là một nền kinh tế lớn, hỗ trợ cho Việt Nam về an toàn, an ninh hàng hải và thực thi pháp luật hàng hải, bao gồm đào tạo, chuyển giao công nghệ và tặng tàu tuần tra biển. Cả hai đều có chung lợi ích để duy trì tự do hàng hải”, GS. Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales ở Australia, nhận định với VOA.

Tuy nhiên theo ông, “điều bất lợi chính là việc hợp tác hàng hải Nhật Bản-Việt Nam có thể bị Bắc Kinh xem là bắt tay chống lại Trung Quốc, và do đó có thể dẫn tới các biện pháp trừng phạt”. 

Mặc dù vậy, GS. Thayer cho rằng cả Nhật Bản và Việt Nam đều thành thạo trong việc quản lý mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Mặt khác, Việt Nam là thành viên của ASEAN và khối này có cơ chế cộng 3 để giải quyết các vấn đề về kinh tế với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bên cạnh Nhật Bản, Việt Nam trong những năm qua cũng đẩy mạnh việc hợp tác với Philippines, một đồng minh lâu năm khác của Mỹ trong khu vực.

Kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên nắm quyền vào năm ngoái, Philippines bắt đầu có những động thái cương quyết hơn đối với Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi của mình trên biển. Giữa bối cảnh thuận lợi này, theo TS. Hà Hoàng Hợp, “đương nhiên Việt Nam sẽ tranh thủ mối quan hệ cả về kiến thức cũng như vị thế của Philippines để làm sao thúc đẩy được lợi ích cũng như lợi thế của cả hai bên”.

“Việc có một chính phủ Philippines đứng lên bảo vệ chính mình có lợi cho Hà Nội vì cách duy nhất để đẩy lùi thành công sự cưỡng ép của Trung Quốc là tham gia vào liên minh các quốc gia có cùng chí hướng”, chuyên gia Poling của CSIS nhận định thêm với VOA.

https://www.voatiengviet.com

Comments are closed.